Mối Liên Hệ Giữa Bệnh Trầm Cảm Và Chứng Mất Trí Nhớ

Trầm cảm và mất trí nhớ là hai vấn đề sức khỏe có mối liên hệ mật thiết. Đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện cho thấy trầm cảm thực sự làm tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề về trí nhớ như đãng trí, hay quên và thậm chí là mất trí nhớ.

Tìm hiểu mối liên hệ giữa trầm cảm và mất trí nhớ

Trầm cảm là một trong những dạng rối loạn cảm xúc thường gặp. Cơ chế bệnh sinh có liên quan đến mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ dẫn đến hiện tượng cảm xúc, tư duy và hành vi bị ức chế. Ngoài khí sắc u buồn, người bị trầm cảm còn gặp phải một số vấn đề như suy nghĩ chậm chạp, khó đưa ra quyết định, mất khả năng tập trung, khó khăn khi thực hiện các nhiệm vụ trong công việc, học tập và thậm chí là những hoạt động sinh hoạt hằng ngày.

Mặc dù là bệnh rối loạn tâm thần nhưng trầm cảm không chỉ ảnh hưởng đến cảm xúc mà có mối liên hệ mật thiết với nhiều vấn đề sức khỏe như các bệnh lý tim mạch và chứng mất trí nhớ. Thực tế, bệnh nhân trầm cảm thường bị ức chế tư duy nên có xu hướng suy nghĩ chậm chạp, giảm trí nhớ, kém tập trung, giảm khả năng phán đoán và khó đưa ra quyết định – ngay cả với những quyết định đơn giản nhất.

Đã có khá nhiều nghiên cứu được thực hiện để tìm mối liên hệ giữa trầm cảm và mất trí nhớ. Tất cả các nghiên cứu này đều cho thấy bệnh trầm cảm nặng có liên quan đến các vấn đề về trí nhớ. Mức độ nghiêm trọng của hai bệnh lý này có mối quan hệ mật thiết và tác động qua lại.

trầm cảm và mất trí nhớ
Bệnh trầm cảm và mất trí nhớ là hai vấn đề có mối liên hệ mật thiết, tác động qua lại

Vào năm 2018, các giáo sư của Đại học Brigham Young của Mỹ đã thực hiện nghiên cứu trên 98 người trưởng thành bị trầm cảm, rối loạn lo âu và người khỏe mạnh. 98 người phải làm bài kiểm tra phân biệt các đồ vật tương đồng. Kết quả cho thấy, tất cả người bị trầm cảm đều có kết thấp và gặp khó khăn trong việc phân biệt các đồ vật có hình dạng tương đồng.

Mặc dù nghiên cứu được thực hiện trong phạm vi nhỏ nhưng phần nào cho thấy ảnh hưởng của các vấn đề sức khỏe tâm thần đối với trí nhớ. Các chuyên gia cho biết, trầm cảm làm cản trở sự phát triển của các tế bào ở vùng hồi hải não. Hậu quả là khiến trí nhớ giảm sút và gia tăng nguy cơ mất trí nhớ.

Để khẳng định được mối liên hệ giữa bệnh trầm cảm và chứng mất trí nhớ, có thể nhắc đến nghiên cứu được thực hiện trên 949 người cao tuổi được công bố trên Tạp chí Khoa học thần kinh Hoa Kỳ. Nghiên cứu này cho thấy tác động hai chiều của bệnh trầm cảm và chứng mất trí nhớ.

Sau 17 năm theo dõi trên 949 người mắc chứng trầm cảm cho thấy, 22% trường hợp thường xuyên gặp phải các vấn đề về trí nhớ như đãng trí, hay quên,… Mức độ đãng trí của bệnh nhân trầm cảm nghiêm trọng hơn 17% so với người khỏe mạnh.

Khi nghiên cứu sâu hơn, các chuyên gia nhận thấy, bệnh nhân trầm cảm có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer (hội chứng suy giảm trí nhớ) cao gấp 2 – 3 lần so với người bình thường. Ngoài ra, tình trạng hay quên và đãng trí cũng làm nghiêm trọng bệnh trầm cảm. Thường xuyên đãng trí, hay quên, lú lẫn sẽ gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống. Điều này tạo ra stress và khiến cho bệnh nhân hạ thấp lòng tự trọng, cho rằng bản thân thực sự vô dụng và là gánh nặng của người khác.

Có thể thấy, trầm cảm và mất trí nhớ là hai vấn đề có tác động qua lại. Trong đó, trầm cảm làm gia tăng nguy cơ bị giảm và mất trí nhớ. Sau đó, các vấn đề về trí nhớ lại làm nghiêm trọng triệu chứng của bệnh trầm cảm.

Vì sao bệnh trầm cảm gây mất trí nhớ?

Đã có nhiều bằng chứng rõ ràng cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa trầm cảm và bệnh mất trí nhớ. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân cụ thể gây ra tình trạng này. Bởi việc mất trí nhớ chỉ xảy ra ở một số bệnh nhân và mức độ giảm trí nhớ cũng có sự khác biệt ở từng trường hợp.

trầm cảm và mất trí nhớ
Trầm cảm gây tổn thương hồi hải mã, tăng hormone cortisol,… từ đó làm tăng nguy cơ mất trí nhớ

Dù vậy, với sự nỗ lực trong công tác nghiên cứu, các chuyên gia đã nhận thấy vai trò của một số yếu tố trong việc phát triển chứng mất trí nhớ ở bệnh nhân trầm cảm bao gồm:

  • Do tăng hormone cortisol: Hồi hải não là một phần của hệ limbic với chức năng là ghi nhớ lại những sự kiện đã được học, xem, đọc và chứng kiến. Tuy nhiên, cơ quan này có thể bị tổn thương do chấn thương thể chất, bệnh trầm cảm, tâm thần phân liệt và rối loạn stress sau sang chấn. Trầm cảm làm tăng hormone cortisol và điều này làm giảm kích thước của cơ quan này. Ngoài ra, sự mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh cũng làm cản trở quá trình tái tạo tế bào ở hồi hải não.
  • Giảm tuần hoàn máu lên não: Tuần hoàn máu là quá trình đưa oxy và dưỡng chất đến tất cả các cơ quan trong cơ thể. Tình trạng trầm cảm, stress, lo lắng sẽ khiến cho lưu lượng máu lên não giảm đi đáng kể. Về lâu dài, cả chức năng và cấu trúc của não sẽ bị biến đổi. Hậu quả là gây giảm trí nhớ, não bộ hoạt động kém, giảm khả năng tập trung và hấp thu.
  • Do sử dụng rượu bia và chất gây nghiện: Trầm cảm có mối liên hệ mật thiết với chứng nghiện rượu. Đa phần bệnh nhân tìm đến những thói quen xấu này với mong muốn giải tỏa bản thân khỏi đau khổ và những cảm xúc tiêu cực. Tuy nhiên, rượu bia và chất kích thích gây ức chế hệ thần kinh trung ương, đồng thời đẩy nhanh tốc độ thoái hóa của các noron thần kinh. Do đó, những bệnh nhân trầm cảm có thói quen dùng chất gây nghiện sẽ có nguy cơ cao bị mất trí nhớ hơn so với những đối tượng khác.
  • Ăn uống, sinh hoạt không điều độ: Không chỉ sử dụng rượu bia và chất kích thích, bệnh nhân trầm cảm hiếm khi duy trì được lối sống lành mạnh. Tình trạng ăn uống, sinh hoạt không điều độ sẽ khiến cho thể trạng suy nhược và ảnh hưởng đáng kể đến chức năng của não bộ. Yếu tố này sẽ góp phần gây ra tình trạng giảm trí nhớ ở bệnh nhân trầm cảm.
  • Do mất ngủ, thiếu ngủ: Bệnh nhân trầm cảm thường có nồng độ serotonin giảm thấp. Hiện tượng giảm hormone này gây ra cảm giác buồn chán dai dẳng, u uất, bi quan và mất ngủ, khó ngủ. Giấc ngủ có vai trò quan trọng trong việc tái tạo, phục hồi và sản sinh các tế bào não. Vì vậy, những vấn đề về giấc ngủ do trầm cảm gây ra có thể là yếu tố gia tăng nguy cơ mất trí nhớ.

Các nguyên nhân này đều chỉ được xem là yếu tố nguy cơ trong việc phát triển chứng mất trí nhớ ở bệnh nhân trầm cảm. Bởi trầm cảm là bệnh có cơ chế phức tạp và đến nay các chuyên gia vẫn chưa thể xác định được cơ chế bệnh sinh lẫn căn nguyên gây bệnh.

Biểu hiện giảm và mất trí nhớ do bệnh trầm cảm

Các vấn đề trí nhớ thường bắt đầu xuất hiện sau một thời gian dài được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm. Trầm cảm là bệnh có tiến triển chậm và triệu chứng khởi phát từ từ. Vì vậy, nhiều bệnh nhân không chú ý đến các vấn đề liên quan đến trí nhớ dẫn đến việc giảm trí nhớ rõ rệt.

trầm cảm và mất trí nhớ
Bệnh nhân trầm cảm thường có trí nhớ kém và gặp khó khăn để hoàn thành các nhiệm vụ trong công việc

Tình trạng mất, giảm trí nhớ ở bệnh nhân trầm cảm thường được biểu hiện qua các dấu hiệu như:

  • Không thể ghi nhớ và quên ngay thông tin vừa được cập nhật
  • Quên mất từ ngữ đang có ý định sử dụng
  • Quên nhiều chi tiết trong các sự việc đã xảy ra trong thời gian gần đó
  • Không thể ghi nhớ hoàn toàn nội dung của các cuộc trò chuyện gần đây (ví dụ như cuộc trò chuyện vào buổi sáng hoặc ngày hôm qua)
  • Khó khăn trong việc tiếp thu, ghi nhớ nội dung bài giảng và quên mất các nhiệm vụ trong công việc

Các vấn đề về trí nhớ do trầm cảm gây ra ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Ban đầu, giảm trí nhớ khiến cho bệnh nhân khó duy trì hiệu suất lao động và gặp khó khăn trong việc học tập. Dần dần tình trạng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khiến người bệnh phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp, mâu thuẫn trong các mối quan hệ, thu nhập không ổn định,…

Mất trí nhớ khiến bệnh nhân khó có thể suy nghĩ mọi thứ một cách rõ ràng. Bên cạnh đó, những phiền toái do các vấn đề trí nhớ gây ra cũng khiến bệnh nhân hạ thấp lòng tự trọng, tự ti và cho rằng bản thân vô dụng. Những suy nghĩ này củng cố ý nghĩ tự sát và thôi thúc bệnh nhân thực hiện các hành vi tự tử để giải thoát bản thân.

Cải thiện trí nhớ cho bệnh nhân trầm cảm bằng cách nào?

Trầm cảm có thể được kiểm soát sau khi thăm khám và điều trị. Tuy nhiên, bệnh có nguy cơ tái phát khá cao và đôi khi kéo dài suốt đời. Ngoài những ảnh hưởng về mặt cảm xúc, bệnh trầm cảm còn gây ra nhiều vấn đề về giấc ngủ và trí nhớ.

Để phòng ngừa mất trí nhớ do trầm cảm gây ra, bệnh nhân có thể áp dụng một số biện pháp sau:

1. Tích cực điều trị bệnh trầm cảm

Cho đến hiện tại, cơ chế bệnh sinh và nguyên nhân gây trầm cảm vẫn chưa được biết rõ. Do đó, quá trình điều trị vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn và thách thức. Nhiều trường hợp trầm cảm không có hiệu quả khi dùng thuốc và bệnh tái phát ngay sau khi ngưng điều trị. Dù vậy, tích cực điều trị sẽ giúp bệnh nhân kiểm soát bệnh và hạn chế tối đa những ảnh hưởng của chứng trầm cảm.

Lựa chọn ưu tiên trong điều trị trầm cảm là sử dụng thuốc (thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần, thuốc chống loạn thần,…). Bệnh nhân sẽ được dùng thuốc dài hạn và phải duy trì ít nhất 6 tháng kể từ thời điểm bệnh ổn định.

trầm cảm và mất trí nhớ
Tích cực điều trị trầm cảm sẽ giúp cải thiện các triệu chứng về mặt cảm xúc, thể chất và trí nhớ

Ngoài liệu pháp hóa dược, người bị trầm cảm phải tham gia trị liệu tâm lý và sốc điện (nếu cần thiết). Trong đó, liệu pháp tâm lý có vai trò quan trọng giúp quản lý bệnh lâu dài. Thông qua liệu pháp này, bệnh nhân có thể cải thiện các rối loạn cảm xúc và đánh giá khách quan giá trị của bản thân.

Tích cực điều trị giúp bệnh nhân giảm tình trạng u uất, buồn bã, đau khổ, học cách kiểm soát stress và hướng đến lối sống lành mạnh. Những tác động tích cực này sẽ giúp giảm ảnh hưởng tiêu cực lên não bộ nói chung và hồi hải mã nói riêng. Phần lớn bệnh nhân trầm cảm được thăm khám, điều trị sớm ít gặp phải các vấn đề về trí nhớ và có thể ổn định cuộc sống lâu dài.

2. Xây dựng lối sống khoa học

Lối sống khoa học giúp nâng đỡ thể trạng và ổn định tinh thần. Bên cạnh các phương pháp điều trị y tế, bệnh nhân cần giữ lối sống lành mạnh để giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh đối với sức khỏe thể chất và tinh thần.

Nếu như các yếu tố di truyền và bất thường về cấu trúc não không thể khắc phục thì với chế độ ăn uống và sinh hoạt người bệnh có thể cải thiện để tăng cường trí nhớ. Để giảm nguy cơ mất trí nhớ do trầm cảm, bệnh nhân nên:

trầm cảm và mất trí nhớ
Bệnh nhân bị trầm cảm nên xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học nhằm cải thiện sức khỏe và tăng cường trí nhớ
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp để cải thiện bệnh trầm cảm và tăng cường hoạt động của não bộ. Nếu cần thiết, nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn xây dựng thực đơn ăn uống phù hợp.
  • Tập thể dục hằng ngày không chỉ tốt cho sức khỏe thể chất mà còn bảo vệ tế bào thần kinh trung ương và chống lại các gốc tự do. Vì vậy, bệnh nhân nên dành ít nhất 3 – 4 buổi/ tuần để tập các bộ môn có cường độ phù hợp với thể trạng như đạp xe, bơi lội, yoga, đánh cầu lông, tennis,…
  • Trầm cảm có thể gây ra các vấn đề về giấc ngủ và điều này làm tăng nguy cơ bị giảm, mất trí nhớ. Để bảo vệ sức khỏe, bệnh nhân nên áp dụng một số biện pháp như dùng trà thảo mộc có tác dụng an thần, tập thể dục hằng ngày và vệ sinh giấc ngủ. Nếu cần thiết, nên sử dụng thuốc an thần theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo chất lượng giấc ngủ và góp phần tăng cường trí nhớ.
  • Rối loạn cảm xúc nói chung và trầm cảm nói riêng sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu, tư duy. Điều này sẽ vô tình tạo ra căng thẳng khi bệnh nhân liên tục mắc phải sai lầm. Nhằm tạo sự thuận tiện cho quá trình điều trị, người bệnh nên trao đổi với cấp trên về tình trạng sức khỏe để được thông cảm hoặc thay đổi công việc ít áp lực hơn. Giảm áp lực trong cuộc sống sẽ giúp cải thiện tâm trạng và hạn chế các vấn đề về trí nhớ.
  • Bệnh nhân cũng nên xây dựng những thói quen lành mạnh như đọc sách, chăm sóc cây cối, nấu nướng vào thời gian rảnh rỗi, nghe nhạc, chăm sóc bản thân và những người xung quanh. Những hoạt động tưởng chừng như rất đơn giản này giúp ích rất nhiều trong việc cải thiện trí nhớ và giảm triệu chứng trầm cảm.

3. Áp dụng một số cách cải thiện trí nhớ

Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể áp dụng một số cách cải thiện trí nhớ sau:

  • Tập tư duy mỗi ngày: Tư duy mỗi ngày là cách giúp não bộ hoạt động tốt hơn, tăng cường trí nhớ và giảm nguy cơ mắc các chứng sa sút trí tuệ. Bệnh nhân có thể tập tư duy não bằng cách chơi trò chơi trí tuệ, đọc những câu chuyện cần phải suy ngẫm, bàn luận về những vấn đề xã hội và thử tìm giải pháp cho vấn đề của những người xung quanh. Chỉ với 10 – 15 phút mỗi ngày, bệnh nhân sẽ nhận thấy các vấn đề về trí nhớ sẽ được cải thiện rõ rệt.
  • Ngồi thiền: Ngồi thiền là liệu pháp thư giãn hữu hiệu, rất tốt cho người bị trầm cảm, stress, lo âu,… Thiền định giúp thư giãn não bộ và các cơ quan trong cơ thể. Đồng thời loại bỏ gốc tự do và điều hòa các chất dẫn truyền thần kinh. Ngoài ra, thiền định cũng giúp cải thiện các cảm xúc tiêu cực và tạo sự phấn chấn, lạc quan. Thông qua cơ chế này, ngồi thiền có thể tăng cường trí nhớ và phòng ngừa mất trí nhớ do trầm cảm gây ra.
  • Dùng trà thảo mộc: Một số loại trà thảo mộc như trà hoa cúc, trà đen, trà xanh và trà trắng đã được chứng minh có hiệu quả trong việc ngăn ngừa sa sút trí tuệ và phòng ngừa mất trí nhớ. Ngoài ra, các chất chống oxy hóa trong trà còn giúp thư giãn và tăng sự tỉnh táo, minh mẫn.
  • Bổ sung dầu cá: Dầu cá cung cấp cho cơ thể một lượng lớn Omega 3 – chất béo không bão hóa tốt cho sức khỏe. Omega 3 thường được biết đến với tác dụng chống viêm và cải thiện trí nhớ. Một số nghiên cứu còn cho thấy, dầu cá giúp làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh trầm cảm và các rối loạn tâm thần khác.

Bệnh trầm cảm và chứng mất trí nhớ có mối liên hệ mật thiết, tác động qua lại. Hy vọng qua những chia sẻ trên, bạn đọc đã hiểu rõ hơn về vấn đề này và có các biện pháp phù hợp nhằm bảo vệ sức khỏe. Trường hợp bệnh nhân trầm cảm đã có biểu hiện suy giảm trí nhớ, đãng trí, hay quên,… nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn giải pháp tối ưu.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *