Suy nghĩ quá nhiều là bệnh gì? Tác hại và cách khắc phục
Suy nghĩ quá nhiều là tình trạng thường gặp do nhiều nguyên nhân gây ra. Hơn nữa, trong một số trường hợp, đây có thể là biểu hiện của các bệnh tâm lý, tâm thần. Cần tìm hiểu rõ căn nguyên của vấn đề để tìm kiếm cách khắc phục phù hợp.
Suy nghĩ quá nhiều có phải là bệnh hay không?
Suy nghĩ là hoạt động được não bộ kiểm soát và chi phối. Hoạt động này diễn ra ở hầu hết thời gian trong ngày. Đặc biệt là khi học tập, làm việc hay khi phải đối mặt và giải quyết các vấn đề xung quanh cuộc sống. Suy nghĩ sẽ giúp mỗi người tăng tính nhanh nhạy, phát triển năng lực và nhìn nhận lại cách cư xử cũng như phản ứng sau mỗi tình huống.
Tuy nhiên, suy nghĩ quá nhiều lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Tình trạng này gây ra không ít ảnh hưởng đối với cả sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Nó làm gia tăng các cảm xúc tiêu cực như lo âu, buồn bã, phiền muộn, bi quan,… Ngoài ra còn khiến não bộ căng thẳng gây giảm trí nhớ, kém linh hoạt và giảm khả năng tập trung khi làm việc, học tập.
Trong một số trường hợp, suy nghĩ quá nhiều còn là biểu hiện hoặc yếu tố làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh lý sau:
1. Suy nhược thần kinh
Suy nhược thần kinh là tình trạng rối loạn chức năng vỏ não do não bộ phải làm việc quá sức. Tình trạng này còn được gọi là loạn thần chức năng, xảy ra phổ biến ở những người từ 18 – 45 tuổi phải lao động nặng nhọc, làm việc quá 8 tiếng/ ngày hay phải đối mặt với các sang chấn tâm lý.
Đặc điểm chung ở những người bị suy nhược thần kinh là tâm trạng thay đổi thất thường, rối loạn cảm giác, mất ngủ, mệt mỏi, buồn bã, uể oải,… Hơn nữa, họ còn dành quá nhiều thời gian để suy nghĩ về các sự kiện đã xảy ra hay những vấn đề nan giải trong cuộc sống.
2. Stress
Stress (căng thẳng) thực chất là phản ứng của cơ thể để thích nghi với các áp lực, sự kiện hay vấn đề xảy ra trong cuộc sống. Thường gặp nhất là khó khăn trong công việc và học tập, áp lực tài chính, mâu thuẫn với người thân, bạn bè,…
Trường hợp các tác nhân gây căng thẳng thường xuyên diễn ra thì cơ thể sẽ bị stress kéo dài. Từ đó xuất hiện các biểu hiện như mệt mỏi, uể oải, mất ngủ và suy nghĩ quá nhiều. Nếu không kiểm soát được tình trạng này thì bạn có thể gặp phải một số triệu chứng thứ phát. Chẳng hạn như kém tập trung, đau nửa đầu, giảm ham muốn tình dục,…
3. Rối loạn lo âu
Suy nghĩ quá nhiều là biểu hiện thường thấy ở những người mắc chứng rối loạn lo âu, nhất là rối loạn lo âu lan tỏa. Đây là chứng bệnh đặc trưng bởi sự lo lắng hay sợ hãi quá mức và không tương xứng với tình huống, sự việc.
Những người bị rối loạn lo âu thường dành rất nhiều thời gian để suy nghĩ về nỗi sợ cũng như nguồn gốc của sự lo lắng. Riêng đối với người bị rối loạn lo âu lan tỏa thì họ lại suy nghĩ nhiều về các vấn đề trong cuộc sống và tưởng tượng tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Suy nghĩ của họ bắt nguồn từ việc muốn nỗ lực để tìm ra giải pháp đối phó.
Do bị sự lo lắng và sợ hãi quá mức chi phối nên họ thường suy nghĩ quanh đi quẩn lại và không có lối thoát. Suy nghĩ của họ thường rất tiêu cực và bi quan. Việc càng suy nghĩ lại càng khiến cho mức độ buồn bã, chán nản và lo âu tăng lên.
Nguyên nhân gây ra suy nghĩ quá nhiều
Tình trạng suy nghĩ quá nhiều có thể là do nhiều nguyên nhân gây ra. Trong đó, các nguyên nhân thường gặp nhất bao gồm:
1. Áp lực từ cuộc sống
Khảo sát cho thấy, những người gặp nhiều vấn đề trong cuộc sống như mâu thuẫn với bạn đời, gia đình, công việc không mong muốn, cha mẹ/ con cái bị bệnh, áp lực tài chính,… thường hay suy nghĩ quá nhiều.
Thông thường, tình trạng suy nghĩ và lo lắng quá mức sẽ tự động thuyên giảm dần sau một khoảng thời gian. Tuy nhiên, nếu các áp lực từ cuộc sống kéo dài và xảy ra liên tục thì phản ứng chung của hầu hết mọi người đều là dành quá nhiều thời gian để suy nghĩ về chúng.
2. Các đặc điểm tính cách
Thực tế cho thấy, một số người có tính cách nhút nhát, tự ti, nhạy cảm, hay lo lắng và căng thẳng thường sẽ suy nghĩ quá nhiều khi phải đối mặt với các sự kiện đặc biệt xảy ra trong cuộc sống. Trái lại, một số người khác chỉ phải dành rất ít thời gian nghĩ tới. Hơn nữa họ còn nhanh chóng gạt bỏ chúng để bình ổn lại cuộc sống.
3. Biểu hiện của bệnh tâm lý
Như đã đề cập, ở một số trường hợp, suy nghĩ quá nhiều có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh tâm lý, tâm thần. Chẳng hạn như rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn hoang tưởng, rối loạn nhân cách,… Trong đó thường gặp nhất là bệnh trầm cảm và rối loạn lo âu.
4. Các yếu tố rủi ro
Ngoài các nguyên nhân nêu trên thì tình trạng suy nghĩ quá nhiều còn dễ dàng xảy ra hơn khi có các yếu tố thuận lợi. Chẳng hạn như:
- Là nữ giới
- Giai đoạn nội tiết tố thay đổi
- Được nuôi dạy trong hoàn cảnh nghèo khó
- Gia đình từng phải đối mặt với nhiều biến cố bất ngờ
- Thường xuyên phải lo lắng về tài chính
Dấu hiệu nhận biết chứng suy nghĩ quá nhiều
Trước khi tìm kiếm giải pháp để chấm dứt tình trạng suy nghĩ quá mức thì bạn cần phải nhận ra khi nào bạn đang phải trải qua nó. Một số dấu hiệu để nhận biết bản thân đang suy nghĩ quá mức bao gồm:
1. Không tập trung vào giải pháp
Suy nghĩ quá nhiều hoàn toàn khác với giải quyết vấn đề. Suy nghĩ quá mức là có những ý nghĩ quẩn quanh và thường trực xoay quanh vấn đề. Trong khi đó, giải quyết vấn đề lại liên quan tới việc tìm kiếm giải pháp.
Giải quyết vấn đề có thể dẫn đến những hành động hiệu quả. Mặt khác, suy nghĩ quá mức lại thúc đẩy các cảm xúc khó chịu và không tập trung vào việc tìm kiếm giải pháp.
2. Tỉnh táo vào ban đêm
Khi suy nghĩ quá nhiều, bạn có thể cảm thấy dường như bộ não của mình không ngừng hoạt động. Mặc dù bạn cố gắng ngủ nhưng vẫn sẽ cảm thấy như thể não đang hoạt động quá mức. Nó lặp đi lặp lại các kịch bản trong đầu. Đồng thời khiến cho bạn tưởng tượng ra những điều tồi tệ đang xảy ra.
Nhiều nghiên cứu đã xác nhận, sự suy ngẫm sẽ gây cản trở giấc ngủ. Suy nghĩ quá nhiều khiến cho bạn khó đi vào giấc ngủ hơn và làm giảm chất lượng giấc ngủ của bạn.
Khó đi vào giấc ngủ còn có thể góp phần gây ra những suy nghĩ đáng lo ngại hơn. Chẳng hạn như khi bạn không ngủ ngay lập tức thì bạn có thể tưởng tượng rằng mình quá mệt mỏi vào ngày hôm sau. Điều này lại khiến bạn cảm thấy lo lắng và có thể khó ngủ hơn nữa.
3. Trải nghiệm những suy nghĩ lặp đi lặp lại
Khi suy nghĩ quá nhiều, bạn có thể nhận thấy bản thân mình lặp đi lặp lại một cuộc trò chuyện trong đầu hay tưởng tượng một điều gì đó tồi tệ đang xảy ra nhiều lần.
Theo một nghiên cứu năm 2013, việc bạn lo lắng quá mức về các vấn đề, thiếu sót và sai lầm sẽ làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần. Khi sức khỏe tinh thần giảm sút thì bạn lại có nhiều khả năng nghiền ngẫm những suy nghĩ của mình. Đây dường như là một chu kỳ lặp đi lặp lại và rất khó phá vỡ.
4. Đấu tranh để đưa ra quyết định
Bạn thường cố thuyết phục bản thân rằng suy nghĩ lâu hơn sẽ giúp ích cho bạn. Nhưng phân tích tổng thể và ám ảnh đang thực sự trở thành rào cản. Nghiên cứu cho thấy, suy nghĩ quá nhiều có thể khiến bạn khó đưa ra quyết định.
Suy nghĩ quá nhiều khiến bạn lãng phí nhiều thời gian để đưa ra quyết định. Hơn nữa nó còn ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn. Việc suy đi nghĩ lại nhiều lần thực sự là một hình thức tra tấn tinh thần.
5. Các biểu hiện khác
Khi dành quá nhiều thời gian để suy nghĩ về mọi thứ trong cuộc sống, cơ thể bạn có thể xuất hiện nhiều biểu hiện về cả thể chất và tinh thần đi kèm với tình trạng suy nghĩ quá nhiều. Bao gồm:
- Đau đầu
- Chán nản, buồn bã
- Tiêu cực, bi quan
- Cảm thấy bản thân vô dụng, không có giá trị
- Lo lắng quá mức, đôi khi còn cảm thấy sợ hãi
- Thiếu năng lượng, chậm chạp trong các hoạt động thể chất
- Dễ bị đau nhức vai gáy
- Ức chế não bộ
- Gián đoạn việc học tập và lao động
- Suy giảm trí nhớ, giảm tính sáng tạo
- Tâm trạng nhạy cảm, dễ tủi thân và khóc lóc
- Nhạy cảm hơn với lời nói hay sự kiện xảy ra trong cuộc sống
Những ảnh hưởng của tình trạng suy nghĩ quá nhiều
Suy nghĩ quá nhiều là thói quen không tốt gây ra nhiều ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Tình trạng này sẽ khiến cho hệ thần kinh trung ương bị ức chế, đồng thời khiến não bộ rơi vào trạng thái stress kéo dài.
Ban đầu, suy nghĩ quá mức có thể gây ra các vấn đề như mất ngủ, mệt mỏi, đau đầu và uể oải. Tuy nhiên nếu không được khắc phục thì các vấn đề nghiêm trọng hơn hoàn toàn có thể xảy ra. Tác hại của tình trạng này tương đối đa dạng, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.
Những ảnh hưởng của tình trạng suy nghĩ quá nhiều bao gồm:
– Tác hại với sức khỏe tâm thần:
- Thay đổi tâm trạng và khiến cảm xúc trở nên bất ổn
- Ảnh hưởng xấu đến tư duy và khả năng tập trung
- Hình thành những quan niệm và nhận thức méo mó
- Gia tăng nguy cơ bị rối loạn lo âu, stress, trầm cảm, suy nhược thần kinh
- Làm tái phát hoặc tồi tệ thêm các chứng bệnh tâm lý, tâm thần
- Trẻ em và thanh thiếu niên suy nghĩ quá nhiều sẽ ảnh hưởng tới quá trình hình thành nhân cách
– Tác hại đối với sức khỏe thể chất:
- Bị rối loạn giấc ngủ với các biểu hiện như mất ngủ, khó ngủ, dễ thức giấc và thường xuyên gặp ác mộng
- Trí nhớ suy giảm
- Đau đầu, choáng váng, đau nửa đầu
- Căng cơ dẫn tới nhức mỏi cơ thể, đau vai gáy
- Rối loạn tiêu hóa với các biểu hiện như chướng bụng, chán ăn, đau vùng thượng vị, trào ngược dạ dày, táo bón,…
- Làm nghiêm trọng thêm các bệnh thể chất có sẵn như tim mạch, bệnh nội tiết, chuyển hóa, các bệnh liên quan đến hệ thần kinh trung ương,…
- Giảm hormone testosterone, làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng ở nam giới
- Rối loạn kinh nguyệt và làm gia tăng nguy cơ hiếm muộn – vô sinh ở nữ giới
- Gia tăng nguy cơ bị đột quỵ và đột tử ở những người cao tuổi, nhất là người có các bệnh lý nền
Cách khắc phục chứng suy nghĩ quá nhiều
Hầu như ai cũng có những lúc không thể thôi suy nghĩ về một vấn đề nào đó. Tuy nhiên, thói quen suy nghĩ quá nhiều lại thường gây khó khăn cho việc giải quyết vấn đề. Do đó bạn cần tìm kiếm các giải pháp để thoát khỏi suy nghĩ luẩn quẩn và quay về với thực tại.
Dưới đây là một số cách giúp khắc phục chứng suy nghĩ quá nhiều:
1. Tự đánh lạc hướng bản thân
Tự đánh lạc hướng bản thân khi suy nghĩ quá nhiều là cách hữu hiệu giúp bạn thoát ra khỏi tình trạng này. Tốt nhất nên làm bất cứ việc nào khiến bạn cảm thấy vui vẻ và say mê.
Khi các ý nghĩ vượt khỏi tầm kiểm soát thì đôi khi bạn chỉ cần làm việc khác một lúc là có thể đánh lạc hướng suy nghĩ. Bất cứ việc gì cũng có tác dụng, miễn sao nó xua đi được những thứ đang quấy rầy bạn.
Có những người thích chơi ghép hình hay tô màu. Trong khi đó những người khác lại thích tập thể dục hay đi tản bộ. Nếu thích vận động thì bạn có thể chạy bộ, bơi một vài vòng quanh bể bơi hay tập ném bóng rổ. Cứ chọn bất cứ hoạt động nào giúp cho bạn cảm thấy dễ chịu.
2. Viết nhật ký giúp kiểm soát suy nghĩ quá nhiều
Bạn có thể thử dành ra 10 phút mỗi ngày để viết nhật ký. Đây chính là một cách rất hữu hiệu giúp trấn tĩnh lại các ý nghĩ miên man trong đầu bạn. Khi viết chúng ra giấy, bạn có thể sắp xếp để các ý nghĩ để chúng không bị lộn xộn và khiến tâm trí choáng ngợp.
Bằng cách viết nhật ký, bạn cũng có thể tìm hiểu và nắm rõ hơn gốc rễ của vấn đề. Điều này giúp bạn dễ dàng tìm ra giải pháp hơn. Thậm chí đôi khi còn nhận ra rằng đã tới lúc gạt bỏ các cảm giác của bản thân sang một bên.
3. Chỉ lo lắng trong một khoảng thời gian nhất định
Bạn nên dành ra 15 – 20 phút mỗi ngày để lo lắng và suy nghĩ về những gì đang xảy ra trong cuộc sống. Chú ý tự dặn mình không được lo lắng ra ngoài khoảng thời gian này.
Sau đó, trong suốt thời gian còn lại của ngày bạn có thể ghi lại bất cứ thứ gì khiến bạn bắt đầu lo lắng. Hãy tự nhủ với bạn thân rằng không được nghĩ đến nó khi chưa đến thời gian đã định.
Một vấn đề mà bạn cần lưu ý là không nên đặt thời gian lo lắng quá gần giờ đi ngủ. Bởi điều này có thể khiến bạn không đủ thời gian để giải tỏa các cảm xúc tiêu cực trước khi cố gắng đi vào giấc ngủ.
4. Học cách sống trong hiện tại
Nếu bạn suy nghĩ quá nhiều, hãy cố gắng thực hành chánh niệm để phát triển thói quen sống trong hiện tại. Khi nghĩ ngợi quá nhiều thì vấn đề mà bạn nghĩ đến có thể là một việc gì đó xảy ra trong quá khứ. Hoặc cũng có thể bạn cố nghĩ ra mọi kết quả có thể xảy đến trong tương lai.
Việc học cách đưa tâm trí trở lại với những gì đang diễn ra xung quanh mình thường giúp bạn suy nghĩ có chủ ý hơn. Bạn sẽ loại bỏ được lối suy nghĩ vu vơ hay luẩn quẩn về những vấn đề quá xa xôi.
Một bài tập rất hiệu quả để thực hành chánh niệm là dùng mọi giác quan để trải nghiệm những thứ đang diễn ra ở hiện tại. Bạn hãy cố gắng tìm ít nhất một thứ mà bạn có thể nghe, nhìn, nếm, ngửi hay cảm nhận được bằng xúc giác xung quanh bạn.
5. Chia sẻ suy nghĩ với người khác để giảm suy nghĩ quá nhiều
Việc nói ra được những suy nghĩ trong đầu có thể sẽ giúp bạn xử lý vấn đề tốt hơn. Nếu bạn cảm thấy không thể nào dứt ra khỏi những suy nghĩ của mình thì hãy thử tâm sự với một người mà bạn cảm thấy tin cậy.
Người mà bạn chia sẻ, tâm sự có thể là người thân trong gia đình hay một người bạn thân. Hãy kể cho họ nghe những vấn đề mà bạn đang phải đối phó. Ngoài ra, bạn cũng nên chia sẻ với họ vì sao bạn lại cứ mãi suy nghĩ về việc đó.
Khi chia sẻ xong thì bạn cần ngồi lại và đợi đối phương nói lên ý kiến của họ. Có thể họ sẽ cho bạn những lời khuyên hữu ích để giúp bạn nhẹ nhõm và thoải mái hơn.
6. Khắc phục chứng suy nghĩ quá nhiều bằng các biện pháp thư giãn
Suy nghĩ quá nhiều gây ra các ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe tinh thần. Điển hình như thường gây căng thẳng thần kinh, phiền muộn, chán nản và lo âu.
Những suy nghĩ luẩn quẩn liên tục xuất hiện có thể khiến bản thân khó điều chỉnh được cảm xúc và thường chìm đắm trong nỗi buồn. Để cải thiện cảm xúc tiêu cực do suy nghĩ quá nhiều, bạn có thể áp dụng các biện pháp thư giãn sau:
- Liệu pháp mùi hương: Mùi hương có tác dụng giải tỏa căng thẳng và thư giãn thông qua việc kích thích khứu giác. Bạn có thể sử dụng tinh dầu để massage, chăm sóc tóc, cho vào máy khuếch tán tinh dầu hay thêm vào nước tắm.
- Hít thở sâu: Hít thở sâu bằng mũi và thở ra bằng đường miệng giúp bạn kiểm soát tâm trạng tốt hơn. Bạn nên thực hiện biện pháp này khi phải đối mặt với các tình huống gây căng thẳng. Hít thở sâu sẽ giúp bạn giữ bình tĩnh và kiểm soát những cảm xúc tiêu cực.
- Ngồi thiền: Đây là biện pháp rất hữu hiệu giúp bạn tĩnh tâm, giải tỏa căng thẳng, phiền muộn và gạt bỏ hết những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực. Kỹ thuật thư giãn này không chỉ giúp ích cho người hay suy nghĩ nhiều mà còn có lợi cho bệnh nhân trầm cảm, rối loạn lo âu,…
7. Điều chỉnh lối sống lành mạnh
Điều chỉnh lối sống lành mạnh cũng sẽ giúp bạn cải thiện tình trạng suy nghĩ tiêu cực và kiểm soát cảm xúc tốt hơn. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh được sự hiệu quả của lối sống lành mạnh trong việc kiểm soát suy nghĩ và chế ngự lo lắng. Hơn nữa, nó còn hỗ trợ làm giảm những xung đột và mâu thuẫn trong các mối quan hệ.
Cần xây dựng lối sống lành mạnh với các nguyên tắc sau:
- Ngủ đủ giấc: Đây chính là liều thuốc tự nhiên giúp làm giảm căng thẳng và hạn chế suy nghĩ quá mức. Bạn cần đảm bảo ngủ đủ 7 – 8 tiếng mỗi đêm. Ngoài ra nên ngủ trưa 15 – 30 phút để giúp tinh thần tỉnh táo và minh mẫn hơn vào buổi chiều.
- Dành thời gian nghỉ ngơi: Cần cố gắng hoàn thành tất cả công việc trong giờ làm việc. Bạn không nên đem việc ở công ty về nhà. Bởi tình trạng này sẽ làm gia tăng lo lắng và stress. Hơn nữa, làm việc ngoài giờ cũng không mang lại hiệu quả tốt. Đồng thời nó còn chiếm hết thời gian mà bạn dành cho việc nghỉ ngơi.
- Ăn uống lành mạnh: Khi suy nghĩ quá mức, bạn nên bổ sung các thực phẩm tươi và chứa nhiều dưỡng chất tốt. Chẳng hạn như rau xanh, trái cây, sữa chua, đậu, nấm hay các loại cá. Đây đều là những thực phẩm rất tốt cho tâm trạng. Ngoài ra, bạn cần hạn chế sử dụng thuốc lá, rượu bia, chất kích thích hay thực phẩm chế biến sẵn.
- Hoạt động thể chất: Nên dành ít nhất 30 phút/ ngày và 3 – 4 buổi/ tuần cho việc tập thể dục. Hoạt động thể chất sẽ thúc đẩy sản xuất hormone hạnh phúc. Đồng thời giúp giải tỏa căng thẳng và giảm thiểu tình trạng suy nghĩ quá nhiều. Hơn nữa, việc tập thể dục còn giúp cải thiện sức khỏe tổng thể và mang đến nguồn năng lượng dồi dào.
8. Tìm đến chuyên gia trị liệu để được giúp đỡ
Trong nhiều trường hợp, việc nói chuyện với chuyên gia tư vấn tâm lý về tình trạng suy nghĩ quá nhiều của bạn là rất cần thiết. Những suy nghĩ của bạn có thể xuất phát từ các vấn đề thường nhật. Tuy nhiên nó cũng có thể là do các vấn đề như nỗi sợ thất bại ăn sâu hay sang chấn tâm lý trong quá khứ.
Chuyên gia tư vấn tâm lý sẽ giúp bạn xác định rõ nguyên nhân. Đồng thời giúp bạn học các phương pháp để đối phó với những suy nghĩ và cảm xúc ẩn sau đó. Bạn nên biết rằng, việc tìm kiếm sự giúp đỡ khi bạn cần đến là rất hữu ích. Đặc biệt nếu thói quen suy nghĩ quá mức gây cản trở bạn làm những công việc mà mình thật sự yêu thích.
Suy nghĩ quá nhiều kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến cả sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Đây có thể là dấu hiệu nhận biết nhưng cũng đồng thời là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tâm lý, tâm thần. Nếu các giải pháp tại nhà không thể giúp ích, bạn nên tìm đến sự hỗ trợ của chuyên gia tư vấn tâm lý.
Có thể bạn quan tâm:
- Rối Loạn Stress Sau Sang Chấn Tâm Lý (PTSD): Biểu Hiện Và Điều Trị
- Mặc Cảm Về Ngoại Hình (Sợ Xấu) Và 7 Cách Giúp Bạn Vượt Qua
- Chứng Mất Ngủ Kéo Dài Và Trầm Cảm Có Mối Liên Hệ Như Thế Nào?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!