Diễn Biến Tâm Lý Của Mẹ Đơn Thân Và Cách Vượt Qua Mặc Cảm
Phải ở trong hoàn cảnh của mẹ đơn thân, mới có thể thấu hiểu sâu sắc tâm lý phức tạp, đan xen giữa nhiều trạng thái đối lập. Sau những giằng xé nội tâm, phụ nữ có thể vực dậy và gồng gánh mọi thứ một mình. Dù vậy, các single mom vẫn nên trang bị một số kỹ năng để có thể vượt qua áp lực cuộc sống và định kiến từ xã hội.
Tâm lý của mẹ đơn thân – Diễn biến từng giai đoạn
Nuôi dạy, giáo dục con cái là quá trình không hề đơn giản – nhất là khi hành trình này không có bóng dáng của người đàn ông bên cạnh. Vì một vài lý do, không ít chị em phải trở thành mẹ đơn thân.
Làm mẹ là điều khó khăn và trở thành mẹ đơn thân lại càng khó khăn hơn bội phần. Khi có người đồng hành, mọi lo toan và áp lực đều sẽ được chia đều cho cả hai. Trong khi đó nếu trở thành mẹ đơn thân, tất cả đều dồn lên đôi vai nhỏ bé của người phụ nữ.
Mặc dù những quan điểm hà khắc về nữ giới đã được tháo bỏ nhưng mẹ đơn thân vẫn phải đối mặt với áp lực từ định kiến xã hội. Công bằng mà nói, đàn ông “gà trống nuôi con” dễ nhận được sự đồng cảm, chia sẻ. Ngược lại, mẹ đơn thân phải đối mặt với áp lực bủa vây tứ phía và sự mệt mỏi, căng thẳng đến nghẹt thở.
Làm mẹ đơn thân với nhiều người là lựa chọn có sự chuẩn bị từ trước. Tuy nhiên với không ít người, đây có thể là lựa chọn duy nhất. Ở tình huống này, bản thân mẹ đơn thân sẽ phải đối mặt với diễn biến tâm lý phức tạp. Ngoài áp lực từ dư luận, giằng xé nội tâm bên trong cũng gây ra khủng hoảng và xáo trộn về mặt tâm lý.
Hiểu về tâm lý của mẹ đơn thân là điều không dễ dàng bởi chỉ có người trong cuộc mới có thể tường tận. Thông tin tham khảo sau sẽ giúp bạn có hình dung về tâm lý của các “single mom”.
1. Không chấp nhận sự thật
Nếu hoàn cảnh bắt buộc trở thành mẹ đơn thân, tâm lý chung là không chấp nhận sự thật. Trở thành mẹ đơn thân có thể do nhiều lý do khác nhau như ly hôn, không tiến tới hôn nhân với nửa kia, đối phương phản bội, thiếu chung thủy…
Bất cứ ai khi bước vào mối quan hệ yêu đương hay hôn nhân đều khao khát có được hạnh phúc thật sự. Không ai muốn bản thân phải đối mặt với sự chia ly, tan vỡ, càng không muốn con cái chỉ được lựa chọn sống với một trong hai.
Trước những sự kiện xảy ra bất ngờ, tâm lý không muốn chấp nhận sự thật là hoàn toàn dễ hiểu. Dù mạnh mẽ đến đâu, việc chấp nhận trở thành mẹ đơn thân khi không còn lựa chọn nào khác là một điều không dễ dàng.
2. Tuyệt vọng, buồn bã
Sau giai đoạn không chấp nhận sự thật, nhiều mẹ đơn thân rơi vào hố sâu tuyệt vọng. Định kiến xã hội, mũi dùi dư luận cùng với áp lực tài chính… càng khiến phụ nữ ý thức sâu sắc về những khó khăn đang chờ đợi mình.
Càng nghĩ, sự tuyệt vọng càng trở nên sâu sắc hơn. Ở thời điểm này, khó ai giữ được trạng thái hy vọng và niềm tin vào tương lai. Hôn nhân, tình yêu đổ vỡ cộng với những khó khăn đang chờ phía trước có thể nhấn chìm tất cả hy vọng, sự lạc quan, vui vẻ…
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp ngoại lệ. Khi chấm dứt mối quan hệ với người chồng vũ phu, bội bạc, nhiều chị em cảm thấy tự do hoàn bao giờ hết. Những khó khăn phía trước không là gì so với việc phải chung sống suốt đời với một người đàn ông tồi tệ.
3. Cảm thấy bản thân kém may mắn
Khi làm mẹ đơn thân, khó mà không nảy sinh suy nghĩ bản thân kém may mắn và thất bại. Tại sao bao nhiêu người phụ nữ đều được hạnh phúc, chỉ có hôn nhân của bản thân đi vào ngõ cụt? Câu hỏi này cứ liên tục xuất hiện, quẩn quanh mà chính bản thân mẹ đơn thân cũng không thể nào tìm câu trả lời xác đáng.
Những ý nghĩ tiêu cực thường xuất hiện sau khi hôn nhân tan vỡ hoặc khi đối phương không muốn tiến tới hôn nhân dù đã có con chung. Tình yêu không viên mãn ít nhiều sẽ gây ra sự thất vọng và tổn thương về mặt tâm lý. Vì vậy, đa phần mẹ đơn thân đều sẽ có tâm lý bản thân thất bại, kém may mắn.
4. Stress trước áp lực bủa vây
Diễn biến tâm lý tiếp theo thường thấy ở mẹ đơn thân là stress, căng thẳng cực độ. Chưa để các cảm xúc tiêu cực nguôi ngoai, mẹ đơn thân phải “chiến đấu” để có thể nuôi dạy và chăm sóc con cái một cách tốt nhất.
Khi một mình gồng gánh mọi thứ, các single mom mới thấu hiểu sâu sắc những áp lực mà mình phải đối mặt. Tài chính bấp bênh, không ổn định, không có chỗ dựa tinh thần, khó cân bằng thời gian cho công việc và con cái… khiến cho tinh thần trở nên căng thẳng và bức bối hơn bao giờ hết.
Nhiều mẹ đơn thân dường như đã gục ngã trước áp lực bủa vây và sự cay độc từ định kiến xã hội. Không ít người đã vội vàng tìm cho mình một người đàn ông để dựa vào, số khác đành lòng để con cho ông bà chăm sóc với hy vọng có một cuộc sống tốt hơn…
5. Vực dậy tinh thần
Áp lực sẽ biến thành động lực giúp mẹ đơn thân vực dậy tinh thần sau chuỗi ngày đằng đẵng chìm trong nỗi đau, thất vọng, bi quan và căng thẳng.
Dù mệt mỏi đến đâu, bản năng làm mẹ trỗi dậy sẽ mang đến nguồn năng lượng vô cùng to lớn. Sức mạnh này giúp mẹ đơn thân dám đương đầu với định kiến xã hội, vượt qua mọi khó khăn, áp lực để có thể chăm sóc con cái thật tốt.
Cuộc sống khó khăn, đầy thách thức tôi luyện cho mẹ đơn thần sự cứng cỏi, quyết liệt và mạnh mẽ mà không phải người phụ nữ nào cũng có được. Ở mặt tích cực, trở thành mẹ đơn thân là một trải nghiệm tuyệt vời. Chị em phụ nữ được sống tự do đúng nghĩa và khai phá hết khả năng chưa từng có trước đây.
Giãi bày áp lực của mẹ đơn thân
Trở thành mẹ đơn thân dù là lựa chọn hay hoàn cảnh bắt buộc đều có những áp lực nhất định. Chỉ người trong cuộc mới thấu hiểu rõ bản thân đang phải đối mặt với những áp lực to lớn như thế nào.
Trong hành trình đơn độc, mẹ đơn thân chỉ có thể một mình gồng gánh mọi thứ. Vì vậy, áp lực mà các single mom phải đối mặt dường như gấp nhiều lần so với những người mẹ khác. Dưới đây là những áp lực mà mẹ đơn thân phải đối mặt:
1. Chật vật về kinh tế
Tài chính bấp bênh là áp lực mà nhiều mẹ đơn thân phải đối mặt. Nuôi dạy một đứa trẻ quả thật không dễ dàng, từ quần áo, bỉm, sữa cho đến học phí… đều một tay mẹ gồng gánh. Các khoản phí phát sinh khi trẻ ốm, té ngã cũng chiếm một khoản không hề nhỏ.
Nếu như khi có một gia đình hoàn chỉnh, áp lực tài chính được chia đều thì giờ đây, một mình mẹ đơn thân phải cáng đáng mọi thứ. Ngoài chi phí cho con cái, một loạt các chi phí không tên khác sẽ khiến cho mức chi tiêu tăng cao và rất khó để tích lũy khoản dư cho tương lai.
Với những người có công việc ổn định, áp lực tài chính sẽ giảm đi đáng kể. Thu nhập dồi dào giúp mẹ đơn thân không rơi vào tình huống chật vật, thiếu trước hụt sau. Tài chính đủ để chính bản thân và con cái có cuộc sống đủ đầy.
2. Áp lực về việc nuôi dạy con
Áp lực về việc nuôi dạy con cái là điều mà tất cả các bậc cha mẹ đều gặp phải. Tuy nhiên ở mẹ đơn thân, áp lực này lại tăng lên gấp bội. Khi trách nhiệm không được san sẻ, mọi thứ đều do một mình bản thân gánh vác.
Con trẻ rồi sẽ phát triển và lớn lên. Ở mỗi giai đoạn, con sẽ có những nhu cầu riêng cả về thể chất và tinh thần. Với vai trò là mẹ đơn thân, bạn sẽ vừa làm mẹ vừa làm bố, chu toàn cả công việc lẫn gia đình.
Hơn nữa, khi không có gia đình hoàn chỉnh, con sẽ không ngừng thắc mắc vì sao bố mẹ không cùng chung sống, vì sao con phải lựa chọn một trong hai. Bố liệu có phải là người đàn ông tốt hay không? Hay vì lý do gì mà bố bỏ rơi cả hai mẹ con?
Những câu hỏi non nớt đó như vết dao cứa vào tim, bản thân bạn tuy đau lòng và chua xót nhưng vẫn phải mạnh mẽ giải thích để con thấu hiểu. Những đứa trẻ sống trong gia đình không hoàn chỉnh ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng về tâm lý. Vì vậy, áp lực mà mẹ đơn thân phải đối mặt sẽ lớn hơn rất nhiều so với những người mẹ khác.
3. Áp lực trước định kiến xã hội
Ngày nay, việc trở thành mẹ đơn thân đã không còn là điều xa lạ. Thậm chí, nhiều chị em lựa chọn trở thành single mom vì né tránh sự ràng buộc và không muốn bước vào cuộc sống hôn nhân.
Dù quan điểm sống đã phóng khoáng hơn trước nhưng không thể phủ nhận rằng, định kiến về mẹ đơn thân vẫn còn đó. Single mom ít nhiều sẽ nhận về những cái nhìn săm soi, thiếu thiện cảm từ những người xung quanh. Tệ hơn, nhiều người không ngại nói ra những lời cay độc làm tổn thương người khác.
4. Áp lực khi con thiếu thốn tình thương
Trở thành mẹ đơn thân, không chỉ bản thân thiếu thốn tình cảm mà con cái cũng khó có được đời sống tinh thần đủ đầy. Dù nỗ lực đến đâu, con trẻ ít nhiều cũng cảm nhận sự thiếu vắng tình thương của người cha. Trẻ sẽ hoài nghi về bản thân và tự hỏi liệu mình có phải là đứa trẻ hư khi không được nhận cả tình thương của cha lẫn mẹ?
Khi thấy con hoài nghi bản thân, khó có người mẹ nào có thể cầm lòng. Những lời nói thành thật của con trẻ càng khiến cho mẹ đơn thân cảm thấy bản thân kém cỏi, thất bại. Vì sự tan vỡ của chính mình mà đẩy con trẻ đến hoàn cảnh như hiện tại, phải sống trong một gia đình không hoàn chỉnh và thiếu đi sự hiện diện của người cha.
5. Áp lực về thời gian
Trong hành trình trưởng thành, cha mẹ cần đồng hành cùng con. Bên cạnh chăm sóc về thể chất, con cái cũng có nhu cầu được sẻ chia, thấu hiểu và đồng cảm. Khi một mình cáng đáng tất cả, việc cân đối thời gian cho công việc và con cái quả thật là một thách thức.
Trở thành mẹ đơn thân, bạn phải tập trung cho công việc để gia tăng thu nhập. Nhưng không phải vì thế mà cắt bớt quỹ thời gian cho con. Dành hết thời gian cho công việc, con cái khiến không ít mẹ đơn thân rơi vào trạng thái mệt mỏi cùng cực.
24 Tiếng đồng hồ với đầy rẫy những lo toan về cơm áo gạo tiền, con ốm, con sốt và vô số vấn đề không tên. Trở thành mẹ đơn thân đồng nghĩa với việc không có bất cứ thời gian nào cho bản thân. Rảnh rỗi trở thành điều gì đó xa xỉ và hiếm hoi.
Một số mẹ đơn thân may mắn nhận được sự hỗ trợ của người cũ và gia đình sẽ có chút ít thời gian cho bản thân. Tuy nhiên, với tâm lý sợ con cái phải chịu thiệt thòi, các single mom luôn muốn ở bên cạnh con nhiều nhất có thể. Mọi thời gian của mẹ đều dành hết cho công việc và con cái.
9 Cách giúp mẹ đơn thân vượt qua mặc cảm, áp lực
Những áp lực mà mẹ đơn thân phải đối mặt chẳng ai có thể thấu hiểu tường tận. Những người xung quanh có thể thông cảm, chia sẻ nhưng tiên quyết vẫn phụ thuộc vào ý chí và sự quyết tâm của chính bản thân.
Ở thời điểm nhạy cảm, mẹ đơn thân sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực và khó khăn cả về tài chính, thể chất lẫn tinh thần. Trên thực tế, đã không ít người rơi vào trầm cảm, rối loạn lo âu… khi buộc trở thành single mom.
Biết rằng những áp lực mà mẹ đơn thân phải đối mặt là vô cùng to lớn. Dù vậy, mọi vấn đề đều sẽ có hướng giải quyết, cánh cửa này đóng lại sẽ có một cánh cửa khác mở ra. Động lực to lớn từ việc trở thành mẹ đơn thân sẽ giúp bạn vượt qua khó khăn và dám đương đầu với những thử thách mà trước đây tưởng chừng như không thể đối diện.
Nếu đang cảm thấy áp lực và mặc cảm, một vài giải pháp sau sẽ giúp mẹ đơn thân vững vàng hơn trong hành trình phía trước:
1. Chấp nhận mọi thứ xảy đến
Khác với lựa chọn tự nguyện, nhiều người bất đắc dĩ phải trở thành mẹ đơn thân khi trao niềm tin nhầm người. Ở tình huống này, việc chấp nhận bản thân là single mom quả thật không hề dễ dàng.
Dù muốn hay không, cuộc sống vẫn sẽ xuất hiện những sự kiện ngoài ý muốn. Bạn có thể thất vọng, đau khổ, khóc lóc và bi quan, nhưng đừng vì thế mà thù hằn hay chán ghét bản thân.
Mọi việc xảy đến đều mang một ý nghĩa nào đó, những khó khăn ngay hôm nay sẽ tạo nên sự mạnh mẽ và kiên cường hơn trong tương lai. Sẽ mất một thời gian khá dài để bạn có thể chấp nhận mọi thứ. Dù vậy, hãy cố gắng chấp nhận những thứ xảy đến như một điều tất yếu và dù có mong muốn hay không, bạn đều phải đón nhận chúng.
Chúng ta không có khả năng dự đoán trước những tình huống xảy đến. Thứ duy nhất có thể thay đổi chính là thái độ và cách nhìn nhận. Thay vì giữ cách nhìn tiêu cực và bi quan, hãy chấp nhận mọi thứ một cách nhẹ nhàng.
Nhiều mẹ đơn thân có tâm lý thù ghét người cũ, thậm chí là căm hận. Tuy nhiên, với tâm lý tiêu cực này, bạn sẽ khó có được một cuộc sống viên mãn và vô tình gieo rắc vào đầu con cái những suy nghĩ lệch lạc về tình yêu.
Ngừng dày vò bản thân và đừng mãi nhìn về quá khứ sẽ giúp bạn bước qua giai đoạn khủng hoảng. Tập trung hơn cho bản thân để có nguồn thu nhập ổn định và đủ sức để chăm sóc, nuôi dạy con cái. Khi đã tạo dựng cho mình cuộc sống ổn định, bạn sẽ nhận ra rằng, thật may mắn vì đã đủ dũng cảm chấm dứt cuộc hôn nhân không hạnh phúc.
2. Hiểu rằng bản thân không hề đơn độc
Không ít người quan niệm rằng, nếu không có bóng dáng của người đàn ông bên cạnh, bạn sẽ đơn độc trong hành trình nuôi dạy con trưởng thành. Hơn nữa, khi đã “qua một lần đò”, đa phần phụ nữ đều không có đủ niềm tin rằng bản thân sẽ có cơ hội được hạnh phúc.
Tư duy khan hiếm khiến cho hành trình của mẹ đơn thân trở nên khó khăn và chông gai hơn. Để vượt qua áp lực và mặc cảm, cần ý thức rằng bản thân không hề đơn độc. Nếu như không có bóng hình của nửa kia, bạn vẫn còn có gia đình và bạn bè hỗ trợ.
Họ có thể không giúp ích được nhiều trong cuộc sống của hai mẹ con nhưng sẽ là chỗ dựa tinh thần vững chắc. Là nơi mà bạn có thể chia sẻ mọi băn khoăn, áp lực đang phải đối mặt. Những người xung quanh cũng có thể truyền đạt kinh nghiệm để bạn chủ động giải quyết những vấn đề trong cuộc sống và vững vàng hơn khi nuôi dạy con cái.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tham gia hội nhóm dành cho mẹ đơn thân. Hoàn cảnh tương đồng sẽ giúp bạn thoải mái hơn khi chia sẻ và nhận được sự hỗ trợ về mặt tinh thần. Hành trình trở thành single mom quả thật không hề đơn giản nhưng bạn nên biết rằng, bản thân chưa bao giờ đơn độc và luôn được yêu thương bởi những người xung quanh.
3. Nhận sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè
Với quỹ thời gian ít ỏi, bạn sẽ khó có thể chăm sóc con cái một cách chu toàn. Vì vậy, đừng ngần ngại nhận sự giúp đỡ của gia đình và bạn bè.
Nhờ bố mẹ đưa đón con đi học, chăm sóc con khi công việc bận rộn… sẽ giúp bạn tránh được trạng thái kiệt sức và có đôi chút thời gian để nghỉ ngơi. Bạn cũng có thể nhận sự hỗ trợ về mặt kinh tế từ gia đình nội-ngoại trong giai đoạn chưa có thu nhập ổn định.
Không ít single mom chấp nhận gồng gánh tất cả một mình vì mâu thuẫn với gia đình. Bản thân đã bỏ ngoài tai những lời khuyên của cha mẹ để rồi đưa ra quyết định sai lầm. Vì vậy khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, nhiều người vẫn nhất quyết không nhận sự hỗ trợ từ bất kỳ ai.
Tuy nhiên, nhận sự giúp đỡ không có nghĩa là bạn thất bại. Khi đã trở thành một người mẹ, thứ quan trọng nhất luôn là con cái. Nếu sự giúp đỡ của những người xung quanh giúp con trẻ cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc thì hà cớ gì bạn phải cứng đầu từ chối?
4. Biến áp lực thành động lực
Phải ở trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, bạn mới biết được bản thân có thể cố gắng đến đâu. Thay vì đầu hàng trước áp lực bủa vây, hãy biến điều đó trở thành động lực. Trở thành mẹ mang đến sức mạnh phi thường giúp bạn vượt qua mọi chông gai, thử thách với mục đích cuối cùng là mang đến cho con cuộc sống tốt đẹp nhất.
Khi có động lực, định kiến xã hội hay ánh mắt săm soi, thiếu thiện cảm từ những người xung quanh dường như trở nên “vô hình”. Bạn trở nên “phi thường” hơn những gì có thể tưởng tượng.
Xã hội phát triển mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp. Dù là mẹ đơn thân, bạn hoàn toàn có thể tìm kiếm công việc phù hợp với thời gian biểu và thế mạnh của bản thân. Nếu con còn quá nhỏ, nên cân nhắc những công việc có thể làm tại nhà hoặc nhờ sự hỗ trợ của người thân trong gia đình.
5. Tập trung vào công việc
Sau khi hôn nhân tan vỡ, mẹ đơn thân sẽ không tránh khỏi suy nghĩ tiêu cực và nhìn nhận sai giá trị của bản thân. Thay vì quẩn quanh với những suy nghĩ không đâu vào đâu, bạn nên tập trung hoàn toàn vào công việc.
Làm việc siêng năng, chăm chỉ giúp bạn tạo dựng nguồn thu nhập ổn định. Khi vấn đề tài chính được giải quyết, cuộc sống của mẹ đơn thân sẽ trở nên dễ dàng hơn. Bạn có đủ tài chính để lo cho con cái, bản thân và gia đình.
Hăng say làm việc còn mang đến niềm vui khi năng lực được công nhận, có cơ hội thăng tiến… Thành công trong sự nghiệp còn giúp single mom củng cố niềm tin về giá trị của bản thân. Tránh tâm lý tự ti, cảm thấy tội lỗi vì đã bước vào hôn nhân quá nóng vội.
6. Trang bị kỹ năng nuôi dạy con
Nhiều single mom chỉ tập trung kiếm tiền mà quên mất phải trang bị kỹ năng nuôi con. Khi sống trong gia đình không hoàn chỉnh, con trẻ sẽ có tâm lý nhạy cảm hơn và không tránh khỏi thắc mắc vì sao bản thân không được ở cùng cả bố lẫn mẹ?
Nếu không khéo léo, con trẻ có thể bị tổn thương tâm lý và gặp phải vấn đề trong quá trình hình thành tính cách. Vì vậy ngoài chăm lo đời sống vật chất, mẹ đơn thân cần phải trang bị kỹ năng để thấu hiểu nhu cầu, mong muốn và tâm lý của con trẻ. Có như vậy, con mới cảm thấy đủ đầy ở về mọi mặt.
7. Bỏ ngoài tai những lời nói không hay
Phải nói rằng, định kiến xã hội là rào cản rất lớn đối với mẹ đơn thân. Bên cạnh những lời động viên và chia sẻ, không ít người vẫn giữ thái độ phiến diện, tiêu cực về vấn đề này. Single mom không tránh khỏi cái nhìn thiếu thiện chí từ những người xung quanh, nặng nề hơn là những lời nói cay độc mà không mảy may nghĩ đến cảm xúc của người nghe.
Trở thành mẹ đơn thân, bạn phải bỏ ngoài tai những lời nói không hay. Cuộc sống này luôn hiện diện mặt tốt và mặt xấu. Có người thương bạn cũng sẽ có người không thích bạn. Có người đồng cảm, chia sẻ cũng sẽ có người không thấu hiểu.
Cuộc sống muôn màu muôn vẻ, vì vậy không nên để tâm quá nhiều đến những lời nói ác ý từ dư luận. Tập trung vào bản thân và mục tiêu đặt ra là điều mà bạn nên làm vào thời điểm này. Bởi chỉ có như vậy, bạn mới có thể giữ lòng mình an yên giữa bộn bề cuộc sống.
8. Lên kế hoạch cụ thể cho tương lai
Trở thành mẹ đơn thân, đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải đối mặt với khó khăn, áp lực một mình. Để đảm bảo con có cuộc sống tốt nhất, bạn nên lên kế hoạch cụ thể. Trước tiên cần giải quyết những vấn đề cấp thiết như thu nhập, nơi ở… Sau đó, lên kế hoạch tích lũy tài chính để phục vụ cho những mục đích lâu dài hơn.
Xây dựng kế hoạch cụ thể sẽ giúp bạn kiểm soát rủi ro và các vấn đề có thể phát sinh. Với sự chuẩn bị chu đáo, bạn hoàn toàn có thể cáng đáng mọi thứ một mình mà không cần sự hỗ trợ của người cũ. Tự mình đối mặt với mọi thứ là điều không hề dễ dàng nhưng nếu có kế hoạch dài lâu, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát mọi thứ.
9. Dành thời gian cho bản thân
Điều cuối cùng bạn cần làm là dành thời gian cho bản thân. Trở thành mẹ đơn thân đồng nghĩa với việc phải dành hết thời gian cho con cái lẫn công việc. Tất bật từ sáng đến tối từ ngày này qua ngày khác sẽ khiến cho cả sức khỏe lẫn tinh thần suy kiệt.
Là một người mẹ, hạnh phúc và niềm vui của con phải được đặt lên hàng đầu. Nhưng không phải vì thế mà bạn bỏ bê việc chăm sóc bản thân. Thỉnh thoảng, hãy gác lại công việc và tận hưởng cuộc sống. Không nhất thiết phải đi đâu đó thật xa, những thói quen lành mạnh như chăm sóc cây cối, dành thời gian làm đẹp, gặp gỡ bạn bè… đủ để bạn nạp lại năng lượng sau những chuỗi ngày làm việc căng thẳng.
Cân bằng thời gian cho gia đình và bản thân quả là điều khó khăn đối với mẹ đơn thân. Dẫu vậy, hãy cố gắng cho mình một chút thời gian nghỉ ngơi giữa cuộc sống bộn bề này. Bởi chỉ khi yêu thương bản thân, bạn mới có thể yêu thương những người khác một cách trọn vẹn.
Tâm lý của mẹ đơn thân đan xen lẫn lộn giữa sự thất vọng, bi quan, cảm giác thất bại lẫn tội lỗi. Dù vậy, giữa mớ cảm xúc hỗn độn, niềm tin về cuộc sống vẫn không hề bị dập tắt. Trong hành trình đầy áp lực và khó khăn này, mẹ đơn thân có thể biến áp lực thành động lực để mang đến cho con cuộc sống tốt đẹp nhất. Và hãy nhớ rằng, bạn không hề đơn độc mà luôn có người thân, bạn bè hỗ trợ mỗi khi gặp khó khăn.
Có thể bạn quan tâm:
- Tâm lý trai tân khi yêu mẹ đơn thân với không ít rào cản
- Trầm cảm vì áp lực gia đình: Thực trạng cần báo động
- Tâm lý phụ nữ sau ly hôn: Khủng hoảng qua đi, bình yên sẽ đến
- Nhận biết và vượt qua sang chấn tâm lý hậu ly hôn
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!