Hội chứng sợ thất bại (Atyphobic): Nguyên nhân và cách vượt qua

Thất bại tất nhiên là điều ai cũng mong muốn không phải trải qua, tuy nhiên có những người bị ám ảnh điều này đến mức mất ăn, mất ngủ, tim đập nhanh bất thường dù chỉ mới nghĩ đến việc mình sẽ không thành công. Đây chính là biểu hiện của hội chứng sợ thất bại Atyphobic. Những ảnh hưởng của Atyphobic tác động lên cả tinh thần lẫn thể chất của mỗi người nên cần sớm được phát hiện và vượt qua sớm nhất có thể.

Hội chứng sợ thất bại
Atyphobic khiến những người này luôn ám ảnh bởi hai chữ “thất bại”

Hội chứng sợ thất bại (Atyphobic) là gì?

Hội chứng sợ thất bại có tên khoa học là Atyphobic được kết hợp giữa atyches Latin ( từ latin đính kèm) mang ý nghĩa là “không vui” và tiếng Hy Lạp – “sợ hãi”.Theo các tài liệu khoa học về tâm lý, Atyphobic được miêu tả là “the abnormal, unwarranted, and persistent fear of failure“. Trong đó ‘Abnormal” là không bình thường và “unwarranted” là không có lý do xác đáng. Hiểu một cách đơn giản thì Atyphobic có nghĩa là một nỗi sợ bất thường, không rõ ràng và dai dẳng có liên quan đến sự thất bại).

Atyphobic thuộc nhóm rối loạn lo âu, được biểu hiện bằng những nỗi sợ phi lý, không thực tế hoặc quá mức. Nỗi ám ảnh sợ hãi nay bao trùm toàn bộ tâm trí của người bệnh. Bản thân người bệnh thường không nhận ra được mình đang mắc vấn đề về tâm lý, đồng thời nếu không có biện pháp can thiệp đúng cách bệnh cũng rất khó tự biến mất mà ngày càng nghiêm trọng hơn.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Thực tế thì trong mỗi chúng ta, không ai là mong muốn mình sẽ thất bại, tuy nhiên trong cuộc sống đôi lúc không tránh khỏi điều này. “Thất bại là mẹ thành công”, chỉ sau mỗi lần thất bại chúng ta mới biết mình sai ở đâu, thiếu sót chỗ nào, qua đó chỉnh sửa và hoàn thiện hơn. Thế nhưng lại có những người trở nên ám ảnh quá mức với hai từ thất bại, cảm giác nghẹt thở khi nghĩ đến hai chữ này.

Biểu hiện của hội chứng sợ thất bại

Các triệu chứng của Atyphobic có thể không được biểu hiện liên tục mà xuất hiện dựa trên các tình huống mà người đó đang phải đối mặt. Chẳng hạn khi chuẩn bị phỏng vấn, chuẩn bị tham gia một cuộc thi hay khi tranh luận với một ai đó hay nói chung mọi vấn đề có liên quan đến tính cạnh tranh, thứ hạng. Những cảm xúc lo lắng, sợ hãi xuất hiện mà lu mờ dần sự tự tin khiến người đó không thể giữ bình tĩnh.

Hội chứng sợ thất bại
Cảm giác lo lắng đến mất ngủ, đau bụng thường xuất hiện trước các buổi thuyết trình, thi thố

Một số biểu hiện của hội chứng sợ thất bại như

  • Luôn cảm thấy lo lắng, tim đập nhanh, nhịp thở gấp, chân tay run rẩy, buồn nôn, đổ mồ hôi hay thậm chí cảm thấy choáng váng đồng thời có xu hướng tăng huyết áp khi chuẩn bị thi cử hay thuyết trình. Thậm chí có những người còn nói rằng mình cảm thấy có cơn đau ở vùng tim, cảm giác như nghẹt thở
  • Thường mất tập trung, suy nghĩ quá nhiều với các vấn đề liên quan đến thành công hay thất bại
  • Thường gặp các vấn đề liên quan đến rối loạn tiêu hóa hay mất ngủ, đặc biệt trước mỗi kỳ thi, bài phỏng vấn hay thuyết trình
  • Có xu hướng phủ nhận, nói dối hay tìm cách bao biện nếu bản thân bị thất bại
  • Dễ kích động, nổi nóng, khó chịu khi có ai nhắc đến thất bại của mình
  • Luôn có cảm giác bất lực trước mọi vấn đề, có cảm giác bản thân hèn kém, tự hạ thấp lòng tự trọng và khả năng của chính mình
  • Có thể thực hiện các hành vi thiếu trung thực để đạt được thành công như dự tính
  • Trước những buổi phỏng vấn, cuộc thi hay buổi thuyết trình, những người mắc Atyphobic có thể rơi vào trạng thái mất ngủ suốt cả đêm, thao thức, nôn ói, tim đập nhanh, đau bụng..
  • Không dám tham gia các cuộc thi, các buổi thuyết trình vì lo lắng rằng sẽ thất bại

Nguyên nhân hội chứng sợ thất bại

Thực tế vẫn chưa thể tìm ra chính xác đâu là nguyên nhân khiến một người có những nỗi sợ vô lý quá mức như thế, tuy nhiên tạm thời các nghiên cứu đã có thể chỉ ra một số yếu dẫn tới hội chứng sợ thất bại. Các yếu tố này đã có thể xuất hiện từ thời thơ ấu, tác động đến tâm trí người bệnh dẫn đến các ám ảnh suốt thời niên thiếu và kéo dài đến cả khi trưởng thành.

Hội chứng sợ thất bại
Tuổi thơ thường bị cha mẹ đặt nặng vấn đề học tập, thi cử, thứ hạng, chê bai nhiều khiến những người này mất niềm tin vào chính mình

Cụ thể, một vài yếu tố tác động tâm trí dễ dẫn đến mắc Atyphobic như

  • Vấn đề thời thơ ấu: thường bị cha mẹ la mắng mỗi lần bị điểm kém, tụt thứ hạng, thậm chí là bị phạt nặng; bị bạn bè hay những người trêu chọc mỗi khi làm bài không tốt hoặc thầy cô giáo thường dùng các từ ngữ mang tính chất coi thường năng lực của học sinh.. Tất cả những tác động này đều có thể khiến một người bị ám ảnh với thất bại. Đặc biệt nếu cha mẹ thường xuyên đốc thúc, luôn bắt con phải học giỏi, phải có thứ hạng cao, quá nghiêm khắc mỗi khi con học hành sa sút sẽ rất in sâu vào tâm trí con. Theo các chuyên gia, trong thời thơ ấu, nếu một người ít nhận được lời khen họ thường sẽ có xu hướng bị hạ thấp lòng tự trọng khi trưởng thành.
  • Có tính cách thiếu tự tin: người thiếu tự tin thường không dám thể hiện bản thân bởi họ luôn sợ mọi người sẽ chú ý, sẽ cười nhạo nếu không thành công. Ban đầu chỉ là những nỗi lo lắng bình thường nhưng khi những người này thường rơi vào các hoàn cảnh buộc phải thể hiện năng lực có thể làm cho nỗi lo lắng dàn trải khắp tâm trí và dần hình thành hội chứng sợ thất bại.
  • Chủ nghĩa hoàn hảo: với những người luôn đề cao sự hoàn hảo thì 1 chuyện thất bại cũng khiến cho họ cảm thấy cực kỳ bức bối, giống như một vết mực dơ trên tờ giấy bóng bẩy vậy. Do đó họ không muốn làm bất cứ việc nào thất bại, vượt ngoài dự định của bản thân để hình ảnh của bản thân luôn hoàn hảo trong mắt người khác.

Theo các chuyên gia, hội chứng sợ thất bại được hình thành bắt đầu từ nền tảng nghi ngờ bản thân từ thời thơ ấu hoặc thanh thiếu niên. Trẻ bị ảnh hưởng từ những nhận thức từ cha mẹ, thầy cô luôn cho rằng chỉ có điểm cao, chỉ có đứng đầu mới được coi là thành công khiến con mang nặng tư tưởng này, tự hình thành áp lực cho chính bản thân đến nỗi ám ảnh vì nó.

Ảnh hưởng từ hội chứng sợ thất bại

Nhiều người cho rằng khi sợ thất bại thì người đó sẽ cố gắng hơn để thành công, tuy nhiên thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Do sợ thất bại nên họ thường chỉ tập trung vào một mảng chuyên môn mà mình giỏi nhất, rất hạn chế liều lĩnh tấn công sang các lĩnh vực mới lạ vì cho rằng mình sẽ không thành công, sẽ bị người khác cười chê. Cũng bởi thế mà những người mắc hội chứng sợ thất bại thường hay bỏ lỡ những cơ hội phát triển của bản thân, luôn chỉ giới hạn bản thân không một vòng lặp quen thuộc.

Hội chứng sợ thất bại
Hội chứng sợ thất bại khiến những người này chỉ sống trong vòng lặp quen thuộc chứ không dám bứt phá

Bên cạnh đó, trong cuộc sống tất nhiên vẫn không thể tránh khỏi việc những người này phải tham gia một bài thi, một cuộc phỏng vấn hay thuyết trình. Trước những sự kiện có mang tính cạnh tranh như vậy, họ thường rơi vào trạng thái cực kỳ hoảng loạn như đang đứng trước vực thẳm, thậm chí mất ăn mất ngủ. Điều này khiến những người mắc Atyphobic trở nên bơ phờ, thiếu sức sống, khả năng làm bài tốt giảm làm cho các kết quả không đúng như mong đợi.

Mặt khác, những người mắc hội chứng sợ thất bại cũng có xu hướng bỏ cuộc hơn là đấu tranh một điều gì đó. Chẳng hạn trong tình yêu, nếu họ đang thích một ai đó và bỗng dưng có đối thủ xuất hiện thì cho dù họ đang có thế mạnh lớn hơn nhưng những người này sẽ bỏ cuộc để không phải cạnh tranh, bởi họ lo lắng rằng mình sẽ là kẻ thua cuộc.

Hội chứng sợ thất bại ảnh hưởng đến mọi mặt trong cuộc sống của người bệnh, từ sức khỏe, tinh thần, công việc và trong cả các mối quan hệ. Chẳng hạn một người làm marketing có thể thành công trong việc đưa chiến dịch của công ty phát triển, được nhiều người biết đến, dành được nhiều hợp đồng lớn nhưng lại không thể hòa vào cuộc vui của mọi người do hài hước không phải thế mạnh nên anh ta thường chọn cách trốn tránh.

Một vấn đề khác cũng có thể xảy ra ở những người mắc hội chứng sợ thất bại chính là đôi lúc họ có thể có các hành vi không phù hợp, thường chọn cách lảng tránh để không phải đối diện với những thất bại của bản thân. Do không chấp nhận được nên họ cũng thường nổi cáu, khó chịu nếu phải chịu những sự trêu chọc, chê cười của những người xung quanh.

Nói chung, tất nhiên những người mắc hội chứng sợ thất bại vẫn thường có năng lực ở một lĩnh vực nào đó. Tuy nhiên nỗi ám ảnh của bản thân quá lớn khiến họ không dám phá bỏ vòng vây đang bao quanh lấy mình, điều này khiến tinh thần của họ luôn trong trạng thái bị kìm kẹp, mệt mỏi, căng cứng, khó chịu.

Làm thế nào để vượt qua hội chứng sợ thất bại?

Như đã nói, hội chứng sợ thất bại là một vấn đề tâm lý được xuất hiện do các tác động bên ngoài nên chỉ dùng thuốc sẽ không thể loại bỏ được bệnh. Trị liệu tâm lý, hạn chế căng thẳng đặc biệt là sự hỗ trợ từ gia đình sẽ góp phần lớn vào việc giải tỏa những ám ảnh cho người bệnh. Quá trình điều trị cho bệnh nhân Atyphobic không hề đơn giản và cũng phải tốn một thời gian rất dài, cần có sự kiên trì quyết tâm lớn từ chính người bệnh.

Dùng thuốc

Không có loại thuốc nào có thể loại bỏ được nỗi lo âu ám ảnh về sự thất bại của một người, tuy nhiên nó có thể trấn an tinh thần, cải thiện tạm thời các triệu chứng mất ngủ, tăng huyết áp hay một số vấn đề khác. Người bệnh nên đến thăm khám với các bác sĩ chuyên về thần kinh để được chỉ định những loại thuốc phù hợp, tuyệt đối không được tự ý sử dụng.

Hội chứng sợ thất bại
Các nhóm thuốc chẹn beta có thể mang đến cho người bệnh nhiều cải thiện khi xuất hiện lo âu

Thuốc chẹn beta giúp ngăn chặn adrenaline khỏi nhịp tim, thuốc an thần giúp dễ ngủ hay các nhóm thuốc chống trầm cảm có thể được chỉ định cho người mắc hội chứng sợ thất bại. Tuy nhiên cần chú ý rằng đa phần các nhóm thuốc này đều kèm theo rất nhiều tác dụng phụ nên tuyệt đối không được lạm dụng. Hãy dùng theo đúng toa thuốc từ bác sĩ để mang đến những kết quả tốt nhất.

Việc dùng thuốc này còn có thể áp dụng cho bệnh nhân Atyphobic sử dụng trước khi tham gia các sự kiện, các buổi thuyết trình hay thi đua để ngăn ngừa các trạng thái choáng váng, khó thở hay tăng huyết áp vì lo lắng.

Trị liệu tâm lý

Trị liệu tâm lý chính là biện pháp được hướng đến chính cho người mắc Atyphobic và thực sự có mang đến nhiều kết quả cải thiện đáng kể. Nhà tham vấn chính là người sẽ đi sâu vào tiềm thức để tìm kiếm và gỡ các nút thắt khiến họ mang những ám ảnh quá sâu sắc về sự thất bại như hiện tại. Khi nút thắt được gỡ bỏ, tâm trí sẽ trở nên nhẹ nhàng, được thư giãn, nhìn nhận thực tại rõ ràng hơn.

Hội chứng sợ thất bại
Trị liệu tâm lý mang đến cho người mắc hội chứng sợ thất bại những cải thiện rõ rệt

Với những người mắc hội chứng sợ thất bại hiện nay thường được áp dụng các biện pháp như mô hình hóa tình huống; trị liệu nhận thức – hành vi, liệu pháp nhận thức hay các liệu pháp tiếp xúc và ngăn ngừa phản ứng khác. Người bệnh sẽ học được cách giữ bình tĩnh, kiểm soát được cảm xúc trước các tình huống gây căng thẳng, chấp nhận thực tại về chính bản thân mình.

Tuy nhiên để làm được điều này đòi hỏi cần có sự hợp tác từ bệnh nhân. Nhà trị liệu có thể tìm hiểu về thời thơ ấu, về những sự kiện, tình huống trong đó họ là người bị phạt, bị trách mắng. Đồng thời người bệnh cũng cần mô tả chi tiết về cảm xúc mà họ đang trải qua, bởi chỉ khi đó nhà trị liệu mới tìm được gốc rễ vấn đề và tìm cách giải quyết tốt nhất cho từng người.

Bên cạnh đó, nhà tham vấn tâm lý cũng có thể sắp xếp các buổi trò chuyện cho bệnh nhân cùng những người ở trong trạng thái để trị liệu nhóm. Khi tất cả có cùng một cảm xúc sẽ dễ dàng chia sẻ và đồng cảm cùng nhau hơn, nhờ đó quá trình phục hồi tâm lý diễn ra hiệu quả hơn.

Người bệnh nếu đáp ứng tốt với trị liệu sẽ dần lấy lại sự tự tin, nâng cao lòng tự trọng, hiểu rõ thất bại không có gì đáng sợ đến vậy, quan trọng là bản thân cần phải biết cách đứng lên, sửa chữa sai lầm để thành công trong những lần sau đó. Đồng thời người bệnh cũng dám phá vỡ hàng phòng ngự để cho bản thân nhiều cơ hội thay đổi và phát triển mới hơn ở tương lai.

Chăm sóc tại nhà và sự hỗ trợ từ gia đình

Với những người mắc hội chứng sợ thất bại hầu hết đều được chỉ định điều trị và chăm sóc tại nhà mà không cần lưu trú tại bệnh viện. Thời gian này người bệnh có thể được khuyến khích nên nghỉ ngơi và chăm sóc tại nhà để tinh thần được thư giãn, tránh xa mọi cuộc cạnh tranh, nhờ đó trạng thái lo âu quá mức cũng hạn chế xuất hiện hết mức.

Hội chứng sợ thất bại
Thiền định giúp tâm trí người bệnh được thư giãn, thả lỏng hơn

Gia đình cần tạo cho người bệnh không gian nghỉ ngơi thư giãn tốt nhất, hạn chế nhắc hay bàn luận về các vấn đề liên quan tới thứ hạng, thắng bại. Tham khảo thêm sự hỗ trợ từ các bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý để biết cách hỗ trợ người bệnh tốt nhất. Ngoài ra cần lưu ý một số vấn đề sau nhằm hỗ trợ người mắc hội chứng sợ thất bại trong quá trình chăm sóc tại nhà

  • Đảm bảo ngủ đủ giấc, từ 7- 8 tiếng mỗi ngày, tránh thức quá khuya
  • Tránh xa các vấn đề gây lo âu và căng thẳng, hãy để tâm trí được thả lỏng
  • Tuyệt đối không sử dụng bia rượu, thuốc lá, đồ uống có cồn hay các loại chất kích thích khác
  • Luyện tập thể dục thể thao hằng ngày để rèn luyện tinh thần khỏe mạnh vững vàng hơn
  • Thiền và yoga có thể mang đến cho người mắc hội chứng sợ thất bại rất nhiều lợi ích trong việc giảm căng thẳng, duy trì sự bình tĩnh, kiểm soát huyết áp, cải thiện chất lượng giấc ngủ
  • Thực hành chánh niệm cũng có thể mang đến cá lợi ích tương tự, với những người theo Phật Giáo có thể tham khảo phương pháp này
  • Học cách lạc quan, suy nghĩ tích cực trong mọi tình huống, kể cả khi thất bại.

Oliver Wendell Holmes- Cựu Thẩm phán Tòa án Tối cao Hoa Kỳ có một câu nói rất hay rằng “Điều quan trọng không phải là chúng ta có được vị trí nào trong cuộc đời, mà là đích đến cuối cùng của chúng ta ở đâu”. Thành công hay thất bại giống như một điều tất yếu trong cuộc sống mà mỗi chúng ta đều phải học cách vượt qua chứ không thể khẳng được chúng ta là ai. Thất bại là mẹ thành công, thất bại hôm nay không có nghĩa là ngày mai chúng ta cũng thất bại. Vì thế hãy cứ sống hết mình, tin tưởng vào bản thân, không ngừng cố gắng, không gục ngã trước thất bại chắc chắn may mắn sẽ mỉm cười với bạn.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Hội chứng sợ thất bại đang là căn bệnh có rất nhiều người gặp phải bởi khi cuộc sống phát triển thì áp lực phải thành công, áp lực về địa vị cũng ngày càng tăng lên. Mỗi gia đình, các bậc phụ huynh hay chính các thầy cô giáo cần khuyến khích con ép phát triển một cách tự nhiên, tránh đặt nặng các vấn đề này để con có một tuổi thơ hạnh phúc, vui vẻ nhất.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *