Dấu Hiệu Sang Chấn Tâm Lý Ở Trẻ Và Cách Chữa Trị

Sang chấn tâm lý ở trẻ em là vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng rất nhiều đến mọi khía cạnh cảm xúc, hành vi, sức khỏe và cuộc sống của trẻ. Cha mẹ cần nắm rõ các dấu hiệu sang chấn để biết được khi nào con mình cần sự trợ giúp. Tốt nhất hãy đưa con đi thăm khám chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần để được điều trị kịp thời và đúng cách.

Sang chấn tâm lý ở trẻ em
Tình trạng sang chấn tâm lý ở trẻ em cần được quan tâm điều trị sớm để tránh các hệ lụy

Sang chấn tâm lý ở trẻ em là gì?

Có nhiều trải nghiệm khác nhau có thể tạo ra sang chấn. Sang chấn tâm lý ở trẻ em là tình trạng mà một đứa trẻ thường gặp phải khi trải qua một sự kiện đe dọa tính mạng hay sự toàn vẹn của cơ thể chúng.

Lạm dụng thể chất hoặc tình dục là những sự kiện đau thương thường thấy có thể gây sang chấn cho trẻ em. Ngoài ra các sự kiện chỉ xảy ra một lần như thiên tai, tại nạn xe hơi hoặc các chấn thương y tế cũng có thể gây ảnh hưởng tâm lý của trẻ.

Căng thẳng liên tục, chẳng hạn như sống trong một khu phố nguy hiểm hoặc là nạn nhân của bắt nạn có thể khiến trẻ bị tổn thương. Ngay cả khi nó chỉ giống như một vấn đề bình thường đối với một người trưởng thành.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Sang chấn tâm lý thời thơ ấu cũng không nhất thiết phải liên quan đến các sự kiện đau thương xảy ra trực tiếp với đứa trẻ. Ví dụ, chứng kiến một người thân yêu đau khổ cũng có thể là một tổn thương vô cùng lớn. Hoặc tiếp xúc với các phương tiện truyền thông bạo lực cũng có thể gây sang chấn ở trẻ.

Sang chấn tâm lý ở trẻ em và PTSD

Nhiều trẻ em có thể tiếp xúc với những sự kiện đau thương vào lúc này hoặc lúc khác. Số liệu thống kê cho thấy rằng, có khoảng 3 – 5% trẻ em gái và 1 – 6% trẻ em trai phát triển chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý (PTSD) sau một sự kiện đau buồn.

Trẻ em mắc chứng PTSD có thể lặp đi lặp lại những tổn thương ở trong tâm trí. Chúng có thể tránh bất cứ điều gì khiến chúng nhớ đến sang chấn hoặc có thể tái hiện sang chấn trong hoạt động của mình.

Đôi khi trẻ tin rằng chúng đã bỏ lỡ các dấu hiệu cảnh báo dự đoán về sự kiện đau thương. Trong nỗ lực ngăn chặn những tổn thương trong tương lai, chúng trở nên quá cảnh giác trong việc tìm kiếm những dấu hiệu cảnh báo rằng có điều gì đó tồi tệ sắp xảy ra một lần nữa.

Trẻ em bị PTSD cũng có thể gặp phải vấn đề với:

  • Giận dữ và hung hăng
  • Trầm cảm
  • Sự lo ngại
  • Nỗi sợ
  • Khó tin tưởng người khác
  • Cảm giác bị cô lập
  • Lòng tự trọng kém
  • Hành vi tự hủy hoại bản thân
sang chấn tâm lý ở trẻ em và PTSD
Trẻ em có thể phát triển chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) sau một sự kiện đau thương

Ngay cả những trẻ không phát triển chứng PTSD vẫn có thể biểu hiện các vấn đề về cảm xúc và hành vi sau một sự kiện đau thương. Dưới đây là một số điều cần lưu ý trong thời gian đầu sau khi trải qua sự kiện:

  • Vấn đề tức giận
  • Vấn đề chú ý
  • Thay đổi cảm giác thèm ăn
  • Sự phát triển của những nỗi sợ hãi mới
  • Mất hứng thú với các hoạt động bình thường
  • Có vấn đề khi ngủ
  • Sự sầu não
  • Gia tăng suy nghĩ về cái chết hoặc sự an toàn
  • Từ chối đi học
  • Than phiền bị đau đầu và đau bụng

Dấu hiệu nhận biết sang chấn tâm lý ở trẻ

Thông thường, trẻ em và thanh thiếu niên bị ảnh hưởng bởi các sự kiện sang chấn sẽ không nhận ra triệu chứng của chúng. Thứ nhất, hầu hết trẻ em không nhận thức được chúng bị chấn thương do tần suất xảy ra các sự kiện bất lợi cao. Cuối cùng dẫn tới việc chúng xem các sự kiện đó là “bình thường”.

Dưới đây là một số dấu hiệu và triệu chứng chung điển hình đối với trẻ em đã trải qua các sự kiện đau thương:

  • Tăng cảnh giác/ tăng động: Đây là một trạng thái tăng phản ứng bất thường với các kích thích. Đi kèm với đó là các triệu chứng sinh lý và tâm lý (ví dụ như tăng tỉnh táo, nhịp tim và nhịp thở tăng). Hầu hết trẻ em bị sang chấn tâm lý không thích tiếng động lớn và đột ngột. Chúng thường “giật bắn mình” hay “tròn xoe mắt” khi nhìn ra những nguy hiểm tiềm ẩn.
  • Sự né tránh: Tránh suy nghĩ hoặc nói về sự kiện đau buồn. Hoặc chúng có thể tránh các địa điểm, hoạt động hay những người có liên quan tới sự kiện đau buồn.
  • Những suy nghĩ không mong muốn: Hồi tưởng, suy nghĩ hoặc ký ức tái diễn về sự kiện đau buồn. Thông thường, một đứa trẻ có thể cảm thấy chúng đang “sống lại” sự kiện hoặc gặp những cơn ác mộng có liên quan tới sự kiện đó.

Trên thực tế, các triệu chứng sang chấn tâm lý ở trẻ thường có xu hướng thay đổi tùy theo độ tuổi. Cụ thể như sau:

1. Thời thơ ấu từ 3 – 8 tuổi

  • Các hành vi không thể quản lý: Bạn có thể thấy sự gia tăng hành vi hung hăng, không tuân thủ hay chống đối ở trẻ. Tức là bạn sẽ gặp khó khăn hơn trong việc quản lý hành vi của con mình. Điều này thường xảy ra do trẻ nhỏ chưa có sự phát triển nhận thức để truyền đạt cảm xúc một cách hiệu quả. Thay vào đó chúng dùng hành vi để truyền đạt. Trẻ đã trải qua những sự kiện đau buồn có xu hướng cố gắng kiểm soát môi trường của chúng bằng cách gia tăng tần suất “nổi cơn thịnh nộ”. Điều này giúp chúng quản lý sự lo lắng.
  • Các vấn đề xã hội: Thông thường, hành vi của trẻ không chỉ khó quản lý ở nhà mà còn ở môi trường trường học. Cha mẹ có thể thấy nhiều lo ngại hơn về hành vi của con liên quan đến việc lắng nghe giáo viên. Trẻ còn gia tăng xung đột với bạn cùng lứa tuổi. Đồng thời khó kết bạn hoặc khó giữ bạn bè.
  • Cảm xúc dâng trào: Khóc và xúc động mạnh có thể thấy ở trẻ nhỏ đã trải qua các sự kiện đau thương. Điều này giống như sự nhạy cảm hoặc khó chịu tăng lên dẫn đến việc an ủi nhiều hơn đối với những kích thích thường không đáng lo ngại. Cuối cùng, bạn có thể nhìn thấy tình trạng trẻ tăng cảnh giác hoặc đề phòng nguy hiểm. Bạn có thấy trẻ nhỏ thường đặt tay lên tai để ngăn chặn việc nghe âm thanh lớn.
dấu hiệu sang chấn tâm lý ở trẻ
Trẻ 3 – 8 tuổi bị sang chấn tâm lý thường dùng tay bịt tai để tránh nghe các âm thanh lớn

2. Trẻ từ 8 – 11 tuổi

  • Các hành vi hồi quy: Trẻ ở tuổi 8 – 11 có biểu hiện sang chấn tâm lý tương tự như trẻ thời thơ ấu. Mặc dù những đứa trẻ này đã lớn hơn một chút nhưng các thách thức về hành vi của chúng vẫn tồn tại. Chúng thường bắt chước những hành vi trẻ hơn nhiều so với tuổi thực. Tức là các hành vi không tuân thủ, gây hấn và chống đối vẫn thường xuyên xuất hiện. Thậm chí còn nghiêm trọng hơn và không thể quản lý được. Những cơn giận dữ bao gồm sự hung hăng bằng lời nói ngày càng gia tăng.
  • Những thách thức ở trường học: Sự gia tăng các thách thức tại trường học có thể nảy sinh cả về hạnh kiểm và kết quả học tập. Con bạn có thể khó tập trung hoặc nghe theo chỉ dẫn, khiến cho điểm số bị giảm sút. Sang chấn tâm lý cũng có thể gây ra các vấn đề về hành vi với các bạn ở trường. Nguyên nhân thường do sự cáu kỉnh gia tăng, khả năng chịu đựng sự thất vọng thấp hơn.
  • Các vấn đề xã hội: Các mối quan hệ xã hội của trẻ em thường bắt đầu mở rộng trong những năm này. Sự gia tăng các thách thức xã hội có thể xảy ra. Những đứa trẻ trải qua sang chấn thường dễ cáu kỉnh, nhạy cảm và tăng động. Do đó việc kết bạn hoặc giữ bạn bè sẽ trở nên khó khăn. Trẻ em có thể trở nên kiểm soát môi trường của chúng và gây ra các vấn đề trong việc quản lý các mối quan hệ bạn bè lành mạnh. Những mối quan hệ bạn bè này thường xảy ra nhiều xung đột hơn mức bình thường.
  • Cảm xúc dâng trào: Khi trẻ bắt đầu thêm nhiều ngôn ngữ vào thế giới của mình thì việc thể hiện cảm xúc giống như những cơn giận dữ hay hung hăng bằng lời nói ngày càng gia tăng. Ngoài ra các yếu tố gây căng thẳng gia tăng còn khiến trẻ trở nên cáu kỉnh hơn. Đồng thời bộc lộ những cảm xúc lớn mà chúng đang giữ liên quan tới sang chấn.

3. Thanh thiếu niên 12 – 18 tuổi

  • Các hành vi bị kìm hãm: Từ 12 – 18 tuổi trẻ thường có xu hướng sống riêng lẻ nhiều hơn. Do đó bạn có thể thường thấy sự gia tăng các hành vi cô lập, bao gồm cả việc né tránh mọi người. Thanh thiếu niên từng trải qua sang chấn có xu hướng biểu đạt thái quá hoặc ít biểu đạt. Những hành vi thể hiện thái quá bao gồm cả hành vi gây hấn bằng lời nói và thể chất đối với người khác. Chúng có thể tồn tại lâu dài và khó quản lý. Còn những hành vi ít biểu đạt thì hoàn toàn ngược lại. Thanh thiếu niên có thể sống cô lập trong phòng của mình, dè dặt, không phản ứng và không diễn đạt bằng lời nói.
  • Thay đổi tâm trạng: Suy giảm tâm trạng thường xuất hiện ở thanh thiếu niên đã trải qua sang chấn. Sự cáu kỉnh gia tăng và những cơn buồn bã, tức giận cũng ngày càng phổ biến hơn. Thanh thiếu niên bị sang chấn còn có nguy cơ tự làm hại bản thân cao hơn do cảm giác buồn bã gia tăng.
  • Những thách thức ở trường học: Thanh thiếu niên có yêu cầu học tập cao hơn ở thời gian này. Điều này sẽ làm gia tăng các yếu tố căng thẳng và dẫn tới khó kiểm soát cảm xúc. Thanh thiếu niên có xu hướng bị sa sút về điểm số và hiệu suất tổng thể cũng thấp hơn trong các lĩnh vực mà chúng hoạt động tốt trước khi bị sang chấn. Khả năng tập trung giảm sút, tình trạng trốn học và các hành vi trong lớp học cũng có thể gia tăng.
  • Các vấn đề với các mối quan hệ xã hội: Các mối quan hệ bạn bè có xu hướng quan trọng nhất trong giai đoạn này. Tuy nhiên thanh thiếu niên từng trải qua sang chấn tâm lý lại thường cô lập khỏi các mối quan hệ bạn bè và giữ mọi thứ cho riêng mình. Điều này sẽ làm giảm tương tác xã hội. Trong thời gian này, các mối quan hệ lãng mạn thường có xu hướng hình thành. Thanh thiếu niên từng trải qua chấn thương mong muốn được gắn bó với bất cứ người nào có tình yêu hoặc sự chấp nhận.
dấu hiệu sang chấn tâm lý ở thanh thiếu niên
Thanh thiếu niên bị sang chấn tâm lý thường có hành vi cô lập, xa lánh mọi người

Hệ lụy của sang chấn tâm lý ở trẻ em

Sang chấn tâm lý ở trẻ em để lại những tác động và hậu quả lâu dài lên mọi mặt như cảm xúc, thể chất, tinh thần và xã hội đối với trẻ. Và thật đáng quan ngại khi những tác động khủng khiếp này không chỉ ảnh hưởng ở thời điểm hiện tại mà cả tương lai sau này.

Trẻ em bị sang chấn có thể bị ám ảnh lâu dài nên các em không thể nào có được một tuổi thơ lành mạnh. Đồng thời trẻ cũng không có được cuộc sống trong tương lai bình thường như các bạn đồng trang lứa.

Các nghiên cứu về phôi học và nhi khoa chỉ ra rằng, não bộ phát triển với một tốc độ đáng kinh ngạc ở giai đoạn phát triển ban đầu của trẻ em. Do đó, lặp đi lặp lại việc tiếp xúc với những sự kiện sang chấn có thể ảnh hưởng tới phản ứng của não. Làm cho nó phản ứng mạnh hơn cũng như giảm khả năng thích ứng.

Trẻ em bị sang chấn tâm lý có nguy cơ cao hơn gặp phải các vấn đề như:

  • Phát triển não bộ không thích hợp
  • Mất cân bằng giữa các kỹ năng xã hội, tình cảm và nhận thức
  • Giảm khả năng ngôn ngữ
  • Giảm sút về thị giác, lời nói và thính giác
  • Tăng nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư, bệnh gan, béo phì, bệnh phổi mãn tính, mỡ máu, nồng độ protein C-reactive cao
  • Hút thuốc, nghiện rượu và ma túy ở tuổi thanh thiếu niên

Chung quy lại, trẻ em gặp phải sang chấn tâm lý, về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới nhân cách và sự phát triển về mọi mặt, từ thể chất cho đến các khía cạnh tâm lý tinh thần. Chẳng hạn như tự nhận thức, niềm tin, đạo đức, khả năng ứng phó, năng lực học tập và việc lựa chọn nghề nghiệp.

Cách chữa trị sang chấn tâm lý ở trẻ

Khi hành vi hoặc các triệu chứng dường như không kiểm soát được, chúng gây cản trở mọi hoạt động của con bạn (cả về học tập, xã hội hay cảm xúc) thì điều quan trọng là cần tìm kiếm các dịch vụ sức khỏe tâm thần chuyên nghiệp.

Tốt nhất bạn nên sớm đưa con đến tìm chuyên gia tư vấn tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần để được giúp đỡ. Việc can thiệp điều trị sức khỏe tâm thần sẽ rất hữu ích đối với quá trình kiểm soát triệu chứng của con bạn. Các phương pháp điều trị thường được áp dụng bao gồm:

1. Liệu pháp Hành vi Nhận thức tập trung vào Chấn thương (TF-CBT)

Đây là một biện pháp can thiệp được dùng cho trẻ em và thanh thiếu niên (từ 3 – 18 tuổi) cùng với cha mẹ của chúng đã trải qua một hoặc các sự kiện đau thương. Liệu pháp này giúp giải quyết một loạt các thách thức về cảm xúc do sang chấn gây ra thông qua mô hình trị liệu nhận thức – hành vi.

Ngoài ra, TF-CBT tập trung vào việc tìm hiểu và thảo luận về sự kiện đau thương trong quá trình điều trị. Hiểu biết về sang chấn sẽ giúp cho triệu chứng thuyên giảm và sức khỏe tâm thần cũng dần được cải thiện.

điều trị sang chấn tâm lý ở trẻ em
Trẻ em có triệu chứng sang chấn tâm lý cần sớm được điều trị càng sớm càng tốt

TF-CBT bao gồm quy trình sau:

  • Phân tích các triệu chứng sang chấn
  • Kỹ năng thoát ly để sử dụng khi đau khổ
  • Một quy trình học về cảm xúc
  • Học cách suy nghĩ ảnh hưởng đến cảm xúc và hành vi
  • Một câu chuyện chi tiết được kể về các sự kiện đau thương
  • Chuyên gia sẽ cho trẻ giải quyết bất cứ tác nhân gây sang chấn nào đáng kể trong thời gian can thiệp
  • Bản phân tích được chia sẻ với cha mẹ
  • Dạy kỹ năng lành mạnh cho tương lai

2. Liệu pháp tương tác giữa cha mẹ và con cái (PCIT)

PCIT là một liệu pháp dựa trên sự tương tác giữa cha mẹ và con cái có thể hỗ trợ trẻ em từ 3 – 7 tuổi có các triệu chứng liên quan đến sang chấn. Chẳng hạn như hành vi hung hăng, chống đối và không tuân thủ.

PCIT có thể thúc đẩy mối quan hệ tích cực giữa cha mẹ và con cái. Đồng thời dạy cha mẹ các chiến lược giúp quản lý hành vi hiệu quả. Hai thành phần mà PCIT đề cập đến là tương tác được hướng tới trẻ em và tương tác được chỉ đạo bởi cha mẹ.

Phụ huynh sẽ được dạy cách thực hiện các kỹ năng như thu hút và sử dụng các kỹ năng hoạt động tích cực, đưa ra các mệnh lệnh hiệu quả và trực tiếp. Cuối cùng đạt được các mục tiêu như sau:

  • Tăng cường mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái
  • Giảm các hành vi tiêu cực
  • Tăng các hành vi tích cực
  • Giảm các hành vi hung hăng
  • Giảm các hành vi không tuân thủ

3. Liệu pháp Hành vi Biện chứng (DBT)

DBT là biện pháp can thiệp dựa trên nhận thức, hỗ trợ và hợp tác. Liệu pháp này giúp đỡ thanh thiếu niên quản lý tốt các rủi ro về an toàn. Chằng hạn như tự gây thương tích hay ý tưởng tự sát. Đồng thời thách thức những suy nghĩ phi lý trí.

Quản lý an toàn và các hành vi có nguy cơ được xác định là một trong những mục tiêu chính của DBT. Liệu pháp này yêu cầu điều trị cá nhân kết hợp với can thiệp nhóm với các bạn cùng tuổi.

Trong quá trình can thiệp DBT, 4 mô-đun sẽ được giải quyết bao gồm:

  • Chánh niệm và những suy nghĩ không phán xét về bản thân, thế giới và những người khác.
  • Hiệu quả giữa các cá nhân trong việc quản lý các mối quan hệ. Đồng thời có những tương tác lành mạnh với người khác.
  • Khả năng chịu đựng nỗi đau để học cách chịu đựng các sự kiện đau khổ bằng cách chấp nhận cuộc sống trong trạng thái nhất thời. Điều này dạy cho thanh thiếu niên cách thay đổi suy nghĩ theo hướng chấp nhận những gì đang có.
  • Kỹ năng điều chỉnh cảm xúc được dạy nhằm giúp kiểm soát sự lo lắng, buồn bã, cáu kỉnh, ý nghĩ tự tử. Đồng thời điều chỉnh cảm xúc theo hướng lành mạnh.

Vai trò của cha mẹ đối với sang chấn tâm lý ở trẻ

Sau một sự kiện đau thương, sự an ủi, hỗ trợ và trấn an của cha mẹ có thể khiến con cảm thấy an toàn. Đồng thời cha mẹ có thể giúp con kiểm soát nỗi sợ hãi và hướng dẫn chúng vượt qua nỗi đau để phục hồi một cách lành mạnh.

vai trò của cha mẹ khi trẻ bị sang chấn tâm lý
Một cái ôm hoặc âu yếm từ cha mẹ có thể giúp trẻ có cảm giác an toàn hơn

Cha mẹ cần chú ý đến một số vấn đề sau đây:

  • Làm cho con cảm thấy an toàn: Bạn nên âu yếm, ôm hoặc chỉ cần một cái vỗ nhẹ vào lưng để trấn an con. Nó sẽ mang lại cho con cảm giác an toàn và điều này rất quan trọng để cải thiện hậu quả của một sự kiện đáng lo ngại.
  • Hành động bình tĩnh: Không nên thảo luận về những lo lắng của bạn với con cái hoặc khi chúng đang ở xung quanh. Và cần lưu ý đến giọng nói, nhất là âm lượng của bạn.
  • Duy trì các thói quen tốt: Bạn cần trấn an trẻ rằng cuộc sống sẽ ổn trở lại. Cố gắng xây dựng và duy trì các thói quen ăn uống, ngủ nghỉ và hoạt động thể chất điều độ.
  • Giúp trẻ thích thú với bản thân: Hãy khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động và vui chơi với những người khác. Đây là sự phân tâm rất tốt giúp mang lại cho con cảm giác bình thường.
  • Chia sẻ thông tin về những gì đã xảy ra: Bạn hãy tìm hiểu thông tin chi tiết về sự kiện đau buồn từ nguồn đáng tin cậy. Có thể chia sẻ với trẻ một cách ngắn gọn, trung thực và cho phép trẻ đặt câu hỏi. Bạn đừng cho rằng trẻ đang lo lắng về những điều tương tự như người lớn.
  • Chọn thời điểm tốt để nói chuyện: Bạn nên tìm kiếm những gợi mở tự nhiên để có một cuộc thảo luận với trẻ. Đừng ép trẻ chia sẻ khi mà trẻ không muốn.
  • Hạn chế tiếp xúc với tin tức: Điều này đặc biệt quan trọng với trẻ ở độ tuổi đi học. Bởi nhìn thấy các sự kiện đáng lo ngại trên TV hay trên báo đài có thể khiến chúng gợi lại sự kiện đau thương đã trải qua.
  • Hiểu rằng trẻ đối phó theo nhiều cách khác nhau: Một số có thể dành thêm thời gian cho người thân và bạn bè. Trong khi đó số khác lại muốn dành nhiều thời gian ở một mình. Hãy cho con biết rằng việc cảm thấy tức giận, buồn bã hay cảm giác tội lỗi là bình thường.
  • Lắng nghe: Điều quan trọng là bạn cần hiểu cách con bạn nhìn nhận tình huống. Đồng thời biết được điều gì gây khó hiểu hay khó khăn cho trẻ. Bạn hãy cho trẻ biết rằng, chúng có thể cho bạn biết về cảm giác của chúng bất cứ lúc nào.
  • Giúp trẻ thư giãn bằng các bài tập thở: Hơi thở sẽ trở nên nông khi lo lắng bắt đầu. Việc thở sâu bằng bụng sẽ giúp trẻ bình tĩnh lại. Bạn có thể đặt thú nhồi bông hoặc gối lên bụng của trẻ khi trẻ nằm xuống. Sau đó yêu cầu trẻ hít vào và thở ra từ từ. Đồng thời quan sát thú nhồi bông hoặc gối lên xuống trên bụng.

Giáo viên có thể làm gì để giúp học sinh?

Đối với những trẻ đang trong độ tuổi đi học thì giáo viên cũng có thể đóng góp một phần quan trọng vào quá trình điều trị và hồi phục sang chấn tâm lý ở trẻ em. Một số điều giáo viên có thể làm bao gồm:

vai trò của giáo viên với học sinh bị sang chấn tâm lý
Giáo viên nên có sự quan tâm và giúp đỡ những trẻ em bị sang chấn tâm lý
  • Nên tiếp tục các thói quen càng nhiều càng tốt. Trẻ em có xu hướng hoạt động tốt hơn khi mà chúng biết điều gì sẽ xảy ra. Trở lại với một thói quen ở trường có thể giúp học sinh cảm thấy rằng các sự kiện đau thương đã không kiểm soát mọi khía cạnh trong cuộc sống hằng ngày của chúng. Giáo viên nên cố gắng duy trì kỳ vọng của học sinh, không cần phải là 100% nhưng cần làm một số công việc đơn giản trong lớp học.
  • Nhận biết các dấu hiệu cho thấy một đứa trẻ có thể sẽ cần thêm sự trợ giúp. Những học sinh không thể hoạt động do cảm giác sợ hãi, buồn bã hoặc tức giận dữ dội nên được điều trị chuyên sâu. Trẻ em có thể gặp khó khăn và biểu hiện dưới dạng triệu chứng thể chất. Chẳng hạn như nhức đầu, đau bụng hay cực kỳ mệt mỏi.
  • Giúp học sinh hiểu thêm về những gì đã xảy ra. Ví dụ, giáo viên có thể đề cập đến nhiều sự hỗ trợ khác nhau. Đồng thời đưa ra các ý tưởng đối phó tích cực.
  • Cho trẻ biết rằng các giáo viên của nhà trường đang đảm bảo cho chúng được an toàn. Nỗi sợ hãi của học sinh sẽ giảm bớt khi chúng biết rằng giáo viên đang làm những gì có thể để chăm sóc chúng.
  • Giữ liên lạc với cha mẹ. Giáo viên nên nói với phụ huynh về các chương trình và hoạt động của trường để họ có thể chuẩn bị cho các cuộc thảo luận với trẻ ở nhà. Khuyến khích cha mẹ hạn chế cho con em họ tiếp xúc với các bản tin thời sự.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Tình trạng sang chấn tâm lý ở trẻ em gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả cảm xúc, hành vi và sự phát triển của trẻ. Phụ huynh cần nắm rõ các triệu chứng sang chấn để biết được khi nào con mình cần đến sự giúp đỡ. Việc điều trị kịp thời có thể hạn chế hệ lụy và giúp trẻ sớm trở lại cuộc sống bình thường.

Tham khảo thêm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *