Rối Loạn Hoảng Sợ: Nguyên Nhân, Biểu Hiện Và Cách Khắc Phục

Rối loạn hoảng sợ được đặc trưng bởi trạng thái hoảng loạn cực độ, luôn ám ảnh bởi suy nghĩ sắp có những tình huống tồi tệ xuất hiện. Các triệu chứng thực thể như tim đập nhanh, tăng huyết áp, tái mặt, chân tay run rẩy cũng xuất hiện đồng thời khiến người bệnh thậm chí có thể ngất xỉu tại chỗ.

Rối loạn hoảng sợ là gì ?

Rối loạn hoảng sợ (Panic Disorder – PD) là một dạng của rối loạn lo âu được đặc trưng bởi cơn hoảng loạn quá mức, luôn có ý nghĩ rằng có những tình huống nghiêm trọng sắp xuất hiện. Cơn hoảng sợ thường diễn ra đột ngột, ngắn và gây ra các triệu chứng trên cả mặt tinh thần lẫn các phản ứng cơ thể.

Rối loạn hoảng sợ
Người bị rối loạn hoảng sợ rất dễ bị kích động và luôn lo lắng sắp có những điều tồi tệ xuất hiện

Những tình huống, sự kiện khiến người bệnh hoảng loạn thường rất đa dạng, đôi khi nghe thấy tiếng xe máy to hơn bình thường cũng kích hoạt các cảm xúc căng thẳng tột độ. Tình trạng này diễn ra với tần suất và mức độ tăng dần làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của mỗi người.

Cơn hoảng loạn tấn công thường chỉ diễn ra trong 15s nhưng những hệ lụy sau đó vẫn tiếp diễn trong 5 đến 30 phút, thậm chí có thể kéo dài cả tiếng. Người bệnh trong cơn hoảng loạn nếu không được kiểm soát và hỗ trợ đúng cách sẽ xuất hiện các hành vi bốc đồng, kích động, làm hại đến bản thân và những người xung quanh. Các triệu chứng rối loạn hoảng sợ có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, bất cứ tình huống nào.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Bản thân người bệnh có thể nhận thấy nỗi hoảng sợ của họ là vô lý nhưng không làm cách nào để kiểm soát được. Một số người sẽ né tránh việc ra ngoài để không làm bùng phát cơn hoảng sợ. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, tinh thần, công việc và các mối quan hệ của người bệnh.

Triệu chứng của bệnh rối loạn hoảng sợ

Các triệu chứng của rối loạn hoảng sợ xuất hiện trên cả mặt tinh thần lẫn thể chất, điều này có thể tác động đến các hành vi của người bệnh. Một số người chỉ xuất hiện các triệu chứng lo âu, hoảng sợ quá mức trong một vài tình huống nhưng cũng có người trở nên hoảng loạn với tất cả mọi thứ.

Rối loạn hoảng sợ
Khó thở, run rẩy, tăng huyết áp là các triệu chứng điển hình của rối loạn hoảng sợ

Cơn hoảng loạn được xác định là bệnh rối loạn hoảng sợ khi có trên 4 dấu hiệu dưới đây

  • Cảm giác bồn chồn, hồi hộp, tim đập nhanh
  • Vã mồ hôi kể cả khi trời đang rất lạnh
  • Run rẩy, chân không đứng vững, tay không cầm nắm được
  • Thở hụt hơi, khó thở như khi vừa leo cầu thang dài
  • Cảm giác nghẹn cổ họng
  • Đau ngực, khó chịu ngực, một số người có cảm giác như đau tim hay sắp chết đến nơi
  • Cảm giác khó chịu ở bụng, buồn nôn, có thể nôn
  • Chóng mặt, mất thăng bằng, chuếnh choáng, ngất
  • Ớn lạnh, rùng mình hoặc cũng có thể có cảm giác nóng bừng
  • Có cảm giác như da bị châm chích, tê ngứa râm ran như bị kiến bò
  • Cảm thấy như đang không ở hiện tại, tâm trí lâng lâng tách rời khỏi thực tại
  • Bị mất kiểm soát với các cảm xúc, hành vi của bản thân
  • Sợ chết, lo rằng sắp có chuyện xấu xảy ra và cảm thấy tuyệt vọng
  • Khi gặp các sự kiện hoảng loạn có thể trở nên kích động, la hét, hoảng loạn
  • Gõ ngón tay xuống bàn hoặc có xu hướng cầm nắm, siết chặt một thứ gì đó

Những dấu hiệu về mặt tâm lý này đã hình thành một số biểu hiện né tránh trong các hành vi người bệnh. Cụ thể

  • Làm gì cũng rón rén, nhẹ nhàng, chậm chạp vì sợ nhịp tim tăng nhanh
  • Người bị rối loạn hoảng sợ thường có xu hướng quan tâm quá mức đến sức khỏe, họ có thể mua máy đo nhịp tim, máy đo huyết áp và đem ra đo thường xuyên, nếu thấy các chỉ số quá cao sẽ càng trở nên hoảng loạn hơn
  • Né tránh những địa điểm, vị trí mà họ đã từng gặp cơn hoảng loạn vì sợ những cảm xúc đó sẽ quay trở lại. Chẳng hạn nếu họ đã từng bị giật mình, ám ảnh vì những con chim ở công viên thì họ sẽ không bao giờ quay trở lại đó, thậm chí có xu hướng tìm đường khác để không phải đi qua công viên đó
  • Thường khó khăn trong việc ở một mình hay đi ra ngoài một mình hoặc bắt buộc phải có người thân bên cạnh nếu ra ngoài
  • Thường chỉ muốn ở trong nhà, không muốn ra ngoài, kể cả đi làm

Nguyên nhân gây rối loạn hoảng sợ

Hiện tại các nghiên cứu vẫn chưa tìm thấy đâu là nguyên nhân chính xác gây rối loạn hoảng sợ. Sự thiếu hụt các chất dẫn truyền thần kinh, những sự kiện từ quá khứ mang tính kinh hoàng hoặc các vấn đề xung quanh cuộc sống của người bệnh được cho là có nguy cơ gây rối loạn hoảng sợ.

Rối loạn hoảng sợ
Sự thiếu hụt các chất dẫn truyền thần kinh được cho là có liên quan trực tiếp đến các tác nhân gây bệnh

Cụ thể, các yếu tố được cho là có liên quan đến chứng rối loạn hoảng sợ bao gồm

  • Sự thiếu hụt các chất hóa học trong não bộ như serotonin và epinephrine được cho là mối liên hệ trực tiếp với những người bị rối loạn hoảng sợ. Các chất dẫn truyền thần kinh này được biết đến với cái tên là hormone hạnh phúc, khi cơ thể tiết ra serotonin và epinephrine bạn sẽ cảm thấy vui vẻ hơn. Thiếu hụt serotonin và epinephrine sẽ làm gia tăng các căng thẳng, stress, mệt mỏi cũng như các vấn đề tâm lý khác
  • Dù không tìm thấy các gen mang tính chất di truyền chứng rối loạn hoảng sợ nhưng cách giáo dục, trò chuyện và tương tác với con hằng ngày ở những phụ huynh mắc chứng rối loạn hoảng sợ có thể khiến con dễ bị ảnh hưởng và gia tăng nguy cơ mắc bệnh hơn
  • Ở những người từng gặp các sự kiện kinh hoàng, chẳng hạn như bị bắt cóc, tai nạn giao thông, cưỡng hiếp hoặc mắc các bệnh nguy kịch có thể bị ám ảnh bởi những điều này và trở nên dễ hoảng sợ, giật mình, lo âu hơn
  • Ở những người nghiện bia rượu, chất kích thích sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bình thường
  • Nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới
  • Người bị căng thẳng, stress quá mức vì gia đình, công việc, tình cảm

Hệ lụy từ rối loạn hoảng sợ

Rối loạn hoảng sợ là một vấn đề tâm lý nhưng những hệ lụy nó gây ra trên cả mặt sức khỏe, tâm thần và cuộc sống của mỗi người. Một số người phải gắn liền cuộc đời với phòng cấp cứu bởi họ luôn cho rằng mình nguy kịch, sắp chết nên mỗi khi hoảng loạn thường tìm ngay đến bệnh viện.

Rối loạn hoảng sợ
Rối loạn hoảng sợ gây ra rất nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của người bệnh

Bản thân người bị rối loạn hoảng sợ có thể gia tăng nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe như cao huyết áp, bệnh tim mạch, các bệnh về dạ dày. Họ khó có một giấc ngủ ổn định vì luôn cảm thấy hoảng sợ, điều này cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bản thân.

Một vấn đề ở thường gặp ở những bệnh nhân rối loạn hoảng sợ chính là thiếu các kỹ năng xã hội, kỹ năng giao tiếp hay xử lý tình huống. Do không cảm thấy an tâm khi ra ngoài nên hầu hết những người này lựa chọn việc ở trong nhà, một số người có thể sống phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình.

Một số bệnh nhân có thể hình thành chứng ám ảnh sợ không gian rộng. Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn tâm thần DSM trước đây đã ghi chép rối loạn hoảng sợ thường đi kèm chứng sợ không gian rộng. Tuy nhiên trong những lần tái bản mới nhất thì hai chứng bệnh này đã được tách riêng.

Rối loạn hoảng sợ cũng làm gia tăng nguy cơ mắc các vấn đề tâm lý khác như trầm cảm, rối loạn cảm xúc, rối loạn nhân cách nếu không được điều trị từ sớm. Do đó tuyệt đối không được chủ quan với các triệu chứng của bệnh.

Hướng điều trị rối loạn hoảng sợ

Người bệnh cần đến các bệnh viện có chuyên khoa về tâm thần hay các trung tâm tâm lý để làm một số xét nghiệm nhằm kiểm tra chính xác bệnh. Bác sĩ sẽ cho người bệnh làm một số bài test, xác định với người bệnh thời điểm xuất hiện các triệu chứng ( trên 6 tháng) nếu đạt đầy đủ các tiêu chí sẽ được chẩn đoán là rối loạn hoảng sợ.

Người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối những chỉ định từ bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý để đảm bảo việc điều trị đạt kết quả tốt nhất, tránh các hệ lụy đáng tiếc khác xuất hiện. Việc điều trị thường kéo dài ít nhất 6 tháng, tuy nhiên cũng có những người phải gặp gỡ bác sĩ thường xuyên để ngăn nguy cơ tái phát các triệu chứng.

Điều trị bằng thuốc

Việc sử dụng thuốc đúng cách có thể kiểm soát được các trạng thái lo lắng, hoảng sợ quá mức cho người bệnh, không có tác dụng loại bỏ bệnh hoàn toàn. Nếu trong vòng 6 tháng đầu các triệu chứng đã cải thiện, bác sĩ sẽ giảm dần liều dùng và dừng hẳn trong khoảng 30 tháng.

Rối loạn hoảng sợ
Các nhóm thuốc an thần thường được chỉ định cho người bị rối loạn hoảng sợ để kiểm soát dần các triệu chứng

Các nhóm thuốc phổ biến nhất thường được chỉ định là thuốc an thần nhóm benzodiazepine (alprazolam, lorazepam, clonazepam và diazepam); thuốc chống trầm cảm ba vòng (Amitriptylin, doxepin, nortriptylin, desipramin) hay thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRI).

Tuy nhiên các nhóm thuốc này thường đi kèm nhiều tác dụng phụ. Đặc biệt là nhóm an thần nếu lạm dụng quá mức có thể dẫn đến nghiện thuốc, không thể ngủ được nếu không có thuốc. Do đó người bệnh và gia đình cần kiểm soát việc dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ.

Thực tế theo người bệnh, việc dùng các nhóm thuốc này trong thời gian dài khiến bản thân họ cảm giác như không còn là chính mình, không cảm nhận được mình đang thấy vui hay thấy buồn. Bởi thế rối loạn hoảng sợ không thể phụ thuộc hoàn toàn vào việc điều trị bằng thuốc mà cần kết hợp với trị liệu tâm lý, thay đổi lối sống lành mạnh hơn để nhanh chóng trở về với cuộc sống bình thường.

Trị liệu tâm lý

Rối loạn hoảng sợ là một vấn đề tâm lý nên cũng cần áp dụng các biện pháp tâm lý để giải quyết. Tâm lý trị liệu sẽ thông qua việc trò chuyện với bệnh nhân để tìm căn nguyên vấn đề từ bên trong, hướng dẫn bệnh nhân cách kiểm soát cảm xúc, loại bỏ những nỗi lo mơ hồ để hướng đến đời sống tính cực hơn.

Rối loạn hoảng sợ
Trị liệu tâm lý sẽ giúp bệnh nhân hiểu rõ được tình trạng của bản thân đồng thời học được cách kiểm soát cảm xúc phù hợp

Trong đó, liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) được đánh giá là phương pháp phù hợp nhất cho bệnh nhân rối loạn hoảng sợ. CBT giúp người bệnh hiểu rằng nỗi lo của bản thân là vô lý, đánh giá lại niềm tin của chính mình, từ đó giải quyết cơn hoảng loạn ở hiện tại bằng các phương pháp lành mạnh và hiệu quả hơn.

Liệu pháp phơi nhiễm hay liệu pháp tâm lý Psychodynamic cũng được phối hợp để nâng cao nhận thức và giúp bệnh nhân có thể đối diện với nỗi sợ hãi của chính mình. Người bệnh nếu đáp ứng tốt với các yêu cầu của nhà trị liệu có thể mang lại tiên lượng điều trị khá tốt.

Tuy nhiên để đạt được điều này đòi hỏi người bệnh thực sự tin tưởng, dám thẳng thắn chia sẻ các vấn đề của bản thân với chuyên gia tâm lý. Bản thân người bệnh nếu còn dấu diếm những suy nghĩ hay tình trạng của bản thân sẽ không thể nào có thể có thể điều trị bệnh hoàn toàn.

Chăm sóc và điều trị tại nhà

Hướng chăm sóc và điều trị tại nhà cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong quy trình điều trị rối loạn hoảng sợ. Cần biết rằng những người dễ mắc các vấn đề tâm lý hường có xu hướng tiêu cực và tâm lý khá yếu nên nếu sau điều trị không có hướng thay đổi thì bệnh vẫn rất dễ dàng tái phát trở lại.

Rối loạn hoảng sợ
Thực hành thiền hằng ngày có thể mang đến rất nhiều lợi ích cho người bị rối loạn hoảng sợ

Phụ huynh cũng nên tham gia hỗ trợ quá trình chăm sóc và điều trị tại nhà cho những người bị rối loạn lo âu để có thể cải thiện các triệu chứng nhanh chóng nhất. Gia đình chính là bờ vai vững chắc nhất mà con có thể dựa vào để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Một số hướng chăm sóc và điều trị cho những bệnh nhân rối loạn hoảng sợ cần lưu ý gồm

  • Thực hành thiền hằng ngày là liệu pháp tuyệt vời giúp người bệnh cân bằng tâm trí, thư giãn đầu óc, loại bỏ căng thẳng và hướng tinh thần đến những giá trị tích cực hơn
  • Để  kiểm soát được các hành vi kích động khi hoảng loạn, người bệnh có thể luyện tập các bài tập hít thở để nhanh chóng lấy lại bình tĩnh
  • Đảm bảo ngủ đủ giấc hằng ngày để đầu óc luôn được tỉnh táo, lạc quan. Thiếu ngủ sẽ dễ làm tinh thần kích động và dễ giật mình hơn
  • Luyện tập thể dục thể thao hằng ngày thông qua việc chạy bộ, bơi lội, đạp xe. Các bộ môn đồng đội có thể khiến bệnh nhân trở nên hoảng sợ trong thời gian đầu nhưng nếu dám đối diện và vượt qua được giai đoạn này thì sẽ mang lại rất nhiều giá trị tốt cho việc trị liệu
  • Nhìn nhận các vấn đề một cách tích cực hơn, từng bước vượt qua những cảm xúc khó khăn của bản thân
  • Chia sẻ cảm xúc, lo lắng của mình với người thân hay bạn bè để tìm kiếm sự giúp đỡ
  • Tuyệt đối không nên sử dụng bia rượu, thuốc lá hay các chất kích thích vì sẽ làm trầm trọng hơn trạng thái hoảng loạn
  • Tập yoga, dưỡng sinh hay thái cực quyền cũng rất tốt trong việc kiểm soát hơi thở, cảm xúc tiêu cực hay trạng thái kích động của người bệnh
  • Thực hành các bài tập theo đúng hướng dẫn từ bác sĩ và các chuyên gia trị liệu
  • Tham gia vào hội nhóm với những người có tình trạng tương tự để tăng tính kết nối, cải thiện các kỹ năng xã hội và sớm quay trở lại với cuộc sống thường ngày
  • Thời gian đầu, bạn có thể rủ người thân cùng ra ngoài, sau đó dần học cách đi một mình bởi chỉ khi bản thân dám đối diện với nỗi sợ hãi thì các triệu chứng mới được cải thiện. Hãy bắt đầu từ việc ra khỏi cổng, ra tới đầu ngõ, ra tới đường lớn và xa hơn là đi đến trung tâm thương mại, những nơi mà bạn đã từng bị hoảng loạn. Khi đã cảm thấy được sự an toàn của những nơi này thì dần dần nỗi hoảng sợ cũng biến mất
  • Trao đổi ngay với bác sĩ nếu các triệu chứng không được cải thiện hoặc xuất hiện những tư tưởng muốn chết, muốn tự tử để được hỗ trợ kịp thời

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Rối loạn hoảng sợ sẽ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, sức khỏe và cuộc sống của mỗi người bệnh nên cần điều trị càng sớm càng tốt. Thay đổi chế độ sinh hoạt khoa học, thư giãn tinh thần, hướng đến lối sống lạc quan tích cực sẽ giúp hạn chế được nguy cơ mắc căn bệnh nguy hiểm này.

Có thể bạn quan tâm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *