Mối liên hệ giữa lo âu, trầm cảm và các bệnh về tim mạch
Mối quan hệ giữa trầm cảm và các bệnh tim mạch đã được chứng minh cụ thể bởi nhiều cuộc nghiên cứu chuyên khoa. Các chuyên gia cho biết rằng bệnh tim mạch có thể là yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tâm thần và ngược lại, người bị bệnh tâm thần sẽ có nhiều khả năng gặp các vấn đề về tim mạch.
Trầm cảm và bệnh tim mạch có mối quan hệ thế nào?
Trầm cảm là một vấn đề về rối loạn tâm thần, rối loạn cảm xúc, nó hoàn toàn khác biệt với các bệnh về tim mạch. Tuy nhiên, trong một số nghiên cứu gần đây nhận thấy rằng hai vấn đề sức khỏe này lại có mối quan hệ vô cùng mật thiết với nhau. Các chuyên gia cho biết, trầm cảm và bệnh tim mạch có mối tương quan, tác động qua lại lẫn nhau.
Thông thường, bệnh tim mạch sẽ được nhắc đến đồng thời với các yếu tố nguy cơ sinh học (rối loạn glucose, rối loạn lipid máu,…) hoặc các lối sống (lười vận động, béo phì, nghiện chất kích thích,…). Tuy nhiên, ít người biết rằng các bệnh lý về tim mạch lại có mối quan hệ đến những yếu tố tâm lý, tâm thần, đặc biệt là chứng lo âu, trầm cảm.
Theo chia sẻ từ các nhà khoa học thì những người mắc bệnh tim mạch sẽ có nhiều nguy cơ bị bệnh trầm cảm và ngược lại, bệnh nhân bị trầm cảm sẽ dễ gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe tim mạch. Do đó, cần phải nắm rõ thông tin về cả hai vấn đề sức khỏe này, để có thể đưa ra được cách ngăn chặn và điều trị hiệu quả, hạn chế tối đa các hậu quả xấu có thể xảy ra.
1. Trầm cảm sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch
Trầm cảm là một chứng rối loạn cảm xúc phổ biến, nó có thể khởi phát ở bất kì đối tượng nào, kể cả trẻ em lẫn người già cao tuổi. Người mắc bệnh trầm cảm sẽ luôn ở trong trạng thái buồn rầu, chán nản, tuyệt vọng và hầu như không còn hứng thú đối với bất kì hoạt động nào xảy ra trong cuộc sống, thậm chí là những điều mà họ đã rất yêu thích trước đó.
Do những cảm xúc tiêu cực này cứ mãi xuất hiện và xâm lấn vào trong tâm trí của người bệnh, khiến họ cảm thấy lo lắng, bất an, từ đó làm gia tăng các áp lực lên tim mạch. Theo nhận định từ các chuyên gia thì những đối tượng mắc bệnh tâm lý, đặc biệt là tình trạng trầm cảm, lo âu sẽ có khả năng bị bệnh tim mạch cao hơn so với những người có sức khỏe bình thường.
Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định được cụ thể về nguyên nhân vì sao người bệnh trầm cảm lại có nhiều nguy cơ phát triển bệnh tim mạch. Tuy nhiên, kết quả từ một cuộc khảo sát được tiến hành trên 6.000 người mắc bệnh trầm cảm có kèm các triệu chứng của bệnh tim mạch cho thấy họ có nguy cơ tử vong cao gấp 3 lần so với thông thường.
Dưới đây là một số yếu tố có thể làm gia tăng tỉ lệ mắc bệnh tim mạch ở người bị trầm cảm:
- Như đã chia sẻ, đặc trưng nổi bật của bệnh trầm cảm là triệu chứng buồn bã, chán nản, lo lắng, bồn chồn và tuyệt vọng liên tục. Các cảm xúc tiêu cực này gây tác động rất lớn đến hoạt động của hệ tim mạch, khiến cho huyết áp gia tăng mạnh mẽ, người bệnh dễ rơi vào trạng thái thở gấp, rối loạn nhịp tim, hụt hơi, tim đập nhanh, thở nhanh,….
- Theo nghiên cứu nhận thấy nhưng người có tâm lý yếu, thường xuyên lo lắng, sợ sệt sẽ có nồng độ protein phản ứng C khá cao. Khi hoạt chất này gia tăng đột ngột sẽ dễ dẫn đến một số triệu chứng liên quan đến tim mạch.
- Nếu tâm trạng không được ổn định, tinh thần suy sụp sẽ khiến cho những tế bào tiểu cầu bị dính chặt lại với nhau và khiến cho động mạch bị tắt nghẽn. Tình trạng này làm cản trở đến quá trình lưu thông máu huyết, khiến các cơ quan khác bị thiếu hụt lượng máu cần thiết, nhất là tim mạch.
- Đa phần các loại thuốc hỗ trợ điều trị bệnh trầm cảm đều có thể gây ra một số tác dụng phụ ngoài ý muốn, đặc biệt là những ảnh hưởng về sức khỏe của tim mạch. Các chuyên gia cho biết rằng, những loại thuốc chống trầm cảm nhóm ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine có nhiều khả năng làm gia tăng nguy cơ phát triển bệnh rối loạn nhịp tim nếu sử dụng không đúng cách.
- Đồng thời, hơn 80% những người bệnh trầm cảm thường bị mất ngủ, họ có xu hướng làm dụng rượu bia, các chất kích thích và ăn uống không đảm bảo dinh dưỡng, từ đó làm nảy sinh thêm nhiều vấn đề về sức khỏe, trong đó có hệ tim mạch.
- Ngoài ra, hệ thần kinh cũng góp phần quan trọng đối với việc cân bằng nhịp tim và bảo vệ sức khỏe tim mạch. Do đó, khi cơ quan này bị tác động hoặc bị tổn hại nghiêm trọng thì sẽ làm ảnh hưởng đến các hoạt động của tim.
Bên cạnh đó, những người đã có tiền sử mắc bệnh tim mạch trước đó, sau khi trải qua giai đoạn trầm cảm sẽ có nhiều khả năng phát triển bệnh nghiêm trọng hơn so với trước. Đặc biệt, nữ giới bị trầm cảm lại có nhiều nguy cơ gặp phải các vấn đề về tim mạch hơn là nam giới.
2. Vì sao người bệnh tim mạch dễ bị trầm cảm?
Mối quan hệ giữa trầm cảm và bệnh tim mạch đã được chia sẻ bởi rất nhiều chuyên gia . Không chỉ những người bệnh trầm cảm mới có khả năng bị bệnh tim mạch mà ngay cả những bệnh nhân mắc phải các vấn đề về tim đều có xuất hiện các triệu chứng lo âu, trầm cảm.
Tim là cơ quan nắm giữ nhiều vai trò chủ chốt đối với cơ thể. Nếu cơ quan này bị tác động hoặc tổn thương sẽ làm ảnh hưởng đến rất nhiều chức năng khác của cơ thể, đặc biệt là hệ thần kinh. Ngoài ra, hầu hết các bệnh lý liên quan đến tim mạch đều cần phải theo dõi và điều trị trong một khoảng thời gian dài. Người bệnh phải trải qua nhiều biện pháp khắc phục khác nhau mới có thể cải thiện tốt.
Cũng chính vì điều này mà rất nhiều người bệnh tim mạch dễ cảm thấy lo lắng, bất an về tình trạng sức khỏe của mình. Các triệu chứng của bệnh tim cứ kéo dài liên tục sẽ làm ảnh hưởng đến cơ thể, làm suy giảm cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Đặc biệt, khi quá trình điều trị không đạt được kết quả tốt càng khiến cho họ cảm thấy lo sợ, buồn phiền nhiều hơn.
Bên cạnh đó, do đặc trưng của các bệnh về tim mạch mà người bệnh sẽ bị hạn chế một số các hoạt động thể chất, họ không thể vận động mạnh hoặc thậm chí nhiều người chỉ có thể làm được những việc cơ bản hàng ngày. Chính vì thế mà sức khỏe của họ cũng không được đảm bảo, hệ miễn dịch suy nghĩ, tinh thần tụt dốc nên dễ dẫn đến các vấn đề về thần kinh.
Hơn thế, những người mắc bệnh tim lại luôn có suy nghĩ rằng bản thân vô dụng, cho rằng mình là gánh nặng của gia đình và xã hội, luôn cảm thấy tự ti và xấu hổ. Cũng bởi những suy nghĩ tiêu cực, bi quan này khiến tinh thần họ càng bị suy kiệt, lâu ngày dễ phát triển thành chứng trầm cảm, rối loạn lo âu.
Sau khi liên tục trải qua các cảm xúc tiêu cực, người bệnh sẽ dần có xu hướng tự cô lập bản thân, không muốn tiếp xúc và giao tiếp với bất kì ai. Thậm chí còn có nhiều trường hợp nghiêm trọng còn thực hiện các hành vi tự làm tổn thương bản thân hoặc có ý định tự sát để giải thoát chính mình và không làm ảnh hưởng đến những người xung quanh.
Số liệu tổng hợp lấy từ 22 nghiên cứu khoa học cho biết, sau khi trải qua các cơn nhồi máu cơ tim, người bệnh sẽ có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao hơn bình thường và nếu mắc phải đồng thời cả hai chứng bệnh này thì tỉ lệ tử vong sẽ tăng lên đáng kể, cao gấp 2 đến 3 lần so với những trường hợp bệnh tim nhưng không bị trầm cảm. Các chuyên gia còn cho biết thêm, nếu thời gian điều trị bệnh tim mạch càng dài thì nguy cơ mắc phải các triệu chứng của bệnh trầm cảm càng gia tăng.
Một số dấu hiệu nhận biết người bị bệnh tim có kèm chứng trầm cảm như sau:
- Luôn trong trạng thái buồn bã, chán nản, tuyệt vọng, bi quan, thiếu năng lượng.
- Không còn nhiều hứng thú đối với các sự kiện xảy ra xung quanh cuộc sống.
- Mất tập trung, suy giảm trí nhớ, khó khăn trong việc đưa ra các quyết định hàng ngày.
- Giấc ngủ bị rối loạn, thường sẽ mất ngủ, ngủ không sâu giấc, hay giật mình nhiều lần trong đêm.
- Thay đổi thói quen ăn uống, chán ăn, ăn không ngon miệng.
- Nhạy cảm, dễ kích động, nóng giận, cáu gắt, khóc lóc không rõ lý do.
- Có xu hướng tách biệt với xã hội, không muốn giao tiếp với bất kì ai, kể cả những người thân bên cạnh.
- Suy nghĩ tiêu cực, nhìn nhận cuộc sống một cách bi quan.
- Xuất hiện kèm theo một số triệu chứng liên quan đến tim mạch như rối loạn nhịp tim, tim đập nhanh liên hồi, khó thở, thở gấp, hụt hơi,…
Mối quan hệ giữa trầm cảm với một số bệnh tim mạch thường gặp
1. Trầm cảm và bệnh mạch vành
Trong thực tế, trầm cảm được xem là một căn bệnh nắm giữ vai trò trung gian đối với nguy cơ mắc bệnh mạch vành và trạng thái căng thẳng, lo lắng quá mức. Theo chia sẻ của các chuyên gia thì trầm cảm là một trong các nguyên nhân phổ biến có thể gây ra tình trạng bệnh mạch vành.
Trước khi các triệu chứng của bệnh tim mạch khởi phát thì các cơ chế sinh lý và tình trạng xơ vữa động mạch tiềm ẩn đã xuất hiện trong một khoảng thời gian dài trước đó. Cũng chính vì thế mà xơ vữa động mạch có thể là yếu tố tạo điều kiện thuận lợi để khởi phát các triệu chứng sớm của trầm cảm so với những biểu hiện đặc trưng của bệnh mạch vành.
Ngoài ra, dựa vào kết quả một số cuộc nghiên cứu, các nhà khoa học cho biết rằng những người bị trầm cảm sau khi trải qua các cơn nhồi máu cơ tim sẽ có nhiều khả năng rơi vào trạng thái tai biến tim mạch hoặc thậm chí là tử vong cao hơn so với những người không bị trầm cảm. Đặc biệt hơn, bệnh trầm cảm còn được xem là yếu tố làm gia tăng nguy cơ tái phát các cơn nhồi máu cơ tim. Người bệnh sẽ có tỉ lệ cao gấp 2 lần bình thường và dễ gặp phải tình trạng tim ngừng đập, tử vọng do các ảnh hưởng của sức khỏe tim mạch.
2. Lo âu, trầm cảm và rối loạn nhịp tim
Nếu tình trạng trầm cảm, lo âu, stress cứ kéo dài dai dẳng và không có cách khắc phục tốt sẽ gây nên nhiều tác động xấu đến sự cân bằng của thần kinh tự động và ảnh hưởng đến hoạt động của tim mạch. Cũng chính vì thế mà nguy cơ mắc bệnh rối loạn nhịp tim ở người bệnh trầm cảm càng tăng cao.
Một số tình trạng phổ biến như:
- Điện cơ tim bị bất ổn định do một số tác động tiêu cực từ bệnh động mạch vành.
- Một số tình trạng tai biến cấp tính khởi phát do áp lực, căng thẳng quá mức ở thần kinh.
3. Mối quan hệ giữa trầm cảm và tình trạng tăng huyết áp
Kết của của nhiều cuộc nghiên cứu và khảo sát thực tế đã chứng minh được rằng, tình trạng bệnh trầm cảm có thể làm gia tăng nguy cơ mắc phải chứng tăng huyết áp. Tuy vậy vẫn có nhiều ý kiến trái chiều và sự tranh cãi gay gắt về mỗi quan hệ giữa trầm cảm và tăng huyết áp.
Theo chia sẻ từ chuyên gia thì sự căng thẳng, lo lắng, trầm cảm chính là yếu tố làm gia tăng xu hướng lạm dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá. Đồng thời, người bệnh trầm cảm cũng sẽ có khả năng bị thay đổi cân nặng bất thường, nhiều người bị tăng cân mất kiểm soát. Đây cũng chính là yếu tố có khả năng thúc đẩy nguy cơ bị tăng huyết áp cùng hàng loạt các vấn đề sức khỏe tim mạch khác.
4. Bệnh suy tim và rối loạn trầm cảm
Thống kê cho biết, tỉ lệ mắc bệnh suy tim của những người bệnh trầm cảm rất cao, đạt đến 35-38%. Còn đối với những người bị bệnh suy tim thì khả năng xuất hiện các triệu chứng của bệnh trầm cảm cũng chiếm đến 20%. Đặc biệt, nếu mắc phải đồng thời cả hai vấn đề sức khỏe này thì người bệnh phải đối diện với nhiều nguy cơ bị suy nhược cơ thể, thậm chí phải tiến hành nhập viện để thuận tiện cho việc theo dõi và điều trị. Ngoải a, trong thực tế cũng ghi nhận không ít các trường hợp tử vong do không kịp thời phát hiện và can thiệp đúng cách.
Như vậy có thể thấy được trầm cảm và bệnh tim mạch có mối quan hệ vô cùng mật thiết với nhau. Hi vọng qua thông tin của bài viết này bạn đọc sẽ hiểu và biết cách phòng chống nguy cơ phát triển bệnh đẻ bảo vệ tốt cho sức khỏe của bản thân.
Tham khảo thêm:
- Mối Liên Hệ Giữa Bệnh Trầm Cảm Và Chứng Mất Trí Nhớ
- Tìm Hiểu Về Mối Liên Hệ Nghiện Rượu Bia Và Bệnh Trầm Cảm
- 10 Thói Quen Dễ Dẫn Đến Trầm Cảm Liệu Bạn Đã Biết?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!