4 Nguyên nhân khiến trẻ bị tự kỷ và cách phòng tránh
Các yếu tố tác động trước và trong thời gian mang thai chính là nguyên nhân khiến trẻ bị tự kỷ, chẳng hạn như mẹ sử dụng một số loại thuốc không phù hợp, bất thường về nhiễm sắc thể hay các tác động trong lúc sinh nở. Hiểu rõ các nguyên nhân gây tự kỷ sẽ giúp phụ huynh có hướng phòng tránh tối đa nguy cơ này hiệu quả nhất.
4 Nguyên nhân khiến trẻ bị tự kỷ
Rối loạn phổ tự kỷ (autism spectrum disorder) là một dạng rối loạn bẩm sinh, thường được biểu hiện đặc trưng ở 3 khía cạnh như kém tương tác xã hội, có các hành vi rập khuôn lặp đi lặp lại và kém giao tiếp bằng lời nói, ánh mắt. Hiện nay chưa có phương pháp nào có thể điều trị hoàn toàn được tự kỷ mà chỉ có thể hỗ trợ bệnh nhân để có chất lượng cuộc sống tốt hơn, tự lập hơn.
Theo thống kê, tỷ lệ số trẻ mắc tự kỷ đang có xu hướng tăng, mặc dù đã được các cơ quan ban ngành đưa ra rất nhiều cảnh báo. Mặt khác thực tế hiện nay vẫn chưa hoàn toàn khẳng định được chính xác nguyên nhân gây tự kỷ mà chỉ có thể tạm xác định được các yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh. Hiểu rõ về các yếu tố nguy cơ này là điều các bậc phụ huynh cần tìm hiểu từ ngay bây giờ.
Cụ thể, các yếu tố được cho là có liên quan đến nguyên nhân khiến trẻ bị tự kỷ bao gồm
Yếu tố di truyền học và gen
Rối loạn nhiễm sắc thể và các rối loạn di truyền về gen hay nhóm gen được cho là có liên quan trực tiếp đến các tác nhân gây tự kỷ. Các nhà khoa học cũng đã tìm ra hơn 100 mang biến đổi có liên quan trực tiếp đến rối loạn phổ tự kỷ SHANK3, NLGN4, DLG2, RN3C2, DYRK1A,SCN2A.. Thống kê qua các xét nghiệm cũng có khoảng 25% ca tự kỷ có liên quan đến yếu tố này.
Ngoài ra gen Tuberous sclerosis cùng Hội chứng nhiễm sắc thể X mỏng manh (Fragile X) cũng được cho là một trong những tác nhân có mối liên hệ mật thiết làm gia tăng nguy cơ trẻ tự kỷ. Các nghiên cứu cũng chỉ ra ở một cặp song sinh cùng trứng nếu một đứa trẻ mắc rối loạn này thì đứa trẻ còn lại cũng có nguy cơ cao. Hay trong gia đình nếu có anh chị đã bị tự kỷ thì những đứa trẻ sau đó cũng rất dễ mắc bệnh.
Cũng cần hiểu rằng các gen biến đổi di truyền liên quan đến tự kỷ thường liên quan đến dẫn truyền thần kinh. Cơ chế di truyền ASD không giống với mô hình di truyền kiểu Menden bởi nhiều trẻ bị tự kỷ không hề tìm thấy gen trội hay lặn ở bố mẹ hay thậm chí là anh em sinh đôi cùng trứng. Mặt khác gen đột biến cũng được tìm thấy trên nhiều gen không chỉ một gen đơn lẻ.
Một yếu tố khác cũng được cho là có liên quan đến các nguyên nhân khiến trẻ bị tự kỷ chính là các bệnh di truyền như hội chứng X mỏng giòn, rubella bẩm sinh,. Nếu trẻ mắc các bệnh bẩm sinh khác như động kinh, tăng động hay chậm phát triển trí tuệ cũng rất dễ kèm theo mắc đồng thời tự kỷ.
Nói chung, mặc dù đột biến gen cũng như cơ chế di truyền được cho là một trong những nguyên nhân rõ nhất khiến trẻ bị tự kỷ nhưng đến nay vẫn chưa thể nào nghiên cứu hết, chưa hoàn toàn nắm bắt được cơ chế nên cũng gặp rất nhiều khó khăn trong phòng tránh.
Ảnh hưởng trong thời kỳ mang thai
Tự kỷ là một bệnh bẩm sinh và thường xuất hiện những “mầm mống” rối loạn từ chính thời kỳ mang thai. Tất nhiên điều này không có nghĩa là nguyên nhân do người mẹ bởi rất nhiều các tác động có thể gây ra rối loạn này mà ngay chính người mẹ dù cẩn thận như thế nào đôi khi cũng không thể kiểm soát được. Cần hiểu rõ vấn đề này để tránh những tư tưởng sai lầm với những người mẹ có con bị tự kỷ.
Thời kỳ mang thai, sức khỏe của mẹ có liên quan trực tiếp đến sự phát triển của người con. Do đó một số yếu tố tiêu cực liên quan đến môi trường sống, sức khỏe của mẹ bầu có thể là nguyên nhân khiến trẻ bị tự kỷ. Cụ thể như
- Môi trường sống: mẹ sống trong môi trường ô nhiễm, thường xuyên hít và tiếp xúc với hóa chất độc hại, kim loại nặng cũng làm tăng nguy cơ các rối loạn phát triển ở thai nhi.
- Độ tuổi khi mang thai: thực tế phụ nữ thường được khuyến khích không mang thai và sinh nở sau 35, đặc biệt là sau 40 tuổi. Lúc này việc sinh nở không chỉ gây khó khăn cho sức khỏe, cuộc sống của người mẹ mà còn làm tăng nguy cơ mắc các rối loạn phát triển ở thai nhi. Thống kê cho thấy tỷ lệ những đứa trẻ bị tự kỷ ở những bà mẹ sinh con sau 40 tuổi cao hơn những người mang thai ở tuổi 20 rất nhiều.
- Sử dụng một số thuốc không phù hợp cho thai kỳ: Khi mang thai các bà bầu luôn được bác sĩ dặn dò cần phải kiểm soát việc dùng các loại thuốc tây bởi có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển tự nhiên của thai nhi. Hầu hết các loại thuốc tây luôn kèm theo một số tác dụng phụ không tốt nào đó, ở phụ nữ mang thai, việc dùng thuốc sai cách hoàn toàn có thể chính là nguyên nhân gây khiến trẻ tự kỷ. Trong đó một số thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần, thuốc chống động kinh đều là những nhóm thuốc có nguy cơ gây bệnh.
- Rối loạn tuyến giáp: một số nghiên cứu đã chỉ ra ở những người bị rối loạn tuyến giáp khi mang thai thường làm rối loạn một số hormone đồng thời thiếu hụt hormone tyroxin và làm tác động đến cấu tạo não bộ đang được hình thành ở bào thai.
- Căng thẳng, stress khi mang thai: sự thay đổi về hormone, cơ thể, sức khỏe chính là nguyên nhân làm thay đổi tâm sinh lý bà bầu khiến những người này dễ bị căng thẳng stress hơn. Nếu tình trạng này không sớm được cải thiện, mẹ bầu luôn sống trong căng thẳng, thiếu năng lượng, uể oải, khóc nhiều, thiếu ngủ dẫn đến trầm cảm hay rối loạn lo âu thì sẽ làm tăng nguy cơ trẻ mắc chứng rối loạn tự kỷ bẩm sinh.
- Mẹ mắc một số bệnh lý: mẹ mắc các bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc, bệnh sởi, tiểu đường cũng được cho là yếu tố nguy cơ làm thay đổi não bộ thai nhi khiến trẻ gặp vấn đề trong giao tiếp, ngôn ngữ, ứng xử.
Ảnh hưởng từ thời điểm sinh nở là nguyên nhân khiến trẻ bị tự kỷ
Một số ảnh hưởng từ quá trình sinh nở, chẳng hạn mẹ sinh non dưới 37 tháng, trẻ dưới 2,5 cân, trẻ bị thiếu oxy trong thời điểm sinh cũng được cho là làm tăng nguy cơ tự kỷ ở một số trẻ. Một số tác nhân khác ở ngay thời điểm sinh nở như chấn thương sọ não do sự can thiệp sản khoa, nhiễm độc thủy ngân, nhiễm khuẩn thần kinh hay chảy máu màng não cũng có thể là nguyên nhân khiến trẻ bị tự kỷ.
Nguyên nhân là do những tác động ở thời điểm sinh nở này cũng gây ra những rối loạn ở não bộ khiến cấu trúc não bị thay đổi bất thường. Mặt khác những nhóm trẻ gặp các vấn đề này cũng có nguy cơ cao mắc rất nhiều bệnh lý khác, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển cả về thể chất lẫn trí não nên tuyệt đối không được chủ quan.
Yếu tố môi trường
Như đã nói, yếu tố môi trường ở đây chính là việc mẹ tiếp xúc với hóa chất độc hại, môi trường ô nhiễm, kim loại nặng trong thời gian dài, ngay từ trước và cả trong thời kỳ mang thai. Thực tế các nghiên cứu cũng đã chỉ ra, môi trường sống ( liên quan đến yếu tố gia đình,cách giáo dục của cha mẹ) ít có liên quan đến các rối loạn của não bộ này, hầu hết chỉ liên quan đến ô nhiễm môi trường hay các kim loại độc hại.
Tuy nhiên một vấn đề mà rất nhiều người nhầm lẫn hiện nay chính là cho rằng tự kỷ là do cha mẹ thiếu quan tâm, không tương tác với con. Tự kỷ là một rối loạn bẩm sinh chưa thể xác định được nguyên nhân chính xác, môi trường sống hay việc thiếu vắng tình thương từ cha mẹ chỉ làm tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn, khó điều trị hơn chứ không thể coi đây là nguyên nhân gây bệnh. Có chăng thì nó chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao hơn mà thôi.
Dù vậy việc thiếu tình thương của cha mẹ có gây tự kỷ hay không vẫn còn đang gây ra nhiều tranh luận bởi như đã nói, các nguyên nhân khiến trẻ bị tự kỷ vô cùng phức tạp mà các nhà khoa học vẫn chưa thể khám phá hết.
Phòng tránh nguy cơ trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ
Một điều đáng buồn hiện nay chính là chưa thể điều trị được chứng tự kỷ. Mọi biện pháp can thiệp dù sớm hay muộn vẫn chỉ nhằm mục đích cải thiện chất lượng cuộc sống, giúp trẻ tự kỷ có thể hòa nhập với cuộc sống như người bình thường, có thể tự lập và không phải phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình. Dù vậy thực tế chỉ có và phần trăm người tự kỷ có thể tự lập (chủ yếu là nhóm Rối loạn Asperger), còn hầu hết đều phải phụ thuộc vào sự chăm sóc của gia đình đến suốt đời.
Đồng thời như đã nói, hiện chưa thể nắm bắt được hoàn toàn nguyên nhân khiến trẻ bị tự kỷ nên việc phòng tránh nguy cơ mắc bệnh vẫn chưa đảm bảo hoàn toàn 100%. Tuy nhiên việc trang bị kỹ các kiến thức về căn bệnh này, chăm sóc khoa học về sức khỏe và tinh thần cho mẹ bầu từ sớm sẽ giúp phòng tránh tối đa nguy cơ mắc bệnh.
Do đó, để phòng ngừa tối đa nguy cơ trẻ bị tự kỷ, gia đình cần lưu ý các vấn đề sau
- Thay đổi môi trường sống, nơi làm việc lành mạnh, tránh xa những nơi ô nhiễm, nhiều hóa chất hay tiếp xúc với kim loại nặng.. Bản thân mỗi người đều cần được sống trong một môi trường lành mạnh, trong lành, không chỉ riêng bà bầu. Nếu vì tính chất công việc luôn cần đảm bảo trang bị đầy đủ các trang phục bảo hộ để bảo vệ cho sức khỏe của chính bản thân mình.
- Kiểm soát sức khỏe tốt nhất, tuyệt đối không tự ý dùng bất cứ loại thuốc nào nếu không có chỉ định từ bác sĩ, đặc biệt là các loại thuốc giảm đau, thuốc an thần. Kể cả các loại thực phẩm chức năng cũng nên tham khảo dược sĩ, khám sức khỏe để biết bản thân thiếu hụt dưỡng chất nào mới bắt đầu bổ sung. Những người bị căng thẳng hay trầm cảm khi mang thai cần thông báo sớm cho bác sĩ để được chỉ định các nhóm thuốc phù hợp nhất.
- Khám sức khỏe định kỳ, tầm soát dị tật khi mang thai. Thực tế không có biện pháp cụ thể nào hiện nay có thể tầm soát sớm nguy cơ trẻ bị tự kỷ, tuy nhiên việc kiểm tra sức khỏe sẽ giúp mẹ phát hiện được những vấn đề sức khỏe bất thường của bản thân và thai nhi, nhờ đó có hướng kiểm soát kịp thời.
- Giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan, hạn chế những suy nghĩ tiêu cực trong suốt thời kỳ mang thai. Để làm được điều này rất cần có sự hỗ trợ và quan tâm phù hợp từ gia đình, đặc biệt là người chồng. Bà bầu thường rất dễ cáu gắt nên người chồng cần thực sự kiên trì, chia sẻ và tâm sự hằng ngày để loại bỏ các tư tưởng không phù hợp, phòng tránh nguy cơ trầm cảm
- Bổ sung chế độ ăn uống lành mạnh, sử dụng các thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, minh bạch, không sử dụng các thực phẩm bẩn. Nên ưu tiên ăn chín uống sôi, hạn chế lạm dụng quá nhiều dầu mỡ hay gia vị. Đặc biệt tránh xa các chất kích thích, thuốc lá, đồ uống có cồn
- Tiêm phòng đầy đủ cho mẹ trong suốt thời kỳ mang thai để phòng tránh tối đa các nguyên nhân khiến trẻ bị tự kỷ
- Nếu mẹ đang điều trị các bệnh lý hay dùng thuốc trong thời gian dài, tiếp xúc với các hóa chất nên đợi một thời gian mới mang thai để hạn chế các tác động không tốt đến sự phát triển của con
- Hãy bắt đầu trò chuyện, đọc sánh và cho con nghe nhạc ngay từ thời điểm còn trong bụng mẹ để tăng sự liên kết với con
- Không nên mang thai ở độ tuổi quá lớn, đồng thời cũng nên giữ khoảng cách giữa các lần mang thai trong vài năm không nên sinh con quá sát nhau
- Trẻ ở 24 tháng đầu nên tránh cho con tiếp xúc gần với TV, sóng điện thoại di động hay các thiết bị điện tử khác
- Đảm bảo ngủ đủ giấc, dành thời gian luyện tập thể dục thể thao thường ngày
- Trẻ sơ sinh sau 24 tháng đầu chính là “thời điểm vàng” để phát hiện và điều trị tự kỷ (nếu có) giúp con giảm nhẹ được các triệu chứng, tăng khả năng hòa nhập với cuộc sống cộng đồng nên gia đình cần cực kỳ chú ý.
- Nếu thấy con có triệu chứng tự kỷ cần đến gặp bác sĩ để thăm khám chi tiết, không nên tự khẳng định hay tự điều trị cho con
Các nguyên nhân khiến trẻ bị tự kỷ rất phức tạp, dù đã có rất nhiều nghiên cứu được thực hiện trong hàng chục năm qua nhưng vẫn chưa thể nắm bắt hoàn toàn cơ chế gây bệnh. Mỗi gia đình, mỗi phụ huynh cần hiểu rõ về căn bệnh này, thay đổi cuộc sống lành mạnh, tích cực hơn để phòng tránh tối đa nguy cơ trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!