Trẻ biết đọc sớm có thể là dấu hiệu của rối loạn tự kỷ

Nhiều gia đình tỏ ra vui mừng khi trẻ biết đọc sớm, thậm chí nhiều trẻ còn biết làm toán từ khi chưa đến trường. Tuy nhiên, biết đọc sớm có thể là dấu hiệu của tự kỷ hay cụ thể hơn là tự kỷ chức năng cao.

Trẻ biết đọc sớm là dấu hiệu của tự kỷ?

Rối loạn tự kỷ/ tự kỷ là một dạng rối loạn phát triển thần kinh với mức đa dạng từ nhẹ đến nặng. Các triệu chứng của bệnh lý này thường khởi phát trước năm 3 tuổi và nguy cơ mắc bệnh cao hơn ở bé trai (gấp 4 – 6 lần so với bé gái).

Đặc điểm của tự kỷ là sự thiếu hụt về khả năng giao tiếp/ ngôn ngữ, hành vi, tương tác xã hội và nhận thức kém. Ngoài ra, một số trẻ còn có biểu hiện tăng động và rối loạn cảm xúc. Các khiếm khuyết này không thể khắc phục hoàn toàn mà chỉ có thể cải thiện thông qua các biện pháp can thiệp và giáo dục.

Thông thường, trẻ tự kỷ sẽ bị chậm nói hoặc thậm chí là không biết nói ngay cả khi đã 1 – 2 tháng. Trẻ cũng không có phản ứng khi nghe người lớn gọi tên mình và không biết sử dụng các cử chỉ như lắc đầu, chỉ tay, vẫy tay,… để giao tiếp.

trẻ tự kỷ biết đọc sớm
Trẻ biết đọc sớm đôi khi là dấu hiệu của tự kỷ hay cụ thể hơn là chứng tự kỷ chức năng cao

Tuy nhiên, vẫn có một số trẻ tự kỷ biết đọc sớm. Cụ thể, một số trẻ từ 2 – 3 tuổi đã biết làm toán và đọc vanh vách mà chưa hề được bố mẹ hay bất cứ ai dạy. Nhiều người cho rằng đây là biểu hiện cho thấy trẻ sở hữu IQ cao mà không biết rằng, trẻ biết đọc sớm có thể là biểu hiện của rối loạn phổ tự kỷ.

Rối loạn phổ tự kỷ được chia thành 3 dạng là tự kỷ thông thường/ tự kỷ điển hình, tự kỷ chức năng cao (hội chứng Asperger) và rối loạn phát triển lan tỏa không xác định. Trong đó, trẻ mắc chứng tự kỷ chức năng cao thường có chỉ số IQ cao và biết đọc, biết làm toán từ rất sớm.

Theo thống kê, khoảng 10% trẻ tự kỷ có chỉ số IQ cao hơn người bình thường, 30% có chỉ số IQ bình thường, 60% còn là có chỉ số IQ thấp và rất thấp. Mặc dù có chỉ số IQ cao nhưng trẻ mắc chứng tự kỷ chức năng cao vẫn có những khiếm khuyết về các khía cạnh như khả năng giao tiếp kém, tương tác xã hội hạn chế, không biết cách biểu lộ cảm xúc, thiếu tính khôi hài,…

Nhìn chung, rối loạn phổ tự kỷ ở dạng nào cũng đều gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, những trẻ mắc chứng tự kỷ chức năng cao sẽ có tiên lượng tốt hơn. Nếu được thăm khám và can thiệp sớm, trẻ có thể phát triển và học tập tốt.

Thực tế, biết đọc sớm không hẳn là triệu chứng của chứng tự kỷ. Trong nhiều trường hợp, trẻ có thể biết đọc thông qua các chương trình giáo dục trên ti vi, học từ bố mẹ hoặc anh chị. Điều này cho thấy trẻ có khả năng tiếp thu và học tập tốt. Tuy nhiên, gia đình cũng không nên bắt trẻ học chữ cái quá sớm mà nên để trẻ phát triển tự nhiên và tự tiếp thu kiến thức thông qua cuộc sống hằng ngày.

Phát hiện trẻ tự kỷ biết đọc sớm bằng cách nào?

Biết đọc sớm có thể là dấu hiệu cho thấy trẻ có khả năng tiếp thu tốt nhưng đôi khi là triệu chứng của tự kỷ. Về bản chất, trẻ mắc chứng bệnh này vẫn sẽ gặp phải tình trạng rối loạn phát triển. Do đó, những khía cạnh khác như giao tiếp, tương tác xã hội, hành vi,… vẫn sẽ có khiếm khuyết.

Để xác định liệu trẻ biết đọc sớm có phải do tự kỷ hay không, bố mẹ có thể dựa vào một số biểu hiện đi kèm như:

  • Trẻ có lời nói và ngôn ngữ kỳ lạ, ngữ điệu đều đều hoặc đôi khi trịnh trọng thái quá
  • Trẻ gần như không thể giao tiếp phi ngôn ngữ (giao tiếp bằng mắt hoặc cử chỉ, điệu bộ)
  • Cử động thiếu nhịp nhàng và vụng về
  • Lời nói của trẻ thường máy móc, lặp đi lặp lại dẫn đến việc khó kết bạn và gặp khó khăn khi giao tiếp
  • Trẻ có xu hướng nói chuyện một chiều – tức là những lời nói có tính chất tự sự thay vì câu hỏi, thắc mắc và những lời nói yêu cầu sự tương tác giữa trẻ và người nghe.
  • Trẻ mắc hội chứng Asperger thường quan tâm đến một vấn đề nào đó một cách say mê từ đơn giản đến phức tạp.
  • Trẻ không hiểu được những lời bông đùa và thiếu tính khôi hài.
  • Gặp khó khăn trong việc điều chỉnh cảm xúc.

Trẻ mắc chứng tự kỷ chức năng cao có chỉ số IQ từ bình thường cho đến cao nên đôi khi không gặp phải các vấn đề trong quá trình học tập. Tuy nhiên, những khía cạnh khác của trẻ đều bị ảnh hưởng ở mức độ nào đó.

So với tự kỷ điển hình, hội chứng Asperger khó nhận biết hơn. Do đó, gia đình thường không phát hiện những biểu hiện bất thường của trẻ hoặc bỏ qua những dấu hiệu này vì nhận thấy trẻ thông minh, tiếp thu bài nhanh. Chậm trễ trong việc thăm khám và can thiệp sẽ ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả điều trị.

Lời khuyên cho bố mẹ khi trẻ mắc chứng tự kỷ

Tự kỷ là chứng bệnh chưa thể điều trị hoàn toàn. Tuy nhiên, can thiệp sớm có thể giúp trẻ cải thiện khả năng giao tiếp, tăng nhận thức và nâng cao kỹ năng xã hội. Đối với trẻ mắc hội chứng Asperger, tiên lượng thường tốt hơn trẻ bị tự kỷ điển hình. Nếu được can thiệp sớm và giáo dục đúng cách, trẻ thậm chí có thể phục hồi chức năng hoàn toàn và phát triển không thua kém bạn bè đồng trang lứa.

trẻ tự kỷ biết đọc sớm
Bố mẹ nên cho trẻ thăm khám và can thiệp trị liệu sớm để cải thiện các chức năng bị khiếm khuyết

Lời khuyên cho bố mẹ khi trẻ mắc chứng tự kỷ:

  • Ngay sau khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường ở trẻ, nên cho trẻ thăm khám sớm. Theo các chuyên gia, thời điểm vàng để can thiệp cho trẻ tự kỷ là từ 18 – 36 tháng tuổi. Ở thời điểm này, tỷ lệ trẻ có thể phục hồi hoàn toàn lên đến 30% và những trường hợp còn lại đều có tiến bộ rõ rệt.
  • Các biện pháp can thiệp, giáo dục cho trẻ tự kỷ mất rất nhiều thời gian. Do đó, bố mẹ cần kiên trì và dành nhiều thời gian để hỗ trợ trẻ trong quá trình trị liệu.
  • Điều trị cho trẻ tự kỷ ở nước ta còn nhiều hạn chế vì hầu hết các trung tâm phục hồi chức năng đều tập trung ở Hà Nội và TPHCM. Nếu đang sinh sống ở địa phương khác, bố mẹ nên chủ động tìm hiểu về tự kỷ và tìm tòi các phương pháp có thể thực hiện tại nhà để thuận tiện cho việc trị liệu.
  • Ngoài thời gian trị liệu, bố mẹ cần dành nhiều thời gian để chơi và đưa con đến nhiều môi trường khác nhau như nơi công cộng, đi du lịch, đến bệnh viện, công viên,… để trẻ tăng khả năng giao tiếp và nhận thức.
  • Cho trẻ sử dụng thuốc đều đặn theo hướng dẫn của bác sĩ. Dùng thuốc không thể chữa tự kỷ nhưng có thể cải thiện các triệu chứng như hành vi định tính, tăng động, hung tính, tự gây thương tích,…

Trẻ biết đọc sớm đôi khi là dấu hiệu của chứng tự kỷ. Do đó, gia đình cần chú ý những biểu hiện đi kèm để giúp trẻ có cơ hội được chẩn đoán và can thiệp sớm. Bên cạnh các phương pháp y tế, gia đình cũng đóng vai trò quan trọng đối với việc phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ.

Tham khảo thêm:

2.7/5 - (4 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *