Các hội chứng tâm lý thường gặp của con người
Hội chứng tâm lý là một tên gọi chung của rất nhiều các vấn đề sức khỏe tâm thần, tâm lý khác nhau. Tùy vào biểu hiện, triệu chứng, bản chất, nguyên nhân gây bệnh và các yếu tố khác mà chúng ta có thể chia thành nhiều chứng bệnh tâm lý riêng biệt. Cùng tìm hiểu về một số hội chứng tâm lý thường gặp trong bài viết sau.
Các hội chứng tâm lý thường gặp
Sức khỏe thể chất đóng vai trò rất quan trọng đối với đời sống của mỗi người. Song song đó, tinh thần cũng là một trong các yếu tố cần phải được quan tâm và chú trọng nhiều. Cũng bởi hiện nay các bệnh tâm lý đang ngày càng phổ biến và có xu hướng gia tăng đáng kể trong cộng động.
Theo đánh giá của các chuyên gia thì bất kì ai trong chúng ta cũng có nguy cơ đối diện với các hội chứng tâm lý trong cuộc đời. Tuy nhiên, do định kiến và nhận thức sai lầm mà không ít các trường hợp đã đánh mất cơ hội thăm khám và điều trị bệnh kịp thời, gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe và đời sống hàng ngày.
Theo như số liệu thống kê của Viện sức khỏe tâm thần Quốc gia gần đây thì người Việt Nam có tỉ lệ mắc bệnh tâm thần khoảng 15 đến 20% trong suốt cuộc đời. Trong đó, trầm cảm chiếm đến 6% dân số, các dạng rối loạn lo âu chiếm hơn 10%, rối loạn cảm xúc lưỡng cực chiếm 1%, tâm thần phân liệt 1%,….
Cụ thể một số hội chứng tâm lý thường gặp hiện nay như:
1. Trầm cảm
Trầm cảm là một chứng rối loạn tâm thần phổ biến, nó có thể khởi phát ở bất kì đối tượng nào, không phân biệt độ tuổi, giới tính hay tầng lớp xã hội. Dựa vào số liệu thống kê nhận thấy, mỗi năm có đến gần 850.000 người tử vong vì chứng rối loạn trầm cảm.
Các chuyên gia cho biết rằng, những người bị trầm cảm có nhiều khả năng đã trải qua các biến cố lớn trong cuộc đời, chẳng hạn như thất nghiệp, phá sản, ly hôn, sinh nở, mất người thân, tai nạn giao thông, bị bạo hành,….Chính những sự tác động mạnh mẽ đến đời sống cá nhân và tinh thần khiến họ phải đối diện với nhiều thách thức, làm họ phải thay đổi.
Những người mắc phải chứng bệnh này thường có biểu hiện đặc trưng bởi sự buồn bã, chán nản, suy sụp, không còn hứng thú với bất kì điều gì xảy ra xung quanh cuộc sống. Đồng thời, người bệnh còn có thể kèm theo các triệu chứng như mất ngủ, chán ăn, suy giảm trí nhớ, mất tập trung, giảm ham muốn tình dục, đau nhức cơ thể.
Trầm cảm không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tinh thần mà còn có thể gây ra hàng loạt các tác động tiêu cực đối với thể chất, các mối quan hệ, đời sống sinh hoạt hoặc thậm chí là làm gia tăng nguy cơ tự sát ở người bệnh. Hiện nay, cũng có rất nhiều các phương pháp hỗ trợ điều trị trầm cảm, phổ biến nhất là trị liệu tâm lý và sử dụng thuốc kết hợp với việc thay đổi lối sống lành mạnh, tích cực.
2. Rối loạn lo âu
Rối loạn lo âu là một dạng rối loạn cảm xúc với đặc trưng là những nỗi sợ hãi, lo lắng qua mức kèm theo chứng thần kinh tự chủ như vã mồ hôi, đau đầu, hồi hộp, khô miệng, đánh trống ngực, bứt rứt, đứng ngồi không yên. Tuy nhiên, bạn cần phân biệt cụ thể giữa trạng thái lo âu thông thường và rối loạn lo âu.
Đối với các trường hợp lo lắng thông thường thì sự lo lắng đó sự phù hợp với hoàn cảnh, sự việc đang xảy ra hoặc chưa được giải quyết thỏa đáng. Còn đối với rối loạn lo âu thì đây là trạng thái bất an, lo lắng quá mức nhưng không xác định được cụ thể nguyên nhân. Tình trạng lo lắng cũng kéo dài dai dẳng gây nhiều khó chịu và ảnh hưởng đến các sinh hoạt đời sống của người bệnh.
Có rất nhiều các loại rối loạn lo âu khác nhau, cụ thể như:
- Rối loạn lo âu lan tỏa: Hay còn gọi là rối loạn lo âu toàn thể với đặc trưng là sự lo lắng quá mức về các hoạt động, sự kiện nào đó. Đồng thời, người bệnh còn có kèm theo các triệu chứng như khó ngủ, bực tức, căng cơ.
- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD): Người mắc chứng rối loạn này thường có những suy nghĩ ám ảnh, các hành vi lặp đi lặp lại nhiều lần khó kiểm soát. Ví dụ như liên tục rửa tay, sát khuẩn, sắp xếp đồ đặc, lau dọn nhà cửa,…
- Rối loạn hoảng loạn: Đặc điểm nổi bật là những cơn hoảng loạn, sợ hãi cực độ của người bệnh diễn ra đột ngột và kéo dài trong thời gian ngắn. Người bệnh sẽ có xu hướng né tránh các địa điểm gây hoảng sợ, cố thủ trong nhà, không giao tiếp.
- Rối loạn lo âu xã hội: Là một chứng rối loạn lo âu với đặc trưng là sự lo lắng quá mức đối với các tình huống xã hội diễn ra hàng ngày. Ví dụ như sợ ánh đèn sân khấu, sợ đám đông, sợ gặp người lạ,…
Cho đến hiện nay vẫn chưa thể xác định được cụ thể về nguyên nhân gây ra rối loạn lo âu. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng đã tìm ra một số yếu tố liên quan như di truyền, sang chấn tâm lý thời thơ ấu, stress kéo dài, các yếu tố hóa thần kinh.
Cũng tương tự như các hội chứng tâm lý thường gặp hiện nay, rối loạn lo âu cũng được điều trị chủ yếu bằng liệu pháp tâm lý kết hợp với việc sử dụng thuốc. Đồng thời, người bệnh cũng cần chú trọng đến chế độ sinh hoạt hàng ngày của bản thân, ngủ đủ giấc, ăn uống điều độ, tập thể dục thường xuyên, tránh căng thẳng kéo dài để sớm phục hồi sức khỏe.
3. Rối loạn cảm xúc
Rối loạn cảm xúc được đánh giá là một các hội chứng tâm lý phổ biến thứ hai hiện nay mà con người đang phải đối mặt. Các chuyên gia cho biết đây là một hội chứng bất thường của bộ não khi tâm lý có sự biến đổi một cách bất thường và không ổn định về mặt cảm xúc.
Những người mắc phải chứng rối loạn này có thể nhanh chóng thay đổi cảm xúc, tâm trạng từ trầm cảm sang hưng phấn và ngược lại. Dựa theo số liệu ước tính thì hiện nay căn bệnh này đã ảnh hưởng đến hơn 5% tổng dân số trên toàn thế giới và gây ra những tác động tiêu cực đối với sức khỏe và đời sống của người bệnh.
Rối loạn cảm xúc được chia thành 2 trạng thái đó là trầm cảm và hưng cảm:
- Trầm cảm là trạng thái được đặc trưng bởi sự buồn chán, ủ rũ, mệt mỏi, thiếu sức sống, suy nghĩ tiêu cực, bi quan và không còn quan tâm, hứng thú với bất kì hoạt động nào xảy ra trong đời sống, kể cả những điều mà người bệnh đã từng rất yêu thích trước đây.
- Hưng cảm là tình trạng gia tăng khí sắc đột ngột, người bệnh sẽ trở nên vui vẻ, hạnh phúc, tràn đầy năng lượng. Bệnh nhân sẽ hoạt động liên tục, tích cực tham gia vào các sự kiện, kế hoạch một cách không ngừng nghỉ, thậm chí giảm nhu cầu ngủ đáng kể.
Mặc dù là một hội chứng tâm lý phổ biến nhưng cho đến hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra rối loạn cảm xúc. Nhiều giả thuyết cho rằng căn bệnh này có sự liên quan đến các yếu tố sinh lý và sinh học.
Để cải thiện rối loạn cảm xúc, người bệnh có thể được ưu tiên áp dụng trị liệu tâm lý. Đồng thời, đối với các trường hợp nghiêm trọng hơn sẽ được chỉ định dùng thêm một số thuốc điều trị. Ngoài ra, khi người bệnh không đáp ứng tốt được các biện pháp điều trị phổ biến thì có thể được cân nhắc trị liệu sốc điện (ECT) giúp thay đổi các chất hóa học trong não bộ.
4. Tâm thần phân liệt
Tâm thần phân liệt là một dạng rối loạn tâm thần hiện đang có xu hướng gia tăng mạnh mẽ trong cộng đồng. Người bệnh sẽ có những biểu hiện khác nhau nhưng nhìn chung đều gây ảnh hưởng đối với cuộc sống của bệnh nhân, lâu dài có thể tác động và làm thay đổi đến cả nhân cách của người bệnh.
Theo đánh giá của các chuyên gia thì đây là một hội chứng tâm lý, tâm thần nặng có thể kéo dài đến suốt đời. Người bệnh sẽ có các biểu hiện đặc trưng bởi những suy nghĩ sai lệch, không phù hợp mà những người xung quanh không thể nào giải thích và lý giải cho họ hiểu được đâu là đúng, đâu là sai.
Cũng chính vì những suy nghĩ đó mà người bệnh tâm thần phân liệt thường có những hoạt động vô cùng kì lạ, khác thường do ảnh hưởng của hoang tưởng, cảm xúc nghèo nàn. Bệnh nhân sẽ có nhiều xu hướng tự tách biệt, xa lánh với mọi người xung quanh, ít khi gặp gỡ, trò chuyện với người khác, trở nên trầm tư, hay suy nghĩ, lo âu hoặc thậm chí là bị hoang tưởng mức độ nặng.
Triệu chứng cơ bản nhất của tâm thần phân liệt đó chính là hoang tưởng và ảo thanh. Người bệnh có thể xuất hiện các hoang tưởng bị hại, hoang tưởng tự cao hoặc hoang tưởng bị chi phối. Đồng thời họ cũng có thể nghe được những âm thanh, giọng nói vang lên văng vẳng bên tai hoặc xuất hiện trong đầu. Những ảo thanh đó thường là những điều mang nội dung tiêu cực như những lời chửi bới, buộc tội, hạ nhục, trách móc, cười nhạo.
5. Chứng mất ngủ
Chứng mất ngủ (Insomnia) tưởng như là một vấn đề khá bình thường nhưng thực tế nó lại tìm ẩn rất nhiều nguy hiểm. Hội chứng tâm lý này vô cùng phổ biến, đặc biệt là đối với xã hội hiện đại ngày nay. Những người mắc phải chứng bệnh này thường có chất lượng giấc ngủ kém do rối loạn về tâm lý.
Mất ngủ kéo dài sẽ khiến cho cơ thể mệt mỏi, chán chường, lờ đờ, không đủ năng lượng để làm việc, học tập, đảm bảo các hoạt động hàng ngày. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống cũng như hiệu suất làm việc của con người.
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng biết rằng, giấc ngủ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe tổng thể và đời sống sinh hoạt của mọi người. Tùy thuộc vào nhu cầu và sức khỏe của mỗi cá nhân mà nhu cầu ngủ của mỗi người cũng sẽ có phần khác nhau. Tuy nhiên, theo lời khuyên của Viện Y tế Quốc gia “The National Institutes of Health” thì người trưởng thành cần đảm bảo giấc ngủ tối thiểu 7 tiếng mỗi đêm.
Theo đó, Tổ chức National Sleep Foundation cũng đã định nghĩa về hội chứng mất ngủ, họ cho rằng đây là một dạng rối loạn giấc ngủ vô cùng phổ biến, gồm có mất ngủ cấp tính và mất ngủ mãn tính. Người bệnh sẽ khó khăn trong việc đi vào giấc ngủ, không thể ngủ sâu giấc, hay mơ gặp ác mộng, tỉnh giấc nhiều lần trong đêm và khó ngủ lại, thức sớm vào sáng sớm dù không có vướng bận công việc.
Thông thường thì chứng mất ngủ sẽ có liên quan đến trạng thái căng thẳng, lo lắng, stress kéo dài. Những người thường xuyên chịu nhiều áp lực, căng thẳng trong cuộc sống sẽ bị suy giảm chất lượng giấc ngủ, nguy cơ bị rối loạn giấc ngủ chiếm đến gần 19%.
Trong rất nhiều nghiên cứu nhận thấy rằng, mất ngủ có thể ảnh hưởng lớn đối với chỉ số hạnh phúc của mỗi người. Chính vì thế cần phải được can thiệp sớm bằng cách sử dụng thuốc, áp dụng các biện pháp dân gian kèm theo một lối sống lành mạnh, tích cực.
6. Chứng chán ăn tâm thần
Chán ăn tâm thần chính là một dạng rối loạn tâm thần được biểu hiện dưới dạng rối loạn ăn uống. Người bệnh sẽ luôn có xu hướng từ chối việc duy trì một trọng lượng cơ thể cân đối, bình thường. Họ luôn ám ảnh và sợ hãi việc tăng cân và có nhận thức sai lệch về cân nặng, trọng lượng và hình dáng của cơ thể.
Theo nghiên cứu nhận thấy, hội chứng tâm lý này thường gặp ở nữ giới hơn so với nam giới, tỉ lệ cao gấp 10 đến 20 lần. Đặc biệt, khả năng mắc bệnh càng tăng cao đối với những cô nàng làm việc trong giới nghệ thuật hoặc những công việc đòi hỏi cao về vóc dáng.
Các triệu chứng của bệnh thường sẽ khởi phát sớm từ năm 13 tuổi đến năm 20 tuổi. Nếu chứng rối loạn tâm thần này không sớm được phát hiện và có biện pháp can thiệp phù hợp sẽ gây nên nhiều hệ lụy nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn tới tử vong. Cũng bởi sự suy giảm dinh dưỡng quá mức hoặc có nhiều trường hợp tự sát. Theo đó, tỉ lệ tử vọng ở những người bệnh chán ăn tâm thần chiếm khoảng hơn 10%.
Một số triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân chán ăn tâm thần như sợ tăng cân, ám ảnh về cân nặng, có nhận thức sai lệch về trọng lượng và hình dáng của cơ thể, sợ biến dạng cơ thể, không muốn duy trì cân nặng bình thường. Họ sẽ có xu hướng nhịn ăn, cố gắng tập luyện thể dục quá mức với mong muốn có được thân hình “thon gọn”.
Làm sao để biết mình có đang mắc bệnh tâm lý hay không?
Tuy rằng mỗi hội chứng tâm lý sẽ có những biểu hiện đặc trưng khác nhau nhưng nhìn chung thì các triệu chứng của bệnh cũng sẽ có phần tương tự. Sẽ khá khó khăn trong việc tự xác định rằng bản thân có đang mắc phải bệnh tâm lý hay không và đang mắc phải loại bệnh nào bởi bạn không đủ chuyên môn để chẩn đoán về các dấu hiệu bệnh.
Tuy nhiên, những sự thay đổi và bất ổn về mặt tâm lý cũng có thể dễ dàng nhận thấy. Nếu bạn liên tục có những suy nghĩ tiêu cực, trạng thái buồn bã, chán nản hoặc tâm trạng thay đổi bất thường trong nhiều ngày thì nên cân nhắc đến việc gặp gỡ và nhờ sự tư vấn của các chuyên gia tâm lý.
Ví dụ: Khi có một sự kiện nào đó xảy ra, bạn thường xuyên cảm thấy lo lắng về chúng kể cả khi chúng đã được giải quyết hoặc đã qua một thời gian dài. Trạng thái lo lắng kéo dài khiến cho bạn hình thành các vấn đề thể chất như nhức mỏi, đau lưng, đau đầu,…
Nếu như đã áp dụng các biện pháp thư giãn nhưng những triệu chứng này không có dấu hiệu thuyên giảm thì bạn cũng cần cân nhắc đến việc tìm gặp chuyên gia tâm lý để được thăm khám và chẩn đoán chính xác nhất. Bằng những kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm của mình mà các chuyên gia sẽ giúp bạn xác định được vấn đề sức khỏe tâm lý đang gặp phải và đưa ra biện pháp khắc phục phù hợp.
Bài viết trên đây đã giúp cho bạn đọc hiểu thêm về một số hội chứng tâm lý phổ biến và thường gặp nhất hiện nay. Mỗi chúng ta đều có khả năng mắc phải các vấn đề sức khỏe tâm thần, tâm lý nên cần phải chủ động hơn trong việc tìm hiểu, phòng tránh và can thiệp bệnh kịp thời.
Tham khảo thêm:
- Chăm sóc cho bệnh nhân động kinh
- Cách Vượt Qua Rối Loạn Lo Âu Nhờ Chia Sẻ Từ Người Đã Trải
- Các Mức Độ Của Rối Loạn Phổ Tự Kỷ Bạn Nên Biết
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!