Áp lực công việc là gì? Nguyên nhân và lời khuyên dành cho bạn
Áp lực công việc là thuật ngữ mô tả về trạng thái tinh thần mang tính chất tiêu cực, mệt mỏi, căng thẳng, bắt gặp ở tất cả các ngành nghề và diễn ra trên mọi lứa tuổi người tham gia lao động. Tình trạng này kéo dài khiến sức khỏe tinh thần tụt dốc, giảm sút hiệu suất công việc, thậm chí gia tăng nguy cơ các rối loạn tâm lý nghiêm trọng như trầm cảm và rối loạn lo âu.
Áp lực công việc là gì?
Hiểu một cách đơn giản, áp lực công việc là một thuật ngữ dùng để mô tả trạng thái tinh thần không ổn định, căng thẳng, mệt mỏi, tiêu cực, nặng nề gặp ở những người tham gia lao động. Thực tế, hầu hết mọi mọi người lao động đều có những áp lực riêng do tính chất công việc hoặc do chính bản thân họ tạo ra. Đây là một trạng thái tất yếu rất khó tránh khỏi, cho dù bạn làm bất cứ công việc nào.
Một thống kê được thực hiện trong năm 2022 cho thấy, tỷ lệ người lao động Việt Nam bị áp lực, stress vì công việc chiếm đến 42%. Hay khảo sát được thực hiện tại Anh cũng cho thấy có đến 45% người lao động cảm thấy chán nản và bế tắc mỗi khi đến nơi làm việc. Thực trạng này diễn ra ở bất cứ ngành nghề, đáp ứng với bất cứ độ tuổi nào, có mặt ở bất cứ thời đại nào.
Ngay chính bản thân chúng ta cũng đang cảm thấy áp lực vì công việc, tuy nhiên thường ở mức độ nhẹ nên rất ít người quan tâm hay nhận ra. Đặc biệt khi xã hội ngày càng phát triển, nhịp sống nhanh hơn, khủng hoảng tài chính đòi hỏi mỗi người phải cố gắng gấp 5, gấp 10 thì những áp lực con người phải gồng gánh càng nặng nề hơn.
Người ta thường nói rằng “áp lực tạo kim cương” nhưng nếu “áp lực” này không được mài dũa đúng cách, không chế tác đúng cách sẽ không thể nào làm cho viên kim cương đó sáng đẹp, rực rỡ nhất. Áp lực công việc có thể gây ra rất nhiều tác hại tiêu cực làm suy giảm trực tiếp chất lượng đời sống mỗi người nên cần tìm hướng kiểm soát càng sớm càng tốt.
Áp lực công việc biểu hiện thế nào?
Một người khi rơi vào áp lực công việc thường có sự thay đổi rõ rệt về mặt cảm xúc, tinh thần mỗi khi đi làm hay đến với công ty. Tinh thần của họ nhanh chóng tụt dốc khi nghĩ đến việc ngày mai sẽ phải đi làm hay nghĩ đến deadline đang cận kề ngay trước mắt đến mức không thể ngủ được. Một số người còn mang những cảm xúc khó chịu này ngay cả khi về nhà.
Áp lực công việc có thể giống như một tuabin giúp thúc đẩy hiệu suất lao động, nhưng cũng có thể giống như một chiếc máy sắp cạn kiệt năng lượng. Dù là trường hợp nào, người mang áp lực vẫn sẽ tồn tại những cảm xúc tiêu cực và mệt mỏi. Một số biểu hiện điển hình bao gồm
- Cảm giác mệt mỏi, cạn kiệt năng lượng mỗi khi hết giờ làm. Một số người tồn tại cảm giác này ngay cả khi ở công ty
- Sau khi hết giờ làm chỉ muốn ở nhà, không muốn đi đâu khác hay gặp bất cứ ai vì quá mệt mỏi
- Căng thẳng, chán nản, lo âu mỗi khi nghĩ đến việc đi làm hay nghĩ đến những công việc còn đang dang dở
- Ăn uống không ngon, không muốn ăn gì khiến cơ thể có chiều hướng suy nhược, sụt cân nhanh chóng
- Thiếu ngủ, ngủ dễ gặp ác mộng có liên quan đến công việc
- Luôn nghĩ đến nghỉ việc, nhưng thường không thực hiện hoặc phải mất một khoảng thời gian rất dài mới dám thực hiện
- Một số người khi rơi vào áp lực dần mất đi sự cố gắng trong công việc mà chỉ làm cho qua ngày, hiệu suất giảm nhanh chóng và luôn tồn tại suy nghĩ muốn nghỉ việc
- Tính khí trở nên nóng nảy, dễ nổi cáu, khó chịu dù trước đó có thể không hề như thế. Đặc biệt nếu người sếp gặp áp lực công việc rất thường quát tháo nhân viên mỗi khi họ làm việc không đúng, chưa hoàn hảo
- Một số quá tập trung để hoàn thành công việc dẫn đến suy giảm chất lượng cuộc sống xung quanh, xa rời các mối quan hệ, không có thời gian chăm sóc cho bản thân và những người xung quanh
- Luôn lo lắng, căng thẳng các vấn đề liên quan đến công việc, công ty. Chẳng hạn như sếp nghĩ gì về họ, đồng nghiệp có thích mình không, mình làm việc có tốt không, báo cáo mới gửi có vấn đề gì không
- Không thể cảm nhận được sự thoải mái, thư giãn mỗi khi đến với công ty
- Không cảm thấy hài lòng với bất cứ điều gì, cho rằng bản thân kém cỏi, hạ thấp chính mình
- Cảm thấy nặng nề khi nghĩ đến sáng mai phải đi làm, đặc biệt ở thời điểm cuối tuần sang đầu tuần
- Có thể thấy dễ chịu hơn khi ở nhà nhưng thay đổi cảm xúc nhanh chóng khi nghĩ đến công việc
- Xuất hiện một số vấn đề về thể chất, chẳng hạn như đau đầu, chóng mặt, choáng váng, đau dạ dày, đau nhức toàn cơ thể hoặc thường xuyên bị ốm
Áp lực công việc – đâu là nguyên nhân?
Như đã nói, bất cứ ai cũng có một giai đoạn cảm thấy áp lực, chênh vênh, mệt mỏi bởi hai chữ “công việc”. Người làm nông có nỗi lo của người làm nông; người làm chủ có áp lực làm sao để có tiền chi trả mặt bằng, nhân viên, làm sao để có lợi nhuận tốt nhất; người nhân viên áp lực bởi những công việc sếp giao quá sức, lúc nào cũng lo lắng sẽ bị đuổi việc.
Bất cứ ai cũng có áp lực của riêng mình, đó là một cảm xúc tất yếu mà bất cứ người trưởng thành nào cũng phải qua. Áp lực công việc có thể liên quan trực tiếp đến tính chất công việc, môi trường làm việc hoặc do chính bản thân người đó tự tạo ra bởi ảnh hưởng từ các áp lực khác trong cuộc sống của họ.
Những yếu tố có thể tạo thành áp lực công việc bao gồm
- Tính chất công việc quá nặng nề, khắt khe, không phù hợp với năng lực hiện tại của cá nhân đó
- Công việc nhàm chán, lặp đi lặp lại, khó có thể phát triển ở tương lai, tuy nhiên vì một lý do nào đó vẫn phải tiếp tục ( chẳng hạn khó khăn tài chính, lo lắng sẽ không kiếm được công việc khác)
- Sếp quá khắt khe, gay gắt, hay khiển trách, tạo áp lực cho nhân viên, giao quá nhiều công việc dẫn đến không đủ thời gian để xử lý
- Có quá nhiều vấn đề xoay quanh công việc cần tính toán nhưng đưa đủ kinh nghiệm và năng lực để giải quyết, điều này thường xảy ra hơn với những người làm chủ, người mới bắt đầu kinh doanh. Chẳng hạn họ phải tính toán sao để kỳ kinh doanh này sinh lời để có đủ tài chính trả mặt bằng, trả tiền thuê nhân công
- Hiệu suất và tiến độ công việc không đạt kỳ vọng hay không đi theo hướng ban đầu đã lên kế hoạch
- Xung đột với sếp hay đồng nghiệp cũng là nguyên nhân dễ hình thành áp lực công việc, luôn cảm thấy chán nản khi đến với công ty
- Áp lực cạnh tranh với đồng nghiệp
- Làm công việc không đúng với sở thích, mong muốn ban đầu
- Thường xuyên phải tăng ca hay bị giao công việc ngay cả khi hết giờ làm, ngày nghỉ
- Luôn lo lắng sẽ bị đuổi việc ( thường do năng lực yếu kém hay do tuổi tác)
Một số yếu tố khác liên quan đến các vấn đề cá nhân nhưng cũng góp phần hình thành áp lực trong công việc với rất nhiều người, bao gồm
- Các vấn đề về tài chính, chẳng hạn như người phải làm việc để nuôi gia đình luôn phải cố gắng trong công việc, làm cùng lúc nhiều ngành nghề để có thể có nguồn thu nhập ổn định
- Áp lực đồng trang lứa cũng khiến nhiều người cảm thấy chán nản, tự đánh giá bản thân kém cỏi khi thấy công việc của bản thân không tốt như của các bạn nên luôn muốn nghỉ việc
- Bị gia đình ép làm các công việc không phù hợp với sở thích, mục tiêu mong muốn
- Người có tính cách cầu toàn, lúc nào cũng đòi hỏi sự hoàn hảo
- Người làm các công việc mang tính chất chăm sóc khách hàng thường xuyên bị khách hàng la mắng, coi thường
- Luôn muốn là “phiên bản tốt nhất” nên không ngừng thúc ép bản thân phải làm việc, phải cố gắng hơn nữa, vô tình tự tạo áp lực căng thẳng cho chính mình
- Người có tính cách tiêu cực, hay lo âu, tâm lý yếu, dễ suy nghĩ, thiếu kỹ năng mềm hay ít tiếp xúc với các hoạt động xã hội
Áp lực công việc và những hậu quả khó lường
Hai nhóm đối tượng chính khi chịu đựng áp lực công việc là vì áp lực mà cố gắng hơn, thành công hơn, hiệu suất tốt hơn và vì áp lực mà trở nên chán nản, mệt mỏi, muốn từ bỏ. Tuy nhiên dù là trường hợp nào, sự suy giảm về sức khỏe tinh thần, thể chất cũng là điều không thể tránh khỏi. Nếu không nhanh chóng tìm hướng cải thiện, rất nhiều các tác động tiêu cực khác sẽ dần xuất hiện.
Rất nhiều người bị áp lực công việc kéo dài dẫn tới suy nhược cơ thể, lúc nào cũng thấy đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, thiếu máu, trí nhớ suy giảm. Điều này kéo theo hiệu suất công việc giảm sút nhưng lại tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về huyết áp, tim mạch, đau nửa đầu, đau dạ dày vì lối sống thiếu khoa học, làm việc quá sức.
Vì quá bận rộn với công việc khiến nhiều người quên mất các mối quan hệ xung quanh hay chăm sóc gia đình, thường xuyên xảy ra xung đột với người thân. Công việc đã khiến họ mệt mỏi nhưng về nhà cũng không được nghỉ ngơi khiến tâm trí họ nhưng một ngọn núi lửa có thể phun trào bất cứ lúc nào. Sự cô đơn cũng khiến họ cảm thấy chán chường và mệt mỏi hơn.
Thậm chí áp lực công việc còn là nguyên nhân gây tự sát ở một bộ phận người lao động không hề nhỏ. Nhật Bản được đánh giá là một trong những đất nước có tỷ lệ người tự sát vì áp lực công việc rất cao bởi nơi đây vốn nổi tiếng với những yêu cầu khắt khe, mọi công việc luôn đòi hỏi sự khắt khe và chăm chỉ. Thậm chí xứ sở mắt trời mọc còn đặt thuật ngữ “Karoshi” ( quá lao tử hay làm việc đến chết) cho các trường hợp này.
Thống kê cho thấy, tỷ lệ người lao động mắc trầm cảm, rối loạn lo âu hay các rối loạn tâm lý khác có liên quan đến công việc đang có xu hướng ngày càng gia tăng hiện nay. Ngoài ra, một số người vì không có đủ sức khỏe vì làm việc quá sức cũng có thể dẫn đến nguy cơ gặp tai nạn lao động, tai nạn giao thông vì không có đủ tỉnh táo. Nói chung, áp lực công việc thường dẫn tới rất nhiều hệ lụy tiêu cực khác nên cần tìm cách vượt qua càng sớm càng tốt.
Tham khảo thêm: Stress vì thất nghiệp: Nguyên nhân, biểu hiện và cách vượt qua
Lời khuyên cho người đang bị áp lực công việc
Thực tế, áp lực cũng không hoàn toàn là những điều xấu nếu chúng ta biết các vận dụng và kiểm soát nó một cách phù hợp. Một người sinh ra, lớn lên, đi học rồi đi làm, đó là một quy luật tự nhiên không thể tránh khỏi. Chúng ta đi làm không chỉ nhằm mục đích tài chính mà còn để cống hiến cho xã hội, phát triển và hoàn thiện bản thân hơn và làm bàn đạp để thực hiện những dự định, ước mơ của chính mình.
Mục tiêu sống của tất cả con người khi sinh ra chính là được hạnh phúc, đây là một mưu cầu tất yếu không thể thay đổi. Và khi một yếu tố nào đó có thể ảnh hưởng đến mục tiêu này, chúng ta cần phải tìm cách thay đổi. “Hạnh phúc” là những thứ nghe thì có vẻ xa vời nhưng thực tế vốn dĩ luôn nằm trong tầm tay của chúng ta, do chính chúng ta quyết định chứ không phải một ai khác.
Vậy cần làm gì để vượt qua áp lực công việc?
Sắp xếp và lập kế hoạch cho công việc
Làm việc theo cảm hứng khiến bạn lúc nào cũng “vật lộn” trong hàng đống công việc còn đang dang dở và dễ dàng rơi vào áp lực, căng thẳng. Đặc biệt những người có thói quen “nước đến chân mới nhảy” thì càng cận kề deadline mà những công việc được giao vẫn như một mớ bòng bong thì không thể nào tránh khỏi cảm giác lo âu sẽ bị sếp khiển trách, la rầy.
Một số người thường tự biện minh rằng phải cận kề deadline thì dường như có những năng lực thần kỳ giúp họ làm thành công việc tốt hơn là làm từ trước. Tuy nhiên điều này hoàn toàn sai lầm bởi bạn cần phải tính toán đến những sai sót, những kế hoạch A, kế hoạch B, những thay đổi bất ngờ không bao giờ lường trước được. Chủ động chắc chắn sẽ tốt hơn bị động, chỉ đi theo lối mòn nhất định.
Để vượt qua được áp lực công việc cũng như phòng tránh nguy cơ này, hãy luôn thiết lập một bảng kế hoạch rõ ràng và tuân thủ nó. Tất nhiên với một người làm việc theo cảm xúc ban đầu sẽ rất khó khăn nhưng về lâu về dài, bạn sẽ thực sự thấy được giá trị và hiệu quả từ thói quen này.
Đặt ra mục tiêu phấn đấu phù hợp
Tất nhiên bất cứ ai cũng mong muốn mình tốt hơn, thăng tiến nhanh chóng hơn, thành công hơn. Nhưng để đi lên tới đỉnh một cách chắc chắn, chúng ta cần phải đi vững từng bước, nếu cứ chăm chăm bước 2- 3 bậc một sẽ rất dễ hụt chân. Vì thế, đừng quá lo lắng, “chậm mà chắc”, thành công sẽ đến với những người chăm chỉ và không ngừng cố gắng.
Để thành công, bạn cần hiểu được mình là ai, thế mạnh/ điểm yếu của bản thân là gì để đặt ra các mục tiêu phù hợp. Áp lực công việc tất nhiên sẽ vẫn có nhưng không quá ảnh hưởng nếu bạn đặt mục tiêu vừa sức và dần đạt được nó. Song song đó vẫn tiếp tục trau dồi bản thân để nâng cao năng lực, bù đắp các thiếu sót, khi đã có nền tảng vững vàng bạn sẽ tự tin và “nhảy cóc” thành công hơn.
Trao đổi với sếp
Nếu nguyên nhân gây áp lực công việc cho bạn nằm ở việc công việc quá năng lực, những khúc mắc không được giải quyết, quá nhiều việc phải tự xoay sở hay trực tiếp trao đổi với sếp. Đừng lo lắng sếp sẽ đánh giá bạn yếu kém bởi nếu bạn không thể hoàn thành tốt công việc được giao, sếp cũng giảm kỳ vọng về bạn mà thôi. Mỗi công việc đều liên quan đến cả một dây chuyền, hệ thống khác nên bạn cần trung thực, thẳng thắn để tránh làm ảnh hưởng đến người khác.
Hay với những vấn đề như khó khăn khi hòa nhập trong công việc, mâu thuẫn với đồng nghiệp, chưa đủ năng lực trong lĩnh vực mới được giao cũng cần trao đổi với người quản lý từ đầu. Một người sếp giỏi không chỉ tạo áp lực công việc mà sẽ giúp mỗi nhân viên tự biết bản thân còn thiếu sót ở đâu, giỏi ở đâu, tạo động lực để bạn tự khai phá tiềm năng của chính mình và thực sự tỏa sáng.
Hiểu rõ bản thân cần phải làm gì
Một công việc phù hợp sẽ giúp bạn phát triển và hoàn thiện bản thân hơn từng ngày nhưng với điều kiện tiên quyết là bạn cần phải thực sự yêu thích, có đam mê. Làm một công việc mà không có hứng thú thì cho dù dễ dàng đến đâu, lương cao đến đâu thì rất nhanh bạn cũng sẽ thấy chán nản, mệt mỏi, áp lực và muốn nghỉ việc mà thôi.
Bình tĩnh và suy ngẫm bản thân thực sự muốn gì, hy vọng gì, ước mơ gì thì bạn sẽ tự biết bản thân cần phải làm gì mà thôi. Tất nhiên điều này không có nghĩa là từ bỏ ngay công việc đang làm hiện tại và chạy theo ước mơ. Hãy thử tìm kiếm niềm vui trong công việc hiện tại, thử thách bản thân ở các lĩnh vực mới, biết đâu bạn cũng tìm thấy niềm đam mê, hứng thú thì sao?
Tuy nhiên, khi mọi cố gắng của bạn không có tác dụng, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến “nghỉ việc”, cạn kiệt năng lượng, cảm xúc khi nghĩ đến công việc, cảm thấy không còn là chính mình thì thực sự nên xem xét gửi đơn xin nghỉ việc. Chúng ta làm mọi thứ để mưu cầu hạnh phúc và khi không đạt được điều này, việc chấm dứt chính là quyết định đúng đắn nhất.
Quan tâm đến bản thân nhiều hơn
Công việc chỉ là một phần trong cuộc sống và tất nhiên, chúng ta không thể bỏ bê bản thân chỉ vì công việc. Cân bằng giữa công việc và đời sống cá nhân thực sự là một điều rất khó, tuy nhiên hãy bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất ngay từ bây giờ. Tâm trí hạnh phúc, nhẹ nhàng cũng hoàn toàn giúp bạn tiếp nhận công việc một cách thoải mái, dễ chịu hơn.
Xây dựng thói quen thư giãn hằng ngày, hạn chế để công việc làm ảnh hưởng đến thời gian sinh hoạt cá nhân cũng mang đến rất nhiều lợi ích cho sức khỏe tinh thần của mỗi người lao động. Một số biện pháp có thể giúp ích cho người bị áp lực công việc như:
- Dành thời gian nghỉ ngơi sau giờ làm, tránh làm việc ngoài giờ hay ôm thêm việc về nhà làm ( tuy nhiên điều này còn dựa trên tính chất công việc)
- Đảm bảo ngủ đủ giấc, tránh thức quá khuya để làm việc trong thời gian dài liên tục
- Duy trì thói quen vận động hằng ngày sẽ mang đến rất nhiều lợi ích cho cả thể chất lẫn tinh thần. Nếu quá bận rộn, bạn có thể lựa chọn những cách đơn giản như đi dạo khoảng 15 phút, thường xuyên đi lại trong phòng, tự tập thể dục tại nhà
- Thiền định hay yoga đã được chứng minh giảm stress, áp lực công việc cực kỳ hiệu quả. Thực hành thiền 15 phút vào buổi trưa có thể cung cấp nguồn năng lượng tương đương 1 giấc ngủ. Các liệu pháp này cũng giúp hỗ trợ lưu thông máu, nâng cao chất lượng giấc ngủ, giảm đau nhức xương khớp, cân bằng tâm trí nên rất phù hợp với người đang mang nhiều căng thẳng, stress, áp lực trong đời sống, công việc
- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể hằng ngày. Thay đổi thói quen thường xuyên sử dụng thức ăn nhanh, đồ ăn đóng hộp, đồ ăn nhiều dầu mỡ, các chất tạo ngọt hay bỏ bữa. Dù công việc có bận rộn thế nào cũng cố gắng tự nấu ăn hoặc ưu tiên các loại đồ ăn lành mạnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có đủ dưỡng chất. Ưu tiên bổ sung rau xanh, trái cây, các loại hạt, các loại cá béo cũng góp phần duy trì thể chất và tinh thần tốt hơn mỗi ngày
- Thư giãn cơ thể bằng những hoạt động đơn giản như tắm nước ấm, nghe nhạc, ăn một món ngon, xông hơi với tinh dầu
- Tự tạo động lực cho bản thân để vượt qua áp lực công việc bằng những cách đơn giản như mua những món đồ yêu thích, đi du lịch…
Tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần thiết
Từ lý thuyết để tiến tới thực hành vẫn là một hành trình dài không hề dễ dàng. Bởi thế có những người dù biết mình không thích công việc đó, không phù hợp với công việc đó, cảm thấy nặng nề khi đến công ty nhưng vẫn không thể nghỉ việc. Còn vô vàn nỗi lo khác bao quanh khiến họ phải đấu tranh tâm lý mạnh mẽ để biết có nên nghỉ việc không, nhưng cuối cùng vẫn lựa chọn tiếp tục sống trong sự chán nản, tuyệt vọng.
Khi tâm trí bị xáo động, bạn sẽ khó kiểm soát được bản thân, khó đưa ra quyết định đúng đắn. Do đó khi cảm thấy quá áp lực với công việc, quá mệt mỏi hãy tìm kiếm sự hỗ trợ ngay khi cần thiết. Đơn giản chỉ là chia sẻ với bạn bè, người thân, một người nào đó đang tin cậy.
Không phải lúc nào bạn cũng có thể nhận lại được lời khuyên hữu ích ngay lập tức nhưng khi có thể nói ra những bức bối trong lòng, chắc chắn bạn sẽ thấy dễ chịu hơn. Tâm lý cần thoải mái, thả lỏng bạn mới nhìn nhận được chính xác mình cần phải làm gì. Bạn cũng có thể tìm kiếm sự hỗ trợ định hướng từ chính những tiền bối, những người đồng nghiệp nếu đang gặp khó khăn trong công việc.
Mặt khác, nếu rơi vào trạng thái tâm trí quá nặng nề, mệt mỏi, mất phương hướng bạn hoàn toàn có thể tìm đến sự hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý. Đặc biệt nếu bạn có những suy nghĩ tiêu cực như cảm thấy bản thân vô dụng, vô giá trị, không ai cần đến mình; có xu hướng tự tách biệt bản thân; đặc biệt là từng có suy nghĩ tự tử thì rất nên gặp gỡ chuyên gia tâm lý để ngăn chặn các hệ lụy khác.
Nhà trị liệu sẽ giúp bạn nhìn nhận rõ những khúc mắc trong tâm trí, hiểu rõ về bản thân và tự ra cách giải quyết phù hợp. Các kỹ năng đối phó với căng thẳng, xoa dịu cảm xúc cũng được hướng dẫn để thân thủ tự làm chủ chính mình, giải quyết những vấn đề làm hình thành áp lực công việc có hiệu quả. Những lời khuyên từ nhà trị liệu sẽ giúp bạn xây dựng định hướng tương lai phù hợp hơn với chính mình.
Áp lực công việc là điều khó tránh khỏi với người trưởng thành, tuy nhiên không vì thế mà chúng ta được thờ ơ với cảm xúc, tinh thần của bản thân. Hành trình để đi tới thành công là điều không dễ dàng nhưng chỉ cần bạn không ngừng nỗ lực, không ngừng chăm chỉ và tin vào một tương lai tươi sáng, chắc chắn những điều tốt đẹp nhất sẽ luôn đến với bạn.
Có thể bạn quan tâm:
- 11 Cách giảm stress trong công việc đơn giản hiệu quả
- Trầm Cảm Nơi Công Sở: Thực Trạng Đáng Báo Động Và Phòng Tránh
- 10 Tác hại của stress trong công việc bạn chớ nên xem thường
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!