Chứng cuồng ăn Bulimia là gì? Cách chẩn đoán và điều trị
Chứng cuồng ăn Bulimia là một dạng rối loạn ăn uống nghiêm trọng, thậm chí trong một số trường hợp còn đe dọa tính mạng. Tình trạng này đặc trưng bởi các đợt ăn uống vô độ, sau đó là các hành vi cố gắng tránh tăng cân kém lành mạnh như nôn mửa, dùng thuốc nhuận tràng, nhịn ăn,… Cần điều trị càng sớm càng tốt để hạn chế nguy hiểm phát sinh.
Chứng cuồng ăn Bulimia là gì?
Chứng cuồng ăn Bulimia (Bulimia Nervosa) là một chứng rối loạn ăn uống nghiêm trọng, có khả năng đe dọa đến tính mạng. Những người mắc chứng bệnh này có thể ăn một lượng thức ăn lớn mà không kiểm soát được việc ăn uống. Sau đó họ lại cố gắng loại bỏ lượng calo thừa theo cách không lành mạnh để tránh tăng cân. Chứng cuồng ăn Bulimia rất dễ bị nhầm lẫn với rối loạn ăn uống vô độ (Binge Eating Disorder).
Để loại bỏ calo dư thừa và ngăn ngừa tăng cân, những người mắc chứng cuồng ăn có thể sử dụng nhiều phương pháp khác nhau. Chẳng hạn như thường xuyên tự gây nôn, lạm dụng thuốc nhuận tràng hoặc các loại thực phẩm chức năng giảm cân,… Ngoài ra, sau các đợt ăn uống vô độ họ cũng có thể nhịn ăn, ăn kiêng nghiêm ngặt hay tập thể dục quá mức.
Bất cứ ai cũng có thể phát triển chứng cuồng ăn. Nó phổ biến hơn cả ở đối tượng thanh thiếu niên từ 13 đến 17 tuổi, đặc biệt là ở nữ giới. Tuy nhiên, chứng rối loạn này cũng đã được chẩn đoán ở trẻ em dưới 5 tuổi và người cao tuổi. Có khoảng 1 – 4% số người sẽ bị chứng cuồng ăn đôi khi trong suốt cuộc đời của họ.
Một người mắc chứng cuồng ăn Bulimia có thể luôn bận tâm về cân nặng và hình dáng cơ thể của bản thân. Họ có thể tự đánh giá mình một cách rất nghiêm khắc vì những khuyết điểm mà họ nhận thấy. Bởi vì có liên quan tới hình ảnh bản thân nên chứng rối loạn ăn uống này có thể khó khắc phục.
Tuy nhiên, nhiều người mắc chứng cuồng ăn có thể trở nên tốt hơn khi được điều trị sớm. Một số cá nhân cải thiện lúc đầu nhưng sau đó lại tái phát và cần tái điều trị. Thống kê ghi nhận khoảng 50% số người mắc chứng cuồng ăn có thể hồi phục hoàn toàn với phương pháp điều trị thích hợp. Trong khi đó, 30% khác sẽ hồi phục một phần và có khoảng 10 – 20% sẽ phải tiếp tục chiến đấu với các triệu chứng.
Nguyên nhân gây ra chứng cuồng ăn Bulimia
Mặc dù đã trải qua nhiều nghiên cứu nhưng các chuyên gia vẫn chưa biết chính xác lý do vì sao chứng cuồng ăn Bulimia phát triển. Nhiều yếu tố được xác định là có thể đóng vai trò trong sự phát triển của chứng rối loạn này. Chẳng hạn như:
- Di truyền: Những người có họ hàng cấp độ một (cha mẹ, con cái hoặc anh chị em) mắc chứng rối loạn ăn uống có thể sẽ dễ mắc chứng cuồng ăn hơn. Điều này cho thấy rằng yếu tố di truyền có thể đóng một vai trò nhất định.
- Yếu tố sinh học: Một nghiên cứu năm 2013 nhận thấy có sự khác nhau ở quá trình xử lý não giữa những người mắc chứng cuồng ăn so với những người bình thường khác. Ngoài ra, chứng cuồng ăn thường xuất hiện ở tuổi dậy thì – đây là thời điểm có những thay đổi lớn về nội tiết tố cũng như nhận thức về cơ thể đang phát triển.
- Yếu tố môi trường: Những người bị lạm dụng tình dục hoặc bị chỉ trích về cơ thể hay thói quen ăn uống của họ có thể sẽ có nhiều khả năng mắc chứng cuồng ăn. Các yếu tố môi trường khác có thể bao gồm áp lực xã hội, áp lực của các môn thể thao hay hoạt động khác tập trung vào cân nặng.
- Các vấn đề tâm lý và tình cảm: Chứng cuồng ăn có thể liên quan chặt chẽ với một số vấn đề tâm lý và cảm xúc. Chẳng hạn như trầm cảm, rối loạn lo âu hoặc rối loạn sử dụng chất kích thích. Những người mắc chứng cuồng ăn thường cảm thấy tiêu cực về bản thân.
- Ăn kiêng: Những người ăn kiêng có nguy cơ mắc chứng cuồng ăn Bulimia cao hơn. Nhiều người mắc chứng cuồng ăn hạn chế nghiêm trọng lượng calo giữa các đợt ăn uống vô độ. Điều này có thể gây ra cảm giác thèm ăn một lần nữa và sau đó họ cố gắng để đào thải.
Dấu hiệu nhận biết chứng cuồng ăn Bulimia
Chứng cuồng ăn Bulimia có một loạt các triệu chứng và dấu hiệu về hành vi, cảm xúc cũng như thể chất. Cụ thể như sau:
1. Các dấu hiệu cảm xúc và hành vi
Chứng cuồng ăn Bulimia ngoài đặc trưng bởi tình trạng ăn uống vô độ không kiểm soát được và đào thải kém lành mạnh thì còn gây ra các triệu chứng cảm xúc như đau khổ, xấu hổ và tội lỗi. Các biểu hiện bất thường về mặt cảm xúc và hành vi có thể bao gồm:
– Tiêu thụ thực phẩm nhanh hơn dự kiến:
Do thói quen ăn uống vô độ nên những người mắc chứng cuồng ăn Bulimia có xu hướng tiêu thụ một lượng lớn thức ăn trong một khoảng thời gian ngắn. Bạn có thể thấy rằng thực phẩm đang dần biến mất. Bạn sẽ liên tục phải bổ sung thức ăn vào tủ lạnh và tủ đựng thức ăn. Ngoài ra bạn cũng có thể tìm thấy giấy gói thức ăn được giấu trong thùng rác hay xung quanh nhà.
– Ăn khi không có ai ở bên:
Bởi vì ăn uống vô độ có liên quan tới cảm giác xấu hổ và tội lỗi nên những người mắc hội chứng cuồng ăn thường sẽ cố gắng che giấu hành vi ăn uống của họ. Họ có thể ăn vào lúc nửa đêm hoặc ăn khi không có ai khác ở nhà. Thậm chí nhiều người còn mang cả đồ ăn vào nhà vệ sinh để ăn và thực hiện hành vi gây nôn ngay sau đó.
– Biến mất ngay sau bữa ăn:
Đây thường là dấu hiệu cho thấy một người đang cố gắng đào thải cho việc ăn uống vô độ theo một cách nào đó. Có thể là nôn ói hay sử dụng thuốc nhuận tràng hoặc các loại thuốc khác. Các dấu hiệu cảnh báo bao gồm:
- Bật vòi nước để che đi âm thanh nôn ói sau bữa ăn.
- Sử dụng các vật dụng khác nhau để che đi mùi chất nôn trong hơi thở.
- Giấu gói thuốc nhuận tràng, thuốc ăn kiêng hoặc thực phẩm chức năng giảm cân.
- Thực hiện các bài tập riêng tư hoặc bài tập gắng sức khi ở một mình.
– Trở nên cáu kỉnh hơn:
Những người mắc chứng cuồng ăn có thể tỏ ra thiếu tập trung hoặc rất cáu kỉnh. Bởi vì não của họ bị thiếu dưỡng chất nên họ có thể không suy nghĩ rõ ràng. Kết quả là họ thường phản ứng theo cách không phù hợp với tình hình. Sự cáu kỉnh này có thể dẫn tới thay đổi tâm trạng đột ngột hoặc bộc phát cảm xúc.
2. Các dấu hiệu thực thể
Chứng cuồng ăn thường đi kèm với hành vi cố gắng đào thải lượng calo dư thừa sau đó theo cách không lành mạnh. Điều này có thể kích hoạt các triệu chứng thực thể đi kèm với dấu hiệu về cảm xúc và hành vi. Dấu hiệu thực thể được đề cập có thể bao gồm:
- Mặt sưng húp: Những người mắc chứng cuồng ăn có thể bị sưng các tuyến mang tai do họ thực hiện hành vi đào thải thiếu lành mạnh nhiều lần. Các tuyến này nằm ngay trước tai và có khả năng khiến mặt bị sưng húp.
- Các khớp ngón tay bị chai sạn: Trường hợp những người mắc chứng cuồng ăn liên tục thọc ngón tay xuống cổ họng để gây nôn thì có thể khiến cho các khớp ngón tay có dấu hiệu bị chai sạn.
- Thay đổi đáng kể về trọng lượng: Những người mắc chứng cuồng ăn thường có cân nặng bình thường hoặc ở mức cao hơn bình thường. Tuy nhiên do chu kỳ ăn uống và đào thải mà trọng lượng của họ có thể thay đổi đáng kể chỉ trong thời gian ngắn.
- Vỡ mạch máu ở mắt hoặc mắt: Việc nôn liên tục (cố gắng nôn mửa) trong thời gian ngắn có thể làm gia tăng áp lực lên các mạch máu nhỏ ở mắt và ở mặt, khiến cho chúng bị vỡ ra.
- Chóng mặt: Việc hấp thụ dinh dưỡng và chất lỏng không phù hợp kết hợp với đào thải kém lành mạnh có thể khiến người mắc chứng cuồng ăn cảm thấy chóng mắt. Thậm chí trong nhiều trường hợp còn bị ngất xỉu.
Trên thực tế, những người mắc chứng cuồng ăn thường ăn uống vô độ lặp đi lặp lại và tự đào thải thức ăn theo cách không lành mạnh ít nhất 1 lần mỗi tuần trong liên tục 3 tháng. Ngoài ra, họ còn phải đối mặt với cảm giác xấu hổ, tội lỗi, bi quan, tuyệt vọng, trầm cảm hay thậm chí là ghê tởm bản thân.
Chứng cuồng ăn Bulimia có nguy hiểm không?
Mọi hệ thống trong cơ thể của bạn đều phụ thuộc vào dinh dưỡng cũng như thói quen ăn uống lành mạnh để hoạt động bình thường. Khi bạn làm gián đoạn quá trình trao đổi chất tự nhiên thông qua việc ăn uống vô độ và đào thải kém lành mạnh thì cơ thể của bạn có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Chứng cuồng ăn có thể gây ra các vấn đề như:
- Thiếu máu
- Vấn đề răng miệng
- Huyết áp thấp
- Nhịp tim không đều
- Da khô
- Vết loét
- Giảm mức điện giải và mất nước
- Vỡ thực quản do nôn mửa quá nhiều
- Các vấn đề về dạ dày và ruột
- Suy thận
- Kinh nguyệt không đều
Trên thực tế, phụ nữ mắc chứng cuồng ăn thường bị trễ kinh. Chứng rối loạn này có thể gây ra ảnh hưởng lâu dài tới khả năng sinh sản của bạn ngay cả khi chu kỳ kinh nguyệt trở lại bình thường. Nguy hiểm còn lớn hơn đối với phụ nữ mang thai trong giai đoạn chứng cuồng ăn kích hoạt. Hậu quả có thể là sẩy thai, thai chết lưu, tiểu đường thai kỳ, huyết áp cao khi mang thai, dị tật bẩm sinh,…
Chẩn đoán chứng cuồng ăn Bulimia
Chẩn đoán sớm có thể giúp cải thiện cơ hội hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên việc chẩn đoán chứng cuồng ăn Bulimia có thể gặp khó khăn. Bởi người bệnh có thể có chỉ số BMI ở mức bình thường hoặc thừa cân. Hơn nữa nhiều người còn cẩn thận để che giấu thói quen ăn uống của họ.
Nếu bạn tìm kiếm sự trợ giúp y tế cho chứng cuồng ăn thì bác sĩ có thể:
- Hỏi về sức khỏe tinh thần và thể chất của bạn
- Xem xét lịch sử y tế cá nhân và gia đình
- Thực hiện một cuộc kiểm tra thể chất
Ngoài ra, một số xét nghiệm chẩn đoán có thể sẽ giúp loại trừ các bệnh hoặc tình trạng tiềm ẩn khác có liên quan đến các biểu hiện của bạn. Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn mắc chứng cuồng ăn thì họ có thể giới thiệu bạn đến bác sĩ chuyên khoa tâm thần.
Bác sĩ chuyên khoa tâm thần có thể sử dụng các tiêu chí cho chứng cuồng ăn được liệt kê trong Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê về Rối loạn Tâm thần (DSM-5), được xuất bản bởi Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ. Để nhận được chẩn đoán, cần có các tiêu chí:
- Trải qua các đợt ăn uống vô độ lặp đi lặp lại mà họ cảm thấy không thể kiểm soát.
- Sử dụng các chiến lược bù đắp để ngăn ngừa tăng cân. Chẳng hạn như nhịn ăn, nôn mửa, tập thể dục quá sức, lạm dụng thuốc nhuận tràng, thuốc xổ, thuốc lợi tiểu hoặc các loại thuốc khác.
- Đã ăn uống vô độ và đào thải ít nhất 1 lần/ tuần trong vòng 3 tháng qua.
- Có cảm giác về giá trị bản thân bị ảnh hưởng quá mức bởi cân nặng và hình dáng.
- Không chán ăn tâm thần.
Điều quan trọng cần lưu ý là một người có thể mắc chứng cuồng ăn ngay cả khi họ không đáp ứng đầy đủ các tiêu chí này. Do đó bác sĩ cần linh động trong cách chẩn đoán để giúp người bệnh có được sự can thiệp phù hợp và kịp thời nhất.
Các phương pháp điều trị chứng cuồng ăn Bulimia
Điều trị chứng cuồng ăn Bulimia là một quá trình có thể mất thời gian nhưng bạn có càng nhiều khả năng phục hồi nếu can thiệp càng sớm. Mục tiêu của việc điều trị là phá vỡ khuôn mẫu của hành vi ăn uống vô độ. Đồng thời sữa chữa các kiểu suy nghĩ bị bóp méo và phát triển những thay đổi hành vi lâu dài.
Quá trình điều trị có thể bao gồm việc áp dụng các phương pháp tâm lý trị liệu, các biện pháp chăm sóc, sử dụng thuốc hay thậm chí là nhập viện trong trường hợp cần thiết. Tuy nhiên cách tiếp cận đối với người lớn và những người dưới 18 tuổi có thể sẽ hơi khác biệt. Cụ thể như sau:
1. Điều trị cho người lớn
Đối với người lớn, các phương pháp chính được áp dụng bao gồm:
– Trợ giúp có hướng dẫn:
Bạn có thể sẽ được cung cấp một chương trình tự hỗ trợ có hướng dẫn như một bước đầu tiên trong quá trình điều trị chứng cuồng ăn Bulimia. Điều này thường liên quan đến việc tự chăm sóc thông qua một cuốn sách self-help. Kết hợp với đó là các buổi làm việc với chuyên gia chăm sóc sức khỏe.
Những cuốn sách self-help có thể giúp bạn:
- Theo dõi những gì bạn đang ăn: Điều này có thể sẽ giúp bạn nhận thấy và cố gắng để thay đổi các mô hình trong hành vi của mình.
- Lập kế hoạch bữa ăn thực tế: Việc lập kế hoạch ăn gì vào thời điểm nào trong ngày có thể giúp bạn điều chỉnh kế hoạch ăn uống. Từ đó ngăn ngừa cảm giác đói cũng như làm giảm tình trạng ăn uống vô độ.
- Tìm hiểu các yếu tố kích hoạt của bạn: Điều này sẽ giúp bạn nhận ra các dấu hiệu và ngăn chặn chu kỳ đào thải kém lành mạnh.
- Xác định nguyên nhân cơ bản gây ra chứng rối loạn: Điều này có thể giúp cho bạn giải quyết những vấn đề mà mình đang gặp phải một cách lành mạnh hơn.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tham gia một nhóm hỗ trợ trực tuyến dành cho những người mắc chứng cuồng ăn Bulimia. Nếu chỉ điều trị tự lực là không đủ hoặc không thể giúp bạn sau 4 tuần thì bạn cũng có thể được cung cấp liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) hoặc thuốc.
– Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT):
CBT liên quan đến việc nói chuyện với một chuyên gia tâm lý trị liệu. Chuyên gia sẽ giúp bạn khám phá những cảm xúc và suy nghĩ có thể góp phần vào chứng cuồng ăn cũng như cảm nhận của bạn về hình dạng cơ thể và cân nặng của mình.
Họ sẽ giúp bạn áp dụng thói quen ăn uống lành mạnh thường xuyên. Đồng thời chỉ cho bạn cách để duy trì thói quen ăn uống đó. Họ cũng sẽ chỉ cho bạn cách quản lý những cảm giác cũng như tình huống khó khăn nhằm ngăn rối loạn tái phát sau khi liệu pháp kết thúc.
2. Điều trị cho trẻ em và thanh thiếu niên
Đối với trẻ em và thanh thiếu niên thì liệu pháp gia đình thường sẽ được áp dụng. Điều này liên quan tới việc bạn và gia đình sẽ nói chuyện với chuyên gia tâm lý trị liệu. Mục đích là để tìm hiểu xem chứng cuồng ăn đã ảnh hưởng đến bạn như thế nào. Đồng thời hiểu rõ gia đình có thể hỗ trợ những gì để giúp bạn khỏi bệnh. Ngoài ra, liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) cũng có thể được áp dụng cho trẻ em và thanh thiếu niên giống như cho người lớn.
3. Vấn đề chăm sóc bản thân
Điều quan trọng là bạn cần phải chăm sóc sức khỏe thật tốt trong khi phục hồi sau chứng cuồng ăn Bulimia. Nếu bạn thường xuyên nôn mửa thì axit trong chất nôn có thể làm hỏng răng của bạn theo thời gian. Một số lời khuyên giúp bạn giảm thiểu thiệt hại này bao gồm:
- Tránh đánh răng ngay sau khi nôn mửa để không làm mòn men răng
- Súc miệng bằng nước súc miệng không có tính axit
- Cần đảm bảo rằng bạn đi gặp nha sĩ thường xuyên
- Không uống hoặc ăn các loại thực phẩm có tính axit
- Không hút thuốc lá
Trong nhiều trường hợp, nôn mửa quá nhiều có thể dẫn tới nguy bị mất nước. Để tránh tình trạng này, bạn hãy đảm bảo rằng mình cần uống nhiều nước để thay thế những gì đã nôn ra.
4. Vấn đề sử dụng thuốc
Thuốc chống trầm cảm không nên được cung cấp như một phương pháp điều trị duy nhất dành cho chứng cuồng ăn Bulimia. Tuy nhiên bạn có thể được cung cấp một số loại thuốc chống trầm cảm như fluoxetine (Prozac) kết hợp với tâm lý trị liệu hoặc điều trị tự lực.
Thuốc có thể giúp bạn kiểm soát các tình trạng khác. Chẳng hạn như:
- Lo lắng hoặc trầm cảm
- Ám ảnh xã hội
- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)
Thuốc chống trầm cảm hiếm khi được kê đơn cho trẻ em hoặc thanh thiếu niên dưới 18 tuổi. Đối với người lớn khi sử dụng loại thuốc này cũng cần thận trọng. Tuyệt đối không được ngừng thuốc đột ngột khi chưa nhận được sự tư vấn từ bác sĩ.
5. Trường hợp phải nhập viện
Hầu hết những người mắc chứng cuồng ăn Bulimia có thể ở nhà trong thời gian điều trị. Thông thường người bệnh sẽ có cuộc hẹn tại phòng khám hoặc bệnh viện và sau đó có thể về nhà.
Tuy nhiên, bạn có thể được yêu cầu nhập viện nếu có các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng. Bao gồm:
- Quá nhẹ cân
- Vấn đề về tim mạch
- Bị bệnh nặng và cuộc sống đang gặp rủi ro lớn
- Dưới 18 tuổi và bác sĩ cho rằng bạn không có đủ hỗ trợ tại nhà
- Bác sĩ lo lắng rằng bạn có thể làm hại bản thân hoặc có nguy cơ tự tử
Các bác sĩ sẽ theo dõi rất kỹ lưỡng cân nặng cũng như sức khỏe của bạn khi bạn đang được chăm sóc tại bệnh viện. Điều này giúp bạn từ từ đạt được cân nặng hợp lý và bắt đầu/ tiếp tục bất cứ liệu pháp nào mà bạn đang áp dụng. Một khi bác sĩ hài lòng với cân nặng cũng như sức khỏe tinh thần và thể chất của bạn thì bạn có thể trở về nhà.
Cần đặc biệt cẩn trọng với chứng cuồng ăn Bulimia, nên chủ động tìm đến sự trợ giúp y tế càng sớm càng tốt. Việc can thiệp sớm có thể giúp những người mắc chứng rối loạn này trở nên tốt hơn hoặc có khả năng hồi phục hoàn toàn. Ngoài các chiến lược tự chăm sóc và điều trị y tế thì sự giúp đỡ từ người thân cũng là rất quan trọng.
Tham khảo thêm:
- 7 Chứng rối loạn ăn uống kỳ lạ xảy ra ở người mà ít ai biết
- 10 Cách Chữa Trầm Cảm Tại Nhà Đơn Giản Không Cần Uống Thuốc
- Bệnh hoang tưởng ghen tuông: Triệu chứng và cách chữa trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!