Bạo Hành Tinh Thần Là Gì? Ảnh Hưởng Như Thế Nào?

Bạo hành tinh thần khó nhận biết hơn so với bạo hành thể xác vì nạn nhân không có những vết tích trên cơ thể. Tuy nhiên, lời nói miệt thị, chì chiết, trách móc gây tổn thương tâm lý nặng nề và khiến nạn nhân rơi vào trạng thái sợ hãi, hoảng loạn.

bạo hành tinh thần là gì
Bạo hành tinh thần là dạng bạo hành phổ biến nhưng ít được quan tâm như bạo hành thể xác

Bạo hành tinh thần là gì? Thực trạng hiện nay

Bạo hành tinh thần là dạng bạo hành phổ biến bên cạnh bạo hành thể xác. Với dạng bạo hành này, nạn nhân không phải đối mặt với các hành vi bạo lực mà liên tục bị tra tấn bởi những lời nói xúc phạm với ngôn từ gay gắt, nặng nề. Trong nhiều trường hợp, kẻ bạo hành sử dụng sự “im lặng” để tra tấn và áp bức tinh thần nạn nhân.

Bạo hành tinh thần có biểu hiện rất đa dạng nhưng đặc điểm chung là gây ra tổn thương sâu sắc về mặt tâm lý. Vì không để lại dấu vết trên cơ thể nên những người xung quanh và ngay cả chính nạn nhân cũng không hề nhận ra mình đang bị bạo hành. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp bị bạo hành cả về tinh thần và thể xác.

Bạo hành dù ở hình thức nào cũng đều là hành vi đáng lên án. Ở các quốc gia Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, mọi người chưa có ý thức về bảo vệ bản thân và lên tiếng trước những hành vi bạo hành. Đây cũng lý do khiến cho tỷ lệ bạo hành tinh thần tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. Ước tính, khoảng hơn 50% nữ giới đã kết hôn bị bạo hành tinh thần bởi bạn đời và người thân bên nhà chồng. Trong đó, 56% trường hợp diễn ra ở nông thôn và khoảng 43% xảy ra ở thành thị.

ads chuyên gia tâm lý bùi thị hải yến tư vấn ngay

Hiện tại, chưa có con số chính xác về tỷ lệ bạo hành tinh thần bởi nhiều nạn nhân không lên tiếng tố cáo. Hậu quả là nạn nhân phải chịu đựng nỗi đau tinh thần, sự tổn thương, phẫn uất, tuyệt vọng và bi quan. Tổn thương về mặt tinh thần chính là nguồn cơn của các bệnh lý tâm thần. Do đó, trang bị hiểu biết về bạo hành tinh thần là điều rất cần thiết.

Dấu hiệu nhận biết bạo hành tinh thần

Bạo hành tinh thần không có dấu hiệu rõ rệt như bạo hành thể xác. Thay vì sử dụng các hành vi bạo lực, kẻ bạo hành dùng lời nói, ngôn từ, biểu cảm và sự im lặng để gây tổn thương tâm lý của nạn nhân. Ngoài ra, một số kẻ dùng hành vi uy hiếp để áp bức tinh thần và gây ra sự đau khổ cho những người xung quanh.

bạo hành tinh thần là gì
Nạn nhân bị bạo hành tinh thần luôn cảm thấy lo lắng, sợ hãi, bất an trước những lời nói miệt thị và trách móc nặng nề

Bạo hành tinh thần có thể xảy ra ở bất cứ mối quan hệ nào từ vợ – chồng, cha mẹ – con cái, bạn bè, người yêu, đồng nghiệp,… Ở mỗi mối quan hệ, dạng bạo hành này sẽ được thể hiện qua nhiều dấu hiệu khác nhau. Trong đó, những dấu hiệu thường gặp nhất bao gồm:

  • Nhận thấy bản thân luôn bất an, lo lắng và đau khổ trước những lời nói tưởng chừng như rất bình thường. Kẻ bạo hành có khả năng thao túng tâm lý tinh vi và luôn sử dụng ngôn từ có mục đích nhằm gây ra cảm giác đau khổ, lo lắng, thất vọng cho nạn nhân.
  • Một số trường hợp kẻ bạo hành luôn có lời nói trách móc, chì chiết và thậm chí là xúc phạm. Lời nói được lặp đi lặp lại khiến nạn nhân bị áp bức tinh thần và suy nghĩ bi quan, tiêu cực về bản thân.
  • Kẻ bạo hành tinh thần luôn nhắc đi nhắc lại lỗi lầm của nạn nhân và đổ lỗi cho nạn nhân trong mọi hoàn cảnh. Nhiều kẻ vô lý cho rằng những xui rủi, biến cố trong cuộc sống đều do nạn nhân gây ra. Mặc dù hiểu rằng đây không phải là lỗi của bản thân nhưng trước những lời nói chì chiết, nạn nhân không thể tránh khỏi sự thất vọng, dằn vặt và đau khổ.
  • Nhiều kẻ cố ý thực hiện các hành vi đe dọa gây hại cho nạn nhân hoặc tự gây hại cho bản thân để áp bức tinh thần những người xung quanh. Tình trạng này thường thấy ở các cặp vợ chồng và các mối quan hệ tình cảm. Một số người có xu hướng tự làm đau bản thân để đối phương chiều theo ý muốn nhưng không hề nhận ra đây chính là hành vi bạo hành tinh thần.
  • Thường xuyên la hét, cáu kỉnh, quát nạt và la mắng vô cớ. Dấu hiệu này thường xảy ra trong mối quan hệ vợ chồng, cha mẹ – con cái hoặc mối quan hệ tình cảm.
  • Một số kẻ bạo hành lựa chọn im lặng, “chiến tranh lạnh” để gây ra sức ép và làm tổn thương đối phương. Tình trạng này thường gặp ở mối quan hệ giữa vợ và chồng. Ngoài việc giữ im lặng, một số kẻ còn cố ý thờ ơ với gia đình, không mảy may quan tâm đến con cái và người thân. Dưới sự áp bức, nạn nhân đành phải thỏa hiệp và thực hiện các hành vi theo mong muốn của kẻ bạo hành.
  • Luôn có từ ngữ sai khiến, thao túng để nạn nhân trở nên lo lắng, bi quan, buồn bã, từ đó thực hiện những hành vi theo mong muốn của kẻ bạo hành.
  • Cha mẹ bạo hành tinh thần con cái thường thể hiện qua những dấu hiệu như la mắng trẻ thường xuyên, vô cớ, kiểm soát con cái quá mức, đổ lỗi cho con trong mọi hoàn cảnh, ích kỷ và áp đặt con trẻ. Một số bậc phụ huynh luôn nhấn mạnh việc con là kẻ vô dụng, thất bại để trừng phạt con vì không đạt kết quả học tập như kỳ vọng.
  • Trong môi trường công sở, bạo hành tinh thần được thể hiện qua hành vi tẩy chay, cô lập, chèn ép và chơi xấu. Ngoài ra, kẻ bạo hành cũng cố ý sử dụng ngôn từ có tính chất cực đoan, thô thiển để gây tổn thương tâm lý của nạn nhân.
  • Kẻ bạo hành tinh thần có thể khéo léo thao túng tâm lý của nạn nhân. Lúc này, nạn nhân hoàn toàn mất đi sự sáng suốt trong cách nhìn nhận và đánh giá. Thay vì nhận ra vấn đề nằm ở đối phương thì nạn nhân luôn nhận lỗi về bản thân. Đồng thời luôn tự dằn vặt, đau khổ, bi quan và lo lắng.
  • Một hình thức bạo hành tinh thần mới xuất hiện trong những năm gần đây là bắt nạt trực tuyến. Nạn nhân bị áp bức tinh thần do kẻ bạo hành nhắn tin quầy rấy, đe dọa hoặc bị tung các clip, hình ảnh lên mạng với mục đích nhục mạ danh dự, nhân phẩm.
  • Bạo hành tinh thần được thể hiện qua nhiều hành vi khác nhau nhưng nhìn chung đều gây ra sự đau khổ, lo lắng, bồn chồn, dằn dặt và tội lỗi cho nạn nhân. Những cảm xúc tiêu cực thôi thúc nạn nhân trừng phạt bản thân bằng các hành vi tự gây tổn thương. Thậm chí, nhiều người trở nên hoảng loạn, sống khép kín và ít giao tiếp do khủng hoảng tinh thần.

Bạo hành tinh thần có biểu hiện rất đa dạng và khó nhận biết. Nhiều nạn nhân không hề nhận ra bản thân đang bị bạo hành và thao túng. Một số nạn nhân nhận ra sự bất thường và chia sẻ điều này với những người xung quanh. Tuy nhiên, mọi người thường cho rằng nạn nhân đang quá nhạy cảm. Điều này khiến cho nạn nhân bị bạo hành trong một thời gian dài và bị khủng hoảng sâu sắc về mặt tâm lý.

Nguyên nhân dẫn đến bạo hành tinh thần

Bạo hành tinh thần để lại những hậu quả nghiêm trọng không thua kém bạo hành thể xác. Theo các chuyên gia tâm lý, dạng bạo hành này có liên quan đến những yếu tố sau đây:

1. Tư tưởng phong kiến

Nước ta bị ảnh hưởng sâu sắc bởi tư tưởng phong kiến của Trung Quốc. Tư tưởng này đề cao nam giới, coi nhẹ vai trò, địa vị và quyền lợi của nữ giới. Ngoài ra, tư tưởng phong kiến cũng mang đến cho người đứng đầu trong gia đình nhiều quyền lợi và có quyền quyết định cuộc sống của vợ, con cái và cháu chắt.

bạo hành tinh thần là gì
Tư tưởng phong kiến khiến phụ nữ trở thành nạn nhân của bạo hành tinh thần

Hiện nay, tư tưởng phong kiến đã dần được xóa bỏ và thay vào đó là tư tưởng hiện đại, đề cao sự công bằng và văn minh. Tuy nhiên, vẫn có không ít người giữ tư tưởng cổ hủ này. Phần lớn những người theo tư tưởng phong kiến đều có tính gia trưởng, hiếu thắng, trọng nam khinh nữ,…

Tư tưởng này khiến nam giới tự cho bản thân quyền bạo hành tinh thần đối với vợ và con cái. Kẻ bạo hành có thể sử dụng lời nói, hành vi uy hiếp hoặc sự im lặng để gây áp lực lên tinh thần của nạn nhân.

2. Quan niệm giáo dục không đúng đắn

Cha mẹ Việt luôn cho rằng, bố mẹ ban cho con cái sự sống nên có quyền quyết định thay cho trẻ. Quan niệm giáo dục này chính là nguồn cơn của bạo hành tinh thần cùng với các vấn đề tiêu cực như kỳ vọng vào con cái quá nhiều, kiểm soát, áp đặt con trẻ và thiếu sự thấu hiểu – lắng nghe.

Vì cho rằng bản thân có uy quyền đối với con cái nên những bậc phụ huynh này “vô tư” làm tổn thương trẻ bằng những lời trách móc, chì chiết và thậm chí sử dụng những từ ngữ nặng nề. Bố mẹ xem đây là hình phạt vì trẻ không nghe lời hoặc không đạt được kết quả cao trong học tập.

Quan niệm giáo dục không đúng đắn sẽ khiến trẻ khó phát triển lành mạnh. Thậm chí, nhiều trường hợp con cái thù ghét cha mẹ vì bị áp bức tinh thần trong một thời gian dài và luôn cảm thấy mệt mỏi, nặng nề trong chính gia đình của mình.

3. Đặc điểm tính cách

Ngoài hai nguyên nhân trên, các chuyên gia tâm lý cũng chỉ ra những người có tính cách cứng nhắc, bảo thủ, ích kỷ, thiếu đồng cảm và không được nuôi dưỡng tình yêu thương sẽ có khả năng trở thành kẻ bạo hành tinh thần.

Bên cạnh đó, người phát triển các dạng nhân cách méo mó như rối loạn nhân cách ái kỷ, rối loạn nhân cách kịch tính và rối loạn nhân cách chống đối xã hội cũng có thể bạo hành tinh thần người khác để đạt được mục đích của bản thân.

Những đối tượng dễ bị bạo hành tinh thần

Tương tự như bạo hành thể chất, bạo hành tinh thần có thể xảy ra với bất kỳ ai. Trong đó, đa phần nạn nhân là những người yếu thế như trẻ em, phụ nữ và người cao tuổi. Nhóm đối tượng này không có sức mạnh và tiếng nói nên thường lựa chọn cách nhẫn nhịn, chịu đựng trước các hành vi bạo lực.

bạo hành tinh thần
Trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao bị bạo hành tinh thần

Những đối tượng có nguy cơ cao bị bạo hành tinh thần:

  • Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhút nhát, thiếu tự tin, không có ngoại hình và kết quả học tập không cao
  • Phụ nữ đã kết hôn, gặp chủ yếu ở nữ giới nội trợ, thiếu tự chủ tài chính và tính cách hiền lành, chịu đựng
  • Người cao tuổi
  • Nhân viên mới, người không có vị thế, hoàn cảnh gia đình khó khăn và năng lực không quá nổi bật sẽ là đối tượng dễ bị bạo hành tinh thần trong môi trường làm việc.
  • Người có tính cách yếu đuối, phụ thuộc dễ trở thành nạn nhân của bạo hành lời nói, tinh thần khi bước vào mối quan hệ tình cảm.

Những người có quyền thế, ngoại hình và năng lực ít khi trở thành nạn nhân của bạo hành tinh thần. Tuy nhiên, những đối tượng này cũng có thể bị bạo hành bởi người có quyền thế hơn (người chồng, bố mẹ, cấp trên).

Bạo hành tinh thần gây ra những ảnh hưởng gì?

Bạo hành tinh thần đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện đại. Dạng bạo hành này để lại tổn thương sâu sắc không thua kém bạo hành thể xác. Những lời nói chì chiết, trách móc và miệt thị có thể khiến tinh thần nạn nhân bất ổn.

Những người có tính cách yếu đuối và thiếu kinh nghiệm sống (trẻ em, phụ nữ,…) có thể bị khủng tâm lý, hoảng loạn và sợ hãi quá mức. Trong đó, nhiều trường hợp bị trầm cảm, rối loạn lo âu, mất ngủ,… do bị bạo hành tinh thần trong một thời gian dài.

Ngoài những ảnh hưởng về mặt tâm lý, bạo hành tinh thần còn gây méo mó nhân cách – nhất là với trẻ đang trong quá trình phát triển. Trẻ được nuôi dạy bởi cha mẹ độc hại, thường xuyên bạo hành tinh thần và lời nói sẽ lặp lại cách giáo dục này đối với thế hệ sau. Liên tục chịu đả kích về tinh thần cũng khiến cho con trở nên u uất, thù hằn gia đình, không được nuôi dưỡng tình yêu thương, không biết cách chia sẻ, thấu hiểu và đồng cảm.

hệ quả của bạo hành tinh thần
Nạn nhân bạo hành tinh thần sẽ phải đối mặt với tổn thương tâm lý dai dẳng và sâu sắc

Bên cạnh đó, bạo hành tinh thần còn là nguồn cơn dẫn đến ly hôn, ly thân, gia đình tan vỡ,… Trong môi trường làm việc, dạng bạo hành này khiến công việc bị trì trệ và mọi người không được phát triển trong môi trường lành mạnh. Dần dần ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc tổng thể, giảm lợi nhuận và cản trở sự phát triển của tổ chức, doanh nghiệp. Đây cũng là lý do các công ty lớn rất xem trọng môi trường làm việc và sự công bằng, văn minh trong cách ứng xử.

Trong tình huống xấu nhất, nạn nhân có thể lựa chọn tự sát để giải thoát bản thân khỏi tủi nhục và đau khổ. Có thể thấy, bạo hành tinh thần để lại những hậu quả vô cùng nặng nề. Để bảo vệ chính mình, bản thân mỗi người cần phải mạnh mẽ, bình tĩnh tìm ra giải pháp nhằm vượt qua những hành vi bạo hành.

Cách giúp bạn vượt qua bạo hành tinh thần

Bạo hành tinh thần đã trở thành vấn đề lớn của xã hội trong cuộc sống hiện đại. Dạng bạo hành này rất khó phát hiện vì nạn nhân thường là những người có học vấn và địa vị cao. Hiện nay, pháp luật đã có quy định về hình phạt cho những kẻ bạo hành tinh thần. Vì vậy, nạn nhân cần mạnh mẽ để tìm lại sự công bằng cho bản thân.

Dưới đây là một số cách nạn nhân có thể áp dụng để vượt qua bạo hành tinh thần:

1. Đề nghị đối phương dừng việc bạo hành tinh thần

Đặc điểm chung của những nạn nhân bị bạo hành tinh thần là luôn nhẫn nhịn và chịu đựng. Tuy nhiên, phản ứng này sẽ khiến cho kẻ bạo hành ngày càng lấn lướt và gia tăng các hành vi của mình. Do đó, việc đầu tiên nạn nhân cần làm là đề nghị đối phương chấm dứt các hành vi bạo hành tinh thần.

Đối phương có thể không chấp nhận đây là những hành vi bạo hành và cố ý thao túng tâm lý. Vì vậy, bạn cần tỉnh táo, mạnh mẽ và quyết đoán để lấy lại công bằng cho bản thân. Sự dứt khoát của bạn sẽ khiến đối phương phải dè chừng và chừng mực hơn trong lời nói của mình.

vượt qua bạo hành tinh thần
Nên đề nghị đối phương chấm dứt ngay các hành vi bạo hành trước khi can thiệp các biện pháp mạnh hơn

Trong nhiều trường hợp, bản thân kẻ bạo hành hoàn toàn không nhận ra hành vi của mình là bất thường. Trường hợp này xảy ra chủ yếu ở mối quan hệ vợ – chồng và bố mẹ – con cái. Bố mẹ thường chỉ trích, trách móc khi con không đạt được kết quả tốt và mặc định con vô dụng, yếu kém nên không thể thành công trong cuộc sống.

Tương tự, người chồng luôn có những lời nói xem nhẹ và coi thường người vợ. Một số người cố ý giữ im lặng khi vợ có những hành vi khiến họ không hài lòng. “Chiến tranh lạnh” khiến tinh thần của người vợ bị áp bức, bất ổn và tổn thương.

Đối với những trường hợp trên, bạn cần trò chuyện thẳng thắn với người thân để họ hiểu rằng, những lời nói tưởng chừng như rất bình thường khiến cho bạn bị tổn thương sâu sắc. Ngoài ra, nên chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ của bản thân để được bạn đời và gia đình thấu hiểu. Tuy nhiên, cách này không phải lúc nào cũng mang lại kết quả bởi tư tưởng phong kiến và quan niệm giáo dục sai lệch đã in sâu trong tiềm thức.

2. Chấm dứt mối quan hệ với kẻ bạo hành

Nếu đối phương không có động thái thay đổi hoặc bạn cảm thấy không thể tiếp tục mối quan hệ, hãy chủ động chấm dứt với kẻ bạo hành. Thống kê cho thấy, tỷ lệ các trường hợp ly hôn do bạo hành tăng lên đáng kể. Mặc dù sự đổ vỡ trong hôn nhân ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến con cái nhưng điều này vẫn tốt hơn nếu để con sống trong môi trường thiếu lành mạnh.

Khi quyết định chấm dứt mối quan hệ với kẻ bạo hành, bạn cần mạnh mẽ và dứt khoát. Tuyệt đối không nên nhẹ dạ và yếu đuối trước sự níu kéo của đối phương. Bởi việc quay lại với kẻ bạo hành sẽ khiến bạn tiếp tục phải đối mặt với những lời nói, hành vi tương tự trong tương lai.

bạo hành tinh thần
Nên xem xét chấm dứt mối quan hệ với kẻ bạo hành tinh thần để hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn

Ở khía cạnh tình cảm và hôn nhân, bạn có thể dễ dàng chấm dứt mối quan hệ. Tuy nhiên nếu người bạo hành là bố mẹ, việc chấm dứt thực sự không dễ dàng – nhất là khi bạn đang sống phụ thuộc vào gia đình.

Trong trường hợp này, bạn nên trò chuyện để bố mẹ hiểu hơn về tâm lý, suy nghĩ và cảm xúc của bản thân. Đồng thời bày tỏ nguyện vọng mong muốn bố mẹ thay đổi lời nói và cách ứng xử với con cái. Nếu đã tự lập về tài chính, bạn có thể dọn ra ở riêng nếu bố mẹ không chấm dứt các hành vi bạo hành tinh thần.

3. Tìm kiếm sự giúp đỡ của người thân, bạn bè

Trong nhiều trường hợp, kẻ bạo hành có thể không chấp nhận thỏa hiệp với yêu cầu của bạn và tiếp tục những lời nói, hành vi gây bạo hành tinh thần. Trong trường hợp này, bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ của người thân và bạn bè.

Những người xung quanh sẽ giúp bạn nhìn nhận sự việc một cách đúng đắn, suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định và mạnh mẽ hơn với kẻ đã bạo hành bản thân. Nếu người bạo hành là bố mẹ, bạn có thể chia sẻ với thầy cô và bạn bè. Nhà trường sẽ có biện pháp giúp bạn ổn định tâm lý, đồng thời trao đổi với gia đình để bố mẹ thay đổi cách giáo dục sai lệch và chấm dứt những hành vi gây tổn thương tinh thần con cái.

Thực tế, nhiều người hoàn toàn không có khái niệm về bạo hành tinh thần. Hiểu biết hạn chế khiến họ không biết cách chia sẻ, thấu hiểu và cho rằng nạn nhân đang nhạy cảm quá mức. Tình trạng này khiến cho nạn nhân trở nên yếu đuối, thiếu tự tin và tiếp tục nhẫn nhịn các hành vi bạo hành. Vì vậy, bạn nên lựa chọn những người đáng tin cậy và có hiểu biết để chia sẻ vấn đề này.

4. Can thiệp pháp luật khi cần thiết

Pháp luật đã có những quy định rõ ràng về hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm,… gây tổn thương tâm lý và tinh thần người khác. Tùy theo mức độ của hành vi, kẻ bạo hành có thể phải đóng phạt hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm. Trong trường hợp đối phương không thỏa hiệp và liên tục có những hành vi bạo lực tinh thần, bạn nên báo công an để được hỗ trợ.

Để thuận tiện cho quá trình điều tra, bạn nên thu thập chứng cứ về hành vi bạo hành (tin nhắn, clip, file ghi âm,…). Nếu đối phương liên tục uy hiếp, bạn cũng cần nhờ pháp luật bảo vệ để tránh các hành vi hung hãn của kẻ bạo hành.

Rất nhiều trường hợp nạn nhân đã chấm dứt mối quan hệ nhưng kẻ bạo hành vẫn đeo bám. Trong trường hợp này, bạn nên nhờ sự can thiệp của luật pháp để tránh những tình huống đáng tiếc. Bên cạnh đó, nên dọn về sống với gia đình, bạn bè hoặc những người thân khác để đảm bảo an toàn.

5. Nỗ lực hoàn thiện bản thân

Người bị bạo lực tinh thần luôn cho rằng bản thân không có năng lực, yếu kém, thiếu tự tin và bi quan. Đây là hậu quả do những lời nói trách móc, chì chiết và xúc phạm. Vì vậy sau khi vượt qua bạo hành tinh thần, bạn nên nỗ lực hoàn thiện bản thân để tự tin hơn trong cuộc sống.

cách thoát khỏi bạo hành tinh thần
Cần nỗ lực hoàn thiện bản thân sau khi vượt qua bạo hành tinh thần

Ngoài ra, có năng lực cũng sẽ giúp bạn dễ dàng tìm kiếm việc làm, tự chủ tài chính và có tiếng nói khi lập gia đình. Đối với trường hợp bị gia đình bạo hành, nỗ lực hoàn thiện bản thân sẽ giúp bạn gây ấn tượng với bố mẹ và thoát khỏi sự chì chiết, trách móc. Ngoài ra, khi có đủ năng lực, bạn cũng sẽ dễ dàng tìm kiếm công việc và dọn ra ở riêng để tránh khỏi hành vi bạo hành từ những người thân trong gia đình.

6. Chăm sóc sức khỏe tinh thần

Tâm lý sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau khi trải qua bạo hành tinh thần. Vì vậy, bạn cần có các biện pháp chăm sóc, thư giãn để ổn định tâm lý. Phục hồi sức khỏe tinh thần giúp bạn thoải mái, tự tin hơn trong cuộc sống và có động lực vượt qua những khó khăn, thử thách.

Đầu tiên, cần chăm sóc sức khỏe thể chất, đảm bảo ăn uống điều độ và sinh hoạt khoa học. Thể trạng khỏe mạnh sẽ nâng đỡ tinh thần vượt qua những tổn thương và bất ổn do bạo hành gây ra. Ngoài ra, bạn cũng nên dành thời gian cho các hoạt động thư giãn như xoa bóp, ngồi thiền, tập thể dục, dùng trà thảo mộc,… để giải tỏa tâm trạng và tìm lại sự cân bằng.

7. Chữa lành tổn thương bằng liệu pháp tâm lý

Thực tế, có không ít người bị tổn thương tâm lý sâu sắc do bạo hành tinh thần. Tổn thương có thể phát triển dẫn đến các vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu, hội chứng Self-Harm, rối loạn nhân cách,… Do đó, bạn nên can thiệp liệu pháp tâm lý trong trường hợp cần thiết.

Liệu pháp tâm lý giúp ổn định tinh thần và giải tỏa cảm xúc. Ngoài ra, chuyên gia cũng sẽ giúp bạn học cách kiểm soát cảm xúc cá nhân, trang bị kỹ năng sống và thích ứng với những khó khăn trong cuộc sống. Nếu đang là học sinh, bạn có thể đến các phòng tư vấn tâm lý học đường để được hỗ trợ. Hoặc cũng có thể chia sẻ với thầy cô giáo về tình trạng bản thân đang phải đối mặt để được hỗ trợ.

ads chuyên gia tâm lý cao kim thắm

Bạo hành tinh thần là một dạng bạo hành phổ biến nhưng ít khi được quan tâm. Dạng bạo hành này gây ra những hậu quả nặng nề không thua kém bạo hành thể xác. Chính vì vậy, bản thân nạn nhân cần mạnh mẽ vượt qua để hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tham khảo thêm:

5/5 - (3 bình chọn)

Bình luận

  1. Lê Thanh Hương says: Trả lời

    Tôi bị chính mẹ đẻ bạo hành tinh thần từ khi tôi biết và cho đến giờ hơn 40 tuổi vẫn ko dừng , đau đớn hơn là do bà là mẹ đẻ tôi nên tôi càng giấu, vì càng giấu cho lên bà càng làm tới và đến giờ là cháu gái con của em trai tôi cũng bị bà đánh đập chửi bới và cấm ko đc mở mồm ra nói vs ai !

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *