Rối loạn nhân cách: Nguyên nhân, dấu hiệu, hướng điều trị
Rối loạn nhân cách là một trong những dạng rối loạn tâm thần phổ biến nhưng ít khi được chú ý. Trái ngược với đặc điểm tính cách thông thường, nhân cách bất thường gây ra nhiều cản trở trong cuộc sống và làm gia tăng các vấn đề tâm lý, tâm thần khác.
Rối loạn nhân cách là gì?
Rối loạn nhân cách (Personality Disorder) là thuật ngữ đề cập đến các rối loạn về sự hình thành tính cách, nhận thức và hành vi. Biểu hiện đặc trưng của bệnh lý này là tính cách đặc biệt, không ổn định dẫn đến việc khó thích nghi với môi trường và có các vấn đề trong mối quan hệ với những người xung quanh.
Một cách hiểu đơn giản hơn của rối loạn nhân cách là thuật ngữ đề cập đến cách sống, phản ứng, cảm xúc và hành vi hoàn toàn khác biệt với người bình thường nhưng không đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán một bệnh lý tâm thần đặc trưng. Vì vậy, rối loạn nhân cách rất dễ nhầm lẫn với các rối loạn tâm lý, tâm thần như rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, bệnh hoang tưởng, tâm thần phân liệt,…
Nhân cách chỉ được hoàn thiện khi đủ 18 tuổi. Do đó, rối loạn nhân cách không được chẩn đoán cho người từ 0 – 17 tuổi. Theo thống kê, có khoảng 6 – 11.1% dân số đang phải đối mặt với chứng bệnh này.
Rối loạn nhân cách tiến triển mãn tính và kéo dài dai dẳng suốt đời. Tuy nhiên, can thiệp điều trị có thể thay đổi cảm xúc, suy nghĩ (nhận thức) và hành vi theo chiều hướng tích cực hơn. Thậm chí, một số bệnh nhân còn có thể tận dụng thế mạnh để phát triển bản thân và có được thành công trong sự nghiệp. Hiểu biết về rối loạn nhân cách sẽ giúp những người xung quanh phát hiện sớm bất thường ở người bệnh, từ đó tạo điều kiện để bệnh nhân được thăm khám và điều trị kịp thời.
Dấu hiệu nhận biết rối loạn nhân cách
Rối loạn nhân cách được chia thành nhiều dạng khác nhau dựa vào biểu hiện lâm sàng. Tuy nhiên, đặc điểm chung của bệnh lý này là sự khác thường trong suy nghĩ, thái độ và phản ứng dẫn đến khó thích nghi/ hòa nhập và gặp phải trở ngại trong các mối quan hệ.
Các dấu hiệu nhận biết rối loạn nhân cách:
- Cách bộc lộ cảm xúc khác thường, có thể là ít biểu lộ cảm xúc, cảm xúc cùn mòn hoặc bộc lộ cảm xúc thái quá, cường điệu,…
- Cảm xúc không ổn định, có thể thay đổi đột ngột từ vui vẻ, nhẹ nhàng sang cáu bẳn, tức giận và nóng nảy,…
- Cách phản ứng, hành vi khác thường và đôi vi lập dị so với những người xung quanh
- Một số trường hợp xuất hiện hoang tưởng (niềm tin/ suy nghĩ sai lầm được hình thành phi lý, không dựa trên cơ sở thực tế)
- Hành vi cứng nhắc, thiếu sự linh hoạt và mềm dẻo
- Tính cách cực đoan như quá tàn nhẫn, độc ác, ích kỷ, vô trách nhiệm, lo lắng quá mức, cầu toàn, đa nghi, quá bạc nhược, yếu đuối,…
Dấu hiệu rõ nhất của rối loạn nhân cách là tính cách khác thường so với mọi người. Sự khác thường này sẽ khiến người bệnh khó hòa nhập, sống khép kín và ít các mối quan hệ thân thiết.
Phân loại rối loạn nhân cách
Rối loạn nhân cách được chia thành 3 nhóm A, B, C và mỗi nhóm sẽ bao gồm nhiều dạng khác nhau. Những dạng nhân cách trong cùng một nhóm sẽ có sự tương đồng về đặc điểm. Theo Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (DSM-5), rối loạn nhân cách được chia thành 3 nhóm sau:
1. Rối loạn nhân cách nhóm A
Rối loạn nhân cách nhóm A đề cập các trạng thái nhân cách đặc trưng bởi sự kỳ quái và lập dị. Nhóm A bao gồm 3 loại rối loạn nhân cách là rối loạn nhân cách hoang tưởng, rối loạn nhân cách phân liệt và rối loạn nhân cách dạng phân liệt. Tỷ lệ người mắc rối loạn nhân cách nhóm A tương đối ít và thường bị nhầm lẫn với bệnh loạn thần, hoang tưởng, tâm thần phân liệt,…
– Rối loạn nhân cách hoang tưởng (Paranoid Personality Disorder)
Rối loạn nhân cách hoang tưởng còn được biết đến với tên gọi là nhân cách paranoid. Như tên gọi, dạng nhân cách này đặc trưng bởi hoang tưởng (là các niềm tin, suy nghĩ sai lầm được hình thành một cách phi lý, không dựa trên cơ sở thực tế). Người có dạng nhân cách paranoid luôn nghi ngờ mọi thứ, thiếu sự tin tưởng với mọi người xung quanh, cảm xúc không ổn định, dễ cáu kỉnh, gây hấn nhưng cũng có người nhút nhát, lòng tự trọng thấp.
Có khoảng 0.5 – 2.5% dân số phát triển dạng rối loạn nhân cách hoang tưởng và tỷ lệ cao ở những gia đình có tiền sử tâm thần phân liệt, rối loạn hoang tưởng hoặc loạn thần. Dạng nhân cách này phổ biến hơn ở nam giới.
Các dấu hiệu điển hình của rối loạn nhân cách hoang tưởng:
- Có suy nghĩ sai lầm về việc những người xung quanh đang lừa dối, có ý định hãm hại và muốn tiêu diệt bản thân
- Thiếu sự tin tưởng và luôn tỏ ra nghi ngờ về sự chân thành, thủy chung của tất cả mọi người bao gồm bạn đời, bạn bè, đồng nghiệp,…
- Luôn nhìn thấy ẩn ý sỉ nhục, đe dọa, uy hiếp trong lời nói của người khác dù đó chỉ là những lời nhận xét hoặc lời nói bình thường
- Hầu như không chia sẻ và bộc lộ bản thân với người khác vì lo sợ người khác có thể sử dụng bí mật của bản thân để chống lại mình
- Tính cách thù hằn, để bụng và không bao giờ tha thứ khi bị tổn thương
- Cảm xúc không ổn định, dễ kích động và có thể gây hấn khi cho rằng đối phương đang cố ý làm hại hoặc hạ thấp danh dự của bản thân
Người mắc chứng rối loạn nhân cách hoang tưởng thường gặp trở ngại trong các mối quan hệ và hiếm khi duy trì được mối quan hệ lâu dài (đặc biệt là quan hệ tình cảm, hôn nhân). Nếu không điều trị, bệnh nhân có thể phát triển chứng rối loạn lo âu, trầm cảm, loạn thần và rối loạn hoang tưởng.
– Rối loạn nhân cách phân liệt (Schizoid Personality Disorder)
Rối loạn nhân cách phân liệt là dạng nhân cách đặc trưng bởi sự nhút nhát, thái độ sống khép kín và kỳ lạ so với những người xung quanh. Đặc điểm chung của người có dạng nhân cách này là tính khí lạnh lùng, ít nói, hướng nội, phạm vi bộc lộ cảm xúc hạn chế, cảm xúc cùn mòn và không có nhu cầu về mặt tình cảm.
Các chuyên gia tin rằng, rối loạn nhân cách phân liệt là một dạng tính cách bẩm sinh và tiếp tục tiến triển theo thời gian. Nguy cơ mắc dạng rối loạn nhân cách này cao hơn ở người có tiền sử gia đình bị tâm thần phân liệt hoặc bất thường về nhân cách. Thống kê cho thấy, khoảng 7.5% dân số bị rối loạn nhân cách phân liệt và nam giới có nguy cơ cao hơn nữ giới gấp 2 lần.
Các dấu hiệu thường thấy ở người bị rối loạn nhân cách phân liệt:
- Cảm thấy khó chịu, thậm chí sợ hãi khi tiếp xúc với người khác
- Hiếm khi tiếp xúc bằng mắt, tính cách lãnh đạm, ít nói, ít bộc lộ cảm xúc và không có tính khôi hài
- Người bị rối loạn nhân cách phân liệt thường trả lời cụt ngủn, thiếu cảm xúc trong lời nói và không quan tâm đến mọi thứ xung quanh
- Bệnh nhân thường lựa chọn những công việc nghiên cứu, ít liên đới đến mọi người.
- Yêu thích toán, triết học, thiên văn nên nếu được điều trị có thể đạt thành tựu trong các công việc nghiên cứu.
- Người bị rối loạn nhân cách ranh giới thường thích các đồ vật và một số người yêu thích động vật. Ngoài ra, bệnh nhân không có nhu cầu được chia sẻ, đồng cảm và ngược lại.
- Tính cách thụ động, ít ganh đua, hiếm khi có tình cảm yêu đương và hầu như không có ham muốn tình dục.
Rối loạn nhân cách dạng phân liệt có tiên lượng đa dạng. Nếu được điều trị đúng cách, bệnh nhân có thể cải thiện chất lượng cuộc sống và tháo gỡ những khó khăn trong các mối quan hệ. Ngược lại, trường hợp không được điều trị có thể phát triển chứng trầm cảm, rối loạn hoang tưởng và tâm thần phân liệt.
– Rối loạn nhân cách dạng phân liệt (Schizotypal Personality Disorder)
Rối loạn nhân cách dạng phân liệt dễ bị nhầm lẫn với rối loạn nhân cách phân liệt. Nhìn chung, cả hai dạng nhân cách này có nhiều nét tương đồng và thường phát triển ở người có gia đình bị tâm thần phân liệt, loạn thần và bất thường về nhân cách.
Rối loạn nhân cách dạng phân liệt đặc trưng bởi tư duy khác người, lập dị và kỳ quái. Người có dạng nhân cách này thường mê tín, sùng bái và tôn thờ các thế lực siêu nhiên. Cảm xúc nghèo nàn, không phù hợp, hành vi khác người, có thể xuất hiện ảo giác và hoang tưởng. Khoảng 3% dân số bị rối loạn nhân cách dạng phân liệt và tỷ lệ cao hơn ở nam giới.
Các dấu hiệu nhận biết rối loạn nhân cách dạng phân liệt:
- Thường có các hoang tưởng liên hệ, niềm tin sai lầm, kỳ quái và suy nghĩ huyền tưởng (nghĩ rằng bản thân có khả năng tiên tri, giác quan thứ sáu hoặc có thần giao cách cảm)
- Ngôn ngữ, suy nghĩ kỳ dị, cầu kỳ và thường ẩn dụ trong lời nói
- Tri giác bất thường
- Có suy nghĩ hoài nghi, cho rằng bản thân sẽ bị ám sát và hãm hại bởi một thế lực nào đó
- Ngoại hình và hành vi rất kỳ lạ, dễ nhận biết
- Sống khép kín, cách ly xã hội nhưng một số người vẫn có thể có bạn thân (chủ yếu là bạn từ thời tiểu học)
- Lo sợ bị hại dẫn đến tâm lý lo âu, căng thẳng trong giao tiếp hằng ngày. Dần dần bệnh nhân sống khép kín, cô lập và có thể nhốt mình trong nhà.
Rối loạn nhân cách dạng phân liệt có tiên lượng xấu – nhất là những trường hợp không được điều trị. Tỷ lệ tự sát do bệnh lý này là trên 10%. Nếu được trị liệu và nâng đỡ, người bệnh có thể cải thiện mối quan hệ, hiểu rõ cảm xúc của bản thân và duy trì công việc để tạo ra thu nhập.
2. Rối loạn nhân cách nhóm B
Rối loạn nhân cách nhóm B đặc trưng bởi tính cách không ổn định, cảm xúc được bộc lộ quá mức hoặc cường điệu hóa. Trái ngược với hình thái khép kín của nhóm A, nhóm B nổi bật với nhu cầu được quan tâm và chú ý.
Rối loạn nhân cách nhóm B bao gồm 4 dạng rối loạn nhân cách bao gồm rối loạn nhân cách kịch tính, rối loạn nhân cách ái kỷ (bệnh ái kỷ), rối loạn nhân cách ranh giới và rối loạn nhân cách chống đối xã hội. Tỷ lệ rối loạn nhân cách nhóm B tương đối cao – đặc biệt là rối loạn nhân cách ranh giới.
– Rối loạn nhân cách kịch tính (Histrionic Personality Disorder)
Rối loạn nhân cách kịch tính còn được gọi là rối loạn nhân cách Hysteria. Tỷ lệ mắc bệnh rơi vào khoảng 2 – 3%, nữ giới gặp nhiều hơn nam giới và thường đi kèm với các rối loạn tâm thần khác như nghiện rượu, rối loạn cơ thể, rối loạn khí sắc,…
Rối loạn nhân cách kịch tính là dạng nhân cách đặc trưng bởi tính cách phô trương, màu mè, ưa thích quyến rũ người khác và luôn có nhu cầu được chú ý. Cảm xúc được bộc lộ một cách thái quá nhưng không ổn định và thường xuyên thay đổi.
Lý do mà rối loạn nhân cách kịch tính còn được gọi là rối loạn nhân cách Hysteria là do tính dễ ám thị – giống với đặc điểm của chứng cuồng loạn Hysteria. Người có dạng nhân cách này rất dễ bị ảnh hưởng bởi bối cảnh và những người xung quanh.
Các dấu hiệu nhận biết rối loạn nhân cách kịch tính:
- Luôn có nhu cầu được chú ý và cảm thấy không thoải mái ở những nơi mà bản thân không phải là trung tâm của sự chú ý
- Có các hành vi quyến rũ, khêu gợi với tất cả những người khác giới
- Cảm xúc được thể hiện một cách cường điệu, kịch tính hóa nhưng không ổn định và dễ thay đổi
- Chăm chút cho ngoại hình và thường sử dụng ngoại hình để người khác chú ý đến mình
- Lời nói chủ quan, hay bịa đặt để thỏa mãn nguyện vọng được chú ý
- Nếu không được mọi người chú ý, bệnh nhân sẽ trở nên lờ đờ, mệt mỏi và thù hằn. Một số người cố ý gây sự và trả thù những người xung quanh.
- Phô trương tình dục thông qua hành vi, lời nói nhưng bản thân lại không có ham muốn tình dục hoặc có nhưng rất ít
- Tính cách ích kỷ, sống hời hợt, không biết cách chia sẻ và cảm thông
- Khi đối mặt với stress có thể xuất hiện trạng thái phân ly, tách rời với thực tại
- Dễ bị ám thị, bị ảnh hưởng nhiều bởi bối cảnh và mọi người xung quanh
- Luôn nghĩ các mối quan hệ thân thiết hơn so với thực tế
Rối loạn nhân cách kịch tính có tiên lượng tốt nếu được điều trị. Ngược lại, trường hợp không được thăm khám và trị liệu sẽ phát triển nhiều vấn đề sức khỏe như trầm cảm, rối loạn phân ly, rối loạn cơ thể,…
– Rối loạn nhân cách chống đối xã hội (Antisocial Personality Disorder)
Rối loạn nhân cách chống đối xã hội là một trong những dạng rối loạn nhân cách có tiên lượng xấu. Người mắc chứng bệnh này thường có biểu hiện rối loạn hành vi ở độ tuổi thanh thiếu niên. Rối loạn nhân cách chống đối xã hội thường gặp ở người có bố mẹ nghiện rượu, ma túy và bị rối loạn nhân cách kịch tính. Tỷ lệ mắc bệnh chiếm 3% ở nam giới và 1% ở nữ giới.
Rối loạn nhân cách chống đối xã hội đặc trưng bởi các suy nghĩ, hành vi đi ngược với pháp luật, quy chuẩn đạo đức và xã hội. Người có dạng nhân cách này thường sống ích kỷ, tìm mọi cách để đạt được mục tiêu mà không quan tâm đến mọi người. Sống vô trách nhiệm, tàn độc, hung hăng, không có sự đồng cảm và không biết hối lỗi. Với những tính cách này, đa phần người bị rối loạn nhân cách chống đối xã hội đều trở thành tội phạm.
Các dấu hiệu nhận biết rối loạn nhân cách chống đối xã hội:
- Có suy nghĩ và hành vi chống đối xã hội như ăn trộm, đánh nhau, nói dối, thường xuyên gây hấn và có hành vi bạo lực với người khác
- Cảm xúc không ổn định, dễ căng thẳng và kích động
- Luôn vi phạm các quy định của tổ chức (nhà trường, công ty) và quy chuẩn đạo đức, xã hội và thậm chí là luật pháp
- Sống vô trách nhiệm, không thực hiện nghĩa vụ xã hội và không hoàn thành vai trò của bản thân đối với gia đình
- Đạt được mục đích bằng mọi cách như nói dối, lợi dụng và thao túng người khác
- Coi thường sự an toàn của người khác và chính bản thân mình
- Không hối lỗi, không có khả năng nhận ra lỗi lầm và không biết rút kinh nghiệm sau những sai lầm
- Trách móc người khác và thao túng tâm lý để bào chữa cho mọi lỗi lầm của bản thân
- Không giữ uy tín về tiền bạc và hầu như không duy trì bền bỉ một công việc
- Vô cảm, không biết xót thương và đồng cảm với nỗi đau của người khác
Người bị rối loạn nhân cách chống đối xã hội có nguy cơ nghiện rượu, chất kích thích và có hành vi phạm pháp từ sớm. Do coi thường sự an toàn của bản thân nên người bệnh dễ bị chấn thương, tàn tật và nguy cơ tự sát cao. Điều trị rối loạn nhân cách chống đối xã hội rất khó khăn và tiên lượng thường xấu.
– Rối loạn nhân cách ái kỷ (Narcissistic Personality Disorder)
Rối loạn nhân cách ái kỷ còn được biết đến với tên gọi là bệnh ái kỷ. Người có dạng nhân cách này luôn có nhu cầu được nịnh nọt, nuông chiều, tính cách tham vọng, phù phiếm và đam mê quyền lực. Ngoài ra, người bị rối loạn nhân cách ái kỷ thường nhạy cảm với những lời nhận xét, phê bình và không thể chấp nhận việc bản thân thất bại.
Khoảng 1% dân số mắc bệnh ái kỷ và tỷ lệ cao hơn ở nam giới. Ban đầu, người mắc chứng bệnh này có thể nhận được sự quan tâm, chú ý của mọi người do ngoại hình nổi bật và tính cách sôi nổi. Tuy nhiên, rất nhanh sau đó bệnh nhân sẽ bị cô lập và gặp khó khăn, mâu thuẫn trong các mối quan hệ xã hội.
Các dấu hiệu nhận biết rối loạn nhân cách ái kỷ:
- Cho rằng bản thân có tài năng, ngoại hình và vai trò đặc biệt hơn so với những người xung quanh
- Đam mê quyền lực, ảo tưởng về thành công của bản thân. Người mắc bệnh ái kỷ dành nhiều thời gian để ảo tưởng bản thân đạt được thành tựu lớn và nhận được sự tung hô của mọi người
- Tin rằng bản thân là độc nhất vô nhị và chỉ có những người đặc biệt mới có thể làm bạn với mình
- Luôn có nhu cầu được ngưỡng mộ, tâng bốc và nịnh nọt
- Vì cho rằng bản thân là người đặc biệt nên luôn đưa ra những đòi hỏi vô lý. Nếu không được thỏa mãn, bệnh nhân có thể tức giận, cáu kỉnh và gây hấn với mọi người xung quanh
- Tận dụng tối đa các mối quan hệ để đạt được mục tiêu của bản thân
- Thái độ ngạo mạn, kiêu căng và luôn cho rằng người khác luôn ganh tỵ với bản thân
- Thiếu sự đồng cảm, không biết cách chia sẻ với người khác
- Đau khổ cùng cực khi bản thân phải đối diện với thất bại
Rối loạn nhân cách ái kỷ có tiến triển mãn tính, tiên lượng xấu và điều trị còn nhiều hạn chế. Người mắc chứng bệnh này dễ lạm dụng chất và phát triển các rối loạn khí sắc như trầm cảm, rối loạn lưỡng cực,…
– Rối loạn nhân cách ranh giới (Borderline Personality Disorder)
Rối loạn nhân cách ranh giới còn được gọi là rối loạn nhân cách thể bất định. Đây là dạng nhân cách phổ biến nhất với tỷ lệ mắc bệnh khoảng 5 – 6% dân số thế giới. Dạng nhân cách này có tỷ lệ mắc bệnh đồng đều ở nam và nữ giới.
Rối loạn nhân cách ranh giới đặc trưng bởi cảm xúc không ổn định, dao động tâm trạng lớn và nhạy cảm quá mức trong các mối quan hệ cá nhân. Người có dạng nhân cách này không chịu được sự cô đơn nên luôn nỗ lực để không phải chấm dứt mối quan hệ. Người bệnh thường đe dọa, thậm chí uy hiếp tự sát để đối phương chấp nhận ở bên cạnh chăm sóc mình.
Các dấu hiệu nhận biết rối loạn nhân cách ranh giới:
- Nhạy cảm quá mức trong các mối quan hệ cá nhân, sợ bị bỏ rơi và nỗ lực để duy trì mối quan hệ (năn nỉ, khóc lóc hoặc uy hiếp tự sát)
- Khi đối phương từ chối thực hiện yêu cầu, bệnh nhân liền có ý nghĩ họ đang có ý định bỏ rơi bản thân. Ý nghĩ này nhanh chóng khiến bệnh nhân sợ hãi và tức giận cực độ, gào khóc, đập phá đồ đạc
- Tư duy đen trắng (tức là dạng tư duy chỉ nhìn mặt đúng – sai, tốt – xấu của một đối phương hoặc sự viện)
- Người bệnh thường tôn sùng và tâng bốc thái quá với người tỏ ra lịch thiệp, quan tâm và chăm sóc họ. Tuy nhiên, chỉ vì một việc rất nhỏ, họ có thể thay đổi thái độ và chì chiết, mắng nhiếc đối phương thậm tệ
- Người bị rối loạn nhân cách ranh giới có thể thấu hiểu, chia sẻ và chăm sóc người khác khi biết rằng người này sẽ luôn ở bên cạnh họ.
- Khó kiểm soát sự tức giận và luôn bộc lộ cơn giận bằng cảm xúc dữ dội như nóng nảy, cáu kỉnh, cay nghiệt và mỉa mai người khác
- Thường xuyên thay đổi hình ảnh của bản thân bằng cách thay đổi công việc, từ bỏ sự nghiệp, thay đổi mục tiêu,…
- Bản thân người bị rối loạn nhân cách ranh giới luôn trống rỗng ở bên trong và thường trực nỗi sợ bị bỏ rơi
Rối loạn nhân cách ranh giới có tiên lượng tốt nếu được điều trị. Can thiệp sớm giúp bệnh nhân giải quyết những khó khăn trong cuộc sống và triệu chứng giảm đi rõ rệt. Dạng nhân cách này có tỷ lệ tái phát thấp nếu được sống trong môi trường lành mạnh và nhận được sự hỗ trợ về y tế kịp thời.
3. Rối loạn nhân cách nhóm C
Rối loạn nhân cách nhóm C đặc trưng bởi tính cách âu lo hoặc sợ hãi quá mức. Nhóm C bao gồm 3 dạng rối loạn nhân cách là rối loạn nhân cách né tránh, rối loạn nhân cách phụ thuộc và rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế. Trong 3 nhóm, đây là nhóm có tiên lượng thuận lợi nhất nếu được thăm khám và điều trị kịp thời.
– Rối loạn nhân cách né tránh (Avoidant Personality Disorder)
Rối loạn nhân cách né tránh có tỷ lệ mắc bệnh khá thấp, chỉ khoảng 0.05 – 1% dân số chung. Dạng nhân cách này có liên quan đến cách giáo dục nghiêm khắc của gia đình, thường xuyên bị đánh đập và chì chiết, trách móc khi còn thơ ấu.
Rối loạn nhân cách né tránh thường trực sự lo lắng về việc bị phê bình và chỉ trích. Nỗi sợ này khiến người bệnh né tránh các hoạt động xã hội, nghề nghiệp và dè dặt trong việc bộc lộ bản thân. Nếu không được điều trị, rối loạn nhân cách né tránh có thể phát triển thành rối loạn lo âu xã hội.
Dấu hiệu nhận biết rối loạn nhân cách né tránh:
- Thường trực nỗi sợ bị phản đối, phê bình và chỉ trích
- Né tránh các hoạt động xã hội, nghề nghiệp
- Ít khi chủ động trò chuyện với người khác, trừ trường hợp chắc chắn đối phương sẽ đáp lại và không chối bỏ bản thân
- Hiếm khi bộc lộ tình cảm với người khác vì lo sợ sẽ bị từ chối và xấu hổ. Tuy nhiên, người có dạng nhân cách này vẫn có nhu cầu được yêu thương và quan tâm
- Lòng tự trọng thấp, cho rằng bản thân kém thu hút và năng lực thấp hơn những người khác
- Tự cho rằng bản thân không có năng lực giao tiếp
- Hầu như không bao giờ phản bác ý kiến của người khác và rất hiếm khi dám nói lên suy nghĩ của bản thân vì lo sợ bị phản đối, tranh cãi.
– Rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế (Obsessive-Compulsive Personality Disorder):
Rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế dễ bị nhầm lẫn với rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD). Người có dạng nhân cách này thường rất kỹ lưỡng, chú ý đến các chi tiết, trật tự và luôn tuân theo kế hoạch một cách cứng nhắc.
Bệnh nhân rất sợ sai lầm nên thường chần chừ trong việc đưa ra quyết định và bắt đầu kế hoạch. Tính cách cứng nhắc, thiếu khôi hài, khó khăn khi giao tiếp và luôn kìm nén cảm xúc của bản thân. Rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế thường gặp ở người bị giáo dục quá nghiêm khắc và tỉ mỉ.
Các dấu hiệu nhận biết rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế:
- Quan tâm quá mức đến các quy tắc, chi tiết và trật tự dẫn đến xao nhãng mục tiêu chính
- Cầu toàn quá mức khiến cho việc hoàn thành nhiệm vụ bị trì trệ
- Tập trung vào công việc một cách cực đoan mặc dù không gặp phải vấn đề tài chính
- Không bao giờ có các thú vui và ít gặp gỡ bạn bè vì cho rằng các hoạt động này chỉ làm mất thời gian của bản thân
- Rất coi trọng giá trị đạo đức, chuẩn mực xã hội và luật pháp
- Rất tiết kiệm trong cách chi tiêu vì cho rằng nên tiết kiệm tiền để phòng thân cho những bất trắc có thể xảy ra trong tương lai
- Tính cách cứng nhắc, thiếu sự mềm dẻo, linh hoạt và ương bướng
– Rối loạn nhân cách phụ thuộc (Dependent Personality Disorder)
Rối loạn nhân cách phụ thuộc đặc trưng bởi việc phụ thuộc quá mức vào người khác, luôn có nhu cầu được quan tâm và chăm sóc. Người mắc chứng bệnh này cho rằng bản thân không có đủ năng lực để tự chăm sóc và không thể sống độc lập. Tỷ lệ mắc bệnh chiếm 2.5% dân số và ngang nhau ở nam – nữ giới. Rối loạn nhân cách phụ thuộc thường phát triển ở những người có tiền sử gia đình bị trầm cảm.
Các dấu hiệu nhận biết rối loạn nhân cách phụ thuộc:
- Tin rằng bản thân không thể tự chăm sóc và không đảm đương được trách nhiệm
- Nhõng nhẽo quá mức và luôn sống phụ thuộc vào người khác
- Luôn cần lời khuyên, động viên mới có thể đưa ra quyết định ngay cả khi đó là quyết định đơn giản
- Chấp nhận phục tùng và thực hiện mọi yêu cầu để được đối phương chăm sóc. Do đó, người có dạng nhân cách này thường bị lợi dụng trong một mối quan hệ
- Sợ hãi về việc bị bỏ rơi và không có ai chăm sóc. Vì vậy sau khi kết thúc một mối quan hệ, người bệnh sẽ tìm ngay một mối quan hệ mới để được chăm sóc và chiều chuộng
Nguyên nhân gây rối loạn nhân cách
Nguyên nhân chính xác gây rối loạn nhân cách vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, đa phần đều có liên quan đến di truyền và tác động từ môi trường. Nguyên nhân gây bệnh có sự khác biệt ở từng dạng rối loạn nhân cách và mỗi cá nhân.
Dưới đây là một số yếu tố được xác định có liên quan đến rối loạn nhân cách:
- Cách giáo dục không phù hợp, quá nghiêm khắc hoặc nuông chiều quá mức
- Di truyền
- Tiền sử gia đình bị rối loạn nhân cách, tâm thần phân liệt, rối loạn hoang tưởng, rối loạn hành vi, loạn thần, trầm cảm và rối loạn lo âu
- Điều kiện sống không thuận lợi (quá khắc nghiệt, bạo lực, xung đột, nghèo đói,…)
- Các biến chứng sản khoa như chấn thương não, nhiễm độc, nhiễm khuẩn,…
- Căng thẳng kéo dài
- Sang chấn tâm lý nặng từ thời thơ ấu (bị cha mẹ bỏ rơi, bị lạm dụng, bạo hành,…)
Quá trình hình thành nhân cách bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố. Trong đó, một số dạng rối loạn nhân cách phát triển sau những sự kiện sang chấn mạnh. Tuy nhiên, cũng có những dạng nhân cách bất thường liên quan chủ yếu đến bẩm sinh, di truyền.
Chẩn đoán rối loạn nhân cách
Rối loạn nhân cách dễ bị nhầm lẫn với các đặc điểm tính cách thông thường. Người mắc chứng bệnh này hiếm khi nhận thấy sự bất thường của bản thân. Bệnh nhân thường chỉ chủ động thăm khám khi phát triển chứng trầm cảm, rối loạn lo âu hoặc mắc phải các vấn đề thể chất có liên quan.
Chẩn đoán rối loạn nhân cách dựa vào triệu chứng lâm sàng và thường phải có sự hỗ trợ của người thân, bạn bè. Do bản thân bệnh nhân không ý thức được sự khác thường trong suy nghĩ, cách sống và hành vi của mình.
Các kỹ thuật được sử dụng để chẩn đoán rối loạn nhân cách:
- Khám sức khỏe tổng quát
- Khai thác triệu chứng, tiền sử cá nhân/ gia đình
- Trắc nghiệm tâm lý
- Xét nghiệm máu, nước tiểu để tìm chất ma túy, đo hormone tuyến giáp,…
- CT, MRI não bộ
Các phương pháp điều trị rối loạn nhân cách
Về cơ bản, người mắc chứng rối loạn nhân cách không bị suy giảm chức năng tâm lý xã hội. Vì vậy, bệnh nhân có thể học tập, làm việc và phát triển các mối quan hệ nếu được điều trị kịp thời.
Rối loạn nhân cách là bệnh mãn tính, tiến triển suốt đời. Do đó, ngoài sự nỗ lực của bệnh nhân, đòi hỏi sự hỗ trợ của gia đình, xã hội để tạo môi trường sống lành mạnh và giảm tối đa các yếu tố kích thích.
Các phương pháp điều trị được cân nhắc cho bệnh nhân rối loạn nhân cách bao gồm:
1. Liệu pháp tâm lý
Liệu pháp tâm lý là phương pháp có hiệu quả nhất trong điều trị rối loạn nhân cách. Phương pháp này giúp người bệnh thay đổi suy nghĩ, cảm xúc, phản ứng và hành vi bất thường. Qua đó bệnh nhân có thể dễ dàng hòa nhập và có thể học tập, làm việc ổn định.
Rối loạn nhân cách đặc trưng bởi sự cứng nhắc trong tính cách nên việc trị liệu sẽ mất rất nhiều thời gian. Tùy theo dạng rối loạn nhân cách, bác sĩ sẽ lựa chọn hướng can thiệp phù hợp.
Mức độ đáp ứng có sự khác biệt tùy theo dạng rối loạn nhân cách mà bệnh nhân gặp phải. Trong đó, rối loạn nhân cách nhóm C có tiên lượng tốt nhất khi can thiệp trị liệu. Nhóm A và B có hiệu quả hạn chế hơn nên đa phần phải kết hợp với sử dụng thuốc.
Các liệu pháp tâm lý được cân nhắc cho bệnh nhân rối loạn nhân cách:
- Liệu pháp phân tâm
- Liệu pháp nhận thức hành vi
- Liệu pháp tâm lý gia đình
- Kỹ thuật tự khẳng định bản thân
Tâm lý trị liệu có thể được thực hiện theo hình thức cá nhân hoặc theo nhóm. Ngoài ra, bệnh nhân cũng sẽ được hướng dẫn các kỹ thuật thư giãn để giảm căng thẳng và giải tỏa những cảm xúc tiêu cực.
2. Sử dụng thuốc
Dùng thuốc không phải là lựa chọn ưu tiên trong điều trị rối loạn nhân cách. Một số dạng nhân cách bất thường không nhất thiết phải sử dụng thuốc nếu đáp ứng tốt với trị liệu tâm lý. Tuy nhiên, nhiều trường hợp sẽ phải dùng thuốc để nâng đỡ tinh thần trong quá trình trị liệu và giảm các triệu chứng do rối loạn nhân cách gây ra.
Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị rối loạn nhân cách:
- Thuốc chống loạn thần
- Thuốc an thần, giải lo âu
- Thuốc chống trầm cảm
3. Các biện pháp chăm sóc
Đặc điểm chung của người bị rối loạn nhân cách là khó hòa nhập và có các vấn đề trong mối quan hệ xã hội. Những người mắc chứng bệnh này thường rất nhạy cảm nên dễ bị stress và nhiều khả năng sẽ phát triển chứng trầm cảm, rối loạn lo âu.
Rối loạn nhân cách là bệnh mãn tính và tiến triển suốt đời. Do đó, ngoài điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, bản thân người bệnh và gia đình nên kết hợp thêm với các biện pháp chăm sóc để nâng đỡ thể trạng, tinh thần.
Các biện pháp chăm sóc bệnh nhân rối loạn nhân cách:
- Tổ chức lối sống khoa học, lành mạnh
- Tránh xa bia rượu, thuốc lá và chất kích thích
- Tìm kiếm công việc phù hợp, ít áp lực và ganh đua để thuận tiện cho quá trình điều trị
- Đảm bảo ngủ đủ giấc và nên thực hiện các biện pháp thư giãn mỗi ngày như ngồi thiền, tập yoga, massage, dùng trà thảo mộc, liệu pháp mùi hương,…
- Tham gia các tổ chức phi lợi nhuận để có cơ hội làm việc thiện, mở rộng mối quan hệ và học cách hòa nhập với mọi người xung quanh.
- Có thể tham gia hội nhóm những người bị rối loạn nhân cách để có thêm kinh nghiệm trong việc kiểm soát và quản lý bệnh.
Rối loạn nhân cách là bệnh tâm thần phổ biến nhưng rất khó phát hiện. Những bất thường trong tính cách, thái độ, suy nghĩ và cảm xúc dễ bị nhầm lẫn với đặc điểm tính cách thông thường. Do đó, cần nâng cao kiến thức về các rối loạn tâm thần để giúp người bệnh được phát hiện và điều trị sớm.
Có thể bạn quan tâm:
- Rối Loạn Nhân Cách Có Chữa Được Không?
- Tìm hiểu về chứng rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức (OCPD)
- Đặc Điểm Tâm Lý Và Cách Nhận Biết Người Hướng Ngoại
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!