Ám ảnh sợ khoảng trống: Nguyên nhân và cách khắc phục

Người mắc chứng ám ảnh sợ khoảng trống thường có xu hướng ở trong nhà, không dám ra ngoài một mình, không dám đến những nơi đông người. Tình trạng này gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, các mối quan hệ, công việc và tình cảm của người bệnh. Trị liệu tâm lý từ sớm để tháo gỡ các vướng mắc trong tâm trí chính là giải pháp hữu ích nhất để đưa người bệnh trở về với cuộc sống cộng đồng.

ám ảnh sợ khoảng trống
Với người mắc chứng ám ảnh sợ khoảng trống, chỉ cần nghĩ đến việc bước ra khỏi nhà cũng khiến họ cảm thấy hoảng loạn và sợ hãi

Chứng ám ảnh sợ khoảng trống là gì?

Chứng ám ảnh sợ khoảng trống có tên khoa học là Agoraphobia, còn được gọi với một số tên khác như ám ảnh sợ khoảng rộng, hay chứng sợ không gian. Đây là một dạng rối loạn lo âu được đặc trưng bằng sự lo lắng, sợ hãi quá mức trước các tình huống không nguy hiểm, cụ thể ở đây chính là các khoảng trống/ không gian rộng/ không gian kín.

Người bệnh thường cố gắng né tránh các tình huống hay phải đến những địa điểm khó tìm thấy lối thoát, chẳng hạn như rạp chiếu phim, tàu điện ngầm, các lớp học, cầu thang hoặc nói chung là các địa điểm, không gian nằm ngoài “vùng an toàn của họ”. Người mắc chứng ám ảnh sợ khoảng trống thường có xu hướng chỉ ở nhà hay trong phòng – nơi mà họ cảm thấy an toàn nhất.

Thống kê cho thấy có từ 30- 50% bệnh nhân ám ảnh sợ khoảng trống có đi kèm rối loạn hoảng sợ, điều này góp phần làm các triệu chứng của người bệnh nghiêm trọng hơn khi đứng trước các tình huống gây căng thẳng. Các dấu hiệu ám ảnh sợ khoảng trống thường khởi phát ở độ tuổi trung bình là 20 và gây ra nhiều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, tinh thần, sinh hoạt hằng ngày.

Triệu chứng ám ảnh sợ khoảng rộng

Bình thường việc chúng ta cảm thấy không thoải mái hay lo lắng khi phải đến những nơi xa lạ, nơi đông người là rất bình thường. Tuy nhiên ở những người mắc chứng ám ảnh sợ khoảng trống, nỗi lo lắng, sợ hãi của họ sẽ bao trùm lấy toàn bộ tâm lý khiến họ trở nên run rẩy và có xu hướng bỏ chạy. Bởi vậy những người này thường cố gắng tránh né việc đi ra ngoài hoặc cần phải có người đồng hành bên cạnh.

ám ảnh sợ khoảng trống
Người bệnh có xu hướng chỉ ở trong nhà – nơi có thể khiến họ bình tĩnh nhất

Cụ thể, các triệu chứng điển hình của chứng ám ảnh sợ khoảng rộng bao gồm

  • Luôn chỉ muốn ở trong nhà, không muốn đi ra ngoài vì bất cứ lý do nào. Nếu nhất định phải ra ngoài cần bắt buộc phải có người thân hay bạn bè bên cạnh cùng ra ngoài
  • Cảm thấy run rẩy, lo lắng, khó thở nếu phải đứng xếp hàng hay đứng nơi đông người
  • Sợ các không gian kín như rạp chiếu phim, nơi có cầu thang hẹp, nhà vệ sinh nơi công cộng, trên các phương tiện công cộng
  • Sợ khác công gian mở như ngoài đường, bãi đậu xe, trung tâm thương mại hay các con đường rộng
  • Căng thẳng, run rẩy, đau tức ngực, khó thở, đổ mồ hôi lạnh, mặt tái mét, đi lại không vững khi đến nơi đông người. Các triệu chứng có thể giảm đi nếu đi trên đường ít người nhưng người bệnh sẽ cố gắng đi thật nhanh để về nhà
  • Có xu hướng đi bộ nhanh hoặc đi xe taxi một mình, ít lựa chọn các phương tiện công cộng
  • Có xu hướng lựa chọn những cung đường quen thuộc, đi lại hằng ngày, không thích những thứ mới mẻ, bao gồm cả việc gặp gỡ những người xa lạ hay làm các công việc mới
  • Trong trạng thái hoảng loạn, người bệnh có thể la hét hay bỏ chạy, thậm chí là run rẩy đến không đi lại được, nếu mọi người càng đến gần thì các triệu chứng hoảng loạn càng tăng cao
  • Do có xu hướng ở trong nhà nhiều nên người bệnh khá ít bạn bè và cảm thấy cô đơn thường trực
  • Người bệnh khó tìm kiếm một công việc phù hợp nếu không có các kỹ năng làm việc tại nhà, một số người phải sống phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình vì không có việc làm
  • Người bệnh cũng có thể gặp ác mộng, khó ngủ, tinh thần buồn phiền trị trệ nếu ngày hôm đó hoặc hôm sau bắt buộc phải ra ngoài, đến những nơi đông người.

Dấu hiệu chứng ám ảnh sợ khoảng trống được thể hiện khá rõ ràng, bản thân người bệnh hay những người xung quanh đều có thể nhận thấy, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu về căn bệnh này. Các triệu chứng này nếu kéo dài trong 6 tháng đồng thời gây ra các ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống sẽ được chẩn đoán mắc ám ảnh sợ khoảng rộng.

Nguyên nhân gây ám ảnh sợ khoảng rộng

Hiện tại vẫn chưa thể khẳng định chính xác đâu là nguyên nhân gây ám ảnh sợ khoảng trống, tuy nhiên một vài nghiên cứu đã chỉ ra các tác động từ môi trường trong quá trình trưởng thành, yếu tố di truyền hay những sự kiện gây sang chấn tâm lý có thể làm bộc phát bệnh. Bản thân người bệnh có thể hiểu rằng nỗi ám ảnh đó là vô lý, thực sự không có gì đáng sợ nhưng vẫn không thể nào điều khiển được cảm xúc của bản thân.

ám ảnh sợ khoảng trống
Từng bị nhốt trong không gian kín có thể chính là nguyên nhân khởi nguồn cho nỗi sợ hãi

Cụ thể, các yếu tố được cho là có liên quan trực tiếp đến nguyên nhân gây ám ảnh sợ khoảng rộng bao gồm

  • Yếu tố gia đình: bệnh không có liên quan đến các gen di truyền, tuy nhiên nếu trong gia đình có người mắc bệnh thì tỷ lệ con cái hay những người thân cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Nguyên cơ này được cho là có liên quan đến việc dạy dỗ, nói chuyện, giáo dục hay tương tác giữa các thành viên trong gia đình
  • Xu hướng tính cách: ở những người có tính cách tự ti, ngại ngùng, sợ nơi đông người, tự tin, thường phụ thuộc quá mức vào gia đình, được cha mẹ bao bọc quá mức hay người hướng nội thì nguy cơ mắc bệnh cũng cao hơn.
  • Sang chấn tâm lý: một số người có thể mắc chứng ám ảnh sợ khoảng trống sau khi trải qua một sự kiện gây chấn động tâm lý có liên quan đến đến những nơi có không gian kín hoặc mở. Chẳng hạn bị cưỡng hiếp, bị nhốt trong không gian kín, bị bắt cóc.. Người bệnh không vượt qua được những ám ảnh này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống
  • Yếu tố nguy cơ khác: một số đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn như nữ giới, người từng bị bỏ rơi, người đã từng mắc một số vấn đề tâm lý khác..

Hệ lụy từ chứng ám ảnh sợ khoảng trống đến người bệnh

Cũng tương tự như các vấn đề tâm lý khác, ám ảnh sợ khoảng trống có thể gây ra rất nhiều hệ lụy trên cả mặt sức khỏe, tinh thần đến đời sống người bệnh. Một số người bệnh còn có nguy cơ mắc đồng thời với các vấn đề tâm lý khác như rối loạn ám ảnh cưỡng chế hay rối loạn lo âu lan tỏa khiến mức độ và triệu chứng bệnh còn nghiêm trọng hơn.

ám ảnh sợ khoảng trống
Vì ở trong nhà nhiều và cô đơn nên người ám ảnh sợ khoảng trống có xu hướng nghiện dùng bia rượu để giải tỏa cảm xúc

Những hệ lụy do ánh ảnh sợ khoảng rộng gây ra làm suy giảm nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống hằng ngày của người bệnh, bao gồm

  • Người bệnh luôn cảm thấy cô đơn, không có người chia sẻ nên làm gia tăng nguy cơ trầm cảm hay một số vấn đề tâm lý khác. Bản thân người bệnh rất khó kết bạn do họ chỉ ở trong nhà,  không thích những điều mới, sợ những người lạ xung quanh. Hơn hết với những người không quen biết, không thân thiết thường cũng nhìn người bệnh bằng ánh mắt kỳ thị, thiếu cảm thông nên cũng rất khó kết bạn.
  • Luôn phải sống phụ thuộc vào gia đình do không dám ra ngoài, một số người không tìm kiếm được các công việc phù hợp nên phải phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình. Điều này có thể giới hạn cuộc sống của người bệnh khiến họ luôn cảm thấy gò bó, thiếu tự do
  • Có xu hướng tìm đến bia rượu, thuốc lá hay các chất kích thích khác dẫn đến nghiện ngập

Thực tế thì một số người mắc chứng ám ảnh sợ khoảng trống  vẫn có thể sinh hoạt, ra ngoài và làm việc như bình thường, chỉ là hạn chế hơn trong công việc tuy nhiên họ do khả năng giao tiếp kém nên cũng hạn chế trong rất nhiều vấn đề. Một số người không chịu được áp lực từ những người xung quanh, tâm trạng trì trệ vì thường phải sống trong lo lắng, sợ hãi khiến cho tình trạng bệnh của họ ngày càng nghiêm trọng hơn.

Bên cạnh đó, việc phát hiện và chẩn đoán chứng ám ảnh sợ khoảng trống thường được phát hiện muộn do bản thân người bệnh không muốn ra ngoài, không muốn tiếp nhận điều trị. Càng kéo dài các triệu chứng bệnh sẽ càng nghiêm trọng hơn, diễn biến nặng hơn và gây nhiều khó khăn trong điều trị hơn.

Hướng điều trị ám ảnh sợ khoảng trống

Theo một số chuyên gia, Ám ảnh sợ khoảng trống đôi khi cũng có thể tự khỏi, không cần điều trị thông qua các liệu pháp phơi nhiễm tự thân (tiếp xúc với nỗi sợ nhiều lần) của họ. Tuy nhiên nếu các triệu chứng bệnh nghiêm trọng, gây trở ngại trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe của người bệnh thì cần bắt buộc điều trị.

Người bệnh nên đến các bệnh viện tâm thần hay các trung tâm tư vấn tâm lý để được thăm khám, chẩn đoán và có hướng điều trị chính xác nhất. Thông qua các triệu chứng, thời điểm phát hiện các triệu chứng, tiền sử cá nhân và gia đình bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị chính xác. Bác sĩ và các chuyên gia cũng có thể yêu cầu người bệnh làm các bài test để đưa ra chẩn đoán thông qua tiêu chuẩn DSM-5 để xác định bệnh chính xác hơn.

Việc điều trị bệnh có thể phải kéo dài từ 6 tháng thậm chí là một năm, tùy theo từng tình trạng bệnh, bản thân người bệnh cùng các phương pháp điều trị. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của gia đình và người thân cũng góp phần rất lớn vào quá trình điều trị bệnh  nhanh khỏi.

Điều trị bằng thuốc

Thuốc không phải là phương pháp tốt nhất cho bệnh nhân ám ảnh sợ khoảng trống, tuy nhiên trong một số trường hợp vẫn rất cần sử dụng để kiểm soát các triệu chứng tạm thời. Mục đích của dùng thuốc là giảm nỗi lo âu tạm thời, kiểm soát tinh thần nhờ đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Tùy các triệu chứng liên quan mà việc dùng thuốc cũng được chỉ định khác nhau.

ám ảnh sợ khoảng trống
Dùng thuốc đúng cách sẽ kiểm soát được các cảm xúc lo âu, hoảng loạn quá mức của bệnh nhân

Cụ thể, một số loại thuốc phổ biến được dùng trong điều trị ám ảnh sợ khoảng trống bao gồm

  • Nhóm thuốc chống trầm cảm: thường chỉ định dùng thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin ( Paroxetine hoặc Fluoxetine) hoặc thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin và norepinephrine (Venlafaxine hoặc Cymbalta) hoặc các nhóm thuốc chống trầm cảm ba vòng (Amitriptylin hoặc Nortriptyline).
  • Thuốc chống lo âu: Dùng Alprazolam (Xanax) hay dùng clonazepam (Klonopin) nhằm kiểm soát các triệu chứng lo âu quá mức, giữ bình tĩnh trước các tình huống gây căng thẳng .

Việc dùng các nhóm thuốc này thường kèm theo rất nhiều tác dụng phụ, chẳng hạn như buồn ngủ, uể oải, thèm ăn hay tăng cân mạnh. Người bệnh cần tuân thủ theo đúng liều dùng thuốc từ đơn thuốc của bác sĩ, không được tự ý tăng/ giảm liều thuốc hay ngừng thuốc đột ngột vì đều có thể gây ra nhiều tác dụng phụ không tốt kèm theo. Khi các triệu chứng được cải thiện tốt, bác sĩ có thể giảm liều dùng nhưng vẫn cần duy trì sau đó để đảm bảo loại bỏ bệnh hoàn toàn.

Trị liệu tâm lý

Tâm lý trị liệu chính là biện pháp tốt nhất dành cho bệnh nhân ám ảnh sợ khoảng trống. Thông qua việc trò chuyện với chuyên gia tâm lý, người bệnh có thể tháo gỡ các khúc mắc trong lòng, học được cách đối diện với nỗi sợ hãi, dám chấp nhận thử thách, từ đó dần loại bỏ được những nỗi sợ vô hình để quay trở lại hòa nhập với cuộc sống cộng đồng.

ám ảnh sợ khoảng trống
Trị liệu tâm lý là phương pháp đem đến nhiều hiệu quả tốt nhất cho bệnh nhân

Bản thân người bệnh vốn thấy rất cô đơn nên những khó khăn trong lòng của họ rất khó được giải tỏa, những cảm xúc tiêu cực cứ dần tích tụ những nỗi ám ảnh của họ cũng tăng dần. Nhà trị liệu không chỉ đóng vai trò là một chuyên gia trị bệnh mà còn là người bạn, người đồng hành có thể thấu hiểu những khó khăn của người bệnh, đưa đến cho họ những lời động viên, khuyến khích để họ có thêm tự tin bắt đầu một cuộc sống mới.

Các phương pháp đang được ứng dụng chủ yếu hiện nay trong trị liệu tâm lý cho bệnh nhân ám ảnh sợ khoảng trống bao gồm

  • Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT): Thông qua phương pháp này, bản thân người bệnh có thể hiểu rõ rằng mình đang có những nỗi sợ vô lý và cần được loại bỏ. Chuyên gia tâm lý sẽ hướng dẫn các kỹ năng thư giãn tinh thần, kiểm soát cảm xúc, điều chỉnh suy nghĩ và hành vi của người bệnh theo một hướng đúng đắn hơn cũng như hướng dẫn các kỹ năng để giải quyết lo âu. Người bệnh nếu đáp ứng với liệu pháp này thực sự có thể cải thiện ám ảnh sợ khoảng rộng rất hiệu quả.
  • Liệu pháp phơi nhiễm: Nhà trị liệu tâm lý sẽ tạo ra các tình huống thực tế để bản thân người bệnh có thể trực tiếp đối diện với nỗi sợ hãi của bản thân. Khi đã tiếp xúc nhiều lần đúng cách, bản thân người bệnh đã học được cách giữ bình tĩnh thì xu hướng sợ hãi cũng giảm dần. Người bệnh khi đã dám đối mặt với những ám ảnh và không còn hoảng loạn hay bỏ chạy thì bệnh cũng dần loại bỏ. Tùy tình trạng từng người, các chuyên gia tâm lý có thể cho người bệnh tiếp xúc với nỗi sợ qua các công cụ hỗ trợ như kính thực tế ảo hoặc tham gia các trải nghiệm trực tiếp ngoài thực tế.

Bên cạnh đó, các chuyên gia tâm lý cũng khuyến khích gia đình nên tham gia các buổi trị liệu để hiểu rõ hơn về bệnh cũng như biết cách trò chuyện, chăm sóc và hỗ trợ bệnh nhân tốt nhất. Sự hỗ trợ từ gia đình lúc này chính là liều thuốc quý báu nhất để đưa người bệnh sớm trở về với cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc thường ngày.

Điều trị tại nhà

Gia đình hay những người đang sống cùng đóng một vai trò lớn trong quá trình loại bỏ các triệu chứng ám ảnh sợ khoảng rộng. Không chỉ cần chăm sóc về mặt sức khỏe, gia đình còn cần trò chuyện, động viên tinh thần người bệnh mạnh dạn hơn bước ra khỏi vùng an toàn của chính mình. Chính sự động viên tin tưởng từ những người xung quanh là động lực lớn nhất để người bệnh có thể phá vỡ tấm rào chắn mịt mờ của tâm trí để tiến bước đến ánh sáng của hạnh phúc.

Một số phương pháp có thể giúp ích cho người bị ám ảnh sợ khoảng trống trong điều trị tại nhà gồm

  • Liệu pháp hít thở sâu có thể giúp ích cho bệnh nhân rất nhiều khi đứng trước các tình huống, địa điểm gây căng thẳng, hạn chế được trạng thái hoảng loạn hay bỏ chạy
  • Đảm bảo ngủ đủ giấc bởi khi khi tinh thần tỉnh táo, được nạp đủ năng lượng thì mới có thể bình tĩnh, dám đối diện với nỗi căng thẳng
  • Thực hành thiền hằng ngày sẽ giúp ích trong việc nâng cao tinh thần lạc quan, thư giãn, kiểm soát cảm xúc, dễ giữ được bình tĩnh đồng thời cũng đem đến rất nhiều lợi ích cho sức khỏe
  • Trò chuyện và chia sẻ nhiều hơn với những người xung quanh. Thay vì chỉ ở trong nhà bạn có thể đi dạo quanh vườn, quanh nhà, rồi dần dần tiến ra các khu vực xa hơn, đông người hơn. Hãy bắt đầu bằng việc đi cùng 1- 2 người thân thiết, sau đó học cách tự trải nghiệm một mình. Nếu vẫn thấy lo lắng bạn có thể nhờ một người thân đi phía sau, điều này có thể tạo cho bạn cảm giác an tâm hơn bởi vẫn có người thân theo sát mình
  • Nên ăn uống đầy đủ, tăng cường rau xanh, trái cây, các loại hạt, các loại thảo dược tốt cho trí não và tinh thần. Tuyệt đối tránh xa bia rượu, thuốc lá, đồ uống có cồn hay các chất kích thích khác
  • Tự tạo cho bản thân một câu thần chú để khi ra ngoài bạn có thể lẩm nhẩm trong đầu giống như một tấm bùa hộ mệnh bảo vệ bạn bởi những nguy hiểm từ môi trường bên ngoài, điều này có thể thực sự có ích với nhiều người
  • Duy trì thói quen luyện tập thể dục thể thao hằng ngày cũng mang đến rất nhiều tác dụng tốt cho người bệnh trong cải thiện sức khỏe và tâm trí. Người bệnh cũng được khuyến khích nên tham gia các bộ môn đồng đội để tăng tính tương tác với mọi người, trải nghiệm trong các môi trường đông người, không gian kín, mở một cách lành mạnh hơn
  • Tham gia điều trị nhóm cùng những bệnh nhân có triệu chứng tương tự để mọi người cùng giúp đỡ nhau cố gắng, thay đổi hiệu quả hơn
  • Tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người xung quanh ngay khi cần thiết
  • Tìm kiếm niềm đam mê mới, chẳng hạn học các công việc phù hợp giúp ích cho cuộc sống và tương lai của bản thân
  • Luôn giữ tinh thần lạc quan, tích cực, vui vẻ, yêu thương bản thân và những người xung quanh

Hầu hết bệnh nhân ám ảnh sợ khoảng trống  đều phải thực hiện điều trị tâm lý thì mới có thể nhanh chóng loại bỏ các triệu chứng, ngăn ngừa nguy cơ biến chứng nguy hiểm khác xuất hiện. Bản thân người bệnh cần đặt niềm tin vào bản thân, thực sự muốn thoát ra khỏi vùng an toàn và tin tưởng hoàn toàn vào bác sĩ, chuyên gia tâm lý đồng hành thì mới thực sự khỏi bệnh hoàn toàn.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *