Hội chứng tự ngược đãi bản thân (Self Harm) và cách vượt qua
Hội chứng tự ngược đãi bản thân đặc trưng bởi tình trạng cố ý thực hiện các hành vi làm đau chính mình nhằm mục đích giải tỏa cảm xúc, tìm lại sự bình tĩnh và cảm giác thoải mái. Theo ước tính, có khoảng 4 – 5% dân số mắc phải chứng bệnh này với tỷ lệ cao hơn ở thanh thiếu niên và người trẻ tuổi.
Hội chứng tự ngược đãi bản thân là gì?
Chứng tự ngược đãi bản thân là một trong những dạng rối loạn tâm lý khá phổ biến hiện nay. Hội chứng này đặc trưng bởi tình trạng cố ý thực hiện những hành vi tự hủy hoại, gây tổn thương thể chất và tinh thần như rạch tay, cào cấu, nhổ tóc, tự làm bỏng bản thân, tát, đánh vào mặt,… Một số người tưởng tượng ra những viễn cảnh tồi tệ để gây sức ép lên tinh thần và tự gây ra sự đau khổ cho bản thân.
Những người mắc chứng tự ngược đãi bản thân không cảm thấy đau đớn trước các hành vi kể trên. Ngược lại, các hành vi này khiến bệnh nhân cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái và dễ chịu hơn. Tuy nhiên, các cảm giác này chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn. Do đó, bệnh nhân có xu hướng lặp đi lặp lại các hành vi tự ngược đãi để giải tỏa tinh thần. Hầu hết bệnh nhân đều không có ý định tự sát nhưng các hành vi tự ngược đãi có thể gây tổn thương thể chất nghiêm trọng và đe dọa đến tính mạng.
Hội chứng tự ngược đãi bản thân có tên tiếng Anh là Self Injury, hội chứng Self-Harm, Self-Cutting, Self-Mutilation. Theo thống kê, khoảng 4% dân số Hoa Kỳ mắc phải hội chứng này và tỷ lệ cao hơn ở người trẻ tuổi. Một số khảo sát cho thấy, khoảng 15% thanh thiếu niên và 17 – 35% sinh viên đại học có biểu hiện của hội chứng Self-Harm.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các hành vi tự ngược đãi thực chất là cách giải tỏa cảm xúc không lành mạnh do thiếu kỹ năng sống. Đây cũng là lý do hội chứng này ảnh hưởng chủ yếu đến thanh thiếu niên và người trẻ tuổi. Những người có kinh nghiệm sống và được trang bị những kỹ năng cần thiết sẽ biết giải tỏa, chế ngự cảm xúc một cách lành mạnh. Vì thế, tỷ lệ mắc hội chứng này sẽ thấp hơn so với đối tượng trên.
Dấu hiệu của hội chứng tự ngược đãi bản thân
Như đã đề cập, chứng tự ngược đãi bản thân đặc trưng bởi các hành vi tự làm đau chính mình. Các hành vi này có thể gây ra nỗi đau thể chất hoặc tinh thần. Tuy nhiên, bệnh nhân sẽ không thể hiện các hành vi tự ngược đãi trước mặt người khác. Do đó, những người xung quanh chỉ có thể nhận biết thông qua dấu tích trên cơ thể và các triệu chứng đi kèm (thường là rối loạn cảm xúc, rối loạn ăn uống và các triệu chứng cơ thể).
Nhìn chung, bệnh nhân mắc hội chứng Self-Harm sẽ gặp phải 3 nhóm triệu chứng chính là các hành vi tự ngược đãi, rối loạn cảm xúc và các triệu chứng thể chất:
– Các hành vi tự ngược đãi thường thấy ở bệnh nhân mắc hội chứng Self-Harm:
- Cắt, rạch da là hành vi thường gặp nhất, chiếm từ 70 – 90%. Bệnh nhân có thể dùng mảnh chai, sành và dao lam để rạch da, vết cắt đủ sâu để chảy máu nhưng không gây tổn thương các cơ quan bên trong. Hành vi này được lặp đi lặp lại khiến cho cổ tay, cổ chân, cánh tay, đùi, bụng chằng chịt các vết sẹo.
- Ngoài cắt, rạch tay, bệnh nhân có hành vi tự đánh và đập đầu (chiếm 21 – 44%). Hành vi tự ngược đãi này hiếm khi để lại dấu vết. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp bị bầm tím, chảy máu và chấn thương đầu khá nặng.
- Hành vi tự ngược đãi phổ biến khác là tự gây bỏng (chiếm 15 – 35%). Bệnh nhân thường dùng que diêm hoặc điếu thuốc lá làm bỏng các vùng da trên cơ thể. Nếu tinh ý, gia đình và những người xung quanh có thể dễ dàng nhận thấy các vết bỏng và sẹo thâm chằng chịt.
- Dùng tay đấm vào tường, đồ vật để gây chảy máu.
- Tự lây nhiễm bệnh cho bản thân bằng cách tiếp xúc với đồ dùng bẩn, đất cát hoặc có thể quan hệ tình dục không an toàn với mục đích bị lây bệnh.
- Uống chất tẩy hoặc các loại thuốc có hại để trừng phạt bản thân.
- Cố ý bẻ gãy xương (thường là các xương nhỏ như xương ngón tay)
- Dùng tay cào cấu gây đau và chảy máu
- Nhổ tóc
- Nhịn ăn để bỏ đói nhằm trừng phạt bản thân
- Dùng tay hoặc các đồ vật ma sát liên tục trên da nhằm gây ra các vết bỏng, các vết thương hở và phát ban
- Một số người hình dung bản thân rơi vào hoàn cảnh bi đát, nghèo khổ, túng thiếu hoặc bị chỉ trích, chế giễu với mục đích gây đau khổ về mặt tinh thần.
- Thương tích tập trung nhiều ở cổ tay, cánh tay, bụng,… và ít khi gặp ở phần dưới cơ thể.
- Bệnh nhân không thể đưa ra lời giải thích hợp lý cho những vết tích trên cơ thể
- Mặc dù các hành vi tự ngược đãi gây ra cơn đau nhưng bản thân người bệnh lại có cảm giác thoải mái, thư giãn, giảm căng thẳng và trở nên bình tĩnh hơn. Tuy nhiên, những cảm xúc này chỉ kéo dài trong thời gian rất ngắn. Sau đó, bệnh nhân sẽ lặp lại hành vi tự ngược đãi với mục đích giải tỏa cảm xúc và giải thoát bản thân khỏi sự dằn vặt, thất vọng, bức bối.
Các hành vi tự ngược đãi được thực hiện nhằm tạo ra nỗi đau về tinh thần và thể xác. Người bệnh không cố ý thực hiện những hành vi này với mục đích tự sát. Tuy nhiên, các hành vi tự hủy hoại có thể gây biến dạng cơ thể, nhiễm trùng máu và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến tính mạng.
– Các triệu chứng rối loạn cảm xúc:
Ngoài các hành vi tự ngược đãi, bệnh nhân còn có biểu hiện rối loạn cảm xúc. Theo các chuyên gia, cảm xúc bị dồn nén chính là nguyên nhân thôi thúc người bệnh thực hiện các hành vi tự hủy hoại để giải tỏa.
Người bị hội chứng tự ngược đãi bản thân thường sẽ gặp phải các triệu chứng rối loạn cảm xúc như:
- Thường trực cảm giác căng thẳng, bồn chồn, bất an, lo âu
- Chán nản, buồn bã và mệt mỏi
- Tâm trạng nhạy cảm, dễ cáu giận và nổi nóng với những người xung quanh. Tuy nhiên, một số người có xu hướng che giấu cảm xúc và chỉ bộc lộ cơn giận khi ở một mình.
- Nhiều khả năng bệnh nhân sẽ có các rối loạn giấc ngủ đi kèm, thường gặp nhất là mất ngủ, ngủ chập chờn, khó ngủ và dễ thức giấc giữa đêm.
- Lòng tự trọng thấp
- Khó kiềm chế và quản lý cảm xúc
- Bệnh nhân mắc chứng tự ngược đãi bản thân sẽ gặp phải các triệu chứng rối loạn cảm xúc hầu hết thời gian trong ngày.
Nếu quan sát kỹ sẽ nhận thấy bệnh nhân luôn có khuôn mặt u uất, mệt mỏi nhưng không mang khí sắc trầm buồn như người bị trầm cảm. Cảm xúc của người bệnh thường bị dồn nén dẫn đến việc thôi thúc thực hiện hành vi tự ngược đãi để giải tỏa tâm trạng.
– Các triệu chứng cơ thể đi kèm:
Bệnh nhân mắc hội chứng Self-Harm thường gặp phải một số triệu chứng cơ thể đi kèm như:
- Tăng huyết áp, căng tức bầu ngực trái, nhịp tim nhanh, không đều và thường gặp phải tình trạng đánh trống ngực
- Nhịp thở nông, thở nhanh và bệnh nhân thường trực nỗi sợ bị chết ngạt
- Tăng thông khí (cảm giác khó thở liên quan đến tình trạng lo âu quá mức)
- Nghẹn cổ họng
- Buồn nôn, khó nuốt, táo bón, tiêu chảy, trào ngược, đau dạ dày,…
- Đau đầu, mất ngủ, chóng mặt, nhìn đôi, khả năng tập trung và trí nhớ giảm
- Bệnh nhân cũng có thể gặp phải các triệu chứng do rối loạn hệ thần kinh thực vật như bất an, bồn chồn, đổ mồ hôi, chân tay lạnh, hồi hộp,…
- Sức khỏe suy kiệt, sụt cân và xanh xao
Tương tự như các rối loạn tâm lý khác, chứng tự ngược đãi bản thân khiến bệnh nhân gặp phải vấn đề trong mối quan hệ, giảm hiệu suất học tập và lao động. Bệnh nhân có xu hướng thu mình, sống khép kín và ít gặp gỡ.
Nguyên nhân gây chứng tự ngược đãi bản thân
Các chuyên gia chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây hội chứng Self-Harm. Hiện nay, đã có nhiều giả thuyết được đặt ra. Trong đó, các chuyên gia ủng hộ giả thuyết hội chứng tự ngược đãi bản thân là cách giải tỏa cảm xúc không lành mạnh ở những người bị stress trường diễn hoặc sang chấn tâm lý mạnh. Ngoài ra, hội chứng này cũng được xác định có liên quan đến một số yếu tố sinh học và tâm lý – xã hội.
Các nguyên nhân, yếu tố được cho là có liên quan đến hội chứng tự ngược đãi bản thân:
- Stress trường diễn gây ức chế tâm lý (áp lực học tập, áp lực tài chính, kỳ vọng từ gia đình, ức chế tâm lý do bị bắt nạt, tẩy chay, bạo lực,…)
- Gia đình thiếu sự quan tâm hoặc kiểm soát con cái quá mức và giáo dục theo hình thức hà khắc.
- Gia đình và nhà trường không trang bị cho học sinh, sinh viên những kỹ năng giải tỏa stress lành mạnh. Thiếu kỹ năng sống khiến các em gặp khó khăn trong học tập cũng như cuộc sống dẫn đến nhiều tình huống căng thẳng. Stress tích tụ gây ức chế tâm lý và thôi thúc hành vi tự ngược đãi để giải tỏa tinh thần.
- Đối mặt với sang chấn tâm lý gây tổn thương tinh thần nghiêm trọng nhưng không được giải tỏa kịp thời. Các sự kiện sang chấn có thể gây ra hội chứng tự ngược đãi bản thân bao gồm bố mẹ ly hôn, bị bỏ rơi, bị ngược đãi, bạo hành, chứng kiến cảnh gia đình bị tai nạn nghiêm trọng,…
- Sự thay đổi đột ngột của nội tiết tố cũng được xem là yếu tố nguy cơ gây ra chứng tự ngược đãi bản thân. Các chuyên gia cho rằng, hormone thay đổi có vai trò hình thành những hành vi và cảm xúc bốc đồng nhằm thu hút sự chú ý của người khác.
- Nguy cơ mắc hội chứng Self-Harm có thể tăng lên nếu kết bạn hoặc sống chung với những người mắc hội chứng này.
- Hội chứng tự ngược đãi bản thân có thể là hệ quả của các vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, rối loạn lo âu, rối loạn stress sau sang chấn,… Người mắc các bệnh lý này thường có cảm xúc bất ổn và bị dồn nén. Do đó, bệnh nhân có thể lặp đi lặp lại những hành vi tự ngược đãi để giải tỏa cảm xúc và lấy lại sự bình tĩnh, thoải mái.
- Sử dụng chất gây nghiện và lạm dụng rượu bia
- Có dạng nhân cách nghệ sĩ yếu (đặc điểm của dạng nhân cách này là cảm xúc hời hợt, tâm trạng hay thay đổi, yếu đuối, thiếu kỹ năng sống,…)
- Người phát triển rối loạn nhân cách nhóm B có nguy cơ cao mắc chứng tự ngược đãi bản thân. Các hành vi ngược đãi sẽ giúp bệnh nhân giải tỏa cảm xúc và thu hút sự chú ý của mọi người (đặc biệt là người bị bệnh ái kỷ và rối loạn nhân cách ranh giới).
Hội chứng tự ngược đãi bản thân có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, luôn có vai trò của stress nặng hoặc căng thẳng tích tụ (stress trường diễn). Ngoài ra, nguy cơ mắc bệnh cao hơn ở thanh thiếu niên và người trẻ tuổi do sự thay đổi của hormone, kinh nghiệm và kỹ năng sống hạn chế.
Tự ngược đãi bản thân và những hậu quả khôn lường
Tự ngược đãi bản thân là hội chứng tâm lý khá phổ biến với tỷ lệ mắc bệnh ước tính khoảng 4 – 5% dân số. Người bệnh cố ý thực hiện các hành vi tự ngược đãi để tìm lại sự bình tĩnh, cảm giác thoải mái và giảm đi sự lo lắng, bồn chồn, bất an,… Mặc dù các hành vi này không được thực hiện với mục đích tự sát nhưng vẫn có thể đe dọa đến tính mạng (do mất nhiều máu, nhiễm trùng, sức khỏe suy kiệt).
Trong những năm gần đây, tỷ lệ thanh thiếu niên và người trẻ tuổi có những hành vi tự ngược đãi tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, sự hiểu biết của cộng đồng và gia đình về vấn đề này còn rất hạn chế. Do đó, đa phần người bệnh đều không được thăm khám và điều trị sớm. Hậu quả là phải đối mặt với các biến chứng nặng nề như:
- Đối mặt với các vấn đề sức khỏe thể chất do các hành vi tự ngược đãi như biến dạng cơ thể, thương tật vĩnh viễn, nhiễm trùng, mắc các bệnh lây nhiễm không thể điều trị hoàn toàn như viêm gan B, HIV,…
- Lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá và chất gây nghiện
- Sống khép kín, ít bạn bè và khó duy trì được các mối quan hệ lâu dài
- Do cảm xúc bất ổn và có phần bất thường nên bệnh nhân dễ bị cô lập, tẩy chay ở trường học và công ty
- Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hội chứng tự ngược đãi bản thân có thể tăng tỷ lệ phạm tội. Một số bệnh nhân cho rằng, các hành vi trộm cắp và vi phạm pháp luật có thể giải tỏa căng thẳng, cảm giác bất an, bồn chồn và lo lắng.
- Hội chứng Self-Harm khiến bệnh nhân giảm hiệu suất lao động, học tập. Từ đó gây ra nhiều vấn đề tài chính, năng lực kém, khó tìm kiếm việc làm và gặp khó khăn khi hẹn hò, kết hôn.
Nếu xảy ra đồng thời với các rối loạn tâm thần khác, bệnh nhân thường sẽ thực hiện các hành vi ngược đãi có tính chất nghiêm trọng. Các hành vi này có thể gây biến dạng cơ thể và đôi khi đe dọa đến tính mạng.
Chẩn đoán hội chứng tự ngược đãi bản thân
Phần lớn bệnh nhân mắc hội chứng tự ngược đãi bản thân đều không chủ động thăm khám và điều trị. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp đến gặp bác sĩ với mục đích điều trị các rối loạn tâm lý đi kèm như rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn ăn uống,…
Hội chứng Self-Harm thường được chẩn đoán thông qua biểu hiện lâm sàng. Bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng để loại trừ các khả năng có thể xảy ra. Những trường hợp mắc đồng thời nhiều rối loạn tâm lý, tâm thần sẽ gặp khó khăn trong việc chẩn đoán và có thể phải tiến hành chẩn đoán lại do chẩn đoán ban đầu không chính xác.
Khi phát hiện các dấu tích tự gây tổn thương trên cơ thể, bác sĩ có thể đặt câu hỏi cho người bệnh lý do tại sao lại làm như vậy. Người mắc hội chứng tự ngược đãi bản thân thường sẽ thực hiện hành vi tự làm đau với những mục đích sau đây:
- Tự trừng phạt bản thân vì cho rằng mình đã phạm phải lỗi lầm nghiêm trọng
- Thể hiện sự uất ức, kìm nén của bản thân cho mọi người thấy
- Thu hút sự chú ý, quan tâm của mọi người (thường gặp ở những người không nhận được tình thương và sự quan tâm của gia đình)
- Giải tỏa cảm giác đau khổ, lo lắng, căng thẳng, bất an. Sau khi thực hiện các hành vi tự hủy hoại, bản thân người bệnh sẽ có cảm giác nhẹ nhõm và thoải mái.
- Một số người có thể thực hiện hành vi tự hủy hoại với mục đích kiềm chế bản thân và không muốn thể hiện những cảm xúc tiêu cực ra bên ngoài.
- Nhiều bệnh nhân muốn cảm nhận nỗi đau vì bản thân đang vô cùng trống rỗng.
Các phương pháp chữa trị chứng tự ngược đãi bản thân
Hiện tại, chưa có phương pháp tối ưu dành cho hội chứng tự ngược đãi bản thân. Trong đó, liệu pháp tâm lý được xem là phương pháp mang lại hiệu quả cao nhất. Thăm khám và điều trị sớm có thể giảm thiểu các hành vi tự hủy hoại và giúp bệnh nhân tìm được cách giải tỏa cảm xúc lành mạnh hơn.
Dưới đây là các phương pháp được áp dụng trong điều trị hội chứng tự ngược đãi bản thân:
1. Can thiệp liệu pháp tâm lý
Liệu pháp tâm lý là phương pháp hiệu quả nhất trong việc cải thiện và quản lý hội chứng Self-Harm. Mục đích của phương pháp này là giúp người bệnh thay đổi suy nghĩ sai lệch, trang bị kỹ năng quản lý – điều tiết cảm xúc và học cách nâng cao giá trị của bản thân. Qua đó giảm thiểu tối đa các hành vi tự hủy hoại và hướng bệnh nhân đến lối sống lành mạnh.
Khi trị liệu tâm lý, chuyên gia sẽ giúp người bệnh phát triển các kỹ năng giải quyết vấn đề và giảm stress một cách lành mạnh. Như vậy, người bệnh sẽ không gặp phải tình trạng dồn nén và ức chế cảm xúc. Ngoài ra, bệnh nhân cũng sẽ được phát triển kỹ năng xã hội để dễ dàng kết bạn, duy trì các mối quan hệ và biết cách xử lý mâu thuẫn, xung đột trong cuộc sống.
Đối với những bệnh nhân bị hội chứng tự ngược đãi bản thân do gia đình thiếu sự quan tâm, giáo dục hà khắc và kỷ luật, có thể phải kết hợp với trị liệu nhóm và gia đình. Tùy vào tình trạng cụ thể, chuyên gia tâm lý sẽ lựa chọn cách tiếp cận phù hợp với từng bệnh nhân.
Các phương pháp tâm lý trị liệu được áp dụng cho bệnh nhân mắc hội chứng tự ngược đãi bản thân:
- Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT)
- Liệu pháp hành vi biện chứng
- Trị liệu nhận thức dựa trên chánh niệm
- Liệu pháp nhóm, gia đình
- Các liệu pháp hỗ trợ như âm nhạc trị liệu, yoga, nghệ thuật trị liệu,…
Không chỉ mang lại hiệu quả đối với hội chứng tự ngược đãi bản thân, tâm lý trị liệu cũng giúp cải thiện các rối loạn tâm lý, tâm thần đi kèm.
2. Sử dụng thuốc
Sử dụng thuốc không phải phương pháp chính trong điều trị hội chứng Self-Harm. Mặc dù vậy, một số loại thuốc vẫn được sử dụng để cải thiện tình trạng rối loạn cảm xúc, mất ngủ, trầm cảm và các triệu chứng cơ thể. Loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất là SSRIs (thuốc ức chế tái hấp thu serotonin) vì mang lại hiệu quả cao, ít tác dụng phụ và tương đối an toàn cho thanh thiếu niên, người trẻ tuổi.
Trong thời gian dùng thuốc, bệnh nhân có thể tăng mức độ của các hành vi tự ngược đãi và thậm chí thực hiện hành vi tự sát (đặc biệt là thanh thiếu niên). Hiện tại, các chuyên gia vẫn chưa rõ cơ chế vì sao dùng thuốc SSRIs có thể gia tăng tỷ lệ tự sát. Do đó, gia đình cần phải theo sát người bệnh trong thời gian đầu dùng thuốc để tránh những tình huống đáng tiếc.
3. Vai trò của gia đình
Người bị hội chứng tự ngược đãi bản thân rất cần sự quan tâm của gia đình. Đa phần bệnh nhân đều bị gia đình giáo dục quá hà khắc, kỳ vọng nhiều, áp đặt và quản lý quá mức. Hoặc không nhận được sự quan tâm và tình cảm từ gia đình.
Để quá trình điều trị mang lại kết quả tốt, gia đình cần tham gia trị liệu tâm lý cùng với người bệnh. Từ đó có thể thay đổi cách giáo dục và biết cách ứng xử phù hợp hơn. Sự quan tâm, động viên của gia đình sẽ giúp bệnh nhân kiên trì điều trị và học cách chia sẻ, giải tỏa stress lành mạnh.
Bên cạnh đó, gia đình nên thường xuyên trò chuyện để người bệnh thoải mái chia sẻ cảm xúc và những vấn đề khó khăn gặp phải trong cuộc sống. Khi được chia sẻ, bệnh nhân có thể giải tỏa cảm xúc, từ đó tránh tình trạng ức chế tâm lý và thôi thúc thực hiện hành vi tự ngược đãi. Thông qua điều này, người bệnh cũng sẽ học được cách giải tỏa tinh thần lành mạnh và ý thức được sự lệch lạc của hành vi tự ngược đãi.
Người bị hội chứng Self-Harm thường có sức khỏe kém, suy nhược do ăn uống thất thường và hậu quả từ các hành vi tự làm đau bản thân. Do đó, gia đình cần xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, hướng bệnh nhân đến các thói quen lành mạnh như tập thể dục, ngủ đủ giấc, nghe nhạc, dùng trà thảo mộc, tắm nước ấm để thư giãn. Ngoài ra, cần loại bỏ các vật có thể gây thương tích và chú ý đến những vết tích trên cơ thể để đưa bệnh nhân đến bệnh viện khi cần thiết.
Hội chứng tự ngược đãi bản thân đang trở nên phổ biến hơn trong những năm gần đây. Do đối tượng mắc bệnh chủ yếu là thanh thiếu niên và sinh viên nên quá trình điều trị cần có sự hỗ trợ của gia đình. Bản thân bệnh nhân hiếm khi chủ động thăm khám và điều trị. Vì thế, gia đình và những người xung quanh cần có hiểu biết về hội chứng Self-Harm để bệnh nhân có cơ hội được khám chữa bệnh kịp thời.
Tham khảo thêm:
- Áp lực đồng trang lứa (Peer pressure): Nguyên nhân và cách vượt qua
- Trẻ Bị Rối Loạn Hỗn Hợp Hành Vi Cảm Xúc Và Cách Chữa Trị An Toàn
- Tâm trạng thay đổi thất thường có thể là dấu hiệu bệnh tâm lý
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!