Hội chứng khó học toán (Dyscalculia): Biểu hiện và cách khắc phục

Hội chứng khó học toán – Dyscalculia nghe thì có vẻ lạ nhưng lại hoàn toàn có thật và ảnh hưởng đến 6% dân số trên toàn thế giới, tương đương với khoảng 42 triệu người. Việc điều trị và phòng chống căn bệnh này vẫn còn mang nhiều bất cập, dẫn đến rất nhiều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, công việc của người bệnh.

Hội chứng khó học toán (Dyscalculia) là gì?

Hội chứng khó học toán hay còn được gọi là hội chứng khó tính ( tính toán) có tên khoa học là Dyscalculia mô tả sự khó khăn của một người trong việc học đếm những con số, tính toán, phân biệt lớn/ nhỏ hay khác nhau. Đây là một dạng rối loạn phát triển cụ thể, tuy không phổ biến bằng chứng khó đọc nhưng vẫn ảnh hưởng đến hơn 6% dân số trên toàn thế giới.

Hội chứng khó học toán
Thuật ngữ Dyscalculia dùng để mô tả những người gặp khó khăn trong việc ghi nhớ nhưng con số, tính toán cơ bản hay mọi vấn đề liên quan đến toán học

Các nghiên cứu về chứng bệnh này cũng chưa quá nhiều nên chưa thể khẳng định bệnh xuất hiện nhiều hơn ở nam hay nữ. Bệnh có thể bắt gặp ở cả những người có chỉ số IQ thấp nhưng vẫn có những người có trí thông minh vượt trội mắc phải hội chứng này.

Thuật ngữ “Dyscalculia” được bắt nguồn từ tiếng tiếng Hy Lạp, trong đó “dis” (khó tính) và “culia” (tính toán trung bình) do nhà khoa học Kosc (1974) đưa ra với định nghĩa là “chỉ khó khăn trong hoạt động toán học nhưng không ảnh hưởng đến các lĩnh vực học tập khác”. Đến năm 2001 thuật ngữ này mới chính thức được Bộ Giáo dục và Kỹ năng Vương quốc Anh công nhận và đưa vào sử dụng rộng rãi.

Cần hiểu rằng, Dyscalculia  là một dạng khuyết tật học ảnh có tác động đến trí óc riêng với mảng toán học, con số hay các sự kiện toán học chứ không liên quan đến một nền giáo dục kém hay chậm phát triển trí tuệ. Một số vấn đề được cho là có liên quan đến Hội chứng khó học toán như rối loạn tăng động giảm chú ý ( chiếm đến 1/4 trường hợp) hay chứng khó đọc.

ads chuyên gia tâm lý bùi thị hải yến tư vấn ngay

Triệu chứng hội chứng khó học toán

Các vấn đề của hội chứng khó học toán bao quát trên cả những phép tính căn bản như cộng trừ hay nhìn nhận những con số lớn hơn/ nhỏ hơn hay các khái niệm cơ bản nhưng có liên quan đến số học. Các triệu chứng này sẽ kéo dài đến suốt cuộc đời, kể cả việc điều trị cũng chỉ cải thiện được một phần nào đó, không thể hết hoàn toàn nên dẫn đến rất nhiều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Hội chứng khó học toán
Dyscalculia gây khó khăn trong cả những phép toán đơn giản như cộng, trừ, nhân, chia

Mức độ của Dyscalculia sẽ gia tăng dần theo cấp độ đi học nên thường không theo kịp tốc độ của bạn bè. Rất nhiều phụ huynh không tìm hiểu mà chỉ đơn giản cho rằng con yếu kém về môn toán chứ rất ít người cho rằng đây là một bệnh lý. Vì thế mà rất nhiều trường hợp không được phát hiện và thường có xu hướng nghỉ học sớm.

Cụ thể, một số triệu chứng điển hình của hội chứng khó học toán như

  • Trẻ mầm non không biết đếm hoặc đếm thường bị sót; không nhận biết vật “lớn hơn” và “nhỏ hơn” để xếp theo thứ tự; không biết thực hiện theo yêu cầu nếu liên quan đến các con số; không biết số 7 và chữ “năm” cùng mang một ý nghĩa.
  • Trẻ cấp 1 không tính toán được phép cộng, trừ, nhân, chia dù là cơ bản như 1+1; không biết dùng các phép toán phù hợp;  không hiểu ý nghĩa của “lớn hơn” và “nhỏ hơn”; vẫn tính toán bằng tay thay vì cách tính nhẩm được thầy cô dạy trên lớn.
  • Trẻ cấp hai vẫn chưa hiểu được ý nghĩa, mức độ của các từ như “hàng trăm”, “hàng chục”; không thể làm toán chuyển số hay không thể hiểu ý nghĩa của các con số tỉ lệ, công thức, điểm số. Chẳng hạn như điểm 9 khi thi không thể nhận định được là cao hay thấp.
  • Trẻ cấp 3 không thể làm biểu đồ cột số, không thể làm các bài toán phân tích; không biết cách giải toán theo nhiều cách khác nhau, gặp khó khăn trong chi tiêu hay mua bán do không thể tính toán được số tiền..
  • Có xu hướng dễ nhầm lẫn giữa  8 và 3, 9 và 7, 6 và 9, 5 và 6…
  • Mất rất nhiều thời gian nếu cần làm công việc gì liên quan đến tính toán hay các con số do thường đếm nhầm dù đã thực hiện đi thực hiện lại nhiều lần nhưng vẫn ra kết quả khác nhau
  • Khó khăn trong cả việc nhìn đồng hồ nên thường xuyên chậm trễ, lỡ hẹn
  • Khó khăn trong việc phối hợp giữa không gian và thời gian, sự tương ứng hay khả năng đảo ngược ( thời gian)
  • Hội chứng khó học toán khiến người bệnh không thể ghi nhớ được khái niệm, thứ tự, quy tắc hay công thức. Chẳng hạn khi trông sách nấu ăn ghi công thức là 2 muỗng muối nhưng người đó không thể xác định được 2 muỗng là bao nhiêu
  • Không hiểu được sự kết nối giữa biểu tượng ngữ nghĩa và các ký hiệu
  • Gặp khó khăn trong hiểu các biểu tượng bằng lời (phép tính và trình tự/chuỗi)
  • Khó trong thực hiện phép tính/ chiến lược tính hay lên các lộ trình
  • Khó khi nhớ tên hay khuôn mặt của người khác hoặc có xu hướng thay thế tên bắt đầu bằng cùng một chữ cái.
  • Khó phân biệt trái – phải nên dễ bị lạc đường hoặc có xu hướng phóng quá nhanh, quá chậm do không ước lượng được tốc độ.
  • Với những người đi làm còn gặp khó khăn trong một số vấn đề như sử dụng bảng Excel, biểu đồ, đọc tài liệu, họp.. Chẳng hạn khi đang họp, sếp yêu cầu mở trang tài liệu số 5 thì người này sẽ không thể nào xác định được đó là trang nào.

Nói chung các dấu hiệu của hội chứng khó tính toán cực kỳ đa dạng do ảnh hưởng đến nhiều mặt trong cuộc sống, từ người đi học đến người đi làm hay trong rất nhiều vấn đề khác.

Nguyên nhân hội chứng Dyscalculia

Như đã nói các nghiên cứu về hội chứng khó học toán thực tế chưa quá nhiều, do đó thực tế các nguyên nhân chính xác gây bệnh vẫn chưa hoàn toàn được làm rõ. Theo các chuyên gia nguyên nhân gây ra do không chỉ một mà do rất nhiều hành động cùng nhau và phản hồi của một số bộ phận não bộ.

Hội chứng khó học toán
Những bất thường trong não bộ được cho là có liên quan đến nguyên nhân gây Dyscalculia

Cụ thể theo các chuyên gia, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng khó học toán như

  • Di truyền: thống kê cho thấy nếu trong gia đình có người mắc bệnh thì nguy cơ những người đời sau mắc bệnh cao hơn.
  • Khác biệt trong não bộ: nghiên cứu chỉ ra cấu trúc não bộ hay sự kích hoạt ở vùng não đảm nhiệm việc tính toán, ghi nhớ và lên kế hoạch ở người mắc hội chứng khó học toán  có hình ảnh khác so với những người bình thường.
  • Điều kiện phát triển: Điều này có thể liên quan đến những vấn đề trong thời gian mang thai và sinh nở, chẳng hạn hội chứng rượu bào thai do mẹ uống quá nhiều rượu bia khi mang thai. Ngoài ra trẻ sinh non, thiếu cân cũng làm tăng nguy cơ mắc chứng này.
  • Chấn thương não: chấn thương ở một số bộ phận của não cũng có thể gây dyscalculia, tuy nhiên để thích hợp hơn người ta thường dùng thuật ngũ  acalculia cho trường hợp này.
  • Một số vấn đề khác: trí nhớ ngắn hạn hoặc tâm lý ghét toán, ghét những con số hoặc chịu những áp lực âm ỉ có liên quan đến những con số hay tính toán cũng có thể là nguyên nhân tiềm tàng dẫn tới hội chứng khó học toán. Tuy nhiên nguyên nhân này vẫn chưa hoàn toàn được xác thực.

Hệ lụy từ hội chứng khó tính toán

Các hệ lụy liên quan đến hội chứng khó học toán rất rõ ràng, bởi trong cuộc sống hằng ngày, toán học và các con số là một phạm trù không thể thiếu. Ngay cả việc đơn giản như mua đồ ăn bạn cũng cần biết về các con số hay tính toán để biết số tiền mình tiêu là bao nhiêu. Nếu không thể kiểm soát được vấn đề này sẽ rất dễ bị lừa gạt hoặc thường rơi vào tình trạng khó khăn, thâm hụt tài chính.

Hội chứng khó học toán
Người Dyscalculia rất dễ bị lừa đảo về các vấn đề liên quan đến tiền bạc, tài chính

Cụ thể, một số hệ lụy điển hình từ hội chứng khó học toán đến cuộc sống và cả tương lai của từng người như

  • Toán cũng là một bộ môn quan trọng trong hệ thống giáo dục, vì vậy hội chứng này có thể khiến trẻ không theo kịp bạn bè trên lớp, hay thậm chí là có nguy cơ ở lại lớp.
  • Một số người vì quá sợ toán và không thể theo kịp bạn bè, lại chịu áp lực từ gia đình và nhà trường cũng có xu hướng nghỉ học sớm.
  • Dễ bị bạn bè bắt nạt, coi thường, trêu chọc do không thể hoàn thành được cả các phép tính đơn giản, cơ bản.
  • Tốn nhiều thời gian, công sức vào rất vấn đề tính toán, ghi nhớ thông thường.
  • Thường xuyên bị lạc đường, trễ hẹn làm ảnh hưởng đến công việc hay các mối quan hệ bạn bè.
  • Thiếu các kỹ năng xã hội quan trọng do sợ tính toán.
  • Khó khăn trong việc chăm sóc bản thân, có thể dễ bị lừa gạt, không kiểm soát được tài chính nên thường xuyên thiếu thốn, tài chính không đủ nên rơi vào cuộc sống khó khăn.
  • Khó khăn trong việc tìm kiếm công việc phù hợp, đặc biệt hầu như không làm được các công việc về tính toán, tài chính, lập kế hoạch..
  • Có nguy cơ mắc chứng rối loạn lo âu hay trầm cảm do ám ảnh về những con số và không chia sẻ được cảm xúc với ai.
  • Hạn chế các mối quan hệ do kém trong việc khi nhớ khuôn mặt hay tên gọi.
  • Có thể phải sống phụ thuộc vào gia đình nếu không có hướng phát hiện và điều trị từ giai đoạn sớm

Tuy nhiên như hầu hết đã nói, rối loạn này thường xuất hiện bẩm sinh và bắt đầu được bộc lộ rõ nhất khi con bước vào độ tuổi đi học. Nhiều phụ huynh thường chủ quan chỉ cho rằng con dốt tính toán, không thích môn toán chứ rất ít người cho rằng việc không tính toán được lại là một bệnh tâm thần. Bởi thế các hệ lụy này còn kéo dài hơn, nhất là khi gia đình có xu hướng ép con học quá mức.

Mặt khác nếu hội chứng khó học toán mắc đồng thời với hội chứng khó đọc hay rối loạn tăng động giảm chú ý cũng sẽ gây ra rất nhiều khó khăn trong việc điều trị. Dù vậy thống kê nghiên cứu lại cho thấy có đến 43 – 65% trẻ em khó học toán cũng gặp khó khăn khi đọc.

Chẩn đoán hội chứng khó học toán

Dù không thể điều trị bệnh hoàn toàn nhưng việc phát hiện và can thiệp điều trị từ sớm sẽ mang đến nhiều chuyển biến tích cực giúp nâng cao đời sống cho người Dyscalculia. Phụ huynh ngay khi phát hiện con có các dấu hiệu này cần sớm đưa con đến các chuyên khoa tâm thần – tâm lý để được thăm khám và làm các bài test kiểm tra đầy đủ, qua đó mới có thể chẩn đoán chính xác.

Hội chứng khó học toán
Gia đình cần đưa người bệnh đến các trung tâm về tâm thần để thực hiện các kiểm tra chẩn đoán

Một số công cụ thường dùng trong chẩn đoán hội chứng khó học toán hiện nay như KRT-R, TTA, ECHAS-C, PEDA1C, TEDI-MATH, TEDI-MATH GRANDS, ZAREKI-R, NUMERICAL, UDN-II. Chuyên gia cũng đánh giá thông qua các lĩnh vực như Đếm và đếm số lượng, thao tác logic, đếm và tính toán hay làm bài tập toán..

Như đã nói hiện nay hội chứng khó học toán chưa được nghiên cứu sâu như chứng khó đọc nên không phải bệnh viện nào cũng có đủ các chuyên môn trong chẩn đoán. Gia đình nên đưa con đến các bệnh viện lớn hay các trung tâm dành cho trẻ đặc biệt để được thăm khám chính xác hơn, từ đó mới lên phác đồ điều trị thích hợp nhất cho từng người.

Hướng điều trị hội chứng khó học toán

Tương tự như việc khám sàng lọc hay chẩn đoán, việc điều trị cho người mắc hội chứng khó học toán cũng gặp rất nhiều bất cập. Nếu như người mắc hội chứng khó đọc có thể ứng dụng ngữ âm trị liệu để cải thiện thì người mắc chứng khó tính toán cần phải kiên trì, sử dụng các “mẹo” riêng của bản thân để có thể ghi nhớ và có thể hạn chế tối đa các ảnh hưởng đến cuộc sống.

Sự hỗ trợ về đời sống

Sự hỗ trợ của gia đình, nhà trường cũng rất cần thiết để giảm bớt gánh nặng tâm lý cho người mắc căn bệnh này. Trong đời sống hằng ngày, để tránh những khó khăn liên quan đến con số, chẳng hạn như việc đi chợ, gia đình cần luôn đồng hành để kịp thời nhắc nhở, hỗ trợ, tránh các tình huống không mong muốn xảy ra.

Hội chứng khó học toán
Gia đình nên gặp gỡ và trao đổi với nhà trường về tình trạng của con để tìm hướng hỗ trợ phù hợp

Cụ thể, một số vấn đề giúp ích cho người mắc Dyscalculia như sau

  • Phụ huynh nên trao đổi trực tiếp với nhà trường về tình trạng của con nhằm tìm ra biện pháp phù hợp hỗ trợ, tránh việc con không theo kịp bạn bè hay phải thôi học chỉ vì môn toán. Nhà trường có thể xem xét giảm tải việc học toán hay cho con thêm thời gian làm bài thi, có chế độ học và thi riêng biệt với các trường hợp này vì chắc chắn bé sẽ không theo kịp.
  • Phát huy các thế mạnh của con để bù đắp các khuyết điểm, nâng cao đời sống hiện tại, giúp ích cho con đường tương lai. Chẳng hạn nếu con kém toán mẹ có thể phát triển kỹ năng cho con về văn học, mỹ thuật hay thậm chí là thể thao, những vấn đề không bị ảnh hưởng bởi các con số hay phải tính toán. Thường những trẻ khiếm khuyết về vấn đề này thường có năng lực nổi trội trong lĩnh vực khác, phụ huynh nên dựa vào đó để giúp con trở thành một người có ích cho xã hội.
  • Hướng dẫn người bệnh cách tự bảo vệ mình hoặc tìm sự giúp đỡ khi gặp các vấn đề liên quan đến tính toán mà không có người thân ở bên. Chẳng hạn thay vì thanh toán bằng tiền mặt thì chuyển qua quẹt thẻ khi đi siêu thị.
  • Kiên trì cùng học và giúp con ghi nhớ. Tất nhiên chặng đường này là rất dài nhưng nếu kiên trì cố gắng hơn từng ngày chắc chắn sẽ có thể thu về những “trái ngọt”.
  • Có thể sử dụng giấy note, chuông báo, biển hiệu, phần mềm hay ứng dụng để hỗ trợ khả năng tính toán, ghi nhớ con số của con. Chẳng hạn có thể dùng màu sắc để phân biệt mệnh giá tiền.
  • Luôn cổ vũ, ủng hộ cho sự tiến bộ của con, dù đó là rất nhỏ nhưng cần luôn tạo động lực, ý chí để con quyết tâm tiến về phía trước.
  • Đưa con đến các cơ sở giáo dục chuyên biệt để trao đổi, tìm các môi trường học tập phù hợp hơn.
  • Chia sẻ, lắng nghe, trao đổi với con hằng ngày để hiểu về tâm tư, cảm xúc, suy nghĩ của con.
  • Không nên gây áp lực liên quan đến việc tính toán hay bất cứ vấn đề nào khác.

Hỗ trợ về mặt tâm lý

Gia đình cũng có thể đưa những người mắc hội chứng khó học toán đến các trung tâm tâm lý để được chăm sóc về mặt tinh thần. Điều này cũng cực kỳ cần thiết do những người này thường có những suy nghĩ tiêu cực về bản thân, nhìn nhận sai lệch, thường cảm thấy xấu hổ vì mình thua kém và khác biệt với bạn bè. Áp lực về những con số và cuộc sống hằng ngày, các mối quan hệ sẽ khiến những người bệnh dễ bị stress nặng hay mắc các vấn đề khác như trầm cảm hay rối loạn lo âu.

Hội chứng khó học toán
Trị liệu tâm lý có thể giúp con gia tăng thêm sự tự tin vào chính mình, ngăn ngừa các vấn đề tâm lý khác

Thông qua việc trò chuyện, nhà trị liệu sẽ loại bỏ các tâm lý căng thẳng ở người bệnh, giúp họ hiểu rằng việc không thể nhớ các con số, không thể tính toán nhanh không phải là lỗi của họ, đồng thời thay đổi các nhận thức sai lệch về bản thân để hướng tới các giá trị tích cực hơn. Khi cảm xúc vui vẻ thoải mái hơn, ngủ ngon hơn thì khả năng tập trung, ghi nhớ, xác định không gian thời gian cũng mang đến chuyển biến tốt hơn.

Trị liệu tâm lý có thể giúp người bệnh nhìn nhận tích cực về bản thân, thay vì chỉ nhìn vào khiếm khuyết sẽ tập trung phát triển các thế mạnh khác. Sự tự tin ở bản thân dần được gia tăng, người bệnh dám bước ra khỏi ranh giới an toàn để làm những điều bản thân vẫn hằng mong ước nhưng không dám thực hiện. Điều này có thể mang lại nhiều giá trị tuyệt vời cho cả hiện tại lẫn tương lai người mắc hội chứng khó học toán.

ads chuyên gia tâm lý cao kim thắm
Hội chứng khó học toán sẽ gây ra rất nhiều vấn đề đến cuộc sống, công việc, tinh thần của mỗi người bởi việc tính toán hay các con số luôn có mặt trong mọi mặt của xã hội, đời sống. Kiên trì, sử dụng các mẹo thay thế để ghi nhớ, tìm sự giúp đỡ khi cần thiết là những giải pháp cần thiết để hạn chế tối đa các ảnh hưởng này. Gia đình, xã hội, nhà trường và các cơ quan ban ngành cũng cần chung tay hỗ trợ các đối tượng này để có cuộc sống ổn hơn.

Có thể bạn quan tâm:

4.5/5 - (2 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *