Hoang tưởng bị hại: Biểu hiện và những ảnh hưởng gây ra
Người mắc phải chứng hoang tưởng bị hại sẽ luôn có niềm tin mãnh liệt về việc có một ai đó đang rình rập, theo dõi và muốn sát hại họ. Theo đánh giá của các chuyên gia thì đây là một loại hoang tưởng cực kỳ nguy hiểm, không thể tự khỏi nếu không được áp dụng các biện pháp điều trị phù hợp.
Hoang tưởng bị hại là gì?
Rối loạn hoang tưởng là một tình trạng bệnh tâm thần rất phổ biến hiện nay. Căn bệnh này được biểu hiện với nhiều dạng khác nhau như hoang tưởng ghen tuông, hoang tưởng cơ thể, hoang tưởng tự cao, hoang tưởng được yêu và hoang tưởng bị hại. Trong đó, hoang tưởng bị hại được đánh giá là có mức độ nguy hiểm nhất trong tất cả các loại rối loạn hoang tưởng.
Những người mắc phải chứng hoang tưởng này thường tồn tại một niềm tin to lớn rằng có một người hay một thế lực nào đó đang có âm mưu muốn làm hại họ. Bệnh nhân luôn có cảm giác mất an toàn, luôn cho rằng nguy hiểm đang cận kề và họ luôn sống trong trạng thái phòng thủ, nghi ngờ tất cả mọi người xung quanh. Thậm chí có nhiều người hợp còn liên tục yêu cầu các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bảo vệ mình dù thực tế không đúng như những gì họ nghĩ.
Cũng chính vì những suy nghĩ lệch lạc của bản thân nên người bệnh hoang tưởng bị hại luôn cảm thấy nghi ngờ mọi người xung quanh và luôn bảo vệ quan điểm của mình, cho rằng những gì mình nghĩ là hoàn toàn đúng. Thậm chí nhiều người còn cố gắng tìm kiếm các thông tin, bằng chứng, chi tiết để chứng minh rằng suy nghĩ của mình là chính xác.
Mặc dù biết rằng những niềm tin của người bệnh là không đúng với thực tế nhưng không có bất kì ai có thể giải thích và thay đổi được họ. Họ sẽ dành nhiều thời gian để tự bảo vệ chính mình. Họ sẽ luôn đề phòng và qua mắt nhìn của người hoang tưởng bị hại thì tất cả các hành động hết sức bình thường của những người xung quanh đều mang tính chất khiêu khích, nguy hiểm.
Biểu hiện của người bệnh hoang tưởng bị hại
Biểu hiện đặc trưng nhất của người bệnh hoang tưởng bị hại đó chính là trạng thái luôn phòng thủ, nghi ngờ và đề phòng những người xung quanh vì họ luôn cho rằng sẽ có người nào đó đang muốn hãm hại và tấn công mình. Chính vì những suy nghĩ đó mà bệnh nhân luôn cảm thấy căng thẳng, rất dễ bị kích động và gây nên nhiều ảnh hưởng đối với chất lượng cuộc sống hàng ngày.
Cụ thể một số biểu hiện và triệu chứng thường gặp của người bệnh hoang tưởng bị hại như:
1. Tấn công người khác
Như đã chia sẻ ở trên, bệnh nhân hoang tưởng bị hại thường cho rằng có một người nào đó đang muốn hãm hại, đánh đuổi hoặc thậm chí là giết hại họ. Do những sự ảo tưởng của mình nên người bệnh cũng có khi bị nhầm lẫn vật này thành vật khác, từ thân thành kẻ thù.
Trong thực tế đã có không ít các trường hợp người bệnh hoang tưởng bị hại dùng các hung khí nguy hiểm để tấn công, đe dọa người khác bởi họ cho rằng người đó đang có ý đồ xấu với mình. Cũng chính vì thế, bệnh nhân thường mang theo những vật sắt nhọn hoặc hay dùng các đồ vật có tính sát thương nhằm chống trả và tự bảo vệ mình.
Có nhiều người bệnh còn cảm thấy sợ hãi tất cả những người xung quanh, kể cả người thân trong gia đình. Một số khác lại sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng nên luôn muốn tìm cách ẩn nấp, tránh né khỏi những yếu tố tác động từ bên ngoài.
2. Rối loạn cảm xúc và hành vi
Những người mắc chứng hoang tưởng bị hại thường có biểu hiện của rối loạn hành vi và cảm xúc. Chính bản thân người bệnh sẽ tồn tại nhiều cung bậc cảm xúc đan xen lẫn nhau. Có lúc họ sẽ cảm thấy yêu thương cuộc sống xung quanh nhưng cũng có khi lại chán ghét đến tột cùng, thậm chí họ còn xem những người thân bên cạnh là kẻ thù.
Một số trường hợp thường tỏ thái độ thù ghét đối với những người thân trong gia đình, không muốn tiếp xúc hay trò chuyện với bạn bè thân thiết nhưng lại tỏ ra vui vẻ, thân thiện với những người chưa từng quen biết. Hoặc một số người còn có biểu hiện trái ngược như buồn khi ở đám cưới và vui khi ở đám tang. Họ thường nhầm lẫn các sự kiện với nhau nên sẽ có xu hướng biểu hiện cảm xúc trái ngược nhau.
3. Xuất hiện ảo thanh
Một số trường hợp người bệnh hoang tưởng bị hại còn xuất hiện tình trạng ảo thanh. Họ thường nghe thấy những âm thanh, tiếng nói vang lên trong đầu hoặc văng vẳng bên tai, đôi lúc lại phát ra từ bụng. Những âm thanh đó thường mang nội dung tiêu cực, có thể là những lời chửi bới, đe dọa, trách móc, nhạo báng, bình phẩm, truy đuổi, la mắng hoặc ra lệnh cho người bệnh phải làm cái này cái kia.
Ngoài ra, người bệnh còn liên tục có cảm giác rằng người khác đang nói xấu mình, đang quan sát và tìm cách nói xấu mình. Đôi khi họ còn có thể nhầm tưởng và tự suy đoán về những âm thanh, tiếng nói mà mình nghe được từ những người xung quanh. Họ cho rằng mọi người đang bàn tán về mình, đang lên kế hoạch để hãm hại mình.
4. Rối loạn nhịp sinh học
Rối loạn giấc ngủ là một trong các biểu hiện mà hầu hết người bệnh hoang tưởng đều gặp phải. Họ thường xuyên mất ngủ, ngủ không sâu giấc, đảo lộn nhịp sinh học (ngày ngủ, đêm thức), hay mơ gặp ác mộng,…Thậm chí có một số trường hợp, bệnh nhân còn bắt buộc người thân trong gia đình phải sinh hoạt theo giờ giấc của họ, bắt mọi người phải thức khuya cùng mình.
Nếu tình trạng mất ngủ liên tục kéo dài và không được can thiệp kịp thời sẽ khiến người bệnh dần trở nên suy kiệt, cơ thể mệt mỏi, người lờ đờ, không có sức sống, không đảm bảo chế độ ăn uống và không có khả năng tham gia vào bất kì hoạt động nào. Họ thường chỉ ngồi thẩn thờ một chỗ hoặc đôi khi có biểu hiện như đang tập trung cao độ vào một việc gì đó mà không để ý đến mọi người xung quanh.
5. Có biểu hiện giống như ma nhập
Do những suy nghĩ sai lệch bị sát hại cứ xâm chiếm lấy tâm trí của người bệnh nên có khi họ sẽ trở nên “điên loạn”. Nhiều trường hợp người bệnh thường xuyên khóc lóc, nói nhảm, la hét, giãy giụa, gào thét dữ dội nhưng không xác định được cụ thể nguyên nhân.
Có những người xuất hiện các biểu hiện giống như người “cõi trên”, họ liên tục lảm nhảm điều gì đó hoặc óc những dấu hiệu giống như tổ tiên, người đã quá cố mượn xác để phán xét, răng dạy. Theo dân gian thì đây thường được gọi là hiện tượng bị “ma nhập”. Tuy nhiên trong thực tế thì các nhà khoa học cho biết đây là một hiện tượng bệnh lý tâm thần hoang tưởng ở mức độ nặng.
6. Đi lang thang
Khi tình trạng bệnh khởi phát và không được khống chế tốt thì người bệnh sẽ có nhiều xu hướng muốn đi lang thang. Tuy nhiên, họ đi lại nhưng không có bất kì chủ đích nào, đi một cách mơ hồ, vật vờ và có thể lang thang khắp mọi nơi. Nhiều người bệnh chỉ đi trong sự im lặng, họ không nói năng gì, mắt lờ đờ, vô hồn. Tuy nhiên, cũng có người vừa đi vừa la hét, chửi bới như đang quát mắng, chửi nhau với ai đó. Một số người lại vừa đi vừa lảm nhảm trong miệng, nói những thứ vô nghĩa.
7. Dễ giật mình, sợ sệt
Đa số những người bệnh hoang tưởng bị hại có tâm lý rất yếu, họ thường xuyên bị giật mình, luôn sống trong tâm thế lo sợ, hoang mang. Đồng thời họ dễ mất sự tập trung, hay lo lắng, suy nghĩ lung tung về hầu hết các sự việc, sự kiện xảy ra xung quanh.
Thậm chí có nhiều người bệnh còn không dám bước chân ra khỏi nhà, không dám tắm rửa, sinh hoạt, ăn uống vì sợ kẻ thù sẽ hạ độc, sẽ gài bẫy. Trong tình huống bắt buộc phải ra ngoài thì họ sẽ cố gắng che kín mặt mũi, mặc đồ kín đáo, đeo kính râm để tự bảo vệ bản thân, tránh bị người khác phát hiện và có xu hướng đem theo vũ khí để phòng thủ.
Như vậy có thể thấy rằng, những triệu chứng của người bệnh hoang tưởng bị hại rất dễ để nhận biết. Mặt khác cũng rất khó để kiểm soát được căn bệnh này bởi dù bạn có đưa ra bất kì lời giải thích hay các bằng chứng rõ ràng về việc họ hoàn toàn không bị theo dõi, ám sát thì họ vẫn không tin tưởng hoặc thậm chí có nhiều xu hướng muốn nghi ngờ và tránh né bạn. Đồng thời, bệnh nhân còn có xu hướng đi lang thang, không cố định vị trí nên rất khó khăn cho việc tìm kiếm và thuyết phục họ điều trị.
Nguyên nhân dẫn đến hoang tưởng bị hại
Cho đến hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định được cụ thể về nguyên nhân gây ra chứng hoang tưởng bị hại. Tuy nhiên, trong một số nghiên cứu chuyên khoa cũng tìm ra được các yếu tố nguy cơ có thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển căn bệnh nguy hiểm này. Cụ thể như sau:
- Cấu trúc não bộ: Một số chấn thương xảy ra ở bộ não hoặc sự suy giảm hàm lượng chất xám ở thùy thái dương và thùy tráng cũng có thể là yếu tố làm gia tăng nguy cơ làm tiến triển bệnh hoang tưởng bị hại.
- Đột biến gen: Theo chia sẻ của các chuyên gia thì một vài đột biến gen DRD – loại gen chịu trách nhiệm điều hòa các thụ thể receptor hoặc TH – gen điều hòa sản xuất tổng hợp Dopamine cũng có thể dẫn đến hoang tưởng bị hại. Cũng bởi sự biến đổi của 2 gen này có thể làm rối loạn nồng độ Dopamine.
- Tiền sử bệnh lý: Những người đã từng trải qua các giai đoạn bị trầm cảm, tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực hay loạn thần cấp cũng sẽ có khả năng cao phát triển chứng bệnh này.
- Thói quen nghiện rượu bia, sử dụng các chất kích thích trong thời gian kéo dài hoặc do bị ngộ độc.
- Những người có trải nghiệm kinh hoàng ở thời thơ ấu, chẳng hạn như bị hành hạ, bạo lực, bị bắt cóc, bị xâm hại hoặc lạm dụng tình dục.
Hoang tưởng bị hại có nguy hiểm không?
Theo như chia sẻ của các chuyên gia thì hoang tưởng bị hại là một dạng hoang tưởng mang tính chất nguy hiểm nhất. Căn bệnh này thường gặp ở những người bệnh tâm thần phân liệt, nghiện rượu, lạm dụng chất kích thích,…Họ lúc nào cũng ở trong trạng thái không tỉnh táo, không kiểm soát được bản thân, luôn đề phòng và nghi ngờ tất cả mọi người xung quanh.
Theo đó, các bác sĩ chuyên khoa cho biết rằng, hoang tưởng bị hại là một trong những dạng hoang tưởng thường gặp nhất ở các vụ người tâm thần gây án. Trong đó có không ít những vụ cố ý giết người, cố ý gây thương tích, bắt cóc, tra tấn dã man.
ThS. BS Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TPHCM chia sẻ: “Hoang tưởng bị hại có thể gặp ở người tâm thần phân liệt, người loạn thần do lạm dụng rượu, chất kích thích…, đôi khi xuất hiện đơn độc. Họ lúc nào cũng trong tư thế đề phòng, thường ăn mặc kín đáo, đeo kính, khẩu trang như sợ bị theo dõi; hành động lấm lét; nghi ngờ mọi người… Nguy hiểm hơn, họ có thể “ra tay trước”, dẫn đến các vụ án đáng tiếc”.
Đồng thời, bác sĩ còn cho biết thêm, một vài trường hợp người bệnh hoang tưởng bị hại còn có kèm theo triệu chứng ảo thanh hay còn được gọi là hội chứng hoang tưởng ảo giác. Lúc này người bệnh sẽ liên tục nghe thấy tiếng nói, âm thanh vang lên bên tai và thường đó là những lời ra lệnh, thúc giục họ phải thực hiện các hành động nguy hiểm và để lại những hậu quả đáng tiếc.
Một vụ án điển hình của ông L.T.D (45 tuổi) do nghi ngờ rằng hàng xóm muốn hãm hại mình nên đã ra tay trước bằng cách tạt axit vào cả gia đình của họ. Sau quá trình điều tra và giám định tại Trung tâm Giám định Pháp y tâm thần TPHCM nhận thấy ông D mắc chứng tâm thần phân liệt có biểu hiện của hoang tưởng bị hại.
Có thể khẳng định rằng, hoang tưởng bị hại tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và gây ra rất nhiều các ảnh hưởng tiêu cực đối với người bệnh và cả những người xung quanh. Chính vì thế, nếu thấy người thân của mình có các biểu hiện của bệnh thì hãy chủ động đưa ra đến thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt.
Cách điều trị hoang tưởng bị hại hiệu quả
Với những ảnh hưởng nghiêm trọng nêu trên thì người bệnh hoang tưởng bị hại cần phải được thăm khám và điều trị thật sớm để hạn chế được những hệ lụy đáng tiếc. Tùy vào tình trạng và biểu hiện bệnh của mỗi người mà bác sĩ chuyên khoa sẽ tư vấn để đưa ra phương pháp khắc phục phù hợp nhất.
1. Điều trị bằng thuốc
Các loại thuốc chống loạn thần sẽ được sử dụng phổ biến cho các trường hợp bệnh hoang tưởng, trong đó có hoang tưởng bị hại. Người bệnh sẽ được chỉ định dùng các loại thuốc khác nhau với liều lượng khác nhau. Thông thường bệnh nhân sẽ được hướng dẫn dùng thuốc từ 1 đến 6 tháng để nhận thấy kết quả rõ ràng nhất.
Sau khi các triệu chứng hoang tưởng được khống chế tốt thì bệnh nhân sẽ được chuyển sang giai đoạn theo dõi. Người bệnh cần phải tuân thủ đúng theo các chỉ định sử dụng thuốc của bác sĩ chuyên khoa, đảm bảo uống đúng thuốc, đúng liều lượng quy định.
Cũng bởi nếu các loại thuốc chống loạn thần sử dụng với liều lượng cao trong thời gian dài thì có nhiều nguy cơ phát sinh các tác dụng phụ ngoài mong muốn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân. Do đó, trong quá trình điều trị bằng thuốc nếu nhận thấy cơ thể có các triệu chứng bất thường thì người bệnh cần thông báo ngay với bác sĩ điều trị để được hướng dẫn cách khắc phục kịp thời.
2. Trị liệu nguyên nhân, bệnh lý nền
Đối với các trường hợp mắc bệnh hoang tưởng bị hại do kết quả của các căn bệnh nguyên phát như thoái hóa thần kinh, bệnh não do rối loạn chuyển hóa, loạn thần cho dùng rượu bia, lạm dụng các chất gây nghiện thì cần được tiến hành trị liệu tận gốc. Quá trình điều trị nguyên nhân sẽ luôn được ưu tiên trong việc can thiệp điều trị. Cũng bởi khi bệnh nền được kiểm soát và thuyên giảm tốt các triệu chứng hoang tưởng cũng sẽ lần lượt được giảm đi đáng kể.
3. Liệu pháp nhận thức và hành vi
Liệu pháp này được sử dụng phổ biến trong quá trình hỗ trợ điều trị hoang tưởng bị hại với mục đích làm gia tăng hiệu quả của việc dùng thuốc. Thông qua các liệu pháp điều chỉnh nhận thức và hành vi, người bệnh cũng sẽ dần nhận thức rõ hơn về các suy nghĩ, hành động lệch lạc của bản thân và hình thành các phản ứng phù hợp hơn.
Khi họ gặp phải các tình huống gây lo lắng, sợ hãi thì cũng biết cách kiểm soát cảm xúc của bản thân, hạn chế thực hiện những hành vi tiêu cực, gây hại cho mình và những người xung quanh. Các chuyên gia tâm lý cũng sẽ hướng dẫn và trang bị cho người bệnh những kỹ năng cần thiết để đối diện với những nỗi sợ hãi của mình, từ đó giúp họ cân bằng cuộc sống tốt hơn.
Hoang tưởng bị hại là một chứng rối loạn hoang tưởng nguy hiểm nhưng nếu có thể phát hiện và can thiệp ở giai đoạn sớm thì hoàn toàn có thể khắc phục. Hi vọng thông qua bài viết này, bạn đọc sẽ hiểu hơn về căn bệnh hoang tưởng và có biện pháp điều trị thích hợp nhất.
Tham khảo thêm:
- Bệnh hoang tưởng ghen tuông: Triệu chứng và cách chữa trị
- Cách chăm sóc cho bệnh nhân động kinh
- Cách Vượt Qua Rối Loạn Lo Âu Nhờ Chia Sẻ Từ Người Đã Trải
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!