Bệnh Alzheimer: Nguyên nhân, biểu hiện, chẩn đoán và điều trị

Alzheimer là một căn bệnh nghiêm trọng nhưng chưa được quan tâm đúng mức do đến nay hiểu biết về bệnh trong cộng đồng vẫn còn hạn chế. Việc nắm rõ các thông tin về bệnh sẽ giúp phát hiện và can thiệp sớm. Quá trình điều trị nhằm mục đích làm chậm tiến triển của bệnh và giúp người bệnh có cuộc sống tốt hơn.

bệnh Alzheimer
Alzheimer là căn bệnh nguy hiểm cần sớm phát hiện và can thiệp điều trị

Alzheimer là bệnh gì?

Bệnh Alzheimer là dạng sa sút trí tuệ phổ biến nhất, chiếm khoảng 60 – 70% các trường hợp sa sút trí tuệ trên toàn thế giới. Đây là một chứng rối loạn não tiến triển dần dần gây ra tình trạng thoái hóa các tế bào thần kinh. Từ đó dẫn đến mất trí nhớ và thay đổi suy nghĩ, hành vi.

Theo Hiệp hội bệnh Alzheimer Hoa Kỳ thì có đến 1/10 người trên 65 tuổi và gần 1/3 trong số những người trên 85 tuổi của quốc gia này mắc bệnh Alzheimer. Các số liệu tương tự cũng đã được báo cáo tại nhiều quốc gia khác, với hàng triệu trường hợp được chẩn đoán mới mỗi năm trên khắp thế giới.

Alzheimer là một căn bệnh tiến triển nên các triệu chứng thường có xu hướng phát triển chậm và xấu đi theo thời gian. Hay quên nhẹ (đặt nhầm chìa khóa, quên tên hay lặp lại các câu hỏi,…) cuối cùng sẽ chuyển thành suy giảm trí nhớ lan rộng.

Khi các tế bào quan trọng dần chết đi thì những thay đổi mạnh mẽ đối với trí nhớ và tính cách của bạn sẽ diễn ra. Điều này dẫn tới các vấn đề về tâm trạng và hành vi khiến cho bạn không thể nhớ, giao tiếp, xử lý thông tin hay thực hiện các chức năng của cuộc sống thường ngày.

Hiện nay vẫn chưa có phương pháp chữa khỏi bệnh Alzheimer. Tuy nhiên việc phát hiện, chẩn đoán sớm và tìm kiếm sự giúp đỡ sẽ giúp kiểm soát bệnh tốt hơn. Việc làm chậm tiến triển của bệnh sẽ giúp bạn kéo dài sự độc lập và duy trì chất lượng cuộc sống.

Bệnh Alzheimer khởi phát sớm:

Các triệu chứng của bệnh Alzheimer khởi phát sớm xuất hiện trước 65 tuổi, thường xảy ra ở tuổi trung niên, thậm chí sớm nhất là ở độ tuổi 30. Nó được thấy thường xuyên hơn ở những người có cha mẹ hoặc ông bà cũng phát triển căn bệnh này khi còn trẻ.

Nhận biết các triệu chứng bệnh Alzheimer ở mọi lứa tuổi là điều không dễ dàng. Ở độ tuổi trung niên trở xuống, bệnh có thể gây ra nhiều thách thức hơn đối với các mối quan hệ, công việc và cả cuộc sống gia đình. Bệnh Alzheimer khởi phát sớm ảnh hưởng đến khoảng 5% bệnh nhân Alzheimer nói chung.

mô hình não bệnh Alzheimer
Mô hình não của người khỏe mạnh (bên trái) và của bệnh nhân Alzheimer (bên phải)

Dấu hiệu cảnh báo bệnh Alzheimer

Bệnh Alzheimer thường không được chẩn đoán sớm trong giai đoạn đầu. Ngay cả ở những người tới thăm khám bác sĩ về các vấn đề trí nhớ của họ.

Nhận biết sớm các triệu chứng là rất quan trọng để giúp hỗ trợ chẩn đoán và can thiệp điều trị sớm. Bởi trên thực tế, thuốc để kiểm soát các triệu chứng sẽ có hiệu quả nhất trong giai đoạn đầu của bệnh.

Các dấu hiệu cảnh báo bệnh Alzheimer bao gồm:

  • Mất trí nhớ tiến triển: Ban đầu chỉ có trí nhớ ngắn hạn bị suy giảm, người bệnh chỉ có vẻ đãng trí. Tuy nhiên trí nhớ ngắn hạn rất cần thiết để tiếp thu các thông tin mới nên sự suy giảm này sẽ cản trở khả năng tương tác xã hội cũng như thực hiện công việc. Trí nhớ dài hạn có thể được lưu giữ lâu hơn nhưng nó sẽ trở nên rời rạc khi bệnh tiến triển.
  • Suy giảm khả năng nhận thức: Triệu chứng này có thể bắt đầu một cách rất tinh vi như hoạt động kém hiệu quả trong một hoạt động mà người bệnh đã từng làm tốt. Khả năng phán đoán kém và thiếu sáng suốt nên có thể dẫn tới tai nạn.
  • Thay đổi tâm trạng và tính cách: Những thay đổi này thường là bằng chứng thuyết phục nhất giúp người thân phát hiện ra có điều gì đó không ổn. Sự thờ ơ là phổ biến nhất. Nhiều người còn mất hứng thú đối với các hoạt động thường ngày của họ. Một người có thể trở nên thu mình, cáu kỉnh hay thù địch. Trầm cảm cũng có thể sẽ đi kèm với bệnh Alzheimer.
  • Mất ngôn ngữ: Thuật ngữ này đề cập tới sự suy giảm khả năng sử dụng và hiểu ngôn ngữ. Do nói, viết, đọc và hiểu lời nói có liên quan tới các vùng ngôn ngữ và các mạng lưới thần kinh khác nhau. Chứng mất ngôn ngữ thường bắt đầu với những khó khăn trong việc tìm từ. Điều này dẫn tới mô tả dài dòng, không đúng trọng tâm hoặc gây ra thái độ giận dữ, từ chối thảo luận thêm về vấn đề.
  • Rối loạn chức năng tri giác: Khả năng xử lý thông tin cảm giác kém đi, không thể hiểu được ý nghĩa của những gì họ nhìn thấy. Họ có thể tin rằng vợ/ chồng là kẻ mạo danh, không nhận ra hình ảnh phản chiếu của mình trong gương hay trở nên sợ hãi trước những âm thanh bình thường.
  • Mất phối hợp động tác: Không có khả năng thực hiện các kỹ năng vận động cơ bản. Chẳng hạn như đi bộ, mặc quần áo hay ăn một bữa ăn. Điều này hoàn toàn khác với tình trạng yếu hay tê liệt do đột quỵ. Mất phối hợp động tác đầu tiên có biểu hiện rõ ràng ở các cử động tay. Chẳng hạn như thể hiện ở dạng chữ viết tay không đọc được hoặc sự vụng về trong việc cài cúc quần áo.
  • Các vấn đề về hành vi: Có thể bao gồm bướng bỉnh, chống lại sự chăm sóc hoặc từ chối các hoạt động không an toàn, đi lang thang, sử dụng ngôn từ tục tĩu hoặc lăng mạ, đi lạc, giấu đồ, tham gia vào các hành vi không phù hợp, mặc quá ít hoặc quá nhiều quần áo, đi tiểu ở những nơi không phù hợp,…
  • Phản ứng thái quá: Người bệnh có thể phản ứng cảm xúc mạnh mẽ với một vấn đề nhỏ. Bao gồm khóc lóc vô cớ, chửi thề, la hét, kích động, từ chối tham gia hoạt động hay tấn công người khác. Các tác nhân thông thường là căng thẳng, mệt mỏi và không hiểu tình huống. Tuy nhiên hành vi này là do rối loạn chức năng não và nằm ngoài tầm kiểm soát của người bệnh.
  • Hội chứng hoàng hôn: Thuật ngữ này đề cập tới các vấn đề hành vi trở nên tồi tệ hơn vào cuối buổi chiều và buổi tối. Nguyên nhân được lý giải là do khả năng chịu đựng căng thẳng của người bệnh giảm xuống vào cuối ngày.
  • Rối loạn tâm thần: Có khoảng 4 trong 10 người mắc bệnh Alzheimer sẽ bị rối loạn tâm thần. Biểu hiện cụ thể là chứng ảo giác hoặc hoang tưởng tái diễn. Suy nghĩ rối loạn dẫn tới ảo giác và ảo tưởng xảy ra không thường xuyên. Đồng thời nó có xu hướng không đúng trong các dạng rối loạn tâm thần khác.
dấu hiệu cảnh báo bệnh Alzheimer
Thay đổi tâm trạng là một trong những dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh Alzheimer

Các giai đoạn của bệnh Alzheimer

Alzheimer là một bệnh tiến triển, tức là các triệu chứng của bệnh sẽ có xu hướng tồi tệ dần theo thời gian. Có 7 giai đoạn chính được chia làm 2 nhóm như sau:

– Giai đoạn 1: Hành vi bên ngoài bình thường

Bệnh Alzheimer có xu hướng khởi phát âm thầm. Những thay đổi ở não thường bắt đầu từ nhiều năm trước khi bất cứ ai nhận ra vấn đề. Giai đoạn đầu này thường không có bất kỳ triệu chứng nào có thể phát hiện ra.

Ở giai đoạn 1, chỉ có chụp PET (xét nghiệm hình ảnh cho thấy não hoạt động thế nào) mới có thể tiết lộ liệu một người có mắc bệnh hay không. Khi bước sang 6 giai đoạn tiếp theo thì người thân hoặc bạn bè của bệnh nhân Alzheimer sẽ thấy ngày càng có nhiều thay đổi trong suy nghĩ và lý lẽ của họ.

– Giai đoạn 2: Những thay đổi rất nhẹ

Bạn vẫn có thể sẽ chưa nhận thấy bất cứ điều gì bất thường trong hành vi của người bệnh. Tuy nhiên có thể sẽ có những khác biệt nhỏ mà ngay cả bác sĩ cũng không nắm bắt được. Chẳng hạn như việc quên từ hay đặt nhầm đồ vật.

Ở giai đoạn 2, các triệu chứng “tinh tế” của bệnh không ảnh hưởng tới khả năng làm việc hay sống độc lập của họ. Nhưng hãy nhớ rằng, các triệu chứng này có thể không phải là bệnh Alzheimer mà đơn giản chỉ là những thay đổi bình thường do lão hóa.

– Giai đoạn 3: Suy giảm nhẹ

Lúc này, bạn có thể bắt đầu nhận thấy những thay đổi trong suy nghĩ và lý lẽ của người bệnh. Chẳng hạn như:

  • Hỏi đi hỏi lại cùng một câu hỏi
  • Quên một điều gì đó mà họ vừa mới đọc
  • Ngày càng gặp nhiều khó khăn khi lập kế hoạch hay tổ chức
  • Không thể nhớ tên khi gặp người mới
triệu chứng giai đoạn 3 của bệnh Alzheimer
Ở giai đoạn 3, người bệnh có thể quên ngay một điều gì đó mà họ vừa mới đọc

– Giai đoạn 4: Suy giảm vừa phải

Trong giai đoạn này, những vấn đề trong suy nghĩ và lý lẽ được nhận thấy ở giai đoạn 3 sẽ trở nên rõ ràng hơn. Đồng thời cũng có thêm những vấn đề mới xuất hiện. Người bệnh có thể:

  • Quên tiểu tiết về bản thân họ
  • Gặp khó khăn khi ghi đúng ngày và số tiền trên hóa đơn
  • Quên tháng hoặc quên mùa
  • Gặp khó khăn khi nấu các bữa ăn hay thậm chí là gọi món từ thực đơn
  • Khó sử dụng điện thoại
  • Không hiểu những gì người khác nói với họ
  • Khó thực hiện các công việc có nhiều bước, chẳng hạn như dọn dẹp nhà cửa

– Giai đoạn 5: Suy giảm nghiêm trọng vừa phải

Người bệnh có thể bắt đầu không nhận biết được họ đang ở đâu và mấy giờ rồi. Họ có thể gặp khó khăn khi nhớ địa chỉ, số điện thoại hay nơi họ đã đi học, làm việc. Họ có thể bối rối về việc lựa chọn quần áo để mặc cho ngày hoặc mùa.

– Giai đoạn 6: Suy giảm nghiêm trọng

Khi bệnh Alzheimer tiến triển, người bệnh có thể vẫn nhận ra khuôn mặt nhưng lại quên tên. Họ cũng có thể bị nhầm lẫn một người với người khác. Chẳng hạn như họ nghĩ rằng vợ là mẹ của họ. Ảo tưởng có thể xuất hiện, chẳng hạn như nghĩ rằng họ cần phải làm ngay cả khi không còn việc để làm nữa.

Ở giai đoạn này, người bệnh có thể phải vật lộn để tự ăn, mặc quần áo hay vệ sinh cá nhân. Họ cũng có thể phải đối mặt với các vấn đề như giảm cân, viêm phổi, nhiễm trùng da, khó khăn khi đi bộ hay những thay đổi trong cách ngủ.

– Giai đoạn 7: Suy giảm rất nghiêm trọng

Trong giai đoạn này, nhiều khả năng cơ bản của người bệnh như ăn uống, đi lại, khả năng nói và biểu hiện trên khuôn mặt sẽ mất dần. Đây là giai đoạn nặng nhất và cuối cùng của bệnh Alzheimer, người bệnh sẽ cần rất nhiều sự trợ giúp từ người chăm sóc.

Các nguyên nhân gây bệnh Alzheimer

Nguyên nhân chính xác của bệnh Alzheimer vẫn chưa được hiểu một cách đầy đủ. Ở mức độ cơ bản thì các protein trong não hoạt động bất thường làm gián đoạn hoạt động của các tế bào thần kinh. Từ đó gây ra một loạt các sự kiện độc hại. Các tế bào thần kinh bị tổn thương sẽ mất dần kết nối với nhau và cuối cùng chết đi.

Có 3 nhóm nguyên nhân chính liên quan đến sự phát triển bệnh Alzheimer bao gồm:

  • Đại thể: Sự teo não lan tỏa với các nếp nhăn vỏ não giãn rộng. Cùng với đó là các khe rãnh và các não thất cũng có dấu hiệu giãn rộng.
  • Vi thể: Sự giảm sút đáng kể trong các nơ ron, đặc biệt là tại hồi mã hải, chất vô danh, vùng vỏ não trán, nhân đỏ và thái dương đỉnh. Xuất hiện các đám rối tơ thần kinh cấu tạo từ các sợi xoắn kép, các mảng não suy (Senile plaques) cùng với sự lắng đọng mảng amyloid và các thể hốc hạt.
  • Hóa thần kinh: Sự giảm sút rõ rệt của chất dẫn truyền thần kinh acetylcholin cùng các chất dẫn truyền thần kinh và điều hòa thần kinh khác.
nguyên nhân gây bệnh Alzheimer
Tổn thương các tế bào thần kinh có liên quan đến sự phát triển bệnh Alzheimer

Một số yếu tố rủi ro có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:

  • Tuổi tác: Tuổi tác càng tăng là yếu tố nguy cơ lớn nhất đối với căn bệnh này. Mặc dù bệnh Alzheimer không phải là một phần của quá trình lão hóa bình thường nhưng khi bạn già đi thì khả năng mắc bệnh sẽ tăng lên.
  • Lịch sử gia đình và di truyền: Nguy cơ phát triển bệnh của bạn sẽ cao hơn nếu người thân cấp một mắc bệnh. Hầu hết các cơ chế di truyền của căn bệnh này trong các gia đình vẫn chưa giải thích được. Các yếu tố di truyền có thể sẽ rất phức tạp.
  • Hội chứng Down: Thống kê cho thấy, nhiều người mắc hội chứng Down phát triển bệnh Alzheimer. Các triệu chứng của bệnh Alzheimer có xu hướng xuất hiện sớm hơn từ 10 – 20 năm ở những người mắc hội chứng Down so với dân số nói chung.
  • Giới tính: Có vẻ có rất ít sự khác biệt về nguy cơ giữa nam giới và nữ giới. Tuy nhiên nhìn chung thì có nhiều phụ nữ mắc bệnh hơn do họ thường sống lâu hơn nam giới.
  • Suy giảm nhận thức nhẹ (MCI): Đây là sự suy giảm trí nhớ hay các kỹ năng tư duy khác lớn hơn bình thường so với độ tuổi của một người. Tuy nhiên sự suy giảm này không ngăn cản họ hoạt động trong môi trường và công việc. Trên thực tế, những người bị MCI có khả năng phát triển bệnh Alzheimer đáng kể.
  • Chấn thương đầu: Những người bị chấn thương đầu nặng có nhiều nguy cơ mắc bệnh Alzheimer hơn. Một số nghiên cứu cho thấy, ở những người từ 50 tuổi trở nên bị chấn thương sọ não (TBI) thì nguy cơ phát triển các dạng sa sút trí tuệ tăng lên. Nguy cơ có thể cao nhất trong vòng 6 tháng đến 2 năm đầu tiên sau khi bị TBI.
  • Ô nhiễm không khí: Đây là yếu tố có thể làm gia tăng tốc độ thoái hóa của hệ thần kinh. Việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm, nhất là khí thải giao thông và củi đốt có liên quan tới nguy cơ mất trí nhớ cao.
  • Uống rượu quá mức: Uống một lượng lớn rượu trong thời gian dài là nguyên nhân phổ biến gây ra các thay  đổi về não bộ. Một số nghiên cứu cho thấy, các rối loạn do sử dụng rượu có liên quan tới việc gia tăng nguy cơ sa sút trí tuệ. Đặc biệt là chứng sa sút trí tuệ ở giai đoạn đầu.
  • Ngủ kém: Giấc ngủ có vai trò đặc biệt quan trọng với sức khỏe tổng thể nói chung và hệ thần kinh nói riêng. Các kiểu ngủ kém như khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu giấc được biết đến là có liên quan tới việc gia tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.

Tiên lượng và biến chứng

Đặc điểm chính của bệnh Alzheimer là khởi phát bằng triệu chứng suy giảm trí nhớ và có xu hướng tiến triển nặng dần. Qua thời gian tiến triển của bệnh, bệnh nhân sẽ xuất hiện trầm cảm, rối loạn lo âu, mất ngủ, hoang tưởng, kích động,…

Khi bệnh nặng lên, bệnh nhân Alzheimer cần phải nhận được hỗ trợ trong các hoạt động cơ bản hằng ngày. Chẳng hạn như tắm rửa, mặc quần áo hay đi vệ sinh. Cuối cùng sẽ có các triệu chứng khó khăn khi đi lại và khó nuốt. Nhiều khi phải cho người bệnh ăn qua sonde, triệu chứng khó nuốt có thể gây ra viêm phổi do hít.

Thời gian từ lúc chẩn đoán xác định cho tới tử vong thường kéo dài khoảng 3 – 10 năm. Bệnh nhân khởi phát Alzheimer từ trẻ thường sẽ tiến triển nhanh và rầm rộ hơn. Nguyên nhân tử vong thường gặp nhất có liên quan tới các bệnh thứ phát như viêm phổi.

Chẩn đoán bệnh Alzheimer như thế nào?

Không dễ dàng để chẩn đoán bệnh Alzheimer. Trên thực tế, căn bệnh này chỉ có thể được chẩn đoán xác định sau khi người bệnh chết đi bằng cách tiến hành khám nghiệm tử thi và dùng kính hiển vi để nghiên cứu các mô của não.

Khi bạn đi thăm khám, các bác sĩ có thể xem xét các triệu chứng và tiền sử bệnh. Sau đó tiến hành khám sức khỏe và thần kinh. Bác sĩ cũng có thể thực hiện một loạt các bài kiểm tra nhằm xác định xem bạn có các triệu chứng như lú lẫn, mất trí nhớ, khó suy luận hoặc khó tập trung hay không.

Bạn cũng có thể cần tiến hành quét hình ảnh và kiểm tra trong phòng thí nghiệm nhằm loại trừ các bệnh lý khác. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể đề xuất một thủ thuật kéo cột sống nhằm kiểm tra các dấu hiệu của bệnh.

Dưới đây là các phương pháp giúp chẩn đoán bệnh Alzheimer:

1. Thăm khám lâm sàng

Mục tiêu chính của việc thăm khám lâm sàng là xác định rõ các triệu chứng mà người bệnh gặp phải rồi đối chiếu với tiêu chuẩn chẩn đoán. Bao gồm:

– Biểu hiện suy giảm nhận thức:

  • Suy giảm trí nhớ: Đây là triệu chứng đặc trưng, xuất hiện sớm, điển hình và nổi bật của bệnh Alzheimer. Theo tiến triển của bệnh thì chứng suy giảm trí nhớ sẽ ngày càng nặng hơn.
  • Rối loạn định hướng: Là một trong những triệu chứng quan trọng đối với bệnh cảnh lâm sàng (rối loạn định hướng về không gian và địa lý rất rõ rệt).
  • Các triệu chứng suy giảm chức năng nhận thức khác: Vọng ngôn (có thể là vong ngôn tiếp nhận hoặc vong ngôn biểu hiện), vong tri (giảm hay mất khả năng nhận biết và gọi tên đồ vật, đối tượng,… mặc dù các cơ quan giác quan và cảm giác không bị tổn thương), vong hành (rối loạn chức năng hoạt động dù các cơ quan chức năng vận động không bị tổn thương), giảm khả năng tư duy trừu tượng, lập kế hoạch, tính toán, sáng tạo, quyết định, khả năng phối hợp, theo dõi hay thực hiện các hoạt động phức tạp.
chẩn đoán bệnh Alzheimer
Bệnh Alzheimer cần được chẩn đoán càng sớm càng tốt để kịp thời can thiệp điều trị

– Các triệu chứng không thuộc lĩnh vực nhận thức:

  • Các triệu chứng loạn thần: Thống kê cho thấy, khoảng 30 – 40% người bệnh Alzheimer có triệu chứng hoang tưởng. Ảo giác có ở khoảng 20 – 30% người bệnh. Ngoài ra một số người còn bị hội chứng Capgras.
  • Các rối loạn cảm xúc: Trầm cảm và lo âu xuất hiện ở khoảng 40 – 50% người bệnh.
  • Thay đổi về nhân cách: Người bệnh trở nên thu mình lại, có người bủn xỉn, ghen tuông, hoài nghi vô lý, ăn mặc bẩn thỉu, có khuynh hướng cóp nhặt bẩn thỉu, trẻ con hóa,…
  • Rối loạn hành vi: Kích động về đêm, rối loạn hành vi ăn uống, bài tiết,…
  • Các triệu chứng khác: Các dấu hiệu thần kinh khu trú, hội chứng hoàng hôn, lú lẫn, kích động, ngã,…

– Tiêu chuẩn chẩn đoán:

Để chẩn đoán bệnh Alzheimer cần căn cứ vào các tiêu chuẩn có trong ICD-10 hoặc DSM-5, chẳng hạn như:

  • Các triệu chứng tồn tại trong vòng ít nhất 6 tháng.
  • Suy giảm trí nhớ: Đặc biệt là bị giảm khả năng khi nhận các thông tin mới cũng như khả năng nhớ lại các kiến thức đã học được trước kia.
  • Suy giảm hoạt động nhận thức khác (cần có ít nhất một trong các biểu hiện đã được mô tả ở các mục trên).
  • Các triệu chứng không thuộc lĩnh vực nhận thức có thể xuất hiện.
  • Các triệu chứng trên xảy ra mà không có tình trạng rối loạn ý thức kèm theo.

2. Các xét nghiệm cận lâm sàng

Bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm công thức máu và sinh hóa để phát hiện thiếu máu, tiểu đường, nhiễm trùng và các rối loạn về gan, thận. Ngoài ra các xét nghiệm chức năng tuyến giáp, tăng canxi máu hay thiếu hụt vitamin B12 và xét nghiệm bệnh giang mai cũng rất cần thiết.

Một số xét nghiệm chuyên sâu hơn có thể được thực hiện bao gồm:

– Quét não:

Chụp cắt lớp não – sử dụng chụp cắt lớp vi tính CT hoặc chụp cộng hưởng từ MRI thường sẽ được đưa vào đánh giá tiêu chuẩn đối với bệnh Alzheimer cũng như các dạng sa sút trí tuệ khác. Ngoài ra, chụp cắt lớp phản xạ Positron PET và chụp cắt lớp vi tính phát xạ đơn photon cũng có thể được thực hiện.

– Điện não đồ:

Điện não đồ (EEG) có thể được thực hiện nhằm phát hiện hoạt động sóng não bất thường. Mặc dù xét nghiệm này thường bình thường ở bệnh nhân Alzheimer nhẹ và nhiều loại sa sút trí tuệ khác nhưng nó lại bất thường trong bệnh mê sảng và bệnh Creutzfeldt-Jakob. Từ đó giúp loại trừ nguyên nhân khác gây ra chứng mất trí nhớ.

3. Chẩn đoán phân biệt

Bệnh Alzheimer cần được chẩn đoán phân biệt với một số tình trạng sau:

  • Rối loạn trầm cảm
  • Sảng
  • Hội chứng quên thực tổn: Thiếu vitamin B12, bệnh tuyến giáp
  • Sa sút trí tuệ trong các bệnh lý mạch máu
  • Bệnh Pick
  • Sa sút trí tuệ thể Levy
  • Bệnh Creutzfeldt – Jakob
  • Bệnh Huntington
  • Sa sút trí tuệ trong bệnh Parkinson
  • Các trạng thái nhiễm độc

Hướng điều trị bệnh Alzheimer

Cần đánh giá mức độ sa sút trí tuệ, nhất là khả năng sống độc lập của người bệnh. Từ đó đưa ra một kế hoạch điều trị phù hợp cho cả cơ thể và tâm thần. Bên cạnh các phương pháp điều trị y tế cần kết hợp xây dựng chế độ chăm sóc, quản lý bệnh nhân tại bệnh viện, nhà an dưỡng hoặc tại cộng đồng. Ngoài ra cần có kế hoạch giúp đỡ cho gia đình người bệnh trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của họ.

Các phương pháp điều trị bệnh Alzheimer có thể được áp dụng bao gồm:

1. Liệu pháp hóa dược

Tùy thuộc vào biểu hiện và mức độ triệu chứng của từng người bệnh mà bác sĩ sẽ kê toa các loại thuốc phù hợp. Liệu pháp hóa dược cho bệnh Alzheimer có thể bao gồm:

thuốc chữa Alzheimer
Sử dụng thuốc là phương pháp điều trị chính giúp kiểm soát triệu chứng và làm giảm tiến triển của bệnh Alzheimer

– Chất ức chế acetylcholinesterase (AChE)

Những loại thuốc này có khả năng làm tăng nồng độ acetylcholine – một chất bên trong não giúp các tế bào thần kinh kết nối với nhau. Loại thuốc này phải được kê toa bởi các bác sĩ chuyên khoa.

Đối với những người mắc bệnh Alzheimer giai đoạn đầu đến giữa có thể dược kê đơn các thuốc như:

  • Donepezil
  • Galantamine
  • Rivastigmine

Các hướng dẫn mới nhất khuyến cáo rằng, những loại thuốc này vẫn cần được tiếp tục sử dụng trong giai đoạn sau (giai đoạn nghiêm trọng của bệnh).

Không có sự khác biệt về mức độ hoạt động của một trong số 3 chất ức chế AChE nói trên. Mặc dù một số người phản ứng tốt hơn với một số loại nhất định hay có ít tác dụng phụ hơn. Các tác dụng phụ thường có xu hướng thuyên giảm sau 2 tuần dùng thuốc.

– Memantine:

Thuốc này không phải là chất ức chế acetylcholinesterase (AChE). Nó hoạt động bằng cách ngăn chặn tác động của một lượng quá lớn hóa chất glutamate trong não.

Memantine được dùng cho bệnh Alzheimer mức độ trung bình hoặc nặng. Nó phù hợp cho những bệnh nhân không thể dùng hay không thể dung nạp các chất ức chế acetylcholinesterase (AChE).

Các tác dụng phụ có thể gặp phải bao gồm chóng mặt, nhức đầu và táo bón. Tuy nhiên những tác dụng phụ này thường chỉ là tạm thời.

– Thuốc điều trị hành vi thách thức:

Trong giai đoạn sau của bệnh Alzheimer, nhiều người sẽ phát triển các triệu chứng hành vi và thách thức. Có thể bao gồm:

  • Tăng kích động
  • Lo âu
  • Lơ đễnh
  • Hung hăng, gây hấn
  • Ảo giác và ảo tưởng

Những thay đổi về hành vi này có thể khiến cho cả người bệnh và người chăm sóc lo lắng. Trường hợp các chiến lược đối phó không hiệu quả thì bác sĩ có thể kê toa các thuốc sau:

  • Thuốc chống loạn thần
  • Risperidone
  • Haloperidol

Các thuốc này thường được dùng cho những người có biểu hiện đau khổ tột độ hoặc hung hăng dai dẳng. Đây là các thuốc duy nhất được cấp phép dùng cho những người bệnh Alzheimer từ trung bình cho đến nặng, có nguy cơ gây hại cho bản thân hoặc cho người khác.

Risperidone nên được dùng ở liều thấp nhất và trong thời gian ngắn nhất có thể vì nó tiềm ẩn tác dụng phụ nghiêm trọng. Haloperidol chỉ nên kê toa khi các phương pháp điều trị khác không đáp ứng. Đôi khi có thể sử dụng thuốc chống trầm cảm nếu nghi ngờ trầm cảm chính là nguyên nhân cơ bản gây ra lo lắng.

– Thực phẩm chức năng và viên uống hỗ trợ:

Nhiều loại thảo dược, vitamin và các chất bổ sung khác có thể giúp hỗ trợ sức khỏe tâm thần. Đồng thời ngăn ngừa hoặc trì hoãn bệnh Alzheimer. Chẳng hạn như vitamin E, axit béo Omega-3, curcumin, ginko, melatonin. Tuy nhiên, vẫn cần nhiều hơn các nghiên cứu để chứng minh lợi ích mà các chất bổ sung này mang lại.

Cần lưu ý rằng, các chất bổ sung thúc đẩy sức khỏe nhận thức có thể gây tương tác với các loại thuốc đang dùng điều trị Alzheimer hoặc các tình trạng sức khỏe khác. Do đó, nếu muốn sử dụng bất cứ chất bổ sung nào cần chắc chắn là đã tham khảo kỹ ý kiến bác sĩ.

2. Các phương pháp hỗ trợ khác

Bên cạnh việc sử dụng thuốc thì một số phương pháp khác cũng có thể giúp ích cho bệnh nhân Alzheimer. Chẳng hạn như:

– Liệu pháp kích thích nhận thức:

Liệu pháp kích thích nhận thức (CST) có liên quan tới việc tham gia vào các hoạt động nhóm và các bài tập được thiết kế nhằm cải thiện trí nhớ cũng như các kỹ năng giải quyết vấn đề cho người bệnh. Nhiều bằng chứng cho thấy rằng, CST có lợi cho những bệnh nhân Alzheimer từ nhẹ đến trung bình.

Liệu pháp kích thích nhận thức
Liệu pháp kích thích nhận thức đem lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân Alzheimer

– Phục hồi nhận thức:

Kỹ thuật này liên quan tới vấn đề làm việc với một nhà trị liệu và một người thân hay bạn bè nhằm đạt được mục tiêu cá nhân. Chẳng hạn như giúp người bệnh học cách sử dụng điện thoại di động hay các công việc hằng ngày khác.

Phục hồi nhận thức hoạt động bằng cách giúp người bệnh sử dụng phần não đang hoạt động để giúp đỡ các phần không hoạt động. Trong giai đoạn đầu của bệnh Alzheimer, liệu pháp này sẽ giúp bạn đối phó với tình trạng bệnh tốt hơn.

– Liệu pháp tâm lý:

Đây cũng là một liệu pháp có thể giúp ích cho bệnh nhân Alzheimer. Trong đó, người bệnh và người thân cần được hỗ trợ bởi một chuyên gia tư vấn tâm lý. Điều trị tâm lý có thể bao gồm:

  • Liệu pháp tâm lý trực tiếp: Liệu pháp tâm lý cá nhân, liệu pháp gia đình,…
  • Liệu pháp tâm lý gián tiếp: Đảm bảo môi trường an toàn với người bệnh và mọi người xung quanh, môi trường yên tĩnh và tránh các kích thích xung quanh, vệ sinh giấc ngủ, giáo dục gia đình về chăm sóc và nuôi dưỡng người bệnh,…

3. Lối sống lành mạnh cho người bệnh Alzheimer

Xây dựng lối sống lành mạnh có thể thúc đẩy sức khỏe tổng thể tốt hơn. Điều này đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe nhận thức và rất hữu ích với người bệnh Alzheimer. Các vấn đề cần chú ý bao gồm:

– Hoạt động thể chất:

Tập thể dục thường xuyên được cho là một phần quan trọng của kế hoạch điều trị. Các hoạt động như đi bộ hằng ngày cũng có thể giúp cải thiện tâm trạng và duy  trì sức khỏe của khớp, cơ, tim. Hoạt động thể chất còn thúc đẩy giấc ngủ ngon và giúp ngăn ngừa chứng táo bón.

Những người mắc bệnh Alzheimer tiến triển khó đi lại vẫn có thể dùng xe đạp cố định, kéo giãn bằng dây thun hay tham gia các bài tập trên ghế. Có thể tìm thấy các chương trình tập thể dục dành cho người lớn tuổi trên TV, youtube,…

hỗ trợ điều trị bệnh Alzheimer
Người bệnh Alzheimer cần hoạt động thể chất thường xuyên để hỗ trợ quá trình kiểm soát bệnh

– Dinh dưỡng:

Bệnh nhân Alzheimer có thể quên ăn, không quan tâm tới việc chuẩn bị bữa ăn hay không kết hợp các loại thực phẩm lành mạnh. Họ cũng có thể quên uống đủ nước, dẫn tới mất nước và táo bón. Cần cung cấp những điều sau:

  • Các lựa chọn lành mạnh: Nên bổ sung vào chế độ ăn uống những thực phẩm lành mạnh mà người bệnh ưa thích.
  • Nước và đồ uống lành mạnh: Khuyến khích người bệnh uống nhiều ly chất lỏng mỗi ngày. Tránh đồ uống có chứa caffeine bởi chúng có thể làm tăng cảm giác bồn chồn, cản trở giấc ngủ và gây ra nhu cầu đi tiểu thường xuyên.
  • Sinh tố và các đồ uống có hàm lượng calo cao, tốt cho sức khỏe: Nên bổ sung cho người bệnh sữa lắc với bột protein hay làm sinh tố có các thành phần yêu thích. Điều này rất hữu ích khi việc ăn uống trở nên khó khăn hơn.

– Các hoạt động và tham gia xã hội:

Các hoạt động và tương tác xã hội có thể thúc đẩy sự hỗ trợ các khả năng và kỹ năng cho người bệnh. Làm những việc có ý nghĩa và thú vị là điều quan trọng, mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe tổng thể. Chúng có thể bao gồm:

  • Nghe nhạc hoặc khiêu vũ
  • Đọc sách
  • Làm vườn hoặc làm đồ thủ công
  • Tham gia các sự kiện xã hội tại các trung tâm chăm sóc trí nhớ hay người cao tuổi
  • Tham gia các hoạt động có kế hoạch với trẻ em

Phòng ngừa bệnh Alzheimer

Bệnh Alzheimer là một tình trạng đến nay vẫn chưa có phương pháp phòng ngừa đặc hiệu. Tuy nhiên một số yếu tố nguy cơ trong lối sống với bệnh Alzheimer có thể thay đổi và cải thiện.

Bằng chứng cho thấy rằng, những thay đổi trong chế độ ăn uống, hoạt động thể chất hay các thói quen có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và phát triển bệnh Alzheimer hay các rối loạn khác gây sa sút trí tuệ.

Các lựa chọn lối sống lành mạnh cho tim mạch dưới đây có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer:

  • Dành ra khoảng 30 – 45 phút mỗi ngày cho các hoạt động thể chất.
  • Duy trì một chế độ ăn gồm các thực phẩm tươi sống, dầu lành mạnh và các thực phẩm ít chất béo bão hòa.
  • Tuân theo các hướng dẫn điều trị nhằm kiểm soát huyết áp cao, cholesterol cao hoặc bệnh tiểu đường.
  • Nếu đang hút thuốc lá thì nên nhờ đến sự giúp đỡ của bác sĩ để sớm cai thuốc.

Alzheimer là chứng bệnh cần được quan tâm nhiều hơn trong cuộc sống hiện nay. Nếu phát hiện thấy người thân có các dấu hiệu nghi ngờ, bạn cần thúc đẩy việc thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Can thiệp sớm là cách tốt nhất giúp cho quá trình kiểm soát bệnh hiệu quả hơn.

Tham khảo thêm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *