Rối loạn đa nhân cách: Nguyên nhân và Liệu pháp chữa trị

Rối loạn đa nhân cách hiểu đơn giản nhất là có nhiều nhân cách cùng sinh sống trong một cơ thể khiến những người này thay đổi tính cách, cảm xúc, suy nghĩ liên tục. Ngay chính bản thân người bệnh cũng có thể không biết được rằng có nhiều nhân cách cùng tồn tại trong họ dẫn tới các hành vi của nhân cách phụ thực hiện không thể kiểm soát được.

Rối loạn đa nhân cách là gì?

Nếu là “mọt phim”, chắc chắn bạn đã từng ít nhất nghe và xem các bộ phim về đa nhân cách nổi tiếng như “Kill Me Heal Me” của Hàn Quốc; “Split” của Mỹ; “Black Swan” của Anh hay gần đây nhất là “Mouse” của Hàn Quốc. Thông qua các bộ phim này, người xem đã phần nào đã lột tả được về căn bệnh rối loạn đa nhân cách cũng như những nguy hiểm tiềm tàng từ những bệnh nhân mắc căn bệnh này.

Rối loạn đa nhân cách
Rối loạn đa nhân cách khiến trong 1 cơ thể xuất hiện nhiều nhân cách mang dáng vẻ, tính cách, đặc trưng, văn hóa khác nhau mà nhân cách chính không hề hay biết

 

Rối loạn đa nhân cách (Multiple Personality Disorder – MPD) còn được biết đến với cái tên khác là rối loạn tách rời nhận thức (Dissociative Identity Disorder – DID). Những người này thường có những khoảng trống trong ký ức mà họ không thể nào nhớ được, không thể giải thích được. Tuy nhiên đây không phải là trạng thái “quên” bình thường mà thực tế là sự tách rời ra khỏi hiện thực, trong đó người bệnh vẫn hoạt động nhưng mang một nhân cách khác biệt mà chính bản thân (nhân cách chính) không thể nào biết và kiểm soát được.

Sự hình thành các nhân cách này thường có liên quan đến sự gián đoạn về nhận thức, ý thức, trí nhớ của một người từ các sự kiện đau thương trong quá khứ. Theo các chuyên gia, MPD có liên quan đến tổ hợp các bệnh có liên quan đến chấn thương tâm như như rối loạn stress sang sang chấn (PTSD), Rối loạn căng thẳng cấp tính (ASD)…

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Có ít nhất 2 nhân cách tồn tại trong một cá thể, bao gồm

  • Nhân cách bình thường: nhân cách chủ, thể hiện suy nghĩ, tư tưởng, tính cách có ngay từ khi sinh ra cho đến giai đoạn gặp các biến cố làm gián đoạn nhận thức. Nhân cách này thường có các cảm xúc, hành vi, suy nghĩ đúng với tiêu chuẩn đạo đức, tuân thủ theo chuẩn mực xã hội và cũng chiếm thời gian nhiều nhất.
  • Nhân cách bệnh lý: chính là các nhân cách xuất hiện sau những sang chấn, thường có những tính cách, suy nghĩ và hành vi trái ngược với nhân cách chính. Các nhân cách này ban đầu chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn nhưng dần dần có thể chiếm lĩnh được nhân cách bình thường, chi phối mọi hoạt động, suy nghĩ thường ngày của người đó.

Rối loạn nhân cách có thể gặp ở bất cứ độ tuổi nào, bất cứ đối tượng nào. Đặc biệt theo các chuyên gia, việc phát hiện và điều trị căn bệnh này cũng còn gặp rất nhiều khó khăn. Một người có thể xuất hiện cả cách nhân cách tốt, nhân cách xấu. Các hành vi được thực hiện trong lúc các nhân cách phụ xuất hiện dù bản thân người bệnh không biết nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm nếu có liên quan đến pháp luật.

Một số trường hợp về các bệnh nhân đa nhân cách nối tiếng thế giới như Truddi Chase – một người bị cha dượng bạo hành và lạm dụng dẫn tới tổn thương tâm lý và xuất hiện đến 92 nhân cách trong cô. Hay Karen Overhill có tuổi thơ bị chính cha và ông nội bạo hành dẫn tới có 17 nhân cách khác nhau.

Các dạng của rối loạn đa nhân cách

Theo các chuyên gia, rối loạn đa nhân cách được biểu hiện ở hai hình thức chính là chiếm hữu và không chiếm hữu. Hai hình thức này cũng thể hiện xu hướng của các nhân cách xuất hiện trong một người, phản ánh thời gian hoạt động của các nhân cách này. Cần hiểu rõ rằng, nhân cách chính hầu như không biết hoặc cho dù biết cũng không kiểm soát được nhân cách phụ.

Rối loạn đa nhân cách
Các nhân cách phụ xuất hiện có thể mang tính chiếm hữu hoặc không chiếm hữu nhưng đều tác động lớn đến suy nghĩ, hành vi của mỗi bệnh nhân

Một số tài liệu cho rằng, có có có sự ‘giao lưu” giữa các nhân cách phụ nhưng hầu như sẽ không xảy ra tình trạng “liên lạc” giữa nhân cách phụ và nhân cách chính, trừ khi chữa trị. Đồng thời trong các nhân cách phụ cũng thường có một nhân cách thuộc nhóm chiếm hữu sẽ “cầm quyền”, điều hành các nhân cách khác về thời gian hoạt động hay thậm chí các công việc phải làm khi xuất hiện.

  • Chiếm hữu

Hình thái chiếm hữu trong rối loạn đa nhân cách được thể hiện thông qua việc các nhân cách phụ này thường khá nổi bật, luôn có xu hướng điều khiển cơ thể người bệnh, thậm chí là các nhân cách phụ khác. Nhân cách này hoàn toàn khác biệt với nhân cách chính, “chúng” có thể cho rằng bản thân là tác nhân bên ngoài (chẳng hạn như linh hồn siêu nhiên, người khác) để kiểm soát cơ thể “chủ nhân”.

Đặc trưng của những nhân cách chiếm hữu thường có tính cách quyết đoán, hung hăng, thậm chí là người rất thông thái. Chúng thậm chí có thể là những “người” lên kế hoạch, phân bổ thời gian cho các nhân cách khác hoạt động hay thực hiện các hành vi sai trái. Do đó bản thân người bệnh có thể cảm nhận rõ các hành vi bất thường của bản thân nhưng lại không thể nhớ rõ ràng điều gì.

Các nhân cách này hoàn toàn khác biệt, có thể khác về tôn giáo, văn hóa hay thậm chí đến từ các đất nước khác nhau. Trạng thái chiếm hữu của các nhân cách phụ này vô tình cũng có thể gây ra đau khổ cho nhân cách chính. Đồng thời do xu hướng chiếm lĩnh này mà “chủ nhân” cũng vướng vào rất nhiều rắc rối khi các nhân cách này xuất hiện và hoạt động.

  • Không chiếm hữu

Trái ngược hoàn toàn với chiếm hữu, các nhân cách phụ thuộc nhóm không chiếm hữu thường có xu hướng ít xuất hiện, ít công khai hoặc xuất hiện nhưng không biểu lộ quá nhiều, không tác động quá lớn đến các hành vi, hoạt động của cơ thể “chủ nhân”. Do đó người bệnh hầu như không nhận thấy sự bất thường của bản thân, tuy nhiên họ có thể cảm nhận như mình tách rời khỏi cơ thể để quan sát chính mình từ bên ngoài hoặc luôn có cảm giác như có người đang quan sát và kiểm soát cơ thể họ một cách vô hình.

Khi các nhân cách không chiếm hữu xuất hiện người bệnh có thể rơi vào trạng thái giải thể nhân cách (cảm giác tách rời khỏi thể chất, tinh thần, xa rời khỏi cơ thể, cảm giác không thực). Người bệnh đa nhân cách lúc này có thể xuất hiện các ảo thanh, hay những luồng suy nghĩ, hành động đột ngột xuất hiện hoàn toàn trái ngược với tính cách thường ngày.

Các nhân cách không chiếm hữu thường mang xu hướng nhút nhát, thiếu quyết đoán, dễ bị các nhân cách “chiếm hữu” điều khiển.

Biểu hiện rối loạn đa nhân cách

Các biểu hiện của rối loạn đa nhân cách cực kỳ đa dạng, phụ thuộc vào từng nhân cách xuất hiện. Bản thân người bệnh thường khó nhận ra các thay đổi này trong nhân cách của mình hoặc thường cực kỳ mơ hồ, không xác thực được. Một số người được người khác phát hiện hoặc chỉ khi nghi ngờ và đặt camera theo dõi mới có thể phát hiện các nhân cách khác xuất hiện.

Rối loạn đa nhân cách
Người bệnh thường trong trạng thái mơ hồ, trống rỗng, mất ký ức nhưng không hiểu lí do vì sao

Một số biểu hiện đặc trưng thường gặp ở những người bị rối loạn đa nhân cách ( được thể hiện ở nhân cách chính)

  • Luôn cảm giác mơ hồ, xuất hiện những khoảng trống trong ký ức không thể xác định. Các nhân cách có thể xuất hiện theo chu kỳ nhưng cũng có lúc xuất hiện đột ngột. Chẳng hạn khi một nhân cách phụ xuất hiện thì nhân cách chính hầu như sẽ ở trong trạng thái “ngủ”, không thể nhớ được mình đã làm gì, nói gì vào tối hôm trước. Họ có thể xuất hiện những dấu vết bất thường trên cơ thể nhưng thường cho rằng đã va đập vào đâu đó, đôi khi cũng có những cảm xúc mơ hồ nhưng không thể nào nhớ được.
  • Quên phân ly, thậm chí có thể quên đi các sự kiện quá khứ, hay tuổi thơ tại nhân cách chính. Các ký ức giống như những đoạn phim xước không rõ ràng khiến người bệnh cực kỳ bức bối.
  • Những nhân cách hung hăng, bạo lực, hoạt động nhiều có xu hướng dễ gây ấn tượng hơn so với nhân cách chính, trong khi cảm giác với các nhân cách phụ khá mơ hồ.
  • Luôn có cảm trống rỗng khó diễn tả, khó xác định được bản thân, đôi lúc có các hành vi, lời nói kỳ cục không kiểm soát, không giống với tính cách thường này nhưng lại không hiểu sao mình lại như vậy
  • Luôn cảm thấy cơ thể mệt mỏi, tụt giảm năng lượng, thiếu sức sống, thiếu ngủ do những bất ổn trong sinh hoạt. Chẳng hạn nếu có một nhân cách xuất hiện về đêm thì nhân cách này sẽ sinh hoạt như những người bình thường chứ chắc chắn không ngủ. Do đó vào sáng ngày hôm sau, khi nhân cách chính tỉnh dậy sẽ cảm thấy toàn thân cực kỳ mệt mỏi cho dù hôm qua đã đi ngủ rất sớm.
  • Thường xuyên nhầm lẫn các sự kiện, thời gian, không gian, chẳng hạn cảm thấy một địa điểm nào đó rất quen thuộc nhưng chắc chắn họ chưa từng ghé qua. Sự quen thuộc này có thể do chính nhân cách phụ tự ý di chuyển đến đây
  • Xuất hiện các ảo thanh do có các nhân cách khác “đòi” xuất hiện
  • Thậm chí có sự thay đổi cả về khứu giác, vị giác do ảnh hưởng từ các nhân cách phụ nếu nó hoạt động và chiếm lĩnh thời gian quá nhiều
  • Gặp các vấn đề về tâm lý kèm theo như trầm cảm, rối loạn lo âu khiến người bệnh cũng có xu hướng rơi vào tiêu cực, dễ bị kích động, tụt giảm năng lượng.. Thậm chí một số người có các hành vi làm đau bản thân, thậm chí là tự sát được thực hiện bởi chính các nhân cách phụ.
  • Một số biểu hiện khác của rối loạn đa nhân cách chính là thường xuyên xuất hiện các đồ vật khác lạ trong nhà bởi mỗi nhân cách thường đều có xu hướng phong cách, trang điểm, ăn mặc khác nhau. Đôi lúc cũng có một vài người cho rằng đã gặp gỡ người bệnh nhưng trong một trạng thái khác, một phong cách khác, giọng nói khác nhưng người bệnh không thể nào nhớ ra.
  • Những người rối loạn đa nhân cách cũng có xu hướng sử dụng chất kích thích, bia rượu, thuốc lá để giải tỏa những bức bối của bản thân. Tuy nhiên việc xuất hiện các nhân cách khác lạ, có các hành vi bất thường hoàn toàn không liên quan đến việc lạm dụng chất kích thích. Mặt khác việc thường xuyên căng thẳng hay sử dụng chất kích thích càng tạo điều kiện cho các nhân cách phụ xuất hiện.

Cần chú ý rằng, mỗi nhân cách tuy chung sống trong một cơ thể nhưng lại có những hoạt động, suy nghĩ, cảm xúc hay cả các kỹ năng sống khác nhau. Chẳng hạn có nhân cách là đại thiên tài, tinh thông mọi vấn đề nhưng có nhân cách lại cực kỳ ngốc nghếch, tính toán sai cả phép tính đơn giản. Hay có nhân cách biết lái xe nhưng khi chuyển sang nhân cách khác lại sợ lái xe.

Nguyên nhân gây rối loạn đa nhân cách

Nguyên nhân khiến cho một người cùng tồn tại nhiều nhân cách hoạt động vẫn chưa khẳng định chính xác. Thực tế chúng ta thường biết trong bản ngã mỗi con người thường tồn tại “thiên thần’ và “ác quỷ”, tùy theo môi trường và cách giáo dục mà nhân cách nào vượt trội hơn và được tồn tại. Do đó có thể thấy rõ, các yếu tố từ môi trường hoàn toàn có thể liên quan đến MPD.

Rối loạn đa nhân cách
Những sự kiện sang chấn tâm lý từ quá khứ có liên quan lớn đến nguyên nhân gây rối loạn đa nhân cách

Hơn hết, rối loạn đa nhân cách hầu hết đều được hình thành từ giai đoạn niên thiếu, đặc biệt là nhóm trẻ dưới 10- 12 tuổi. Đây chính là giai đoạn bắt đầu hình thành nhân cách nên các tác động từ bên ngoài có ảnh hưởng vô cùng to lớn đến quá trình này.

Bên cạnh đó, các nghiên cứu trên thực tế cho thấy, những nhân cách tồn tại trong người bệnh đều liên quan đến một người nào đó ngoài đời sống mà bản thân họ đã từng tiếp xúc. Do đó các sự kiện gây chấn động, sang chấn tâm lý hoặc mang tính chất đau thương nghiêm trọng cũng có liên quan đến nguyên nhân gây rối loạn đa nhân cách.

Thống kê cho thấy đại đa số các bệnh nhân MPD đều có tuổi thơ bị bạo hành, cưỡng bức, bị bắt cóc, cuộc sống thiếu thốn cơ cực hay chứng kiến các sự kiện kinh hoàng khác. Những tổn thương tâm lý này có thể hằn sâu và hình thành các nhân cách mới nhằm mục đích phản kháng, bảo vệ bản thân khỏi những nguy hiểm đó. Chẳng hạn một người từng bị cha bạo hành có thể hình thành hai nhân cách: 1 là nhân cách nhút nhát, sợ hãi, đau khổ và 1 nhân cách khác là người dám chống lại cha để bảo vệ nhân cách yếu đuối kia.

Bên cạnh đó những chấn thương não hay yếu tố di truyền cũng được cho là có liên quan đến nguyên nhân gây rối loạn đa nhân cách. Có khoảng 50% bệnh nhân được cho là có liên quan đến các yếu tố di truyền và gia đình, trong đó có liên quan đến các rối loạn tâm thần khác.

Rối loạn đa nhân cách có nguy hiểm không?

Rối loạn đa nhân cách là căn bệnh không chỉ gây nguy hiểm cho chính bản thân người bệnh mà còn liên quan đến cả những người xung quanh. Các nhân cách phụ có thể mang tính cách trẻ con, tính cách của một người trưởng thành nhưng cũng có thể làm một kẻ “sát thủ”. Tất cả mọi hành vi của các nhân cách khác đều sẽ do nhân cách chính chịu trách nhiệm, kể cả khi họ không nhận thức được.

Rối loạn đa nhân cách
Hình ảnh Billy Milligan – tên “yêu râu xanh” khét tiếng có đến 24 nhân cách

Không ít các sự kiện nguy hiểm như tấn công, sát hại người khác được gây ra bởi những người đa nhân cách. Chẳng hạn Juanita Maxwell chính là tên sát nhân đã đánh chết bà cụ 73 tuổi bằng một cái bóng đèn nhưng lại không hề hay biết. Chỉ sau khi khám tâm thần người ta mới phát hiện ra, kẻ gây ra vụ án mạng kinh hoàng này là Wanda Weston- một nhân cách khác của Juanita Maxwell.

Hay câu chuyện tên “yêu râu xanh” nổi tiếng thế giới Billy Milligan vì có tới 24 nhân cách ngự trị trong một cơ thể có vẻ ngoài khá điềm đạm. Tuy nhiên trong 24 nhân cách phụ của anh ta, có cả Ragen Vadascovinich – kẻ chuyên nắm giữ thù hận; Allen – kẻ lừa đảo; Phil- kẻ côn đồ… Điều thú vị hơn là các nhân cách phụ này hoàn toàn có mối liên kết với nhau, xuất hiện luân phiên để thiết kế và thực hiện các kế hoạch xấu xa của mình. Nhân vật có thật này thậm chí còn được dựng thành phim và được thể hiện xuất sắc bởi Leonardo DiCaprio với tên gọi  “The Crowded Room”.

Tất nhiên cần hiểu rằng không phải người bệnh nào cũng mang các nhân cách xấu xa trong người, điều này còn phụ thuộc vào các trải nghiệm trong quá khứ. Tuy nhiên việc bản thân thường xuyên rơi vào trạng thái mất trí nhớ, không kiểm soát được các hành vi của mình, mất cảm xúc, không nhận thức được bản thân là ai có thể gây ra vô vàn các vấn đề tiêu cực đến bản thân mỗi người bệnh trong cuộc sống, công việc và tình cảm hằng ngày.

Mặt khác một số nghiên cứu trước đây đã chỉ ra, thực tế các nhân cách mới xuất hiện thường mang xu hướng bảo vệ, xoa dịu các tổn thương chứ không phải để gây tổn hại. Tuy nhiên rất nhiều các “sát thủ”, những kẻ thủ ác đã lợi dụng căn bệnh này để làm lá chắn cho các hành vi tàn ác của mình. Điều này cũng góp phần khiến rất nhiều người hiểu sai về căn bệnh này.

Theo thống kê, thực tế số người thực sự bị rối loạn đa nhân cách là rất hiếm, chỉ chiếm khoảng 0,01 –  1% dân số. Các nghiên cứu và chẩn đoán bệnh thực tế mới chỉ tìm thấy các bệnh nhân MPD tại Mỹ, Canada và Anh, các đất nước khác rất hiếm, thậm chí là không có.

Chẩn đoán rối loạn đa nhân cách

Việc chẩn đoán rối loạn đa nhân cách vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, cần những chuyên gia có chuyên môn cao thì mới có thể khai thác, “đánh thức” hết các nhân cách trong một người. Trước đây bệnh thường rất dễ bị nhầm lẫn với tâm thần phân liệt do có một số triệu chứng tương tự, tuy nhiên hướng điều trị sẽ có phần khác nhau nên cần đến những địa chỉ uy tín để thăm khám chính xác nhất.

Rối loạn đa nhân cách
Việc chẩn đoán rối loạn đa nhân cách vẫn còn rất nhiều khó khăn và tốn nhiều thời gian

Các tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn đa nhân cách thường được dựa trên tiêu chuẩn lâm sàng (DSM-5). Bác sĩ sẽ phỏng vấn, trò chuyện với bệnh nhân để xem xét các hành vi và so sánh với các tiêu chuẩn này. Đồng thời người bệnh có thể được yêu cầu làm các bài test hay yêu cầu chia sẻ các sự kiện từ quá khứ để xác định chính xác tình trạng bệnh.

Theo các chuyên gia, trừ các trường hợp phạm tội cần có kết quả chẩn đoán sớm thì một người có thể mất đến 7 năm điều trị, chăm sóc duy trì tại các cơ sở tâm lý- tâm thần mới có thể cho ra kết quả chính xác nhất. Thậm chí có những bệnh nhân phải mất đến hàng chục năm mới tìm được hết các nhân cách. Hầu hết bệnh nhân không thể biết mình bị đa nhân cách nếu không thăm khám.

Trước đây căn bệnh này còn rất dễ bị nhầm lẫn với tâm thần phân liệt bởi người bệnh thường cảm thấy như đang nghe thấy tiếng nói trong đầu. Ngoài ra người bệnh rối loạn đa nhân cách còn dễ kèm theo trầm cảm hay rối loạn lo âu nên cũng gây cản trở đến việc thăm khám. Do đó người bệnh nên tìm đến các đơn vị khám tâm thần – thần kinh lớn, có chuyên môn cao để có kết quả chính xác nhất.

Ở một số bệnh nhân rối loạn đa nhân cách, họ có xu hướng phác họa các nhân cách trong cơ thể mà họ mơ hồ nhận thức được. Chính từ thông qua điều này mà bác sĩ có thể xác định tính cách từng nhân vật hay hoàn cảnh mà các nhân cách này xuất hiện, từ đó tìm cách “gặp gỡ” với các nhân cách này.

Hướng điều trị rối loạn đa nhân cách

Rối loạn đa nhân cách không phải là một căn bệnh dễ điều trị, thậm chí là vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Người bệnh có thể được chỉ định điều trị tại các cơ sở tâm thần để bác sĩ theo dõi và kiểm soát các hành vi bất thường nếu các nhân cách khác xuất hiện. Do đó với những phạm nhân phạm tội được chẩn đoán mắc MPD sẽ không phải chịu hình phạt từ pháp luật mà sẽ được đưa vào các bệnh viện tâm thần điều trị.

Mục tiêu hàng đầu của việc điều trị cho bệnh nhân rối loạn đa nhân cách chính là hợp nhất các nhân dạng. Thuốc, trị liệu tâm lý và các biện pháp áp dụng sẽ được áp dụng đồng thời. Tuy nhiên thời gian để bệnh nhân có thể hoàn toàn khỏi bệnh là cực kỳ lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, quyết tâm của cả bác sĩ, nhà trị liệu, gia đình và đặc biệt là người bệnh.

Trị liệu tâm lý

Tâm lý trị liệu là biện pháp chính được áp dụng cho bệnh nhân rối loạn đa nhân cách. Thông qua những thông tin từ thiết bị ghi âm hay hình ảnh, nhà trị liệu có thể nắm bắt được tính cách, bản chất của các nhân cách phụ. Đồng thời từ việc trò chuyện với nhân cách chính về các sự kiện thời thơ ấu, nhà trị liệu cũng có thể tìm kiếm được nguồn gốc các nhân cách này, từ đó đưa ra hướng trị liệu phù hợp nhất.

Rối loạn đa nhân cách
Thôi miên hợp nhất các nhân cách được cho là một trong những biện pháp mang lại nhiều hiệu quả nhất

Việc trị liệu tâm lý và tìm ra hết các nhân cách thực sự là một quãng đường rất dài và không hề đơn giản. Nhà tham vấn tâm lý trước hết cần tạo cho bệnh nhân sự tin tưởng vì hầu hết những người này đều đã trải qua sang chấn tâm lý, nếu không tìm được cảm giác an toàn sẽ rất khó để họ chấp nhận mở lòng.

Do bệnh nhân rối loạn đa nhân cách thường có những khoảng trống trong ký ức nên thôi miên thường là liệu pháp được áp dụng để đi sâu vào tâm trí, nhìn nhận rõ nét các hành vi và cảm xúc mà họ đã từng trải qua. Đồng thời việc khơi gợi, “đánh thức” các nhân cách phụ xuất hiện để trò chuyện, trao đổi cũng có thể thực hiện thông qua liệu pháp thôi miên và chuyên môn của nhà trị liệu.

Liệu pháp phơi nhiễm cũng được áp dụng cho bệnh nhân để đối mặt với những đau thương từ quá khứ, tìm cách xoa dịu các nhân cách chính, loại bỏ những bóng đen từ quá khứ. Khi các tổn thương này được xoa dịu và loại bỏ thì có thể hợp nhất được nhân cách chính giúp người bệnh trở về trạng thái bình thường, hòa nhập trở lại với xã hội.

Một số trạng thái hòa nhập có thể tự phát trong quá trình điều trị. Nhà trị liệu cũng có thể phải tiến hành “đàm phán” với các nhân cách phụ để sắp xếp và thống nhất các nhân cách. Đồng thời người bệnh cũng được hướng dẫn cách kiểm soát cảm xúc và đối diện với căng thẳng bởi đây có thể là yếu tố khiến các nhân cách phụ vẫn còn tồn tại.

Các biện pháp y tế

Như đã nói, người mắc chứng rối loạn đa nhân cách có thể được yêu cầu điều trị nội trú tại bệnh viện để kiểm soát được các hành vi bất thường, đặc biệt nếu người bệnh có các nhân cách mang tính hung hăng, nguy hiểm. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu người bệnh cần đặt camera theo dõi, máy ghi âm nhằm theo dõi các hoạt động, lời nói của nhân cách phụ, từ đó nắm bắt được bản chất các nhân cách này.

Hầu hết bệnh nhân sẽ được chỉ định các nhóm thuốc an thần, thuốc giảm lo âu, thuốc chống trầm cảm hay thuốc chống loạn thần. Tuy nhiên các loại thuốc này chắc chắn không thể giúp làm biến mất các nhân cách phụ mà chỉ  có thể hạn chế thời gian xuất hiện các nhân cách này hoặc xoa dịu tâm trí, giúp tình trạng người bệnh ổn định hơn. Đặc biệt do một số bệnh nhân thường kèm theo các vấn đề như rối loạn lo âu, trầm cảm hay thiếu ngủ nên việc dùng các nhóm thuốc này đều rất cần thiết.

Người bệnh tuyệt đối không nên lạm dụng việc dùng thuốc  vì thường kèm theo rất nhiều tác dụng phụ. Hơn nữa nếu lạm dụng thuốc quá mức cũng khiến tâm trí rơi vào trạng thái mơ hồ, điều này sẽ càng tạo điều kiện cho các nhân cách khác xuất hiện.

Một số biện pháp hỗ trợ khác

Như đã nói, quá trình điều trị rối loạn đa nhân cách rất dài và cũng gặp rất nhiều khó khăn. Không phải bệnh nhân nào cũng có thể điều trị khỏi hoàn toàn, hoặc có thể phải tốn đến hàng chục năm. Việc áp dụng các biện pháp hỗ trợ khác sẽ được thực hiện dựa trên tư duy về tính cách, bản chất các nhân cách khác nhằm “thôi thúc” các nhân cách này xuất hiện, đàm phán việc hợp nhất.

Rối loạn đa nhân cách
Âm nhạc trị liệu có thể hỗ trợ khai mở tâm trí và đánh thức các nhân cách khác xuất hiện để đàm phán

Người bệnh tuyệt đối không nên để tâm trí trong trạng thái mệt mỏi, tiêu cực, không tỉnh táo vì sẽ rất dễ tạo điều kiện cho các nhân cách khác xuất hiện. Quá căng thẳng hay cố gắng thức để kiểm soát các nhân cách khác cũng không phải là một cách hợp lý. Do đó cần duy trì lối sống lành mạnh, tránh xa tiêu cực, chất kích thích sẽ giúp tâm trí luôn ở trạng thái tốt nhất.

Nói chung, chính bản thân bệnh nhân cần phải quyết tâm điều trị, không thể phụ thuộc hoàn toàn vào bác sĩ hay nhà trị liệu tâm lý. Thiền, yoga, thực hành chánh niệm hoàn toàn có thể giúp tinh thần luôn trong trạng thái ổn định, thư giãn, nhẹ nhàng và tránh xa căng thẳng. Nâng cao ý thức về bản thân, chăm sóc cả về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần sẽ mang đến cho bệnh nhân rối loạn đa nhân cách rất nhiều lợi ích.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Rối loạn đa nhân cách đến nay vẫn là một căn bệnh mang rất nhiều bí ẩn, chưa thể giải đáp hết, ngay cả với các chuyên gia hàng đầu thì việc điều trị bệnh vẫn còn rất nhiều khó khăn. Vẫn còn rất nhiều tranh cãi xoay quanh căn bệnh này, tuy nhiên việc chăm sóc một đời sống tinh thần tích cực, loại bỏ những ám ảnh từ quá khứ hoàn toàn có thể giúp hạn chế tối đa nguy cơ mắc căn bệnh này cùng các rối loạn tâm lý nguy hiểm khác.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *