Bệnh hoang tưởng ở trẻ em: Dấu hiệu và cách chữa an toàn

Bệnh hoang tưởng ở trẻ em không có dấu hiệu rõ rệt như người trưởng thành. Các biểu hiện của bệnh dễ bị nhầm lẫn với tâm lý nhạy cảm ở tuổi dậy thì. Tương tự như rối loạn tâm thần khác, hoang tưởng có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu không được thăm khám kịp thời.

bệnh hoang tưởng ở trẻ em
Bệnh hoang tưởng cũng có thể phát triển ở trẻ em nhưng tỷ lệ thường rất thấp

Hoang tưởng ở trẻ em là bệnh gì?

Bệnh hoang tưởng chủ yếu gặp ở người trung niên, cao tuổi và rất ít khi xảy ra ở trẻ em. Tuy nhiên, một số trẻ vẫn có thể phát triển chứng bệnh này. Bệnh hoang tưởng đặc trưng bởi sự xuất hiện của một hoặc nhiều hoang tưởng và không đi kèm với bất cứ triệu chứng tâm thần nào khác.

Thực tế, hoang tưởng là triệu chứng thường gặp ở các bệnh tâm thần. Tuy nhiên, rất hiếm khi hoang tưởng xuất hiện đơn độc. Vì vậy, tỷ lệ người mắc bệnh hoang tưởng khá thấp, chỉ chiếm khoảng 0.03% dân số.

Hoang tưởng liên quan đến rối loạn suy nghĩ và rối loạn quá trình nhận thức về bản chất của hiện tượng/ sự việc. Sự rối loạn này khiến cho trẻ hình thành những niềm tin và suy nghĩ sai lầm mà không phù hợp với thực tế. Trẻ luôn cho hoang tưởng là đúng nhưng không thể giải thích được.

Người mắc bệnh hoang tưởng cố chấp với suy nghĩ và niềm tin của mình. Dù mọi người cố gắng thuyết phục, giải thích và đưa những bằng chứng xác thực đều không có ý nghĩa với họ. Mặc dù suy nghĩ của bệnh nhân mâu thuẫn với thực tế nhưng người bệnh luôn cố chấp với suy nghĩ của mình.

Trẻ mắc bệnh hoang tưởng sẽ gặp nhiều khó khăn trong học tập và khó có thể phát triển một cách lành mạnh. Hoang tưởng không gây suy giảm chức năng tâm lý xã hội như các rối loạn tâm thần khác nhưng chi phối mạnh mẽ cảm xúc và hành vi của trẻ. Nếu không được điều trị, khả năng học tập, tương tác xã hội của trẻ đều sẽ bị ảnh hưởng.

Dấu hiệu nhận biết bệnh hoang tưởng ở trẻ em

Hoang tưởng có nội dung đa dạng, trong đó thường gặp nhất là hoang tưởng truy hại, hoang tưởng tự cao, hoang tưởng ghen tuông,… Ở trẻ em, nội dung của hoang tưởng thường hạn chế hơn so với người lớn do nhận thức của trẻ chưa phát triển đầy đủ.

Các chuyên gia nhận thấy, trẻ em thường gặp phải hoang tưởng bị hại, hoang tưởng tự cao, hoang tưởng liên hệ, hoang tưởng tự buộc tội, hoang tưởng kỳ quái,… Thông thường, trẻ nhỏ ít chia sẻ nội dung hoang tưởng với bố mẹ. Tuy nhiên, hoang tưởng sẽ chi phối mạnh mẽ cảm xúc và hành vi của trẻ. Vì vậy, gia đình có thể dựa vào những dấu hiệu sau để kịp thời đưa trẻ đến bệnh viện:

1. Cảm xúc không ổn định

Cảm xúc của trẻ bị hoang tưởng chi phối mạnh mẽ. Tùy theo nội dung hoang tưởng, trẻ sẽ có cảm xúc buồn bã, bi quan, đau khổ hoặc luôn tỏ ra vui vẻ, kiêu căng. Điểm chung của trẻ bị bệnh hoang tưởng là cảm xúc không ổn định. Trẻ có thể từ buồn bã hoặc vui vẻ trở nên kích động, tức giận và cáu kỉnh.

Ngoài ra, trẻ cũng thường bộc lộ cảm xúc không phù hợp với hoàn cảnh. Chẳng hạn như trẻ và bạn bè đang trò chuyện, bông đùa nhưng trẻ luôn tỏ vẻ khó chịu và cáu kỉnh trong khi bạn bè xung quanh có cảm xúc vui vẻ.

2. Lo lắng, căng thẳng dai dẳng

Ngoài cảm xúc không ổn định, trẻ mắc bệnh hoang tưởng còn biểu hiện căng thẳng và lo lắng dai dẳng. Dấu hiệu này thường thấy ở những trẻ có hoang tưởng bị truy hại, hoang tưởng liên hệ,…

dấu hiệu bệnh hoang tưởng ở trẻ em
Luôn lo lắng, bất an là một trong những dấu hiệu của bệnh hoang tưởng ở trẻ em

Các hoang tưởng này khiến trẻ luôn cảm thấy lo lắng bản thân bị chế giễu, xem thường và bị ám sát. Nếu không được điều trị, trẻ có thể trở nên cảnh giác với mọi người và từ chối đến trường vì sợ bị sát hại.

3. Sống khép kín, ít giao tiếp

Sống khép kín là dấu hiệu thường thấy ở trẻ bị bệnh hoang tưởng. Dù nội dung hoang tưởng là bị truy hại, liên hệ, bị chi phối hay tự cao, bản thân trẻ đều khó có thể hòa nhập với bạn bè. Lâu dần, trẻ chọn cách cách ly xã hội, ít giao tiếp và sống khép kín. Những biểu hiện này dễ bị nhầm lẫn với tính cách thiếu tự tin, nhút nhát nên đa phần phụ huynh ít chú ý.

4. Tỏ ra nghi ngờ với mọi thứ

Trẻ mắc chứng hoang tưởng luôn tỏ ra nghi ngờ với mọi thứ. Trẻ có thể nghi ngờ bạn bè đang ác ý trong lời nói hoặc đang có ý định làm hại mình. Hoang tưởng này chi phối khiến trẻ luôn sợ hãi, lo lắng và trở nên nghi ngờ mọi thứ.

Sự nghi ngờ của trẻ có thể lớn dần theo thời gian khiến trẻ từ chối kết bạn và thậm chí là không muốn đến trường. Tuy nhiên, ít khi trẻ bày tỏ sự nghi ngờ với bố mẹ. Trẻ thường sẽ giữ sự im lặng khi bố mẹ gặng hỏi hoặc tìm một vài lý do khác để bao biện.

Khi nghiên cứu tâm lý của trẻ bị hoang tưởng, các chuyên gia nhận thấy, trẻ giấu kín sự nghi ngờ của mình vì sợ người khác nghe thấy và lo sợ bố mẹ sẽ gặp nguy hiểm sau khi biết.

5. Có biểu hiện rối loạn ăn uống

Rối loạn ăn uống là dấu hiệu thường thấy ở trẻ bị hoang tưởng. Trẻ có thể nghi ngờ người nào đó cố ý sát hại bản thân thông qua thức ăn. Ngoài ra, tâm lý căng thẳng, lo âu, buồn bã và cảnh giác quá mức cũng khiến trẻ cảm thấy thèm ăn hoặc chán ăn bất thường.

dấu hiệu bệnh hoang tưởng ở trẻ em
Một số trẻ bị bệnh hoang tưởng có biểu hiện rối loạn ăn uống

Một số trẻ có biểu hiện ăn bậy (hội chứng Pica) khi mắc bệnh hoang tưởng. Do đó, khi nhận thấy con trẻ có biểu hiện bất thường, gia đình tuyệt đối không được chủ quan.

6. Hành vi chống đối

Hành vi chống đối thường thấy ở trẻ trong độ tuổi dậy thì. Bên cạnh đó, đây cũng có thể là biểu hiện của rối loạn hành vi và bệnh hoang tưởng ở trẻ em. Thực tế, hành vi chống đối không phải triệu chứng điển hình của bệnh hoang tưởng. Tuy nhiên, nội dung hoang tưởng có thể chi phối cảm xúc và hành vi của trẻ.

Trẻ bị hoang tưởng truy hại, hoang tưởng liên hại có thể thực hiện hành vi chống đối với mục đích bảo vệ bản thân. Tuy nhiên, gia đình và nhà trường thường nhầm lẫn hành vi này với khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì.

7. Các biểu hiện khác

Ngoài những biểu hiện trên, bệnh hoang tưởng ở trẻ em còn có các dấu hiệu khác như:

  • Rối loạn bài tiết (tiểu không tự chủ, tè dầm,…)
  • Rối loạn vận động (có hành động, lời nói không thể kiểm soát)
  • Gặp khó khăn trong học tập (khó phát âm, khó viết chữ, khả năng tập trung và trí nhớ giảm)
  • Chậm phát triển thể chất và nhận thức

Ngoài ra, trẻ cũng có thể than phiền về những triệu chứng thể chất như đau đầu, chướng bụng, khó tiêu, mệt mỏi,…

Nguyên nhân gây bệnh hoang tưởng ở trẻ em

Nguyên nhân trực tiếp gây bệnh hoang tưởng là rối loạn nhận thức (suy nghĩ) dẫn đến việc hình thành những suy nghĩ, niềm tin sai lầm. Tuy nhiên, nhận thức rối loạn thường sẽ dẫn đến các triệu chứng tâm thần đi kèm như ảo giác, rối loạn tri giác,… Do đó, nguyên nhân gây bệnh hoang tưởng chưa thực sự được biết rõ.

Bệnh hoang tưởng ở trẻ em được xác định có liên quan đến một số yếu tố như:

  • Tiền sử gia đình bị tâm thần phân liệt, loạn thần, trầm cảm loạn thần,…
  • Trẻ từng có giai đoạn bị loạn thần
  • Sử dụng thuốc hướng thần khi còn nhỏ cũng gia tăng nguy cơ bị hoang tưởng
  • Có vấn đề trong quá trình phát triển thần kinh
  • Mắc các bệnh tự miễn
  • Từng gặp phải biến chứng khi sinh

Ảnh hưởng của bệnh hoang tưởng ở trẻ em

Bệnh hoang tưởng không làm suy giảm chức năng tâm lý xã hội như các vấn đề tâm lý, tâm thần khác. Tuy nhiên, nội dung hoang tưởng chi phối mạnh mẽ cảm xúc và hành vi của trẻ khiến cho trẻ khó có thể học tập, phát triển và kết bạn một cách lành mạnh.

Nếu không được điều trị, chứng hoang tưởng có thể trở nên nghiêm trọng dần theo thời gian. Trẻ có thể nhốt mình trong nhà vì lo sợ bị ám sát và hãm hại. Ngoài ra, cảm giác lo lắng, căng thẳng kéo dài cũng khiến trẻ khó có thể tập trung khi học tập.

dấu hiệu bệnh hoang tưởng ở trẻ em
Bệnh hoang tưởng không được điều trị sẽ khiến trẻ sống khép kín, ít giao tiếp và gặp nhiều vấn đề khi học tập

Hoang tưởng ở trẻ em còn gia tăng tỷ lệ sử dụng rượu bia, hút thuốc lá trướ năm 18 tuổi. Bên cạnh đó, hoang tưởng chi phối cảm xúc và hành vi cũng là điều kiện để phát triển các rối loạn tâm lý, tâm thần khác như rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn hành vi, rối loạn học tập,…

Theo đánh giá của các bác sĩ tâm thần, bệnh hoang tưởng khởi phát càng sớm thì tiên lượng càng xấu. Do đó, trẻ có biểu hiện hoang tưởng cần được thăm khám và điều trị sớm để ngăn chặn kịp thời những biến chứng nặng nề. Về cơ bản, chưa có phương pháp điều trị bệnh lý này dứt điểm. Tuy nhiên, tích cực điều trị và chăm sóc đúng cách giúp giảm hoang tưởng, từ đó cải thiện các rối loạn về cảm xúc và hành vi.

Cách điều trị bệnh hoang tưởng ở trẻ em

Hiện nay, lựa chọn trong điều trị bệnh hoang tưởng tương đối hạn chế. Tương tự như người trưởng thành, trẻ mắc bệnh hoang tưởng sẽ được điều trị bằng thuốc và can thiệp tâm lý trị liệu.

Trẻ em đang trong quá trình phát triển thể chất, tinh thần nên song song với các phương pháp y tế, gia đình cần có biện pháp chăm sóc hợp lý để trẻ được phát triển toàn diện. Các biện pháp chăm sóc giúp ích đáng kể trong việc nâng đỡ thể trạng, tinh thần và gia tăng mức độ đáp ứng với các phương pháp điều trị.

1. Dùng thuốc

Sử dụng thuốc có thể làm giảm các hoang tưởng (niềm tin, suy nghĩ sai lầm). Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể cân nhắc dùng thêm một số loại thuốc khác để cải thiện rối loạn hành vi và cảm xúc do hoang tưởng chi phối. So với người trưởng thành, sử dụng thuốc cho trẻ em tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn. Chính vì vậy, bác sĩ sẽ cân nhắc kỹ lưỡng trước khi chỉ định thuốc.

dấu hiệu bệnh hoang tưởng ở trẻ em
Sử dụng thuốc là phương pháp chính trong điều trị bệnh hoang tưởng nói chung và bệnh hoang tưởng ở trẻ em nói riêng

Các loại thuốc được cân nhắc dùng trong điều trị bệnh hoang tưởng ở trẻ em:

  • Thuốc chống loạn thần: Thuốc chống loạn thần là nhóm thuốc chính được sử dụng trong điều trị bệnh hoang tưởng. Nhóm thuốc này có tác dụng giảm các suy nghĩ, niềm tin sai lầm. Thuốc hoạt động bằng cách ức chế dopamine và một số chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ, qua đó làm giảm các hoang tưởng và giúp cải thiện tình trạng kích động.
  • Thuốc an thần: Thuốc an thần hiếm khi được sử dụng cho trẻ em do nguy cơ gây nghiện. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ cân nhắc dùng thuốc trong một số trường hợp. Thuốc an thần giúp cải thiện tình trạng mất ngủ, căng thẳng, lo âu, bất an thường thấy ở trẻ bị hoang tưởng bị truy hại và hoang tưởng liên hệ.
  • Thuốc chống trầm cảm: Hoang tưởng có thể chi phối khiến trẻ có cảm giác đau khổ, buồn bã, tội lỗi và bi quan. Trong trường hợp này, thuốc chống trầm cảm được sử dụng để nâng cao khí sắc và ngăn chặn hành vi tự sát. Mặc dù có hiệu quả cao nhưng thuốc chống trầm cảm cho hiệu quả khá chậm. Trong 4 – 8 tuần đầu, trẻ có thể bộc phát hành vi tự sát nên gia đình cần phải theo dõi chặt chẽ để tránh những tình huống đáng tiếc.

Sử dụng thuốc giúp giảm nhanh các triệu chứng của bệnh hoang tưởng ở trẻ em. Trong đó, thuốc chống loạn thần sẽ được dùng lâu dài để ngăn ngừa tái phát. Trong thời gian dùng thuốc, gia đình cần theo dõi để kịp thời phát hiện biểu hiện bất thường. Sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và bác sĩ sẽ giúp hạn chế tối đa các tác dụng phụ của thuốc đối với trẻ.

2. Can thiệp tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu là biện pháp bổ sung được thực hiện song song với sử dụng thuốc. Với bệnh hoang tưởng, mục tiêu của phương pháp này là giúp trẻ thay đổi những suy nghĩ (nhận thức) lệch lạc và không phù hợp với thực tế.

Bên cạnh đó, tâm lý trị liệu cũng sẽ giúp trẻ học cách kiểm soát giải tỏa cảm xúc một cách lành mạnh. Ngoài ra, chuyên gia cũng sẽ trang bị cho trẻ kỹ năng cần thiết để dễ dàng hòa nhập sau khi điều trị.

3. Chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần

Bệnh hoang tưởng ảnh hưởng nhiều đến quá trình phát triển thể chất và tinh thần của trẻ. Do đó, gia đình cần có kế hoạch chăm sóc để giúp trẻ phát triển lành mạnh.

Kế hoạch chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ bị hoang tưởng:

  • Xây dựng chế độ ăn cân bằng để cải thiện sức khỏe cho bé. Để lên thực đơn ăn uống phù hợp, bố mẹ nên tìm hiểu vấn đề bệnh hoang tưởng nên ăn gì và kiêng gì. Ăn uống khoa học giúp cải thiện sức khỏe và phần nào có thể giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh.
  • Khuyến khích trẻ tập thể dục mỗi ngày để thúc đẩy phát triển chiều cao. Ngoài ra, thói quen này còn giúp giảm tình trạng kích động và cảm xúc không ổn định ở trẻ bị hoang tưởng.
  • Đảm bảo trẻ được ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng và học tập quá mức.
  • Khuyến khích trẻ vui chơi phù hợp với độ tuổi để tránh tình trạng sống khép kín và cách ly xã hội.
  • Tìm ra sở thích, đam mê để trẻ có động lực điều trị và luôn tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. Ngoài ra, việc phát triển sở thích cũng giúp trẻ tăng cơ hội tìm kiếm công việc trong tương lai.
  • Hướng dẫn trẻ một số biện pháp giảm căng thẳng như hít thở sâu, tập yoga, ngồi thiền, massage, viết nhật ký, trồng cây, chăm sóc thú cưng,…
  • Nâng cao nhận thức của trẻ về thói quen hút thuốc lá, sử dụng rượu bia và lạm dụng chất gây nghiện. Bởi những thói quen này sẽ làm nghiêm trọng bệnh hoang tưởng, đồng thời gia tăng nguy cơ mắc phải các vấn đề sức khỏe thể chất và tâm thần.

Bệnh hoang tưởng ở trẻ em ảnh hưởng nhiều đến quá trình phát triển thể chất và tâm lý. Do đó, gia đình cần chú ý những dấu hiệu bất thường để trẻ được thăm khám và điều trị khi cần thiết. Khả năng chữa dứt điểm bệnh hoang tưởng là không cao nên gia đình cần lên kế hoạch chăm sóc để trẻ được phát triển lành mạnh và có thể tự lập trong cuộc sống.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *