Hội chứng sợ lái xe (Amaxophobia) là gì? Cách khắc phục

Hội chứng sợ hãi khi lái xe là một dạng ám ảnh cụ thể, gồm có nỗi sợ hãi vô lý, không cân xứng và không đúng mực khi thực hiện hoạt động lái xe. Người mắc phải hội chứng này sẽ luôn lo lắng, run rẩy, hoảng loạn khi họ phải trực tiếp điều khiển phương tiện giao thông.

Hội chứng sợ lái xe
Hội chứng sợ lái xe là nỗi sợ quá mức và vô lý khi điều khiển phương tiện giao thông

Hội chứng sợ lái xe (Amaxophobia) là gì?

Hội chứng sợ lái xe hay còn được gọi là Amaxophobia (tiếng Hy Lạp cổ đại có nghĩa là xe ngựa) là một nỗi sợ dai dẳng, quá mức khi điều khiển các phương tiện giao thông. Xét về mặt lâm sàng thì Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ, 2015 (DSM-5) và Tổ chức Y tế Thế giới, 2011 (ICD-10) xem đây là một chứng ám ảnh cụ thể.

Hiện nay, số lượng người sử dụng phương tiện giao thông để di chuyển chiếm tỉ lệ rất cao và đây được xem là một hoạt động được thực hiện hàng ngày, đồng thời nó cũng đã trở thành một vấn đề gây căng thẳng đối với nhiều đối tượng khác nhau. Dựa vào số liệu nghiên cứu nhận thấy rằng, hội chứng sợ lái xe phổ biến hơn so với những gì chúng ta tưởng tượng, nó hiện đang ảnh hưởng đến gần 33% dân số trên toàn thế giới.

Viện MAPFRE cũng đã tiến hành một nghiên cứu về vấn đề này cùng với Tiến sĩ Antonio García Infanzón. Theo đó nhận thấy có đến gần 7.2 triệu người Tây Ban Nha mắc phải hội chứng sợ lái xe và họ có những biểu hiện khác nhau. Trong đó có khoảng 82% chia sẻ rằng họ cảm thấy lo lắng và hồi hộp khi phải cầm lái, nhất là khi phải lái xe vào những hoàn cảnh khó khăn như trời mưa, trời tối, sương mù hoặc phải chở trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi.

Kết quả của cuộc nghiên cứu này còn cho thấy có đến khoảng 6% người bị Amaxophobia mất hoàn toàn khả năng điều khiển phương tiện giao thông. Họ thường xuyên đối mặt với nỗi sợ hãi tê liệt, cảm thấy lo lắng và hoảng loạn khi phải ngồi vào vị trí lái xe. Đây cũng là lý do mà nhiều người chấp nhận bỏ cả bằng lái của mình và chỉ di chuyển khi có ai khác lái xe.

Các nhà khoa học còn cho biết thêm, phụ nữ chính là đối tượng dễ mắc phải hội chứng sợ lái xe, tỉ lệ chiếm đến 64%. Mặc dù hội chứng này không ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe hay tính mạng của con người nhưng nó sẽ làm hạn chế các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, khiến bạn gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển.

Nguyên nhân gây ra hội chứng sợ lái xe

Để có thể khắc phục tốt nỗi sợ khi lái xe thì bạn cần phải xác định rõ về nguyên nhân gây ra sự sợ hãi đó. Theo đánh giá của các chuyên gia thì hội chứng sợ lái xe có thể xuất phát từ rất nhiều các nguyên nhân khác nhau, có cả các yếu tố tác động bên ngoài và bên trong.

1. Nguyên nhân bên ngoài

Nỗi sợ lái xe có thể đến từ các yếu tố, điều kiện bên ngoài. Chẳng hạn như có người cảm thấy sợ hãi khi phải điều khiển phương tiện giao thông vào ban đêm, nơi có ít ánh sáng hoặc cũng có vài trường hợp cảm thấy lo lắng, bất an khi lái xe nơi đông người, chạy xe vào giờ cao điểm.

Như vậy có thể thấy rằng, điều kiện thời tiết hoặc các yếu tố bất lợi bên ngoài cũng có thể là lý do khiến cho nhiều người cảm thấy sợ hãi và lo lắng khi phải lái xe. Chính vì thế, nhiều người từ chối việc lái xe khi nhận thấy các điều kiện bên ngoài không được thuận lợi, họ sẽ dễ trở nên hoảng loạn và bối rối khi phải điều khiển phương tiện giao thông vào những lúc thế này.

2. Điều kiện bên trong

Hội chứng sợ lái xe cũng có khả năng khởi phát bởi những sự ám ảnh từng có trong quá khứ. Nỗi sợ hãi này có thể được liên kết với một sự kiện đau thương nào đó từng xảy ra ở thời thơ ấu, đặc biệt là một cuộc tai nạn giao thông. Đây được xem là nguyên nhân chủ yếu có thể dẫn đến các triệu chứng sợ hãi khi lái xe ở người bị Amaxophobia.

Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc tất cả những ai đã từng bị tai nạn giao thông đều sẽ phát triển nỗi ám ảnh về việc lái xe. Trong các trường hợp người mắc hội chứng sợ lái xe chưa từng trải qua bất kì cuộc tai nạn nào thì sự sợ hãi của họ có thể do ảnh hưởng từ tâm lý và nó được liên kế với khía cạnh biểu tượng của hành động điều khiển phương tiện giao thông.

Theo đó, các chuyên gia chia sẻ rằng, những người Amaxophobia sẽ luôn có cảm giác lo sợ khi phải kiểm soát một thứ gì đó, mà trong trường hợp này chính là việc cầm lái, điều khiển xe. Trong thực tế thì nỗi sợ này có phạm vi rộng hơn, nó bao gồm cả nỗi sợ phải chịu trách nhiệm.

Dấu hiệu nhận biết người mắc hội chứng sợ lái xe

Cũng giống như các hội chứng sợ khác, Amaxophobia được đặc trưng bởi nỗi sợ hãi phi lý và không có thực, cụ thể là việc lái xe. Người mắc hội chứng này sẽ luôn cảm thấy lo lắng, căng thẳng, bất an hoặc thậm chí có thể trở nên hoảng loạn khi phải điều khiển các phương tiện giao thông. Hoặc cũng có nhiều trường hợp chỉ cần nghĩ đến việc lái xe họ cũng cảm thấy lo sợ, hoang mang.

Hội chứng sợ lái xe
Người Amaxophobia sẽ luôn cảm thấy lo lắng, sợ hãi và kích động khi phải lái xe

Một số triệu chứng thường gặp như:

  • Cảm thấy lo sợ, hoảng lạn.
  • Có cảm giác kinh hoàng, kích động.
  • Nhịp tim tăng nhanh.
  • Cảm giác không thực.
  • Hơi thở trở nên gấp gáp, hụt hơi.
  • Cơ thể ra nhiều mồ hôi.
  • Chóng mặt, buồn nôn.
  • Luôn có xu hướng muốn từ chối việc lái xe.

Tuy nhiên, không phải tất cả những ai mắc phải hội chứng sợ lái xe cũng đều có những triệu chứng được nêu trên đây. Tùy vào nguyên nhân, mức độ và sự chịu đựng của mỗi người mà các biểu hiện có phần khác nhau, mức độ nghiêm trọng của triệu chứng cũng đã dạng hơn.

Hội chứng sợ lái xe có ảnh hưởng gì?

Hội chứng sợ lái xe gây nên những ảnh hưởng đáng kể đối với đời sống sinh hoạt hàng ngày của con người. Cũng bởi, người bệnh sẽ luôn có xu hướng né tránh việc điều khiến bất kì phương tiện giao thông nào nên họ sẽ bị hạn chế về việc di chuyển, không thể tự lái xe đến nơi làm việc hoặc bất kì địa điểm nào mà bản thân mong muốn.

Những người mắc phải hội chứng này luôn phải phụ thuộc vào người khác bởi họ hoàn toàn không có khả năng để tự di chuyển. Họ thường sử dụng các phương tiện công cộng hoặc nhờ người thân, bạn bè đưa đón. Tuy nhiên, việc bị thụ động trong việc di chuyển sẽ khiến họ gặp rất nhiều các trở ngại từ công việc, học tập cho đến các mối quan hệ xung quanh, kể cả về tài chính.

Ngoài ra, người Amaxophobia sẽ luôn có cảm giác lo lắng, bất an khi phải tiếp xúc với các phương tiện giao thông. Họ thường cảm thấy stress và hoảng loạn khi tham gia lưu thông trên đường. Chính vì thế khi di chuyển họ hay có tâm lý cáu gắt, dễ kích động.

Không chỉ thế, những người mắc phải hội chứng sợ lái xe do sự bất lực của bản thân nên có nhiều xu hướng tìm đến bia rượu, các chất kích thích, chất gây nghiện để giải tỏa nỗi sợ hãi của mình. Thậm chí có nhiều người sau khi say còn chủ động lái xe để chứng tỏ bản thân đã hết sợ hãi và điều này vô cùng nguy hiểm, không chỉ gây ảnh hưởng đến bản thân mà còn có nhiều khả năng liên lụy đến những người xung quanh.

Cách khắc phục hội chứng sợ lái xe

Như đã chia sẻ ở trên, hội chứng sợ lái xe có thể trở thành yếu tố làm cản trở và suy giảm chất lượng cuộc sống của nhiều người. Chính vì thế, để khắc phục nỗi sợ này, bạn có thể tham khảo một số mẹo hay sau đây:

Hội chứng sợ lái xe
Nếu cảm thấy sợ hãi, bạn có thể tìm kiếm cho mình một người bạn đồng hành.

1. Áp dụng các kỹ thuật thư giãn

Các kỹ thuật thư giãn luôn được khuyến khích sử dụng với hầu hết các trường hợp mắc phải bất kì hội chứng sợ hãi nào. Khi áp dụng các liệu pháp này, cơ thể sẽ được thả lỏng và giảm bớt sợ lo lắng, bất an. Tùy vào sở thích của mỗi người mà bạn có thể lựa chọn cho mình một vài cách để giúp bạn thân thư giãn, kiểm soát nỗi lo sợ. Một số gợi ý tuyệt vời như hít thở sâu, ngồi thiền, nghe nhạc, vận động nhẹ nhàng, sử dụng tinh dầu thơm,….

Nếu có thể thực hiện tốt các kỹ thuật này thì những suy nghĩ tiêu cực cùng những sự lo lắng, sợ hãi cũng sẽ dần được tan biến. Không những thế, nó còn giúp bạn lấy lại nguồn năng lượng tích cực, cảm thấy tự do và độc lập hơn khi ngồi sau tay lái.

2. Chọn bạn đồng hành

Nếu bạn cảm thấy lo lắng khi phải lái xe hoặc trong một thời gian dài bạn đã không còn điều khiển các phương tiện này thì cách tốt nhất là hãy nhờ đến sự giúp đỡ của người thân, bạn bè hoặc giáo viên lái xe. Bạn có thể thực hiện vài bài học với giáo viên để nhớ lại kỹ thuật lái xe trước đó hoặc tìm kiếm cho mình một người bạn đồng hành.

Tuy nhiên, biện pháp này chỉ nên áp dụng trong một thời gian ngắn, vào vài lần đầu tiên khi bạn bắt đầu đối mặt với nỗi sợ. Điều này sẽ giúp bạn giảm bớt sự lo lắng, đồng thời cũng dễ dàng xử lý được những tình huống nguy hiểm nếu bạn trở nên mất bình tĩnh.

3. Bắt đầu từng chút một

Không có bất kì cách nào có thể giúp bạn khống chế nỗi sợ ngay lập tức. Việc khắc phục hội chứng sợ lái xe cần phải được thực hiện một cách từ từ và cần có sự kiên nhẫn trong một thời gian nhất định. Chính vì thế, bạn cũng không nên quá vội vàng, điều này chỉ khiến bản thân càng trở nên hoảng loạn.

Cách tốt nhất là bạn hãy bắt đầu lại với việc lại xe theo từng cấp độ khác nhau. Bạn hãy thử chạy xe ở những con đường vắng, rộng và đơn giản và chạy với quãng đường ngắn. Sau đó khi cảm thấy ổn định hơn thì bắt đầu nâng cấp lên, di chuyển nhanh hơn. Hãy làm mọi thứ từng chút một, đừng cố gắng quá mức và dần dần nỗi sợ của bạn sẽ được kiểm soát tốt.

4. Đầu tư cho chiếc xe của bạn

Một chiếc xe sạch sẽ, gọn gàng với máy móc êm ái sẽ tạo cho bạn cảm thấy thoải mái và vô cùng an toàn khi điều khiển chúng. Đặc biệt đối với những ai muốn điều khiển xe ô tô thì càng phải chú ý hơn với không gian bên trong xe, sắp xếp mọi thứ một cách gọn gàng, bày trí thêm vài đồ trang trí nhỏ bắt mắt hoặc tốt nhất là luôn giữ cho xe có mùi thơm dễ chịu.

5. Nhờ đến sự giúp đỡ của chuyên gia

Lựa chọn tốt nhất dành cho những ai đang mắc hội chứng sợ lái xe đó chính là tham khảo ý kiến của chuyên gia. Trong các trường hợp nỗi sợ xuất phát từ những chấn thương tâm lý trong quá khứ thì cần phải được trị liệu để có thể tháo gỡ các nút thắt và điều chỉnh tốt những suy nghĩ tiêu cực theo chiều hướng tích cực và lành mạnh hơn.

Một số trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, bác sĩ chuyên khoa còn có thể kê thêm một vài đơn thuốc để giúp bạn kiểm soát tốt nỗi sợ của mình, hạn chế được những hành vi tiêu cực có thể xảy ra. Để cải thiện tốt nỗi sợ của mình, bạn cần phải tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ, chuyên gia và cố gắng điều trong trong thời gian quy định để dần kiểm soát tốt hơn về tâm lý, cân bằng được đời sống cá nhân.

Hội chứng sợ lái xe không phải là một tình trạng hiếm gặp và có thể điều trị tốt bằng nhiều biện pháp khác nhau. Hi vọng qua thông tin trên đây, bạn đọc sẽ hiểu thêm về chứng sợ hãi này và có cách khắc phục hiệu quả nhất.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *