Miệt thị ngoại hình (Body Shaming) – vấn đề nhức nhối hiện nay

Miệt thị ngoại hình hay Body Shaming là một trong những hình thức hạ thấp danh dự người khác nhưng lại luôn được biện minh dưới danh nghĩa ” chỉ là trò đùa mà thôi”. Nạn nhân của những “trò đùa” này thường cảm thấy đau khổ, tiêu cực, đánh mất sự tự tin, xấu hổ, mặc cảm, dần tự tách biệt bản thân, thậm chí rơi vào trầm cảm bởi những lời trêu chọc đầy ác ý từ những người xung quanh.

Thực trạng nạn miệt thị ngoại hình

Miệt thị ngoại hình hay còn được gọi là Body Shaming là một trong những vấn đề gây nhức nhối nhất hiện nay bởi chúng ta có thể bắt gặp nó ở bất cứ đâu. Hiểu đơn giản thì đây là tình trạng dùng ngôn từ, lời nói mang tính ác ý, tiêu cực để bình phẩm về ngoại hình của một người và khiến cho người đó cảm thấy khó chịu, đau khổ, tổn thương lòng tự trọng.

Chẳng hạn khi ra đường, một người thấy người khác có ngoại hình hơi ngoại cỡ và nói rằng “béo thế mà cũng dám ra đường”; một cô gái có hàm răng hô thì bị trêu chọc rằng ” dùng răng gọt trái cây”; một người có da đen thì bị nói rằng “đứng trong bóng tối sẽ không ai có thể tìm thấy”. Đây chính là minh chứng rõ ràng nhất của nạn miệt thị ngoại hình và có thể xảy ra ở bất cứ đâu.

Miệt thị ngoại hình
Miệt thị ngoại hình là cách dùng lời nói bình phẩm về ngoại hình khiến người khác đau khổ, tổn thương lòng tự trọng, hạ thấp giá trị bản thân

Cần hiểu rằng Body Shaming không hề mang tính góp ý bởi những lời nói được đánh giá là miệt thị ngoại hình thường là khiêu khích, châm chọc, nhắm vào những điểm yếu về ngoại hình của đối phương. Tuy nhiên những kẻ này lại luôn biện minh cho những hành vi xấu xí của mình rằng đó là “lời nói đùa” hay “góp ý để người đó thấy và thay đổi tốt hơn” khiến cho nạn nhân cảm thấy không thể phản kháng.

Đặc biệt thực trạng Body shaming hiện nay trở nên cực kỳ phổ biến trên mạng xã hội, đặc biệt trong thời điểm mà chỉ cần một đoạn clip, hình ảnh viral cũng có thể bỗng chốc được chú ý. Một người có thể dễ dàng sử dụng các tài khoản ảo với tên giả, hình ảnh giả nên càng “tung hoành” hơn trong việc sử dụng những ngôn từ xấu xa nhất để bình phẩm về một ai đó trên mạng.

Những KOL, ca sĩ, diễn viên thường là đối tượng dễ bị công kích về ngoại hình thông qua các bình luận công khai trên trang cá nhân. Tiêu biểu như vận động viên bóng chuyền Kim In-hyeok bị miệt thị khắp mạng xã hội vì là nam giới nhưng.. có da trắng, mắt to, môi đỏ như con gái; Rapper Bobby (iKON) bị xếp là idol xấu nhất Kpop; ca sĩ Đức Phúc trước khi phẫu thuật thẩm mỹ luôn phải đối diện với những lời chê bai rằng xấu khi xuất hiện.

Không ít người bị chụp lén, quay lén khi hình ảnh không phù hợp, bị đưa lên mạng và hàng ngàn người không quen biết truyền tay nhau, sử dụng những lời lẽ cợt nhả, khiêm nhã để chê bai, trêu chọc đến mức rơi vào hoảng loạn. Những người sử dụng mạng xã hội tự cho mình “quyền” tự do ngôn luận, tự biện minh rằng “đã đưa lên mạng thì phải chấp nhận” hoặc nói rằng đó chỉ là lời “nói đùa bình thường”.

Hay có một câu chuyện mà người ta thường dùng để “đùa” trong môi trường công sở chính là cô nàng nào đẹp sẽ được ưu ái làm những việc nhẹ nhàng, trong văn phòng còn ai “xấu” hơn phải làm các công việc nặng nhọc, phải tựu bưng nước, tự lấy đồ vì chẳng có anh chàng nào chịu giúp đỡ. Đây cũng chính là một hình thức khác của miệt thị ngoại hình nơi công sở.

ads chuyên gia tâm lý bùi thị hải yến tư vấn ngay

Một khảo sát được thực hiện trên tạp chí Independent (Anh) còn cho thấy gần ½ người trưởng thành được hỏi từng bị miệt thị ngoại hình, đồng thời tại Mỹ có đến 94% nữ giới và 64% nam giới cũng từng rơi vào tình trạng tương tự. Tất cả những người nổi tiếng được hỏi hầu như cũng bị body shaming ít nhất một lần từ khi nổi tiếng.

Đáng buồn hơn, nạn miệt thị ngoại hình lại xuất hiện cực kỳ nhiều trong môi trường học đường – nơi mà đáng nhẽ các học sinh cần có một tâm lý trong sáng, tích cực. Thậm chí các em còn lập các group chỉ để bình phẩm về ngoại hình của một bạn nữ “quá cỡ”, nói rằng bạn làm mất mặt lớp vì “quá xấu”. Một khảo sát còn cho thấy có đến hơn 56% học sinh từng bị Body Shaming.

Hay mới đây, một sự kiện đã gây chấn động cả Hollywood khi mà trong Lễ trao giải Oscar 2022, MC Chris Rock đã đưa chuyện vợ Will Smith bị rụng tóc (do bệnh) thành một câu chuyện đùa thiếu tinh tế khiến anh phải nhận một cái tát từ Will Smith ngay khi chương trình đang phát trực tiếp. Điều này càng chứng minh nạn miệt thị ngoại hình cực kỳ phổ biến, có thể xuất hiện ở bất cứ đâu.

Các hình thức của miệt thị ngoại hình

Bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân hay chính là người thực hiện hành vi miệt thị ngoại hình đối với người khác. Và nạn nhân của body shaming có thể là người nổi tiếng, người bình thường, nam giới, phụ nữ, người già hay trẻ em. Kể cả với một người trông có vẻ hoàn hảo nhưng trong mắt một người nào đó vẫn có thể tìm ra một khuyết điểm bé xíu để chỉ trích, châm chọc.

Miệt thị ngoại hình
Miệt thị ngoại hình xuất hiện cực kỳ phổ biến trên các trang mạnh xã hội với hình thức “nói đùa” hay “góp ý”

Các chủ đề của miệt thị ngoại hình có thể xoay quanh các nội dung như đường nét trên khuôn mặt, màu da, vóc dáng, cân nặng, kiểu tóc, cách ăn mặc… Nói chung bất cứ vấn đề, khiếm khuyết nào trên cơ thể cũng có thể bị người khác đem ra bình luận, chê bai, bàn tán, cợt nhả.

Các hình thức phổ biến của miệt thị ngoại hình thường là

  • Body shaming người khác: các hình thức của nạn này gồm chê bai người khác công khai trên các trang mạng xã hội, chế giễu trước mặt hoặc bàn tán sau lưng. Thường bản thân những người tự thực hiện hành vi này không công nhận đó là miệt thị ngoại hình mà thường cho rằng “có sao nói vậy”; ” mập thì nói là mập, có gì mà miệt thị” hay “đó là nói giỡn chứ có gì đâu”
  • Tự miệt thị chính bản thân: rất nhiều người đang phải sống trong sự tiêu cực do chính bản thân mình tạo ra, tự body shaming chính mình. Chẳng hạn bạn có bao giờ soi gương và tự nói rằng ” trong mày thật xấu xí”; ” chân mình như chân cột đình”, lúc nào cũng sợ hãi rằng nếu mặc như thế sẽ bị mọi người bàn tán, chỉ trỏ, ngày càng tự ti và mặc cảm. Đây cũng chính là hình thức tự miệt thị ngoại hình chính bản thân.

Cần hiểu rằng không phải lúc nào những lời châm chọc về ngoại hình cũng là những ngôn từ xấu xí, chê bai, tiêu cực mà còn có thể được “biến hóa” qua những hình ảnh ẩn dụ, những câu chuyện có vẻ hài hước, bông đùa. Chính do đó những nạn nhân của body shaming thường không dám lên tiếng thể hiện sự đau khổ của bản thân vì sẽ lại bị người đó dùng danh nghĩa “đùa cho vui” để phản bác lại.

Vì sao hành vi miệt thị ngoại hình xuất hiện và ngày càng phổ biến?

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, con người tự tạo ra những thứ gọi chung là “quy chuẩn xã hội”. Chẳng hạn một đứa trẻ được khen ngoan khi về nhà biết chào người lớn; một người được đánh giá thông minh khi trong gia đình có treo nhiều bằng khen. Chúng ta thường dựa vào tổng thể bên ngoài, thứ mà có thể nhìn bằng mắt để đánh giá có đúng với “quy chuẩn” đó hay không.

Miệt thị ngoại hình
Việc cho phép sử dụng các tài khoản mạng xã hội ảo khiến ngày càng xuất hiện nhiều người bị body shaming trên mạng nhiều hơn

Trong khi đó, ngoại hình chính là thứ có thể nhìn nhận hay đánh giá dễ dàng nhất bằng mắt thường và cũng luôn có những quy chuẩn nhất định. Chẳng hạn con gái được đánh giá là ngoại hình chuẩn khi có thân hình đồng hồ cát, da trắng; người có khuôn mặt đẹp khi có mắt to, mũi dọc dừa, môi trái tim; nam giới phải cao trên 1m70, có thân hình vạm vỡ….

Tất cả chúng ta dường như luôn tự mặc định rằng đây chính là quy chuẩn về cái đẹp, ai không đạt được tiêu chí nào sẽ được coi là thiếu hoàn hảo, là xấu. Và khi cố một ai đó không phù hợp với các tiêu chí mặc định này sẽ bị chê bai, châm chọc, đánh giá một cách tiêu cực và dễ trở thành nạn nhân của miệt thị ngoại hình.

Mặt khác thì miệt thị ngoại hình lại là vấn đề mang tính chất cá nhân bởi không phải ai trong chúng ta cũng dựa trên những quy chuẩn này để đi chê bai hay “tấn công” người khác bằng lời nói. Những người thường đi body shaming những người khác thường có các đặc điểm sau

  • Người quá quan trọng về ngoại hình: có những người rất yêu thích việc làm đẹp, sự chỉn chu, thích cái đẹp nên họ cũng có xu hướng đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài. Những người này luôn đề cao vẻ ngoài và họ cũng có xu hướng kết giao, làm việc với người có cùng gu với mình. Việc người đối diện không đạt được các tiêu chuẩn về cái đẹp có thể khiến họ khó chịu, bực bội và dùng những từ ngữ mang tính chất tiêu cực để chê bai, bài trừ người khác.
  • Nhận thức, tính cách sai lệch: thực tế thì việc một người thường xuyên dùng ngôn ngữ xấu xí để chê bai, hạ thấp người khác lại liên quan trực tiếp đến tính cách và tư duy của họ. Không phải ai yêu cái đẹp cũng sẽ miệt thị người có ngoại hình không hoàn hảo. Người vốn có tính cách tự cao, tiêu cực, tự cho mình là nhất, người ích kỷ, thiếu tinh tế thường chính là người chuyên đi soi mói, thích chỉ trích, miệt thị về ngoại hình người khác.

Mặt khác, hiện nay khi xã hội luôn đề cao quyền tự do cá nhân thì đồng thời rất nhiều người cũng tự tạo cho mình quyền “tự do ngôn luận”. Họ cho rằng việc chê bai hay đánh giá về ngoại hình của người khác là điều hoàn toàn bình thường, cho là trò vui, thậm chí nói rằng đó là lời “góp ý” để người kia tốt hơn chứ không chấp nhận đó là body shaming hay bắt nạt trực tuyến.

Thậm chí có những người bản thân của họ cũng không đáp ứng được “tiêu chuẩn cái đẹp” của họ đề ra nhưng vẫn sẵn sàng lên mạng chê bai một ca sĩ khi thấy cô ấy mới vừa tăng cân. Đó chính là do tâm lý tiêu cực và lệch lạc của người đó khiến họ tự cho phép mình quyền bình phẩm về một ai khác.

Yếu tố môi trường sống, ảnh hưởng từ tính cách của những người xung quanh hoàn toàn có thể hình thành tính cách này trên mỗi người, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Chẳng hạn khi một đứa trẻ tiếp xúc với mạng xã hội sớm và thấy những bài viết, những bình luận miệt thị ngoại hình người khác thì chúng cũng nhanh chóng học theo và áp dụng với chính bạn bè của mình.

Một thống kê cũng cho thấy sự phát triển của mạng xã hội trở thành một trong những yếu tố làm gia tăng nạn miệt thị ngoại hình hiện nay. Lướt Facebook, Tiktok mỗi ngày chắc chắn chúng ta sẽ thấy ít nhất một comment người này chê người kia quá béo, khuyên ai đó nên giảm cân đi, nên “đập mặt đi xây lại”.. cùng hàng loạt những lời nói đầy tính châm biếm xấu xí khác.

Mặt khác, rõ ràng có thể thấy xã hội dường như đang ngày càng đề cao cái đẹp hơn. Một người đẹp luôn được ưu tiên, dễ dàng tìm kiếm được công việc, có người hâm mộ… Tất cả những điều này càng khiến con người ngày càng khao khát, coi trọng vẻ đẹp ngoại hình. Do đó những người có bề ngoài kém hoàn hảo hơn dễ rơi vào tình trạng không được coi trọng, bị coi thường, thậm chí là cô lập.

Hệ lụy của nạn body shaming

Tất cả chúng ta, kể cả những người không quan tâm đến ngoại hình nhưng không ai là không mong muốn mình có vẻ ngoài xinh đẹp, dễ nhìn. Rõ ràng khi có một vẻ ngoài ổn, chúng ta thường cảm thấy tự tin hơn trong mọi vấn đề. Tuy nhiên ngoại hình của một người lại có liên quan đến rất nhiều yếu tố khác, chẳng hạn như di truyền nên không phải ai cũng có thể chọn lựa được.

Miệt thị ngoại hình
Người bị miệt thị ngoại hình luôn phải sống trong bóng đen tâm lý, tự cô lập bản thân, thậm chí muốn tự tử

Nạn nhân của nạn miệt thị ngoại hình luôn phải sống trong xấu hổ, tự ti, ngại ngùng, không dám giao tiếp với ai, không dám là chính mình, thậm chí còn cảm giác ghét chính mình. Đặc biệt với người có tâm lý yếu nhưng lại thường bị chê bai, trêu ghẹo về ngoại hình sẽ hình thành tâm lý ngày càng tiêu cực, tuyệt vọng dẫn đến trầm cảm, thậm chí là hành vi tự tử.

Bất cứ ai cũng không thích bản thân bị chê bai, đặc biệt là về ngoại hình. Việc luôn là tâm điểm của sự bàn tán khiến họ trở nên lo lắng, sợ hãi, căng thẳng, gặp ác mộng, tự tách biệt bản thân với xung quanh để không phải nghe những lời nói đáng sợ đó. Họ dần đánh mất chính bản thân, cảm thấy chán nản tuyệt vọng với cuộc sống, tự bài trừ chính mình ra khỏi xã hội.

Sự tự ti về ngoại hình đã cản trở những người này chạm tay đến giấc mơ của bản thân. Nhiều người dù có giọng hát hay nhưng luôn mặc định ca sĩ phải có ngoại hình đẹp nên không dám thể hiện; đi làm họ cũng luôn luôn im lặng, không dám thể hiện ý kiến vì sợ mọi người đánh giá, cô lập mình.

Rất nhiều nạn nhân đã hoặc đã từng có ý định tự tử vì bị miệt thị ngoại hình trong thời gian dài đã chứng minh mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của các hành vi này. Mới đây, vận động viên bóng chuyền Kim In-hyeok tự tử sau thời gian dài bị body shaming trên mạng hay việc rất nhiều học sinh đã tự tử vì bị bạn bè bắt nạt, tẩy chay vì có ngoại hình kém hoàn hảo chính là hồi chuông cảnh báo rõ ràng nhất.

Miệt thị ngoại hình luôn được biện minh dưới danh nghĩa “nói đùa” hay “góp ý để tốt hơn chứ không có ý xấu”, bởi thế không phải nạn nhân nào cũng dám phản kháng. Bản thân họ dù đau khổ nhưng đứng trước những lời nói châm chọc bản thân vẫn phải mỉm cười để cho qua chuyện nhưng những vết thương trong trái tim ngày càng lớn hơn.

Để thoát khỏi việc bị miệt thị, chê bai về ngoại hình không ít người cũng chọn các phẫu thuật thẩm mỹ. Tuy nhiên những người này lại lạm dụng một cách quá mức hoặc tìm đến các cơ sở giá rẻ kém chất lượng khiến mặt của họ biến dạng nghiêm trọng hơn, thậm chí là nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng hoặc để lại di chứng đến suốt đời.

Đặc biệt một số nạn nhân sau một thời gian dài phải hứng chịu những lời miệt thị ngoại hình, đùa cợt từ những người xung quanh lại hình thành tâm lý muốn trả thù. Rất nhiều người đã tấn công hay thực hiện các hành vi bạo lực với người đã miệt thị mình khi bị kích động. Từ nạn nhân họ bỗng chốc rơi vào vòng lao lý bởi những cảm xúc tức giận không thể kiểm soát được.

Làm thế nào để vượt qua việc bị miệt thị ngoại hình?

Thực tế thì mức độ ảnh hưởng của việc bị ngoại hình sẽ khác nhau, tùy theo tâm lý từng người. Có người có thể xuề xòa cho qua nhưng cũng có người bị ám ảnh mãi mãi bởi những lời nói này. Tất nhiên trong nội tâm mỗi người không ai là không tránh khỏi buồn phiền khi bản thân bị chê bai, nhưng tùy theo cách xử lý và đón nhận chúng ta thậm chí có thể biến nhược điểm thành ưu điểm.

Cần hiểu rõ rằng thực tế trên thế giới này vốn dĩ chẳng có bất cứ một quy chuẩn vào về cái đẹp bắt buộc chúng ta phải như thế mới được công nhận là đẹp. Mỗi chúng ta đều có một nét đẹp của riêng mình, một đặc điểm riêng biệt mà không phải ai cũng có.

Kể cả một người được đánh giá đẹp nhất thế giới cũng bị một người nào đó tìm ra khiếm khuyết để chứng minh rằng vẻ đẹp của người đó không hoàn mỹ, bởi thế, chúng ta vốn dĩ chẳng thể nào theo đuổi được sự hoàn hảo về mặt ngoại hình. Thay vì để tâm vào những lời miệt thị ngoại hình xấu xí và vô nghĩa, chúng ta hãy quan tâm đến việc phát triển những đặc điểm của riêng mình để trở nên nổi bật theo một cách riêng.

Vậy làm thế nào để vượt qua những lời đánh giá tiêu cực, tồi tệ khi bị body shaming?

Chắt lọc ý kiến phù hợp

Ghi nhận những gì mang thực sự tính chất góp ý và bỏ ngoài tai những lời nói thiếu văn minh. Thực tế vẫn có những người có ý giúp bạn tốt hơn chỉ là cách họ thể hiện chưa thực sự tinh tế. Bạn cần chắt lọc những ý kiến có thể giúp bản thân hoàn thiện và tốt hơn thay vì chỉ chăm chăm vào những lời lẽ mang tính chất khiêu khích mình.

Miệt thị ngoại hình
Cần nhận thức được đâu là lời nói góp ý tích cực, đâu là body shaming để chắt lọc các ý kiến tiếp thu phù hợp

Bạn biết đấy, có những người cảm thấy rằng nỗi đau khổ của người khác lại trở thành niềm hạnh phúc của họ, vì thế việc bạn càng tức giận, càng đáp trả chỉ càng khiến họ hả hê. Đặc biệt khi mạng xã hội cho phép sử dụng tài khoản ảo thì những kẻ này càng lộng hành, vì thế bạn tuyệt đối không nên dành quá nhiều thời gian để tranh luận với những kẻ như thế.

Chính những nghệ sĩ, người nổi tiếng – những người thường đối diện với nạn miệt thị ngoại hình cũng đã chia sẻ rằng đừng nên chú tâm quá nhiều đến những lời bình luận khiếm nhã. Khi bạn bỏ lơ, không chú tâm thì tự động một thời gian những kẻ đó sẽ dần chán và không quan tâm đến bạn nữa.

Biến điều tiêu cực thành tích cực

Nếu theo dõi Kpop, chắc hẳn bạn sẽ biết đến cô nàng Hwasa (Mamamoo) – một trong những biểu tượng đẹp – lạ hàng đầu của xứ sở kim chi. Ngoại hình của cô đi ngược lại hoàn toàn với tiêu chuẩn cái đẹp của các idol xứ Hàn: da ngăm, vóc dáng đầy đặn, mắt xếch, ăn mặc quái dị.. Bởi thế cô luôn là đề tài bị bàn tán, bị miệt thị về ngoại hình kể từ khi ra mắt.

Thế nhưng chính vẻ đẹp độc lạ này lại khiến cô trở thành cái tên hút fan nhất, thay đổi hoàn toàn biểu tượng về cái đẹp trong mắt rất nhiều người. Không chỉ tài năng mà sức hút từ sự phá cách, phóng khoáng của cô đã biến những đường nét kém hoàn hảo của mình trở thành yếu tố giúp cô nổi bật hơn hẳn những idol cùng thời khác.

Thay vì cố gắng thay đổi theo tiêu chuẩn cái đẹp chúng, sao bạn không tự biến mình trở thành một tiêu chuẩn mới? Không điều gì là không thể nếu bạn tự tin, có một cái nhìn tích cực và yêu thương chính bản thân mình. Quy chuẩn do con người đề ra và con người cũng có thể thay đổi được. Chúng ta hoàn toàn chính là người đi tiên phong làm điều này.

Một cách nữa để bạn có thể dễ dàng đối diện với những lời nói miệt thị ngoại hình chính là cùng kẻ đó bàn luận về những khuyết điểm trên cơ thể mình. Chẳng hạn khi có một người nói rằng “con gái mà có chân to như cột đình” thì hãy đùa lại rằng “đùi to bụng mỡ là có tướng giàu sang”; hay ai đó chê bạn “gầy như bộ xương” thì có thể nói rằng “tiết kiệm tiền may quần áo”.

Thay vì tức giận thì việc bạn thoải mái với những khuyết điểm của bản thân sẽ khiến chính người đối diện bất ngờ và không biết nói gì khác. Tuy nhiên nếu việc này diễn ra quá nhiều với mức độ tăng lên thì nghiêm túc và khẳng định rằng mình không thích, không muốn bị đề cập tới vấn đề đó với thái độ bỡn cợt như thế.

Thay đổi bản thân phù hợp

Mỗi ngày chúng ta đều trên hành trình học hỏi và hoàn thiện bản thân hơn, việc chúng ta làm đẹp cũng chính nhằm mục đích này. Tuy nhiên cần ghi nhớ rằng bạn thay đổi là vì chính bạn, vì cơ thể, vì sức khỏe của bạn chứ không phải bởi vì ai đó miệt thị ngoại hình. Tất nhiên những lời body shaming có thể trở thành động lực để bạn cố hơn nhưng mục tiêu hướng tới cuối cùng vẫn là bởi chính bạn.

Miệt thị ngoại hình
Hãy thay đổi bản thân vì chính bạn chứ không phải vì ai khác

Thực tế việc có cân nặng quá khổ, quá gầy cũng ảnh hưởng tới sức khỏe lâu dài hay việc có hàm răng thưa, răng hô cũng có thể ảnh hưởng tới quá trình ăn uống hằng ngày. Mặt khác thì rõ ràng, không thể phủ nhận việc có một ngoại hình tốt hơn vẫn có thể đem đến cho chúng ta nhiều lợi ích. Vậy chúng ta cần làm gì?

  • Luyện tập thể dục thể thao hằng ngày, đây là điều cần thiết với tất cả mọi người, mọi ngoại hình. Trong trường hợp bạn muốn tăng/ giảm cân đúng cách hơn có thể tham khảo tập gym hay yoga để có hiệu quả tốt.
  • Nếu bị miệt thị ngoại hình về các vấn đề da,  tùy tình trạng mà bạn có thể tham khảo việc đến spa, bệnh viện da liễu hay tự chăm sóc tại nhà. Chẳng hạn nếu da mụn có thể tham khảo tìm đến bệnh viện da liễu, da sần sùi ngăm đen lâu năm thì đến spa hay chịu khó thực hiện skincare khoa học hằng ngày, chắc chắn sẽ có những kết quả tốt
  • Chú ý thay đổi cách ăn mặc hay kiểu tóc phù hợp với ngoại hình hơn. Chỉ cần bạn ăn mặc gọn gàng, phù hợp, sạch sẽ chắc chắn cũng làm thay đổi bề ngoài của bạn theo hướng tích cực hơn rất nhiều.
  • Tuyệt đối không sử dụng các biện pháp làm đẹp tiêu cực như dùng thuốc giảm cân, dùng kem trộn, nhịn ăn hay thẩm mỹ tại các cơ sở giá rẻ kém chất lượng.
  • Lựa chọn chế độ ăn uống khoa học, ưu tiên các nhóm thực phẩm lành mạnh như rau củ, trái cây, hạn chế tối đa các loại thức ăn nhanh, thực phẩm nhiều dầu mỡ, ăn đồ ăn ngọt, bia rượu..

Một điều may mắn hiện nay chính là việc làm đẹp đang ngày càng trở nên phổ biến hơn, đa dạng hơn, dễ dàng hơn rất nhiều. Cho dù không có nhiều kinh phí, bạn vẫn có thể tham khảo được các tip giảm cân, chăm sóc da khoa học tại nhà dễ dàng, chẳng hạn thông qua youtube. Chỉ cần bạn dành thời gian tìm hiểu và kiên trì thực hiện thì không gì là không thể.

Tìm kiếm sự giúp đỡ

Không phải ai cũng có tinh thần đủ mạnh mẽ để vượt qua những lời bàn tán, chê bai về bản thân, do đó bạn hoàn toàn có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ xung quanh. Mở lòng và chia sẻ những tổn thương của bản thân với một người đáng tin cậy chắc chắn sẽ mang về cho bạn những lời khuyên hữu ích để lấy lại sự tụ tin về chính mình như trước đây.

Đặc biệt với các trường hợp bị bạo lực học đường, miệt thị ngoại hình tại trường lớp rất cần thông báo cho phụ huynh hay giáo viên để sớm chấm dứt tình trạng này. Rất nhiều học sinh vì không báo với gia đình đã chọn các tự mình giải quyết bằng cách bạo lực hay tấn công đối phương, điều này là hoàn toàn sai trái.

Hơn hết, hãy trò chuyện với một người tích cực, một người có thể giúp bạn nhận ra giá trị của bản thân nằm ở đâu. Mỗi chúng ta đều có một nét đẹp riêng biệt và chỉ khi nhận ra điểm mạnh của bản thân nằm ở đâu thì chúng ta mới có thể tiến đến quá trình hoàn thiện bản thân một cách nhanh chóng nhất.

Nâng cao giá trị của bản thân

Ngoại hình cũng quan trọng nhưng vẻ đẹp nội tâm cũng quan trọng không kém. Chẳng hạn chúng ta cố gắng hoàn thiện bản thân vì những lời miệt thị ngoại hình của một ai đó nhưng khi vẻ ngoài đã xuất sắc hơn, có nhiều bạn bè hơn, công việc tốt hơn nhưng chúng ta lại đánh mất bản chất tốt đẹp bên trong, không còn nhiệt huyết, mất đi sự hồn nhiên thì chắc chắn cuộc sống cũng vô nghĩa trở lại.

Người xưa thường nói “cái nết đánh chết cái đẹp” bởi rõ ràng một người tốt bụng, luôn giúp đỡ mọi người, luôn hoàn thành tốt trách nhiệm của mình sẽ luôn được yêu quý hơn một người chỉ đẹp chứ không biết làm gì, không biết tôn trọng người khác. Vẻ đẹp ngoại hình có thể phai tàn theo thời gian nhưng những giá trị về nhân cách, tài năng sẽ luôn ghi dấu ấn mãi mãi.

Miệt thị ngoại hình
Vẫn có vô vàn người dù có ngoại hình khác biệt với quy chuẩn cái đẹp nhưng vẫn rất thành công

Mặt khác bạn cũng hoàn toàn có thể dùng năng lực của mình để đấu tranh, chiến thắng kẻ đã miệt thị ngoại hình mình. Chẳng hạn trong một cuộc thi, bạn đứng nhất trong khi người thường trêu chọc bạn lại còn chẳng lọt vào bảng xếp hạng thì tự nhiên những người xung quanh sẽ tôn trọng, sẽ muốn kết bạn để học hỏi chứ không muốn trao đổi với kẻ thua cuộc.

Trong thực tế cũng có vô vàn người có vẻ đẹp “độc lạ” thành công, chẳng hạn như diễn viên hài Minh Dự, ca sĩ Đen Vâu, bộ đôi nhóm nhạc AKMU, Rapper RM (BTS).. Tất cả đều là những hình tượng tiêu biểu cho những người không có ngoại hình nổi bật, trái ngược với tiêu chuẩn cái đẹp nhưng đã dùng chính tài năng của mình khiến những người xung quanh phải ngưỡng mộ.

Làm thế nào để phòng tránh nạn miệt thị ngoại hình

Trong cuộc sống chúng ta sẽ gặp những người tốt – kẻ xấu và dường như đây là một quy luật của xã hội không thể tránh khỏi. Bởi vậy chúng ta không thể nào ngăn chặn tuyệt đối được việc người này body shaming người khác, điều này dường như là không thể, đặc biệt trong thời đại mà mạng xã hội phát triển và quyền tự do cá nhân cực kỳ được coi trọng.

Theo Điểm A Khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của chính phủ đã quy định phạt Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 với đối tượng “Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”; hay trong Điều 155 Bộ luật hình sự cũng đề cập “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm…..”

Tuy nhiên thực tế thì những vấn đề này thường rất bị xem nhẹ, chưa được chú ý đến quá nhiều, trừ các trường hợp nghiêm trọng. Song song đó, các đơn vị liên quan, đặc biệt là Bộ giáo dục hiện nay cũng rất chú trọng đến việc xây dựng giá trị đạo đức cho mỗi học sinh, hướng các em đến những suy nghĩ tích cực, biết tôn trọng người khác, không đem khuyết điểm của người khác ra trêu chọc.

Miệt thị ngoại hình
Học cách khen ngợi, động viên và tôn trọng người khác thì bạn sẽ nhận lại được những giá trị tương tự

Thay vì cố gắng điều chỉnh suy nghĩ hay hành vi người khác thì chính bản thân bạn phải là người thay đổi đầu tiên. Đôi lúc chính chúng ta cũng vô thức trong việc nhận xét về ngoại hình của một ai đó, dù không phải có ý xấu, không mang tính miệt thị nhưng cũng làm họ cảm thấy tổn thương. Vô tình chính chúng ta lại trở thành kẻ đáng ghét vì sự thiếu tinh tế của chính mình.

Khi bạn muốn góp ý với ai về ngoại hình hay bất cứ vấn đề nào khác, hãy góp ý một cách riêng tư, nhẹ nhàng, tuyệt đối không nên chê bai họ trước nơi đông người. Song song đó bạn có thể gợi ý các giải pháp phù hợp, không nên bỏ ngỏ vấn đề. Một cách để cởi mở hơn bạn cũng có thể than vãn về một khuyết điểm nào đó của bản thân, từ đó cả hai có dễ cùng trao đổi và tìm giải pháp thích hợp.

Mỗi chúng ta cũng cần học cách ngưng phán xét về một ai đó, không chỉ là về ngoại hình mà còn về mặt tính cách, đời sống riêng của họ. Sống tốt cuộc đời của chúng ta, nhìn nhận mọi thứ nhẹ nhàng, học cách đồng cảm, yêu thương chính mình sẽ khiến cuộc sống của bạn trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều.

ads chuyên gia tâm lý cao kim thắm

Miệt thị ngoại hình hay body shaming vẫn là một vấn nạn đang diễn ra từng ngày, có thể bắt gặp ở bất cứ đâu từ trong mỗi gia đình, trường học, nơi làm việc hay trên mạng xã hội. Chỉ cần cá nhân mỗi chúng ta tách ra khỏi đám đông đang bàn tán về ngoại hình của một người cũng đã đủ để cứu rỗi trái tim của một ai đó, giảm bớt đi một vết thương lòng của họ.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *