Rối loạn tâm thần do nghiện game – Hiện trạng đáng báo động

Tỷ lệ rối loạn tâm thần do nghiện game đang có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây. Chứng bệnh này gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng không kém nghiện chất kích thích, nhưng ít khi được quan tâm do hiểu biết hạn chế của cộng đồng.

rối loạn tâm thần do nghiện game
Rối loạn tâm thần do nghiện game là vấn đề đáng lo ngại, cần được quan tâm hơn cả ở hiện tại và tương lai

Theo chương trình Phỏng vấn chuyên gia của Trung tâm NHC Việt Nam, chuyên gia tâm lý trị liệu Trần Nguyễn Anh Dũng đã mang đến những kiến thức và giải pháp dưới góc nhìn khoa học tâm lý về rối loạn tâm thần do nghiện game.

1. Thực trạng nghiện game ở nước ta

Game online ra đời với mục đích thư giãn và giải trí. Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực, trò chơi trên các thiết bị điện tử hoàn toàn có thể gây nghiện. Vào năm 2019 trong cuộc họp thường niên lần thứ 25 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định chứng rối loạn chơi game hay còn gọi là nghiện game (game disorder) nên được xem là một chứng rối loạn tâm thần. WHO đã bổ sung chứng rối loạn game vào bản thảo thứ 11 vào cuốn Phân loại thống kê quốc tế về các loại bệnh (ICD).

Nghiện game không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân người bệnh mà còn đe dọa đến thân thể, tính mạng của những người xung quanh do các hành vi bạo lực và gây hấn. Hiện nay, nghiện game online được xem là chứng bệnh tâm thần cần được thăm khám và điều trị như các rối loạn tâm thần khác.

Nghiện game được xác định là trạng thái thèm muốn chơi game không thể kiểm soát, dành nhiều thời gian để chơi game và luôn ưu tiên việc chơi game so với những hoạt động khác trong cuộc sống. Đối tượng nghiện game chủ yếu là trẻ em, trẻ vị thành niên và người ở đầu giai đoạn trưởng thành.

Thực tế, bất cứ ai trong chúng ta cũng có cảm giác thích thú và cuốn hút khi chơi game online. Tuy nhiên, cảm xúc này chỉ xảy ra trong một thời gian nhất định với cường độ trong mức cho phép.

Trong khi đó, người nghiện game sẽ có gặp phải những triệu chứng trên với cường độ cao hơn và kéo dài trong ít nhất 1 tháng. Từ ngày 1/1/2022 trở đi, nghiện game chính thức được xem là bệnh tâm thần và đã có quy trình chẩn đoán, phác đồ điều trị và các biện pháp phòng ngừa theo quy chuẩn y tế.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Thống kê của Học viện Quân Y 103 cho thấy, trong giai đoạn từ 2000 – 2010, tỷ lệ tăng trưởng internet ở Việt Nam đã tăng gấp 120 lần. Trong đó, có 62% người sử dụng internet để chơi game online. Và khoảng 38% trẻ bị thanh niên dành nhiều thời gian chơi game hơn so với việc học và các nhu cầu cần thiết khác. Dù chưa có con số chính xác về tỷ lệ rối loạn tâm thần do nghiện game ở nước ta nhưng theo dự đoán của các chuyên gia, con số này sẽ gia tăng trong tương lai nếu không có các biện pháp phòng ngừa.

2. Vì sao nghiện game có thể gây rối loạn tâm thần?

Rất nhiều người hoàn toàn không tin rằng nghiện game có thể gây ra các rối loạn tâm thần. Trên thực tế, internet chỉ mới xuất hiện trong vài chục năm trở lại đây nên ảnh hưởng vẫn chưa được tìm hiểu sâu sắc. Rối loạn tâm thần do nghiện game mới chỉ được đề cập từ năm 2018 – 2019 và chính thức có hiệu lực từ năm 2022. Do đó, những hiểu biết của cộng đồng về vấn đề này còn khá hạn chế.

Hiện tại, các chuyên gia vẫn chưa thể xác định nguyên nhân cụ thể gây rối loạn tâm thần do nghiện game. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã được thực hiện cho thấy, cơ chế bệnh sinh của bệnh lý này có nhiều điểm tương đồng với trầm cảm.

Khi chơi game, não bộ liên tục tiết ra hormone dopamine tạo cảm giác hưng phấn, phấn khích, vui vẻ và thỏa mãn. Cảm giác này thôi thúc việc chơi game liên tục trong nhiều giờ liền. Tuy nhiên, dopamine được sản sinh liên tục sẽ làm tăng ngưỡng thích nghi của cơ thể. Lúc này, bản thân người nghiện game sẽ không cảm nhận được bất cứ điều gì vui vẻ, thích thú trong cuộc sống ngoại trừ việc chơi game.

nguyên nhân gây rối loạn tâm thần do nghiện game
Sự gia tăng liên tục của dopamin là yếu tố trực tiếp gây ra các rối loạn tâm thần do nghiện game

Do đó, bệnh nhân sẽ bỏ qua tất cả những hoạt động trong cuộc sống để ưu tiên chơi game. Về lâu dài, não bộ có hiện tượng sụt giảm đáng kể nồng độ serotonin ở khe synap của não bộ. Serotonin là chất dẫn truyền thần kinh có vai trò quan trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần. 

Chất dẫn truyền thần kinh này tạo ra cảm giác thư giãn, phấn khích, vui vẻ, tăng cảm giác thèm ăn và là tiền chất để tuyến tùng sản sinh hormone melatonin – hormone tạo cảm giác ngủ ngon.

Sự sụt giảm của serotonin gây ra một loạt các rối loạn về cảm xúc, hành vi và làm phát sinh nhiều triệu chứng thể chất. Vì có cơ chế tương tự như trầm cảm nên điều trị nghiện game có nhiều điểm tương đồng với bệnh lý này. Hiện nay, các chuyên gia vẫn chưa xác định được liệu trầm cảm, rối loạn lo âu là nguyên nhân hay là hậu quả của nghiện game.

Game online, đặc biệt là các trò chơi đánh trận, giả lập nổi tiếng trong những năm gần đây thường rất dễ gây nghiện. Các nhà sản xuất game cũng thường đưa vào những phần thưởng, những món quà đặc biệt dành cho người chiến thắng để kích thích sự hấp dẫn và nạp tiền nhiều hơn, nếu không nạp tiền thì phải dành nhiều thời gian để “cày”.

Khi thắng được trong game khiến người chơi trở nên vui vẻ, được các bạn game trầm trồ khen ngợi và chính điều này đã khiến họ bị “nghiện” cảm giác được chú ý và tung hô. Do đó nếu bị thua sẽ khiến họ vô cùng tức tối, hăng máu đầu tư nhiều thời gian vào chơi hơn để thành người vô địch.

Đặc biệt những người thường dễ nghiện game là trẻ em, thanh thiếu niên. Điểm chung của nhóm đối tượng này là chểnh mảng học hành và thiếu sự quan tâm của người thân như ông bà, cha mẹ,… Một số trường hợp khác lao vào chơi game cho vui cùng bạn bè xung quanh hay chỉ đơn giản coi đó là một hình thức giải trí bình thường.

Thời gian đầu họ chỉ muốn chơi để đỡ buồn, chơi vì các bạn khác cùng chơi, nhưng dần dần con lại tìm được niềm vui trong đó mà không làm cách nào thoát ra được. Mặt khác, những người trưởng thành có quá nhiều áp lực, đặc biệt là điểm số hay công việc, bị người khác coi thường cũng rất dễ tìm đến game để giải tỏa cảm xúc bức bối trong lòng.

Riêng ở nhóm thanh thiếu niên đang trong thời kỳ “nổi loạn”, phụ huynh càng ngăn cấm chơi game thì càng kích thích bạn phải chơi. Đặc biệt là những hành vi như chửi mắng, đánh con, không cho tiền chơi tiềm ẩn nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Điều này khiến người chơi game sẽ tìm bằng được mọi cách để làm ngược lại lời cha mẹ, dần dần các mối quan hệ trong gia đình sẽ rạn nứt và khó hàn gắn.

Nhiều chuyên gia ủng hộ giả thuyết nghiện game và trầm cảm, lo âu là những vấn đề có mối tác động qua lại. Một số trẻ bị trầm cảm, lo âu, stress quá mức tìm đến game online để giải tỏa cảm xúc của bản thân. Cảm giác hứng thú, phấn khích và vui sướng mà game online mang lại thôi thúc trẻ chơi game liên tục đến mức quên ăn quên ngủ. Dần dần trẻ sẽ xuất hiện các biểu hiện nghiện game đi kèm với trầm cảm.

Nghiện game đôi khi cũng có thể là nguyên nhân gây trầm cảm. Bởi việc gia tăng dopamine liên tục sẽ gây mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ – đặc biệt là hiện tượng giảm serotonin ở khe synap. Đây là cơ chế trực tiếp của trầm cảm nên bệnh nhân sẽ xuất hiện nhóm biểu hiện trầm cảm sau một thời gian nghiện game.

3. Nhận biết rối loạn tâm thần do nghiện game

Rối loạn tâm thần do nghiện game hiện đang ảnh hưởng đến khoảng 10% người từ 15 – 30 tuổi. Nghiện game được xác định khi dành ít nhất 2 giờ đồng hồ mỗi ngày để chơi game, thời gian kéo dài trên 1 tháng và có đầy đủ 2 nhóm triệu chứng (thứ nhất là nhóm triệu chứng nghiện, thứ 2 là nhóm triệu chứng trầm cảm).

Để phát hiện sớm rối loạn tâm thần do nghiện game, gia đình cần quan tâm đến những biểu hiện bất thường của trẻ. Dưới đây là một số triệu chứng thường gặp ở những trẻ bị rối loạn tâm thần do nghiện game:

3.1. Triệu chứng nghiện game

Triệu chứng nghiện game có biểu hiện khá giống với nghiện ma túy. Bệnh nhân rối loạn tâm thần do nghiện game sẽ có ít nhất hai trong số những triệu chứng sau đây:

nhận biết rối loạn tâm thần do nghiện game
Người nghiện game luôn có cảm giác thèm muốn chơi game và không thể kiểm soát cảm giác này
  • Thèm muốn chơi game không thể kiểm soát: Tương tự như nghiện rượu bia và chất kích thích, bệnh nhân nghiện game luôn có cảm giác thèm muốn chơi game và không thể kiểm soát cảm xúc này. Biểu hiện thường thấy là dành nhiều thời gian để chơi game, liên tục nói về game và giảm dần hứng thú, sự quan tâm với những khía cạnh khác trong cuộc sống.
  • Chơi game không ngừng nghỉ: Khi bị nghiện game, cảm giác hứng thú và phấn khích thôi thúc bệnh nhân chơi game trong nhiều giờ liền. Tình trạng này lặp đi lặp lại trong nhiều ngày gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc học và sức khỏe. Khi gia đình phàn nàn và la mắng, bệnh nhân thường bào chữa bằng cách nói dối bản thân đang tìm hiểu thông tin để phục vụ cho việc học và công việc.
  • Không kiểm soát được thời gian chơi game: Người nghiện game hầu như không thể kiểm soát thời gian chơi game của bản thân. Bệnh nhân thường chơi game liên tục trong nhiều giờ liền và đôi khi không chú ý đến thời gian học tập, ăn uống, ngủ nghỉ,…
  • Không quan tâm đến những khía cạnh khác: Người nghiện game chỉ có hứng thú duy nhất với game, bệnh nhân không còn quan tâm đến bất cứ những khía cạnh khác từ việc học, gia đình, bạn bè,… Thậm chí nhiều người không tắm rửa, vệ sinh cá nhân hay ăn uống vì muốn tập trung tuyệt đối vào việc chơi game.
  • Dành nhiều tiền cho việc chơi game: Người nghiện game thường tốn nhiều tiền để mua sắm màn hình, máy tính,… nhằm phục vụ cho việc chơi game. Một số người còn nói dối gia đình để có tiền phục vụ cho sở thích này.
  • Che giấu cảm xúc bằng việc chơi game: Một đặc điểm thường thấy ở những người nghiện game là luôn tìm đến game khi đối mặt với những cảm xúc khó chịu, căng thẳng và những tình huống không mong đợi trong cuộc sống. Họ chìm đắm trong thế giới ảo để trốn tránh áp lực và trách nhiệm trong cuộc sống thực.
  • Cảm xúc bất ổn: Khi chơi game, người bệnh có cảm giác phấn khích và hưng phấn. Tuy nhiên, rất nhanh sau đó, người bệnh có thể trở nên u uất, buồn bã và thất vọng. Rất nhiều người nghiện game có biểu hiện trầm cảm xảy ra ở hầu hết thời gian trong ngày và chỉ cảm thấy vui vẻ trong thời gian chơi game.

3.2. Nhóm triệu chứng trầm cảm

Ngoài nhóm triệu chứng nghiện, bệnh nhân nghiện game còn có biểu hiện trầm cảm liên quan đến hiện tượng giảm serotonin ở khe synap. Những biểu hiện này khởi phát từ từ và có xu hướng nghiêm trọng dần theo thời gian.

dấu hiệu rối loạn tâm thần do nghiện game
Người bị rối loạn tâm thần do nghiện game còn có biểu hiện trầm cảm với cảm xúc không ổn định và khí sắc giảm thấp

Nhóm triệu chứng trầm cảm thường gặp ở bệnh nhân rối loạn tâm thần do nghiện game:

  • Khí sắc giảm thấp: Dấu hiệu điển hình nhất của trầm cảm là khí sắc giảm thấp. Nếu quan sát kỹ sẽ thấy người bệnh có khuôn mặt buồn bã, ngơ ngác, u sầu và nét mặt đơn điệu. Thỉnh thoảng, bệnh nhân có thể trở nên cáu kỉnh, tức giận vì lý do nào đó. Tuy nhiên, rất nhanh sau đó người bệnh sẽ quay lại tình trạng khí sắc giảm và trạng thái này kéo dài hầu hết thời gian trong ngày.
  • Mất hứng thú và giảm sự quan tâm: Người nghiện game thường chỉ cảm thấy hứng thú khi chơi game và hầu như không còn sự quan tâm với bất cứ khía cạnh nào trong cuộc sống – kể cả những sở thích trước đây. Ở độ tuổi học đường, trẻ thường bỏ bê việc học, không ăn uống hay ngủ nghỉ mà dành thời gian trong ngày để chìm đắm trong game online.
  • Chán ăn, ăn uống kém: Serotonin chi phối cảm giác thèm ăn và tạo sự ngon miệng khi ăn uống. Tình trạng giảm serotonin sẽ khiến bệnh nhân chán ăn và ăn uống kém. Thậm chí, nhiều người chơi game nhiều ngày liền mà không ngủ nghỉ hay ăn uống. Một số người chỉ ăn để có năng lượng nên ăn rất ít và đa phần đều có hiện tượng sụt cân.
  • Mất ngủ: Đặc điểm thường thấy của người nghiện game là ngủ rất ít, trung bình mỗi ngày chỉ ngủ khoảng 2 giờ đồng hồ. Thứ nhất là do giảm serotonin ảnh hưởng đến nồng độ melatonin (hormone tạo cảm giác thư giãn và buồn ngủ). Thứ hai là vì bản thân người bệnh không muốn ngủ, thay vào đó dùng thời gian ngủ để chơi game online.
  • Rối loạn tâm thần vận động: Ngoài những biểu hiện về cảm xúc, người nghiện game cũng sẽ có hiện tượng rối loạn tâm thần vận động với biểu hiện như lờ đờ, thiếu sức sống, thực hiện các hoạt động chậm chạp,… Tuy nhiên, phản ứng của bệnh nhân trở nên nhanh nhạy khi chơi game. Nếu bị cấm cản chơi game, bệnh nhân sẽ đi lại liên tục, trở nên kích động, tức giận và cáu kỉnh.
  • Giảm năng lượng: Giảm năng lượng là một trong những dấu hiệu thường thấy của người bị rối loạn tâm thần do nghiện game. Lý do là vì thiếu serotonin khiến cơ thể uể oải và mệt mỏi. Ngoài ra, tình trạng ngủ ít, chán ăn và ít vận động cũng là nguyên nhân gây ra hiện tượng này.
  • Có cảm giác tội lỗi, vô dụng: Ngoại trừ những lúc chơi game, thời gian còn lại bệnh nhân thường chìm đắm trong sự buồn bã và bi quan. Người bệnh thường có suy nghĩ bản thân là kẻ vô dụng vì không làm được bất cứ việc gì có ích. Họ cũng có thể nhận thức được nghiện game là điều không đúng đắn nhưng không có động lực để thay đổi. Khi đối mặt với cảm giác tuyệt vọng và đau khổ, họ lại tiếp tục chơi game để xoa dịu tâm trạng. Tuy nhiên sau khi ngừng chơi game, cảm giác tội lỗi, vô dụng lại xuất hiện với mức độ nghiêm trọng hơn trước. Về lâu dài, bệnh nhân mất khả năng phê phán về hành vi nghiện game của bản thân.
  • Khó tập trung và đưa ra quyết định: Người nghiện game thường khó tập trung, suy nghĩ chậm và khó đưa ra các quyết định dù không quan trọng. Lý do là vì chỉ tập trung vào game mà không còn chú ý đến những vấn đề khác. Hơn nữa, vì từ lâu họ đã không tư duy, suy nghĩ nên não bộ sẽ trở nên chậm chạp hơn trước. Ngoài ra, tình trạng bỏ bê việc học, ít giao tiếp, sống khép kín,… cũng khiến bệnh nhân mất đi tri thức và không có đủ năng lực để đưa ra phán đoán, quyết định.
  • Ý nghĩ, hành vi tự sát: Cảm giác tội lỗi sẽ tăng dần theo thời gian khiến người bệnh có ý nghĩ về cái chết. Họ tỏ ra bi quan, tiêu cực về cuộc sống và mất hoàn toàn những cảm xúc tích cực. Về lâu dài, những cảm xúc này dồn nén và chồng chất thôi thúc người bệnh thực hiện hành vi tự sát để giải thoát bản thân.

Các triệu chứng của nghiện game thường khá rõ ràng. Nếu chú ý, gia đình và nhà trường sẽ dễ dàng nhận biết. Tuy nhiên đối với người đã trưởng thành, biểu hiện sẽ khó nhận biết hơn.

4. Tác hại của các rối loạn tâm thần do nghiện game

Rối loạn tâm thần do nghiện game ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Trên thực tế, rất nhiều người vẫn chưa ý thức được mức độ nghiêm trọng của chứng bệnh này. Mọi người chỉ đơn thuần nghĩ rằng, nghiện game là cảm giác thích thú, phấn khích thoáng qua. Tuy nhiên, về bản chất nghiện game có ảnh hưởng nặng nề không thua kém nghiện ma túy và nghiện rượu.

Ảnh hưởng đầu tiên của chứng nghiện game là bỏ bê việc học, công việc dẫn đến mất tri thức, không có năng lực và phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp, khó tìm kiếm việc làm. Trẻ nhỏ nghiện game lớn lên có thể sống phụ thuộc vào gia đình vì hoàn toàn không có khả năng lao động.

Nghiện game khiến cho trẻ mất đi tư duy, sự sáng tạo và linh hoạt. Thực tế, không ít người đã bước vào tuổi trưởng thành nhưng trí tuệ chỉ ở độ tuổi thanh thiếu niên. Điều này cho thấy nghiện game ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển trí tuệ. Người trưởng thành nghiện game cũng dần trở nên chậm chạp khi suy nghĩ, tư duy, khó tập trung và mất đi khả năng phán đoán do mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ.

Bên cạnh đó, không ít người nghiện game có các hành vi liều lĩnh, gây hấn với mục đích có tiền để phục vụ cho việc chơi game. Nếu không có biện pháp can thiệp, tần suất và mức độ của những hành vi sẽ tăng dần lên theo thời gian.

tác hại của rối loạn tâm thần do nghiện game
Nghiện game làm tăng tỷ lệ nghiện rượu bia, hút thuốc lá, sử dụng ma túy và các chất gây nghiện khác

Trong những năm gần đây, không khó để tìm thấy những bài báo có nội dung liên quan đến việc hành hung và thậm chí là sát hại người khác chỉ vì muốn có tiền để chơi game. Ngoài ra, nghiện game cũng làm tăng tỷ lệ nghiện rượu, hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích và các hành vi vi phạm pháp luật.

Mặt khác, nghiện game online còn gây ra sự suy kiệt về thể chất. Vì chơi game liên tục nên bệnh nhân đều bị thiếu ngủ và không ăn uống. Lâu dần sức khỏe suy giảm, sụt cân, người xanh xao và uể oải. Thậm chí, có một số người đã tử vong do kiệt sức vì chơi game trong liên tục nhiều ngày liền.

Cảm giác tội lỗi, vô dụng do nghiện game gây ra thôi thúc bệnh nhân nghĩ về cái chết. Người bệnh có thể thực hiện hành vi tự sát để giải thoát bản thân khỏi những đau khổ và các vấn đề trong cuộc sống. Nếu nhìn tổng quát hơn, rối loạn tâm thần do nghiện rượu gây ra gánh nặng cho chính gia đình bệnh nhân và xã hội.

5. Phương pháp giải quyết

Việc điều trị rối loạn tâm thần do nghiện game không hề dễ dàng và cần tốn thời gian dài để thực sự đưa người bệnh về với đúng những nhận thức bình thường. Họ có thể cần phải yêu cầu cách ly hoàn toàn với các thiết bị công nghệ có thể gợi nhắc đến game, mục đích chính là để ngăn chặn các ham muốn chơi game.

Để giải quyết chứng bệnh này có hiệu quả hơn, bạn nên tham khảo hai phương pháp chính sau:

5.1. Giải pháp thực hiện tại nhà

Theo chia sẻ của chuyên gia tâm lý trị liệu Trần Nguyễn Anh Dũng, hiện đang công tác tại Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam, gia đình chiếm vai trò đến 60% – 70% trong suốt quá trình điều trị.

chữa nghiện game gây rối loạn tâm thần
Nghiện game gây rối loạn tâm thần có thể hỗ trợ tại nhà

Nếu người bệnh được phép điều trị tại nhà thì gia đình cần tạo môi trường thích hợp, phối hợp chặt chẽ với bệnh viện để đẩy nhanh tiến độ điều trị cũng như ngăn ngừa nguy cơ tái phát trở lại. Gia đình cũng nên tham gia các buổi trị liệu tâm lý cùng bệnh nhân, từ đó biết cách kiểm soát sớm các trạng thái bất thường nếu có.

Một số giải pháp thực hiện tại nhà điều trị chứng rối loạn tâm thần do nghiện game có thể kể đến như:

  • Không nên để các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại trong tầm nhìn của bệnh nhân.
  • Nếu cần sử dụng, các thành viên trong gia đình cũng nên hạn chế dùng trước mặt bệnh nhân.
  • Tránh nhắc tới game online các các vấn đề khác liên quan đến game trong thời gian đầu.
  • Chú ý khuyên nhủ, động viên người bệnh một cách nhẹ nhàng.
  • Tuyệt đối không nên la mắng hay đánh bệnh nhân vì như vậy sẽ vô tình tạo ra tác dụng ngược.
  • Theo dõi người bệnh sát sao, phòng tránh trường hợp người bệnh trốn ra ngoài chơi.
  • Tâm sự, sẻ chia, quan tâm tới người bệnh để tạo cho họ cảm giác được chú ý.
  • Hướng bệnh nhân đến các hoạt động lành mạnh, ưu tiên những hoạt động ngoài trời để quên đi ham muốn chơi game.Ví dụ như cùng nhau đi du lịch, đi leo núi, học võ hay học một bộ môn nào đó.
  • Không nên tạo cho bệnh nhân cảm giác bản thân mình vô dụng, quá rảnh rỗi khiến họ cảm thấy chân tay bứt rứt. Thay vào đó nên nhờ bệnh nhân làm các công việc đơn giản như cùng nhau nấu cơm, dọn dẹp đồ đạc.
  • Nếu có điều kiện, gia đình có thể đưa bệnh nhân về các vùng quê để hít thở không khí trong lành, tránh sử dụng được các thiết bị điện tử.
  • Bổ sung chế độ dinh dưỡng đầy đủ, khoa học để cải thiện thể lực từ bên trong.

5.2. Giải pháp tâm lý trị liệu

Thực tế đã cho thấy rằng, việc nói chuyện với những người nghiện game có thể gặp khá nhiều khó khăn. Lý do là bởi họ đã sống trong thế giới ảo quá lâu nên dần mất đi một số kỹ năng xã hội. Lúc này, việc tìm đến sự hỗ trợ của các chuyên gia tâm lý trị liệu là vô cùng cần thiết.

tâm lý trị liệu chữa nghiện game
Giải pháp tâm lý trị liệu tại NHC Việt Nam đang được nhiều người tin tưởng

Với các biện pháp chuyên môn, chuyên gia tâm lý trị liệu sẽ dần khai mở tâm trí, từ đó giúp khách hàng mở lòng chia sẻ, tìm cách để giải quyết các vấn đề khúc mắc, lo lắng của họ. Chuyên gia cũng giải thích về bệnh tật để bệnh nhân hiểu được tình trạng của bản thân mình, từ đó cố gắng vượt qua hơn.

Thông qua các kỹ thuật/quy trình tâm lý trị liệu, chuyên gia tâm lý trị liệu cũng giúp điều chỉnh suy nghĩ, hành động của khách hàng theo đúng hướng thông thường. Ngoài ra, họ cũng sẽ có động lực để rèn luyện các kỹ năng xã hội để giúp họ sau trị liệu sớm hòa nhập lại với cộng đồng.

Chuyên gia tâm lý trị liệu Trần Nguyễn Anh Dũng có chuyên môn cao, luôn tận tâm và chuyên nghiệp trong công việc, hiện tại đang công tác tại Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh. 

Đây là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực tâm lý trị liệu ở Việt Nam dựa trên quy mô lớn, hoạt động chuyên nghiệp và bài bản. Các chuyên gia tâm lý trị liệu được đào tạo bài bản từ Hiệp hội NLP Hoa Kỳ, sử dụng kỹ thuật chuyên môn để giúp khách hàng điều chỉnh những hành vi và cảm xúc tiêu cực của mình và vượt qua được những giai đoạn khó khăn, thử thách, từ đó khôi phục sức khỏe nhanh chóng.

Cũng theo chuyên gia Trần Nguyễn Anh Dũng, rối loạn tâm thần do nghiện game ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại. Thế nhưng chúng ta hoàn toàn có thể đẩy lùi được nếu có sự chung tay phối hợp giữa gia đình, khách hàng và chuyên gia tâm lý trị liệu.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Rối loạn tâm thần do nghiện game đã và đang trở thành vấn đề đáng lo ngại đối với sức khỏe, cuộc sống của trẻ em, trẻ vị thành niên và người trẻ tuổi. Nâng cao nhận thức về bệnh lý này sẽ giúp bệnh nhân có cơ hội được thăm khám và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, gia đình và nhà trường cũng cần thực hiện những biện pháp để phòng ngừa nghiện game ở trẻ trong độ tuổi học đường.

Tham khảo thêm:

5/5 - (2 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *