Bệnh động kinh ở trẻ em: Cách chăm sóc và điều trị hiệu quả

Dựa vào số liệu thống kê của tổ chức y tế Thế giới WHO cho biết, động kinh là căn bệnh đang ảnh hưởng rộng rãi đến các nước châu Á, châu Phi, tỉ lệ chiếm từ 0,5 đến 2%. Trong số đó, tỉ lệ bệnh động kinh ở trẻ em đã chiếm đến 0,35% và gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe, đời sống của trẻ nhỏ. 

Bệnh động kinh ở trẻ em
Động kinh là căn bệnh phổ biến có thể xuất hiện ở bất kì đối tượng nào, nhất là trẻ em

Tìm hiểu về bệnh động kinh

Động kinh là căn bệnh phổ biến về sự rối loạn từng cơn chức năng của hệ thống thần kinh trung ương do tình trạng phóng điện quá ngột đột và nhất thời của những tế bào thần kinh ở não bộ. Người bị động kinh thường có các biểu hiện đặc trưng như có tính chất định hình thường xuyên lặp đi lặp lại nhiều lần, các cơn động kinh xảy ra ngắn hạn và đột ngột, rối loạn các chức năng của thần kinh trong cơn, ở điện não đồ sẽ xuất hiện các đợt sóng kịch phát.

Bệnh động kinh có thể khởi phát ở bất kì đối tượng nào, không phân biệt giới tính hay độ tuổi, từ trẻ em cho đến người già cao tuổi đều có nguy cơ mắc phải chứng bệnh này. Tuy nhiên, tùy vào từng độ tuổi khác nhau mà tỉ lệ mắc bệnh động kinh cũng có sự chênh lệch. Đồng thời, nguyên nhân gây bệnh cũng góp phần làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ở mỗi đối tượng khác nhau.

Dựa theo kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu về lĩnh vực thần kinh của thiếu nhi tại nước ta thì bệnh động kinh ở trẻ em là một căn bệnh khá phổ biến và có tính chất rất phức tạp. Bệnh lý này bao gồm các cơn giật và co giật ở nhiều mức độ khác nhau.

Theo chia sẻ của các nhà khoa học thì hiện nay, tỉ lệ trẻ em mắc bệnh tăng động chiếm đến gần 50,5% xuất hiện các triệu chứng trước 10 tuổi và khoảng 75% các trường hợp trước 20 tuổi và có nhiều xu hướng gia tăng mạnh mẽ sau tuổi 60. Tỉ lệ mắc bệnh động kinh trung bình chiếm từ 0,15 đến 0,31%. Trong đó người châu Á chiếm 0,36%, Nhật Bản chiếm 0,17%, Thái Lan chiếm 0,72%. Còn ở nước ta thì tỉ lệ mắc bệnh chiếm từ 0,5 đến 1%, đặc biệt trong đó trẻ em chiếm đến 60% các trường hợp mắc bệnh.

Bệnh động kinh ở trẻ em – Nguyên nhân do đâu?

Đối với những trường hợp trẻ em mắc bệnh động kinh có thể do ảnh hưởng của rất nhiều các yếu tố khác nhau. Theo tìm hiểu và nghiên cứu thì các chuyên gia cũng đã chỉ ra một số nguyên nhân thường gặp như sau:

Bệnh động kinh ở trẻ em
Bệnh động kinh ở trẻ em có thể liên quan đến yếu tố di truyền.
  • Do di truyền: Các chuyên gia chia sẻ rằng, bệnh động kinh có cơ chế di truyền theo nhiều chiều hướng khác nhau, có thể di truyền lặn hoặc di truyền trội trên các nhiễm sắc thể thông thường. Trong một vài nghiên cứu được thực hiện gần đây cho thấy, động kinh sơ sinh có tính chất gia đình lành tính thường sẽ có sự thay đổi ở nhiễm sắc thể số 20.
  • Do một vài yếu tố diễn ra trước khi sinh: Trong quá trình mang thai, mẹ bầu bị chấn thương, ngộ độc thuốc, nhiễm độc chì nặng hoặc thai nhi bị hẹp hộp sọ cũng có thể là lý do khiến nhiều trẻ em bị động kinh.
  • Do các yếu tố diễn ra sau sinh: Điển hình như nhiễm trùng thần kinh (viêm màng não, viêm não do virus, vi khuẩn), di chứng tổn thương não thời sinh ( chấn thương sọ não, chảy máu não – màng não), suy hô hấp nặng do nhiều tác động khác nhau hoặc bệnh chuyển hóa tiến triển.
  • Do các yếu tố diễn ra trong quá trình sinh nở: Trẻ sinh non dưới 37 tuần, hạ đường huyết máu sau sinh mức độ nặng có kèm theo suy hô hấp nghiêm trọng, trẻ sinh ra nhẹ cân (dưới 2,5kg), trẻ bị ngạt trong quá trình sinh nở. Hoặc thai phụ có thực hiện các biện pháp can thiệp sản khoa như hút thai, kẹp thai, đẻ chỉ huy. Những đứa trẻ bị vàng da nhân não cũng có nguy cơ bị động kinh sau đó. Một số trường hợp phổ biến như vàng da sơ sinh sớm (xuất hiện từ 1 đến 3 ngày) có kèm theo các triệu chứng thần kinh như tím tái, bỏ bú, hôm mê, co giật.
  • Không rõ cụ thể nguyên nhân: Trong thực tế có không ít các trường hợp trẻ nhỏ bị động kinh không xác định được chính xác về nguyên nhân gây bệnh.

Nhận biết trẻ em bị động kinh

Các biểu hiện của bệnh động kinh ở trẻ em thường xuất hiện một cách đột ngột, nhất thời và có rất nhiều các triệu chứng khác nhau. Trong đó bao gồm các rối loạn vận động như co giật, co cứng, mất trương lực, mất động tác chủ động, đánh trống ngực, tăng tiết nước bọt, đái dầm,….

Ngoài ra, người bệnh còn có thể kèm theo các chứng rối loạn cảm giác (chóng mặt, ù tai, nhìn mờ, kim châm, có cảm giác như kiến bò trên da thịt, cảm giác như có luồng điện đang chạy qua người,…), rối loạn tâm thần (rối loạn hành vi, sợ hãi, lo lắng, trầm cảm, bồn chồn, mất trí nhớ, chậm phát triển tinh thần,…).

Bệnh động kinh ở trẻ em
Các cơn động kinh của trẻ nhỏ thường xuất hiện một cách đột ngột.

Bên cạnh đó, người bệnh còn có những biểu hiện cụ thể như sau:

1. Cơn động kinh toàn bộ

  • Cơn giật cơ: Là những động tác co giật cơ ngắn, giống như tia chớp, đối xứng hai bên làm cho trẻ nhỏ không thể đứng vững, dễ ngã không kèm theo rối loạn ý thức.
  • Cơn vắng ý thức: Đây là những cơn rối loạn hoặc bị mất ý thức tạm thời xảy ra trong một thời gian ngắn. Người bệnh sẽ bất động, mắt lờ đờ, nhìn xa xăm, mơ màng, các hoạt động mà trẻ đang thực hiện đều sẽ bị ngắt quãng. Đồng thời, trẻ nhỏ cũng có thể bị vắng ý thức kèm theo các cơn co giật (như giật miệng, mí mắt), tăng trương lực (trẻ ưỡn người và ngửa đầu ra sau, nhãn cầu đảo ngược), kèm mất trương lực tư thế (trẻ gập đầu và cả thân mình), hiện tượng tự lặp đi lặp lại các cử động thông thường. Ngoài ra, một số trẻ còn kèm theo một vài yếu tố thực vật làm cho trẻ bị rối loạn vận mạch, thay đổi về hoạt động hô hấp, đồng từ giãn nở, đái dầm.
  • Cơn tăng trương lực: Xuất hiện các cơn co cứng cơ nhưng không kèm theo triệu chứng rung cơ. Thường cơn tăng trương lực sẽ kéo dài trong khoảng vài giây cho đến 1 phút hoặc có kèm theo các rối loạn ý thức cùng với rối loạn thực vật.
  • Cơn mất trương lực: Nếu cơn mất hoặc giảm trương lực chỉ xảy ra trong thời gian ngắn thì sẽ gây ra hiện tượng gấp người hay gục đầu về phía trước. Tuy nhiên, nếu thời gian kéo dài hơn thì trẻ sẽ có nguy cơ bị té ngã trong tình trạng các cơ mềm nhũn hoàn toàn.
  • Cơn co cứng – co giật (cơn lớn): Lúc đầu trẻ sẽ dần bị mất ý thức, cơ co cứng. Sau đó các triệu chứng giảm dần nhưng có kèm theo những rối loạn thần kinh thực vật như tăng huyết áp, gia tăng nhịp tim, đỏ mặt, đồng tử giãn nở và có thể cắn trúng lưỡi. Tiếp đến là xuất hiện cơn co giật ở hai bên một cách đột ngột, lúc này có thể bị ngừng hô hấp. Cơn co cứng – co giật có thể kéo dài từ vài phút cho đến vài giờ liền. Trẻ sẽ trở nên bất động, u ám ý thức, giảm cơ lực, giãn cơ hoàn toàn, thở hổn hển, đái dầm, gia tăng tiết đờm dãi, ý thức dần cải thiện, đau đầu, nhức người.

2. Cơn động kinh cục bộ

  • Cơn cục bộ đơn giản vận động: Trẻ sẽ bị co giật ở ngón chân, ngón tay, nửa mặt, nửa người nhưng không bị mất ý thức. Đồng thời, nhiều trẻ có thể quay đầu, quay mắt, quay người và giơ tay giống với việc trẻ đang nhìn và nắm tay của mình. Một số trẻ cũng có thể không nói, không phát âm được.
  • Cơn cục bộ đơn giản với triệu chứng thực vật: Trẻ nhỏ có thể cảm thấy buồn nôn, gia tăng tiết nước bọt, nhai, nuốt. Đồng thời, trẻ bị động kinh cũng có thể cảm thấy khó thở, đánh trống ngực, nóng, xanh, tái, xung huyết, đái dầm.
  • Cơn cục bộ đơn giản giác quan, cảm giác: Trẻ nhỏ sẽ bị rối loạn cảm giác thân thể đối bên (kim châm, kiến bò, có cảm giác đau như bị giật điện). Nhiều trẻ sẽ bị ảo giác (ánh sáng xuất hiện lờ mờ, điểm sáng, tia sáng, các hình ngôi sao) hoặc có thể không nhìn thấy hoàn toàn (bị mù, bán manh). Trẻ có cảm giác như có tiếng động bên tai, bị ù tai, nghe thấy tiếng huýt sáo. Trẻ còn ngửi thấy mùi khó chịu, kì lạ. Cảm giác bị chóng mặt, trời đất quay cuồng, bập bềnh, muốn ngã. Trẻ cảm nhận vị chua hoặc đắng ngay miệng và khi nuốt nước bọt.
  • Cơn cục bộ đơn giản với triệu chứng tâm thần: Trẻ nói ngọng hoặc mất khả năng nói. Trẻ còn có thể xuất hiện cảm giác đã sống, đã thấy, chưa bao giờ sống, chưa bao giờ thấy, cảm giác xa lạ hoặc quen thuộc, mộng mị. Đồng thời, các trường hợp bệnh động kinh ở trẻ em còn có thể cảm thấy lo âu, sợ hãi, khó chịu, khủng khiếp.
  • Cơn cục bộ phức tạp: Trẻ bị mất ý thức kèm theo một số động tác tự động miệng như liếm láp, nuốt, nhai, ngoạm. Ngoài ra, trẻ cũng có các động tác bàn tay như gãi, cọ sát, cầm nắm một vật gì đó, cởi cúc áo, cài cúc áo, sắp xếp đồ đạc, lục túi, di chuyển đồ vật. Bên cạnh đó, một số trẻ còn tạo ra âm thanh như tiếng kêu, các từ tượng thanh, nói một hoặc một đoạn câu.

Làm gì khi trẻ lên cơn động kinh?

Các cơn động kinh ở trẻ em thường xuất hiện một cách đột ngột, khó dự đoán trước. Chính vì thế, cha mẹ và người thân cần phải tìm hiểu để biết được cách xử lý tạm thời, giúp hạn chế các ảnh hưởng nguy hiểm khi trẻ bị động kinh.

Khi trẻ xuất hiện tình trạng bị động kinh, việc đầu tiên mà các bậc phụ huynh cần làm là đảm bảo con đang ở một không gian an toàn, xung quanh ít vật cản. Tiếp theo đó, cần thực hiện các động tác sau:

  • Đặt bé nằm xuống sàn nhà
  • Tuyệt đối không được cố gắng kiềm chế các cử động của trẻ.
  • Giúp trẻ nới lỏng quần áo ở khu vực đầu, cổ.
  • Đừng nên cố mở miệng trẻ hoặc đặt một vật nào đó vào giữa răng của con.

Trong thực tế, nhiều người nghĩ rằng để hạn chế việc cắn lưỡi thì nên nhét khăn hoặc cạy miệng trẻ ra khi trẻ xuất hiện cơn động kinh. Tuy nhiên, thực ra phương pháp này lại có nguy cơ làm cho trẻ nhỏ bị ngạt thở. Nếu vô tình bị cắn trúng lưỡi thì lượng máu chảy ra cũng không đáng kể và không gây hại đến tính mạng của người bệnh.

Bệnh động kinh ở trẻ em
Cần bình tĩnh và đảm bảo không gian an toàn khi trẻ xuất hiện cơn động kinh.

Sau khi trải qua cơn động kinh, trẻ nhỏ thường cảm thấy mệt mỏi và vô cùng bối rối. Một số trẻ có thể chìm và giấc ngủ sâu trong vài giờ. Lúc này cha mẹ hãy để trẻ được nghỉ ngơi và thư giãn đầy đủ. Bên cạnh đó, hãy thường xuyên kiểm tra tình trạng của con cho đến khi nhận thấy mọi thứ đã quay lại bình thường.

Khi nhận thấy trẻ có các biểu hiện sau đây thì cần đưa trẻ đến phòng cấp cứu ngay:

  • Trẻ gặp khó khăn khi thở, đường hô hấp mất ổn định.
  • Cơn co giật kéo dài trên 5 phút
  • Khi co giật, trẻ tỏ ra đau đớn.
  • Trẻ không có bất kì phản ứng nào đối với lời gọi của người xung quanh sau khi đã trải qua cơn động kinh khoảng 30 phút.

Thông thường các cơn động kinh ở trẻ em chỉ kéo dài tối đa khoảng 2 phút. Nếu như cơn động kinh vẫn cứ tiếp diễn liên tục sau 5 phút thì có nhiều khả năng nó không thể tự dừng lại. Do đó, cha mẹ cần chú ý quan sát để kịp thời đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ.

Chẩn đoán bệnh động kinh ở trẻ em

Các dấu hiệu cảnh báo bệnh động kinh ở trẻ em cũng khá dễ nhận biết. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cần phải cẩn trọng hơn trong việc chủ động đưa trẻ đến thăm khám và chẩn đoán tại các bệnh viện chuyên khoa uy tín và chất lượng.

Để có thể xác định được một đứa trẻ có đang mắc bệnh động kinh hay không thì cần phải thực hiện các xét nghiệm như sau:

  • Chụp cộng hưởng từ não (MRI)
  • Công thức máu, đường máu, chức năng gan, điện giải đồ, Calci huyết.
  • Điện não đồ có sống đặc hiệu của những thể co giật.

Việc chẩn đoán bệnh động kinh ở trẻ em sẽ được thực hiện dựa trên các tiêu chuẩn sau:

  • Dựa trên những cơn có tính định hướng, các cơn ngắn hạn và lặp đi lặp lại nhiều lần.
  • Rối loạn các chức năng thần kinh về cảm giác và vận động.
  • Rối loạn ý thức trong cơn, ngoại trừ các cơn cục bộ đơn giản.
  • Sau cơn phục hồi nhanh chóng.
  • Kết quả điện não đồ có xuất hiện sóng kích phát của động kinh.

Các biện pháp điều trị động kinh ở trẻ em

Bệnh động kinh ở trẻ em nếu có thể phát hiện sớm và áp dụng tốt các biện pháp can thiệp thì hoàn toàn có thể điều trị thành công. Hiện nay, các bác sĩ chuyên khoa sẽ ưu tiên áp dụng việc dùng thuốc trong thời gian dài kết hợp với những biện pháp phục hồi chức năng để hạn chế việc xảy ra liên tiếp các cơn động kinh.

1. Phục hồi chức năng

1.1 Nguyên tắc

  • Thực hiện can thiệp sớm ngay khi phát hiện và nhận được chẩn đoán mắc bệnh động kinh ở trẻ em bằng việc sử dụng các loại thuốc kháng động kinh cùng với biện pháp phục hồi chức năng, giáo dục tại mẫu giáo và bậc tiểu học.
  • Tiến hành khám và đánh giá về khả năng phát triển vận động, giao tiếp, sử dụng ngôn ngữ, cá nhân xã hội, trí tuệ, nhận thức định kì 6 tháng/ lần. Phụ huynh nên cho trẻ tiến hành thăm khám tại các khoa phục hồi chức năng hoặc những trung tâm phục hồi chức năng có tại địa phương.

1.2 Mục tiêu can thiệp

  • Kích thích sự phát triển các kỹ năng phục vụ cho quá trình sinh hoạt hàng ngày của trẻ nhỏ.
  • Kích thích sự phát triển về khả năng vận động của hai bàn tay.
  • Kích thích sự phát triển trí tuệ và nhận thức của trẻ.
  • Kích thích trẻ phát triển ngôn ngữ, khả năng giao tiếp.

2. Những biện pháp can thiệp sớm

  • Về mặt vận động: Thực hiện các động tác xoa bóp, những kỹ thuật tạo thuận lẫy, bồ, ngồi, đi đứng.
  • Về mặt y tế: Tiến hành xử trí những cơn co giật ở trẻ nhỏ, sử dụng thuốc kháng động kinh.
  • Hoạt động trị liệu: Huấn luyện trẻ về kỹ năng sinh hoạt hàng ngày và những kỹ năng vận động hai bàn tay.
  • Ngôn ngữ trị liệu: Hỗ trợ trẻ nhỏ kích thích quá trình giao tiếp, nâng cao kỹ năng sử dụng ngôn ngữ, diễn đạt, hiểu và truyền tải thông tin bằng lời nói.

3. Xử lý các cơn động kinh ở trẻ nhỏ

Bước 1: Đưa trẻ đến không gian an toàn

Bước 2: Cho trẻ nằm nghiêng sang một bên để tránh tình trạng nuốt phải đờm rãi trong quá trình co giật.

Bước 3: Giúp trẻ nới lỏng quần áo, không giữ hay cố định tay chân của trẻ trong cơn co giật.

Bước 4: Loại bỏ các đồ vật xung quanh có thể khiến trẻ bị tổn thương.

Bước 5: Tránh tụ tập đông người xung quanh trẻ.

Bước 6: Sau cơn co giật hãy để trẻ được nghỉ ngơi và ngủ sâu giấc. Nếu trẻ bị đau đầu thì có thể cho trẻ sử dụng thuốc.

4. Dùng thuốc kháng động kinh

Việc dùng thuốc cần phải có sự chỉ định và hướng dẫn cụ thể của bác sĩ chuyên khoa. Người bệnh hoặc người thân không được tự ý mua thuốc hoặc sử dụng thuốc một cách bừa bãi. Cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ định dùng thuốc của bác sĩ, uống thuốc đúng liều.

Đồng thời, dù trẻ không còn xuất hiện liên tục các cơn động kinh nhưng gia đình cũng không nên tự ý ngừng sử dụng thuốc. Mọi thông tin có liên quan đến thuốc kháng động kinh của trẻ em cần phải có sự tư vấn và hỗ trợ của bác sĩ.

Bài viết trên đây đã giúp bạn đọc hiểu thêm về tình trạng bệnh động kinh ở trẻ em. Đây là một chứng bệnh phổ biến và cần được can thiệp sớm để tránh gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe, đời sống sinh hoạt hàng ngày của trẻ nhỏ.

Tham khảo thêm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *