Hội chứng hysteria (Cuồng loạn): Nguyên nhân, cách ngăn chặn

Hội chứng hysteria hay còn gọi là hội chứng cuồng loạn được đặc trưng bằng trạng thái la hét, kích động, gào thét, giãy dụa của người bệnh không thể kiểm soát được. Các trạng thái này có xu hướng diễn ra một cách đột ngột, thậm chí có xu hướng lây lan và diễn ra tập thể. Căng thẳng trong tâm trí, uất ức, tâm lý nhạy cảm được cho là một trong những yếu tố có liên quan đến căn bệnh này.

Hội chứng hysteria là gì?

Hội chứng hysteria là một dạng rối loạn phân ly là một trạng thái của tâm thức được biểu hiện bằng tình trạng kích động, quá khích, la hết, dãy dụa được xuất hiện một cách đột ngột. Căn bệnh lạ này có xu hướng gặp nhiều hơn ở phụ nữ, đặc biệt trong nhóm 18 – 25 tuổi. Các triệu chứng này có thể chỉ xuất hiện trong một khoảng thời gian ngắn nhưng xuất hiện lại nhiều lần làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống.

Hội chứng hysteria
Hội chứng hysteria đã xuất hiện từ thời Trung cổ nhưng đến nay vẫn còn ẩn chứa rất nhiều điều bí ẩn

Đặc biệt, hội chứng hysteria còn có rất nhiều tên gọi khác như hội chứng cuồng loạn, chứng ictêri, women hysteria hay còn được gọi với hai cái tên rất đặc biệt là “bệnh tử cung” hay “bệnh thiếu hơi trai”. Bởi trước đây căn bệnh này hầu hết chỉ xảy ra ở phụ nữ trẻ tuổi, đặc biệt những nơi có đông phụ nữ và cũng có xu hướng lây lan và diễn ra tập thể khiến rất nhiều người khi chưa được phổ cập thường có những nhận thức sai về căn bệnh này.

Hiện nay hội chứng cuồng loạn đã được tổ chức y tế thế giới sử dụng với thuật ngữ “rối loạn phân li” để phân loại trong loại danh sách bệnh Quốc tế lần thứ 10 (ICD – 10F) để thay thế cụm từ “hysteria”. Tuy nhiên do thuật ngữ hysteria vẫn được phổ biến hơn ở một số nơi cho dù những ý nghĩa có liên quan đến cụm từ này đã được bác bỏ hoàn toàn.

Chẳng hạn ở thời chiến tranh thì bệnh thường xuất hiện ở những nơi  đông các nữ thanh niên xung phong đóng quân. Hoặc hiện nay, bệnh thường xuất hiện ở những trường trung học phổ thông, trung học cơ sở. Có những trường hợp sau khi một học sinh nữ la hét và ngất xỉu thì đồng loạt hàng chục học sinh khác có các biểu hiện tương tự, ngất xỉu tập thể như hiệu ứng domino.

Một số thông tin về lịch sử phát hiện, nghiên cứu và các sự kiện nổi bật về các sự kiện hysteria tập thể như sau

  • Trong các văn tự thời cổ đại vào khoảng 2000 năm trước Công nguyên đã đề cập đến các thông tin về chứng hysteria
  • Vào thời Trung cổ,  tại các tu viện Cơ đốc ở Pháp, một vài nữ tu sĩ bắt đầu phát ra các âm thanh kỳ lạ như tiếng mèo kêu, sau đó lan ra toàn tụ viện. Chính quyền buộc phải cử binh sĩ đến kiểm soát bằng cách đánh các nữ tu sĩ bằng roi da cho đến khi họ hứa chấm dứt các âm thanh đáng sợ này.
  • Tại  Aachen (Đức) vào ngày 24/6/1374 bùng phát “dịch nhảy” khiến hàng ngàn người nhảy nhót điên cuồng giữa phố kéo dài hàng chục giờ đồng hồ, từ ngày này qua ngày khác khiến nhiều người tử vong vì kiệt sức và đột quỵ. Dịch nhảy này còn xuất hiện ở cả Ý, Bỉ, Pháp, Đức, Hà Lan và Thụy Sỹ.
  • Sự kiện cuồng loạn tập thể xảy ra tại Salem, bang Massachusetts, Mỹ, năm 1692 được coi là một trong những trường hợp Hysteria ám ảnh nhất bởi bỗng nhiên hàng chục cô gái trẻ không bệnh tật trở nên la hét hoảng loạn, co giật, méo mó mặt mà không thể kiểm soát được.
  • Vào 4/10/2004, tại Trường phổ thông Nguyễn Hiền (phường Hòa Cường, quận Hải Châu, Tp. Đà Nẵng) cũng xảy ra một trường hợp hysteria tập thể khi mà hàng loạt học sinh xảy ra tình trạng ngất xỉu và bất động hoàn toàn..

Triệu chứng hội chứng hysteria

Các triệu chứng hội chứng hysteria cực kỳ đa dạng, có xu hướng xảy ra một cách đột ngột và không thể kiểm soát được. Đặc điểm chung của các rối loạn phân li là trạng thái tăng cảm xúc (do vỏ não bị suy yếu) và tăng tính ám thị (do tập trung vào các kích thích vỏ não). Các trạng thái này có thể kéo dài ít nhất từ 15 – 20 phút nhưng cũng có thể kéo dài hàng giờ hoặc hàng ngày nếu không được kiểm soát.

Hội chứng hysteria
Hội chứng hysteria có xu hướng diễn ra tập thể, trong đó mọi người có xu hướng la hét, kích động, ngất xỉu không thể kiểm soát được

Thực tế các triệu chứng của căn bệnh này rất giống với động kinh nên rất dễ bị nhầm lẫn. Mặt khác những phản ứng kích thích hay đau đớn của người bệnh không phải do họ giả bộ mà do cảm xúc vô thức chi phối. Đặc trưng giúp phân biệt hội chứng hysteria và động kinh chính là chứng cuồng loạn có thể lây lan cảm xúc đến những người xung quanh, tạo ra hiệu ứng hàng loạt.

Các triệu chứng cơ thể và thần kinh

Các triệu chứng trên cơ thể và thần kinh được biểu hiện một cách rõ ràng, mạnh mẽ, người bệnh dường như có một sức mạnh khủng khiếp mà không nếu chỉ có một người sẽ khó kiểm soát được. Chẳng hạn

  • Cơn hysteria: Lên cơn co giật, run rẩy và ngất xỉu, chân tay vùng vẫy, uốn cong người, gào thét, thậm chí có các hành vi như bứt tóc, xé quần áo, tự đánh vào mình…Đặc biệt cơn hysteria có xu hướng chỉ xuất hiện khi xung quanh có người, ít xảy ra khi ngủ, cơn có thể kéo dài từ 15 phút đến 1 giờ hoặc dài hơn.
  • Liệt chân tay: không giống với các tình trạng liệt bình thường do các nguyên nhân tác động bên ngoài. Liệt do Hysteria thường gây liệt nửa người, liệt hạn chế ở chân và tay, chẳng hạn như người bệnh vừa đi vừa lết một chân hoặc rơi vào trạng thái không thể đứng lên được. Tuy nhiên nếu kiểm tra sẽ thấy không ảnh hưởng đến các dây thần kinh sọ não hay tổn thương bó tháp thần kinh, không bị rối loạn cơ tròn.
  • Rối loạn phát âm: với các biển hiện như không nói, nói lắp, nói khó, rối loạn ngôn ngữ…nhưng khi kiểm tra thì dây thanh âm, hầu, họng, lưỡi vẫn hoạt động hoàn toàn bình thường.
  • Rối loạn giác quan: mù, điếc, mất vị giác, khứu giác.. hội chứng hysteria có thể gây mù đột ngột tuy nhiên nếu thực hiện thăm khám chuyên môn sẽ thấy đáy mắt vẫn thấy bình thường, đồng tử mắt còn phản xạ nhạy với ánh sáng còn tốt và linh hoạt trong chuyển động. Tương tự, điếc đột ngột ở bệnh nhân hysteria nhưng khi kiểm tra vẫn thấy tai nhạy cảm với tiếng động.
  • Các rối loạn cảm giác: có xu hướng bị mất hay giảm cảm giác đau hoặc tăng cảm giác đau, tuy nhiên hầu hết bệnh nhân không nhắc về vấn đề này trừ khi đi khám và được hỏi. Vị trí nơi mất cảm giác này thường không nằm trong khu vực phân phối của rễ và dây thần kinh cảm giác, thậm chí vùng mất cảm giác còn nằm ngay bên cạnh vùng còn nguyên cảm giác hoặc cũng có thể tự di chuyển vị trí rất phức tạp. Ngoài ra bệnh nhân cũng có thể bị tăng cảm giác giác đau như bị đau dạ dày, viêm ruột thừa, đau dạ dày, đau cơ hay đau tim..
  • Các rối loạn thực vật nội tạng: xuất hiện thành từng cơn, được biểu hiện như cơn lạnh  run, đau quặn bụng, đau vùng tim, cảm giác khó thở hay khó nuốt., nôn do co thắt môn vị. Người bệnh cũng có cảm giác như đang có một cục gì đó lăn từ bụng đến họng cực kỳ khó chịu.

Các triệu chứng tinh thần

Các triệu chứng được biểu hiện về mặt tinh thần của hội chứng hysteria cũng cực kỳ đa dạng, thường có liên quan đến các rối loạn tâm thần như quên phân ly, trốn nhà, rối loạn cảm xúc và rối loạn tư duy. Cụ thể

  • Các cơn quên phân ly: xuất hiện sau các cơn hysteria khiến người bệnh không nhớ được các hành vi trước đó, trở nên mơ hồ, trống rỗng. Chứng quên có thể thay đổi từng ngày tùy theo các tiếp xúc khác nhau.
  • Cơn trốn nhà phân ly: người bệnh có thể lên cơn bỏ nhà, bỏ cơ quan ra đi có mục đích nhưng các hoạt động cá nhân hay các mối quan hệ với những người xung quanh hoàn toàn vẫn được giữ nguyên. Việc trốn đi để thực hiện các chuyến đi cá nhân đã biết trước điểm đến (chứ không phải đi trong vô định) có thể kéo dài vào ngày hoặc trong thời gian dài.
  • Cơn rối loạn cảm xúc phân ly: người mắc hội chứng hysteria thường cảm xúc không ổn định, khóc cười khó đoán, la hét dữ dội, nhạy cảm quá mức trước các kích thích bên ngoài đồng thời rất dễ lây cảm xúc của người khác. Ngoài ra những người này cũng cũng có xu hướng dùng lời nói trầm bổng quá mức để kể chuyện hay miêu tả về cảm xúc của bản thân.
  • Rối loạn tư duy phân li: với xu hướng kịch tích hóa về mọi thứ, ca ngợi bản thân, tư duy cụ thể, quá khích, sử dụng giọng nói mang màu sắc cảm xúc, nông cạn hoặc thiếu logic. Họ thường tạo sự chú ý về bản thân bằng những hành động có tính chất khiêu khích, phô trương, bịa chuyện thường nói về bản thân, khêu gợi sự chú ý của người khác về bản thân mình, tưởng tượng phong  phú, thích phô trương kèm theo tác phong giàu kịch tính.
  • Rối loạn ngôn ngữ phân li: câm, không nói được hoặc phải dùng cách viết để diễn tả cảm xúc của mình. Một số người mắc hội chứng hysteria cũng có thể gặp tình trạng nói lắp phân li.

Nguyên nhân hội chứng hysteria

Hội chứng hysteria có lẽ là căn bệnh “bị hiểu lầm” nghiêm trọng nhất. Do bệnh chủ yếu xảy ra ở phụ nữ trẻ hay những nơi đông nữ giới nên trước đây nó bị cho là “bệnh thiếu hơi trai”. Thuật ngữ  “hysteria” cũng được đặt tên dựa trên tiếng Hy Lạp, có nghĩa nghĩa là “dạ con” hay “tử cung”. Thậm chí đến giữa thế kỷ 19, hysteria vẫn bị cho là có liên quan đến rối loạn chức năng tình dục.

Thực tế thì vào thời cổ đại, người ta có một niềm tin cho rằng tử cung của phụ nữ có thể “lang thang” trong cơ thể, thậm chí di chuyển đến các cơ quan nội tạng khác. Trong những năm 2000 trước công nguyên, luận điểm của nhà triết học Platon lại cho rằng tử cung của người phụ nữ do “đau khổ” nếu không “được” mang thai, được làm mẹ nên chúng mới đi “lang thang” khắp cơ thể như vậy.

Hội chứng hysteria
Sau nhiều năm có những đánh giá sai lệch, Hội chứng hysteria đã được chứng minh có liên quan đến những căng thẳng, stress, tiêu cực trong tâm lý

Vô vàn các giả thuyết được đặt ra cho căn nguyên căn bệnh này chẳng hạn như do ma quỷ ám, do lời nguyền của phù thủy, do bị đoạt trí.. Các nghi vấn này đã được đưa ra từ thời cổ đại bởi lúc này nên khoa học chưa phát triển nên với các triệu chứng bất thường kích động, nói năng lung tung, nhảy múa la hét như vậy con người thường có xu hướng đổ cho yếu tố tâm linh.

Mãi cho đến cuối thế kỷ, học thuyết Freud được ra đời, trong đó các nhà khoa học đã cho rằng hội chứng hysteria được hình thành bởi các vấn đề  tạo nên những rối loạn từ chấn thương tâm lý và cơ chế bảo vệ vô thức của cơ thể để bảo vệ bản thân khỏi các chấn thương này. Hysteria một trạng thái của tâm thức khi vỏ não bị suy yếu và bản thân người đó không thể chịu đựng được. Các ám thị được hình thành do các cảm xúc căng thẳng và lo sợ cũng chính là các yếu tố gây ra phản ứng dây chuyền tập thể.

Ngày nay các nhà khoa học cũng đã thống nhất rằng bệnh tâm căn Hysteria phát sinh ở những bệnh nhân có thần kinh yếu, kém linh hoạt, thiếu sự cân bằng. Điều này có thể ảnh hưởng từ môi trường sống, cách giáo dục. Rất ít trường hợp bệnh nhân có những bất thường trong não bộ mà chủ yếu đều có liên quan đến những tác động ngoài môi trường gây áp lực.

Thực tế đã chứng minh các nhận định này của các nhà khoa học hoàn toàn chính xác bởi bệnh nhân Hysteria đa phần đều là những người bị sang chấn tâm lý hoặc đang sống trong stress căng thẳng trong thời gian dài, không có thời gian nghỉ ngơi, thiếu ngủ hay người có nỗi bi quan, uất ức lớn không thể giải tỏa. Bởi thế mà tỷ lệ học sinh, sinh viên đang trong giai đoạn căng thẳng, thi cử cuối cấp thường rất dễ rơi vào trạng thái này.

Lý do bệnh có xu hướng xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn thì do nữ giới, đặc biệt là những người trẻ thường có tâm lý cực kỳ nhạy cảm, yếu đuối, chưa biết cách đối diện với áp lực nên những cảm xúc tiêu cực dễ bị dồn nén khi mà họ cảm thấy bản thân không thể chịu đựng được nữa sẽ bùng phát hội chứng hysteria.

Thực tế thì hội chứng hysteria vẫn chưa thể khai thác hết mọi bí ẩn về căn nguyên gây bệnh, đặc biệt về nguyên nhân bệnh có xu hướng lây lan trên tập thể trong diện rộng như thế. Tuy nhiên chắc chắn rằng, hội chứng cuồng loạt xuất phát từ các vấn đề tâm lý và bị ảnh hưởng từ chính những điều tiêu cực bên ngoài.

Hướng điều trị hội chứng hysteria

Để xác định chính xác bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện một số kiểm tra để loại bỏ các nguyên nhân như động kinh, tụt canxi máu, hạ đường huyết…Thực tế vẫn có rất nhiều trường hợp khám ở các bệnh viện nhỏ và không có đủ chuyên môn dẫn tới nhầm lẫn giữa các bệnh này khiến việc điều trị sai lầm và làm các triệu chứng cũng có xu hướng tái phát nhiều hơn.

Các biện pháp điều trị cổ đại

Ảnh hưởng từ các tư tưởng cho rằng hội chứng hysteria là chứng thiếu hơi trai, do tử cung “chạy lung tung” khiến những người trong thời cổ đại có rất nhiều cách chữa bệnh kỳ dị. Một số ý kiến cho rằng người phụ nữ phải quan hệ, phải lấy chồng, phải sinh con để cố định tử cung, như thế triệu chứng này sẽ khỏi.

Hội chứng hysteria
Biện pháp xoa bóp vùng chậu cho những bệnh nhân được cho là “thiếu hơi trai”

Tuy nhiên, liệu pháp “xoa bóp vùng chậu” mới chính là phương pháp được ứng dụng trong suốt những năm 1800, cho dù khá kỳ dị, phi lý nhưng nó lại được áp dụng một cách cực kỳ nghiêm túc, thậm chí có mặt trong các cuốn sách chuyên khảo về tâm lý y học thời bấy giờ mà không bị ai phản đối. Điểm quan trọng nhất của liệu pháp này chính là người thực hiện phải là các bác sĩ nam.

Theo đó, để thực hiện liệu pháp “xoa bóp vùng chậu” thì bác sĩ sẽ dùng tay để kích thích âm vật thông nhằm mục đích đưa tử cung trở về vị trí ban đầu. Trong mô tả, những người bệnh sẽ rơi vào trạng thái “hysterical paroxysm” (tạm dịch: cơn cuồng loạn kịch phát) với các biểu hiện như đỏ bừng mặt, người nóng lên, cơ thể lâng lâng nhẹ bẫng giống như đang trong cơn cực khoái (orgasm) khi giao hợp. Đây chính là trạng thái cho thấy việc điều trị đã “thành công”.

Có những thời điểm các bác sĩ phải làm việc đến mức “mỏi nhừ và co cứng” cả hai bàn tay do lượng bệnh nhân quá lớn, đặc biệt vào thời điểm khi mà người ta cho rằng phụ nữ nói tục, khiêu dâm, dâm đãng là biểu hiện của hội chứng hysteria. Phương pháp này vẫn được duy trì cho tới giữa thế kỷ XIX khi mà phương pháp “thủy trị liệu” được ra đời.

Nhằm “bảo vệ” đôi bàn tay cho bác sĩ nam mà phương “Thủy trị liệu” hay trị liệu bằng nước đã xuất hiện tại Pháp. Cơ chế của phương pháp này cực kỳ đơn giản, người ta sẽ lắp các vòi nước có công suất phù hợp để xịt vào vùng đùi và bộ phận sinh dục ngoài của phụ nữ. Phương pháp này có thể kích thích trạng thái  “hysterical paroxysm” chỉ trong vòng 4 phút. Các thiết bị được lắp đặt tại nhà tắm hoặc các Spa để người bệnh có thể tự đến sử dụng.

Máy mát-xa rung (vibrating massager) cũng là thiết bị được nghiên cứu bởi George Taylor vài cuối thế kỷ XIX dành cho những bệnh nhân “thiếu hơi trai” và được đặt tên “Manipulator”. Theo đó, người ta sẽ làm một chiếc bàn đệm có khoét lỗ ở giữa, trong đó đặt một quả cầu có chức năng rung. Người bệnh sẽ ngồi lên chiếc bàn này để quả cầu này massage cho vùng đùi, chậu và bộ phận sinh dục ngoài cho đến khi đạt được trạng thái “hysterical paroxysm”.

Hội chứng hysteria
Máy rung được các quý bà cực kỳ yêu thích sử dụng trong thời trung đại

Thiết kế của George Taylor  được cho là bản hoàn chỉnh hơn của chiếc máy do bác sĩ Mortimer Granville thực hiện năm 1880 nhưng được chạy bằng pin. Thậm chí bác sĩ George Taylor còn được cấp bằng sáng chế và được những người phụ nữ giàu có cực kỳ yêu thích, mua sẵn về nhà dùng để phòng ngừa các cơn Hysteria. Ngoài ra, chiếc máy đặc biệt này còn được ứng dụng cho người mắc chứng táo bón, viêm khớp, mỏi cơ.

Thực tế trong thời điểm các thiết bị này chưa ra đời, người mắc hội chứng hysteria thường bị ép buộc đưa vào bệnh viện tâm thần và bác sĩ sẽ ép bệnh nhân phải quan hệ tình dục, mang thai. Dùng dầu thảo dược để kích thích âm đạo để “neo” tử cung về vị trí cũng là biện pháp được áp dụng. Nghiêm trọng hơn, thậm chí nhiều người còn bị ép buộc cắt bỏ tử cung vô cứ để không cho cơ quan này “chạy lung tung”.

May mắn với sự ra đời của học thuyết S. Freud mà các phương pháp này đều đã được loại bỏ. Dù vậy vẫn có không ít người cho rằng hội chứng hysteria là “thiếu hơi trai” và trêu ghẹo người bệnh khiến họ càng rơi vào trạng thái căng thẳng, stress nhiều hơn.

Các phương pháp điều trị hiện đại

Hội chứng hysteria xuất phát từ các vấn đề trong tâm căn, do đó làm sao để loại bỏ những căn nguyên gây bệnh này chính là hướng điều trị chính được hướng tới. Hầu hết người bệnh đều được áp dụng các biện pháp tâm lý để giải tỏa tinh thần, ngoài ra dùng thuốc cùng một số biện pháp hỗ trợ khác cũng mang đến nhiều hiệu quả tốt cho bệnh nhân để giải tỏa sự bí bách.

Với các trường hợp có co giật được đưa vào cấp cứu, bác sĩ có thể yêu cầu truyền dịch pha canxi hoặc kali nhằm cắt tình trạng co giật. May mắn ở hầu hết các bệnh nhân cuồng loạn chính là trong trạng thái co giật nhưng hầu như không gây ra tình trạng cắn lưỡi, tuy nhiên vẫn cần đưa người bệnh đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Hội chứng hysteria
Thôi miên ám thị đang là liệu pháp chính được hướng đến cho bệnh nhân cuồng loạn

Người bệnh thường được yêu cầu dành thời gian để thư giãn, nghỉ ngơi, loại bỏ mọi căng thẳng. Nhà trị liệu thường áp dụng các biện pháp như liệu pháp ám thị hay thôi miên để giải tỏa tâm lý cho người bệnh. Liệu pháp ám thị trong giấc ngủ thôi miên cũng được nhiều nhà trị liệu lựa chọn để ức chế không hoàn toàn vỏ não, nghĩa là dùi bệnh nhân đang rơi vào trạng thái ngủ nhưng trong não vẫn còn tiềm thức, thông qua đó sẽ đưa ám thị đến để cản tỉnh,d đánh thức nhận thức của người bệnh.

Nhà trị liệu cũng là người hướng dẫn người bệnh cách kiểm soát cảm xúc, giải phóng tiêu cực, đối diện với căng thẳng stress.Trong suốt quá trình này, chuyên gia tâm lý cần tránh tỏ thái độ coi thường, hắt hủi hay chế giễu người bệnh, tuy nhiên cũng không nên tỏ ra quá chiều chuộng hay lo lắng, kiểm soát thân chủ quá mức.

Một số biện pháp khác cũng có thể áp dụng cho người mắc hội chứng hysteria như châm cứu, bấm huyệt, điện châm, xoa bóp hay các liệu pháp hướng đến vận động để thư giãn tinh thần. Dùng các loại thuốc như thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm cũng mang đến cho bệnh nhân nhiều lợi ích nhưng cần đảm bảo có chỉ định từ bác sĩ, không được tự ý sử dụng.

Bác sĩ cũng sẽ yêu cầu mỗi bệnh nhân cần duy trì lối sống khoa học, gặp gỡ nhà trị liệu, sử dụng chế độ dinh dưỡng lành mạnh với nhiều sữa và ngũ cốc để ngăn ngừa nguy cơ bệnh tái phát trở lại. Bệnh nhân đáp ứng tốt với các liệu pháp tâm lý thường phục hồi khá nhanh, khả năng nhận thức và điều chỉnh các hành vi cũng tốt hơn nên có thể tránh xa căng thẳng, stress trong thời gian tương lai.

Hướng ngăn chặn và phòng tránh hội chứng hysteria

Như đã nói, hội chứng hysteria xuất phát từ các yếu tố tâm lý, căng thẳng, sang chấn.. Do đó việc xây dựng một lối sống lành mạnh, tích cực, lạc quan, biết xoa dịu và loại bỏ căng thẳng chính là biện pháp hàng đầu để phòng tránh rối loạn phân ly cùng rất nhiều các vấn đề tâm lý – tâm thần nguy hiểm khác.

Hội chứng hysteria
Giữ tinh thần thư giãn, thả lỏng sẽ giúp phòng tránh nguy cơ cuồng loạn hiệu quả

Cụ thể, một số biện pháp hàng đầu giúp phòng tránh hội chứng hysteria như sau

  • Cân bằng thời gian làm việc và học tập hợp lý, luôn dành thời gian cho tâm trí được nghỉ ngơi
  • Đảm bảo ngủ đủ giấc mỗi ngày bởi thiếu ngủ chính là nguyên nhân hàng đầu gây stress căng thẳng
  • Tránh xa bia rượu, đồ uống có cồn, thuốc lá, chất kích thích
  • Tăng cường chế độ ăn nhiều sữa cùng các thực phẩm lành mạnh như rau xanh và các loại trái cây sẽ mang đến nhiều lợi ích cho mỗi người, đặc biệt là bệnh nhân hysteria trong quá trình hồi phục
  • Dành thời gian luyện tập thể dục thể thao hằng ngày, ngoài ra thiền và yoga cũng thường mang đến rất nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe và tâm trí
  • Giải tỏa căng thẳng thông qua các biện pháp như trò chuyện, viết lách, nghe nhạc, tập thể dục…
  • Học cách suy nghĩ tích cực, luôn nhìn nhận vấn đề một cách lạc quan, hướng về tương lai phía trước
  • Mỗi bậc phụ huynh cũng cần hướng dẫn con em các tự lập, rèn luyện nhân cách mạnh mẽ, không bị phụ thuộc, không khuất phục trước những khó khăn hay chịu đựng được gian khổ
  • Nhà trường cũng cần đẩy mạnh công tác làm tư tưởng, tuyên truyền  giáo dục sức khỏe, phổ biến các phương pháp giúp nâng cao sức khỏe tinh thần để mỗi học sinh đều có thể hiểu hơn và áp dụng.

Hội chứng hysteria vẫn còn có vô vàn bí ẩn chưa thể giải đáp hết khiến cho những trường hợp cuồng loạn tập thể vẫn diễn ra đâu đó, đặc biệt tại các môi trường nhiều áp lực. Bản thân mỗi người cần tự xây dựng cho mình lối sống lành mạnh, lạc quan, yêu thương bản thân, tránh xa tiêu cực để phòng tránh căn bệnh này cũng như rất nhiều vấn đề tâm lý – tâm thần liên quan khác.

Có thể bạn quan tâm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *