Sa sút trí tuệ ở người trẻ ngày càng tăng do đâu?
Sa sút trí tuệ là tình trạng bị suy giảm về nhận thức hay còn được gọi là mất trí, lú lẫn thường xảy ra ở người cao tuổi, đặc biệt là người trên 65 tuổi. Tuy nhiên, dựa vào số liệu thống kê trong thời gian gần đây nhận thấy rằng, tỉ lệ mắc bệnh sa sút trí tuệ ở người trẻ đang ngày càng gia tăng theo các năm.
Sa sút trí tuệ ở người trẻ – Thực trạng hiện nay
Theo nhận định của Tổ chức Y tế Thế giới WHO thì sa sút trí tuệ chính là một hội chứng có tính chất mạn tính hoặc có khả năng tiến triển tự nhiên. Đây là một bệnh lý có liên quan đến chức năng của não bộ, làm ngưng trệ đến quá trình hoạt động truyền thông tin và lưu trí của não. Sa sút trí tuệ hay còn được biết đến với rất nhiều những tên gọi khác như suy giảm chức năng nhận thức, suy giảm trí nhớ,…
Những người mắc phải chứng bệnh này thường có sự suy giảm tư duy, nhận thức không đúng với kỳ vọng của những người bình thường ở cùng độ tuổi đó. Tình trạng này sẽ gây ảnh hưởng đến suy nghĩ, trí nhớ, định hướng, khả năng hiểu, sử dụng ngôn ngữ, tính toán, phán đoán nhưng sẽ không tác động đến ý thức.
Tuy rằng tuổi tác được xem là yếu tố lớn nhất có thể ảnh hưởng đến chứng bệnh này nhưng đây không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra bệnh. Thực tế hiện nay, có rất nhiều những người trẻ cũng gặp phải các triệu chứng sa sút trí tuệ bởi nhiều nguyên do khác nhau. Hầu hết các bệnh nhân đều không thể phát hiện các dấu hiệu cảnh báo sớm bởi những triệu chứng của bệnh thường liên quan đến trí nhớ, không bộc lộc cụ thể.
Sa sút trí tuệ hiện đang ngày càng trẻ hóa, có rất nhiều người trẻ trên toàn thế giới mắc phải căn bệnh này mà ngay cả bản thân họ cũng không thể nhận biết được. Tờ The New York Times cho biết rằng, trong hầu hết 5.3 triệu người Mỹ đang đối mặt với chứng bệnh Alzheimer hoặc một số dạng sa sút trí tuệ đều ở trên độ tuổi 65 thì hiện đang có khoảng gần 200.000 người dưới 65 tuổi cũng đang phát triển những vấn đề về trí nhớ, suy nghĩ ở giai đoạn sớm.
Theo tiến sĩ David S Knopman – một nhà thần kinh học tại Mayo Clinic ở Rochester, thuộc bang Minnesota (Mỹ) cho biết “Chứng mất trí nhớ khởi phát ở giới trẻ là một hiện tượng rất đáng quan ngại, vì nó ảnh hưởng đến những năm tháng quan trọng nhất trong cuộc đời của họ”. Có những trường hợp mắc bệnh ngay độ tuổi 40 đến 50, khi họ đang trên đỉnh cao của sự nghiệp và chưa sẵn sàng để nghỉ ngơi, về hưu.
Trong một cuộc phân tích được thực hiện bởi 74 nhà nghiên cứu của Hà Lan nhận thấy rằng, trên toàn thế giới hiện có đến hơn 3.9 triệu người trẻ dưới 65 tuổi mắc phải chứng sa sút trí tuệ. Kết quả của cuộc nghiên cứu này cũng đã được công bố trên tạp chí JAMA Neurology vào tháng 9 năm 2021, theo đó cứ 100.000 người từ 30 đến 64 tuổi thì sẽ có khoảng 119 người mắc phải chứng sa sút trí tuệ ở giai đoạn sớm.
Bên cạnh đó, việc chẩn đoán hội chứng sa sút trí tuệ ở người trẻ cũng gặp nhiều khó khăn và cần tốn nhiều thời gian, đòi hỏi các bác sĩ phải biết cách đưa ra những câu hỏi khai thác phù hợp. Bên cạnh đó, cần phải tiến hành quét não để loại trừ những khả năng xuất hiện khối u trong não. Nếu có thể phát hiện sớm và áp dụng các biện pháp điều trị phù hợp thì triệu chứng bệnh cũng có thể được kiểm soát và cải thiện hiệu quả.
Dấu hiệu nhận biết chứng sa sút trí tuệ ở người trẻ
Các biểu hiện sa sút trí tuệ ở người trẻ thường khá khó nhận biết bởi nó không biểu hiện một cách rõ ràng mà chỉ là các vấn đề liên quan đến trí nhớ. Tuy nhiên, nếu có thể chú ý quan sát thì bạn vẫn có thể phát hiện ra những dấu hiệu bất thường như:
1. Bị mất trí nhớ ngắn hạn
Trí nhớ là vấn đề bị ảnh hưởng đầu tiên đối với những người mắc chứng sa sút trí tuệ. Người bệnh sẽ có dấu hiệu bị mất trí nhớ ngắn hạn, họ có thể quên mất mình cần làm những việc gì hoặc không thể nhớ được những đồ vật mình đã cất ở đây.
Nếu tình trạng này biểu hiện ở mức độ nặng hơn thì bệnh nhân có thể nhớ được những sự kiện đã từng xảy ra trong quá khứ nhưng lại quên đi những điều vừa mới xuất hiện gần đây, họ có xu hướng sống trong quá khứ. Hoặc nghiêm trọng nhất đó chính là tình trạng người bệnh quên luôn các sự kiện đã xảy ra trước đó.
2. Thay đổi về tâm trạng hoặc hành vi
Sa sút trí tuệ có thể khiến con người dần bị biến đổi về tính cách, họ bắt đầu trở nên khó tính, dễ cáu gắt, nóng giận hơn. Hoặc một số trường hợp sẽ mất kiểm soát, không thể kiềm chế bản thân mà nói ra những câu nói vô nghĩa, cười cợt không đúng hoàn cảnh hoặc thậm chí là chống đối, đả kích người khác.
Bệnh nhân có thể quên hoặc sử dụng sau các từ ngữ kể cả những từ đơn giản hay dùng hàng ngày. Họ cũng sẽ nói chậm chạp hơn, thường xuyên lặp đi lặp lại những lời nói khó hiểu. Ngoài ra, một số trường hợp bị sa sút trí tuệ còn có hành vi không đúng đắn, người bệnh gặp khó khăn trong việc kiềm chế được ham muốn và có thể gây ra nhiều ảnh hưởng cho những người xung quanh.
3. Khó khăn trong việc tiếp thu thông tin, kỹ năng, ý tưởng mới
Những trường hợp bị sa sút trí tuệ ở người trẻ thường sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc học hỏi và tiếp nhận thêm nhiều thông tin mới mẽ. Bên cạnh đó, một vài bệnh nhân còn mắc phải chứng ám ảnh hành vi, hoang tưởng, rối loạn giấc ngủ, chán ăn, sút cân, trầm cảm hoặc hay bịa ra những câu chuyện không thật.
Đối với các trường hợp bệnh nặng còn có thể khiến bệnh nhân bị mất trí nhớ ngắn hạn, dài hạn, khó khăn trong việc đi lại, khó nuốt. Thường thì người bệnh sẽ không có ý thức về các triệu chứng bất thường của mình và tất nhiên họ sẽ khó nhận biết được mình đang mắc bệnh.
4. Hay bối rối, không thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ đơn giản
Sa sút trí tuệ ở người trẻ thường sẽ khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn, cản trở trong việc tiếp nhận và thực hiện các công việc hàng ngày, dù đó chỉ là những nhiệm vụ đơn giản như đánh răng, rửa mặt, thay quần áo, tắm rửa,…Bệnh nhân thường không quan tâm đến việc chăm sóc bản thân của chính mình.
Hoặc một số trường hợp khác có thể trở nên lơ đãng, bỏ ngang hoặc thậm chí là quên đi những việc mình đang làm. Bệnh nhân sẽ dễ cảm thấy bối rối khi hoạt động trong các môi trường mới hoặc tiếp xúc với những người xa lạ. Họ có thể bị mất phương hướng, không định vị được không gian và thời gian, không phân biệt được buổi sáng hay buổi chiều.
5. Sự thờ ơ
Nếu như một người đột nhiên không có bất kì cảm xúc nào đối với các sự việc xảy ra xung quanh, họ tỏ thái độ thờ ơ, vô cảm và mất dần sự hứng thú đối với hầu hết các hoạt động bên ngoài thì họ cần được kiểm tra nguy cơ bị sa sút trí tuệ. Theo đó, các chuyên gia cho biết rằng, sự thờ ơ chính là một trong các dấu hiệu nhận biết chứng sa sút trí tuệ ở giai đoạn đầu của người trẻ. Người bệnh dường như không còn bất kì ham muốn hay sự yêu thích nào bên ngoài, họ không muốn làm bất cứ công việc gì.
Nguyên nhân khiến người trẻ bị sa sút trí tuệ
Theo y khoa thì sa sút trí tuệ còn được gọi với tên khác là rối loạn thần kinh nhận thức. Đây được xem là tình trạng bị suy giảm về trí nhớ, khả năng chú ý, học tập, sự tập trung và đưa ra quyết định. Ngoài tuổi tác thì chứng rối loạn này còn có thể khởi phát sớm bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Cụ thể như:
1. Bệnh Alzheimer
Cũng giống với các trường hợp bệnh ở người lớn tuổi, bệnh Alzheimer chính là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng sa sút trí tuệ ở người trẻ. Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt nhất định về những biểu hiện và triệu chứng giữa hai đối tượng này.
Đối với người lớn tuổi thì bệnh sẽ thường khởi phát bởi các dấu hiệu về trí nhớ. Còn đối với các trường hợp bệnh ở người trẻ thì sẽ dễ gặp những vấn đề về lời nói, thị lực, khả năng lập kế hoạch, ra quyết định hoặc làm thay đổi hành vi.
Theo số liệu thống kê thì có đến gần 1/3 số người trẻ mắc phải chứng bệnh Alzheimer không điển hình, trong đó có khoảng 5% người lớn tuổi bị chứng bệnh này. Đây cũng là một chứng bệnh có liên quan đến di truyền. Các triệu chứng bệnh càng xuất hiện sớm thì khả năng do di truyền càng cao.
2. Do mạch máu
Chỉ xếp sau bệnh Alzheimer, mạch máu chính là nguyên nhân phổ biến có thể gây ra chứng sa sút trí tuệ ở nhiều người trẻ. Một số bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc những vấn về về tim mạch chính là yếu tố nguy cơ có thể làm gia tăng khả năng khởi phát bệnh sớm.
Các triệu chứng của sa sút trí tuệ thường sẽ xảy ra khi cơ thể gặp vấn đề trong quá trình cung cấp máu cho não bộ. Nó có sự liên quan mật thiết đối với bệnh tiểu đường hoặc các bệnh tim mạch như bệnh tim hoặc đột quỵ. Theo thống kê nhận thấy có khoảng 15% người trẻ mắc phải chứng sa sút trí tuệ do mạch máu.
Các chuyên gia cho biết thêm, có một dạng di truyền của chứng mất trí nhớ mạch máu được gọi với tên là CADASIL (bệnh động mạch chi phối não tự phát với nhồi máu dưới màng cứng và bệnh não chất trắng). Tình trạng này rất hiếm nhưng phổ biến nhất ở các độ tuổi từ 30 đến 50. Người bệnh sẽ đau nửa đầu, tâm trạng thấp, đột quỵ lặp đi lặp lại nhiều lần, mất khả năng tâm thần. CADASIL xuất phát bởi sự khiếm khuyết bên trong gen (NOTCH3) và được di truyền tương tự như bệnh Alzheimer gia đình.
3. Các nguyên nhân khác
Những tổn thương có sự liên quan đến rượu bia cũng thường xảy ra ở độ tuổi 50. Những người có thói quen lạm dụng bia rượu, uống nhiều rượu sẽ gây nên tình trạng bị thiếu hụt vitamin B1. Cũng chính vì thế mà các tế bào thần kinh dễ bị tổn thương, gây chấn thương dầu và hạn chế việc ăn uống. Có khoảng 10% các trường hợp người trẻ bị sa sút trí tuệ do ảnh hưởng của bia rượu.
Sa sút trí tuệ do sử dụng quá nhiều bia rượu sẽ có phần khác với các trường hợp khởi phát bệnh vì nguyên nhân khác. Cũng bởi, người bệnh có khả năng được kiểm soát hoặc có thể cải thiện tốt khi được điều trị kịp thời, thực hiện chế độ tập luyện và ăn uống lành mạnh.
Bên cạnh đó, sa sút trí tuệ ở người trẻ cũng có thể xuất phát từ một vài lý do khác như thiếu vitamin B12, rối loạn nội tiết (tuyến thượng thận, bệnh tuyến giáp), nhiễm trùng (HIV),…Hầu hết các nguyên nhân này nếu có thể phát hiện ở giai đoạn sớm đều có khả năng cải thiện và khắc phục tốt.
Sa sút trí tuệ ở người trẻ ảnh hưởng như thế nào?
Một điều khá ngạc nhiên đã được chia sẻ bởi rất nhiều nghiên cứu khoa học, đó chính là các tế bào thần kinh ở độ tuổi từ 20 đến 25 đã bắt đầu bị thoái hóa. Cụ thể hơn đó chính là có đến hơn 3.000 các tế bào não dần bị chết đi mỗi ngày mà không có khả năng sản sinh thêm.
Ngoài ra, những gốc tự do bên trong cùng với các yếu tố bên ngoài gây ảnh hưởng khiến cho quá trình thoái hóa càng diễn ra một cách nhanh chóng và nghiêm trọng hơn, từ đó dẫn đến tình trạng bị sa sút trí tuệ ở người trẻ tuổi. Tình trạng này gây nên nhiều tác động tiêu cực đối với những hoạt động hàng ngày của người bệnh.
1. Ảnh hưởng đến cuộc sống
Cuộc sống chính là thứ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất mà tình trạng sa sút trí tuệ có thể gây ra đối với người trẻ. Bạn có thể dễ nhận thấy điều này thông qua các hoạt động sinh hoạt đời thường của người bệnh. Họ có thể liên tục quên đi những điều hết sức đơn giản, chẳng hạn như quên mang ví khi đi chợ, bỏ quên chìa khóa cửa, quên tắt bếp khi nấu ăn,….
Nếu tình trạng này liên tục tiếp diễn và không có biện pháp khắc phục tốt thì sẽ dần làm thay đổi tâm trạng và cả hành vi của bệnh nhân. Họ có thể trở nên cáu gắt, dễ tức giận, khó tính, nóng nảy hơn và tất nhiên điều này sẽ gây cản trở đối với các mối quan hệ, thậm chí là rạn nứt những mối quan hệ tốt đẹp.
2. Ảnh hưởng đến công việc
Hầu hết những người mắc phải chứng sa sút trí tuệ đều sẽ khó tập trung, thường hay lơ đễnh, không chú ý vào bất kì công việc gì, kể cả học tập và các việc làm quan trọng. Khi bị suy giảm về trí nhớ thì đồng thời nhận thức và tư duy giải quyết vấn đề cũng sẽ bị sa sút theo.
Chính vì thế mà người bệnh thường phản ứng chậm chạp với mọi thứ diễn ra xung quanh, họ không còn khả năng để đáp ứng và giải quyết tốt mọi vấn đề trong cuộc sống. Do đó, kết quả học tập, hiệu suất làm việc của họ sẽ bị giảm đi một cách đáng kể.
3. Ảnh hưởng đến sức khỏe
Theo đánh giá của các chuyên gia thì tình trạng sa sút trí tuệ ở người trẻ nếu không được kiểm soát và khắc phục tốt thì não bộ sẽ dần bị mất đi quyền điều khiển những cơ quan khác trong cơ thể và làm ảnh hưởng trực tiếp đối với sức khỏe của bệnh nhân hoặc thậm chí là mất đi cơ hội phục hồi. Người bệnh sẽ có nguy cơ đối diện với chứng teo não, tổn thương chất trắng, chết tế bào não hoặc tổn thương mạch máu não.
Giải pháp khắc phục tình trạng sa sút trí tuệ ở người trẻ
Nếu nghi ngờ bản thân hoặc những người thân bên cạnh đang mắc chứng sa sút trí tuệ thì bạn cần tìm gặp bác sĩ chuyên khoa nhanh chóng. Lời khai của các thành viên trong gia đình hoặc những người trực tiếp chăm sóc, sinh hoạt chung đóng vai trò quan trọng cho việc chẩn đoán bệnh. Cũng bởi đôi khi người bệnh sẽ không tự ý thức được triệu chứng của mình và không còn đủ minh mẫn để đáp ứng các câu hỏi của bác sĩ.
Sau đó, bệnh nhân sẽ được thực hiện một số bài kiểm tra, tiến hành xét nghiệm máu, hình ảnh học để có thể đưa ra đánh giá lâm sàng chính xác nhất. Đối với các trường hợp người bệnh bị mất trí nhớ sớm, tiền sử gia đình có người bị Alzheimer sẽ được cân nhắc tiến hành xét nghiệm gen.
Sau khi đã xác định được cụ thể tình trạng bệnh của mỗi người thì bác sĩ chuyên khoa sẽ tư vấn và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh mà quá trình điều trị sẽ có kết quả khác nhau, có thể khỏi hoàn toàn nhưng cũng có trường hợp chỉ có thể làm giảm triệu chứng và làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.
Các phương pháp thường được áp dụng như:
1. Sử dụng thuốc điều trị
Sử dụng thuốc là một trong các phương pháp luôn được áp dụng đối với tình trạng sa sút trí tuệ ở người trẻ lẫn người cao tuổi. Tùy thuộc vào mỗi tình trạng bệnh khác nhau mà bệnh nhân sẽ có một số bệnh lý đi kèm và cách phản ứng thuốc riêng biệt.
Chính vì thế, bác sĩ sẽ cân nhắc thật kỹ lưỡng để kê đơn thuốc phù hợp nhất cho mỗi trường hợp bệnh. Quá trình sử dụng thuốc, người thân cũng cần theo dõi và quan sát để đảm bảo răng người bệnh dùng thuốc đúng theo yêu cầu của bác sĩ, hạn chế các tình huống xấu có thể xảy ra.
2. Phương pháp không dùng thuốc
Bên cạnh việc sử dụng thuốc điều trị thì người bệnh sa sút trí tuệ cũng cần phải biết cách rèn luyện một cơ thể khỏe mạnh nhằm khắc phục tốt các triệu chứng của bệnh gây ra. Chính vì thế, mỗi bệnh nhân cần xây dựng cho mình một chế độ sinh hoạt lành mạnh và tích cực.
Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, ăn uống đầy đủ chất, cải thiện chất lượng giấc ngủ, không hút thuốc hay sử dụng các chất kích thích như rượu bia. Đồng thời cần phải cân bằng trạng thái tâm lý, quản lý căng thẳng.
Sa sút trí tuệ tưởng chừng chỉ là vấn đề của người già nhưng hiện nay nó đang có xu hướng trẻ hóa và xuất hiện nhiều ở những người trẻ. Hi vọng qua những thông tin trong bài viết này, bạn đọc sẽ hiểu hơn về căn bệnh này và có cách phát hiện, điều trị phù hợp.
Tham khảo thêm:
- Hội chứng sợ gián (Blatophobia): Nguyên nhân và cách vượt qua
- Hội chứng ăn đêm: Biểu hiện và Một số tác hại đến sức khỏe
- Hội chứng Pica là gì? Triệu chứng và phương pháp điều trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!