Rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì và những nguy hiểm khó lường

Rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì thường được biểu hiện bằng những cảm xúc thất thường, khó đoán, dễ khóc nhưng cũng dễ kích động hơn, có thể xuất hiện những hành vi bốc đồng. Trong giai đoạn này nếu không có biện pháp giải tỏa tinh thần, trẻ rất dễ mắc các vấn đề tâm lý như trầm cảm, lo âu hay thậm chí là có các hành vi tự hại chính bản thân mình.

Biểu hiện của rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì

Bước vào giai đoạn tuổi dậy thì, bất cứ ai hầu như cũng trải qua giai đoạn tâm lý trở nên cực kỳ nhạy cảm với mọi thứ, lúc nào cũng cảm thấy bức bối, muốn thoát ra khỏi vòng tay kìm kẹp của gia đình. Sự thay đổi trong tâm lý thường cực kỳ dễ nhận biết bởi trẻ dường như có tâm lý muốn nổi loạn hơn, xa cách với cha mẹ, muốn chứng tỏ rằng mình đã trưởng thành và có thể tự lập.

Rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì
Rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì khiến con có xu hướng bốc đồng, kích động, dễ trở nên tiêu cực hơn trong mọi vấn đề, đặc biệt là khi nói chuyện với cha mẹ

Thực tế giai đoạn này dài hay ngắn còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, đặc biệt là gia đình. Có những người trải qua giai đoạn rối loạn tâm lý này khá nhanh nhưng cũng có người lúc nào cũng chìm vào sự hỗn độn của cảm xúc, không làm chủ được chính mình, rối loạn cả về tâm lý lẫn hành vi. Giai đoạn này được gọi là rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì.

Một số biểu hiện điển hình của rối loạn cảm xúc ở tuổi dậy thì như

  • Cảm xúc thay đổi thất thường, theo hai hướng hưng cảm  (trở nên cực kỳ vui vẻ, hạnh phúc, nói cười không ngớt) và trầm cảm (trở nên trầm buồn, tiêu cực, không muốn nói chuyện với ai, khóc lóc không kiểm soát được)
  • Rối loạn giấc ngủ, khó ngủ, có thể ngủ quá nhiều hoặc quá ít
  • Có lúc đánh giá bản thân quá cao, cho rằng mình đứng đầu nhưng cũng có lúc trở nên tiêu cực quá mức về bản thân, cảm thấy xấu hổ, cho rằng mình kém cỏi, thấp hèn so với những người xung quanh
  • Thèm ăn hoặc chán ăn tùy giai đoạn, do đó cân nặng cũng thay đổi thất thường, trở nên gầy gò hoặc tăng cân quá mức
  • Dễ bị kích động hơn bình thường, có thể kèm theo các hành vi bốc đồng gây hại cho bản thân hay những người xung quanh
  • Khó tập trung bởi thường xuyên lơ đãng, mơ hồ hoặc có quá nhiều ý tưởng nảy sinh trong đầu nên không biết làm gì
  • Rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì khiến trẻ dường như không thể nói chuyện với cha mẹ, thường chọn cách trốn vào phòng, hạn chế việc tiếp xúc với phụ huynh hoặc dễ xảy ra các tranh luận bùng nổ
  • Học hành ngày càng sa sút, bị điểm kém, không chú tâm trong giờ học hoặc có thể trốn tiết
  • Xuất hiện các hành vi theo hướng thái quá, bốc đồng, xảy ra không kiểm soát được vì vừa xuất hiện trong đầu. Trong giai đoạn hưng cảm, các hành vi này có thể theo hướng trêu chọc người khác thái quá, chẳng hạn như giật tóc bạn nữ; trong khi đó ở giai đoạn trầm cảm, các hành vi này có xu hướng tiêu cực, chẳng hạn như rạch tay, muốn tự tử..
  • Có lúc cảm thấy như người không có một chút sức lực nào, vô cùng uể oải nhưng có lúc lại trở nên tăng động quá mức, không thể ngồi yên một chỗ
  • Các cảm xúc có thể thay đổi hay bùng nổ một các bất chợt, không thể kiểm soát được dù là trong giờ học, ở nhà hay ở bất cứ đâu
  • Hay suy diễn và nhìn nhận vấn đề một cách tiêu cực hơn, chẳng hạn như cảm thấy cả thế giới đang quay lưng với mình, cho rằng không ai cần mình..

Những trạng thái cảm xúc này cực kỳ dễ nhận biết, tuy nhiên nhiều phụ huynh thường cho rằng đó chỉ là sự thay đổi bình thường, thậm chí cho rằng con trở nên ngỗ nghịch do ảnh hưởng bởi môi trường ngoài. Rất ít phụ huynh có thể nhận ra con đang bị rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì, do đó chỉ khi xảy ra các sự cố không mong muốn thì cũng đã quá muộn màng.

Nguyên nhân rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì

Sự thay đổi hormone chính là một trong những yếu tố hàng đầu khiến tâm lý trẻ khi bước vào tuổi dậy thì có sự thay đổi, trở nên nhạy cảm hơn hẳn. Khi bước vào giai đoạn 11- 14, các hormone sinh dục bắt đầu phát triển với các dấu hiệu như ngực nảy nở, có kinh nguyệt ở nữ giới; nam có ria mép, xuất tinh. Tâm lý phân biệt giới tính cũng dần được hình thành khiến các con bắt đầu nhạy cảm hơn, có ý thức về bản thân hơn.

Rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì
Dưới sự tác động của hormone cùng các ảnh hưởng của môi trường tiêu cực bên ngoài khiến trẻ dễ bị rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì hơn

Tuy nhiên như đã nói, sự thay đổi tâm sinh lý liên quan đến hormone chỉ đóng vai trò một phần và có thể diễn ra nhanh chóng. Từ giai đoạn này để dẫn đến rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì còn rất nhiều yếu tố khác khiến những khúc mắc trong tâm trí, dần tích tụ lại những điều tiêu cực và khiến trẻ không thể kiểm soát cảm xúc của chính mình.

Cụ thể, một số yếu tố khác có thể tác động làm rối nhiễu tâm trí của những người trong độ tuổi dậy thì như

  • Rối loạn nội tiết ở tuổi dậy thì không chỉ làm nổi mụn mà còn tăng tiết hormone cortisol – chính là hormone căng thẳng.
  • Áp lực học tập căng thẳng từ môi trường, gia đình, bạn bè, trường lớp.
  • Ảnh hưởng từ gia đình, chẳng hạn cha mẹ không hạnh phúc, thường xuyên cãi nhau, không tìm được tiếng nói chung với phụ huynh nên thường xuyên bị la mắng
  • Gia đình có người có tiền sử mắc các vấn đề tâm lý khác như trầm cảm hay rối loạn lo âu thì con cũng dễ bị ảnh hưởng và có nguy cơ mắc bệnh tâm lý – tâm thần như rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì hơn bình thường
  • Có lối sống kém khoa học, kém lành mạnh, ít được tiếp xúc với môi trường ngoài xã hội nên thường cảm thấy nhỏ bé, kém cỏi
  • Việc thiếu đi sự đồng cảm, thấu hiểu của cha mẹ với con cái trong giai đoạn này cũng có mối liên quan khá lớn. Đôi khi có những sự việc rất nhỏ nhưng cha mẹ thay vì nhẹ nhàng nói chuyện lại chọn cách la mắng con khiến những cảm xúc tiêu cực cứ dần tích tụ lại, đến một thời điểm nào đó sẽ giống như một ngọn núi lửa trào dâng và bùng phát mạnh mẽ.

Nói chung rất nhiều tác động có thể dẫn tới rối loạn cảm xúc ở lứa tuổi dậy thì bởi đây là giai đoạn đứa trẻ nào cũng đang cực kỳ nhạy cảm. Gia đình thường bỏ qua những cảm xúc của con trong giai đoạn này, thậm chí còn cho rằng đó là bình thường, cho rằng con quậy phá, hư hỏng khiến con ngày càng thêm tổn thương, trở nên xa cách với cha mẹ, cảm thấy lạc lõng, bức bối trong chính gia đình mình.

Rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì và những hệ lụy

Rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì nếu không sớm được phát hiện và kiểm soát có thể gây ra rất nhiều hệ lụy không mong muốn, ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần, thể chất, sự hình thành nhân cách hay tương lai của mỗi người. Một điều đáng buồn là dù đang ngày càng được nhiều cơ quan ban ngành phổ biến rộng rãi nhưng nhiều gia đình vẫn chưa thực sự quan tâm đến sức khỏe tinh thần của con em và dẫn đến nhiều sự cố đáng tiếc.

Rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì
Trẻ bị rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì luôn cảm thấy tiêu cực, mệt mỏi và có các hành vi tự làm hại bản thân

Khi con không làm chủ được cảm xúc của bản thân sẽ dẫn tới những suy nghĩ, hành vi cũng theo hướng bốc đồng, không kiểm soát được. Những hệ lụy bắt đầu xuất phát từ chính vấn đề này, chẳng hạn

  • Ảnh hưởng đến các mối quan hệ, thường xuyên tranh cãi với bạn bè, thầy cô; xung đột với gia đình; ngày càng cảm thấy cô đơn và xa cách với mọi người.
  • Kém tập trung nên chất lượng học tập suy giảm mạnh, khả năng tiếp thu kiến thức chậm chạp
  • Ăn uống kém khoa học và ngủ không đủ khiến sức khỏe trẻ bị rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì suy giảm, luôn trong trạng thái uể oải, thiếu sức sống, đau đầu, chóng mặt, tiêu hóa kém
  • Luôn cảm thấy bức bối, ức chế, trở nên ngày càng cộc cằn, ít nói, tiêu cực, bất cứ vấn đề nào cũng dễ kích thích tâm trí
  • Có xu hướng tự hủy hoại bản thân như đập đầu vào tường, bứt tóc hay rạch tay để giải tỏa cảm xúc của bản thân
  • Có thể rơi vào vòng lao lý, vi phạm pháp luật do các hành vi bốc đồng trong các giai đoạn cảm xúc thay đổi
  • Mất kết nối với cuộc sống, mất hy vọng về tương lai, cảm thấy không còn ai cần mình chính là nguyên nhân khiến rất nhiều trẻ vị thành niên tự sát. Thống kê cho thấy có đến 23% trẻ bị rối loạn cảm xúc trong giai đoạn trầm cảm tự tử.

Rất nhiều sự kiện về các em học sinh cấp 2, cấp 3 tự tử trong thời gian gần đây chính là tín hiệu báo động mạnh mẽ nhất về mức độ nguy hiểm của rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì. Ở độ tuổi này các con chưa tiếp cận nhiều với môi trường ngoài nên chưa biết cách đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống. Mặt khác tâm lý bức bối, cho rằng cha mẹ đang kìm kẹp càng khiến những đứa trẻ này muốn nổi loạn, bốc đồng hơn.

Phòng tránh rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì

Theo thống kê từ tổ chức WHO, có đến 20% trẻ vị thành niên trên toàn thế giới bị rối loạn cảm xúc, 50% trong số đó đã có dấu hiệu khởi phát từ thời điểm dậy thì nhưng không được điều trị. Con số này vẫn đang không ngừng tăng lên mỗi ngày, đòi hỏi không chỉ gia đình, nhà trường mà toàn xã hội đều cần có những biện pháp chung tay phòng tránh căn bệnh này.

Vai trò của gia đình

Thực tế thì ở mỗi giai đoạn trong cuộc đời, con người đều phải đối mặt với những khó khăn khác nhau. Dưới sự tác động của môi trường, xã hội những ảnh hưởng đến tâm trí cũng khác nhau. Một số thống kê cũng cho thấy, sự phát triển của mạng xã hội cũng góp phần làm gia tăng các vấn đề tâm lý ở trẻ. Thực tế cũng cho thấy, trước đây tỉ lệ trẻ mắc các vấn đề tâm lý như rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì khi sống trong một môi trường xã hội tự nhiên, không có internet là rất thấp.

Rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì
Cha mẹ cần học cách lắng nghe, trò chuyện, chia sẻ với con cái hằng ngày

Cha mẹ từng trải qua những cảm xúc muốn được tự do, được tôn trọng, tuy nhiên giai đoạn đó có thể khác nên cha mẹ mới không thể hòa nhập được với những suy nghĩ của con ở hiện tại. Mặt khác chính cha mẹ cũng đang mang áp lực về cơm áo, gạo, tiền để cho con có cuộc sống tốt nhất nên đôi lúc cũng thiếu đi sự quan tâm đến con hay có những lời nói, hành động chưa phù hợp.

Dù vậy, không thể phủ nhận được vai trò của gia đình là cực kỳ quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách, sức khỏe tinh thần với con cái. Xã hội thay đổi bắt buộc con người cũng cần thay đổi theo để thích ứng kịp với nhịp sống và bảo vệ chính gia đình của mình. Một số vấn đề mà phụ huynh nên làm để phòng tránh nguy cơ rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì như

  • Duy trì thói quen tâm sự, chia sẻ với con cái ngay từ nhỏ để con có thể trò chuyện với cha mẹ một cách tự nhiên, thoải mái bàn luận cả các vấn đề nhạy cảm khó nói
  • Kiên trì, bình tĩnh, nhẹ nhàng trao đổi với con trong mọi vấn đề. Tập cách lắng nghe con cái chính là một trong những vấn đề mà rất nhiều phụ huynh cần phải học tập ngay từ hôm nay
  • Dành thời gian chia sẻ với con các vấn đề nhạy cảm, khó nói về những thay đổi về cảm xúc, suy nghĩ, cơ thể trong tuổi dậy thì
  • Hạn chế tạo áp lực, bắt buộc con phải làm những điều mình không thích theo định hướng của cha mẹ, hãy để con phát triển một cách tự nhiên nhất, phát huy các thế mạnh của bản thân.
  • Tạo điều kiện và khuyến khích cho con tham gia các hoạt động xã hội để tăng khả năng đối mặt với những thay đổi, khó khăn trong cuộc sống. Chẳng hạn tham gia đội văn nghệ, sinh hoạt ở nhà văn hóa, các chương trình trại hè…
  • Tạo cho con thói quen sinh hoạt khoa học, ăn uống đúng giờ’, luyện tập thể dục thể thao hằng ngày
  • Tuyệt đối không nên dùng bạo lực với con dù với bất cứ nguyên nhân nào
  • Thưởng phạt công bằng, có thể tạo động lực cho con cố gắng hơn, giải tỏa sự căng thẳng cho con bằng những món quà xứng đáng
  • Chăm sóc đầy đủ về dinh dưỡng, xây dựng thực đơn khoa học, ưu tiên các món ăn lành mạnh cũng mang đến nhiều kết quả tốt về cả thể chất và tinh thần cho con
  • Tuổi dậy thì các con bắt đầu quan tâm đến ngoại hình nhiều hơn, phụ huynh cũng có thể hỗ trợ, hướng dẫn con làm đẹp đúng cách thông qua phòng cách ăn mặc, trị mụn hay chăm sóc da sao cho phù hợp với lứa tuổi
  • Xin lỗi con nếu làm con tổn thương, điều này không chỉ góp phần xây dựng nhân cách cho con mà còn làm xoa dịu tinh thần con
  • Trao đổi với giáo viên hoặc bạn bè nếu cảm thấy tinh thần con không ổn định
  • Nếu phát hiện con có dấu hiệu rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì hoặc bất cứ vấn đề nào khác về tâm lý, cần đưa con đến gặp chuyên gia tâm lý càng sớm càng tốt để có hướng kiểm soát kịp thời

Vai trò của nhà trường và xã hội

Không chỉ cha mẹ mà nhà trường, các cơ quan ban ngành và cả xã hội cần chung tay vào việc phòng chống nguy cơ rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì cùng rất nhiều vấn đề tâm lý khác. Sức khỏe tinh thần của trẻ nhỏ không chỉ là mối quan tâm của mỗi cá nhân gia đình mà là của toàn xã hội nên tất cả mọi người đều cần chung tay để phòng tránh sớm các vấn đề này.

Rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì
Thành lập các phòng ban tư vấn học đường là điều nhà trường nên sớm hiện thực hóa

Cụ thể, một số vấn đề mà nhà trường và xã hội có thể làm để ngăn ngừa nguy rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì cùng các vấn đề tâm lý khác như

  • Điều chỉnh khối lượng học tập, lịch học cân đối, phù hợp
  • Mỗi giáo viên nên dành thời gian để trao đổi, chia sẻ với học sinh để hiểu rõ năng lực của từng em, từ đó có hướng giúp đỡ phù hợp
  • Xây dựng, thành lập các phòng ban về sức khỏe tinh thần, tư vấn tâm lý cho học sinh khi có nhu cầu
  • Thường xuyên tổ chức các chương trình hội thảo hay trò chuyện, chia sẻ về sức khỏe tinh thần, cách giải tỏa cảm xúc cho toàn thể học sinh
  • Tổ chức các chương trình, hoạt động phù hợp giúp các em học sinh giải tỏa áp lực, nâng cao tinh thần như dã ngoại, hội trại.. Chẳng hạn chương trình thực tế “Học sinh nói” đang được rất nhiều bạn nhỏ yêu thích vì thông qua đó có thể chia sẻ những điều khó nói trong tâm trí và tìm được lời giải đáp phù hợp cho những băn khoăn của bản thân.
  • Tìm hiểu và có sự quan tâm phù hợp với những học sinh đang có dấu hiệu rối loạn cảm xúc
  • Ngăn chặn các hành vi bạo lực về tinh thần hay thể chất trong môi trường học đường, cần có những biện pháp mạnh tay để giải quyết sớm các vấn đề này

Rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì đang có tỷ lệ người mắc phải ngày càng tăng kèm theo rất nhiều hệ lụy tiêu cực không ai mong muốn. Dành thời gian lắng nghe con nhiều hơn, cùng con chia sẻ những bức bối trong lòng, tham gia các hoạt động nâng cao kỹ năng mềm nhiều hơn chính là giải pháp hiệu quả nhất hiện nay để phòng tránh được nguy cơ này.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *