Trẻ bị rối loạn hỗn hợp hành vi cảm xúc do đâu? Cách can thiệp

Rối loạn hỗn hợp hành vi cảm xúc là một dạng rối loạn kết hợp giữa các hành vi bất bình đẳng, hung hăng, thách thức với trầm cảm, lo âu, rối loạn cảm xúc rõ rệt. Khi trẻ mắc phải chứng bệnh này sẽ phải đối diện với rất nhiều khó khăn trong quá trình sinh hoạt, ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập và các mối quan hệ xung quanh. 

Rối Loạn Hỗn Hợp Hành Vi Cảm Xúc
Trẻ bị rối loạn hỗn hợp hành vi cảm xúc thường có những biểu hiện bất ổn về hành vi, tâm trạng

Rối loạn hỗn hợp hành vi cảm xúc ở trẻ là bệnh gì?

Rối loạn hỗn hợp hành vi và cảm xúc là một nhóm các rối loạn khá phổ biến được đặc trưng bởi sự kết hợp giữa các triệu chứng rõ rệt của trầm cảm, rối loạn cảm xúc, lo âu cùng với các hành vi kích động, hung hăng, phản đối dữ dội và dai dẳng. Chứng rối loạn này được xếp vào mã bệnh F92 dựa theo ICD- 10.

Theo nghiên cứu và số liệu thống kê nhận thấy, căn bệnh này thường sẽ tập trung nhiều ở trẻ em, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên. Một người được chẩn đoán mắc phải chứng rối loạn này khi họ đáp ứng đầy đủ các tiêu chí chẩn đoán về rối loạn hành vi và rối loạn cảm xúc.

Tuy nhiên, tình trạng này không đơn thuần chỉ là các hành vi, cảm xúc bất thường mà nó biểu hiện vô cùng phức tạp, các triệu chứng xen lẫn và chồng chéo lên nhau nên gây nên rất nhiều cản trở đối với quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh. Hơn thế, khi trẻ nhỏ bị rối loạn hỗn hợp hành vi và cảm xúc kéo dài có thể dẫn đến việc lệch lạc về nhận thức, hình thành các suy nghĩ méo mó.

Theo nhận định của các nhà khoa học thì chứng rối loạn này có mối liên hệ khá mật thiết với các tổn thương tâm lý hoặc yếu tố di truyền. Các triệu chứng của bệnh biểu hiện một cách liên tục và gây ảnh hưởng khá nhiều đến đời sống và sự phát triển trong tương lai của trẻ nhỏ. Nếu không sớm phát hiện và can thiệp đúng cách sẽ khiến cho trẻ gặp nhiều rắc rối trong cuộc sống, thậm chí là thực hiện các hành vi tự làm tổn thương, đe dọa giết người và trở thành mối nguy hiểm cho cộng đồng.

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị rối loạn hỗn hợp hành vi cảm xúc

Các triệu chứng của trẻ bị rối loạn hỗn hợp hành vi và cảm xúc được biểu hiện rất đa dạng với những sự bất thường về cả mặt hành vi lẫn tâm trạng, suy nghĩ. Tùy vào mỗi trường hợp, mức độ bệnh và tính cách của mỗi trẻ mà các dấu hiệu nhận biết cũng sẽ có phần riêng biệt.

Nếu các triệu chứng ban đầu không được sớm nhận biết và can thiệp kịp thời sẽ khiến cho trẻ dần hình thành các suy nghĩ, nhận thức sai lệch. Từ đó dễ dẫn đến các hành vi nguy hiểm làm ảnh hưởng đến bản thân và cả những người thân bên cạnh.

Rối Loạn Hỗn Hợp Hành Vi Cảm Xúc
Trẻ sẽ có nhiều xu hướng chống đối, phản kháng dữ dội với người lớn

Vì thế, để ngăn chặn được các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra khi trẻ bị rối loạn hỗn hợp hành vi và cảm xúc thì trước tiên các bậc phụ huynh nên nắm rõ các dấu hiệu nhận biết sau:

  • Trẻ thường cư xử một cách lỗ mãng, hung hăng, bạo lực với các bạn cùng tuổi, thú cưng hoặc đồ chơi và có nhiều xu hướng phản kháng, chống đối lại với người lớn.
  • Hầu như trẻ không để tâm, chú ý đến cảm xúc, cảm nhận của những người xung quanh. Trẻ sẽ luôn thực hiện các hành vi xâm chiếm, cướp đoạt, giành giật những mục tiêu mà bản thân muốn sở hữu mà không lo ngại sẽ làm người khác tổn thương.
  • Trẻ không biết nhận lỗi, thậm chí còn có thái độ khiêu khích, thách thức người khác. Hoặc có xu hướng muốn đổ lỗi, đùn đẩy trách nhiệm cho những người xung quanh trong tất cả các tình huống.
  • Trẻ luôn tỏ thái độ cáu kỉnh, thù địch, tức giận vô cớ.
  • Một vài trường hợp trẻ sẽ liên tục thực hiện các hành vi vi phạm các quy định, quy tắc đã đặt ra trước đó. Chẳng hạn như nói tục, chửi thề, phá hoại tài sản chung, đánh nhau, vi phạm nội quy nhà trường, trộm cắp, nói dối,…
  • Cố tình làm trái lại những gì cha mẹ, thầy cô hoặc người lớn chỉ dạy. Trẻ sẽ có xu hướng bỏ nhà đi, quậy phá, chơi game, không chú tâm vào học tập, đua xe, cư xử lỗ mãng với người lớn, trốn học, quan hệ tình dục trước tuổi,…
  • Tồn tại song song với các rối loạn hành vi, trẻ bị rối loạn hỗn hợp hành vi và cảm xúc sẽ có sự xen lẫn giữa những cảm xúc bất thường như buồn chán, căng thẳng, lo lắng, phiền muộn, bất an, cảm thấy tội lỗi, tiêu cực, không có niềm tin vào cuộc sống.
  • Ngoài ra, trẻ cũng sẽ có một số biểu hiện về thể chất như suy giảm trí nhớ, mất tập trung, rối loạn ăn uống, mất ngủ, đau nhức cơ thể, di chuyển chậm chạp, rối loạn tiêu hóa, đau đầu, chóng mặt,…
  • Một số trường hợp nghiêm trọng trẻ còn có thể thực hiện các hành vi gây hại, hình thành các thói quen xấu như lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá, sử dụng ma túy,…

Thông thường, các triệu chứng của bệnh sẽ xuất hiện liên tục và kéo dài tối thiểu trong vòng 6 tháng gây nên rất nhiều cản trở đối với cuộc sống hàng ngày của trẻ. Tuy vậy, không ít các bậc cha mẹ lại khá chủ quan, cho rằng đây chỉ là những biểu hiện của tuổi dậy thì, trẻ con đang trong giai đoạn nổi loạn, thể hiện bản thân.

Cũng chính vì thế mà nhiều bậc phụ huynh lại trở nên nghiêm khắc, bó buộc con cái nhiều hơn, thậm chí có các trường hợp đánh đập, la mắng dữ dội nhằm răng đe con. Điều này vô tình khiến cho tình trạng bệnh của trẻ càng chuyển biến nghiêm trọng, nhiều khả năng chống đối, thực hiện các hành vi khó lường.

Trẻ bị rối loạn hỗn hợp hành vi cảm xúc do đâu?

Cũng giống như các chứng rối loạn tâm thần khác, hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định chính xác về nguyên nhân gây ra chứng rối loạn hỗn hợp hành vi và cảm xúc ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, dựa theo kết quả một vài nghiên cứu cùng các khảo sát khoa học thì cá chuyên gia nhận thấy rằng căn bệnh này chịu ảnh hưởng khá nhiều từ môi trường sống và cách giáo dục trẻ. Bên cạnh đó, các yếu tố nội sinh cũng là góp phần không nhỏ trong quá trình hình thành bệnh.

Cụ thể một số nguyên nhân thường được tìm thấy như sau:

1. Do những tổn thương từ thuở nhỏ

Qua quá trình thăm khám và chẩn đoán cho nhiều trẻ bị rối loạn hỗn hợp hành vi và cảm xúc, các chuyên gia nhận thấy rằng hầu hết các trẻ đều có sự tổn thương nhất định về mặt tâm lý, đa phần xuất phát từ yếu tố gia đình. Theo thống kê cho biết, phần lớn những trẻ mắc phải chứng rối loạn này thường sống trong gia đình thiếu tình thương, cha mẹ ly hôn hoặc thường xuyên cãi vã, mâu thuẫn, bạo lực hoặc thậm chí trẻ có thể là nạn nhân của các vụ bạo lực tinh thần, thể xác.

Rối Loạn Hỗn Hợp Hành Vi Cảm Xúc
Những trẻ sống trong gia đình thiếu tình thương sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn

Do từ nhỏ đã phải chứng kiến những hình ảnh bạo lực, chịu nhiều sự tổn thương về mặt tinh thần nên trẻ sẽ có xu hướng chống đối, phản kháng và thách thức lại xã hội. Các hành vi này cũng có thể bị ảnh hưởng và học hỏi từ những điều mà trẻ đã nhìn thấy. Tuy nhiên, những hành vi, cảm xúc bất thường của trẻ chính là một vỏ bọc hoàn hảo cho những sự vụn vỡ trong tâm hồn, trẻ vẫn sẽ cảm thấy đau khổ, buồn chán, tủi thân, tuyệt vọng,  bi quan về cuộc sống.

2. Áp lực, căng thẳng từ học tập

Trong thực tế ở lứa tuổi dậy thì, thanh thiếu niên thì học tập chính là áp lực lớn nhất mà trẻ phải đối mặt. Đặc biệt với xã hội hiện nay, nhiều gia đình luôn đặt nặng vấn đề học tập, bắt ép con phải học liên tục, phải đạt được những thành tích cao, phải nổi bậc và thành công. Những điều này khiến trẻ phải chịu nhiều áp lực, nhiều trẻ phải học tập không ngừng nghỉ chỉ vì các kỳ vọng quá lớn của thầy cô, cha mẹ.

Khi các áp lực này càng tăng cao, trẻ sẽ dần rơi vào trạng thái mất cân bằng về cảm xúc, hành vi. Trẻ có thể buồn bã, chán nản, lo lắng, bất an, nghi ngờ chính mình, từ đó sinh ra các hành động tiêu cực, chống đối, nổi loạn. Lâu dần hình thành nên các triệu chứng của rối loạn hỗn hợp hành vi và cảm xúc, gây nên nhiều tác động tiêu cực đến cuộc sống của trẻ.

3. Do những sự bất ổn bên trong não bộ

Cũng như các rối loạn tâm lý khác, rối loạn hỗn hợp hành vi và cảm xúc ở trẻ cũng có khả năng khởi phát từ yếu tố di truyền. Trong thực tế, những trẻ được sinh ra trong gia đình có người thân như ông bà, cha mẹ, anh chị em ruột từng mắc chứng bệnh này hoặc các bệnh lý liên quan thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với mức bình thường.

Rối Loạn Hỗn Hợp Hành Vi Cảm Xúc
Trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao mắc phải chứng rối loạn hỗn hợp hành vi cảm xúc

Mặt khác, các chuyên gia cho biết những người mắc phải chứng bệnh này thường sẽ có sự bất ổn ở hạch hạnh nhân (amygdalae) và hồi hải mã (hippocampus). Đây là hai cơ quan chi phối cảm xúc và hành vi của mỗi con người. Khi chúng bị tổn thương hoặc mất cân bằng sẽ khiến cho con người xuất hiện các hành động, cảm xúc khác lạ, khó kiểm soát.

4. Tác động từ xã hội, môi trường

Bên cạnh các nguyên nhân thường gặp nêu trên thì chứng rối loạn phổ biến ở trẻ này còn có thể chịu sự ảnh hưởng lớn từ xã hội, môi trường sống. Các chuyên gia cho biết những đứa trẻ thường xuyên tiếp xúc với các nội dung đồi truyh, xuyên tạc của sách báo, phim ảnh, các trang mạng xã hội sẽ có nhiều xu hướng bị lệch lạc về nhận thức và hành động.

Cũng bởi trẻ em có nhiều xu hướng muốn bắt chước những điều mà mình đã trông thấy, nhất là trẻ ở tuổi dậy thì luôn có khao khát khẳng định mình và học tập theo các hành vi của người lớn. Do đó, khi tiếp xúc quá nhiều với những điều tiêu cực trẻ cũng sẽ dễ hành thành các hành vi sai trái, tạo dựng các mối quan hệ “độc hại”,…

Rối loạn hỗn hợp hành vi cảm xúc ở trẻ có nguy hiểm không?

Rối loạn hỗn hợp hành vi và cảm xúc được đánh giá là một căn bệnh cực kì nguy hiểm, nó có thể dẫn đến hàng loạt các hệ lụy khó lường làm ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của trẻ nhỏ. Nếu căn bệnh này không sớm được phát hiện và can thiệp đúng cách sẽ khiến cho trẻ dễ bị méo mó về nhận thức, hành vi và gây nên cá hành động tiêu cực làm tổn thương thân thể hoặc đe dọa đến tính mạng của người khác.

Khi các rối loạn cảm xúc và rối loạn hành vi cứ liên tục xuất hiện và đan xen, chồng chéo lên nhau sẽ gây ra một số tác động tiêu cực như sau:

  • Trẻ không thể hoàn thành tốt các công việc hàng ngày, khả năng học tập cũng bị giảm sút.
  • Mất tập trung, giảm sự chú ý, khó khăn trong việc đưa ra quyết định, lựa chọn.
  • Làm ảnh hưởng và rạn nứt các mối quan hệ xung quanh bởi sự bất thường trong hành vi và cảm xúc.
  • Gặp nhiều khó khăn, cản trở trong việc thích nghi với môi trường sống.
  • Nguy cơ thực hiện các hành vi tự làm tổn thương bản thân hoặc đe dọa đến tính mạng của người khác.
  • Nhiều khả năng trở thành tội phạm do các hành vi chống phá, vi phạm của bản thân.
  • Nếu các triệu chứng  bệnh kéo dài liên tục sẽ làm gia tăng nguy cơ phát triển thành các rối loạn tâm thần nghiêm trọng, chẳng hạn như rối loạn trầm cảm nặng, rối loạn lo âu,…

Cách chữa trị cho trẻ bị rối loạn hành vi cảm xúc

Sau khi tiến hành thăm khám và chẩn đoán chính xác về tình trạng bệnh của mỗi người thì các bác sĩ, chuyên gia sẽ cân nhắc đưa ra phác đồ điều trị với những phương pháp chữa bệnh phù hợp. Thông thường các bệnh nhân bị rối loạn hỗn hợp hành vi và cảm xúc sẽ được ưu tiên áp dụng liệu pháp tâm lý.

Đối với các trường hợp bệnh nghiêm trọng thì cần kết hợp thêm một số thuốc điều trị. Ngoài ra bệnh nhân cũng được hướng dẫn về cách xây dựng và thay đổi lối sống, sinh hoạt hàng ngày để hỗ trợ tốt hơn cho quá trình phục hồi sức khỏe, giúp người bệnh dần ổn định tâm trạng, kiểm soát hành vi.

Cụ thể các phương pháp thường được áp dụng cho trẻ bị rối loạn hỗn hợp hành vi và cảm xúc như:

1. Trị liệu tâm lý

Tâm lý trị liệu là phương pháp đầu tiên được nhắc đến trong quá trình cải thiện tình trạng rối loạn hỗn hợp hành vi và cảm xúc ở trẻ em. Với hình thức này trẻ sẽ được trao đổi và chia sẻ trực tiếp với chuyên gia tâm lý về các vấn đề mà mình đang gặp phải, thoải mái tâm sự về những suy nghĩ, cảm xúc của bản thân.

Thông qua các buổi trò chuyện, chuyên gia sẽ dần hiểu rõ hơn về những triệu chứng và tìm kiếm được nguyên nhân gốc rễ gây ra bệnh. Nhờ đó mà họ sẽ giúp cho trẻ hiểu và nhìn nhận đúng đắn hơn về các hành vi, cảm xúc sai lệch của mình và dần điều chỉnh chúng theo chiều hướng tích cực hơn.

Rối Loạn Hỗn Hợp Hành Vi Cảm Xúc
Liệu pháp gia đình luôn được ưu tiên để cải thiện cho các trẻ bị rối loạn hỗn hợp hành vi cảm xúc

Bên cạnh đó, các chuyên gia tâm lý còn hướng dẫn cho bệnh nhân về các kỹ năng cần thiết để đối phó và vượt qua những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống. Trẻ cũng sẽ biết cách điều chỉnh và cân bằng tốt cảm xúc, hành vi của bản thân để hạn chế tối đa tình trạng tái phát bệnh.

Theo lời khuyên của các chuyên gia thì gia đình, người thân cũng nên cùng tham gia trị liệu với trẻ. Cũng bởi đôi khi nguyên nhân gây bệnh lại xuất phát từ gia đình nên cha mẹ, người thân trong nhà cũng cần hiểu và được điều chỉnh tâm lý để hỗ trợ tốt nhất cho trẻ trong thời gian khó khăn này. Ngoài ra, quá trình trị liệu gia đình còn giúp cải thiện tốt các mối quan hệ, cha mẹ và con cái cũng dần thu hẹp khoảng cách và thấu hiểu nhau nhiều hơn.

2. Điều trị bằng thuốc

Một số trường hợp đặc biệt, người bệnh xuất hiện các triệu chứng nguy hiểm làm đe dọa đến tính mạng hoặc tự gây tổn thương cho bản thân thì cần phải được kiểm soát bằng một số loại thuốc. Tuy rằng hiện nay vẫn chưa có bất kì loại thuốc nào được khẳng định về công dụng điều trị rối loạn hỗn hợp hành vi và cảm xúc nhưng các loại thuốc hỗ trợ vẫn có khả năng kiểm soát được các triệu chứng bất thường của bệnh.

Một số loại thuốc sẽ được cân nhắc để kê đơn điều trị như:

  • Thuốc chống trầm cảm
  • Thuốc ổn định cảm xúc như Acid Valproic ( Depakote) hoặc Lithium.
  • Thuốc chống tâm thần đặc biệt Risperidone
  • Các loại thuốc kích thích ( Methylphenidate) và alpha agonist.

Hầu hết các loại thuốc được sử dụng trong quá trình điều trị bệnh tâm thần đều có khả năng gây ra những tác dụng phụ ngoài ý muốn. Do đó, người bệnh cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ định sử dụng của bác sĩ chuyên khoa. Tuyệt đối không được tự ý thay đổi liều lượng hoặc ngừng thuốc đột ngột.

3. Kết hợp thay đổi lối sống hàng ngày

Như đã chia sẻ ở trên, môi trường sống và các thói quen sinh hoạt hàng ngày cũng có thể là yếu tố nguy cơ làm gia tăng khả năng mắc bệnh ở trẻ nhỏ. Vì thế, song song với quá trình điều trị chuyên khoa thì người bệnh cũng cần nhanh chóng thay đổi và điều chỉnh tốt thói quen ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt và vui chơi để quá trình cải thiện bệnh mang lại kết quả tốt nhất.

Rối Loạn Hỗn Hợp Hành Vi Cảm Xúc
Cha mẹ nên cho trẻ vui chơi, hoạt động lành mạnh để cải thiện tốt nhận thức, hành vi.

Các bậc phụ huynh nên chú ý quan tâm và giúp trẻ điều chỉnh một số vấn đề sau đây:

  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: Thói quen ăn uống của trẻ bị rối loạn hỗn hợp hành vi và cảm xúc sẽ bị thay đổi bất thường. Vì thế, cần phải cải thiện và xây dựng lại thực đơn để sức khỏe thể chất lẫn tinh thần có thể ổn định tốt hơn. Bệnh nhân cần phải ưu tiên bổ sung nhiều rau xanh, các thực phẩm tươi, sống chứa nhiều vitamin và khoáng chất có lợi. Đồng thời hạn chế tối đa việc sử dụng các món ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, thực phẩm đóng gói chứa chất bảo quản. Không được uống rượu bia, hút thuốc hặc sử dụng các chất gây nghiện.
  • Cải thiện chất lượng giấc ngủ: Giấc ngủ là yếu tố vô cùng quan trọng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tổng thể của mỗi người. Nếu bạn không ngủ đủ giấc, thường xuyên thức khuya sẽ khiến cho tinh thần và thể chất càng bị xuống dốc, đặc biệt là các trường hợp đang bị rối loạn tâm thần. Vì thế, tùy vào độ tuổi của trẻ nhỏ mà phụ huynh cần giúp trẻ xây dựng thói quen ngủ phù hợp, đảm bảo chất lượng giấc ngủ, ngủ đủ giấc.
  • Tập thể dục nâng cao sức khỏe: Vận động phù hợp cũng là một trong các cách cải thiện sức khỏe tinh thần hiệu quả và an toàn. Vì thế, mỗi ngày nên tập cho trẻ thói quen tập luyện thể dục thể thao. Chỉ mất khoảng 15 phút mỗi ngày đi bộ, yoga, chạy bộ hoặc đơn giản là vận động bằng các môn thể thao yêu thích cũng đủ giúp trẻ tăng cường sức đề kháng, ổn định tâm trí.
  • Cha mẹ nên quan tâm, chăm sóc trẻ: Gia đình chính là động lực lớn nhất để giúp trẻ có thể vượt qua được những bất ổn trong tâm trí. Lúc này cha mẹ nên dành nhiều thời gian, cùng con chia sẻ và tham gia các hoạt động hữu ích. Hãy dành cho con nhiều lời động viên, lắng nghe và yêu thương con nhiều hơn.

Bài viết trên đây đã cung cấp một số thông tin hữu ích về chứng rối loạn hỗn hợp hành vi và cảm xúc thường gặp ở trẻ em. Đây được đánh giá là một bệnh nguy hiểm nên cần được tiến hành thăm khám và điều trị sớm để tránh gây ra các hậu quả nghiêm trọng.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *