Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD): Dấu hiệu và hướng điều trị

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là một dạng rối loạn với đặc trưng bởi những ý tưởng, suy nghĩ hoặc cảm giác không mong muốn thường xuyên lặp đi lặp lại nhiều lần không kiểm soát. Cho đến hiện nay hội chứng này vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân cụ thể nhưng nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây nên nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với đời sống hàng ngày của bệnh nhân. 

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế còn được viết tắt là OCD – Obsessive-Compulsive Disorder

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế là gì?

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường được viết tắt là OCD – Obsessive-Compulsive Disorder, là một chứng rối loạn tâm thần đặc biệt và khá hiếm gặp. Những người mắc phải chứng bệnh này thường sẽ có những hành vi, suy nghĩ lặp đi lặp lại nhiều lần một cách mất kiểm soát. Đối với người bệnh, những suy nghĩ kéo dài dai dẳng và những hành vi, thói quen cứng nhắc nên nếu không thực hiện sẽ khiến họ cảm thấy vô cùng khó chịu và bức bối.

Nhiều người bị OCD cũng đã từng chia sẻ rằng, mặc dù họ biết những hành vi của bản thân là không cần thiết hoặc không đúng đắn nhưng họ có thể kiểm soát và thoát ra nỗi ám ảnh đó hoặc ngừng các hành vi cưỡng chế của bản thân. Thông thường, các triệu chứng của bệnh sẽ khởi phát sớm ở trẻ em, thanh thiếu niên hoặc cả giai đoạn trưởng thành, độ tuổi trung bình khoảng 19 tuổi.

Tuy rằng rối loạn ám ảnh cưỡng chế ít gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng nó lại tạo ra nhiều khó khăn và cản trở trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh, khiến họ bị ảnh hưởng đến học tập ,công việc và cả các mối quan hệ xã hội. Hơn thế, hội chứng khá hiếm gặp, trên thế giới chỉ có khoảng 0.05% dân số bị ảnh hưởng. Theo đó, tỉ lệ nữ giới mắc bệnh sẽ cao hơn so với nam giới, cụ thể là nữ chiếm 1.8% và nam chiếm 0.5%, đối tượng có trình độ, trí tuệ cao sẽ có nhiều nguy cơ mắc bệnh hơn.

Lấy một ví dụ để dễ hình dung hơn về người bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Họ sẽ luôn tự hỏi bản thân liệu mình đã khóa cửa, tắt bếp trước khi ra khỏi nhà hay chưa. Họ luôn bị thôi thúc về chuyện đó và đôi khi phải quay trở lại nhà để kiểm tra một cách chính xác. Thậm chí việc này có thể diễn ra nhiều lần, dù họ đã kiểm tra rất kỹ lưỡng trước đó.

Dấu hiệu nhận biết rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Theo tìm hiểu, những người mắc phải chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế sẽ thường có các biểu hiện về hành vi và suy nghĩ hoặc thậm chí là cả hai. Triệu chứng bệnh tuy không làm ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng lại cản trở đến công việc, học tập và nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống.

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Người bị OCD sẽ luôn bị ám ảnh bởi sự sạch sẽ, các loại vi khuẩn, vi trùng xung quanh.

Một số biểu hiện thường thấy ở người mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế như:

  • Liên tục xuất hiện các hình ảnh, suy nghĩ trong tâm trí với tính chất thường xuyên lặp đi lặp lại một cách mất kiểm soát. Điều này khiến họ cảm thấy lo lắng và vô cùng bất an. Chẳng hạn như sợ vi khuẩn, vi trùng, sợ bẩn, ám ảnh về con số,….Một số trường hợp nghiêm trọng còn có thể hình thành các suy nghĩ tự làm tổn thương bản thân hoặc gây hại cho những người xung quanh.
  • Bên cạnh những sự bất ổn về suy nghĩ thì người bệnh OCD cũng có thể thực hiện các hành vi theo tính lặp đi lặp lại nhiều lần và họ luôn bị thôi thúc với những suy nghĩ ám ảnh. Một vài hành vi cưỡng chế hay gặp ở người bệnh như liên tục kiểm tra những việc vừa làm, rửa tay quá mức, lau dọn liên tục, luôn sắp xếp mọi thứ một cách ngăn nắp, đòi hỏi mọi thứ phải thật hoàn hảo.

So với những người có sức khỏe bình thường thì các hành vi, suy nghĩ của người mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế sẽ có sự khác biệt rõ rệt như:

  • Mỗi ngày họ sẽ bị chi phối ít nhất trong khoảng 60 phút về các suy nghĩ, hành vi đã nêu trên.
  • Họ có thể tự nhận thấy được sự thừa thãi hoặc không phù hợp của những hành vi và suy nghĩ đó nhưng không có cách nào để kiểm soát chúng.
  • Khi thực hiện các hành vi cưỡng chế, sự lo âu và căng thẳng của bệnh nhân sẽ được thuyên giảm và ngược lại, nếu không được thực hiện họ sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu, bực tức, kích động.
  • Bệnh nhân OCD dường như không có sự yêu thích hoặc hứng thú với mọi thứ xung quanh, kể cả những điều họ đang suy nghĩ và thực hiện.
  • Các hành vi và suy nghĩ của họ gây ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày.
  • Một vài trường hợp người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng của rối loạn TIC – cử động bất thường của cơ, có tính chất lặp đi lặp lại nhiều lần nhưng không kiểm soát được. Tình trạng này được đặc trưng bởi các cử động bất thường ở mắt, người bệnh sẽ liên tục nháy mắt hoặc nhăn mặt, nhún vai, hắng giọng, gật đầu, khịt mũi.

Tùy vào mỗi tình trạng bệnh khác nhau mà các biểu hiện của OCD cũng sẽ đa dạng và phong phú hơn. Bên cạnh những suy nghĩ và hành vi bất thường của mình thì người bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế vẫn có sức khỏe, trí tuệ ổn định. Không những thế, họ còn có khả năng tổ chức tốt, có thể quan tâm đến từng chi tiết và sự đối xứ của sự việc. Tuy nhiên, đôi lúc sự cầu toàn quá mức của họ cũng có thể gây ra nhiều vấn đề bất ổn trong cuộc sống.

Cụ thể về các hành vi và suy nghĩ mà người bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường làm giúp bạn nhận biết như:

  • Rửa tay quá mức

Những người OCD luôn bị ám ảnh về sự sạch sẽ và họ cho rằng trên tay luôn bám đầy bụi bẩn và vi khuẩn nên họ sẽ có xu hướng liên tục rửa tay. Họ sẽ lau chùi tay một cách kỹ càng, lau chùi từng ngón và móng tay, liên tục sợ hãi vô lý về những mầm bệnh có thể xuất hiện ở khắp mọi nơi.

  • Dọn dẹp nhà cửa một cách cứng nhắc

Cũng bởi sự ám ảnh về mức độ sạch sẽ quá lớn nên người bệnh sẽ tự đưa ra những nguyên tắc dọn dẹp nhà cửa và bắt buộc bản thân phải tuân thủ một cách cứng nhắc. Họ sẽ dọn dẹp ngay cả khi cơ thể cảm thấy mệt mỏi hoặc thậm chí là đang bệnh tật.

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế
OCD khiến cho nhiều người bị thôi thúc dọn dẹp nhà cửa thường xuyên và dọn theo quy tắc cứng nhắc

Họ luôn lo lắng về sự xuất hiện của các loại vi trùng và trang bị đầy đủ các dụng cụ vệ sinh để bảo vệ căn nhà và không gian ở của mình. Đồng thời, nếu không thể dọn dẹp đúng theo nguyên tắc đã đặt ra thì họ sẽ cảm thấy vô cùng bức bối, khó chịu và lo lắng.

  • Luôn có cảm giác cần phải kiểm tra

Những người mắc phải chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường hay đi trễ bởi họ phải loay hoay với việc kiểm tra điện, nước, bình gas, ổ khóa trong nhà. Họ có xu hướng kiểm tra những việc bản thân vừa phải làm và thậm chí họ còn liên tục làm điều đó nhiều lần (trên 3 lần).

  • Ám ảnh về những con số

Người bệnh sẽ liên tục bị ám ảnh bởi những con số, họ sẽ bị thôi thúc để đếm số về mọi thứ xảy ra xung quanh, chẳng hạn như đếm số người trong phòng, đếm bậc cầu thang, đếm cánh hoa,…Họ sẽ cảm thấy lo lắng và bất an khi gặp phải những con số mà bản thân họ cho rằng nó không may mắn và bắt đầu suy nghĩ, ám ảnh về nó trong nhiều giờ, nhiều ngày liền.

  • Sợ hãi bạo lực quá mức

Có lẽ ai trong chúng ta cũng đều sợ hãi bạo lực nhưng đối với người OCD thì nỗi sợ của họ sẽ biểu hiện một cách thái quá hơn. Họ sợ bị người thân bạo hành khi làm điều gì đó có lỗi, mặc dù đó chỉ là một lỗi nhỏ. Họ luôn cảm thấy lo lắng khi con cái đi học và rời xa vòng tay của mình bởi họ cho rằng thầy cô, bạn bè có thể đánh đập trẻ. Đồng thời, mỗi khi ra đường họ đều e dè vì lo sợ người khác tấn công, bạo hành hoặc xâm hại tình dục.

  • Ám ảnh về tình dục

Nếu bạn thường xuyên có những suy nghĩ bộc phát về những tình huống quan hệ tình dục mà bản thân không mong muốn hoặc đó chính là điều cấm kỵ thì nhiều khả năng bạn đang bị OCD. Bạn có thể tưởng tượng ra cảnh đang quan hệ tình dục với một người nào đó mà bản thân không hề quen biết hoặc là người cùng giới tính, một người đồng nghiệp, anh chị em.

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Người bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế sẽ luôn có những suy nghĩ sai lệch về tình dục
  • Dằn vặt trong các mối quan hệ

Người mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường có xu hướng nhận xét tiêu cực về đồng nghiệp hoặc cấp trên. Họ sẽ cảm thấy vô cùng bất an và không biết phải làm gì để sửa sai khi bản thân đã làm lỗi với người khác. Họ bị ám ảnh quá mức và luôn nóng lòng muốn biết được suy nghĩ của đối phương, có như thế mới giúp họ cảm thấy thoải mái hơn.

  • Chán ghét ngoại hình của mình

Đây cũng là một trong các biểu hiện thường gặp ở người OCD. Họ luôn cảm thấy cơ thể của mình xấu xí, các phần cơ thể đều không được hoàn hảo. Đồng thời dù nhận được những lời khen từ bên ngoài nhưng họ vẫn không tin tưởng và luôn tự ti về ngoại hình. Thậm chí có nhiều người còn cảm thấy lo lắng, bất an và tìm đến các cơ sở thẩm mỹ nhằm để phẫu thuật khắc phục nhược điểm trên cơ thể.

Lưu ý: Những biểu hiện của rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường bắt đầu bằng những thói quen nhỏ nhặt hàng ngày. Do đó, cần phải chú ý quan sát để kịp thời phát hiện ra những bất ổn của bản thân hoặc những người bên cạnh để nhanh chóng khắc phục hiệu quả.

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế – Nguyên nhân do đâu?

Cho đến hiện nay, nguyên nhân gây ra chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế vẫn chưa được xác định một cách cụ thể và rõ ràng. Tuy nhiên, dựa vào kết quả của một số cuộc nghiên cứu thì các nhà khoa học cũng đã tìm ra được một số yếu tố có khả năng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh như sau:

  • Những đối tượng từ 15 đến 25 tuổi.
  • Nữ giới sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với nam giới
  • Sự mất cân bằng của các chất dẫn truyền thần kinh serotonin có khả năng là nguyên nhân phát triển bệnh.
  • Yếu tố di truyền cũng được tìm thấy ở một vài trường hợp bệnh.

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế có nguy hiểm không?

Như đã chia sẻ ở trên, người bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế sẽ có đặc trưng bởi những hành vi và suy nghĩ thường xuyên lặp đi lặp lại. Tuy rằng hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định được chính xác về nguyên nhân gây ra bệnh nhưng không thể nào phủ nhận được sự ảnh hưởng của nó đối với đời sống hàng ngày của bệnh nhân.

Căn bệnh này không đe dọa trực tiếp đối với sức khỏe giống với các chứng rối loạn tâm thần khác, điển hình như trầm cảm, rối loạn lo âu, hưng cảm,…Tuy nhiên, các sinh hoạt đời sống hàng ngày, cũng như hiệu suất làm việc, học tập của bệnh nhân sẽ bị tác động một cách mạnh mẽ.

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Người bệnh OCD rất khó khăn trong việc hoàn thành công việc đúng deadline

Một số ảnh hưởng nghiêm trọng đến từ chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế như:

  • Người bệnh phải mất rất nhiều thời gian cho những hành vi và suy nghĩ thừa thãi của mình.
  • Việc liên tục lặp đi lặp lại những hành vi không cần thiết khiến cho họ gặp phải nhiều rắc rối trong công việc, học tập, các mối quan hệ. Ví dụ như họ luôn là người đi trễ trong các cuộc hẹn, không thể hoàn thành nhiệm vụ đúng thời gian,….
  • Do những suy nghĩ lệch lạc nên đời sống tình dục của người OCD cũng trở nên bất thường.
  • Gia tăng các xung đột trong mối quan hệ gia đình, xã hội
  • Ảnh hưởng đến ngoại hình
  • Có nguy cơ tự làm hại bản thân hoặc những người bên cạnh.
  • Khó khăn trong việc thích nghi và hòa hợp với những sự ám ảnh của bản thân.
  • Khiến người bệnh cảm thấy lo lắng, căng thẳng, lâu ngày có khả năng làm khởi phát chứng trầm cảm.

Tuy sự ảnh hưởng của rối loạn ám ảnh cưỡng chế rất nhiều nhưng đa phần người bệnh sẽ không gặp nhiều các tác động quá nặng nề, chủ yếu là bị ảnh hưởng và suy giảm về chất lượng cuộc sống.

Chẩn đoán và hướng điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế hiệu quả

Thông thường, các triệu chứng của rối loạn ám ảnh cưỡng chế sẽ khởi phát từ khoảng 15 đến 25 tuổi và nam giới sẽ có tỉ lệ tái phát sớm hơn so với nữ giới. Tuy rằng có rất nhiều các biểu hiện để nhận biết, song chứng bệnh này cũng có thể dễ bị nhầm lẫn với những thói quen hàng ngày của con người.

Để có thể xác định cụ thể xem bản thân có đang mắc phải căn bệnh rối loạn này không thì bạn cần trực tiếp tìm đến bệnh viện, cơ sở chuyên khoa để được thăm khám và kiểm tra đầy đủ. Nếu nghi ngờ mắc bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám về các biểu hiện lâm sàng.

Quá trình chẩn đoán bệnh OCD thường sẽ được tiến hành bởi bác sĩ chuyên khoa thần kinh hoặc bác sĩ tâm thần. Tùy thuộc vào độ tin tưởng của người bệnh đối với bác sĩ mà thời gian chẩn đoán cũng sẽ có phần chênh lệch nhau. Đặc biệt đối với những người bệnh nhỏ tuổi thì cần phải mất nhiều thời gian để trẻ có thể chia sẻ và giãi bày về những vấn đề ám ảnh của bản thân.

Sau khi đưa ra được chẩn đoán chính xác nhất, bác sĩ chuyên khoa sẽ tư vấn và đưa ra liệu pháp điều trị phù hợp nhất cho từng trường hợp khác nhau. Thông thường thì sử dụng thuốc và trị liệu tâm lý là hai phương pháp thường xuyên được áp dụng nhất cho các trường hợp mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế.

1. Trị liệu tâm lý

Hiện nay, trị liệu tâm lý được xem là biện pháp hiệu quả và an toàn nhất thường xuyên được áp dụng cho hầu hết các trường hợp mắc bệnh rối loạn tâm thần, trong đó có rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD. Tại nhiều quốc gia trên toàn thế giới, hiện đang sử dụng liệu pháp này nhằm giúp bệnh nhân điều chỉnh suy nghĩ, nhận thức, giảm thiểu khả năng phát triển các biến chứng nguy hiểm và ngăn ngừa tác dụng phụ khi người bệnh sử dụng thuốc điều trị.

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Trị liệu tâm lý là phương pháp luôn được ưu tiên áp dụng cho người bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Thông thường thì đối với bệnh nhân OCD, chuyên gia tâm lý sẽ ưu tiên áp dụng liệu pháp nhận thức và hành vi.

  • Liệu pháp nhận thức: Giúp cho người bệnh đánh giá và nhìn nhận lại mức độ lo lắng của bản thân và các nguy hiểm về những sự vật, hiện tượng xung quanh. Nhờ đó mà họ giảm thiếu được các suy nghĩ ám ảnh về vi khuẩn, vi trùng, sự sạch sẽ,….
  • Liệu pháp hành vi: Bao gồm 2 kỹ năng, một là sự bộc lộ các suy nghĩ ám ảnh để giảm căng thẳng, hai là thực hiện một vài kỹ thuật thư giãn để ngăn chặn các suy nghĩ và hành vi cưỡng chế.

Người bệnh sẽ được trao đổi trực tiếp cùng với chuyên gia tâm lý để nói về những suy nghĩ và cảm nhận của bản thân. Từ đó chuyên gia sẽ giúp họ kiểm soát được những sự lo lắng, sợ hãi và dần điều chỉnh suy nghĩ, hành vi của mình một cách phù hợp hơn. Ngoài ra, chuyên gia tâm lý còn giúp cho người bệnh nâng cao một số kỹ năng cần thiết, như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thư giãn, kỹ năng đối phó với khó khăn, quản lý và sắp xếp công việc, thời gian để họ có thể nhanh chóng ổn định được cuộc sống.

2. Sử dụng thuốc điều trị

Một số trường hợp bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở mức độ nặng cũng có thể được cân nhắc sử dụng thuốc nhằm giảm bớt các triệu chứng bất ổn. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có loại thuốc nào được công nhận cụ thể về hiệu quả điều trị dứt điểm chứng OCD mà chúng chỉ được dùng với tác dụng cải thiện tạm thời, ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh.

Chính vì thế, việc dùng thuốc vẫn cần được áp dụng song song với phương pháp trị liệu tâm lý để mang đến hiệu quả tốt nhất. Hiện nay, các loại thuốc nhóm chống trầm cảm 3 vòng hoặc nhóm ức chế chọn lọc tái hấp thu serotonin sẽ được dùng phổ  biến nhất. Một số loại thuốc như Fluoxetine, Clomipramine, Sertraline, Paroxetine hoặc Fluvoxamine.

Tuy nhiên, đa phần các loại thuốc này đều có khả năng gây ra một số tác dụng phụ ngoài ý muốn. Chính vì thế, người bệnh cần phải thực sự cẩn trọng trong quá trình sử dụng và tuân thủ nghiêm các chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Nếu trong thời gian dùng thuốc có phát sinh bất kì vấn đề nào cũng cần thông báo với bác sĩ để được hướng dẫn xử lý kịp thời.

3. Cải thiện tại nhà

Bên cạnh việc áp dụng tốt các phương pháp điều trị chuyên khoa thì người bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế cũng cần phải biết cách tự cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống ngay tại nhà bằng các cách sau đây:

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Tập luyện thể dục mỗi ngày cũng là cách giúp cải thiện hiệu quả sức khỏe tổng thể cho người OCD.
  • Hãy chia sẻ về tình trạng sức khỏe của bản thân với bạn bè và những người trong gia đình, chỉ có như thế bạn mới nhận được sự đồng cảm và hỗ trợ từ họ. Những lời động viên, khuyến khích và một số hành động trợ giúp của họ sẽ góp phần lớn trong việc nâng cao hiệu quả của quá trình điều trị bệnh.
  • Bạn cũng nên học cách ghi chép lại mọi thứ xung quanh, về những công việc mình vừa mới thực hiện để giảm bớt sự lo lắng và bất an, từ đó hạn chế được các hành vi cưỡng chế.
  • Tích cực tham gia vào các hoạt động lành mạnh và bổ ích của xã hội để ngăn thời gian suy nghĩ và thực hiện những hành vi bất thường.
  • Cố gắng cải thiện chất lượng giấc ngủ, ngủ đúng giờ, tránh thức khuya để có được một tinh thần thoải mái, tràn đầy năng lượng tích cực.
  • Tập luyện thể dục thường xuyên cũng là cách hiệu quả giúp bạn nâng cao sức khỏe thể chất và cân bằng tốt trạng thái tâm lý.
  • Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung nhiều các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất, tăng cường ăn rau xanh, các loại rau củ quả, trái cây bổ dưỡng.
  • Dành thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn sau những giờ làm việc mệt mỏi và căng thẳng.

Trên đây là một số thông tin về chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Việc chẩn đoán bệnh sớm sẽ góp phần giúp ích rất nhiều cho quá trình điều trị và gia tăng hiệu quả của các phương pháp trị liệu.

Tham khảo thêm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *