Rối loạn ăn uống ở trẻ: Nguyên nhân và giải pháp chữa trị

Rối loạn ăn uống ở trẻ nhỏ không chỉ đơn thuần là việc con thay đổi thói quen, khẩu vị ăn uống mà còn là nguyên nhân phổ biến khiến nhiều trẻ bị béo phì, thừa cân hoặc suy dinh dưỡng nặng. Tình trạng này nếu không sớm được khắc phục sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe và các sinh hoạt hàng ngày của trẻ nhỏ, gây ra rất nhiều các hệ lụy nguy hiểm. 

Rối loạn ăn uống ở trẻ
Rối loạn ăn uống ở trẻ là sự thay đổi bất thường về thói quen ăn uống có liên quan đến tâm lý.

Rối loạn ăn uống ở trẻ là gì?

Rối loạn ăn uống ở trẻ là tình trạng mà trẻ nhỏ gặp phải các vấn đề về thói quen, khẩu vị ăn uống nhưng không phải do thức ăn mà có liên quan đến mặt cảm xúc, tâm lý. Người bệnh dường như không thể kiểm soát về việc ăn uống và khó có thể dừng lại ngay cả khi họ cảm thấy no, cơ thể khó chịu.

Theo số liệu thống kê nhận thấy rằng, tình trạng rối loạn ăn uống có tỉ lệ phát triển cao ở những trẻ tuổi thiếu niên. Trẻ nhỏ cũng có khả năng mắc bệnh nhưng tỉ lệ sẽ thấp hơn rất nhiều. Dựa vào kết quả của một nghiên cứu cho biết, hiện nay tỉ lệ mắc bệnh rối loạn ăn uống ở trẻ dưới 12 tuổi ngày càng gia tăng đáng kể.

Theo đó, các chuyên gia chia sẻ rằng, chứng rối loạn ăn uống nếu xuất hiện ở trẻ em sẽ mang tính chất vô cùng nguy hiểm. Bởi bệnh lý này có thể ảnh hưởng lâu dài đến quá trình phát triển về thể chất lẫn trí tuệ của mỗi đứa trẻ. Đặc biệt, các biểu hiện của bệnh lại khá khó chẩn đoán ở trẻ nhỏ tuổi bởi chế độ dinh dưỡng và cân nặng của trẻ sẽ có sự khác nhau theo từng giai đoạn.

Đồng thời, với sự phát triển vượt trội của xã hội ngày nay, con người có sự đòi hỏi cao hơn về hình thể, vóc dáng và có rất nhiều các thông điệp trái chiều về chế độ ăn uống, tập luyện. Cũng chính vì điều đó mà trẻ nhỏ phải đối mặt với những áp lực lớn về cân nặng, nhiều trẻ hình thành những suy nghĩ không phù hợp về vấn đề này.

Trong một nghiên cứu chuyên khoa nhận thấy rằng, có đến gần một nửa các trường hợp trẻ em ở độ tuổi tiểu học của Úc muốn thực hiện chế độ giảm cân và có 80% bé gái khoảng 10 tuổi tại Mỹ bắt đầu thực hiện việc tập luyện, kiêng ăn. Những đứa trẻ này sẽ có hành vi và thái độ khác đối với thức ăn, nó có thể xuất phát từ việc bị trêu chọc, bắt nạt, lạm dụng, trầm cảm.

Rối loạn ăn uống ở trẻ bao gồm những hình thức nào?

Rối loạn ăn uống ở trẻ thường sẽ được chia thành 2 hình thức chính, đó là chứng biếng ăn và chứng cuồng ăn.

1. Chứng biếng ăn

Những đứa trẻ mắc phải chứng biếng ăn thường sẽ có xu hướng ăn rất ít, lâu dài dẫn đến tình trạng thiếu hụt cân nặng, suy dinh dưỡng trầm trọng. Như đã chia sẻ, hiện nay vấn đề cân nặng không chỉ là sự quan tâm của người lớn mà ngay cả trẻ nhỏ cũng bị ảnh hưởng bởi vóc dáng, hình thể. Nhiều trẻ nhỏ do sự hãi việc tăng cân nên đã liên tục áp dụng các biện pháp giảm cân, cố ép bản thân nhịn ăn quá mức.

Rối loạn ăn uống ở trẻ
Trẻ mắc chứng biếng ăn sẽ ăn rất ít, chán ăn, thường xuyên bỏ bữa.

Chứng biếng ăn nếu kéo dài liên tục và không có biện pháp khắc phục tốt sẽ gây nên nhiều tác động xấu đối với sự phát triển của trẻ nhỏ. Chẳng hạn như:

  • Trẻ suy dinh dưỡng, thiếu cân, sức khỏe kém.
  • Huyết áp thấp, tụt huyết áp.
  • Trẻ thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt hoặc thậm chí là ngất xỉu đột ngột.
  • Cơ thể lờ đờ, không có năng lượng, giảm tập trung.
  • Tim đập chậm, nhịp tim không ổn định.
  • Xương yếu, còi xương.
  • Dễ gặp phải các vấn đề về sức khỏe tiêu hóa, chẳng hạn như đầy hơi, táo bón.
  • Trẻ phát triển và tăng trưởng chậm so với lứa tuổi, nguy cơ bị dậy thì muộn.
  • Trẻ dễ gặp phải các vấn đề về tâm lý như sợ hãi, lo lắng về cân nặng, cảm thấy cô đơn, buồn tủi, chán nản và xuất hiện những ý nghĩ tự làm tổn thương chính mình.

2. Chứng cuồng ăn

Trái ngược hoàn toàn với những trẻ mắc chứng biếng ăn, trẻ bị cuồng ăn cũng đồng nghĩa với tình trạng rối loạn ăn uống vô độ. Trẻ nhỏ sẽ ăn quá nhiều đồ ăn, các thực phẩm ăn nhanh, ăn mất kiểm soát và không thể dừng lại dù đã cảm thấy no và khó chịu. Đồng thời, trẻ nhỏ có thể ăn ngay khi không cảm thấy đói. Một số trường hợp do ăn uống quá độ khiến trẻ nôn hoặc tự làm mình nôn để có thể tiếp tục ăn.

Rối loạn ăn uống ở trẻ
Chứng cuồng ăn ở trẻ sẽ làm trẻ ăn uống vô độ, ăn mất kiểm soát.

Một số tác động lớn đối với sự phát triển của những trẻ mắc chứng cuồng ăn như:

  • Nhịp tim của trẻ không được ổn định.
  • Trẻ tăng cân và có nguy cơ bị thừa cân, béo phì.
  • Trẻ dễ cảm thấy mệt mỏi, không thể vận động và có thể ngất xỉu.
  • Viêm tuyến nước bọt, sâu răng.
  • Dễ bị buồn nôn, nôn hoặc nôn ra máu.
  • Trẻ có thể bị ngưng thở trong khi ngủ.
  • Nguy cơ bị gan nhiễm mỡ, gia tăng nồng đồng cholesterol trong máu.
  • Trẻ khó kiểm soát được cảm xúc, dễ hình thành các cơn tức giận, nguy cơ gặp phải các vấn đề tâm lý như trầm cảm, lo lắng quá mức.

Để có thể chẩn đoán chính xác về chứng cuồng ăn ở trẻ nhỏ thì các bác sĩ chuyên khoa sẽ dựa vào triệu chứng cuồng ăn được diễn ra ít nhất 1 lần trong tuần và kéo dài tối thiểu 3 tháng. Người bệnh sẽ muốn ăn liên tục và không thể kiểm soát được tốc độ của bản thân, kết hợp với các biểu hiện sau đây:

  • Ăn kể cả khi không cảm thấy đói.
  • Ăn nhiều thức ăn và ăn nhanh hơn so với mức bình thường.
  • Trẻ nhỏ có xu hướng chỉ thích ăn một mình.
  • Trẻ ăn liên tục cho đến khi cảm thấy no một cách khó chịu.
  • Sau khi ăn quá nhiều, trẻ sẽ có biểu hiện tội lỗi, chán ghét.

Nguyên nhân dẫn đến rối loạn ăn uống ở trẻ

Về nguyên nhân gây ra chứng rối loạn ăn uống ở trẻ em cho đến nay vẫn chưa được xác định một cách cụ thể. Trong rất nhiều các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra một số yếu tố có thể được xem là tiền đề làm khởi phát căn bệnh này, chẳng hạn như di truyền, môi trường hoặc ảnh hưởng từ các sự kiện gây stress, căng thẳng.

Theo đó, những yếu tố cụ thể đó được nhắc đến như sau:

  • Trẻ có xu hướng luôn đề cao những vấn đề có liên quan đến cân nặng, vóc dáng, ngoại hình bên ngoài.
  • Trẻ có bề ngoài không cân đối, không được thu hút hoặc trẻ cảm thấy tự ti, xấu hổ về thân hình của mình.
  • Người thân trong gia đình từng mắc phải chứng rối loạn ăn uống.
  • Trẻ nhỏ có đam mê theo đuổi các bộ môn đòi hỏi nhiều về cân nặng, vóc dáng như thể dục dụng cụ, múa ba lê, trượt băng, đấu vật.
  • Trẻ nhỏ mắc phải các vấn đề sức khỏe tâm thần như rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn tăng động giảm chú ý,…

Cách chẩn đoán rối loạn ăn uống ở trẻ em

Nếu bác sĩ nghi ngờ một đứa trẻ đang mắc phải chứng rối loạn ăn uống thì họ sẽ tiến hành thăm khám sức khỏe tổng quát cùng với việc đặt ra nhiều câu hỏi có liên quan đến tiền sử bệnh và thói quen ăn uống hàng ngày của chúng. Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ khai thác về tiền sử của gia đình, cách ăn uống, sinh hoạt của các thành viên trong gia đình và những vấn đề tình cảm có liên quan.

Sau khi tiến hành đầy đủ các thủ tục kiểm tra thì bác sĩ có thể yêu cầu trẻ thực hiện một số xét nghiệm cần thiết về vấn đề sức khỏe của có liên quan đến cân nặng như cholesterol, huyết áp, lượng đường huyết,…Sau khi có được kết luận cuối cùng, bác sĩ sẽ tiến hành tư vấn cụ thể với người thân của trẻ để đưa ra được hướng giải quyết phù hợp và hiệu quả nhất.

Giải pháp chữa trị rối loạn ăn uống ở trẻ hiệu quả và an toàn

Đối với các trường hợp bị rối loạn ăn uống ở trẻ em thì sẽ được hỗ trợ điều trị tốt nhất bởi các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng và nhà trị liệu tâm lý. Quá trình điều trị sẽ kết hợp nhiều biện pháp khác nhau như chăm sóc y tế, tư vấn dinh dưỡng, liệu pháp trò chuyện, sử dụng thuốc,…Cụ thể các phương pháp trị bệnh bao gồm:

  • Trị liệu tâm lý: Nhờ vào liệu pháp này mà trẻ nhỏ có thể dần thay đổi được suy nghĩ, thói quen ăn uống chưa lành mạnh của bản thân. Các chuyên gia cũng sẽ hỗ trợ trẻ ổn định được cảm xúc, cải thiện tốt nhận thức và hành vi của mình về vấn đề cân nặng. Thông thường, đối với trẻ nhỏ, chuyên gia sẽ ưu tiên áp dụng các liệu pháp cá nhân, liệu pháp gia đình và liệu pháp nhận thức hành vi để cải thiện chứng rối loạn ăn uống.
  • Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc chống trầm cảm, chống lo âu có thể được sử dụng để giảm bớt các triệu chứng lo lắng, buồn phiền, bất an của trẻ nhỏ.
  • Điều trị tại bệnh viện: Đối với các trường hợp bị rối loạn ăn uống nghiêm trọng ở trẻ nhỏ thì cần được nhập viện để thuận tiện cho việc theo dõi và điều trị.
Rối loạn ăn uống ở trẻ
Cha mẹ cần kết hợp với bác sĩ chuyên khoa để có kế hoạch điều trị rối loạn ăn uống hiệu quả cho trẻ.

Đồng thời, gia đình cũng nên quan tâm, giúp bé cải thiện và cân bằng tốt thói quen ăn uống hàng ngày, hỗ trợ xây dựng thực đơn dinh dưỡng thật phù hợp. Một số mẹo mà cha mẹ cần làm để giúp con trẻ khắc phục tốt tình trạng rối loạn ăn uống như:

  • Đảm bảo bữa ăn hàng ngày của trẻ, không cho phép trẻ bỏ bữa hoặc ăn uống một cách liên tục.
  • Không sử dụng thức ăn để làm phần thưởng cho trẻ.
  • Xây dựng và lên lịch trình cho các bữa ăn trong ngày, giúp trẻ điều chỉnh lại thói quen ăn uống.
  • Thực hành việc ăn uống có nhận thức bằng cách giải thích và cho trẻ biết trẻ đang ăn những món ăn gì và lợi ích của chúng.
  • Giúp trẻ kiểm soát căng thẳng và rối loạn bằng các liệu pháp thư giãn với âm nhạc, nói chuyện và chia sẻ với trẻ nhiều hơn.
  • Cùng trẻ tập luyện thể dục, hít thở sâu, ngồi thiền để cân bằng trạng thái tâm lý tốt nhất.

Làm sao để phòng ngừa rối loạn ăn uống ở trẻ?

Rối loạn ăn uống ở trẻ có thể gây nên nhiều sự ảnh hưởng đối với sức khỏe, sự phát triển lâu dài nếu không được phát hiện và có biện pháp can thiệp phù hợp. Vì thế, cha mẹ cần dành nhiều sự quan tâm và giáo dục con cái một cách lành mạnh về chế độ ăn uống, cân nặng, vóc dáng ngay từ khi trẻ còn bé. Đồng thời áp dụng các biện pháp sau để phòng tránh rối loạn ăn uống ở trẻ:

  • Không tạo áp lực quá lớn cho trẻ về vấn đề ăn uống hàng ngày.
  • Cha mẹ nên khuyến khích con trẻ tôn trọng những sự khác biệt, không nên quá chú tâm về ngoại hình bên ngoài bởi giá trị con người không sử dụng ngoại hình để đánh giá.
  • Không được sử dụng thức ăn để làm hình thức thưởng phạt con cái.
  • Không ép buộc con phải ăn quá nhiều hay nhịn ăn quá mức mà hay tập cho con có được thói quen ăn uống lành mạnh, ăn vừa đủ, khi cảm thấy no thì nên dừng lại.
  • Truyền tải thông điệp đúng đắn về cân nặng, vóc dáng cho trẻ, giải thích và cùng trẻ phân tích về những thông tin được truyền tải trên các phương tiện đại chúng.
  • Không nên chỉ trích, chê bai, trêu chọc hay so sánh ngoại hình của trẻ với những đứa trẻ khác.
  • Thường xuyên quan tâm, dành thời gian trò chuyện, tâm sự để trẻ cởi mở hơn.
  • Hỗ trợ trẻ giải tỏa căng thẳng, áp lực bằng những phương pháp thư giãn an toàn tại nhà.
  • Dạy trẻ cách kiểm soát cảm xúc và phản ứng với những lời nói, hành động phê phán ngoại hình của người khác.
  • Dạy trẻ biết cách yêu thương bản thân và tự tin vào chính mình.
  • Trong trường hợp, cha mẹ lo lắng hoặc có sự bất an về chế độ ăn uống, cân nặng của trẻ nhỏ thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ để nhận được sự tư vấn đầy đủ và chính xác nhất.

Rối loạn ăn uống ở trẻ nếu có thể phát hiện ở giai đoạn sớm và áp dụng các biện pháp can thiệp phù hợp thì hoàn toàn có thể điều trị tốt. Cần kết hợp tư vấn tâm lý, cải thiện chế độ ăn uống và vận động lành mạnh mới có thể giúp trẻ kiểm soát được thói quen ăn uống không phù hợp của mình.

Tham khảo thêm:

5/5 - (2 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *