Hội chứng ăn đêm: Biểu hiện và Một số tác hại đến sức khỏe

Hội chứng ăn đêm (Night Eating Syndrome) là một dạng rối loạn ăn uống xảy ra chủ yếu ở người trưởng thành – đặc biệt là nữ giới. Hội chứng này có thể khởi phát đơn độc hoặc đi kèm với các rối loạn ăn uống khác như rối loạn ăn vô độ và chứng ăn – ói. Nếu không được can thiệp sớm, người bệnh có thể gặp phải nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

hội chứng ăn đêm là gì
Hội chứng ăn đêm thường gặp ở nữ giới trong độ tuổi thanh thiếu niên và đầu giai đoạn trưởng thành

Hội chứng ăn đêm là gì?

Hội chứng ăn đêm (Night Eating Syndrome – NES) là một trong những dạng rối loạn ăn uống khá phổ biến. Thuật ngữ này đề cập đến tình trạng ăn rất ít vào ban ngày, bữa ăn đầu tiên thường diễn ra vào buổi chiều và có xu hướng ăn nhiều vào ban đêm.

Những người mắc hội chứng NES thường chán ăn vào buổi sáng và hầu như không cảm thấy đói. Lượng thức ăn dung nạp vào ban ngày thường rất ít. Tuy nhiên vào ban đêm, cảm giác thèm ăn thôi thúc bệnh nhân ăn nhiều và lượng thức ăn cung cấp khoảng ¼ calo trong ngày. Tương tự như các dạng rối loạn ăn uống khác, bệnh nhân bị hội chứng ăn đêm luôn có cảm giác xấu hổ, chán nản và tội lỗi về thói quen ăn uống của bản thân.

Hội chứng ăn đêm lần đầu tiên được đề cập vào năm 1955 bởi Bác sĩ tâm thần Albert Stunkard. Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện nhưng hội chứng này chỉ mới được công nhận là rối loạn ăn uống cách đây không lâu. Theo thống kê, khoảng 1.5% dân số thế giới phải đối mặt với hội chứng ăn đêm và thường xảy ra ở người bị béo phì.

Dấu hiệu nhận biết hội chứng ăn đêm

Hội chứng ăn đêm có triệu chứng khá rõ ràng. Tuy nhiên, những người xung quanh có thể không phát hiện ra bất thường nếu không chú ý đến hành vi ăn uống của người bệnh. Khoảng 25% bệnh nhân mắc hội chứng này đi kèm với một số rối loạn ăn uống khác như rối loạn ăn uống vô độ và chứng ăn – ói.

dấu hiệu của hội chứng ăn đêm
Người mắc hội chứng ăn đêm thường ăn uống quá mức vào ban đêm và có xu hướng ăn rất ít vào ban ngày

Người bị hội chứng ăn đêm (NES) sẽ có những biểu hiện như sau:

  • Tiêu thụ một lượng lớn thức ăn sau bữa tối và lượng calo thường chiếm khoảng ¼ tổng calo trong ngày.
  • Bệnh nhân thường chán ăn và không có cảm giác đói vào buổi sáng. Bữa ăn đầu tiên thường diễn ra vào buổi chiều với lượng thức ăn tương đối hạn chế.
  • Thức dậy nhiều lần trong đêm và liên tục dung nạp thức ăn với niềm tin rằng hành vi ăn đêm sẽ giúp cải thiện giấc ngủ và giúp bản thân ngủ lại nhanh chóng. Mỗi đêm, bệnh nhân có thể thức dậy khoảng vài lần.
  • Sau khi ăn đêm, người bệnh thường có cảm giác tội lỗi, xấu hổ, chán nản và đau khổ về thói quen ăn uống của bản thân. Đặc biệt, những cảm giác này thường xảy ra khi bệnh nhân nhớ lại những thứ đã ăn vào ban đêm.

Hội chứng ăn đêm chỉ được chẩn đoán khi tình trạng ăn đêm diễn ra từ 3 tháng trở lên và tần suất ăn đêm xảy ra ít nhất 2 – 3 lần/ tuần. Một số chuyên gia cho rằng, NES là biến thể của chứng ăn vô độ tâm thần và chứng ăn – ói.

Hiện tại, hội chứng ăn đêm được xếp vào nhóm các rối loạn ăn uống khác (tức là những hội chứng có biểu hiện rối loạn ăn uống nhưng không đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán là các chứng rối loạn ăn uống điển hình). Ngoài hành vi ăn uống bất thường, bệnh nhân còn gặp phải rối loạn về cảm xúc. Do đó, một số bệnh nhân mắc hội chứng ăn đêm có thể phát triển chứng trầm cảm, rối loạn lo âu và nghiện chất.

Nguyên nhân gây ra hội chứng ăn đêm (NES)

Nguyên nhân gây ra hội chứng ăn đêm (NES) chưa được nghiên cứu. Tuy nhiên, một số yếu tố đã được xác định có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh như:

1. Rối loạn giấc ngủ nhịp sinh học

Việc liên tục thức dậy vào ban đêm ở bệnh nhân mắc hội chứng NES được xác định có liên quan đến rối loạn giấc ngủ nhịp sinh học. Tình trạng này đặc trưng bởi việc khó chìm vào giấc ngủ, thức dậy quá sớm, thức dậy nhiều lần trong thời gian ngủ và khó có thể ngủ lại. Rối loạn giấc ngủ nhịp sinh học thường có liên quan đến rối loạn đồng hồ sinh học do stress, làm việc quá sức, giờ giấc sinh hoạt bị xáo trộn,…

nguyên nhân gây hội chứng ăn đêm
Rối loạn giấc ngủ nhịp sinh học được xác định là yếu tố gia tăng nguy cơ mắc hội chứng ăn đêm

Vì đồng hồ sinh học bị rối loạn nên những người mắc chứng bệnh này thường chậm tiêu thụ thức ăn. Giả thuyết này tương đối hợp lý vì bệnh nhân mắc hội chứng ăn đêm gần như không đói vào buổi sáng và bắt đầu bữa ăn khá muộn (thường là buổi chiều).

2. Chế độ ăn kiêng cực đoan

Theo một số chuyên gia, hội chứng ăn đêm có thể là phản ứng của cơ thể với chế độ ăn kiêng cực đoan. Thực tế, không ít người kiêng cữ quá mức với mong muốn có được vóc dáng thon thả và mảnh mai. Tuy nhiên, dung nạp quá ít thức ăn vào ban ngày sẽ khiến cơ thể bị thiếu hụt năng lượng.

Vì vậy khi về đêm, não bộ sẽ liên tục “phát” tín hiệu tạo ra cảm giác thèm ăn và thôi thúc ăn nhiều vào ban đêm. Về lâu dài, ăn đêm sẽ trở thành thói quen. Ăn vào ban đêm thường sẽ gây tăng cân do quá trình trao đổi chất và tiêu hóa bị ngưng trệ. Do đó, bệnh nhân sẽ có cảm giác tội lỗi, thất vọng vì kế hoạch giảm cân thất bại, cơ thể tăng cân và béo phì.

3. Các yếu tố khác

Hội chứng ăn đêm cũng có thể liên quan đến những yếu tố như:

  • Mất cân bằng hormone
  • Có các rối loạn ăn uống như chứng ăn vô độ tâm thần hoặc chứng ăn – ói
  • Tiền sử rối loạn lo âu, lạm dụng chất và trầm cảm
  • Người bị béo phì phải thực hiện chế độ ăn đặc biệt
  • Di truyền (các chuyên gia nhận thấy người bị khiếm khuyết về gen PER1 sẽ có nguy cơ mắc hội chứng ăn đêm cao hơn)

Để tìm ra nguyên nhân chính xác gây hội chứng ăn đêm, các chuyên gia sẽ phải nghiên cứu thêm. Tuy nhiên, những nghiên cứu đã được thực hiện đều cho thấy, hội chứng NES xảy ra chủ yếu ở những người có lối sống không điều độ.

Hội chứng ăn đêm có nguy hiểm không?

Hội chứng ăn đêm được đánh giá có mức độ ít nghiêm trọng hơn so với các rối loạn ăn uống khác như chứng chán ăn tâm thần, chứng ăn – ói và chứng ăn vô độ tâm thần. Tuy nhiên, khoảng 25% bệnh nhân đi kèm với các rối loạn ăn uống khác. Những trường hợp mắc đồng thời nhiều dạng rối loạn ăn uống sẽ có tiên lượng xấu hơn so với những trường hợp chỉ bị hội chứng ăn đêm.

Thói quen ăn uống không lành mạnh khiến bệnh nhân mắc hội chứng NES phải đối mặt với nhiều vấn đề thể chất. Bên cạnh đó, cảm giác tội lỗi về hành vi ăn uống và lo lắng về ngoại hình của bản thân cũng gia tăng nhiều vấn đề tâm lý.

hội chứng ăn đêm có nguy hiểm không
Bệnh nhân mắc hội chứng ăn đêm phải đối mặt với chứng béo phì và nhiều vấn đề sức khỏe mãn tính

Những ảnh hưởng của hội chứng ăn đêm đối với sức khỏe và cuộc sống của bệnh nhân:

  • Béo phì: Đa số bệnh nhân bị hội chứng ăn đêm đều phải đối mặt với tình trạng béo phì. Lý do là vì chế độ ăn không lành mạnh và thường xuyên ăn đêm. Hơn nữa, giấc ngủ bị gián đoạn cũng làm cản trở quá trình trao đổi chất và gia tăng lượng mỡ tích trữ trong cơ thể.
  • Các vấn đề sức khỏe mãn tính: Ngoài chứng béo phì, hội chứng ăn đêm còn gia tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe mãn tính như tiểu đường, cao huyết áp, thiếu máu não, rối loạn giấc ngủ,… Với những bệnh nhân có sẵn các bệnh mãn tính, hội chứng ăn đêm có thể khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn và gia tăng các biến chứng nguy hiểm.
  • Gia tăng các vấn đề tâm lý: Rối loạn ăn uống nói chung và hội chứng ăn đêm nói riêng đều gây ra những ảnh hưởng nhất định đối với tâm lý. Người mắc chứng bệnh này luôn có cảm giác tội lỗi, xấu hổ về hành vi của bản thân. Đồng thời luôn lo lắng, bận tâm quá mức về việc tăng cân và hình thể mập mạp. Nếu không được điều trị, những cảm xúc tiêu cực này có thể phát triển gây ra những vấn đề như stress, trầm cảm và rối loạn lo âu.

Thực tế, hội chứng ăn đêm hiếm khi đe dọa đến sức khỏe như chứng chán ăn tâm thần. Tuy nhiên, nếu không được thăm khám sớm, chứng bệnh này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Dù không phải là nguyên nhân trực tiếp gây tử vong nhưng hội chứng ăn đêm làm trầm trọng các bệnh lý sẵn có và gia tăng nguy cơ đột tử, đột quỵ.

Chẩn đoán hội chứng ăn đêm

Hội chứng ăn đêm đã được đề cập đầy đủ trong DSM-5. Hiện nay, các bác sĩ chuyên khoa Tâm thần đều sử dụng tiêu chuẩn này để đưa ra chẩn đoán xác định. Ngoài khám lâm sàng, một số xét nghiệm cận lâm sàng cũng được thực hiện để xác định nguyên nhân và phát hiện các biến chứng có liên quan đến hội chứng ăn đêm.

Các kỹ thuật chẩn đoán hội chứng ăn đêm:

  • Bảng câu hỏi khai thác triệu chứng
  • Đo đa ký giấc ngủ (Polysomnography)

Sau khi thực hiện một số xét nghiệm, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán cuối cùng. Hội chứng ăn đêm chỉ được chẩn đoán khi bệnh nhân ăn quá nhiều vào ban đêm và tình trạng này phải kéo dài ít nhất 3 tháng. Đồng thời các triệu chứng bệnh nhân gặp phải không phải do những vấn đề sức khỏe mãn tính, lạm dụng chất hoặc do các rối loạn tâm thần khác.

Các phương pháp điều trị hội chứng ăn đêm

Hội chứng ăn đêm gây ra những ảnh hưởng lâu dài đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Tương tự như các rối loạn ăn uống khác, không có giải pháp tối ưu cho hội chứng này. Tuy nhiên, qua nhiều nghiên cứu được thực hiện, các chuyên gia nhận thấy sử dụng thuốc, tâm lý trị liệu và quang trị liệu thực sự mang lại hiệu quả trong quá trình điều trị.

1. Sử dụng thuốc

Sử dụng thuốc là phương pháp đầu tiên được cân nhắc cho bệnh nhân mắc hội chứng ăn đêm. Hiện tại, phương pháp này không được áp dụng phổ biến vì lợi ích mang lại không cao so với rủi ro tiềm ẩn. Thuốc thường được cân nhắc khi bệnh nhân bị gián đoạn nhịp sinh học và có biểu hiện trầm cảm, lo âu.

Các nhóm thuốc được cân nhắc sử dụng cho bệnh nhân mắc hội chứng ăn đêm:

  • Thuốc ức chế tái hấp thụ serotonin có chọn lọc (SSRIs) bao gồm Sertraline, Fluvoxamine, Paroxetine,…
  • Viên uống bổ sung melatonin hoặc cung cấp các tiền chất của hormone melatonin

Các nhóm thuốc được sử dụng trong điều trị hội chứng ăn đêm mang lại tác dụng khá chậm. Thông thường, hiệu quả thuốc sẽ phát huy sau 6 – 8 tuần sử dụng và bệnh nhân sẽ phải dùng thuốc lâu dài để nhận thấy tác dụng đầy đủ. Trong thời gian dùng thuốc, gia đình cần hỗ trợ để bệnh nhân dùng thuốc đều đặn và phát hiện sớm các tác dụng ngoại ý.

2. Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu hiện là phương pháp được ưu tiên trong điều trị hội chứng ăn đêm. Phương pháp này tỏ ra hiệu quả trong việc thay đổi những thói quen ăn uống không lành mạnh và điều chỉnh quan niệm méo mó, cực đoan về ngoại hình.

Tâm lý trị liệu được chia thành nhiều phương pháp khác nhau và mỗi phương pháp sẽ có những ưu nhược điểm riêng. Tùy theo tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân, chuyên gia sẽ lựa chọn liệu pháp phù hợp. Đối với hội chứng ăn đêm, liệu pháp nhận thức hành vi và tái cấu trúc nhận thức là hai phương pháp được đánh giá cao về hiệu quả.

điều trị hội chứng ăn đêm
Hiện tại, tâm lý trị liệu được đánh giá là phương pháp có hiệu quả nhất trong điều trị hội chứng ăn đêm
  • Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT): CBT được đánh giá là phương pháp có hiệu quả nhất trong điều trị rối loạn ăn uống nói chung và hội chứng ăn đêm. Trong liệu pháp này, chuyên gia sẽ giúp bệnh nhân thay đổi những suy nghĩ tiêu cực dẫn đến thói quen ăn uống không lành mạnh. Sau khi can thiệp CBT, bệnh nhân có thể xây dựng thói quen ăn khoa học, thay đổi suy nghĩ cực đoan về hình thể và gạt bỏ cảm giác xấu hổ, tội lỗi về hành vi ăn uống của bản thân.
  • Tái cấu trúc nhận thức: Tái cấu trúc nhận thức thực chất là một phần của liệu pháp nhận thức hành vi (CBT). Liệu pháp này giúp bệnh nhân xác định những suy nghĩ phù hợp và không phù hợp. Với sự hỗ trợ của chuyên gia, bệnh nhân mắc hội chứng ăn đêm có thể loại bỏ những suy nghĩ không phù hợp, từ đó xây dựng hành vi và có cảm xúc tích cực hơn. Tái cấu trúc nhận thức củng cố các suy nghĩ đúng đắn và giúp bệnh nhân xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh một cách lâu dài.

Tâm lý trị liệu giúp ích rất nhiều trong việc thay đổi những thói quen ăn uống cực đoan. Đồng thời góp phần giải tỏa cảm xúc và hướng người bệnh đến lối sống lành mạnh. Tuy nhiên, quá trình trị liệu thường mất nhiều thời gian nên gia đình cần động viên để bệnh nhân kiên trì hoàn tất trị liệu.

3. Quang trị liệu

Quang trị liệu (liệu pháp ánh sáng) – phương pháp thường được sử dụng để điều trị rối loạn cảm xúc theo mùa cũng được cân nhắc cho bệnh nhân mắc hội chứng ăn đêm. Phương pháp này sử dụng ánh sáng nhân tạo có cơ chế tương tự như tia UV trong ánh nắng mặt trời để điều hòa đồng hồ sinh học và cải thiện nồng độ hormone melatonin (hormone được tiết ra vào ban đêm nhằm giúp cơ thể thư giãn và ngủ ngon).

Quang trị liệu sẽ được thực hiện vào buổi sáng nhằm thiết lập lại đồng hồ sinh học. Tác động của tia UV kích thích quá trình trao đổi chất, tạo cảm giác thèm ăn và đói vào ban ngày. Điều này sẽ giúp bệnh nhân cung cấp gần như đầy đủ calo thông qua 3 bữa ăn chính Bên cạnh đó, liệu pháp ánh sáng cũng kích thích tuyến tùng sản sinh melatonin vào ban đêm để cơ thể dễ chìm vào giấc ngủ và ngủ ngon giấc hơn.

Tại thời điểm hiện tại, quang trị liệu chưa được áp dụng rộng rãi trong điều trị hội chứng ăn đêm. Thực tế, có rất ít nghiên cứu về hiệu quả của phương pháp này. Tuy nhiên, liệu pháp ánh sáng về cơ bản là an toàn nên một số trường hợp đáp ứng kém vẫn được cân nhắc thực hiện.

4. Các biện pháp hỗ trợ

Hội chứng ăn đêm không chỉ ảnh hưởng đến thói quen ăn uống mà còn làm gián đoạn giấc ngủ và gia tăng nhiều vấn đề sức khỏe thể chất. Để kiểm soát bệnh lý này, bệnh nhân nên thăm khám sớm và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Bên cạnh đó, có thể kết hợp thêm với một số biện pháp hỗ trợ như:

night eating syndrome
Bệnh nhân nên ăn uống đủ bữa và xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh để thay đổi những thói quen ăn uống cực đoan
  • Chỉ mua đủ thức ăn cho 3 bữa ăn và đảm bảo không còn thức ăn vào ban đêm. Cách này sẽ giúp bệnh nhân hạn chế được hành vi ăn đêm, qua đó giúp cải thiện cân nặng và giảm nguy cơ mắc một số bệnh lý mãn tính.
  • Gia đình nên hỗ trợ người bệnh xây dựng thực đơn ăn uống lành mạnh và cân bằng. Khuyến khích bệnh nhân dậy sớm và bắt đầu bữa ăn đầu tiên trong ngày trước 10:00. Ban đầu, điều này tương đối khó khăn vì cơ thể người bệnh chưa quen với chế độ sinh hoạt. Tuy nhiên nếu nỗ lực, bệnh nhân có thể điều chỉnh đồng hồ sinh học và giảm được những hành vi ăn uống cực đoan.
  • Hạn chế tiếp xúc với những thông tin tiêu cực liên quan về thẩm mỹ và tiêu chuẩn cái đẹp. Thay vào đó, bệnh nhân nên dành thời gian rảnh rỗi để tham gia các hoạt động xã hội. Niềm vui từ hoạt động thiện nguyện sẽ giúp người bệnh giảm sự quan tâm về ngoại hình, đồng thời giữ được tinh thần sống lạc quan và vui vẻ.
  • Bệnh nhân bị hội chứng ăn đêm thường phải đối mặt với chứng béo phì và một số vấn đề sức khỏe có liên quan. Do đó, nên xây dựng chế độ ăn ít calo và hạn chế đường để điều chỉnh cân nặng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bệnh nhân nên ăn kiêng ở mức độ vừa phải, tránh ăn kiêng quá mức vào ban ngày vì điều này sẽ thúc đẩy phản ứng ăn uống quá mức vào ban đêm.
  • Bệnh nhân nên tập thể dục 30 – 40 phút/ ngày để cải thiện vóc dáng và cân nặng. Ngoài ra, hoạt động thể chất cũng giúp ích trong việc điều hòa đồng hồ sinh học, thúc đẩy quá trình tiêu hóa và trao đổi chất. Một số nghiên cứu cho thấy, tập thể dục đều đặn giúp điều chỉnh cảm giác thèm ăn bất thường. Điều này đồng nghĩa với việc tập thể dục thường xuyên có thể giảm phần nào những thói quen ăn uống cực đoan ở bệnh nhân bị rối loạn ăn uống.

Hội chứng ăn đêm là một trong dạng rối loạn ăn uống đã được công nhận. Mặc dù vậy, những hiểu biết về hội chứng này còn tương đối hạn chế. Đa số bệnh nhân vô tình phát hiện mắc hội chứng NES khi thăm khám về chứng béo phì và các vấn đề sức khỏe có liên quan. Để bảo vệ sức khỏe, nên chủ động thăm khám nếu nghi ngờ bản thân có thói quen ăn uống cực đoan kéo dài từ 1 tháng trở lên.

Tham khảo thêm:

5/5 - (2 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *