Hội Chứng Sợ Không Gian Hẹp: Biểu Hiện Và Cách Khắc Phục

Hội chứng sợ không gian hẹp (Claustrophobia) là một dạng rối loạn lo âu đề cập đến nỗi sợ hãi phi lý và quá mức trước các không gian kín và hẹp. Tình trạng này có thể gây ra rất nhiều cản trở cho cuộc sống. Do đó cần sớm tìm kiếm giải pháp để khắc phục.

hội chứng sợ không gian hẹp
Người mắc hội chứng sợ không gian hẹp thường tỏ ra sợ hãi quá mức và hoảng loạn trong các không gian kín và hẹp

Hội chứng sợ không gian hẹp là gì?

Hội chứng sợ không gian hẹp (Claustrophobia) đề cập đến sự sợ hãi tột độ và vô lý trước không gian hẹp hoặc kín. Chẳng hạn như phòng nhỏ, kín và không có cửa sổ, máy bay, thang máy,…

Claustrophobia được xếp vào nhóm ám ảnh sợ đặc hiệu của bệnh rối loạn lo âu. Khi đối mặt với những không gian hẹp, người bệnh xuất hiện nỗi sợ hãi quá mức. Kèm theo đó là trạng thái hoảng loạn, bức bối và rất khó kiểm soát cảm xúc cũng như hành vi của bản thân.

Claustrophobia có thể gây cản trở khả năng thực hiện các hoạt động hằng ngày của bạn. Chứng sợ hãi này có thể hạn chế khả năng làm việc hiệu quả, gây căng thẳng cho các mối quan hệ và làm giảm lòng tự trọng.

ads chuyên gia tâm lý bùi thị hải yến tư vấn ngay

Số liệu thống kê ghi nhận, có khoảng 12.5% dân số trên toàn thế giới mắc hội chứng sợ không gian hẹp. Bất cứ ai, ở mọi lứa tuổi đều có thể phát triển Claustrophobia, hầu hết là gặp trong thời thơ ấu và thanh thiếu niên. Claustrophobia phổ biến ở nữ giới hơn là nam giới.

Nguyên nhân gây ra hội chứng sợ không gian hẹp

Hội chứng sợ không gian hẹp là một nỗi sợ hãi rất phi lý. Hầu hết những người ngột ngạt khi thấy mình ở trong căn phòng không có cửa sổ đều ý thức được rằng họ không gặp nguy hiểm. Tuy nhiên nỗi sợ hãi vẫn có thể kích hoạt ở mức nghiêm trọng khiến họ bất lực mà không biết tại sao.

Nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng sợ không gian hẹp cho đến nay vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, thông qua nhiều nghiên cứu, các chuyên gia cho biết hội chứng này có thể liên quan đến một số yếu tố sau đây:

1. Yếu tố di truyền

Hội chứng sợ không gian hẹp là căn bệnh có khả năng di truyền. Khi có cha hoặc mẹ mắc chứng bệnh này thì con cái cũng có thể sẽ thừa hưởng các gen làm tăng nguy cơ phát triển bệnh.

Nghiên cứu cho thấy, các gen quy định sự bất thường của cấu trúc Amygdala và các cơ quan khác trong não bộ có thể kích hoạt hội chứng sợ không gian hẹp. Chúng sẽ tạo ra phản ứng nhạy cảm hơn với các tình huống dẫn tới nỗi sợ hãi phi lý, quá mức và kéo dài.

2. Trải nghiệm cá nhân

Nguyên nhân phổ biến nhất của Claustrophobia là trải nghiệm tồi tệ của chính người bệnh có liên quan đến không gian kín và hẹp trong quá khứ. Những trải nghiệm này có thể gây ra tổn thương tâm lý. Đồng thời khiến người bệnh hình thành phản xạ có điều kiện mỗi khi đối diện với các không gian kín và hẹp.

nguyên nhân của hội chứng sợ không gian hẹp
Trẻ từng bị nhốt trong phòng kín và tối quá lâu rất dễ phát triển hội chứng sợ không gian hẹp

Ví dụ về những trải nghiệm thường gặp có thể dẫn đến sự khởi đầu của hội chứng sợ không gian hẹp bao gồm:

  • Một người (thường là trẻ em) bị đóng chặt trong một căn phòng tối đen và không thể tìm thấy công tắc đèn hay lối ra.
  • Trẻ bị nhốt vào một chiếc hộp hay nhốt trong tủ.
  • Trẻ bị tách ra khỏi cha mẹ của chúng trong một đám đông lớn và bị lạc.
  • Trẻ từng bị cha mẹ bỏ quên hoặc nhốt trong ô tô, xe tải
  • Trẻ thò đầu vào giữa các song sắt của hàng rào và không thể lùi ra ngoài
  • Trẻ chui vào một đường hầm hay hang động và bị mắc kẹt hoặc không thể tìm thấy lối ra
  • Từng gặp tai nạn khi dùng các phương tiện có không gian kín như xe hơi, tàu hỏa, máy bay,…
  • Trẻ ở trong khu vực đông đúc hoặc không có cửa sổ

3. Phản xạ có điều kiện

Chứng sợ hãi Claustrophobia có thể là kết quả của việc tâm trí kết nối sự giam cầm với nguy hiểm. Nó thường liên quan đến một trải nghiệm đau thương trong quá khứ. Thường là sự kiện gây sang chấn trong các không gian hẹp và kín. Chẳng hạn như tai nạn xe buýt, tàu điện, máy bay hay bị nhốt trong phòng kín nhiều ngày,…

Một trải nghiệm tồi tệ như vậy có thể xảy ra nhiều lần nhưng đôi khi cũng chỉ cần một lần để tạo ấn tượng vĩnh viễn trong tâm trí. Chứng sợ hãi không gian hẹp ở nhiều người là do phản xạ có điều kiện của cơ thể làm phát sinh nỗi sợ thái quá và phi lý khi đối diện với những không gian hẹp.

4. Cấu tạo của hạch hạnh nhân

Hạch hạnh nhân (Amygdala) là một trong những cấu trúc nhỏ nhất nhưng mạnh nhất bên trong não bộ. Bộ phận này có chức năng điều hòa nỗi sợ hãi hoặc tạo ra phản ứng chiến đấu hay bỏ chạy.

Khi đối diện với nỗi sợ quá mức hay một cơn hoảng loạn, hạch hạnh nhân sẽ tạo ra các xung động. Điều này có thể ảnh hưởng đến nhịp hô hấp, giải phóng adrenaline, kích thích thể chất, huyết áp, nhịp tim,… Đồng thời kích hoạt phản ứng sợ hãi và phản ứng phòng vệ, có thể bao gồm cả việc “đóng băng”.

nguyên nhân gây hội chứng sợ không gian hẹp
Hội chứng sợ không gian hẹp có thể liên quan đến cấu trúc hạch hạnh nhân bên trong não bộ

Nghiên cứu cho thấy rằng, hạch hạnh nhân bên phải sẽ nhỏ hơn ở những người mắc hội chứng sợ không gian hẹp. Sự giảm kích thước trong một cấu trúc của Amygdala sẽ gây ra phản ứng bất thường của cơ thể trước các tình huống không quá nghiêm trọng.

5. Các xét nghiệm hình ảnh

Một số xét nghiệm hình ảnh có thể kích hoạt hội chứng sợ không gian hẹp. Chẳng hạn như chụp cộng hưởng từ, quét xương, quét PET hay chụp CT. Bởi những xét nghiệm này sẽ yêu cầu một bộ phận nhất định của cơ thể được bao bọc trong một máy cụ thể.

Điều quan trọng là khi tiến hành xét nghiệm thì bạn cần phải giữ yên hoàn toàn. Lúc này, các dây an toàn có thể được sử dụng để chắc chắn rằng bạn không di chuyển. Điều này sẽ làm tăng thêm cảm giác bị “mắc kẹt” trong không gian hẹp.

Nhưng đây không phải là những yếu tố duy nhất của vấn đề. Theo các nghiên cứu, tiếng ồn và thời lượng hoạt động của máy xét nghiệm cộng với cảm giác ngột ngạt và sợ bị thương là những lý do hàng đầu kích hoạt triệu chứng Claustrophobia.

Biểu hiện của hội chứng sợ không gian hẹp

Trên thực tế, hội chứng sợ không gian hẹp có thể gây ra cả các triệu chứng thể chất và cảm xúc. Các triệu chứng này thường có mức độ từ nhẹ đến nặng tùy thuộc vào nỗi sợ hãi của từng người bệnh.

Trong đa số các trường hợp, nỗi sợ do Claustrophobia gây ra đều nặng dần lên theo thời gian nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời. Do đó, cần nắm rõ các triệu chứng của bệnh để có thể sớm phát hiện và có sự quan tâm đúng mức.

1. Triệu chứng thể chất

Nỗi sợ hãi tột độ và tình trạng hoảng loạn do Claustrophobia gây ra có thể sẽ kích hoạt các triệu chứng thể chất. Chẳng hạn như:

biểu hiện của hội chứng sợ không gian hẹp
Người mắc chứng sợ không gian hẹp có thể bị nhức đầu, chóng mặt và mất phương hướng khi đối mặt với các tình huống gây sợ hãi quá mức
  • Run sợ
  • Đổ mồ hôi
  • Ớn lạnh hoặc bốc hỏa
  • Khó thở, thở gấp
  • Cảm giác nghẹt thở
  • Nhịp tim nhanh
  • Đau ngực hoặc có cảm giác tức ngực
  • Đau dạ dày
  • Cảm thấy mệt mỏi
  • Nhức đầu và chóng mặt
  • Khô miệng
  • Tê bì chân tay
  • Có nhu cầu đi vệ sinh
  • Ù tai
  • Mất phương hướng hoặc cảm thấy bối rối

2. Triệu chứng cảm xúc

Ngoài các triệu chứng thể chất thì những người mắc hội chứng sợ không gian hẹp còn có thể gặp phải các triệu chứng cảm xúc. Chẳng hạn như:

  • Cảm giác sợ hãi
  • Cảm thấy lo lắng bao trùm
  • Cảm thấy cần phải rời khỏi tình huống
  • Hiểu nỗi sợ hãi là phi lý nhưng không thể vượt qua
  • Sợ mất kiểm soát
  • Sợ ngất xỉu
  • Sợ cái chết xảy ra

3. Các tình huống kích hoạt triệu chứng

Ngoài việc quan tâm đến biểu hiện của hội chứng sợ không gian hẹp thì bạn cũng cần chú ý đến các thời điểm xuất hiện của các triệu chứng này. Một số tình huống có thể kích hoạt triệu chứng bao gồm:

  • Đi vào các đường hầm nhỏ
  • Đi vào phòng nhỏ và kín, không có cửa sổ
  • Tham quan các hang động hẹp
  • Đi xe buýt, xe khách, tàu hỏa, máy bay
  • Vào phòng chụp MRI hoặc CT
  • Đứng trong không gian không quá nhỏ nhưng lại rất đông người
  • Đi vào thang máy
  • Vào nhà vệ sinh công cộng
  • Mặc quần áo bó sát cổ cũng có thể gây ra cảm giác sợ hãi ở một số người
tình huống gây triệu chứng sợ không gian hẹp
Đi vào thang máy là tình huống thường gặp có thể kích hoạt triệu chứng Claustrophobia

Các tình huống này có thể khiến cho người bệnh khởi phát nỗi sợ quá mức. Kèm theo đó là trạng thái rất hoảng loạn. Do đó, người bệnh Claustrophobia thường có xu hướng né tránh các tình huống mà họ cho rằng có thể gây ra nỗi sợ hãi tột độ.

Tác động của hội chứng sợ không gian hẹp

Hội chứng sợ không gian hẹp có thể sẽ giới hạn cuộc sống của bạn một cách nghiêm trọng. Nó thường khiến bạn bỏ lỡ những thứ mà bạn yêu thích và thậm chí còn gây căng thẳng cho sức khỏe của bạn.

Đối với những người có sở thích đi du lịch thì Claustrophobia là một thách thức lớn. Một kỳ nghỉ được mong đợi có thể trở nên tiêu cực khi bạn thấy mình rơi vào những tình huống gây sợ hãi.

Trên thực tế, Claustrophobia gây ra rất nhiều phiền toái cho cuộc sống của người bệnh. Thay vì di chuyển bằng thang máy thì họ sẽ lựa chọn đi thang bộ. Do đó, người bệnh thường từ chối làm việc tại các tòa nhà cao tầng dù cho đó là cơ hội việc làm rất tốt.

Việc né tránh các tình huống gây sợ hãi kiến cho người mắc chứng Claustrophobia khó phát huy hết năng lực. Đồng thời gặp rất nhiều cản trở trong công việc. Đặc biệt là cơ hội việc làm của họ cũng sẽ bị thu hẹp lại.

Đối với trẻ bị hội chứng sợ không gian hẹp thì cũng rất khó tìm kiếm được môi trường giáo dục phù hợp. Nguyên nhân là do trẻ dễ bị sợ hãi và mất tập trung khi phải đối diện với phòng học nhỏ, quá khép kín hay lớp học quá đông đúc.

Trong rất nhiều trường hợp, Claustrophobia còn gây ra lòng tự trọng thấp. Không ít người bệnh đã chọn cách tự cô lập bản thân và tránh tiếp xúc với mọi người. Bởi họ không nhận được sự đồng cảm và thấu hiểu.

Một vấn đề đáng quan ngại là hội chứng sợ không gian hẹp không được quan tâm đúng mức có thể tiến triển và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tâm lý, tâm thần. Chẳng hạn như rối loạn lo âu xã hội, rối loạn lo âu lan tỏa, trầm cảm,…

Chẩn đoán hội chứng sợ không gian hẹp

Trường hợp các triệu chứng của bạn trở nên dai dẳng hoặc bạn cảm thấy nó đang gây cản trở cho cuộc sống hằng ngày thì nên liên hệ với bác sĩ. Chẩn đoán sớm sẽ giúp bạn kiểm soát tốt hơn các triệu chứng của mình.

chẩn đoán Claustrophobia
Bác sĩ cần thăm khám lâm sàng và tìm hiểu kỹ về triệu chứng để chẩn đoán Claustrophobia

Hội chứng sợ không gian hẹp thường sẽ được bác sĩ chẩn đoán thông qua biểu hiện lâm sàng. Bác sĩ có thể thăm khám và thực hiện các vấn đề sau:

  • Yêu cầu người bệnh mô tả lại các triệu chứng và những tình huống nào có thể kích hoạt chúng
  • Cố gắng đánh giá mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng
  • Loại trừ các rối loạn lo âu khác

Để có được đánh giá chi tiết, bác sĩ có thể:

  • Sử dụng một bảng câu hỏi về Claustrophobia để xác định nguyên nhân gây ra nỗi sợ hãi
  • Sử dụng một thang đo sợ hãi để giúp thiết lập mức độ hoảng loạn và lo lắng

Hội chứng sợ không gian hẹp chỉ được chẩn đoán khi đáp ứng một số tiêu chí nhất định. Bao gồm:

  • Xuất hiện nỗi sợ hãi vô lý, quá mức và dai dẳng gây ra bởi sự hiện diện hoặc dự đoán về một tình huống cụ thể
  • Phản ứng lo lắng khi tiếp xúc với kích thích, có thể là một cơn hoảng loạn ở người lớn hoặc nổi cơn thịnh nộ, đeo bám hay khóc ở trẻ em
  • Sự công nhận của người lớn rằng nỗi sợ hãi của họ hoàn toàn không tương xứng với mối đe dọa hay mối nguy hiểm được nhận thức
  • Sử dụng các biện pháp để tránh đối tượng hay các tình huống đáng sợ. Hoặc người bệnh có sự đối mặt với những trải nghiệm bằng sự đau khổ và lo lắng.
  • Phản ứng, dự đoán hoặc né tránh của người bệnh gây cản trở cuộc sống hằng ngày và các mối quan hệ hoặc gây ra đau khổ đáng kể
  • Nỗi ám ảnh vẫn tồn tại trong một thời gian dài, thường là 6 tháng hoặc lâu hơn
  • Các triệu chứng không thể được quy cho một tình trạng sức khỏe tâm thần khác. Chẳng hạn như rối loạn căng thẳng sau chấn thương hay rối loạn ám ảnh cưỡng chế.

Cách khắc phục hội chứng sợ không gian hẹp

Trên thực tế, hội chứng sợ không gian hẹp có thể thuyên giảm dần theo tuổi tác. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp người bệnh phải đối mặt với Claustrophobia trong suốt cuộc đời.

Khi các triệu chứng Claustrophobia kéo dài thì việc thăm khám bác sĩ để sớm nhận được chẩn đoán là cần thiết. Lúc này, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp để giúp người bệnh cải thiện triệu chứng và học cách chế ngự nỗi sợ. Từ đó cải thiện sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống.

Các phương pháp phổ biến để điều trị Claustrophobia bao gồm:

1. Trị liệu tâm lý

Tâm lý trị liệu là phương pháp điều trị chính cho các ám ảnh sợ đặc hiệu nói chung và hội chứng sợ không gian hẹp nói riêng. Trị liệu tâm lý sẽ giúp người bệnh thay đổi được nhận thức và suy nghĩ. Đồng thời học cách để kiểm soát nỗi sợ hãi, căng thẳng và lo âu.

Riêng với chứng sợ hãi Claustrophobia, các phương pháp trị liệu tâm lý khác nhau có thể được áp dụng đồng thời. Một số phương pháp thông dụng nhất bao gồm:

– Liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT):

Liệu pháp nhận thức – hành vi tập trung vào việc quản lý chứng sợ hãi của người bệnh bằng cách thay đổi cách mà bạn suy nghĩ, cảm nhận cũng như thực hiện hành vi.

điều trị hội chứng sợ không gian hẹp
Tâm lý trị liệu có thể mang lại hiệu quả rất khả quan với hội chứng sợ không gian hẹp

Trong thời gian điều trị với liệu pháp này, người bệnh cần:

  • Thảo luận về các triệu chứng và mô tả cảm giác của bạn cho chuyên gia được biết
  • Tìm hiểu sâu hơn về hội chứng sợ không gian hẹp để hiểu rõ hơn về cách đối phó
  • Học cách nhìn nhận, đánh giá lại và thay đổi suy nghĩ của bạn
  • Sử dụng các kỹ năng giải quyết vấn đề nhằm học cách đối phó tốt nhất
  • Đối mặt với nỗi ám ảnh và sợ hãi thay vì trốn tránh nó
  • Học cách giữ cho tâm trí và cơ thể luôn ở trạng thái bình tĩnh

– Liệu pháp tiếp xúc:

Để thực hiện liệu pháp tâm lý này thì bạn cần dần dần tiếp xúc với tình huống khiến bạn cảm thấy sợ hãi tột độ. Với việc tiếp xúc một cách từ từ và lặp đi lặp lại, bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn trong các tình huống sợ hãi cụ thể.

Liệu pháp tiếp xúc có thể bao gồm:

  • Đối mặt với nỗi sợ hãi của bạn một cách trực tiếp trong thời gian thực
  • Nhớ lại và mô tả trải nghiệm sợ hãi của bản thân
  • Nhìn vào ảnh hay sử dụng công nghệ thực tế ảo để trải nghiệm thực tế đáng sợ nhưng vẫn ở trong một môi trường an toàn

Trên thực tế, liệu pháp tiếp xúc có thể được thực hiện theo một số cách khác nhau. Trị liệu có thể bao gồm các bài tập thở hoặc bài tập thư giãn. Chuyên gia tư vấn tâm lý sẽ phát triển một kế hoạch điều trị phù hợp dựa trên mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng mà bạn gặp phải.

Các chuyên gia nhận định, liệu pháp tiếp xúc là phương pháp hiệu quả nhất đối với Claustrophobia. Phương pháp này có thể làm giảm khoảng 75% nỗi sợ hãi. Khi kết hợp cùng với liệu pháp nhận thức – hành vi thì hiệu quả sẽ được tăng lên cao hơn.

2. Liệu pháp hóa dược

Nỗi sợ hãi quá mức, kéo dài về không gian hẹp và kín có thể gây ra phiền muộn và tình trạng căng thẳng thần kinh. Bên cạnh tâm lý trị liệu, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh dùng thuốc để điều chỉnh cảm xúc.

Ngoài ra, khi đối diện với tình huống gây sợ hãi thì việc dùng thuốc cũng sẽ giúp cải thiện các triệu chứng thể chất. Từ đó làm giảm ảnh hưởng tới sức khỏe và cuộc sống thường ngày.

Các loại thuốc có thể được bác sĩ kê toa trong điều trị Claustrophobia bao gồm:

– Thuốc chống trầm cảm:

Thuốc chống trầm cảm được sử dụng rất phổ biến để điều trị hội chứng sợ không gian hẹp. Tùy theo từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ có thể chỉ định sử dụng chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) hay thuốc chống trầm cảm 3 vòng (TCA).

Các loại thuốc chống trầm cảm sẽ giúp làm tăng nồng độ các chất nội sinh bên trong não bộ. Từ đó có thể làm giảm đi các tình trạng lo âu, căng thẳng và sợ hãi thái quá.

thuốc chữa Claustrophobia
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê toa thuốc để điều chỉnh cảm xúc và cải thiện các triệu chứng Claustrophobia

– Thuốc chẹn beta:

Nhóm thuốc này được sử dụng với mục đích là làm giảm các triệu chứng thể chất xảy ra khi đối diện với các tình huống gây ra nỗi sợ hãi quá mức. Chẳng hạn như nghẹn thở, đổ mồ hôi, đau ngực, đau đầu, choáng váng, ớn lạnh,…

Tất cả các thuốc điều trị hội chứng sợ không gian hẹp cần sử dụng theo đúng chỉ định từ bác sĩ. Tuyệt đối không được tự ý tăng/ giảm liều dùng hay ngừng thuốc một cách đột ngột khi bác sĩ chưa cho phép.

3. Các biện pháp hỗ trợ khác

Nhiều người mắc hội chứng sợ không gian hẹp sẽ né tránh những tình huống hoặc sự kiện gây ra tình trạng này. Tuy nhiên đây hoàn toàn không phải là một giải pháp tốt về lâu dài. Bởi trong cuộc sống, sẽ có lúc bạn rơi vào một tình huống đáng sợ nhưng không thể tránh khỏi.

Tốt nhất cần trang bị các kỹ thuật cần thiết để có thể đối phó với nỗi sợ hãi tốt hơn. Chẳng hạn như:

  • Hít thở chậm và sâu ít nhất 3 giây cho mỗi hơi thở
  • Tập trung vào điều gì đó an toàn, chẳng hạn như thời gian đang trôi trên đồng hồ của bạn
  • Nhắc nhở bản thân nhiều lần rằng nỗi sợ hãi và lo lắng nhất định sẽ qua đi
  • Hình dung và tập trung vào một địa điểm hoặc khoảnh khắc mang đến cho bạn sự bình tĩnh
  • Không hướng suy nghĩ về những mối nguy hiểm có thể xảy đến (tai nạn xe hơi, tàu điện, rơi thang máy,…)

Vấn đề quan trọng là bạn không nên chống lại cuộc tấn công hoảng loạn và sợ hãi khi nó đang xảy ra. Có thể bạn muốn ngăn chặn sự tấn công này nhưng nếu không thể thì bạn sẽ càng lo lắng và khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn.

Thay vào đó, bạn cần chấp nhận rằng cuộc tấn công sợ hãi đang xảy ra. Đồng thời luôn nhắc nhở bản thân rằng bạn có thể trải qua cảm giác này. Hãy tự trấn an rằng cuộc tấn công sợ hãi hoàn toàn không đe dọa tính mạng và nó sẽ nhanh chóng qua đi.

ads chuyên gia tâm lý cao kim thắm

Hội chứng sợ không gian hẹp là căn bệnh có thể điều trị được. Đối với một số người thì chứng sợ hãi này sẽ biến mất khi họ già đi. Tuy nhiên người bệnh không nên chủ quan, việc phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp cải thiện tốt triệu chứng và tránh gây ảnh hưởng cho cuộc sống.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *