Cách đối phó, sống chung với bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Sống chung với bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế không hề là một chuyện dễ dàng. Hầu hết những người mắc bệnh này đều có xu hướng sống một mình bởi những nguyên tắc của họ quá gắt gao khiến những người sống cùng cũng cảm thấy áp lực. Trao đổi với bác sĩ, lên kế hoạch hoạt động mỗi ngày, tránh xa chất kích thích đồng thời hướng đến những điều tích cực hơn sẽ giúp ích rất nhiều cho người bệnh.

Cách đối phó, sống chung với bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD được đặc trưng bằng việc người bệnh thường xuyên có các hành vi, suy nghĩ lặp đi lặp lại mà không thể kiểm soát được bởi nếu không thực hiện họ sẽ cực kỳ bứt rứt, khó chịu. Chẳng hạn nhìn thấy một hạt bụi cũng phải lau cả nhà, nếu tay vô tình bị bẩn họ có thể dành hàng tiếng đồng hồ để rửa tay hay có thể quay trở lại nhà để kiểm tra xem đã khóa cửa hay chưa hàng chục lần.

sống chung với bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Người mắc chứng OCD có rất nhiều nỗi lo làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của họ

Nguyên nhân gây OCD dù chưa được xác minh chính xác nhưng được cho là có liên quan đến những ám ảnh từ quá khứ hay mất cân bằng dẫn truyền thần kinh não bộ. Mặc dù rối loạn ám ảnh cưỡng chế hầu như không làm ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh nhưng lại tác động xấu đến tinh thần, chất lượng cuộc sống, công việc hay ngay cả trong sinh hoạt hằng ngày.

Vậy làm thế nào để sống chung với bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế?

Duy trì điều trị đúng cách

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế có thể ảnh hưởng một người suốt cả đời, tùy theo mức độ nặng nhẹ khác nhau. Việc dùng thuốc hay các biện pháp chăm sóc tâm lý khác có thể mang đến nhiều lợi ích cho bệnh nhân. Do đó việc duy trì các điều trị theo đúng chỉ định từ bác sĩ chính là biện pháp quan trọng hàng đầu để sống chung với bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế.

Người bệnh nên chú ý việc uống thuốc đúng liều, đúng cách, nên cố gắng duy trì uống trong cùng một khung giờ để mang đến tác dụng tốt nhất. Tuyệt đối không được tự ý tăng/ giảm liều vì đều gây ra những tác dụng phụ không mong muốn. Tuy nhiên với đặc trưng tính cách của người rối loạn cưỡng chế thì đa phần họ có thể làm rất tốt điều này.

Song song đó, để việc sống chung với bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế trở nên đơn giản nhẹ nhàng hơn, tuân thủ lịch trình gặp chuyên gia trị liệu cũng là điều rất cần thiết. Lưu ý rằng hãy luôn trung thực khi trò chuyện và làm việc cùng nhà trị liệu, nói ra hết những cảm xúc, những khó khăn của bản thân, chỉ có thế thì chuyên gia mới có thể hỗ trợ. Thực hiện các biện pháp đối diện với căng thẳng và xoa dịu tâm trí do các chuyên gia tâm lý hướng dẫn cũng có thể giúp ích rất nhiều cho đời sống của người OCD mỗi ngày.

Đọc sách để sống chung với bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Một nghiên cứu thú vị đã được thực hiện ở những bệnh nhân OCD, kết quả cho thấy việc đọc các tiểu thuyết kinh dị thực sự có thể giúp ích cho chất lượng cuộc sống của người bệnh.  Điều này vốn nhằm mục đích kích thích sự tập thu, giải phóng sự căng thẳng trong các vấn đề xoay quanh hằng ngày thông qua các tình tiết kinh dị, đáng sợ từ cuốn truyện.

sống chung với bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Sự đồng cảm từ những trang sách có thể phần nào an ủi, xoa dịu tâm trí người bệnh

Những bệnh nhân OCD cho biết, sự hư cấu trong những cuốn sách này lại có thể an ủi họ bởi những nhân vật trong truyện đã phải chịu khổ đau, tuy nhiên họ vẫn có thể vượt qua được. Sự đồng cảm được rút ra từ cuối mỗi câu chuyện khiến bản thân người bệnh tin rằng, chí ít mình cũng không phải đối diện với tử thần, không phải mắc những loại virus nguy hiểm nên không có gì quá phải lo lắng.

Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra, đọc sách sẽ giúp tăng cường kết nối thần kinh, nâng cao nhận thức biểu hiện, sự đồng cảm. Điều này cũng giúp ích rất nhiều cho các bệnh nhân phải sống chung với bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Đặc biệt nếu nhân vật trong truyện có hoàn cảnh tương tự, chẳng hạn những đứa trẻ bị cha mẹ cha mẹ bỏ rơi khi đọc các câu chuyện về siêu anh hùng luôn bảo vệ những người có hoàn cảnh như vậy thì tính hiếu chiến, dễ kích động của chúng có xu hướng giảm.

Thực tế thì việc đọc sách để đối phó với bệnh tâm thần vốn đã được xuất hiện từ đầu của thế kỷ 20. Theo lịch sử, Ramses Đệ Nhị miêu tả thư viện tại Thebes chính là “nơi chữa bệnh của linh hồn” bởi nó có thể xoa dịu tâm trí, giải phóng căng thẳng. Ngày nay liệu pháp đọc sách để chữa trầm cảm, nghiện, rối loạn stress sang sang chấn cũng trở nên rất phổ biến.

Học cách trấn an với bản thân

Tự trò chuyện, trấn an bản thân mình cũng là điều người bệnh phải học nếu muốn sống chung hòa bình với bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Bởi không phải lúc nào cũng có người bên cạnh nhắc nhở rằng “bạn đã khóa cửa rồi” , “tay đã rửa sạch rồi”, do đó chỉ có bản thân bạn có thể giúp bạn những lúc như vậy.

Tất nhiên việc tự nói chuyện và đấu tranh giữa hai thái cực “đúng” và “sai” trong tâm trí cũng cực kỳ khó khăn. Chẳng hạn khi bạn vừa ra khỏi nhà 5p và băn khoăn không biết đã đóng cửa cửa chưa thì một bên tâm trí sẽ nói rằng “chắc chắn đã đóng cửa rồi” nhưng bên khác lại phản bác ngay rằng “có gì chắc chắn chưa, nếu chưa đóng thì sẽ có trộm, mất đồ đạc, thậm chí bản thân cũng gặp nguy hiểm nếu bước về nhà”. Bởi thế hầu hết những người bệnh thường khó chiến thắng được OCD và luôn chọn quay ngược trở lại để về nhà.

Thực hành liệu pháp phơi nhiễm trong tâm lý trị liệu có thể mang đến hiệu quả cho người bệnh trong việc tự trấn an bản thân, bởi khi bắt buộc phải tiếp xúc với nỗi ám ảnh thường xuyên nhưng không được kháng cự cơ thể sẽ tự sinh ra các phương án để xoa dịu căng thẳng. Một số cách để trấn an bản thân trong các tình huống gây căng thẳng cho bệnh nhân OCD như

  • Hít thở thật sâu, thở ra chậm để ổn định nhịp thở
  • Lặp lại nhiều lần các câu nói như mình không gặp nguy hiểm, mình chắc chắn đã đóng cửa, chắc chắn đã tắt điện, thậm chí thách thức lại nỗi lo âu của mình với những câu hỏi như “cứ cho là không đóng cửa đi, hãy thử xem có chuyện gì sẽ xảy ra”.
  • Gọi tên căn bệnh thay vì nhắc nhở về vấn đề mình đang gặp phải, chẳng hạn ” tôi đang gặp vấn đề, không phải là do cánh cửa chưa đóng mà là do căn bệnh OCD của tôi”. Điều này sẽ nhắc nhở cho người bệnh rằng điều mà họ đang trải qua chỉ là triệu chứng của OCD chứ không nằm ở vấn đề là cánh cửa. Đây là một kỹ thuật chống lại OCD được phát triển bởi Jeffrey M. Schwartz – bác sĩ tâm thần người Mỹ và nhà nghiên cứu trong lĩnh vực dẻo dai thần kinh và ứng dụng.
  • Cố gắng đứng tại chỗ, đi lại trong khu vực nhỏ đến khi dần lấy lại sự bình tĩnh
  • Nếu thực sự đã vượt qua được nỗi lo lắng này đừng quên dành cho bản thân một câu khen thưởng để tự khích lệ cho chính mình

Tất nhiên để bệnh nhân rối loạn ám ảnh cưỡng chế có thể tự trấn an mình vượt qua nỗi ám ảnh chắc chắn không phải là điều dễ dàng. Nhà tư vấn tâm lý có thể là người hỗ trợ được bệnh nhân dần luyện tập được các liệu pháp này và áp dụng tại nhà để nâng cao chất lượng cuộc sống mỗi ngày.

Dành sự tập trung sang một chủ đề khác

Bộ não có thể tự thay đổi chính nó, điều này có nghĩa là nếu bạn có thể điều hướng qua những sự kiện khác thì nỗi lo âu hiện tại cũng có thể giảm hay biến mất, ngăn chặn được các hành vi cưỡng bức của họ. Điều này có thể giúp ích trong việc giảm các cảm xúc căng thẳng, lo âu cho bệnh nhân OCD, các hành vi kích động của họ cũng được kiểm soát nhanh chóng.

sống chung với bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Nghe nhạc hay tập trung làm một việc gì đó có thể xua tan đi nỗi lo âu của bệnh nhân

Theo đó, người bệnh nên chuyển hướng quan tâm sang các hoạt động tích cực như nghe nhạc, tập thể dục, giúp đỡ một ai đó. Chẳng hạn nghe và nhẩm theo lời nhạc có thể làm giảm suy nghĩ về việc liệu đã tắt đèn trước khi ra ngoài chưa. Hay việc giúp đỡ một người già qua đường có thể “đánh bay” nỗi lo âu về việc tay vừa chạm vào bồn vệ sinh công cộng.

Trong cuộc sống hằng ngày, người bệnh cũng nên tăng cường các hoạt động hay công việc cần tính tập trung cao, tránh xao lãng để sống chung với bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế nhẹ nhàng hơn. Đây cũng chính là kỹ thuật được sáng tạo bởi Jeffrey M. Schwartz nhằm mục đích đấu tranh để không đầu hàng với cảm xúc. Dù thời gian kháng cự được trước những ám ảnh cưỡng chế này chỉ trong 1 phút cũng có nghĩa là bệnh bắt đầu cải thiện.

Sống chung với bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế hãy ghi chép nhật ký

Bộ não của bệnh nhân OCD dường như không thể chuyển sang “hoạt động mới, suy nghĩ mới” nên cứu lặp đi lặp lại các hành vi mà họ đã thực hiện. Điều này sẽ rất nghiêm trọng nếu họ đã uống thuốc rồi nhưng lại không chắc chắn và lặp lại nhiều lần nữa. Để kiểm soát được vấn đề này, người bệnh nên học cách ghi chép, chụp hình để chứng minh và lưu giữ các hoạt động hằng ngày của mình.

Chẳng hạn mỗi ngày uống thuốc hãy kèm theo một tờ giấy tick ghi ngày/ tháng/ giờ đã uống thuốc và dán ở hộp thuốc để tránh lặp lại. Hoặc chụp lại hình ảnh nhà đã tắt hết đèn trước khi ra ngoài. Như vậy trong trường hợp bạn nếu có lo lắng rằng không biết đã uống thuốc chưa, đã tắt đèn chưa bạn chỉ cần đưa điện thoại ra xem hình. Đây sẽ thành nền tảng chắc chắn để bạn dám tự tin trấn an bản thân hơn.

Ghi chép nhật ký khi sống chung với bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế có thể giúp người bệnh tiết kiệm rất nhiều thời gian trong cuộc sống hằng ngày, ít nhất trong việc làm công cụ để trấn an bản thân. Đừng nên xóa các hình ảnh này khi chưa hết ngày vì người bệnh có thể suy nghĩ đến và muốn kiểm tra lại bất cứ lúc nào.

Chú ý chế độ ăn hằng ngày

Dinh dưỡng cũng đóng vai trò lớn trong quá trình điều trị cho bệnh nhân rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Bên cạnh đó, việc duy trì giờ ăn ổn định, tránh cảm giác đói bởi nếu đói sẽ hạ đường huyết và làm tâm trạng cáu kỉnh hơn. Điều này sẽ chẳng tốt cho người OCD một chút nào bởi sẽ kích thích sự lo âu, căng thẳng và nỗi lo lắng của họ tiến triển nhiều hơn.

sống chung với bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Một chế độ dinh dưỡng khoa học có thể đem đến cho người bệnh nhiều cải thiện tốt

Một số nhóm thực phẩm được đánh giá hữu ích mà bệnh nhân rối loạn ám ảnh cưỡng chế nên bổ sung như

  • Các loại đậu và hạt với giá trị dinh dưỡng cao như đậu nành, đậu phộng, đậu lăng
  • Protein lành mạnh từ ví dụ như trứng, đậu và thịt nạc
  • Thực phẩm chứa carbs phức từ các loại rau xanh, trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt…

Để sống chung hòa bình với với bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế, người bệnh cũng cần hạn chế các nhóm thực phẩm sau đây

  • Trà, cà phê, nước tăng lực hay các loại thức uống có thể làm kích thích thần kinh và gây mất ngủ
  • Rượu, bia hay các loại đồ uống có cồn chung. Một số người có thể lựa chọn sử dụng các chất này để xoa dịu tinh thần, trấn an bản thân nhưng thực tế chỉ gây ra tác dụng ngược. Khi tinh thần không tỉnh táo sẽ không kiểm soát được bản thân, càng dễ thực hiện các hành vi lặp đi lặp lại trong vô thức
  • Các loại đồ ăn cay nóng, đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn có lượng đạm cao, đồ ăn có lượng muối hay đường cao cũng đều nên hạn chế.

Suy nghĩ tích cực, tránh xa tiêu cực

Không chỉ với các bệnh nhân OCD mà bất cứ ai cũng nên học cách suy nghĩ tích cực hơn mỗi ngày. Chỉ cần thay đổi hướng nhìn nhận một vấn đề thì kết quả mà bạn nhân được cũng sẽ khác hẳn. Chẳng hạn thay vì luôn than thân trách phận rằng vì sao mình lại bị OCD thì bạn hãy tự nhìn nhận rằng mình là một người đặc biệt hơn mọi người.

Thay vì cứ nhìn chằm chằm vào các khuyết điểm của OCD thì hãy tìm kiếm những lợi ích mà căn bệnh có thể đem đến cho bạn. Nghe thì có vẻ lạ nhưng trong thực tế, những người mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế do có xu hướng cầu toàn, kỹ tính mà họ thường là những người thành công trong công việc. Họ cũng là người vô cùng sạch sẽ, chú ý đến ngoại hình nên môi trường làm việc cũng khá đa dạng.

Chỉ cần nhìn nhận vào ít nhất hai đặc điểm này chẳng bạn bạn cũng cảm thấy được an ủi phần nào. Ngoài ra một số lưu ý khi sống chung với bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế để tinh thần luôn tích cực như

  • Đảm bảo ngủ đủ 7- 8 tiếng mỗi ngày, nên đi ngủ sớm, tránh tối đa việc thức quá khuya hay thiếu ngủ sẽ khiến tinh thần uể oải, thiếu tỉnh táo, thiếu kiên nhẫn hơn sẽ không thể trấn an được bản thân
  • Duy trì thói quen luyện tập thể dục thể thao hằng ngày để nâng cao cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần
  • Học thiền và yoga đều đem đến cho người bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế rất nhiều cải thiện tốt trong việc xoa dịu tâm trí.
  • Tập các bài tập hít thở sẽ giúp người bệnh giữ được bình tĩnh khi đứng trước các sự lựa chọn trong lúc bộc phát các triệu chứng OCD.
  • Nghe nhạc trị liệu cũng là một trong những biện pháp giúp thư giãn tâm trí hiệu quả
  • Một số biện pháp thư giãn, xua tan tiêu cực khác như xem phim, tắm nước nóng, xông hơi tinh dầu, leo núi hay chỉ đơn giản là vận động làm một việc gì đó.

Hãy nhớ rằng luôn có rất nhiều người bên bạn

Thực tế nhiều người mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường chọn cách sống một mình, đặc biệt là những người bị cưỡng chế nặng. Bởi những quy tắc, những nỗi ám ảnh của họ có thể gây phiền phức cho người sống chung. Chẳng hạn nếu trong nhà chỉ cần rơi một sợi tóc cũng khiến người OCD cáu kỉnh và làm loạn lên nên đôi khi sẽ khiến người sống chung khó chịu.

sống chung với bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Gia đình luôn sẵn sàng bên cạnh và làm tất cả để giúp đỡ bạn

Tuy nhiên hãy nhớ rằng sẽ vẫn luôn có những người luôn bên cạnh bạn, chấp nhận những khó khăn của bạn. Đó chính là cha mẹ, là anh em, là những người bạn bè thân thiết từ thủa nhỏ. Họ luôn sẵn sàng lắng nghe những khó khăn khi phải sống chung với bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế của bạn và tìm mọi cách để giúp đỡ bạn. Đôi lúc chỉ cần một người lắng nghe những khó khăn cũng đủ giúp tinh thần bạn cảm thấy ổn hơn rất nhiều.

Nếu có một người đang cùng chung sống thì càng tốt cho người bệnh. Chẳng hạn nếu bạn ra ngoài thay vì đấu tranh xem có nên về nhà kiểm tra đã tắt bếp hay chưa thì có thể chọn các gọi điện thoại cho người đang ở nhà. Mặt khác chính những người sống chung có thể tạo cho bạn môi trường để “phơi nhiễm” với chính nỗi sợ của bản thân.

Tất nhiên việc sống chung với bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế không hề là điều dễ dàng cho chính bản thân họ và cả những người xung quanh. Tuy nhiên nếu có sự quyết tâm, tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp, yêu thương chính bản thân mình thì mọi khó khăn nào cũng có thể vượt qua.

Có thể bạn quan tâm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *