10+ Tác Dụng Phụ Của Thuốc Chống Trầm Cảm Bạn Nên Quan Tâm

Tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm gây ra nhiều nguy hại cho sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Cần nắm rõ các biểu hiện bất thường khi dùng thuốc và thông báo ngay cho bác sĩ được biết.

tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm
Thuốc chống trầm cảm có thể gây ra một số tác dụng phụ đáng quan ngại cho sức khỏe và chất lượng cuộc sống

Các tác dụng phụ thường gặp của thuốc chống trầm cảm

Thuốc chống trầm cảm được sử dụng phổ biến trong việc điều trị bệnh trầm cảm và một số bệnh rối loạn tâm thần khác. Cơ chế hoạt động của loại thuốc này là làm thay đổi sự cân bằng của một số chất hóa học bên trong não. Từ đó giúp điều chỉnh cảm xúc và cải thiện các triệu chứng trầm cảm.

Tuy nhiên, các thuốc chống trầm cảm đôi khi có thể gây ra những tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Việc nắm rõ các thông tin về tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm là cần thiết để chủ động báo cho bác sĩ nếu có biểu hiện bất thường trong quá trình điều trị.

Các tác dụng phụ thường gặp của thuốc chống trầm cảm bao gồm:

1. Buồn nôn

Buồn nôn được cho là tác dụng phụ thường thấy nhất của các loại thuốc chống trầm cảm. Và đây cũng là lý do khiến cho nhiều bệnh nhân ngừng thuốc đột ngột.

Tình trạng buồn nôn thường diễn ra ngay tuần đầu tiên sau khi uống thuốc. Tuy nhiên, tác dụng phụ này thường sẽ tự động thuyên giảm sau vài tuần hay khi cơ thể đã quen với thuốc.

buồn nôn do uống thuốc chống trầm cảm
Buồn nôn là một trong những tác dụng phụ thường gặp nhất của thuốc chống trầm cảm

Để tránh buồn nôn thì người bệnh cần chú ý uống thuốc trầm cảm khi bụng no và uống nhiều nước. Ngoài ra nên tham khảo bác sĩ để sử dụng kèm thuốc chống nôn khi cần thiết.

2. Mất ngủ hoặc buồn ngủ quá mức

Mất ngủ hoặc buồn ngủ quá mức cũng là tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc chống trầm cảm. Do việc ức chế tái hấp thu các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin, dopamine, norepinephrine, acetylcholine, muscarin,… có thể khiến não bộ bị kích thích. Từ đó khiến người bệnh khó chìm vào giấc ngủ, ngủ chập chờn và không sâu giấc.

Hầu hết các loại thuốc chống trầm cảm đều có khả năng gây ra tình trạng mất ngủ. Tuy nhiên, tình trạng này gặp nhiều hơn khi dùng thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs), thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRIs), thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOIs) và thuốc chống trầm cảm 3 vòng (TCA).

Mất ngủ và khó ngủ vào ban đêm diễn ra thường xuyên sẽ dẫn tới buồn ngủ quá mức vào ban ngày. Ngoài ra, tình trạng buồn ngủ cũng có thể là tác dụng phụ của một số thuốc chống trầm cảm. Do các thuốc này có tác dụng an thần nên sẽ có hiệu quả gây ngủ.

3. Rối loạn chức năng tình dục

Không ít người bệnh gặp phải tình trạng rối loạn chức năng tình dục khi dùng các loại thuốc chống trầm cảm. Biểu hiện thường là giảm ham muốn và khó đạt được cực khoái khi quan hệ tình dục. Bên cạnh đó, nam giới dùng thuốc chống trầm cảm còn có thể bị xuất tinh sớm hay rối loạn cương dương.

Mức độ rối loạn chức năng tình dục sẽ tùy thuộc vào từng loại thuốc, liều lượng sử dụng và cơ địa mỗi người. Trong đó, các thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) thường gây ra rối loạn này nhiều hơn.

tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm
Không ít người bị giảm ham muốn tình dục khi dùng thuốc chống trầm cảm

4. Khô miệng – Tác dụng phụ thường gặp của thuốc chống trầm cảm

Khô miệng là tác dụng phụ thường gặp khi bạn sử dụng thuốc tây, trong đó có thuốc chống trầm cảm. Nguyên nhân thường do cơ chế hoạt động của thuốc có thể làm giảm receptor tới não. Từ đó khiến cho cơ thể giảm tiết nước bọt.

Tình trạng khô miệng kéo dài không được cải thiện có thể gây ra nhiều vấn đề khác. Điển hình như hôi miệng, nứt nẻ môi, sâu răng, giảm khả năng tiêu hóa,… Tốt nhất khi sử dụng thuốc chống trầm cảm bạn nên bổ sung cho cơ thể nhiều nước hơn.

Một số thuốc chống trầm cảm dễ gây ra chứng khô miệng bao gồm: doxepin, imipramine, trazodone, mirtazapin, amitriptyline, desipramine, bupropion,…

5. Tăng tiết mồ hôi

Sử dụng các loại thuốc chống trầm cảm có thể gây ra tình trạng tăng tiết mồ hôi. Đổ mồ hôi thường là hệ quả của việc gia tăng nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ, nhất là norepinephrine.

Trên thực tế, tình trạng tăng tiết mồ hôi là tác dụng phụ xảy ra phổ biến khi dùng thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRIs). Ngoài ra, các thuốc thuốc ức chế tái hấp thu norepinephrine + dopamine (NDRIs) và thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOIs) cũng có thể gây ra tác dụng phụ này.

6. Tăng cân – Tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm

Một số loại thuốc chống trầm cảm có thể tạo cảm giác ăn ngon miệng hơn. Đặc biệt là khi sử dụng thuốc trong thời gian dài. Một số người bệnh cho biết, họ có dấu hiệu tăng cân đáng kể sau khi sử dụng thuốc chống trầm cảm được 6 tháng.

Tăng cân được cho là tác dụng phụ bất lợi với những bệnh nhân trầm cảm béo phì, mắc bệnh tiểu đường type 2 hoặc tăng huyết áp. Nghiên cứu cho thấy, trong các thuốc chống trầm cảm thì bupropion có thể ít gây tăng cân hơn so với các thuốc ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc như sertraline, paroxetine, citalopram,…

tăng cân do thuốc chống trầm cảm
Một số loại thuốc chống trầm cảm có thể gây tăng cân khi dùng kéo dài

Ngoài các vấn đề nêu trên thì đôi khi thuốc chống trầm cảm còn gây ra một số tác dụng phụ khác. Bao gồm:

  • Mất kinh, rối loạn kinh nguyệt ở nữ giới
  • Chán ăn
  • Thay đổi vị giác
  • Bồn chồn
  • Hoa mắt, chóng mặt
  • Nổi mụn trứng cá
  • Tăng/ giảm huyết áp
  • Thay đổi cảm xúc
  • Khó tiểu, bí tiểu
  • Chứng vú to ở nam giới
  • Rối loạn tiêu hóa
  • Giảm trí nhớ

Một số tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc chống trầm cảm

Các tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc chống trầm cảm thường hiếm gặp. Tuy nhiên chúng có mức độ nguy hiểm cao nên bạn cần đặc biệt chú ý.

1. Hội chứng serotonin

Tác dụng phụ này xảy ra khi chất dẫn truyền thần kinh trong não (serotonin) đạt mức cao nguy hiểm. Các triệu chứng của hội chứng serotonin có thể bao gồm kích động, lú lẫn, đổ mồ hôi, co giật cơ, rùng mình và tiêu chảy. Ngoài ra, ở các trường hợp nặng còn có thể bị sốt rất cao, nhịp tim không đều, co giật và bất tỉnh.

Hội chứng serotonin
Hội chứng serotonin có thể là hệ quả khi dùng kết hợp nhiều loại thuốc chống trầm cảm

Một số loại thuốc chống trầm cảm có thể gây ra hội chứng serotonin bao gồm:

  • Các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI)
  • Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine (SNRI)
  • Chất ức chế monoamine oxidase (MAOIs)
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng
  • Các loại thuốc khác như Viibryd, Nefazodone, Trintellix và Trazodone

Hội chứng serotonin thường kích hoạt khi các thuốc SSRI hoặc SNRI được dùng kết hợp với thuốc thứ 2 cũng ảnh hưởng tới mức serotonin. Khi nhận thấy các tình trạng bất thường thì cần tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức. Bởi hội chứng serotonin có thể đe dọa tính mạng.

2. Hạ natri máu

Hạ natri máu đề cập đến tình trạng nồng độ natri trong máu giảm xuống mức thấp bất thường. Khi điều này xảy ra thì một lượng chất lỏng nguy hiểm có thể sẽ tích tụ bên trong các tế bào của cơ thể.

Tác dụng phụ này của thuốc chống trầm cảm có thể xảy ra với các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI). Bởi những loại thuốc này có khả năng ảnh hưởng tới tác động của 1 loại hormone liên quan đến việc điều chỉnh lượng natri và chất lỏng trong cơ thể. Người lớn tuổi sẽ có nguy cơ bị hạ natri máu cao hơn.

Các triệu chứng của hạ natri máu nhẹ thường là:

  • Hoang mang
  • Cảm thấy uể oải
  • Đau đầu
  • Ăn mất ngon
  • Đau cơ

Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, mọi người cũng có thể gặp phải các triệu chứng như mệt mỏi, mất phương hướng, rối loạn tâm thần, kích động và co giật. Đặc biệt, hạ natri máu còn có nguy cơ dẫn tới hôn mê hoặc tử vong.

3. Phản ứng dị ứng

Phản ứng dị ứng hoàn toàn có thể xảy ra với thuốc chống trầm cảm. Thường là do một người bị dị ứng với thành phần hoạt tính hay các thành phần không hoạt động khác có trong thuốc.

Các triệu chứng của phản ứng dị ứng có thể là phát ban, ngứa da, sưng tấy, nổi mụn nước hoặc khó thở. Một phản ứng dị ứng nghiêm trọng có thể đe dọa đến tính mạng nếu nó khiến khả năng thở bị cản trở. Tốt nhất nên tìm kiếm sự hỗ trợ y tế khi có phản ứng dị ứng. Đặc biệt là nếu bị sưng mặt hay khó thở.

4. Thuốc chống trầm cảm và suy nghĩ tự tử

Khi mới bắt đầu sử dụng thuốc chống trầm cảm thì tình trạng bệnh có thể tạm thời tồi tệ hơn. Thậm chí nó còn có khả năng làm tăng suy nghĩ tự tử. Các nghiên cứu đã chỉ ra, điều này đặc biệt đúng với đối tượng thanh thiếu niên.

Thuốc chống trầm cảm và suy nghĩ tự tử
Thuốc chống trầm cảm có thể làm tăng suy nghĩ tự tử trong thời gian đầu sử dụng

5. Mania (hưng cảm)

Ở những người bị rối loạn lưỡng cực, các thuốc chống trầm cảm có khả năng gây ra cơn hưng cảm. Đặc biệt là khi thuốc chống trầm cảm được dùng mà không có thuốc ổn định tâm trạng kèm theo.

Các triệu chứng của hưng cảm bao gồm tăng cường năng lượng và hoạt động, hành vi bốc đồng, khó ngủ, cáu kỉnh, tâm trạng cực đoan,… Mặc dù hưng cảm thường không đe dọa tính mạng nhưng cần được hỗ trợ y tế để điều trị.

6. Co giật

Tác dụng phụ của một số loại thuốc chống trầm cảm là có thể sẽ làm tăng nguy cơ bị co giật. Đặc biệt, cơn co giật đôi khi còn xảy ra ở những người chưa bao giờ bị. Wellbutrin (bupropion) là loại thuốc chống trầm cảm có nhiều khả năng gây ra cơn động kinh nhất.

Ngoài ra, các thuốc chống trầm cảm ba vòng cũng có thể khiến một người dễ bị co giật hơn. Còn các loại thuốc chống trầm cảm thế hệ mới thì rất ít tiềm ẩn nguy cơ này.

Co giật bao gồm các triệu chứng như không kiểm soát được cử động giật của chân tay, lú lẫn, nhìn chằm chằm và mất ý thức. Cần báo ngay cho bác sĩ được biết, đặc biệt với những người lần đầu tiên bị co giật thì nên gọi dịch vụ cấp cứu.

Cách xử trí khi gặp tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm

Sử dụng các loại thuốc chống trầm cảm có thể gây ra một số tác dụng ngoại ý. Khi gặp phải biểu hiện bất thường thì người bệnh cần có cách xử trí kịp thời để tránh các trường hợp nghiêm trọng xảy ra.

xử trí khi gặp tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm
Trường hợp gặp phải các tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm cần chủ động báo với bác sĩ

Trong thời gian dùng thuốc nên chú ý và quan sát mọi biểu hiện bất thường của cơ thể. Trường hợp nhận thấy có tác dụng phụ phát sinh, người bệnh nên chủ động báo ngay cho bác sĩ để được hỗ trợ và hướng dẫn cách khắc phục.

Đối với những tác dụng phụ ở mức độ nhẹ và vừa thì bác sĩ có thể điều chỉnh liều lượng. Đồng thời hướng dẫn người bệnh thay đổi lối sống và thói quen chưa phù hợp để cải thiện.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người bệnh có thể gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng. Lúc này việc giảm liều hoặc sử dụng thuốc khác thay thế là cần thiết. Đôi khi người bệnh cần được chăm sóc y tế kịp thời để tránh các tình huống đáng tiếc xảy ra.

Làm sao để hạn chế tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm

Các tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm thường gây ra nhiều ảnh hưởng cho sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Hơn nữa, một số tác dụng phụ còn rất nghiêm trọng, thậm chí đe dọa cả tính mạng mặc dù rất hiếm gặp.

lưu ý khi dùng thuốc chống trầm cảm
Việc tuân thủ chỉ định từ bác sĩ sẽ giúp hạn chế bớt rủi ro khi dùng thuốc chống trầm cảm

Để hạn chế nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ, cần chú ý đến một số vấn đề sau:

  • Dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn từ bác sĩ. Đồng thời chú ý đến các biểu hiện của cơ thể trong suốt thời gian sử dụng.
  • Khi gặp phải các biểu hiện bất thường cần phải thông báo ngay cho bác sĩ để được hướng dẫn cách xử lý. Một số trường hợp, việc thay đổi liều lượng là cần thiết để tránh các vấn đề rủi ro.
  • Không tự ý dùng kết hợp các loại thuốc điều trị với nhau khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ. Ngay cả các loại thuốc nam, thuốc đông y hay viên uống bổ sung nếu không được chỉ định cũng cần tránh kết hợp.
  • Việc sử dụng rượu bia, hút thuốc lá và chất kích thích có thể làm tăng nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm. Do đó, người bệnh cần hạn chế các thói quen xấu này trong thời gian điều trị bệnh.
  • Ngoài tương tác thuốc thì một số loại thuốc chống trầm cảm còn có khả năng tương tác với đồ ăn thức uống. Để đảm bảo an toàn thì người bệnh cần tránh ăn một số thực phẩm theo chỉ dẫn từ bác sĩ.
  • Ngừng thuốc chống trầm cảm đột ngột có thể tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Do đó, cần tham khảo bác sĩ để được tư vấn cách giảm liều từ từ để ngừng thuốc an toàn.
  • Cần phối hợp thuốc với tâm lý trị liệu và các biện pháp hỗ trợ, chăm sóc tại nhà để nâng cao sức khỏe tâm thần và thể chất. Từ đó rút ngắn thời gian điều trị và hạn chế được tình trạng dùng thuốc chống trầm cảm quá lâu dài.

Bài viết đã tổng hợp các tác dụng phụ cũng như lưu ý khi sử dụng thuốc chống trầm cảm. Mong rằng người bệnh có thể nắm rõ và cẩn trọng trong quá trình dùng thuốc. Trường hợp gặp phải các biểu hiện bất thường thì cần chủ động thông báo với bác sĩ để nhận được hỗ trợ kịp thời.

Có thể bạn quan tâm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *