Hồi hộp lo âu kéo dài là bị gì? Nguy hiểm không?
Nếu bạn thường xuyên trong trạng thái hồi hộp lo âu kéo dài, thậm chí dù không có tác động nào nhưng vẫn thấy tim đập nhanh, lo lắng thì nên đến bệnh viện để thăm khám sớm. Đây có thể chính là dấu hiệu cảnh báo rất nhiều vấn đề về sức khỏe, chẳng hạn bệnh tim, rối loạn lo âu hay suy nhược thần kinh. Phát hiện và điều trị các vấn đề này sớm sẽ giúp chất lượng cuộc sống của bạn được cải thiện rõ rệt.
Hồi hộp lo âu kéo dài do những nguyên nhân nào?
Chúng ta thường cảm thấy lo âu và hồi hộp khi chuẩn bị đứng trước các tình huống tương lai chưa thể dự đoán trước sẽ diễn biến như thế nào, nằm ngoài tầm kiểm soát của bản thân. Chẳng hạn học sinh lo âu hồi hộp khi không biết có phải lên bảng trả bài không hay người phải đứng thuyết trình nơi đông người hoặc chuẩn bị phải làm một bài thi nào đó nhưng chưa chuẩn bị kỹ.
Trong trạng thái lo âu hồi hộp thường sẽ có những biểu hiện như tim đập nhanh, cảm thấy khó thở, căng thẳng, chân tay run rẩy, mặt tái nhợt. Tuy nhiên trạng thái này sẽ chỉ xuất hiện khi có các tình huống rõ ràng và kết thúc khi tình huống đó được giải quyết.
Nếu tình trạng hồi hộp lo âu kéo dài mà không rõ nguyên nhân, diễn ra thường xuyên thì bạn tuyệt đối không được chủ quan vì đây có thể là dấu hiệu của một số vấn đề về sức khỏe cần sớm được điều trị.
Do các bệnh lý thể chất
Một trong những bệnh lý nguy hiểm thường khiến một người dễ bị hồi hộp, lo lắng, tim đập nhanh đến nỗi có cảm giác run rẩy không thở được chính là các bệnh về tim mạch như van tim, bệnh cơ tim và bệnh động mạch vành. Nguyên nhân thường chính là do những hoạt động điện bất thường tại tâm nhĩ hoặc tâm thất làm việc đưa máu và oxy đến các cơ quan khác bị ảnh hưởng.
Các triệu chứng điển hình khác của bệnh tim mạch làm hồi hộp, lo âu kéo dài như cảm thấy đau nghẹn và đau ngực; tim đập nhanh, nhói và khó thở; mặt tái nhợt và run rẩy; chóng mặt, hoa mắt, sưng chân; đổ mồ hôi lạnh, có các triệu chứng như bị cúm. Người bị bệnh tim thường có sức khỏe khá yếu, ngay cả dù lúc vui hay lúc hoảng hốt nếu bị kích thích quá mức cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe.
Bên cạnh đó, tình trạng hồi hộp lo âu kéo dài còn có thể chính là dấu hiệu của các bệnh lý về tuyến giáp. Do sự ảnh hưởng của một số hormon tuyến giáp sẽ làm gia tăng tình trạng căng thẳng của người bệnh và gây ra các vấn đề như dễ lo âu, tim đập nhanh, thường xuyên bồn chồn, lo lắng, rụng tóc, đau cơ, khàn tiếng hay các vấn đề về trí nhớ, về chu kỳ kinh nguyệt.
Các bệnh về tuyến giáp còn có thể nhận biết thông qua việc có các khối u ở cổ, nhìn rõ hơn khi nuốt. Nếu là bướu độc thì còn có các triệu chứng như mắt lồi to ra ngoài. Các biến chứng liên quan đến các vấn đề này cũng cực kỳ nguy hiểm như gia tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch, huyết áp, loãng xương, giảm thị lực đặc biệt là nguy hiểm cho phụ nữ có thai.
Nói chung trạng thái hồi hộp lo âu kéo dài có thể cảnh báo các vấn đề về sức khỏe nguy hiểm nên nếu kéo dài, đặc biệt ở những người già thì nên đi thăm khám sớm để có biện pháp can thiệp kịp thời.
Do suy nhược thần kinh
Các vấn đề thần kinh và tâm lý cũng là nguyên nhân gây ra trạng thái lo âu hồi hộp kéo dài ở nhiều người, làm ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Người bị suy nhược thần kinh luôn trong trạng thái uể oải, đau đầu chóng mặt, mất tập trung, dễ dàng cáu gắt, làm việc kém hiệu quả, khó ngủ, luôn thấy lo âu dù không có lý do nào xác đáng.
Cụ thể, một số bệnh lý có liên quan đến suy nhược thần kinh khiến người bệnh thường xuyên cảm thấy lo âu không lý do như
- Stress: những áp lực lớn trong cuộc sống về công việc, tiền bạc hay chuyện tình cảm chính là nguyên nhân hàng đầu gây căng thẳng stress. Hầu như ai cũng từng rơi vào giai đoạn này ít nhất một lần với các triệu chứng như dễ bị kích động, luôn cảm thấy bồn chồn, lo âu, khó chịu với những người xung quanh. Nếu không sớm tìm cách giải quyết sẽ rất dễ dẫn đến các vấn đề tâm lý khác nghiêm trọng hơn.
- Rối loạn lo âu: đây chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây lo lắng, hồi hộp kéo dài mà không có nguyên nhân chính xác. Các dạng rối loạn lo âu rất đa dạng, chẳng hạn những người rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường luôn lo âu về việc mình đã khóa cửa chưa, tay có sạch không hay những người mắc chứng ám ảnh xã hội thường luôn cảm thấy lo lắng khi phải bước ra khỏi nhà…
- Trầm cảm: người mắc stress hay rối loạn lo âu trong thời gian dài nhưng không có hướng kiểm soát kịp thời cũng rất dễ tiến triển lên trầm cảm. Bên cạnh cảm xúc bồn chồn, hồi hộp, tim đập nhanh, người bệnh trầm cảm còn trong trạng thái u uất, chán chường, tuyệt vọng trong cuộc sống luôn có những suy nghĩ tiêu cực.
- Rối loạn thực thể hóa: đây cũng là một vấn đề thuộc nhóm suy nhược thần kinh, theo đó người bệnh cũng cảm thấy lo âu, bồn chồn thái quá vì các vấn đề sức khỏe. Chẳng hạn họ có thể thấy đau đầu, đau bụng, đau cơ nhưng khi đi khám lại không rõ nguyên nhân nên luôn thấy lo lắng cho rằng mình sắp chết.’
Hồi hộp lo âu kéo dài nếu liên quan đến suy nhược thần kinh hay các vấn đề về tâm lý cũng kèm theo rất nhiều hệ lụy xấu nên tuyệt đối không được chủ quan. Những người này thường có tinh thần tiêu cực, chán chường, mất cảm xúc với mọi thứ. Với những bệnh nhân này dùng thuốc thường không mang đến hiệu quả mà cần phải thực hiện các biện pháp điều trị tâm lý.
Hồi hộp lo âu kéo dài có nguy hiểm không?
Cảm xúc hồi hộp lo âu vốn luôn kèm theo tình trạng tim đập nhanh, chân tay run rẩy, tinh thần cũng kém thông thái hơn bình thường nên chưa bao giờ là dễ chịu, dù với bất cứ nguyên nhân nào. Các triệu chứng này nếu kéo dài sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, tinh thần và cả sức khỏe của những đối tượng này nên tuyệt đối không được chủ quan.
Cụ thể, khi tim đập nhanh do hồi hộp lo âu kéo dài sẽ khiến khó thở, đau tức ngực, tinh thần dễ bị kích động hơn nên có thể gia tăng các nguy cơ đột quỵ, đặc biệt ở người già, người lớn tuổi. Khi máu và oxy đưa đến các cơ quan kém hiệu quả thì cơ thể cũng không đủ năng lượng hoạt động và làm suy nhược trong thời gian dài. Người có sức đề kháng yếu, dễ bị lo âu cũng dễ mắc rất nhiều bệnh khác.
Mặt khác ở những người mắc các vấn đề suy nhược thần kinh hay các bệnh tâm lý nếu không được điều trị và kiểm soát kịp thời còn có thể dẫn đến các hành vi tự làm đau bản thân hay thậm chí là tự tử để giải tỏa cảm xúc. So với các bệnh lý thực thể thì các vấn đề tâm lý khó phát hiện hơn, khó nắm bắt hơn và cũng khó điều trị hơn rất nhiều. Vì thế ngay khi phát hiện các triệu chứng sức khỏe, tâm lý bất thường mỗi người cần có hướng thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt.
Hướng điều trị cho người bị hồi hộp lo âu kéo dài
Tùy từng tình trạng, nguyên nhân mà hướng điều trị cho những người gặp các vấn đề này sẽ khác nhau. Người bệnh nên nhanh chóng đến các bệnh viện lớn, có đầy đủ chuyên khoa để tiện cho việc thăm khám và kiểm tra. Chẳng hạn người bị rối loạn lo âu bệnh tật nếu khám sức khỏe không có vấn đề gì, nghi ngờ mắc các vấn đề tâm lý sẽ được bác sĩ hướng dẫn chuyển chuyên khoa khám phù hợp.
Người bệnh có thể được chỉ định các thuốc giúp ổn định nhịp tim, ổn định tâm lý hoặc thuốc điều trị chuyên khoa cho từng bệnh. Trị liệu tâm lý cũng là phương pháp được hướng đến cho những người bị suy nhược thần kinh để nâng cao tinh thần, giải tỏa lo lắng, hướng dẫn các giải tỏa cảm xúc và đối mặt với căng thẳng. Người bệnh đáp ứng với trị liệu tâm lý sẽ dần có đời sống lạc quan và hạnh phúc hơn.
Nói chung do có liên quan đến nhiều tình trạng sức khỏe nên trong bài viết này sẽ không đề cập đến các phương pháp điều trị y tế cụ thể. Tuy nhiên bạn có thể tham khảo một vài phương pháp đơn giản sau để kiểm soát tạm thời trạng thái hồi hộp, lo âu kéo dài
- Học các liệu pháp hít thở hoặc chỉ đơn giản là hít thở thật sâu rồi thở ra từ từ mỗi khi cảm thấy hồi hồi, căng thẳng, tim đập nhanh. Bởi khi hít thở sâu sẽ giúp não bộ hoạt động chậm lại giúp bạn nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, hạn chế được các tình huống xấu có thể xuất hiện
- Thiền và yoga cũng là những bộ môn có thể giúp bạn kiểm soát cảm xúc, thư giãn tinh thần, luyện tập được cách giữ bình tĩnh, cải thiện trạng thái hồi hộp, lo âu quá mức
- Đảm bảo đi ngủ sớm, đi ngủ đủ 7- 8 tiếng mỗi ngày sẽ giúp tinh thần lạc quan, minh mẫn, kiểm soát cảm xúc tốt hơn
- Tuyệt đối không nên sử dụng các chất kích thích như cà phê, bia rượu, thuốc lá, đồ uống có cồn… Việc sử dụng các chất này sẽ càng làm gia tăng tình trạng hồi hộp, bồn chồn, lo âu kéo dài
- Duy trì thói quen luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày, tuy nhiên với những người bị bệnh tim nên chọn các bộ môn phù hợp, tránh luyện tập quá sức
- Tăng cường các nhóm thực phẩm tốt cho sức khỏe như rau xanh, trái cây, các loại hạt, đạm từ thực vật, sữa..
- Những người bị suy nhược thần kinh hay tim mạch có thể dùng một số loại thực phẩm chức năng để nâng cao sức khỏe nhưng vẫn cần có chỉ định của bác sĩ
- Một số biện pháp khác để thư giãn tinh thần, nâng cao sức khỏe toàn thân mà bạn cũng có thể tham khảo như tắm nước ấm, ngâm chân với nước ấm và thảo dược, hít tinh dầu, liệu pháp mùi hương, nghe nhạc hay đọc sách
- Tìm kiếm sự giúp đỡ ngay khi cần thiết, tránh để tình trạng căng thẳng, lo lắng diễn ra trong thời gian dài
Hồi hộp lo âu kéo dài có thể là dấu hiệu của rất nhiều vấn đề sức khỏe nên tuyệt đối không nên chủ quan, hãy đi thăm khám ngay khi thấy cơ thể có những vấn đề bất thường. Mỗi người nên rèn luyện cho mình thói quen sống khoa học, ăn uống lành mạnh, tập luyện thể dục thể thao hằng ngày để nâng cao sức khỏe, tinh thần, phòng tránh nguy cơ mắc các bệnh lý trên.
Có thể bạn quan tâm:
- Cảnh giác với suy nghĩ muốn chết khi mang thai
- Trầm cảm vì áp lực gia đình: Thực trạng cần báo động
- 10 Cách phòng tránh trầm cảm sau sinh mẹ bầu nên quan tâm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!