10 Tác hại của stress trong công việc bạn chớ nên xem thường
Ngày nay, stress đã trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống cũng như công việc. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận thức được tác hại của stress trong công việc. Nâng cao hiểu biết về vấn đề này sẽ giúp mỗi người chủ động hơn trong việc chăm sóc sức khỏe và biết cách giải tỏa những phiền muộn, căng thẳng.
Tìm hiểu những tác hại của stress trong công việc
Môi trường làm việc cạnh tranh, nhiều áp lực chính là nguyên nhân gây stress trong công việc. Về mặt tích cực, stress ngắn hạn giúp tăng khả năng tập trung, trí nhớ, từ đó thúc đẩy mỗi cá nhân khai thác năng lực của bản thân và hoàn thiện hơn mỗi ngày. Tuy nhiên, stress kéo dài và không được giải tỏa sẽ gây ra không ít tác hại đối với sức khỏe và cuộc sống.
Stress là phản ứng sinh lý của cơ thể trước những thử thách, nhiệm vụ khó khăn. Khi nhận được tín hiệu căng thẳng, não bộ sẽ chi phối các cơ quan trong cơ thể nhằm tạo ra đáp ứng với stress. Stress làm thay đổi nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ và hormone của các tuyến nội tiết. Những thay đổi này kéo dài sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe thể chất, tinh thần và chất lượng cuộc sống.
Để nhận thức rõ hơn về tác hại của stress trong công việc, bạn đọc có thể tham khảo những thông tin sau đây:
1. Giảm khả năng tập trung và trí nhớ kém
Tác hại đầu tiên bạn phải đối mặt khi bị stress trong công việc là giảm khả năng tập trung và trí nhớ kém. Khi căng thẳng, lưu lượng máu lên não sẽ giảm đi đáng kể dẫn đến tình trạng uể oải, mệt mỏi và suy giảm các chức năng như ghi nhớ, tập trung. Do đó, ngay cả khi không buồn ngủ, bạn cũng rất khó có thể tập trung hoàn toàn cho công việc.
Ngoài ra, giảm trí nhớ do stress còn có liên quan đến sự mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ. Khi bị căng thẳng do áp lực công việc, hormone cortisol tăng mạnh khiến cho nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin, dopamine và endorphin mất cân bằng. Điều này khiến cho khả năng ghi nhớ suy giảm, thường xuyên gặp phải tình trạng quên trước quên sau và xao nhãng trong công việc.
Nếu không có biện pháp cải thiện, tình trạng trí nhớ kém và giảm khả năng tập trung sẽ ngày càng nghiêm trọng theo thời gian. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, tốc độ thoái hóa của các tế bào não gia tăng đáng kể ở những người bị căng thẳng thường xuyên. Ngoài ra, stress kéo dài còn gây teo não và khiến các cơ quan của não bộ suy giảm chức năng đáng kể.
2. Ảnh hưởng đến hiệu suất lao động
Khi bị căng thẳng trong công việc, bạn khó có thể hoàn thành công việc tốt như khi ở trạng thái tinh thần tốt nhất. Stress khiến bạn trở nên uể oải, mệt mỏi, giảm sự sáng tạo lẫn khả năng tập trung và ghi nhớ. Do đó, bạn khó tránh khỏi tình trạng sai sót và chậm trễ trong công việc.
Stress kéo dài sẽ gây ra nhiều vấn đề thể chất như mất ngủ, đau đầu, thiếu máu, suy nhược,… Thể trạng suy nhược sẽ khiến bạn khó có thể tập trung 100% cho công việc. Vì vậy, nếu không giải tỏa căng thẳng, hiệu suất công việc sẽ giảm đi rõ rệt theo thời gian.
Công việc không thuận lợi lại tiếp tục gây ra căng thẳng và áp lực. Điều này tạo nên một vòng tròn luẩn quẩn khiến bạn rơi vào trạng thái mệt mỏi, bi quan, căng thẳng và lo âu. Nếu không có biện pháp điều chỉnh, bạn có thể phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp và thu nhập không ổn định.
3. Tinh thần bất ổn, nhạy cảm
Tinh thần bất ổn là một trong những tác hại của stress trong công việc. Khi đối mặt với căng thẳng liên tục, sức khỏe tinh thần sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Trong thời gian này, bạn rất dễ gắt gỏng và tức giận vì những lý do không chính đáng. Nếu công việc liên tục bị gián đoạn và không thuận lợi, bạn sẽ khó tránh khỏi sự chán chường, mệt mỏi, bi quan.
Căng thẳng làm gia tăng hormone cortisol. Thông thường, hormone sẽ được vỏ tuyến thượng thận sản xuất nhằm điều hòa đường huyết, hệ miễn dịch và tham gia vào các phản ứng trong cơ thể. Tuy nhiên, sự gia tăng quá mức của cortisol sẽ gây ra tình trạng mệt mỏi, đánh trống ngực, đau đầu,… Các triệu chứng thể chất này cộng với trạng thái căng thẳng sẵn có sẽ làm nghiêm trọng tình trạng tinh thần bất ổn, nhạy cảm.
Stress nói chung và stress trong công việc nói riêng đều khiến cho tinh thần trở nên nhạy cảm hơn bình thường. Nếu không giải tỏa căng thẳng kịp thời, stress có thể tích tụ khiến cho sức khỏe tinh thần bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
4. Gia tăng mâu thuẫn trong các mối quan hệ
Ngoài những tác hại kể trên, stress trong công việc cũng làm gia tăng mâu thuẫn trong các mối quan hệ. Tình trạng căng thẳng và nhạy cảm khiến bạn khó tránh khỏi việc tranh cãi với đồng nghiệp.
Ngoài ra, tinh thần bất ổn cũng chi phối lời nói, hành vi của bạn đối với người thân và bạn bè. Nếu không chia sẻ với những người xung quanh về vấn đề bạn đang phải đối mặt, mâu thuẫn là điều khó tránh khỏi. Mâu thuẫn trong các mối quan hệ sẽ gây ra những cảm xúc tiêu cực và điều này lại “vô tình” làm tăng mức độ căng thẳng trong cuộc sống.
5. Mất đi động lực trong công việc
Mất đi động lực trong công việc là một trong những tác hại của stress. Căng thẳng khiến cho bạn đánh mất niềm vui, sự hứng khởi, thay vào đó là sự chán chường, mệt mỏi và bi quan.
Hormone gây căng thẳng – cortisol sẽ tiếp tục gia tăng về nồng độ nếu không có biện pháp cải thiện. Nồng độ hormone tăng gây mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh, trong đó có serotonin và endorphin. Những chất này chi phối cảm xúc, trí nhớ, giấc ngủ, nhận thức và hành vi của con người.
Khi nồng độ endorphin và serotonin giảm, những cảm xúc tích cực và động lực sẽ giảm đi đáng kể. Do đó, những người bị căng thẳng kéo dài thường không còn động lực trong cuộc sống nói chung và công việc nói riêng. Mất đi động lực khiến bạn bỏ bê công việc, hoàn thành nhiệm vụ một cách sơ sài, máy móc. Những trường hợp này thường khó thăng tiến và đôi khi phải đối mặt với nguy cơ mất việc.
6. Tăng tỷ lệ lạm dụng rượu bia và nghiện chất
Gia tăng tỷ lệ lạm dụng rượu bia và nghiện chất là một trong những tác hại của stress trong công việc. Áp lực quá lớn gây ra sự bức bối, khó chịu và mệt mỏi. Để quên đi những cảm xúc tiêu cực, nhiều người tìm đến bia rượu và chất gây nghiện.
Bản chất của chất gây nghiện và bia rượu là gây ức chế thần kinh trung ương. Khi sử dụng, bạn sẽ tạm quên đi những phiền muộn, căng thẳng và các vấn đề cần lo lắng. Tuy nhiên, sau khi tỉnh táo, tình trạng lo lắng và căng thẳng sẽ gia tăng về mức độ do sự rối loạn của các chất dẫn truyền thần kinh.
Ngoài ra, lạm dụng rượu bia và nghiện chất còn gây ra các vấn đề sức khỏe thể chất như viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản, viêm gan,… Những vấn đề này sẽ gia tăng mức độ căng thẳng và khiến cho tinh thần phải đối mặt liên tục với những tác động tiêu cực.
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, rượu bia và chất gây nghiện làm gia tăng mức độ căng thẳng, lo âu, stress, trầm cảm. Nếu không giải tỏa stress kịp thời, tình trạng có thể trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian. So với những người có lối sống lành mạnh, người nghiện chất và lạm dụng rượu bia thường phải đối mặt với nhiều vấn đề. Đồng thời nguy cơ phát triển các rối loạn tâm lý, tâm thần nghiêm trọng cũng cao hơn rất nhiều.
7. Gây ra các vấn đề tiêu hóa, hô hấp
Ít người biết rằng, stress trong công việc là nguyên nhân gây ra các vấn đề tiêu hóa và hô hấp. Nguyên nhân gốc rễ là do sự gia tăng quá mức của cortisol dẫn đến sự thay đổi của các nội tiết tố và chất trung gian hóa học như histamin, prostaglandin,…
Đối với những người có các bệnh tiêu hóa và hô hấp, stress trong công việc sẽ kích thích các vấn đề này tái phát trở lại. Bên cạnh đó, stress trường diễn cũng làm gia tăng các vấn đề tiêu hóa, hô hấp như viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản, hội chứng ruột kích thích, viêm đại tràng, viêm mũi dị ứng, viêm xoang,…
Những người bị viêm loét dạ dày tiến triển có thể bị xuất huyết nếu phải đối mặt với stress do công việc trong một thời gian dài. Trước những tác hại nghiêm trọng do căng thẳng gây ra, bản thân mỗi người cần học cách giảm stress để ổn định tinh thần và chủ động hơn trong việc bảo vệ sức khỏe.
8. Stress trong công việc gây tăng huyết áp
Tăng huyết áp là một trong những tác hại của stress trong công việc. Khi nhận được tín hiệu căng thẳng, cơ thể sẽ tăng nồng độ hormone epinephrine và cortisol. Hai hormone này đều có tác dụng co mạch dẫn đến tăng huyết áp, nhịp thở và nhịp tim.
Khi bị căng thẳng, bạn dễ dàng nhận thấy tim đập nhanh hơn, tăng nhịp thở và có cảm giác nóng ran. Vì cơ thể cần nhiều oxy hơn bình thường nên tim phải đập và hoạt động nhiều hơn để bơm máu cho phổi và các cơ quan khác. Nếu bị căng thẳng thường xuyên, nhịp tim và huyết áp sẽ có nguy cơ tăng cao mãn tính.
Stress và các vấn đề tim mạch có mối liên hệ mật thiết. Căng thẳng làm gia tăng các vấn đề tim mạch và khiến các bệnh lý tim mạch sẵn có trở nên nghiêm trọng hơn. Ngược lại, ảnh hưởng của những vấn đề tim mạch cũng làm gia tăng mức độ căng thẳng. Bởi đa số những người bị tăng huyết áp luôn trong trạng thái bồn chồn, bất an và khó có thể thư giãn.
Nhiều nghiên cứu được thực hiện cho thấy, nguy cơ gặp phải các biến cố tim mạch tăng lên đáng kể ở những người bị stress, trầm cảm, rối loạn lo âu. Do đó, để bảo vệ sức khỏe của bản thân, bạn cần học cách kiểm soát stress và cân bằng cảm xúc.
9. Ảnh hưởng đến sức khỏe sinh lý, tình dục
Ngoài những tác hại kể trên, stress trong công việc cũng ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe sinh lý và tình dục. Khi căng thẳng, nồng độ cortisol tăng cao gây rối loạn hệ trục vùng dưới đồi – tuyến yên – buồng trứng/ tinh hoàn. Sự rối loạn của hệ trục nội này gây mất cân bằng nội tiết tố và các hormone quan trọng trong cơ thể.
Căng thẳng kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý mà còn khiến cho sức khỏe sinh lý, tình dục phải đối mặt với nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng. Nếu không cải thiện sớm, các vấn đề này có thể phát triển mãn tính khiến sức khỏe sinh sản của cả nam và nữ giới bị suy giảm.
Tác hại của stress trong công việc đối với sức khỏe sinh lý nam giới:
- Giảm ham muốn tình dục, thậm chí một số người không còn ham muốn và hoàn toàn không nghĩ đến chuyện giường chiếu.
- Giảm khoái cảm khi quan hệ
- Mắc các rối loạn xuất tinh như xuất tinh sớm, xuất tinh muộn, đau khi xuất tinh,…
- Rối loạn cương dương
- Tinh trùng yếu, loãng, khả năng thụ tinh giảm,…
Tác hại của stress trong công việc đối với sức khỏe sinh lý nữ giới:
- Rối loạn kinh nguyệt (vô kinh, chậm kinh, vòng kinh mau, kinh nguyệt không đều,…)
- Làm nghiêm trọng các triệu chứng trong thời gian hành kinh bao gồm đau bụng kinh, mệt mỏi, đau lưng, đầy hơi,…
- Khô hạn, giảm ham muốn
- Đau khi quan hệ và giảm khoái cảm
- Khả năng thụ thai giảm do khó dự đoán thời điểm rụng trứng
10. Gia tăng nguy cơ mắc các vấn đề tâm lý
Tác hại nặng nề nhất của stress trong công việc là gia tăng nguy cơ mắc các vấn đề tâm lý. Stress không được giải tỏa sẽ gây ức chế hệ thần kinh trung ương dẫn đến sự sụt giảm nồng độ serotonin và gây rối loạn chức năng của các cơ quan bên trong não bộ. Do đó, stress kéo dài có thể làm gia tăng các vấn đề tâm lý như:
- Trầm cảm
- Rối loạn lo âu lan tỏa
- Hội chứng tự hủy hoại bản thân
Ngoài ra, stress trong công việc cũng là yếu tố làm tái phát các bệnh tâm lý, tâm thần mãn tính như rối loạn lưỡng cực, tâm thần phân liệt, rối loạn hoang tưởng và rối loạn nhân cách. Đây cũng là lý do kiểm soát stress là nguyên tắc quan trọng trong điều trị các rối loạn tâm thần.
Giảm tác hại của stress trong công việc bằng cách nào?
Stress là điều không thể tránh khỏi trong công việc. Tuy nhiên, căng thẳng không phải lúc nào cũng gây ra những tác động tiêu cực. Những tác hại kể trên chỉ xảy ra khi stress kéo dài và không được giải tỏa kịp thời. Do đó, bạn có thể giảm tác hại của stress trong công việc bằng những biện pháp đơn giản sau:
- Cân đối thời gian làm việc, tránh làm việc với cường độ cao trong thời gian dài.
- Sau một ngày làm việc mệt mỏi, bạn nên nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc để phục hồi sức khỏe. Thỉnh thoảng, có thể tự thưởng cho bản thân chuyến đi chơi xa để gạt bỏ phiền muộn và căng thẳng trong cuộc sống.
- Duy trì lối sống lành mạnh cũng là cách giảm stress trong công việc hiệu quả. Hãy bắt đầu lối sống khoa học bằng cách ngủ đúng giờ, tập thể dục thường xuyên, ăn uống điều độ, tránh xa rượu bia, thuốc lá và chất gây nghiện.
- Thực hiện các biện pháp thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng như massage, tắm nước ấm, liệu pháp mùi hương, uống trà thảo mộc, ngồi thiền, đọc sách, nghe nhạc, chăm sóc thú cưng, cây cối,…
- Chia sẻ những phiền muộn và căng thẳng với người thân, bạn bè. Học cách chia sẻ sẽ giúp bạn được lắng nghe, thấu hiểu và có động lực để vượt qua những khó khăn trong công việc cũng như cuộc sống.
- Xác định nhược điểm của bản thân để nỗ lực cải thiện và hoàn thiện hơn mỗi ngày. Khi bản thân có năng lực, kinh nghiệm và kỹ năng, bạn có thể giải quyết công việc một cách nhanh chóng và chính xác. Công việc thuận lợi sẽ giúp bạn giảm căng thẳng và luôn tìm thấy niềm vui, sự hứng khởi mỗi ngày.
- Nếu có mâu thuẫn với đồng nghiệp, hãy thẳng thắn chia sẻ để tìm cách hóa giải. Môi trường làm việc thân thiện sẽ giúp bạn tập trung tốt cho công việc, đồng thời tránh những phiền phức và căng thẳng không đáng có.
- Trong trường hợp stress kéo dài và không thể tự mình vượt qua, bạn nên tìm gặp chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ. Sự hỗ trợ kịp thời sẽ giúp phòng ngừa stress nặng và các rối loạn tâm lý liên quan đến căng thẳng thần kinh.
Stress trong công việc gây ra rất nhiều tác hại. Chính vì vậy, nên học cách giải tỏa stress để ổn định tinh thần và đảm bảo hiệu suất công việc. Nếu nhận thấy stress kéo dài, nên tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên gia để phục hồi lại sức khỏe thể chất và tinh thần.
Tham khảo thêm:
- Mẹo xả stress sau giờ làm giúp giải tỏa căng thẳng mệt mỏi
- 8 Vitamin giúp giảm căng thẳng stress hiệu quả nên bổ sung
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!