Cha mẹ bạo hành tinh thần con cái: Thực trạng đáng quan tâm

Cha mẹ bạo hành tinh thần con cái là thực trạng nhức nhối, đáng quan tâm hiện nay. Mặc dù không tạo ra vết tích thể chất nhưng có thể khiến trẻ bị tổn thương tâm lý sâu sắc. Đặc biệt là làm ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhận thức và nhân cách của trẻ khi lớn lên.

cha mẹ bạo hành tinh thần con cái
Cha mẹ bạo hành tinh thần con cái là tình trạng khá phổ biến, cần được quan tâm nhiều hơn

Thực trạng cha mẹ bạo hành tinh thần con cái

Cha mẹ bạo hành tinh thần con cái là một trong những vấn nạn nhức nhối trong những năm gần đây. Tuy nhiên, bạo hành tinh thần lại chưa thực sự được quan tâm đúng mức như bạo hành thể chất. Bởi bạo hành tinh thần không gây ra những dấu tích trên cơ thể và mọi người cũng rất khó để hình dung nỗi đau mà nạn nhân phải đối mặt.

Bạo hành tinh thần mặc dù không gây ra nỗi đau thể xác nhưng nó lại để lại trong tâm hồn sự tổn thương sâu sắc. Hơn nữa, trẻ còn nhỏ nên chưa thể hiểu được lời nói và hành vi của cha mẹ là sai lệch. Từ đó sẽ giữ những suy nghĩ cực đoan về chính bản thân mình.

Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ năm 2012 – 2017 có đến 51.277 vụ bạo hành tinh thần trong gia đình diễn ra. Do phương phức là bạo hành bằng lời nói nên rất khó phát hiện. Vì vậy, con số này trên thực tế có thể nhiều hơn và sẽ không phản ánh đúng thực trạng mà con trẻ đang phải đối mặt.

Cha mẹ bạo hành tinh thần thường khó nhận biết bởi những lời nói và hành vi cực đoan thường sẽ được che đậy trên danh nghĩa của tình yêu thương cũng như trách nhiệm. Mặc dù hình thức có thể khác nhau, nhưng về bản chất thì cha mẹ bạo hành tinh thần luôn gây ra sự tổn thương sâu sắc cho con cái.

Dấu hiệu nhận biết cha mẹ bạo hành tinh thần con cái

Cha mẹ bạo hành tinh thần con cái có thể để lại những vết sẹo tinh thần vô hình. Đôi khi tổn thương còn kéo dài suốt cuộc đời người con.

Cha mẹ bạo hành tinh thần có thể là sự cô lập, sỉ nhục hay đe dọa. Một số ví dụ khác có thể là trừng phạt nghiêm khắc, khiến chúng cảm thấy mình vô dụng, liên tục bắt nạt chúng, bỏ mặc và phớt lờ chúng,…

dấu hiệu cha mẹ ngược đãi
Cha mẹ bạo hành tinh thần thường xuyên chỉ trích để hạ thấp giá trị bản thân của con cái

Dưới đây là một số dấu hiệu thường thấy về việc cha mẹ bạo hành tinh thần con cái:

  • Tâm trạng thay đổi: Cha mẹ bạo hành tinh thần có thể khó đoán và thất thường. Họ có thể tỏ ra điềm tĩnh, yêu đời vào một ngày nào đó và lại giận dữ và lạnh lùng vào ngày hôm sau. Sự thay đổi tâm trạng liên tục của cha mẹ khiến con cái cảm thấy bất an. Bởi chúng không nắm được điều gì có thể khiến cha mẹ bị kích động. Sự căng thẳng này sẽ gây lo lắng cho trẻ khi còn nhỏ.
  • Đổ lỗi cho con cái: Khi cha mẹ không được thăng tiến trong công việc thì họ có thể đổ lỗi là vì con cái làm họ mất tập trung. Nếu họ gặp tai nạn thì họ có thể đổ lỗi là do vội vàng đón con đi học về. Cha mẹ ngược đãi rất hiếm khi nhận trách nhiệm về những khuyết điểm của con. Họ luôn đổ lỗi cho con. Điều này xảy ra thường xuyên khiến cho con cái bắt đầu tin rằng chúng thực sự đã hủy hoại cuộc sống tốt đẹp của cha mẹ chúng.
  • Coi nhu yếu phẩm là đặc quyền: Một số cha mẹ bạo hành khiến con cái tin rằng chúng khá giả hơn những đứa trẻ khác. Mặc dù sự thật không phải như vậy. Khi con cái lên tiếng phản đối về những điều họ làm thì họ sẽ khiến những thứ thiết yếu như thức ăn và quần áo là một ân huệ to lớn ban tặng cho con.
  • Thường xuyên chỉ trích: Phê bình mang tính chất xây dựng là điều cần thiết với sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, một số cha mẹ lại coi trọng những lời chỉ trích. Hơn nữa còn sử dụng nó để hủy hoại sự tự tin cũng như giá trị bản thân con cái. Họ rất khó để làm hài lòng và chỉ nhìn thấy các khuyết điểm ở con mình. Ngay cả khi đứa trẻ làm tốt thì họ vẫn tìm đủ lý do để chỉ trích.
  • Không để ý đến cảm xúc của con: Cha mẹ bạo hành tinh thần thường không coi trọng cảm xúc của con cái. Ví dụ như khi họ đề cập đến thói quen xấu của con với người khác khiến đứa trẻ hờn dỗi và cáu kỉnh thì họ cho rằng chúng quá nhạy cảm. Họ thường chế giễu đứa trẻ yếu đuối.
  • So sánh con mình với những đứa trẻ khác: Cha mẹ bạo hành tinh thần thường gạt bỏ và coi thường nỗ lực tốt nhất của con mình. Họ thường xuyên so sánh con với anh chị em họ hàng, con của hàng xóm hay bạn bè.
  • Khuyến khích sự ganh đua của anh chị em: Cha mẹ ngược đãi có xu hướng bắt con cái tranh giành tình cảm của mình. Như một hình phạt cho việc thua cuộc, đứa trẻ sẽ thường xuyên bị cô lập và bỏ mặc. Điều này ngoài gây phẫn nộ cho trẻ thì còn ảnh hưởng tới nhận thức của chúng về tình cảm gia đình.
  • Chế giễu và trêu chọc con cái: Cha mẹ ngược đãi thường không suy nghĩ kỹ trước khi trêu chọc và bắt nạt con cái. Họ làm điều đó vì niềm vui và mong muốn con cái sẽ nỗ lực hết mình. Họ tin rằng việc trêu chọc và chế giễu là vô hại.
  • Hành vi hung hăng thụ động: Cha mẹ bạo hành tinh thần con cái có hành động như thể mọi thứ đều ổn và thoải mái. Tuy nhiên, họ sẽ từ chối giúp đỡ hay hướng dẫn con cái khi chúng tìm kiếm. Đứa trẻ thường tự hỏi liệu chúng có làm sai điều gì hay không? Tuy nhiên cha mẹ bạo hành sẽ không đưa ra bất cứ lời giải thích nào.
  • Bỏ bê con cái: Các bậc cha mẹ bạo hành tinh thần có xu hướng bỏ bê con cái ngay cả khi không có lý do chính đánh. Họ thường bận tâm tới cuộc sống của chính mình đến nỗi việc chăm sóc trẻ em trở thành một việc vặt. Họ không chỉ phớt lờ nhu cầu của con mà còn coi chúng như những người không quan trọng trong gia đình.
  • Khiến con cảm thấy tội lỗi: Làm cho đứa trẻ cảm thấy tội lỗi là một chiến thuật phổ biến được nhiều cha mẹ bạo hành sử dụng. Họ luôn kể công lao của mình và dùng nó như một công cụ để ép trẻ tuân theo quy tắc của họ.
  • Lợi dụng con cái để trả thù vợ/ chồng cũ: Nếu một cặp vợ chồng ly thân hay ly hôn thì con cái của họ sẽ trở thành “món hàng” được dùng để chống lại đối phương. Một số bậc cha mẹ có thể đầu độc tâm trí của con cái để gây rắc rối cho vợ/ chồng cũ. Điều này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng tới nhận thức của trẻ về tình yêu thương và gia đình.
  • Từ chối quyền riêng tư: Cha mẹ bạo hành tinh thần có thể xâm phạm quyền riêng tư của con cái. Hoặc họ cũng sẽ từ chối khả năng tự quyết định của con. Điều này khiến cho trẻ cảm thấy ngột ngạt.
  • Ép buộc con cái phải theo ý mình: Các bậc cha mẹ bạo hành tinh thần có thể coi con cái như một phần mở rộng của bản thân. Tức là họ luôn muốn con thành công trong những mơ ước chưa thành của họ. Họ không coi trọng việc đứa trẻ muốn gì. Thay vào đó họ buộc chúng phải làm những gì mà họ muốn.

Trên thực tế, bạo hành tinh thần có biểu hiện đa dạng hơn so với bạo hành thể xác. Theo đánh giá từ các chuyên gia, cha mẹ bạo hành tinh thần con cái là một dạng cha mẹ độc hại. Họ luôn có xu hướng kiểm soát con cái quá mức. Tất cả những lời nói và hành vi của họ đều hoàn toàn không nghĩ tới cảm xúc của con. Họ chỉ nhằm mục đích thỏa mãn chính bản thân mình.

Vì sao cha mẹ bạo hành tinh thần con cái?

Cha mẹ chính là người cho con sự sống, ban tặng tình yêu thương cho con và dìu dắt con suốt những năm đầu đời. Tuy nhiên, không phải người làm cha làm mẹ nào cũng dành cho con mình tình yêu thương vô bờ bến.

Trên thực tế, rất nhiều cha mẹ bạo hành và ngược đãi con ruột của mình dưới nhiều hình thức khác nhau. Chẳng hạn như tinh thần, thể chất và thậm chí cả tình dục. Trong đó, cha mẹ bạo hành tinh thần con cái là hình thức phổ biến nhất.

nguyên nhân khiến cha mẹ bạo hành tinh thần
Căng thẳng quá mức có thể khiến cha mẹ bạo hành tinh thần con cái để giải tỏa

Theo nhận định từ các chuyên gia, tình trạng cha mẹ bạo hành tinh thần có thể là hệ quả từ nhiều nguyên nhân phức tạp. Chẳng hạn như:

  • Mắc các vấn đề tâm lý: Đa phần các cha mẹ ngược đãi con cái đều có những vấn đề tâm lý. Chẳng hạn như stress nặng, trầm cảm, rối loạn lo âu, áp lực cuộc sống quá mức, nhân cách méo mó,…
  • Sang chấn tâm lý: Sang chấn tâm lý có thể khiến một số cha mẹ xem con như là công cụ để trả thù bạn đời và xã hội. Rất nhiều người muốn chứng tỏ bản thân bằng cách nuôi dạy con cái đạt được thành tựu lớn.
  • Từng là nạn nhân của bạo hành: Rất nhiều cha mẹ độc hại trong quá khứ là nạn nhân của bạo hành tinh thần và thể chất. Tuy nhiên do không được can thiệp tâm lý nên họ cho rằng hành vi và lời nói của cha mẹ mình là đúng đắn. Vì vậy, họ lại tiếp tục áp dụng những lời nói và hành vi đó khi giáo dục con cái.
  • Các yếu tố khác: Cha mẹ nghiện rượu bia, chất kích thích, có con ngoài ý muốn hay bạn đời ngoại tình cũng sẽ có xu hướng bạo hành tinh thần con cái. Bởi những yếu tố này khiến cho họ không kiểm soát được cảm xúc, lời nói và hành vi của mình. Hơn nữa còn có suy nghĩ méo mó, luôn cho rằng con cái là nguyên nhân khiến họ thất bại.

Cha mẹ bạo hành tinh thần con cái và hậu quả nghiêm trọng

Theo một nghiên cứu được công bố bởi Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ thì việc cha mẹ bạo hành tinh thần con cái có thể khiến cho những người con phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe tâm thần. Chẳng hạn như lo lắng, trầm cảm, thiếu sự đồng cảm và tự ti.

Sau đây là một số vấn đề sức khỏe mà con cái có thể phát triển khi lớn lên:

  • Trẻ em: Khi còn nhỏ, quá trình phát triển của trẻ sẽ bị ảnh hưởng do bị cha mẹ bạo hành tinh thần. Bởi vì lúc này trẻ thường không thể điều chỉnh về mặt cảm xúc và tâm lý.
  • Thanh thiếu niên: Trẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên bị cha mẹ bạo hành tinh thần sẽ rất khó thiết lập các mối quan hệ giữa các cá nhân với nhau. Trẻ không thể tin tưởng người khác. Đồng thời cũng không thể đối phó với các cảm xúc phức tạp đã trải qua trong thời thơ ấu.
  • Người lớn: Khi con cái trưởng thành, chúng không thể nuôi dưỡng sự đồng cảm. Hơn nữa còn không thể nhận ra nhu cầu và cảm xúc của người khác. Do đó, chúng có thể tiếp tục bạo hành tinh thần con cái như cách mà cha mẹ của chúng trước đây từng làm với chúng.
hậu quả của bạo hành tinh thần con cái
Trẻ bị cha mẹ bạo hành tinh thần có nhiều nguy cơ bị trầm cảm và các rối loạn tâm lý khác

Trẻ bị cha mẹ bạo hành tinh thần có khả năng phát triển một số vấn đề về cảm xúc, tâm lý và thể chất sau đây:

  • Sử dụng các chiến lược đối phó có hại như cắn móng tay hay tự làm hại bản thân
  • Bị rối loạn sức khỏe tâm thần và thể chất
  • Phải chiến đấu với nhiều nỗi ám ảnh khác nhau
  • Thể hiện các hành vi hung hăng, phá hoại hoặc chống đối xã hội
  • Bị rối loạn ăn uống hoặc giấc ngủ
  • Lạm dụng chất kích thích
  • Gặp khó khăn trong việc thể hiện bản thân
  • Tham gia vào các hành vi tình dục nguy cơ
  • Phát triển rối loạn ngôn ngữ hoặc rối loạn học tập
  • Thiếu tự tin
  • Thường xuyên cáu gắt, tức giận
  • Xuất hiện ý định tự tử

Cần làm gì khi cha mẹ bạo hành tinh thần con cái?

Cha mẹ bạo hành tinh thần con cái gây ra những tổn thương nặng nề và nghiêm trọng về mặt tâm lý. Để vượt qua tình trạng này, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau đây:

1. Chia sẻ với bạn bè và người thân

Bạn sẽ cảm thấy được an ủi khi có người để dựa vào những lúc bị cha mẹ bạo hành về tinh thần. Hãy giãi bày với bạn bè hoặc người thân (có thể là cô dì, chú bác, ông bà,…) và đề nghị được giúp đỡ.

Họ có thể an ủi bạn bằng những lời nói tích cực. Hoặc cũng có thể ghi nhận cảm xúc của bạn và cho bạn những lời khuyên hữu ích. Nhận được sự đồng cảm và chia sẻ giúp bạn giải tỏa căng thẳng rất tốt. Đồng thời luôn sáng suốt để tìm kiếm giải pháp tháo gỡ những vấn đề mình đang gặp phải.

Hãy nhớ rằng, bạo hành tinh thần thường có liên quan đến việc mọi người tẩy não bạn. Cha mẹ bạo hành có thể khiến bạn tin rằng không ai quan tâm, tin tưởng hay coi trọng bạn. Tuy nhiên, bạn sẽ rất bất ngờ khi biết bản thân được ủng hộ nhiều đến mức nào khi chia sẻ những nỗi niềm với người khác.

cách giúp trẻ vượt qua bạo hành tinh thần
Nên chủ động chia sẻ với người lớn để nhận lời khuyên về vấn đề mà bạn đang gặp phải

Nếu bạn còn nhỏ tuổi và đang bị bạo hành bởi cha mẹ dưới bất cứ hình thức nào thì hãy tìm đến một người thân, thầy cô giáo hay bất cứ người lớn nào mà bạn tin tưởng. Đừng để cha mẹ ép buộc và đe dọa bạn phải giữ bí mật. Một người trưởng thành có thể can thiệp vào các tình huống mà trẻ con không có khả năng chống cự.

2. Tránh mặt cha mẹ khi cần thiết

Đừng quanh quẩn ở đó khi cha mẹ bắt đầu bạo hành tinh thần bạn. Bạn hoàn toàn không có nghĩa vụ phải ở lại, gọi điện hoặc đẩy bản thân vào tình huống bị bạo hành ở bất cứ hình thức nào.

Bạn đừng để cha mẹ khiến bản thân cảm thấy mình có trách nhiệm phải chịu đựng sự bạo hành. Tốt nhất là bạn nên thiết lập ranh giới và nghiêm túc tuân thủ chúng.

  • Nếu bạn sống chung với cha mẹ, hãy rút về phòng hoặc đến nhà bạn bè nếu họ quát tháo hay xúc phạm bạn.
  • Nếu bạn sống riêng thì ngừng đến thăm hay gọi điện nếu cha mẹ bạo hành tinh thần bạn.
  • Đặt ra giới hạn nếu bạn phải giữ liên lạc với cha mẹ. Hãy cho cha mẹ biết rằng, bạn có thể gọi điện mỗi tuần 1 lần nhưng sẽ sẵn sàng gác máy nếu họ xúc phạm bạn.
  • Hãy luôn nhớ rằng, bạn không cần phải tham gia tranh cãi nếu không muốn. Bạn cũng không cần đáp lại những gì cha mẹ nói hay cố gắng biện hộ cho mình với bất cứ cách nào.

3. Cố gắng độc lập về tài chính và ra ở riêng

Đừng sống cùng với cha mẹ khi họ thường xuyên bạo hành tinh thần con cái. Đừng trao cho cha mẹ cái quyền được đàn áp và kiểm soát bạn quá mức. Những người bạo hành thường duy trì hành vi của họ bằng cách tạo ra sự lệ thuộc.

Hãy tự kiếm tiền, có những người bạn riêng và sống một cuộc sống độc lập. Đừng phụ thuộc bất cứ điều gì vào cha mẹ. Điều này sẽ khiến cho họ không có lý do hay căn cứ nào để bạo hành tinh thần bạn.

Nếu bạn còn quá nhỏ thì hãy cố gắng học tập thật tốt. Luôn cố gắng nỗ lực không ngừng để nhận về thành tích cao. Điều này không phải để bố mẹ nhìn vào mà là để phục vụ cho chính tương lai của bạn.

vượt qua tình trạng cha mẹ bạo hành tinh thần
Khi đã có đủ điều kiện tài chính, bạn nên dọn ra ngoài sống để thoát khỏi sự bạo hành tinh thần từ cha mẹ

Nếu bạn đang học đại học thì nên tìm kiếm các việc làm thêm nhưng cần đảm bảo cân đối giữa học tập, làm việc và nghỉ ngơi. Có thể bạn vẫn phải phụ thuộc vào cha mẹ. Tuy nhiên hãy đảm bảo rằng bạn sẽ tự chăm sóc tốt cho bản thân và đặt ra ranh giới với cha mẹ.

Khi đã đi làm và có đủ điều kiện về tài chính thì bạn nên dọn ngay ra ngoài ở riêng để có thể tự chủ. Cuộc sống độc lập sẽ mang đến cho bạn sự thoải mái, thoát khỏi vấn nạn bạo hành tinh thần của cha mẹ.

4. Cân nhắc việc từ mặt cha mẹ khi cần thiết

Bạn có thể cảm thấy rằng con cái buộc phải hiếu thảo với cha mẹ. Tuy nhiên nếu cha mẹ đã bạo hành tinh thần con cái thì việc quan tâm chăm sóc những người đày đọa tinh thần bạn sẽ cực kỳ căng thẳng. Đặc biệt là khi tình trạng bạo hành vẫn còn tiếp diễn.

Mặc dù không mong muốn nhưng bạn có thể cân nhắc việc từ mặt cha mẹ. Nhất là khi mối quan hệ này mang lại cho bạn nhiều đau thương và khổ sở hơn là sự yêu thương. Bạn nên nhớ rằng:

  • Bạn không có nghĩa vụ phải chăm sóc và quan tâm đến những người đã và đang bạo hành tinh thần bạn.
  • Nếu mọi người không hiểu lý so vì sao bạn phải từ mặt cha mẹ thì bạn cũng hoàn toàn không có nghĩa vụ phải giải thích cho họ.
  • Đôi khi việc từ mặt cha mẹ là điều không dễ dàng. Tuy nhiên nếu họ chưa thay đổi, chưa lắng nghe và chưa chú ý tới cảm xúc của bạn thì tốt nhất là bạn không nên liên lạc với họ.

Trường hợp bạn quyết định vẫn sẽ chăm sóc cha mẹ ở một mức độ nào đó thì hãy chỉ tập trung thảo luận về vấn đề đó. Nếu họ bắt đầu xúc phạm hay bạo hành bằng lời nói với bạn thì hãy bỏ đi ngay lập tức. Bạn cần thể hiện rằng mình không chấp nhận kiểu hành xử như vậy.

5. Né tránh các yếu tố kích động

Bạn có thể đã nhận ra rằng những yếu tố kích động nào (lời nói hay hành động) có thể sẽ khiến cho cha mẹ nổi giận. Nếu bạn đã biết thì việc né tránh chúng là rất cần thiết. Bạn có thể trò chuyện với bạn bè hay ghi chép để nhận diện các yếu tố có khả năng gây kích động đối với cha mẹ.

Trường hợp cha mẹ luôn quát mắng bạn khi họ uống rượu thì hãy đi ra khỏi nhà khi mà bạn nhìn thấy họ đang nhậu nhẹt. Nếu cha mẹ coi thường thành tích của bạn thì đừng kể với họ về những thành công của bạn nữa. Thay vào đó, bạn nên kể với những người ủng hộ bạn.

6. Học các kỹ năng kiểm soát căng thẳng

Cha mẹ bạo hành tinh thần sẽ khiến con cái gặp phải rất nhiều căng thẳng. Đôi khi những căng thẳng này sẽ mang lại hậu quả lâu dài. Đặc biệt là làm tăng nguy cơ bị trầm cảm hay rối loạn căng thẳng hậu sang chấn. Do đó, bạn cần trang bị cho mình các kỹ năng để kiểm soát căng thẳng.

Thiền, hít thở sâu và yoga là những kỹ thuật đơn giản giúp bạn kiểm soát căng thẳng một cách lành mạnh. Chúng giúp bạn thấy bình tĩnh và tập trung hơn mỗi ngày. Ngoài ra bạn có thể áp dụng một số giải pháp khác như massage, tắm nước ấm, nghe nhạc, liệu pháp mùi hương,…

cách kiểm soát căng thẳng khi bị bạo hành
Tập yoga có thể giúp giải tỏa căng thẳng và hạn chế tổn thương tinh thần khi bị bạo hành

Bên cạnh việc kiểm soát căng thẳng thì bạn nên chú ý chăm sóc tốt cho sức khỏe của mình. Việc cần làm là ăn uống lành mạnh, tuyệt đối không nhịn ăn hoặc bỏ bữa dù tâm trạng đang không tốt. Đồng thời chú ý đi ngủ sớm, ngủ đủ giấc và dành thời gian hoạt động thể chất hằng ngày.

7. Lên kế hoạch để giữ an toàn

Bạo hành tinh thần cũng có thể khiến cho căng thẳng ngày càng leo thang. Do đó bạn nên lập kế hoạch để có thể giữ an toàn nếu bạn thấy mình đang bị đe dọa nghiêm trọng hơn. Đặc biệt là khi bạn cảm thấy rằng bạo hành tinh thần có thể dẫn tới bạo hành thể chất.

Bạn nên tìm một nơi an toàn để đi đến và có một người để cầu cứu mỗi khi bị bạo hành. Ngoài ra cần nắm được cách để nhờ pháp luật can thiệp trong các trường hợp cần thiết. Kế hoạch giữ an toàn cũng có thể bao gồm cả việc luôn mang theo chìa khóa xe cộ hay giữ cho điện thoại di động luôn đầy pin và ở trong tầm với mọi lúc.

8. Thiết lập ranh giới cá nhân với cha mẹ

Đối với bất cứ mối quan hệ nào, bạn hoàn toàn có quyền đặt ra ranh giới. Nếu cảm thấy an toàn, bạn hãy ngồi xuống và trao đổi thẳng thắn với cha mẹ rằng bạn chấp nhận hay không chấp nhận các hành vi nào. Khi giải thích về các ranh giới mà bản thân đặt ra thì bạn nên xem xét xem nếu cha mẹ phớt lờ thì điều gì sẽ xảy ra.

Một số cha mẹ bạo hành có thể sẽ không tôn trọng ranh giới cá nhân của bạn. Nếu điều này xảy ra thì bạn cũng đừng cảm thấy có lỗi khi đã thực hiện lời cảnh báo của mình. Quan trọng là bạn cần làm đúng những gì bản thân đã cảnh báo. Bởi kiểu đe dọa suông sẽ càng hạ thấp uy tín của bạn với cha mẹ bạo hành.

9. Can thiệp trị liệu tâm lý

Như đã phân tích, bạo hành tinh thần có thể gây ra rất nhiều tổn hại về mặt tâm lý. Nếu không được điều trị kịp thời, bạn có nhiều nguy cơ bị hạ thấp lòng tự trọng. Hơn nữa, bạn còn có thể gặp khó khăn trong việc hình thành các mối quan hệ lành mạnh khác. Đặc biệt là tiềm ẩn nguy cơ gặp phải các rối loạn tâm lý – tâm thần.

trị liệu tâm lý cho trẻ bị cha mẹ bạo hành tinh thần
Trong các trường hợp cảm thấy cần thiết, hãy tìm gặp chuyên gia tâm lý để được giúp đỡ

Trên thực tế, rất khó để phá bỏ những niềm tin cũng như lối suy nghĩ tiêu cực do cha mẹ bạo hành tinh thần con cái gây ra. Tuy nhiên, một chuyên gia tâm lý có thể giúp cho quá trình này diễn ra dễ dàng hơn.

Hãy chủ động tìm gặp chuyên gia tâm lý khi mà bạn cảm thấy cần thiết. Bạn nên chia sẻ cho họ biết những trải nghiệm của mình. Chuyên gia có thể đặt câu hỏi và đưa ra các quan điểm để định hướng cho những buổi trị liệu của bạn.

Chuyên gia tâm lý sẽ giúp bạn giải tỏa cảm xúc tiêu cực và thay đổi các quan niệm méo mó, sai lệch, không phù hợp. Ngoài ra, tâm lý trị liệu còn giúp bạn xây dựng tính cách và các thói quen tốt nhằm có được trải nghiệm cuộc sống trọn vẹn hơn.

Cha mẹ bạo hành tinh thần con cái hiện đang là tình trạng nhức nhối cần được quan tâm nhiều hơn. Nếu bạn là nạn nhân của bạo hành thì cần chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ càng sớm càng tốt. Đồng thời trang bị cho bản thân các kỹ năng cần thiết để giảm thiểu tổn thương tinh thần.

Tham khảo thêm:

5/5 - (2 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *