Trầm cảm ở nam giới: Nguyên nhân, biểu hiện và điều trị

Trầm cảm ở nam giới rất dễ gây ra các hệ lụy nghiêm trọng bởi xu hướng che giấu cảm xúc của đấng mày râu khiến việc điều trị bệnh diễn ra muộn. Nam giới thường cho rằng việc thừa nhận với chính bản thân hay với người khác mình đang có dấu hiệu trầm cảm là không mạnh mẽ và nam tính.

Trầm cảm ở nam giới
Bệnh trầm cảm ở nam giới thường gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng do không được điều trị sớm

Trầm cảm ở nam giới là gì?

Đàn ông luôn nghĩ mình là người mạnh mẽ và có khả năng kiểm soát cảm xúc tốt. Khi cảm thấy tuyệt vọng hoặc bị sự tuyệt vọng lấn át thì họ thường phủ nhận hoặc cố gắng che đậy nó.

Trầm cảm là một vấn đề phổ biến ảnh hưởng tới rất nhiều nam giới vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Đây hoàn toàn không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối về mặt cảm xúc hay sự thất bại của nam tính.

Thực tế cho thấy, trầm cảm ảnh hưởng tới hàng triệu nam giới ở mọi lứa tuổi và hoàn cảnh. Tâm trạng suy sụp là một phản ứng bình thường trước những mất mát hay thất bại trong cuộc sống. Tuy nhiên, trầm cảm ở nam giới sẽ làm thay đổi cách mà bạn suy nghĩ, cảm nhận hay hoạt động trong cuộc sống hằng ngày.

Ngoài ra, nam giới bị trầm cảm còn ảnh hưởng đến năng suất làm việc hay kết quả học tập. Đồng thời ảnh hưởng tới các mối quan hệ, giấc ngủ, chế độ ăn uống và sự tận hưởng  cuộc sống nói chung. Trầm cảm nặng có thể dữ dội và tiến triển không ngừng.

Thật không may, chứng trầm cảm ở nam giới lại thường bị bỏ qua vì nhiều nam giới cảm thấy khó khăn khi nói về cảm xúc của mình. Thay vào đó, họ có xu hướng tập trung vào các triệu chứng thể chất đi kèm với chứng trầm cảm. Chẳng hạn như đau đầu, đau lưng, khó ngủ hay các vấn đề tình dục. Điều này có thể dẫn tới chứng trầm cảm tiềm ẩn không được điều trị và gây ra những hệ quả nghiêm trọng.

Đàn ông bị trầm cảm có nguy cơ tự kết liễu cuộc đời cao gấp 4 lần so với phụ nữ. Vì vậy điều quan trọng là cần tìm kiếm sự trợ giúp trước khi cảm giác tuyệt vọng trở thành cảm giác muốn tự tử. Sau khi được chẩn đoán, nam giới cần nghiêm túc điều trị để kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa bệnh quay lại.

7 Nguyên nhân gây trầm cảm ở nam giới

Theo nghiên cứu, các chuyên gia tin rằng không có nguyên nhân duy nhất gây ra bệnh trầm cảm ở nam giới. Các yếu tố sinh học, tâm lý và xã hội đều đóng một vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh.

Dưới đây là một số nguyên nhân có thể khiến một người đàn ông bị trầm cảm:

1. Yếu tố di truyền

Nhiều nghiên cứu cho thấy, nam giới có tiền sử gia đình mắc chứng trầm cảm thì sẽ có nhiều khả năng tự phát triển căn bệnh này. Điều này chứng minh rằng các yếu tố di truyền có thể liên quan đến sự kích hoạt bệnh trầm cảm ở nam giới. Tuy nhiên, di truyền không phải là yếu tố duy nhất mà còn có sự tham gia của nhiều yếu tố ngoại cảnh tác động vào.

2. Căng thẳng kéo dài

Căng thẳng là trạng thái tinh thần xuất hiện khi con người phải đối mặt với các tình huống hay sự kiện gây áp lực. Điều này có thể giúp cho một người vượt qua chướng ngại tốt hơn.

nguyên nhân gây trầm cảm ở nam giới
Căng thẳng quá mức kéo dài có thể khiến cho nam giới rơi vào trạng thái trầm cảm

Tuy nhiên căng thẳng quá mức kéo dài lại ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tinh thần. Nam giới bị áp lực và căng thẳng quá mức thường xuyên sẽ có nhiều nguy cơ mắc bệnh trầm cảm. Bởi tình trạng này khiến cơ thể của họ ít giải phóng oxytocin khiến tinh thần suy kiệt và không muốn tiếp xúc với người khác.

3. Mức testosterone thấp gây trầm cảm ở nam giới

Hàm lượng của một số loại hormone trong cơ thể đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe tinh thần và thể chất của con người. Các chuyên gia nhận định, những người có mức testosterone thấp có nhiều nguy cơ mắc bệnh trầm cảm hơn. Điều này cũng lý giải vì sao bệnh trầm cảm lại phổ biến ở nữ giới hơn so với nam giới.

Nồng độ testosterone ở mức cân bằng sẽ giúp thúc đẩy sản sinh dopamine tốt hơn. Từ đó khiến tâm trạng ổn định, cân bằng và vui vẻ. Với những nam giới có mức testosterone trong cơ thể thấp thì sẽ thường xuyên bị mệt mỏi và có cảm xúc tiêu cực. Điều này làm tăng nguy cơ bị trầm cảm và các vấn đề tâm lý khác.

4. Tác dụng phụ của thuốc

Trong nhiều trường hợp, trầm cảm ở nam giới có thể là tác dụng phụ khi sử dụng một số loại thuốc. Thường gặp nhất là các loại thuốc sau:

  • Corticosteroid
  • Thuốc kháng Cholinergic
  • Thuốc Benzodiazepines

5. Trầm cảm ở nam giới và rối loạn chức năng tình dục

Rối loạn chức năng tình dục là yếu tố gây ra nhiều ảnh hưởng lớn tới sức khỏe tinh thần của nam giới. Những người đàn ông này thường rơi vào trạng thái tự ti, lãnh cảm, tuyệt vọng, chán nản và buồn bã. Nam giới gặp các vấn đề về chức năng tình dục có nguy cơ bị trầm cảm gần như gấp đôi so với những người đàn ông bình thường khác.

Bất lực hay rối loạn cương dương không chỉ là nguyên nhân dẫn tới trầm cảm mà nó còn có thể là tác dụng phụ của nhiều loại thuốc chống trầm cảm. Trầm cảm có thể làm tăng nguy cơ hoặc làm nghiêm trọng hơn tình trạng rối loạn chức năng tình dục.

vì sao nam giới bị trầm cảm
Rối loạn chức năng tình dục và trầm cảm ở nam giới có mối liên quan mật thiết với nhau

Tuy nhiên, nhiều người đàn ông miễn cưỡng thừa nhận rằng họ gặp phải các vấn đề tình dục. Họ thường cho rằng, đó là sự phản ánh về bản lĩnh đàn đông hơn là một vấn đề có thể điều trị được do chứng trầm cảm gây ra.

6. Các vấn đề sức khỏe khác

Ở những người đàn ông lớn tuổi, trầm cảm có thể là do hậu quả của các vấn đề sức khỏe khác. Chẳng hạn như ung thư, bệnh Parkinson, tiểu đường hoặc bệnh tim. Ngược lại, khi mắc chứng trầm cảm thì các triệu chứng của những bệnh lý này sẽ có xu hướng trở nên tồi tệ hơn.

7. Yếu tố rủi ro gây trầm cảm ở nam giới

Bất cứ người đàn ông nào cũng có thể bị trầm cảm nhưng một số yếu tố sẽ làm gia tăng nguy cơ khiến cho nam giới dễ bị tổn thương hơn. Chẳng hạn như:

  • Cô đơn và thiếu hỗ trợ xã hội
  • Không có khả năng đối phó hiệu quả với căng thẳng
  • Chấn thương hoặc lạm dụng thời thơ ấu
  • Già đi trong sự cô lập
  • Tiền sử lạm dụng rượu bia hoặc ma túy

Các biểu hiện trầm cảm ở nam giới

Đàn ông thường có xu hướng ít nhận biết các triệu chứng trầm cảm hơn phụ nữ. Một nam giới có nhiều khả năng từ chối cảm xúc của mình. Họ cố tình che giấu chúng với chính bản thân và người khác hoặc cố gắng che giấu cảm xúc bằng những hành vi khác.

Trên thực tế, nam giới có thể gặp các triệu chứng trầm cảm cổ điển như tâm trạng chán nản, mệt mỏi, mất hứng thú với công việc hoặc sở thích, rối loạn ăn uống và giấc ngủ, các vấn đề tập trung. Bên cạnh đó, họ còn có nhiều khả năng mắc các triệu chứng khác như tức giận, kích động và lạm dụng chất kích thích.

dấu hiệu trầm cảm ở nam giới
Trầm cảm có thể khiến nam giới rơi vào trạng thái mệt mỏi, chán nản và mất hứng thú với mọi thứ

Ba dấu hiệu trầm cảm thường bị bỏ qua nhất ở nam giới bao gồm:

  • Đau đớn về thể xác: Đôi khi bệnh trầm cảm ở nam giới biểu hiện dưới dạng các triệu chứng thể chất. Chẳng hạn như thường xuyên đau đầu, đau lưng, khó ngủ, rối loạn chức năng tình dục hay rối loạn tiêu hóa – không đáp ứng với điều trị bình thường.
  • Sự tức giận: Điều này có thể bao gồm cáu kỉnh, nhạy cảm với những lời chỉ trích, mất khiếu hài hước cho đến giận dữ, nóng nảy hay thậm chí là bạo lực.
  • Hành vi liều lĩnh: Một người đàn ông bị trầm cảm có thể có những hành vi trốn tránh hoặc mạo hiểm. Chẳng hạn như theo đuổi các môn thể thao nguy hiểm, lái xe ẩu, quan hệ tình dục không an toàn. Một số người có thể uống quá nhiều rượu, lạm dụng ma túy hoặc cờ bạc.

Nếu xác định được một số dấu hiệu sau đây thì nam giới có thể đang bị trầm cảm:

  • Cảm thấy tuyệt vọng và bất lực
  • Mất hứng thú với bạn bè, hoạt động và những thứ từng yêu thích
  • Cáu kỉnh, nóng nảy hoặc hung hăng hơn rất nhiều so với bình thường
  • Uống nhiều rượu hơn, tự dùng thuốc hoặc tham gia vào các hành vi liều lĩnh
  • Cảm thấy bồn chồn và kích động
  • Giấc ngủ và cảm giác thèm ăn bị thay đổi
  • Không thể tập trung, năng suất làm việc giảm sút
  • Không thể kiểm soát những suy nghĩ tiêu cực

Vì sao trầm cảm nam thường không được chẩn đoán?

Chứng trầm cảm ở nam giới thường không được chẩn đoán do một số nguyên nhân sau:

– Không nhận ra trầm cảm:

Cảm giác buồn bã và xúc động được cho là triệu chứng chính của bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, đối với nhiều nam giới thì đây không phải là triệu chứng chính. Trong khi đó, đau đầu, mệt mỏi, cáu kỉnh, các vấn đề về tiêu hóa,… có thể là dấu hiệu bệnh trầm cảm ở nam giới. Điều này sẽ gây ra nhiều khó khăn trong việc nhận biết bệnh.

– Các dấu hiệu và triệu chứng bị hạ thấp:

Nam giới có thể không nhận ra mức độ ảnh hưởng của các triệu chứng. Hoặc cũng có thể họ không muốn thừa nhận với bản thân hay với bất cứ ai khác rằng họ đang bị trầm cảm. Tuy nhiên, phớt lờ, kìm nén và che giấu bằng những hành vi không lành mạnh sẽ làm trầm trọng thêm các cảm xúc tiêu cực.

bệnh trầm cảm ở nam giới thường không được chẩn đoán
Nam giới thường rất khó chia sẻ các cảm xúc tiêu cực của mình với người khác

– Nam giới miễn cưỡng thảo luận về các triệu chứng trầm cảm:

Nam giới thường không cởi mở để chia sẻ cảm xúc của mình với gia đình và bạn bè. Đặc biệt là trước bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần thì họ lại càng e ngại.

Nhiều người đàn ông có thể đã học cách nhấn mạnh sự tự chủ. Họ nghĩ rằng việc bộc lộ cảm xúc và các dấu hiệu có liên quan tới trầm cảm là không nam tính nên sẽ cố gắng kìm nén chúng.

– Chống lại việc điều trị sức khỏe tâm thần:

Ngay cả khi nghi ngờ mình bị trầm cảm thì nhiều nam giới có thể tránh chẩn đoán hoặc từ chối việc điều trị. Họ thường tránh nhận sự giúp đỡ vì lo lắng rằng sự kỳ thị khi mắc bệnh trầm cảm có thể làm hỏng sự nghiệp hoặc đánh mất sự tôn trọng từ gia đình và bạn bè.

Điều trị trầm cảm ở nam giới

Như đã phân tích, chứng trầm cảm ở nam giới thường không được chẩn đoán và can thiệp điều trị sớm. Điều này sẽ khiến cho bệnh trầm cảm tiến triển nặng với nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho cả sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Đặc biệt là sẽ làm gia tăng suy nghĩ và hành vi tự sát.

Rất khó để điều trị khỏi hoàn toàn bệnh trầm cảm ở nam giới nếu việc can thiệp diễn ra muộn. Tuy nhiên, một số phương pháp có thể giúp làm giảm hoặc loại bỏ các triệu chứng. Điều quan trọng nhất là người bệnh cần bắt đầu tìm kiếm sự giúp đỡ.

Kế hoạch điều trị phù hợp cho bệnh trầm cảm ở nam giới tùy thuộc vào loại trầm cảm, thời gian bệnh xuất hiện và thông tin sức khỏe khác của người bệnh. Trong trường hợp dùng thuốc thì khả năng chịu đựng các tác dụng phụ của người bệnh là rất quan trọng.

Các phương pháp điều trị bệnh trầm cảm ở nam giới có thể bao gồm:

1. Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu là phương pháp được ưu tiên với bất cứ bệnh nhân trầm cảm nào. Phương pháp này được thực hiện bằng các cuộc trò chuyện giữa chuyên gia tâm lý và người bệnh.

Thông qua các cuộc trò chuyện, chuyên gia sẽ khai thác thông tin từ người bệnh. Sau đó giúp người bệnh dần nhận ra được những suy nghĩ, cảm xúc và hành vi tiêu cực của bản thân. Đồng thời tìm ra giải pháp khắc phục phù hợp, hướng đến suy nghĩ và hành vi tích cực.

Các liệu pháp tâm lý phổ biến dùng cho bệnh trầm cảm ở nam giới bao gồm:

chữa bệnh trầm cảm ở nam giới
Trị liệu tâm lý có thể giúp nam giới cải thiện triệu chứng bệnh trầm cảm và có cuộc sống tốt hơn

Sau một thời gian trị liệu tâm lý, các triệu chứng trầm cảm ở nam giới sẽ dần thuyên giảm. Đồng thời sức khỏe tinh thần và thể chất cũng dần được phục hồi một cách tự nhiên.

Ngoài ra, các chuyên gia tâm lý còn cung cấp thêm cho người bệnh những giải pháp kiểm soát cảm xúc của bản thân. Hơn nữa còn dạy họ cách đối phó với áp lực và vượt qua những khó khăn trong cuộc sống để ngăn ngừa bệnh tái phát.

2. Điều trị trầm cảm ở nam giới bằng thuốc

Thuốc chống trầm cảm có thể giúp làm giảm một số triệu chứng bệnh trầm cảm ở nam giới. Tuy nhiên, người bệnh cần nhớ rằng đây không phải là giải pháp lâu dài và nó không chữa được các vấn đề về cơ bản.

Khi dùng thuốc chống trầm cảm, có thể mất 2 – 4 tuần để người bệnh cảm thấy tốt hơn. Và đôi khi có thể mất 8 – 12 tuần để các thuốc phát huy hết tác dụng.

Để tìm được loại thuốc phù hợp, người bệnh có thể phải thử một vài liều lượng và loại thuốc khác nhau. Do sự khác biệt về đặc điểm sinh học mà liều dùng thuốc chống trầm cảm ở nam giới thường cao hơn so với phái nữ. Hơn nữa, nam giới cũng ít gặp phải các tác dụng phụ của thuốc hơn.

Các nhóm thuốc có thể được bác sĩ kê toa trong điều trị bệnh trầm cảm ở nam giới bao gồm:

– Các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI):

  • Prozac (fluoxetine)
  • Pexeva (paroxetine)
  • Lexapro (escitalopram)
  • Zoloft (sertraline)
  • Paxil (paroxetine)
  • Celexa (citalopram)

– Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRI):

  • Fetzima (levomilnacipran)
  • Pristiq (desvenlafaxine)
  • Effexor XR (venlafaxine)
  • Cymbalta (duloxetine)

– Thuốc điều biến serotonin:

  • Serzone (nefazodone)
  • Viibryd (vilazodone)
  • Trintellix (vortioxetine)

– Thuốc chống trầm cảm không điển hình:

  • Wellbutrin (bupropion)
  • Remeron (mirtazapine)
thuốc trị trầm cảm ở nam giới
Trong một số trường hợp, nam giới có thể cần sử dụng thuốc để kiểm soát triệu chứng bệnh trầm cảm

– Thuốc chống trầm cảm 3 vòng:

  • Pamelor (nortriptyline)
  • Surmontil (trimipramine)
  • Asendin (amoxapine)
  • Norpramin (desipramine)

– Chất ức chế monoamine oxidase:

  • Nardil (phenelzine)
  • Parnate (tranylcypromine sulfate)
  • Marplan (isocarboxazid)

Tất cả các thuốc điều trị trầm cảm ở nam giới cần sử dụng theo đúng chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không được ngừng thuốc chống trầm cảm đột ngột hoặc tăng/ giảm liều dùng khi chưa nhận được chỉ định từ phía bác sĩ.

3. Các biện pháp hỗ trợ khác

Đừng quá mong đợi vào việc tâm trạng của bạn sẽ được cải thiện ngay lập tức. Bạn có thể sẽ bắt đầu cảm thấy tốt hơn một chút mỗi ngày. Nhiều nam giới có thể cảm thấy sự cải thiện trong cách ngủ và cảm giác thèm ăn trước khi cải thiện tâm trạng của họ.

Bên cạnh việc điều trị y tế thì một số biện pháp hỗ trợ tại nhà cũng có thể hữu ích với nam giới đang bị trầm cảm. Các biện pháp hỗ trợ bao gồm:

– Tìm kiếm hỗ trợ xã hội:

Đối với nhiều nam giới bị trầm cảm thì việc tiếp cận với người khác có vẻ là quá sức với họ. Tuy nhiên phát triển và duy trì các mối quan hệ thân thiết là rất cần thiết để giúp bạn vượt qua thời gian bị trầm cảm.

– Hỗ trợ sức khỏe của bạn:

Thay đổi lối sống tích cực có thể giúp đẩy lùi triệu chứng trầm cảm. Đồng thời ngăn không cho nó quay trở lại. Một số việc bạn nên làm bao gồm:

  • Cố gắng ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày
  • Giữ căng thẳng trong tầm kiểm soát
  • Thực hành các kỹ thuật thư giãn
  • Dành thời gian dưới ánh nắng mặt trời

– Hoạt động thể chất:

Tập thể dục được cho là liều thuốc tự nhiên chống lại chứng trầm cảm một cách mạnh mẽ. Ngoài ra nó còn giúp ngăn ngừa bệnh tái phát khi bạn đã thật sự khỏe lại.

Để nhận được nhiều lợi ích nhất thì bạn nên hoạt động thể chất ít nhất 30 phút mỗi ngày. Bạn nên kiên trì với việc tập thể dục. Hãy tìm những bài tập liên tục và nhịp nhàng, có thể thêm yếu tố chánh niệm. Việc bắt cặp với một người bạn cũng là gợi ý tốt giúp duy trì động lực.

– Ăn uống lành mạnh:

Những gì mà bạn tiêu thụ hằng ngày ảnh hưởng trực tiếp đến tâm trạng và cảm xúc của bạn. Chế độ ăn cho nam giới bị trầm cảm cần chú ý đến một số thông tin sau:

  • Giảm thiểu lượng đường và tinh bột
  • Giảm lượng thức ăn không tốt cho tâm trạng
  • Thử các loại thực phẩm giàu dưỡng chất cải thiện tâm trạng
  • Ăn nhiều acid béo Omega-3
  • Tránh thiếu hụt vitamin B

Cách phòng tránh trầm cảm ở nam giới

Nguy cơ mắc bệnh trầm cảm ở nam giới có phần thấp hơn nữ giới. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là nam giới không bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này. Trái lại, nam giới bị trầm cảm thường dễ gặp phải hệ lụy nghiêm trọng hơn do thường được chẩn đoán và điều trị muộn.

phòng tránh bệnh trầm cảm ở nam giới
Nam giới có thể phòng tránh bệnh trầm cảm bằng cách dành thời gian cho hoạt động thể chất mỗi ngày

Tốt nhất, nam giới nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh bệnh trầm cảm để hạn chế nguy cơ mắc phải căn bệnh này. Các vấn đề cần chú ý bao gồm:

  • Cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi. Hãy biết san sẻ áp lực công việc với người thân và đồng nghiệp. Đừng nên ôm đồm quá nhiều việc vào mình khi mà bạn có thể chia sẻ chúng với người khác.
  • Chú ý chăm sóc tốt hơn cho giấc ngủ. Nên đi ngủ và thức dậy cùng một thời điểm mỗi ngày. Nếu bị mất ngủ thường xuyên, bạn nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ bác sĩ.
  • Điều chỉnh và duy trì một chế độ ăn uống cân bằng. Bổ sung đủ 2 – 2.5 lít nước mỗi ngày. Nên tiêu thụ các loại thực phẩm tươi sống, giàu dưỡng chất. Tránh ăn đồ chế biến sẵn, thức ăn nhanh, đồ chứa quá nhiều dầu mỡ, muối, đường,… Cần hạn chế uống rượu bia hoặc hút thuốc lá.
  • Dành ít nhất 30 phút mỗi ngày cho việc rèn luyện thể dục thể thao. Hoạt động thể chất giúp bạn cải thiện tốt cả sức khỏe thể chất và tinh thần.
  • Dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, bạn bè và những người thân yêu. Điều này giúp bạn giảm tải các áp lực trong cuộc sống và không bao giờ cảm thấy mình cô độc.
  • Kiểm soát tốt căng thẳng, có thể áp dụng các giải pháp thư giãn. Chẳng hạn như nghe nhạc, tắm nước ấm, massage, liệu pháp mùi hương,…

Trầm cảm ở nam giới là chứng bệnh không nên chủ quan. Sớm tìm kiếm sự hỗ trợ từ bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia tư vấn tâm lý là rất cần thiết để kiểm soát bệnh. Từ đó tránh các vấn đề rủi ro phát sinh gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *