Trầm Cảm Kháng Trị Có Nguy Hiểm Không? Có Chữa Được Không?

Trầm cảm kháng trị là tình trạng đáng quan ngại cần có biện pháp can thiệp kịp thời và đúng đắn. Bởi việc không đáp ứng với các phương pháp điều trị tiêu chuẩn sẽ khiến cho người bệnh càng thêm chán nản và tuyệt vọng. Từ đó làm tăng nguy cơ bị trầm cảm mãn tính và nhiều rủi ro nguy hại khác.

trầm cảm kháng trị
Bệnh trầm cảm kháng trị cần được quan tâm kịp thời để tránh các rủi ro nghiêm trọng xảy ra

Trầm cảm kháng trị là gì?

Đối với bệnh trầm cảm, việc sử dụng thuốc và tâm lý trị liệu có thể làm thuyên giảm đáng kể các triệu chứng ở hầu hết người bệnh. Tuy nhiên ở một số người thì các biện pháp điều trị tiêu chuẩn không mang lại kết quả khả quan. Các trường hợp này còn được gọi là trầm cảm kháng trị.

Theo các chuyên gia, một bệnh nhân được coi là mắc chứng trầm cảm kháng trị nếu người này không đáp ứng với liều lượng thích hợp của 2 loại thuốc chống trầm cảm khác nhau trong một khoảng thời gian đủ dài, thường là 6 tuần.

Số liệu thống kê ghi nhận, có khoảng 10 – 30% người bệnh trầm cảm không nhận được đáp ứng hoàn toàn với đợt điều trị bằng thuốc đầu tiên. Đây cũng chính là nguyên nhân của khoảng 30% tổng số ca bệnh trầm cảm mãn tính.

Trầm cảm kháng trị có thể khiến cho các triệu chứng kích hoạt ở mức độ tồi tệ hơn. Từ đó gây ra nhiều ảnh hưởng lớn cho cả sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Hơn nữa, việc điều trị cho các trường hợp này cũng gặp phải rất nhiều khó khăn.

Nguyên nhân gây trầm cảm kháng trị

Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu nhưng các chuyên gia vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân tại sao một số người lại không đáp ứng với thuốc chống trầm cảm. Tuy nhiên đã có rất nhiều giả thuyết được đặt ra.

Một số yếu tố có thể liên quan đến sự kích hoạt bệnh trầm cảm kháng trị bao gồm:

1. Vấn đề khi sử dụng thuốc

Trầm cảm kháng trị có thể bắt nguồn từ chính vấn đề sử dụng thuốc của người bệnh. Bao gồm:

  • Quên liều: Việc thường xuyên quên liều, bỏ liều có thể làm giảm hiệu quả của các loại thuốc điều trị. Từ đó khiến cho các triệu chứng bệnh trầm cảm mãi không được cải thiện.
  • Tương tác thuốc: Một số loại thuốc chống trầm cảm có thể xảy ra tương tác. Việc sử dụng chúng cùng lúc hay quá gần với nhau có thể khiến hiệu quả suy giảm. Hơn nữa còn có thể gây ra các phản ứng phụ, thậm chí dẫn tới tử vong.
  • Tác dụng phụ không thể xử lý: Một số loại thuốc chống trầm cảm có thể gây ra tác dụng không mong muốn. Đặc biệt là trong thời gian đầu sử dụng. Đây thường là nguyên nhân khiến người bệnh tự ý dừng thuốc đột ngột và gặp phải các hệ lụy.
  • Ngừng thuốc đột ngột: Các loại thuốc chống trầm cảm cần thời gian để phát huy tác dụng. Việc dừng thuốc đột ngột có thể khiến quá trình điều trị thất bại. Thậm chí còn mắc phải hội chứng cai thuốc rất nghiêm trọng.
  • Dùng sai thuốc/ sai liều lượng: Tùy thuộc vào mức độ triệu chứng và thể trạng của người bệnh mà bác sĩ sẽ kê toa các loại thuốc điều trị trầm cảm với liều lượng khác nhau. Việc người bệnh dùng thuốc sai chỉ dẫn có thể khiến cho quá trình điều trị không đáp ứng.
nguyên nhân gây trầm cảm kháng trị
Sử dụng thuốc chống trầm cảm sai cách có thể dẫn đến trầm cảm kháng trị

2. Yếu tố di truyền

Yếu tố di truyền có thể đóng một vai trò trong bệnh trầm cảm kháng điều trị. Một số biến thể di truyền được cho là ảnh hưởng đến cách mà cơ thể phá vỡ thuốc chống trầm cảm. Điều này sẽ khiến cho thuốc hoạt động kém hiệu quả hơn.

Ngoài ra, các biến thể di truyền khác cũng có thể làm thay đổi cách cơ thể phản ứng với thuốc chống trầm cảm. Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm di truyền dược lý để xác định xem loại thuốc trầm cảm nào sẽ phù hợp nhất với bạn.

3. Rối loạn trao đổi chất

Một giả thuyết cho rằng, những người không đáp ứng với điều trị bệnh trầm cảm có thể liên quan đến một số chất dinh dưỡng khác nhau. Chẳng hạn như một nghiên cứu cho thấy, một số người bị trầm cảm kháng trị có lượng folate thấp nhất trong dịch não tủy.

Tuy nhiên vẫn chưa có đủ bằng chứng để chắc chắn điều gì gây ra mức folate thấp này. Đồng thời chưa xác định được tình trạng này liên quan đến chứng trầm cảm kháng trị như thế nào.

4. Chẩn đoán không chính xác

Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất là những người không đáp ứng với điều trị thực sự không bị mắc chứng rối loạn trầm cảm nặng. Có thể là họ có các triệu chứng tương tự như trầm cảm. Thường là do rối loạn lưỡng cực hay các tình trạng khác có các triệu chứng tương tự.

nguyên nhân gây trầm cảm kháng trị
Trầm cảm kháng trị có thể là do vấn đề chẩn đoán sai ngay từ ban đầu

Việc chẩn đoán không chính xác gây ra rất nhiều tai hại cho sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Nó có thể khiến cho tình trạng sức khỏe liên quan tiến triển nặng nề nhưng không được can thiệp sớm.

5. Các yếu tố rủi ro khác

Các nhà nghiên cứu cũng đã xác định được một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng trầm cảm kháng trị. Các yếu tố rủi ro này bao gồm:

  • Trầm cảm kéo dài: Những người bị trầm cảm nặng trong một thời gian dài sẽ có rất nhiều khả năng bị trầm cảm kháng trị.
  • Mức độ nghiêm trọng của triệu chứng: Những người có các triệu chứng trầm cảm rất nặng hoặc rất nhẹ đều ít có khả năng đáp ứng tốt với các loại thuốc chống trầm cảm.
  • Các điều kiện khác: Những người có các tình trạng sức khỏe khác, ví dụ như lo lắng, rối loạn lo âu cùng với trầm cảm cũng sẽ có khả năng không đáp ứng với thuốc chống trầm cảm.

Trầm cảm kháng trị có nguy hiểm không?

Rất nhiều người quan tâm đến những ảnh hưởng và mức độ nghiêm trọng của trầm cảm kháng trị. Bởi việc đáp ứng kém với điều trị gây ra rất nhiều lo lắng, có thể khiến bệnh tình tiến triển nặng với các triệu chứng tồi tệ hơn.

Các chuyên gia nhận định, trầm cảm kháng trị là dạng nguy hiểm của bệnh trầm cảm. Lúc này, việc điều trị thường gặp rất nhiều khó khăn do người bệnh không đáp ứng tốt với thuốc chống trầm cảm. Trong một số trường hợp, bệnh có thể tiến triển mãn tính và không thể chữa khỏi hoàn toàn.

Trầm cảm kháng trị có nguy hiểm không
Bệnh trầm cảm kháng trị có thể làm gia tăng suy nghĩ và hành vi tự tử

Hơn nữa, các triệu chứng của trầm cảm kháng trị cũng sẽ kích hoạt ở mức độ nặng nề hơn. Điều này gây ra nhiều nguy hại cho sức khỏe và phiền toái cho cuộc sống. Đặc biệt suy nghĩ và ý định tự tử ở người bệnh cũng tăng lên gấp nhiều lần.

Chẩn đoán bệnh trầm cảm kháng trị

Hiện vẫn chưa có tiêu chuẩn chẩn đoán xác định cho bệnh trầm cảm kháng trị. Tuy nhiên, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán này nếu bạn đã thử ít nhất 2 loại thuốc chống trầm cảm khác nhau mà không thấy cải thiện.

Nếu bạn nghĩ rằng mình bị trầm cảm kháng trị thì điều quan trọng là phải nhận được chẩn đoán từ bác sĩ. Để đưa ra chẩn đoán, bác sĩ sẽ muốn kiểm tra lại một số vấn đề. Chẳng hạn như:

  • Bệnh trầm cảm của bạn có được chẩn đoán chính xác ngay từ đầu hay không?
  • Có những tình trạng nào khác có thể gây ra hay làm trầm trọng thêm các triệu chứng không?
  • Thuốc chống trầm cảm đã được dùng đúng liều lượng chưa?
  • Thuốc chống trầm cảm đã được sử dụng thử trong thời gian đủ lâu chưa?
  • Thuốc chống trầm cảm đã được uống đúng cách hay chưa?

Trên thực tế, các thuốc chống trầm cảm sẽ không có tác dụng nhanh chóng. Chúng thường cần đến 6 – 8 tuần với liều lượng thích hợp để mang đến hiệu quả đầy đủ. Điều quan trọng là các loại thuốc phải được thử trong thời gian đủ dài trước khi xác định rằng chúng không có tác dụng.

Trầm cảm kháng trị có chữa được không?

Trầm cảm kháng trị có chữa được không là vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Bởi việc không đáp ứng với các phương pháp điều trị tiêu chuẩn thường khiến cho bệnh nhân thêm phần chán nản và tuyệt vọng.

Thay vì cảm thấy mất hy vọng thì người bệnh cần nhìn nhận mọi thứ theo chiều hướng tích cực. Việc điều chỉnh phác đồ điều trị hoàn toàn có thể giúp người bệnh cải thiện triệu chứng. Đồng thời làm giảm mức độ ảnh hưởng của bệnh.

Dưới đây là một số phương pháp có thể được áp dụng cho bệnh trầm cảm kháng trị:

1. Điều chỉnh chiến lược dùng thuốc

Trường hợp đã được bác sĩ kê toa dùng thuốc chống trầm cảm nhưng không đáp ứng thì người bệnh cần bình tĩnh. Có thể là do liều lượng, loại thuốc hay sự kết hợp của các thuốc là chưa phù hợp. Lúc này, bác sĩ sẽ cân nhắc để điều chỉnh chiến lược dùng thuốc cho phù hợp.

Một số biện pháp điều chỉnh bảo gồm:

– Kéo dài thời gian của toa thuốc hiện tại:

Thuốc chống trầm cảm và các loại thuốc điều trị trầm cảm khác thường sẽ phải mất từ 4 – 8 tuần để có hiệu quả hoàn toàn và giảm bớt các tác dụng phụ. Tuy nhiên, đối với một số người thì có thể cần nhiều thời gian hơn để cảm nhận những thay đổi.

thuốc chữa trầm cảm kháng trị
Bác sĩ cần điều chỉnh chiến lược dùng thuốc để giúp người bệnh kiểm soát triệu chứng trầm cảm kháng trị

– Tăng liều thuốc đang dùng:

Cơ thể mỗi người phản ứng với từng loại thuốc là khác nhau. Do đó bạn có thể được hưởng lợi từ liều thuốc cao hơn với mức thường được kê đơn.

Tuy nhiên, để cân nhắc tăng liều dùng thuốc, bác sĩ cần căn cứ vào nhiều yếu tố liên quan khác. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý điều chỉnh liều khi nhận thấy liều thuốc cũ không hiệu quả.

– Thay đổi thuốc chống trầm cảm:

Trên thực tế, có rất nhiều loại thuốc chống trầm cảm có thể được bác sĩ kê toa. Nếu thấy loại thuốc trầm cảm được thử đầu tiên không hiệu quả thì bác sĩ sẽ xem xét để thử nghiệm một vài thuốc khác. Điều này là cần thiết để lựa chọn được loại thuốc phù hợp nhất với người bệnh.

– Thêm một loại thuốc chống trầm cảm khác:

Đối với bệnh trầm cảm kháng trị, bác sĩ có thể kê toa cùng lúc 2 loại thuốc chống trầm cảm khác nhau. Điều này sẽ giúp cải thiện ảnh hưởng đến các chất hóa học trong não liên quan tới tâm trạng. Chẳng hạn như serotonin, dopamine hay norepinephrine.

– Kết hợp thuốc chống trầm cảm với thuốc khác:

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê toa thêm 1 loại thuốc khác để kết hợp với thuốc chống trầm cảm. Đây là cách tiếp cận tăng cường. Thuốc được dùng kết hợp có thể là:

  • Thuốc chống lo âu
  • Thuốc chống loạn thần
  • Thuốc ổn định tâm trạng
  • Hormone tuyến giáp
  • Các loại thuốc khác

– Xem xét thử nghiệm di truyền dược lý:

Thử nghiệm di truyền dược lý sẽ giúp kiểm tra các gen cụ thể cho biết cơ thể bạn chuyển hóa một loại thuốc tốt như thế nào. Hoặc sẽ giúp nhận biết mức độ trầm cảm của bạn phản ứng với một loại thuốc cụ thể ra sao dựa trên các yếu tố bổ sung.

Mặc dù không phải là cách chắc chắn để biết liệu một loại thuốc có hiệu quả với bệnh nhân trầm cảm hay không nhưng các thử nghiệm này sẽ cung cấp manh mối quan trọng trong điều trị. Nhất là ở những người dễ gặp tác dụng phụ hay có kết quả kém với một số loại thuốc nhất định.

2. Tâm lý trị liệu chữa trầm cảm kháng trị

Đối với điều trị trầm cảm kháng trị thì trị liệu tâm lý đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Nó không chỉ mang lại hiệu quả khả quan mà còn đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Với nhiều người bệnh, liệu pháp tâm lý kết hợp với điều chỉnh chiến lược dùng thuốc sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất. Tâm lý trị liệu giúp bạn xác định những lo lắng tiềm ẩn có thể làm nghiêm trọng thêm chứng trầm cảm. Hơn nữa, khi làm việc với chuyên gia tâm lý, bạn cũng sẽ tìm hiểu được các hành vi và chiến lược cụ thể giúp vượt qua bệnh tình.

Trên thực tế, liệu pháp tâm lý có thể giúp bạn loại bỏ được những tổn thương trong quá khứ và tìm cách tốt hơn để đối phó với những thử thách trong cuộc sống. Ngoài ra, nó còn hỗ trợ quản lý các mối quan hệ theo cách lành mạnh và học cách giảm thiểu tác động của căng thẳng. Đồng thời giúp bạn giải quyết các vấn đề về dùng chất kích thích.

tâm lý trị liệu chữa trầm cảm kháng trị
Tâm lý trị liệu đóng vai trò đặc biệt quan trọng với quá trình điều trị bệnh trầm cảm kháng trị

Trường hợp tư vấn trị liệu dường như không hữu ích thì bạn nên trao đổi với chuyên gia về việc thử nghiệm một cách tiếp cận khác. Một số liệu pháp tâm lý có thể đáp ứng với bệnh trầm cảm kháng trị bao gồm:

  • Liệu pháp nhận thức hành vi
  • Liệu pháp chấp nhận và cam kết
  • Liệu pháp gia đình hoặc hôn nhân
  • Liệu pháp tâm lý giữa các cá nhân
  • Liệu pháp tâm lý nhóm
  • Liệu pháp hành vi biện chứng
  • Liệu pháp kích hoạt hành vi

3. Các phương pháp khác

Trong một số trường hợp, việc điều chỉnh phác đồ dùng thuốc và liệu pháp tâm lý vẫn không mang lại hiệu quả cho bệnh trầm cảm kháng trị. Lúc này, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ tâm thần để lựa chọn các phương pháp điều trị bổ sung.

Các phương pháp điều trị bổ sung cho bệnh trầm cảm kháng trị bao gồm:

– Kích thích từ xuyên sọ lặp đi lặp lại (rTMS):

Với phương pháp này, bác sĩ sẽ dùng từ trường để kích thích các tế bào thần kinh trong não. Mục đích chính là giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh trầm cảm.

Một cuộn dây điện từ sẽ được đặt vào da đầu gần trán của người bệnh. Nam châm điện được dùng trong rTMS sẽ tạo ra các dòng điện kích thích các tế bào thần kinh trong vùng não có liên quan đến việc kiểm soát tâm trạng và trầm cảm.

Thông thường, phương pháp này sẽ được thực hiện trong các đợt kéo dài khoảng 30 phút theo từng đợt nhanh chóng. Điều trị này có thể thực hiện với các phiên ngắn hạn theo liều lượng cụ thể.

– Sử dụng thuốc tiêm Ketamine:

Ketamine là một loại thuốc được dùng theo đường tiêm tĩnh mạch với liều lượng thấp. Nó sẽ được sử dụng để làm giảm nhanh các triệu chứng trầm cảm kháng trị. Tác dụng của Ketamine có thể kéo dài từ vài ngày cho tới vài tuần.

Ngoài ra bác sĩ còn có thể chỉ định dùng thuốc tiêm Esketamine cho người lớn đã thử ít nhất 2 loại thuốc chống trầm cảm khác nhưng không kiểm soát được đầy đủ các triệu chứng.

Ketamine và Esketamine hoạt động trong não theo cách khác với các thuốc chống trầm cảm tiêu chuẩn. Mỗi loại sẽ được sử dụng cùng với thuốc chống trầm cảm đường uống.

– Liệu pháp xung điện (ECT):

Bác sĩ sẽ sử dụng một liều điện được đo cẩn thận để truyền qua não của người bệnh để gây ra một cơn co giật ngắn và nhỏ. Điều này cần được thực hiện khi người bệnh đang trong trạng thái ngủ.

ECT có thể gây ra những thay đổi hóa học não và đảo ngược nhanh chóng các triệu chứng của trầm cảm kháng trị. Mặc dù tiềm ẩn một số tác dụng phụ nhưng ECT đã được chứng minh là có thể làm giảm đáng kể chứng trầm cảm nặng.

– Kích thích dây thần kinh phế vị (VNS):

Phương pháp này chỉ được cân nhắc khi các liệu pháp kích thích não khác như rTMS và ECT không thành công trong việc cải thiện các triệu chứng trầm cảm. VNS sẽ kích thích dây thần kinh phế vị bằng các xung điện.

Khi thực hiện VNS, bác sĩ sẽ sử dụng một thiết bị được cấy vào ngực bệnh nhân và được kết nối bằng một sợi dây với dây thần kinh phế vị (ở cổ). Các tín hiệu điện từ thiết bị cấy sẽ truyền dọc theo dây thần kinh phế vị để tới các trung tâm của não. Từ đó giúp cải thiện triệu chứng bệnh trầm cảm kháng trị.

4. Các biện pháp chăm sóc tại nhà

Cuộc sống của bệnh nhân mắc chứng trầm cảm kháng trị thường gặp phải rất nhiều khó khăn. Khi hết lần điều trị này đến lần khác không mang lại hiệu quả khiến bạn mất hết hi vọng. Lúc này, bạn có thể cảm thấy tất cả nỗ lực của mình, thăm khám bác sĩ, thử thuốc hay các buổi trị liệu có vẻ như lãng phí.

hỗ trợ kiểm soát trầm cảm kháng trị
Hoạt động thể chất có thể giúp điều chỉnh tâm trạng, tăng cường thể chất để hỗ trợ điều trị trầm cảm kháng trị

Tuy nhiên, trên thực tế mọi thứ không hề lãng phí. Có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn để tiếp cận được phương pháp điều trị trầm cảm phù hợp với bạn. Đôi khi cần một số thử nghiệm và sai sót là điều hết sức bình thường.

Dù ra sao thì bạn cũng đừng bỏ cuộc và chấp nhận các triệu chứng của bệnh trầm cảm. Hãy nhớ rằng, rối loạn trầm cảm diễn ra càng lâu sẽ càng khó điều trị. Ngoài tuân thủ chỉ dẫn từ bác sĩ thì bạn hãy cố gắng thực hiện các biện pháp tự lực tại nhà.

Một số cách tự hỗ trợ cho bản thân bao gồm:

  • Bám sát kế hoạch điều trị: Đừng bỏ qua các buổi trị liệu với chuyên gia tâm lý. Đồng thời ngay cả khi đã cảm thấy khỏe lại thì bạn cũng đừng ngừng thuốc đột ngột. Nói chuyện với bác sĩ về những bất thường mà bạn gặp phải để sớm nhận được hỗ trợ.
  • Không uống rượu hoặc dùng thuốc kích thích: Nhiều người bị trầm cảm kháng trị tìm đến rượu bia, cần sa hay các thuốc kích thích như một cách để giải tỏa. Về lâu dài, rượu và ma túy có thể làm trầm trọng thêm triệu chứng và gây cản trở cho việc điều trị. Việc điều trị chỉ có thể thành công khi bạn giải quyết được vấn đề dùng chất kích thích của mình.
  • Quản lý căng thẳng: Quan hệ xã hội, tài chính, công việc, cuộc sống không hạnh phúc và nhiều vấn đề khác có thể dẫn đến căng thẳng. Từ đó làm trầm trọng thêm bệnh trầm cảm. Bạn có thể thử nghiệm các giải pháp làm giảm stress như yoga, chánh niệm, thái cực quyền, massage, liệu pháp mùi hương hay viết nhật ký.
  • Ngủ ngon: Ngủ không ngon giấc có thể sẽ khiến cho bệnh trầm cảm nghiêm trọng thêm. Cả thời lượng và mức độ ngủ ngon đều ảnh hưởng tới tâm trạng, khả năng tập trung, mức năng lượng và khả năng chống chọi với căng thẳng của bạn. Nếu bạn khó ngủ, nên nghiên cứu các cách để cải thiện thói quen ngủ. Đôi khi việc tìm đến sự hỗ trợ của bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần là rất cần thiết.
  • Tập thể dục thường xuyên: Hoạt động thể chất có ảnh hưởng trực tiếp tới tâm trạng. Ngay cả những hoạt động đơn giản như làm vườn hay đi bộ cũng có thể làm giảm căng thẳng và cải thiện giấc ngủ. Đồng thời làm giảm bớt các triệu chứng trầm cảm kháng trị.

Không dễ dàng để bạn vượt qua bệnh trầm cảm kháng trị. Tuy nhiên đừng bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ cuộc, hãy luôn nghiêm túc tuân thủ phác đồ từ bác sĩ. Đồng thời cố gắng thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà. Từ đó sẽ giúp kiểm soát tốt bệnh tình và làm giảm các hệ lụy nghiêm trọng xảy ra.

Tham khảo thêm:

5/5 - (2 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *