Hội chứng Pica là gì? Triệu chứng và phương pháp điều trị

Hội chứng Pica (Pica Syndrome) là một dạng rối loạn ăn uống tương đối ít gặp. Đặc điểm của hội chứng này là cảm giác thèm ăn và thường xuyên dung nạp những thứ không phải thực phẩm như phấn, đất sét, đinh, ốc vít, tóc,…

hội chứng pica
Hội chứng Pica là dạng rối loạn ăn uống gặp chủ yếu ở trẻ em và phụ nữ mang thai

Hội chứng Pica là gì?

Hội chứng Pica (Pica Syndrome) còn được gọi là hội chứng ăn bậy. Hội chứng này đặc trưng bởi cảm giác thèm ăn những thứ không phải là thực phẩm như đất, cát, mảnh sơn khô, nút áo, xà phòng, đất sét, sơn,… Thậm chí, một số người còn ăn cả những vật nhọn, kim loại, rác thải và những chất độc gây hại cho cơ thể.

Hội chứng Pica là một trong những chứng rối loạn ăn uống đã được công nhận. Theo thống kê, hội chứng này gặp chủ yếu ở trẻ em và phụ nữ mang thai, đặc biệt là những người có các vấn đề về sức khỏe tâm thần như tự kỷ, động kinh, chậm phát triển, tâm thần phân liệt,…

Tương tự như những dạng rối loạn ăn uống khác, các chuyên gia chưa tìm thấy nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng này. Tuy nhiên, một số yếu tố đã được xác định có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh. Hội chứng Pica cần được điều trị sớm để phòng ngừa biến chứng suy dinh dưỡng và sụt cân. Trong trường hợp xấu nhất, bệnh nhân có thể ăn các hóa chất gây độc cho cơ thể dẫn đến tàn tật và tử vong.

Dấu hiệu nhận biết hội chứng Pica (hội chứng ăn bẩn)

Hội chứng Pica có triệu chứng rất rõ ràng. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể che giấu việc ăn những thứ không phải là thực phẩm khiến cho gia đình không thể phát hiện dấu hiệu bất thường. Hội chứng này chỉ được chẩn đoán khi hành động ăn những thứ không phải là thực phẩm diễn ra ít nhất trong vòng 1 tháng.

hội chứng pica ăn đất
Người mắc hội chứng Pica thường có cảm giác thèm ăn những thứ không phải thực phẩm

Các dấu hiệu nhận biết hội chứng Pica:

  • Thường xuyên có hành vi ăn những thứ không phải thực phẩm, trong đó thường gặp nhất là phấn, đất sét, bụi bẩn, đồng xu, quần áo, sợi chỉ, đầu lọc thuốc lá, dây thun, giấy,…
  • Hành vi ăn uống không được khuyến khích về mặt văn hóa và không phù hợp về mặt phát triển. Chẳng hạn một số quốc gia có những món ăn đặc biệt là từ đất nên việc ăn các món ăn này không được xem là hội chứng Pica. Ngoài ra, việc trẻ nhỏ chưa có đủ nhận thức ăn bậy cũng được chấp nhận và không được chẩn đoán là rối loạn ăn uống.
  • Hội chứng ăn bậy chỉ được chẩn đoán ở trẻ từ 18 tháng tuổi. Bởi trẻ ở dưới độ tuổi này chưa có đủ nhận thức để phân biệt đâu là thức ăn và đâu là những vật không thể ăn uống.
  • Nhận thấy trẻ thường xuyên lục lọi đồ đạc để tìm những thứ mà trẻ có cảm giác thèm ăn như phấn, nút áo, các mảng tường bong tróc,…
  • Bố mẹ có thể tìm thấy một số dị vật bên trong phân của trẻ.

Nguyên nhân gây ra hội chứng Pica (chứng ăn bậy)

Như đã đề cập, nguyên nhân gây rối loạn ăn uống nói chung và hội chứng Pica nói riêng chưa được biết rõ. Dù vậy, những nghiên cứu đã được thực hiện phần nào xác định được một số yếu tố gia tăng nguy cơ mắc hội chứng này bao gồm:

nguyên nhân gây ra hội chứng pica
Thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ là một trong những yếu tố gây ra hội chứng Pica
  • Thiếu chất dinh dưỡng: Một số nghiên cứu cho thấy, những người bị thiếu sắt và kẽm thường có nguy cơ mắc hội chứng Pica. Điều này lý giải vì sao một số phụ nữ mang thai bắt đầu có cảm giác thèm những thứ không phải thực phẩm như vật nhọn, đinh, đồng xu,…
  • Chậm phát triển trí tuệ: Từ 18 tháng trở lên, trẻ đã hình thành nhận thức và có thể phân biệt được đâu là thực phẩm và đâu là những thứ không ăn được. Tuy nhiên, với những trẻ chậm phát triển trí tuệ, trẻ không phân biệt được điều này. Do đó, trẻ có thể ăn những thứ không phải thực phẩm.
  • Có vấn đề về sức khỏe tâm thần: Các chuyên gia nhận thấy, đa số người mắc hội chứng Pica đều có vấn đề về tâm lý. Trong đó thường gặp nhất là tự kỷ, tâm thần phân liệt và rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Các chuyên gia cho rằng, hành vi ăn những thứ không phải là thực phẩm có thể là cơ chế đối phó của cơ thể.
  • Nhận thức méo mó về hình thể: Trên thực tế, phần lớn những người bị rối loạn ăn uống đều có thói quen ăn uống cực đoan và méo mó trong quan điểm về cái đẹp. Điều này thôi thúc một số người ăn những thứ không phải thực phẩm để tạo cảm giác no nhưng không gây tăng cân.
  • Do điều kiện sống thấp: Hội chứng Pica phổ biến ở trẻ em có điều kiện sống thấp, thường xuyên bị lạm dụng, nghèo đói và không được chăm sóc sức khỏe.
  • Thay đổi hormone khi mang thai: Hội chứng Pica chủ yếu gặp ở trẻ em và thai phụ. Ngoài nguyên nhân do thiếu sắt và kẽm, các chuyên gia cho rằng, thay đổi hormone trong thai kỳ cũng là yếu tố gây ra hội chứng này. Nội tiết tố thay đổi khi mang thai cũng là điều kiện phát triển các rối loạn tâm lý, tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu,…

Hội chứng Pica (chứng ăn bậy) có nguy hiểm không?

Hầu hết các rối loạn ăn uống đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tâm thần. Hội chứng Pica gây ra nhiều vấn đề sức khỏe do dung nạp những thứ không phải thực phẩm. Những thứ này thường sẽ chứa các chất khó tiêu hóa, ký sinh trùng và thậm chí là độc tố.

Mức độ nguy hiểm của hội chứng Pica sẽ phụ thuộc vào những thứ mà bệnh nhân ăn, uống. Với những thứ vô hại, bệnh nhân chỉ gặp phải tình trạng rối loạn tiêu hóa. Tuy nhiên, nếu những thứ mà người bệnh dung nạp chứa độc tố và ký sinh trùng, các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra như ngộ độc chì, thủy ngân, nghẹt thở, tắc nghẽn đường ruột và nhiễm trùng.

hội chứng ăn bậy có nguy hiểm không?
Bệnh nhân mắc hội chứng ăn bậy phải đối mặt với nhiều biến chứng liên quan đến hệ tiêu hóa như tắc dạ dày, đường ruột

Ngoài ra, hành vi ăn những thứ không phải thực phẩm có thể gây mòn răng, thậm chí là nứt, gãy răng. Phụ nữ mang thai mắc hội chứng Pica thường gặp phải tình trạng suy dinh dưỡng, thai nhi phát triển chậm, nguy cơ bị dị tật bẩm sinh, sinh non và sảy thai.

Nhìn chung, người mắc hội chứng Pica phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe thể chất. Ngoài ra, việc dung nạp những thứ không phải là thức ăn có thể khiến bệnh nhân bị đau bụng dai dẳng. Một số trẻ có thể phản ứng với cơn đau bằng cách tự gây tổn thương cho bản thân, gây hấn, cáu kỉnh và tức giận.

Người mắc hội chứng Pica cũng có nguy cơ cao mắc các rối loạn tâm lý, tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu, mặc cảm ngoại hình,… Ngoài ra, vì hành vi ăn uống kỳ lạ nên bệnh nhân có thể bị cô lập và có xu hướng cách ly xã hội.

May mắn thay, hội chứng này có thể tự thuyên giảm sau vài tháng mà không cần điều trị. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp bệnh kéo dài nhiều năm. Do đó, các bác sĩ vẫn khuyến khích bệnh nhân nên điều trị để tránh những tình huống đáng tiếc.

Chẩn đoán hội chứng Pica (chứng ăn bậy)

Hội chứng Pica đã được công nhận là một rối loạn tâm thần chính thức. Chẩn đoán hội chứng này chủ yếu dựa vào biểu hiện lâm sàng là hành vi ăn những thứ không phải thực phẩm kéo dài ít nhất 1 tháng. Ngoài ra, bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm cơ bản để xác định nguyên nhân và phát hiện biến chứng.

Các bước chẩn đoán hội chứng Pica (hội chứng ăn bậy):

  • Xét nghiệm Hemoglobin nhằm xác định có thiếu máu do thiếu sắt hay không
  • Xét nghiệm định lượng sắt
  • Xét nghiệm xác định nồng độ kẽm trong huyết thanh
  • Xét nghiệm tìm ký sinh trùng
  • Xét nghiệm phân tìm dị vật và phát hiện máu (do xuất huyết tiêu hóa)

Sau khi chẩn đoán, bác sĩ sẽ xem xét các phương pháp điều trị thích hợp. Ngoài các phương pháp y tế, người mắc hội chứng Pica cần sự hỗ trợ đáng kể từ gia đình để có thể vượt qua chứng bệnh này và hình thành thói quen ăn uống lành mạnh hơn.

Các phương pháp điều trị hội chứng Pica

Sau khi chẩn đoán hội chứng Pica, bước đầu tiên bác sĩ thực hiện là xem xét hành vi của bệnh nhân để phát hiện các tình trạng cấp tính (nhiễm độc, dị vật trong dạ dày, tắc ruột). Khi tình trạng cấp tính được kiểm soát (nếu có), bệnh nhân sẽ được chỉ định các phương pháp điều trị.

Các phương pháp được cân nhắc trong điều trị hội chứng Pica:

1. Bổ sung kẽm và sắt

Như đã đề cập, phần lớn bệnh nhân bị hội chứng Pica đều bị thiếu kẽm và sắt. Chính vì vậy, người bệnh sẽ được bổ sung hai loại khoáng chất này nếu xét nghiệm cho thấy nồng độ kẽm, sắt trong huyết thanh thấp.

Ngoài ra, bệnh nhân sẽ được tư vấn chế độ dinh dưỡng phù hợp và có thể sử dụng thêm thực phẩm chức năng nếu có hiện tượng suy dinh dưỡng. Cung cấp đầy đủ dưỡng chất sẽ giúp cải thiện thể trạng và đồng thời làm giảm cảm giác thèm ăn những thứ không phải thực phẩm.

2. Điều trị biến chứng

Hành vi ăn những thứ không phải thực phẩm khiến bệnh nhân mắc hội chứng Pica bị ngộ độc chì. Do đó, một số trường hợp sẽ được chỉ định dùng thuốc uống hoặc thuốc tiêm để thải độc chì. Hiện tại, axit ethylenediaminetetraacetic là loại thuốc thải độc chì được sử dụng phổ biến nhất.

Sau khi dung nạp, axit ethylenediaminetetraacetic sẽ kết hợp với chì tạo thành phức hợp ở bên trong ống tiêu hóa. Hợp chất này sau đó sẽ được thải ra ngoài qua đường tiểu và phân. Tuy nhiên, axit ethylenediaminetetraacetic chỉ có hiệu quả trong trường hợp nhiễm chì mức độ nhẹ. Trường hợp nặng sẽ phải lọc máu và thậm chí là chạy thận nhân tạo.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng sẽ được điều trị táo bón, tiêu chảy, loét dạ dày và nhiễm trùng do hội chứng Pica gây ra. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể phải phẫu thuật do tắc nghẽn ruột và dạ dày.

3. Liệu pháp tâm lý

Các rối loạn ăn uống nói chung và hội chứng ăn bậy nói riêng thường có liên quan đến sức khỏe tâm thần. Ngoài việc bổ sung sắt và kẽm, bác sĩ sẽ cân nhắc trị liệu tâm lý cho một số trường hợp.

điều trị hội chứng pica ăn đất
Liệu pháp tâm lý là phương pháp được cân nhắc cho những bệnh nhân mắc hội chứng ăn bậy

Mục tiêu của liệu pháp tâm lý là giảm các hành vi ăn uống bất thường và hướng bệnh nhân đến chế độ ăn uống lành mạnh. Ngoài ra, phương pháp này cũng giúp bệnh nhân học cách giải tỏa cảm xúc và thay đổi những hành vi tiêu cực.

Hội chứng ăn bẩn thường gặp ở trẻ bị tự kỷ và người có các vấn đề tâm thần. Do đó, trị liệu tâm lý cũng được thực hiện để làm giảm triệu chứng của các rối loạn tâm thần.

4. Điều trị các rối loạn tâm thần đi kèm

Hành vi ăn những thứ không phải thực phẩm có thể là cơ chế đối phó liên quan đến những vấn đề sức khỏe tâm thần. Để thay đổi hành vi ăn uống kỳ lạ, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị các rối loạn tâm thần đi kèm.

Thực tế, đa số các rối loạn tâm thần đều tiến triển mãn tính và gần như không thể chữa trị dứt điểm. Tuy nhiên, tích cực điều trị có thể kiểm soát bệnh, hạn chế hành vi ăn uống bất thường và giúp nâng cao chất lượng của người bệnh.

Khi các rối loạn tâm thần được kiểm soát, hội chứng Pica cũng sẽ thuyên giảm đáng kể. Trong một số trường hợp, hội chứng này có thể tự biến mất trong khoảng vài tháng mà không cần điều trị. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp bệnh kéo dài trong nhiều năm (đặc biệt là ở những bệnh nhân thiểu năng trí tuệ). Vì vậy, can thiệp điều trị là điều cần thiết để kiểm soát bệnh sớm và phòng ngừa những biến chứng nặng nề.

5. Sự hỗ trợ của gia đình

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân mắc hội chứng Pica cần sự hỗ trợ đáng kể từ gia đình. Trên thực tế, một số người ý thức được những hậu quả của hành vi ăn uống bất thường nhưng không thể nào không chế cảm giác thèm ăn. Do đó, gia đình cần đồng hành với người bệnh trong khoảng thời gian này.

Lời khuyên dành cho gia đình có người mắc hội chứng Pica:

  • Nên dọn dẹp những thứ bệnh nhân có thể ăn ra khỏi môi trường sống như phấn, bụi bẩn, đá, đồng xu, các vật nhọn, xà phòng,… Đặc biệt cần chú ý loại bỏ những chất gây ngộ độc như chì, thủy ngân và axit để hạn chế nguy hiểm cho người bệnh.
  • Xây dựng chế độ ăn cân bằng để cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể và giúp người bệnh cải thiện sức khỏe thể chất. Khi chế biến, nên đa dạng thực đơn để kích thích cảm giác thèm ăn. Điều này có thể hạn chế việc người bệnh có cảm giác thèm những thứ không phải là thức ăn như ốc vít, đất sét, phấn,…
  • Không trách móc và chì chiết người bệnh. Thay vào đó, nên động viên bệnh nhân kiên trì điều trị để vượt qua bệnh tật.
  • Theo các chuyên gia tâm lý, gia đình nên có phần thưởng để khích lệ trẻ ăn uống lành mạnh. Hành vi khen thưởng sẽ củng cố thói quen lành mạnh, từ đó giúp trẻ điều chỉnh những hành vi ăn uống bất thường và thay đổi phản ứng tiêu cực với thức ăn.

Hội chứng Pica là một trong những dạng rối loạn ăn uống đã được công nhận. Hội chứng này có thể tự thuyên giảm sau một vài tháng nhưng tiềm ẩn nhiều hậu quả nghiêm trọng. Do đó, gia đình cần chú ý đến biểu hiện của con trẻ và thai phụ để kịp thời can thiệp các biện pháp điều trị.

Tham khảo thêm:

5/5 - (3 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *