Hội chứng sợ ma (Phasmophobia): Biểu hiện và cách khắc phục
Hội chứng sợ ma (Phasmophobia) không giống với cảm giác sợ ma quỷ thông thường. Người mắc hội chứng này thường sợ hãi quá mức, thậm chí kinh sợ và hoảng loạn khi nghĩ đến ma quỷ.
Hội chứng sợ ma (Phasmophobia) là gì?
Khi nhắc đến ma quỷ, phản ứng chung của mọi người là có cảm giác lo sợ và bất an. Sợ ma là phản ứng hoàn toàn bình thường. Thực tế, khoa học chưa lý giải được những vấn đề tâm linh nên ma quỷ vẫn gây ra cảm giác sợ hãi, bất an cho một số người.
Tuy nhiên, sợ ma chỉ xảy ra khi chứng kiến những sự việc diễn ra kỳ quái và không thể giải thích. Hoặc khi xem những bộ phim kinh dị có hình ảnh ma quái, quỷ dị. Trong khi đó, người mắc hội chứng sợ ma (Phasmophobia) sẽ xuất hiện nỗi sợ dữ dội, kinh hoàng ngay cả khi chỉ đề cập đến ma quỷ, phù thủy, ma cà rồng,… trong các cuộc trò chuyện.
Hội chứng sợ ma – Phasmophobia là một dạng rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi (chứng ám ảnh sợ cụ thể). Hội chứng này đặc trưng bởi sự sợ hãi kinh hoàng, vô lý và quá mức về ma quỷ. Người mắc chứng Phasmophobia luôn lo sợ ma quỷ xuất hiện dẫn đến việc không thể ở nhà một mình, không dám ra ngoài vào ban đêm,…
Chứng sợ ma có thể đi kèm với hội chứng sợ chết hoặc hội chứng sợ bóng tối. Nhiều người nhầm lẫn hội chứng này với cảm giác sợ hãi về các thể lực siêu nhiên. Tuy nhiên, nỗi sợ hãi thông thường chỉ diễn ra trong một số hoàn cảnh và không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Ngược lại, chứng Phasmophobia làm cản trở việc học, nghề nghiệp, đồng thời gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe thể chất và tinh thần.
Các dấu hiệu nhận biết hội chứng sợ ma (Phasmophobia)
Sợ ma phổ biến ở trẻ em do trẻ thiếu kinh nghiệm sống và chưa có đủ nhận thức về ma quỷ hay những vấn đề tâm linh. Dù vậy, vẫn có không ít thanh thiếu niên và người trưởng thành mắc phải hội chứng Phasmophobia.
Các dấu hiệu nhận biết hội chứng sợ ma:
- Luôn có cảm giác sợ hãi về ma quỷ dù cuộc sống không xảy ra những vấn đề hay hiện tượng bất thường
- Cho rằng sẽ có ma quỷ lảng vảng xung quanh mình nên không dám ở nhà một mình, từ chối ra ngoài vào ban đêm và không dám đi đến những nơi xa lạ
- Luôn mở đèn khi ngủ vì lo sợ ma quỷ sẽ xuất hiện trong bóng tối
- Không thể ngủ một mình và luôn cần có người ở bên cạnh vào ban đêm
- Thấp thỏm lo âu và bất an vì cho rằng ma quỷ sẽ xuất hiện vào bất cứ lúc nào. Nhiều người không đi vệ sinh vào ban đêm vì lo sợ sẽ bị ma quỷ quấy phá
- Thường xuyên mất ngủ do căng thẳng và lo sợ liên tục sẽ có sự xuất hiện của ma quỷ
Khi xuất hiện những sự việc kỳ lạ gợi nhắc đến ma quỷ hoặc xem hình ảnh, video clip về ma quỷ, phù thủy,… bệnh nhân sẽ trở nên sợ hãi tột độ, kinh hoàng. Trong tình huống này, người bệnh sẽ gặp phải các triệu chứng sau đây:
- Trở nên hoảng loạn (sợ hãi kinh hoàng, ngất xỉu hoặc choáng váng, nghẹn thở, đau thắt ngực, có cảm giác tách rời,…)
- Sợ hãi, lo lắng quá mức
- Nhịp tim nhanh
- Khô miệng
- Căng cơ
- Run rẩy
- Đổ mồ hôi
Người mắc chứng sợ ma thường bị mất ngủ mãn tính, buồn ngủ nhiều vào ban ngày,… Ngoài ra, ám ảnh quá mức vào ma quỷ có thể gây ra các cơn ác mộng và hiện tượng bóng đè.
Nguyên nhân gây hội chứng sợ ma (Phasmophobia) là gì?
Giống như các rối loạn ám ảnh sợ hãi khác, hội chứng sợ ma là kết quả của yếu tố di truyền và tác động từ môi trường. Tuy nhiên, nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng này vẫn chưa được biết rõ.
Hội chứng Phasmophobia chưa được nghiên cứu nhiều. Thông qua một số nghiên cứu đã được thực hiện, các chuyên gia nhận thấy hội chứng này có liên quan đến những yếu tố sau đây:
- Di truyền: Phần lớn người mắc hội chứng sợ ma đều có tiền sử gia đình bị rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi. Hiện tại, các chuyên gia chưa thể xác định cơ chế di truyền và loại gen di truyền hội chứng này. Tuy nhiên, qua một số nghiên cứu, phần nào có thể khẳng định nguy cơ mắc hội chứng này có thể gia tăng khi có yếu tố di truyền.
- Bị ảnh hưởng bởi gia đình: Ngoài yếu tố di truyền, một số trẻ có thể học theo phản ứng của bố mẹ và người chăm sóc (không nhất thiết phải cùng huyết thống). Nếu những người chăm sóc trẻ lo sợ về việc ma quỷ sẽ xuất hiện, trẻ cũng sẽ hình thành nỗi sợ và phản ứng tương tự.
- Do những câu chuyện tâm linh: Trong văn hóa của một số quốc gia, ma quỷ được nhắc đến trong nhiều cân chuyện kỳ bí. Những câu chuyện này góp phần phát triển nỗi sợ thái quá về ma quỷ.
- Trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ: Từng gặp “ma” hoặc chứng kiến người thân bị “ma nhập” có thể gây ra nỗi sợ tột độ, kinh hoàng về ma quỷ. Thực tế, khoa học vẫn chưa thể chứng minh liệu ma quỷ có tồn tại thực sự hay không. Tuy nhiên, những hiện tượng kỳ lạ xảy ra vẫn được quy chụp là do “ma ám” hoặc “ma quỷ quấy phá”. Từ những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ, một số người phát triển nỗi sợ quá mức về ma quỷ.
- Thường xuyên xem phim kinh dị: Hình ảnh, thước phim về ma quỷ có thể tiêm nhiễm nỗi sợ về ma quỷ. Về lâu dài, một số người trở nên ám ảnh và lo sợ ma quỷ có thể xuất hiện vào bất cứ lúc nào.
- Hội chứng sợ ở một mình: Người mắc hội chứng sợ ở một mình có nguy cơ mắc chứng Phasmophobia cao hơn. Cảm giác sợ ở một mình có thể phát triển thành các chứng ám ảnh sợ cụ thể như sợ ma, sợ bóng tối,… Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn đang băn khoăn liệu hội chứng sợ ở một mình hay hội chứng sợ ma xuất hiện trước.
Ảnh hưởng của hội chứng sợ ma (Phasmophobia)
Tương tự như các rối loạn ám ảnh sợ hãi khác, hội chứng sợ ma không đơn thuần gây ra cảm giác sợ hãi và căng thẳng mà ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng cuộc sống. Sự ám ảnh và nỗi sợ kinh hoàng về ma quỷ có thể chi phối cảm xúc và các hành vi né tránh. Nếu không điều trị, chứng sợ ma (Phasmophobia) có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng như:
- Do nỗi sợ quá mức và dai dẳng về ma quỷ, người mắc chứng Phasmophobia có xu hướng bám víu những người xung quanh. Bệnh nhân gần như không thể ngủ một mình và luôn cần có người ở bên mạnh mới có cảm giác an toàn.
- Các hoạt động thường ngày bị hạn chế vì luôn né tránh các không gian tối, ít ánh sáng như tủ quần áo, nhà kho,…
- Thường xuyên mất ngủ, gặp ác mộng, bị bóng đè và về lâu dài có thể gây thiếu ngủ mãn tính
- Hội chứng sợ ma (Phasmophobia) còn gây giảm hiệu suất làm việc và khiến kết quả học tập sa sút do mất ngủ, giảm trí nhớ, khả năng tập trung kém,…
- Gia tăng tỷ lệ sử dụng rượu bia, hút thuốc lá và chất gây nghiện
- Phát triển các vấn đề tâm lý khác như hội chứng sợ hãi khi ở một mình, hội chứng sợ bóng tối, rối loạn hoảng sợ, rối loạn ám ảnh cưỡng chế,…
- Một số người nhốt mình trong nhà vì lo sợ sẽ bị ma quỷ quấy phá khi đến những nơi xa lạ.
Tóm lại, hội chứng sợ ma (Phasmophobia) không đơn thuần là cảm giác lo sợ và bất an trước những thế lực siêu nhiên. Nếu không điều trị, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với những ảnh hưởng nặng nề như chất lượng cuộc sống giảm, gặp phải các vấn đề liên quan đến sức khỏe thể chất và tinh thần.
Chẩn đoán hội chứng sợ ma (Phasmophobia)
Sợ ma là phản ứng bình thường – đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nếu nỗi sợ quá lớn, dai dẳng và gây cản trở trong cuộc sống, nên thăm khám để được chẩn đoán. Những người xung quanh có thể không tin có hội chứng sợ ma (Phasmophobia) nhưng hội chứng này hoàn toàn có thật. Vì vậy, nên chủ động tìm gặp bác sĩ nếu nghi ngờ bản thân mắc bệnh.
Hội chứng sợ ma chưa được công nhận trong Sổ tay chẩn đoán và thống kê về rối loạn tâm thần (DSM-5). Tuy nhiên, cơ chế của chứng Phasmophobia giống với các rối loạn ám ảnh sợ hãi. Do đó, bác sĩ có thể sử dụng tiêu chuẩn chẩn đoán của rối loạn này để xác định hội chứng sợ ma.
Sau khi xem xét triệu chứng gặp phải, tiền sử gia đình và cá nhân, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán cuối cùng. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ xác định một số vấn đề tâm lý đi kèm như hội chứng sợ bóng tối, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, hội chứng sợ ở một mình,…
Các phương pháp điều trị hội chứng sợ ma
Sử dụng thuốc và tâm lý trị liệu là hai phương pháp được cân nhắc trong quá trình điều trị hội chứng sợ ma (Phasmophobia). Phần lớn các trường hợp đều sẽ được điều trị kết hợp để mang lại kết quả khả quan nhất.
Các phương pháp được áp dụng trong quá trình điều trị hội chứng sợ ma:
1. Sử dụng thuốc
Cảm giác sợ hãi, ám ảnh về ma quỷ khiến bệnh nhân luôn căng thẳng, bất an, tim đập nhanh, buồn nôn,… Do đó, lựa chọn đầu tiên khi điều trị hội chứng sợ ma là sử dụng thuốc.
Thuốc thường được dùng ngắn hạn để làm giảm triệu chứng nhanh chóng. Sau đó, bệnh nhân sẽ được trị liệu tâm lý để có thể vượt qua nỗi sợ vô lý về ma quỷ. Trong trường hợp bệnh nhân mắc đồng thời với các rối loạn tâm lý, tâm thần khác, thuốc có thể phải dùng lâu dài để ngăn ngừa tái phát.
Các loại thuốc được sử dụng cho bệnh nhân mắc hội chứng sợ ma:
- Thuốc chống trầm cảm: Thuốc chống trầm cảm có tác dụng nâng cao tâm trạng bằng cách tăng nồng độ serotonin, norepinephrine,… Thuốc được sử dụng để giảm tình trạng buồn phiền và đau khổ do chứng sợ ma gây ra.
- Thuốc an thần, giải lo âu: Nhóm thuốc này thường được dùng đồng thời với thuốc chống trầm cảm. Thuốc mang lại hiệu quả nhanh và có thể cải thiện rõ rệt tình trạng mất ngủ, lo âu, căng thẳng,… Tuy nhiên, thuốc an thần có thể gây nghiện nên chỉ được dùng trong trường hợp thực sự cần thiết.
- Thuốc chẹn beta: Người mắc hội chứng sợ ma có cảm giác sợ hãi, căng thẳng thường trực nên có thể kéo theo nhiều vấn đề như đau đầu, tăng huyết áp và mất ngủ. Thuốc chẹn beta được dùng ngắn hạn để giảm các triệu chứng thể chất do hội chứng sợ ma gây ra.
- Các viên uống bổ não, vitamin và khoáng chất: Hội chứng sợ ma gây ra sự căng thẳng quá mức và kéo dài nên có thể khiến thần kinh bị suy nhược. Vì lý do này, một số bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng thêm vitamin, khoáng chất và viên uống bổ não.
Sử dụng thuốc chỉ là giải pháp tạm thời cho hội chứng sợ ma (Phasmophobia). Sau khi tinh thần ổn định, bệnh nhân sẽ được trị liệu tâm lý để vượt qua nỗi sợ và học cách kiểm soát những cảm xúc tiêu cực.
2. Trị liệu tâm lý
Trị liệu tâm lý giúp giải quyết nỗi sợ vô lý về ma quỷ. Liệu pháp này có thể được thực hiện đơn độc hoặc kết hợp với thuốc để nâng đỡ tinh thần cho bệnh nhân. Trên thực tế, có rất nhiều phương pháp tâm lý trị liệu được áp dụng nhưng với hội chứng sợ ma, chuyên gia sẽ cân nhắc các phương pháp sau:
- Liệu pháp tiếp xúc: Liệu pháp tiếp xúc là phương pháp ưu tiên khi điều trị rối loạn ám ảnh sợ hãi nói chung và chứng Phasmophobia nói riêng. Phương pháp này cho phép bệnh nhân tiếp xúc với nỗi sợ thông qua hình ảnh, video clip,… để học cách trấn an và đối phó với nỗi sợ. Chuyên gia cũng sẽ hướng dẫn bệnh nhân thực hành các biện pháp thư giãn, từ đó có thể giảm dần hoặc loại bỏ hoàn toàn phản ứng sợ hãi.
- Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT): CBT mang lại hiệu quả khi điều trị hội chứng sợ ma. Thông qua liệu pháp này, chuyên gia sẽ giúp bệnh nhân thay đổi suy nghĩ tiêu cực về ma quỷ, từ đó giảm phản ứng sợ hãi và hoảng loạn. Ngoài ra, CBT cũng có hiệu quả trong việc giảm các hành vi né tránh. Một vấn đề nan giải khi áp dụng CBT cho bệnh nhân mắc hội chứng sợ ma là phải tránh không làm thay đổi niềm tin tôn giáo của người bệnh.
- Kỹ năng đối phó: Ma quỷ không hữu hình như các vật dụng, tình huống hay con vật. Do đó, hội chứng sợ ma sẽ gây ra nỗi sợ thường trực chứ không chỉ xuất hiện khi tiếp xúc như các hội chứng khác. Vì lý do này, bệnh nhân mắc chứng Phasmophobia sẽ trang bị các kỹ năng đối phó với nỗi sợ như tập hít thở, phân tâm, tưởng tượng các không gian tạo cảm giác dễ chịu để trấn an cảm giác sợ hãi,…
Trị liệu tâm lý cũng giúp ích rất nhiều trong việc kiểm soát các rối loạn tâm lý, tâm thần đi kèm. Hạn chế của phương pháp này là mất khá nhiều thời gian và đòi hỏi sự kiên nhẫn từ bệnh nhân.
3. Các biện pháp tự cải thiện
Ngoài các phương pháp y tế, bệnh nhân cũng có thể thực hiện một số biện pháp tự cải thiện để giảm phần nào triệu chứng của hội chứng sợ ma. Các biện pháp này cũng giúp ích trong việc kiểm soát các vấn đề sức khỏe đi kèm.
Các biện pháp tự cải thiện dành cho bệnh nhân mắc hội chứng sợ ma:
- Ngồi thiền: Ngồi thiền giúp bệnh nhân tĩnh tâm, giảm căng thẳng và có thể điều chỉnh những suy nghĩ tiêu cực về ma quỷ. Ngoài ra, ngồi thiền thường xuyên còn giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ và giảm các vấn đề thể chất có liên quan đến chứng Phasmophobia.
- Tập yoga: Tập yoga đã được chứng minh có thể giảm bớt cảm giác căng thẳng và lo âu do hội chứng sợ ma gây ra. Khi tập yoga, não bộ sẽ tiết ra hormone endorphin có tác dụng cải thiện tâm trạng và hỗ trợ giảm đau nhức.
- Lối sống khoa học: Một lối sống khoa học sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình điều trị. Lối sống lành mạnh giúp nâng cao thể trạng, hỗ trợ giải tỏa căng thẳng và nâng đỡ tinh thần. Ngoài ra, duy trì những thói quen tốt còn giúp phòng ngừa suy nhược, mất ngủ,… do chứng sợ ma gây ra.
- Tham gia các nhóm hỗ trợ: Thực tế, rất nhiều người mắc phải các rối loạn ám ảnh sợ hãi. Vì vậy, bệnh nhân nên cân nhắc tham gia các hội nhóm này để được hỗ trợ. Kinh nghiệm thực tế từ mọi người sẽ giúp người bệnh hiểu hơn về vấn đề sức khỏe bản thân đang phải đối mặt, đồng thời học được cách cân bằng cảm xúc và kiểm soát nỗi sợ.
Mong rằng thông qua bài viết bạn có thể hiểu rõ Phasmophobia là gì? Hội chứng sợ ma (Phasmophobia) không đơn thuần là cảm giác sợ ma quỷ thông thường. Hội chứng này làm cản trở các hoạt động thường ngày, giảm hiệu quả làm việc và ảnh hưởng đến quá trình học tập. Tuy nhiên, những vấn đề này có thể được ngăn chặn nếu thăm khám và trị liệu kịp thời.
Tham khảo thêm:
- 8 Cách giúp bạn vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân
- Hội chứng sợ bị bỏ rơi: Nguyên nhân và cách vượt qua
- Hội chứng sợ biển (Thalassophobia): Nguyên nhân và cách khắc phục
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!