Rối loạn suy nghĩ: Nguyên nhân, cách chẩn đoán và điều trị
Người bệnh rối loạn suy nghĩ thường có những nhận thức khác thường, chưa đúng đắn về các sự việc, sự vật xảy ra xung quanh, từ đó dễ hình thành các hành vi sai lệch, không phù hợp. Tình trạng này gây ra nhiều ảnh hưởng đối với bản thân người bệnh và cả những người bên cạnh.
Rối loạn suy nghĩ là gì?
Rối loạn suy nghĩ là một vấn đề sức khỏe tâm thần có tác động trực tiếp đối với suy nghĩ và sự minh mẫn, sáng suốt của người bệnh. Những ai mắc phải chứng rối loạn này thường sẽ bị thay đổi sự sắp xếp trong quá trình suy nghĩ, điều này làm ảnh hưởng đối với hành vi và có thể gây ra những hành động không phù hợp, xuất hiện ảo giác, hoang tưởng.
Theo chia sẻ của các chuyên gia thì quá trình suy nghĩ bình thường của con người sẽ gồm có 3 phần. Cụ thể đó là nghĩ về một điều nào đó, sắp xếp các suy nghĩ về vấn đề đang nghĩ đến và cuối cùng chính là truyền tải hoặc thể hiện suy nghĩ của bản thân. Đối với người bị rối loạn suy nghĩ sẽ có sự thay đổi và khác thường ở một hoặc một số phần của quá trình này.
Như vậy có thể thấy rằng, tình trạng rối loạn suy nghĩ sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình suy nghĩ bình thường của con người và nó sẽ gây ra một số vấn đề về hành vi, cách nói chuyện của người bệnh, họ sẽ nói năng thiếu mạch lạc, hành động không hợp lý trong suy nghĩ. Tình trạng này cần nhanh chóng phát hiện và điều trị kịp thời để tránh gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với người bệnh lẫn những người thân bên cạnh.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh rối loạn suy nghĩ
Cho đến hiện nay, vẫn chưa có bất kì thông tin nào có thể xác định cụ thể về nguyên nhân gây ra bệnh rối loạn suy nghĩ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng đã tìm hiểu và nhận thấy một vài yếu tố có khả năng liên quan như sau:
- Do ảnh hưởng từ quá trình sống: Những người từng bị lạm dụng về cơ thể hoặc tình dục, thường xuyên bị tra tấn dã man về tinh thần lẫn thể xác, người sống tách biệt một mình sẽ có nhiều khả năng phát triển chứng rối loạn suy nghĩ.
- Một số sự thay đổi về chất: Các yếu tố như thiếu dinh dưỡng, giảm oxy trong máu, nhiễm trùng, sự lão hóa ở người cao tuổi cũng có thể được xem là các yếu tố nguy cơ.
- Do sự ảnh hưởng từ các chất độc hại, chất kích thích, chất gây nghiện như thuốc lá, rượu bia, các chất cấm hoặc một vài loại thuốc điều trị.
- Người mắc phải các rối loạn về tâm thần, điển hình như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực hay tâm thần phân liệt cũng có nguy cơ mắc chứng rối loạn suy nghĩ.
- Các triệu chứng của bệnh còn có khả năng khởi phát bởi sự ảnh hưởng sau chấn thương, stress kéo dài dai dẳng hoặc một vài bệnh lý thực thể như u não, Parkinson.
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh mà mỗi người sẽ có tần số xuất hiện các đợt rối loạn suy nghĩ khác nhau, thời gian kéo dài cũng mỗi đợt cũng sẽ có phần riêng biệt. Chính vì thế, quá trình điều trị bệnh cũng cần phải phụ thuộc nhiều về việc xác định và tìm ra nguyên nhân gốc rễ gây bệnh.
Dấu hiệu nhận biết rối loạn suy nghĩ
Như đã chia sẻ ở trên, người bệnh rối loạn suy nghĩ sẽ có nhận thức khác biệt về các sự vật, hiện tượng xảy ra xung quanh cuộc sống hàng ngày. Để nhận biết được căn bệnh này, thường bạn sẽ chú ý vào hai triệu chứng phổ biến sau:
- Ảo giác: Người bệnh dường như gặp phải rất nhiều vấn đề về các giác quan của cơ thể. Họ có thể nghe, ngửi, nếm hoặc cảm giác được những thứ hoàn toàn không có thực. Cảm giác thường gặp nhất đó chính là nghe thấy những âm thanh, giọng nói không thực.
- Hoang tưởng: Bệnh nhân rối loạn suy nghĩ thường sẽ có một niềm tin mãnh liệt về một sự việc, hiện tượng nào đó không có thật. Chẳng hạn như họ tin rằng đang có một người nào đó muốn sát hại, gây tổn thương hoặc cố gắng tìm cách giết chết họ, tuy nhiên thực tế hoàn toàn không phải như vậy.
Theo chia sẻ của các chuyên gia thì chính sự kết hợp giữa hai triệu chứng ảo giác và ảo tưởng sẽ làm suy giảm khả năng nhận thức của con người. Họ sẽ bị giảm đi nghiêm trọng về mặt cảm xúc, suy nghĩ, hành vi.
Ảnh hưởng khôn lường của bệnh rối loạn suy nghĩ
Tình trạng rối loạn suy nghĩ sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến suy nghĩ, nhận thức, sự sáng suốt và cả hành vi của người bệnh. Cũng chính vì điều này mà năng suất làm việc, kết quả học tập của họ bị suy giảm nghiêm trọng, thậm chí làm cho chất lượng cuộc sống ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Những người mắc phải chứng rối loạn suy nghĩ sẽ có nhiều khả năng tìm đến rượu bia, cách chất kích thích khác gây ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe. Tuy nhiên, do các hoạt chất có trong thuốc lá, bia rượu hoặc những chất cấm như ma túy có thể làm dịu đi những triệu chứng khó chịu nên nhiều người bệnh có xu hướng lạm dụng.
Mặt khác, các chất này chỉ có tác dụng trong một thời gian ngắn, nếu lạm dụng quá nhiều sẽ gây nên những tác động không tốt đối với sức khỏe của con người. Đồng thời, việc sử dụng bia rượu, ma túy quá nhiều sẽ khiến cho bệnh nhân dần mất kiểm soát, nhiều khả năng gây ra những hành vi tiêu cực, gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng khác.
Đồng thời, người bệnh rối loạn suy nghĩ rất dễ rơi vào những tình huống mang tính chất nguy hiểm. Bởi những niềm tin và suy nghĩ sai lệch của mình nên họ có thể nhận định sai về các tình huống, nhầm lẫn giữa những sự việc nguy hiểm thành an toàn. Chính vì thế, bệnh nhân sẽ có nhiều nguy cơ gặp phải các khó khăn, nguy hiểm ảnh hưởng đến bản thân và những người khác.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học còn cho biết thêm, rối loạn suy nghĩ cũng chính là một trong các yếu tố nguy cơ làm gia tăng tỉ lệ tự sát ở nhiều người. Cũng bởi sự sai lệch và chưa phù hợp về nhận thức, suy nghĩ, cảm xúc, hành vi khiến cho người bệnh dần rơi vào bế tắc, lâu ngày dễ đưa ra quyết định tự tử để tự giải thoát bản thân.
Chẩn đoán rối loạn suy nghĩ
Trong trường hợp người bệnh gặp phải khó khăn trong việc giữ an toàn thì họ cần chủ động tìm gặp bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Nếu nghi ngờ một người mắc phải chứng rối loạn suy nghĩ thì bác sĩ chuyên khoa se cần xác định một số vấn đề như sau:
- Tìm hiểu và khai thác về các suy nghĩ và tâm trạng hàng ngày của bệnh nhân. Nắm rõ về tần suất và mức độ biểu hiện của các rối loạn về một sự việc, tình huống cụ thể nào đó.
- Sự ảnh hưởng đối với quá trình học tập, làm việc và cuộc sống của người bệnh.
- Tiền sử bệnh lý của bệnh nhân hoặc những người thân trong gia đình. Có ai đã từng mắc phải các rối loạn tâm thần như trầm cảm, tâm thần phân liệt hay không.
- Người bệnh có đang sử dụng hay lạm dụng chất kích thích, rượu bia hoặc các loại thuốc điều trị nào không.
- Hỏi về sự ảo giác, chẳng hạn như hỏi xem họ có nghe thấy tiếng nói hay âm thanh kì lạ nào đó nhưng những người xung quanh lại bảo chúng không có thực hoặc họ hoàn toàn không nghe thấy (ảo thanh).
- Hỏi về sự hoang tưởng, chẳng hạn như người bệnh có đang suy nghĩ rằng có một thế lực nào đó đang thao túng, điều khiến mình hay không?
Ngay khi nhận thấy các dấu hiệu cảnh báo bệnh thì bạn cần chủ động hơn trong việc tìm gặp bác sĩ chuyên môn để được hỗ trợ tốt nhất. Đồng thời, việc có được chẩn đoán chính xác sẽ góp phần quan trọng giúp cho quá trình điều trị bệnh mang đến nhiều sự thành công hơn mong đợi.
Hướng điều trị rối loạn suy nghĩ hiệu quả
Cũng giống với các chứng rối loạn tâm thần thường gặp khác, rối loạn suy nghĩ cũng sẽ được ưu tiên điều trị với hai biện pháp chính là là trị liệu tâm lý và sử dụng thuốc. Người bệnh cần phải tuân thủ và thực hiện đúng theo phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa để bệnh tình mau chóng hồi phục, sức khỏe được ổn định hơn, từ đó cân bằng và cải thiện tốt chất lượng đời sống hàng ngày.
1. Tâm lý trị liệu
Tâm lý trị liệu là phương pháp được áp dụng phổ biến nhất hiện nay cho hầu hết các trường hợp người bệnh sức khỏe thần kinh. Đây là biện pháp sử dụng ngôn ngữ giao tiếp để có thể tiếp xúc, trao đổi với bệnh nhân, khai thác và đi sâu và nhận thức của họ, nhằm giúp họ thay đổi tư duy, nhận thức và hành vi của mình.
Đối với người bệnh rối loạn suy nghĩ thì liệu pháp nhận thức và hành vi sẽ được sử dụng thường xuyên nhất. Bệnh nhân sẽ được gặp gỡ và trò chuyện trực tiếp với chuyên gia tâm lý để bày tỏ những suy nghĩ, cảm xúc và vấn đề khó khăn mà bản thân đang gặp phải.
Sau nhiều buổi trị liệu trực tiếp, các chuyên gia tâm lý sẽ dần giúp người bệnh tháo gỡ những nút thắt trong tâm hồn, cải thiện suy nghĩ theo chiều hướng đúng đắn hơn và dần thay đổi, điều chỉnh hành vi phù hợp. Bên cạnh đó, chuyên gia còn giúp bệnh nhân nâng cao các kỹ năng cần thiết, biết cách kiểm soát cảm xúc, suy nghĩ, đối mặt để giải quyết vấn đề hiệu quả nhằm ổn định đời sống thật nhanh chóng.
2. Sử dụng thuốc
Để giảm bớt các triệu chứng của rối loạn suy nghĩ và tâm lý ở người bệnh nên bác sĩ chuyên khoa cũng sẽ xem xét để kê đơn thuốc điều trị phù hợp. Thông thường thì người bệnh sẽ được ưu tiên dùng các loại thuốc chống loạn thần với liều lượng khác nhau, phù hợp cho từng trường hợp bệnh riêng biệt.
Tuy rằng các loại thuốc này không thể điều trị tận gốc chứng rối loạn suy nghĩ nhưng nó có khả năng kiểm soát và thuyên giảm các triệu chứng nguy hiểm, đồng thời hỗ trợ tốt trong việc giúp bệnh nhân đáp ứng hiệu quả với phác đồ điều trị chuyên khoa. Do đó, người bệnh cần phải dùng thuốc đúng theo chỉ định và thời gian uống thuốc thường sẽ kéo dài tối thiểu trong khoảng 1 năm, một số trường hợp khác có thể lâu hơn để ngăn ngừa sự tái phát của bệnh.
Đối với các loại thuốc chống loạn thần nếu sử dụng trong thời gian dài sẽ có nguy cơ gây ra những tác dụng phụ ngoài ý muốn. Chính vì thế, bệnh nhân cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ định dùng thuốc của chuyên gia, uống đúng thuốc, đúng liều lượng và đúng thời gian quy định. Nếu trong quá trình điều trị nhận thấy cơ thể có xuất hiện các triệu chứng khác lạ thì cần thông báo ngay với bác sĩ để được hướng dẫn cách ngăn chặn kịp thời.
3. Xây dựng lối sống lành mạnh
Bên cạnh việc tuân thủ tốt các phương pháp điều trị chuyên khoa thì người bệnh rối loạn suy nghĩ cũng cần thay đổi và điều chỉnh lối sống của mình theo hướng tích cực hơn. Để bệnh tình mau chóng thuyên giảm, người bệnh cần phải chú ý hơn đến các vấn đề sau đây:
- Thiết lập chế độ ăn uống đầy đủ với các loại thực phẩm tươi ngon, ăn nhiều rau củ quả, trái cây, các loại thịt cám giàu khoáng chất và vitamin. Đồng thời, cần hạn chế những món ăn chế biến sẵn, đồ ăn đóng hộp, những thực phẩm giàu chất béo, tránh nêm nếm nhiều gia vị hoặc sử dụng dầu mỡ quá nhiều.
- Nâng cao chất lượng giấc ngủ, đảm bảo ngủ đủ từ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày và tập trung ngủ vào ban đêm. Cần tránh thói quen thức khuya, tốt nhất nên ngủ trước 23 giờ mỗi ngày. Việc có được một giấc ngủ ngon và sâu sẽ giúp tinh thần trở nên thoải mái, hạn chế sự căng thẳng và các suy nghĩ tiêu cực.
- Thường xuyên vận động, tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Trong nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng, tập luyện thể dục mỗi ngày sẽ giúp gia tăng hàm lượng hormone hạnh phúc, cân bằng tâm trạng và oorrn định cảm xúc tốt hơn. Tùy thuộc vào thể chất và thời gian của mỗi người mà bạn có thể lựa chọn những bộ môn phù hợp như đi bộ, chạy bộ, bơi lội, yoga, nhảy dây,…
- Tuyệt đối không được lạm dụng các chất kích thích gây hại như rượu bia, thuốc lá, chất cấm.
- Nên thường xuyên thăm khám sức khỏe tổng quát định kỳ 6 tháng/ lần để theo dõi tình hình sức khỏe và kịp thời phát hiện ra các vấn đề nghiêm trọng khác.
Bên cạnh đó, những người mắc phải chứng rối loạn suy nghĩ thường sẽ bị hạn chế hoặc thiếu sự sáng suốt trong vấn đề suy nghĩ, thấu hiểu sự việc. Đôi lúc họ còn không thể nhận thức được về những suy nghĩ, hành vi không phù hợp của bản thân. Chính vì thế họ cần nhận được sự quan tâm và giúp đỡ từ gia đình và cả xã hội về nhiều mặt khác nhau như chỗ ở, cuộc sống, giáo dục, công việc,….Hoặc đơn giản họ cần có người bên cạnh để chia sẻ, giúp đỡ họ điều chỉnh và ngăn chặn các suy nghĩ sai lệch, kì quặc.
Rối loạn suy nghĩ là vấn đề sức khỏe có thể gây ảnh hưởng lớn đối với đời sống sinh hoạt của người bệnh và cả những người xung quanh. Hi vọng qua thông tin của bài viết này, bạn đọc sẽ hiểu hơn về nó và có sự chủ động trong việc thăm khám, chẩn đoán và điều trị bệnh ngay khi phát hiện ra các dấu hiệu bất thường.
Có thể bạn quan tâm:
- Bạo hành lạnh là gì? Dấu hiệu nhận biết và cách ngăn chặn
- Những diễn biến tâm lý thường thấy ở người muốn tự sát
- Các hội chứng tâm lý thường gặp của con người
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!