Bệnh hoang tưởng tự cao: Nguyên nhân và Cách khắc phục
Người mắc bệnh hoang tưởng tự cao thường luôn cho rằng mình là vĩ nhân, thậm chí cho rằng mình là siêu nhân và bất tử. Cái tôi quá lớn kết hợp với những ảo giác xuất hiện khiến những người này dần rời xa với thực tại, có các hành vi gây hại cho bản thân và những người xung quanh. Điều trị bằng thuốc cùng các liệu trình tâm lý trong giai đoạn sớm sẽ mang đến những cải thiện tích cực cho bệnh nhân.
Bệnh hoang tưởng tự cao là gì?
Bệnh hoang tưởng tự cao hay còn được biết đến với cái tên khác là bệnh vĩ cuồng (Grandiose) là một dạng bệnh hoang tưởng. Người này có một niềm tin mãnh liệt không thực tế, hướng tới đề cao bản thân mình một cách thái quá, luôn cho rằng mình là vĩ nhân, là người đứng đầu, thậm chí còn cho rằng mình có năng lực siêu nhiên, là người bất tử, vượt trội hơn tất cả mọi người.
Đây là một dạng rối loạn hoang tưởng dai dẳng, chi phối cả về suy nghĩ, hành vi hay bất cứ mọi vấn đề nào trong cuộc sống của người đó. Đồng thời, các niềm tin phi thực tế này còn kèm theo niềm tin về tôn giáo bất thường, cuồng tín quá mức. Do đó họ thường kèm theo một nỗi lo rằng mình sẽ bị làm hại, đàn áp, bị bắt cóc bởi đang nắm giữ quá nhiều tài năng siêu nhiên.
Theo nghiên cứu, bệnh hoang tưởng tự cao thường xuất hiện ở những người rối loạn lưỡng cực, chiếm khoảng 1% dân số, do đó các triệu chứng này có thể xuất hiện theo từng giai đoạn. Sự ảo tưởng quá mức về bản thân kèm theo những ảo giác xuất hiện khiến người bệnh dần mất kết nối với thực tại, xa rời với thực tế và xuất hiện các hành vi gây nguy hiểm cho chính mình hay những người xung quanh.
Những dạng ảo tưởng tự cao phổ biến
Mỗi cá nhân có thể có những ảo tưởng riêng về bản thân mình, tùy theo đó mà các triệu chứng sẽ có phần khác nhau. Tuy nhiên các dạng này vẫn có các đặc điểm chung là vui vẻ quá mức, khí sắc tăng, suy nghĩ nhanh, có các hành vi bốc đồng và luôn cho rằng mình là số 1, coi thường những người xung quanh. Nói chung là cho rằng năng lực, khả năng của bản thân là vô hạn, có thể làm tất cả mọi thứ.
Cụ thể, một số dạng bệnh hoang tưởng tự cao phổ biến như
- Tin rằng bản thân là người đặc biệt, đảm nhiệm các trọng trách quan trọng không ai làm được, có thể giải cứu cả thế giới, chẳng hạn như chấm dứt các trận chiến, xung đột hay chiến tranh
- Có niềm tin rằng mình có địa vị xã hội cao, là người nổi tiếng, có fan hâm mộ
- Mê tín, cuồng tín, thậm chí cho rằng mình có thể thành lập và lãnh đạo một tôn giáo nào đó
- Cho rằng bản thân bất tử, không điều gì có thể ảnh hưởng đến mạng sống của họ, dù là bệnh tật, chấn thương, kể cả súng đạn
- Tin rằng mình là vĩ nhân vĩ đại nhất, là người thông minh nhất thế giới
- Cho rằng bản thân sở những năng lực siêu nhiên, chẳng hạn điều khiển mưa gió, trò chuyện với động vật hay đọc suy nghĩ người khác
Các dạng bệnh hoang tưởng tự cao này sẽ được hình thành thông qua sự ảnh hưởng từ môi trường sống, xã hội, văn hóa, tín ngưỡng xung quanh. Những ảo tưởng này dần ăn sâu vào tiềm thức, chi phối mọi suy nghĩ, hành vi của người bệnh, kéo họ dần xa rời thực tế cùng rất nhiều vấn đề nghiêm trọng khác.
Dấu hiệu bệnh hoang tưởng tự cao
Bệnh hoang tưởng tự cao vẫn sẽ mang đầy đủ đặc trưng của chứng hoang tưởng như có niềm tin mãnh liệt vào những suy nghĩ của bản thân, vui vẻ quá mức, có các suy nghĩ hay lời nói phi logic, không thể đồng điệu với những người xung quanh nên dần trở nên khép mình.
Cụ thể, một số dấu hiệu điển hình của chứng vĩ cuồng như
- Đề cao bản thân quá mức, tin vào giá trị của bản thân dù thực tế không phải vậy nên cũng có xu hướng coi thường những người xung quanh. Chẳng hạn họ có thể cho mình là thiên tài, là một doanh nhân thành đạt, là người nổi tiếng hay thậm chí là siêu nhân giải cứu thế giới
- Cho rằng mình có một tài năng thiên bẩm nào đó, có sức mạnh siêu nhiên tiềm ẩn nhưng chưa được bộc phát
- Có xu hướng lôi kéo những người khác, tìm kiếm sự ủng hộ thông qua các kênh thông tin đại chúng để thể hiện sự nổi tiếng, khả năng của bản thân
- Vô cùng yêu quý và coi trọng bản thân mình, luôn dùng những từ ngữ tốt đẹp nhất để ca ngợi bản thân
- Khí sắc tăng, lúc nào cũng trong trạng thái hưng phấn, vui vẻ, nói nhanh, nói nhiều liên tục và chỉ xoay quanh bản thân họ hoặc các vấn đề mà họ muốn nói
- Ngủ ít, đặc biệt ở những người trong giai đoạn hưng cảm. Thậm chí người mắc bệnh bệnh hoang tưởng tự cao có thể thức 1- 2 ngày mà không hề cảm thấy mệt mỏi
- Lời nói phi logic, đùa cợt, chơi chữ và xấc láo, có thể chuyển nhanh chóng từ chủ đề này sang chủ đề khác.
- Nếu mọi người thờ ơ, không lắng nghe hay có ý định phản bác có thể trở nên kích động, tức giận vì cho rằng họ dám chống lại mình. Tuy nhiên một số khác sẽ tỏ ra thờ ơ, không quan tâm đến người đó hoặc dù những lời nói xấc xược để ám chỉ người đó, cho rằng họ đang ganh tỵ với khả năng của mình
- Thường có các biểu cảm thái quá hoặc dễ rơi vào trạng thái quá khích, say mê cuồng quay một vấn đề nào đó, chẳng hạn như tín ngưỡng, tôn giáo
- Luôn cho rằng mọi người xung quanh say mê, tôn sùng, hâm mộ mình
- Có xu hướng thích ứng kém với cuộc sống do thường tự cao thái quá, nói năng không logic hay thường xuyên áp đặt suy nghĩ của bản thân lên những người khác, cho rằng đó là chuẩn mực và ép mọi người cần phải thực hiện theo mình.. Lâu dần những người này trở nên dễ bị cô lập với xã hội, ít quan hệ tình cảm, thậm chí là bị mọi người xa lánh..
- Khó chú ý và khó tập trung vào một vấn đề cụ thể, dễ bị phân tán bởi các vấn đề xung quanh
- Có thể xuất hiện các ảo giác mơ hồ làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống và các hành vi khác của người bệnh
- Các suy tưởng, chấp niệm của người mắc bệnh hoang tưởng tự cao thường phi logic, phi thực tế tuy nhiên không làm cách nào có thể thay đổi được suy nghĩ của họ
- Cư xử bền bỉ, kiên trì để chứng thực rằng sự tự cao hay những ảo tưởng cá nhân của họ là thật
Một số câu chuyện điển hình về những người hoang tưởng tự cao như tự cho mình là chỉ huy quân đội, đã chỉ huy một đội quân đi đánh trận mặc dù còn chưa nhập ngũ ngày nào; hay tự vào tiệm vàng đòi mua cả tiệm vàng để phát cho người nghèo vì ảo tưởng mình là con nhà đại gia, cho mẹ giàu có, không lo về tiền bạc hay cho rằng bàn tay mình có thể chữa khỏi ung thư, HIV dù không am hiểu gì về y học..
Một điều thú vị chính là thực tế, có những người mắc bệnh hoang tưởng tự cao thực sự có trí tuệ cao, có năng lực thuyết phục người khác để họ làm theo những ảo tưởng của mình, không ít trong số đó thậm chí còn tự tạo ra các tôn giáo do chính họ điều hành. Do sự cách li với xã hội và cố chấp với niềm tin của mình, những người này có thể hình thành khả năng tự học, thậm chí có cả thành công trong xã hội trong giai đoạn không bị phát bệnh.
Nguyên nhân mắc bệnh hoang tưởng tự cao
Có khoảng 10% dân số mắc bệnh hoang tưởng tự cao, gặp ở rất nhiều đối tượng, trong đó có rất nhiều trẻ nhỏ, doanh nhân thành đạt, người có địa vị xã hội.. Ngoài ra nghiên cứu cũng chỉ ra, bệnh vĩ cuồng có xu hướng gặp nhiều ở nam giới trẻ tuổi trong khoảng từ 15- 30 tuổi.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh hoang tưởng tự cao, chẳng hạn
- Gặp tai nạn chấn thương đầu nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh và não bộ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân có rất nhiều người trở nên thay đổi hoàn toàn về tính cách, tư duy, thái độ sau các tai nạn chấn thương nghiêm trọng
- Ngộ độc rượu bia do nghiện rượu quá mức hay người nghiện ma túy không chỉ dễ làm nảy sinh những hoang tưởng, ảo giác mà còn gia tăng nguy cơ cao mắc các bệnh tâm thần như cuồng vĩ
- Người ít nói, sống nội tâm, ít chia sẻ nhưng lại phải chịu những áp lực lớn,đặc biệt là dân văn phòng làm các công việc có cường độ cao rất dễ xuất hiện các hoang tưởng về bản thân sau một thời gian dài dồn nén. Đây cũng là nguyên nhân khiến nam giới có xu hướng mắc bệnh cao hơn nữ giới do phái mạnh thường ít nói, ít chia sẻ hơn nữ giới
- Người mắc các vấn đề tâm như rối loạn lưỡng cực, tâm thần phân liệt, rối loạn nhân cách ái kỷ, sa sút trí tuệ Alzheimer hay các rối loạn thần kinh cũng là yếu tố làm thay đổi tư duy, nhận thức, hệ thống não bộ nên sẽ làm nảy sinh các ảo tưởng, ảo giác của người bệnh. Nếu mắc cùng lúc các bệnh này các triệu chứng sẽ nghiêm trọng hơn và việc điều trị cũng khó khăn hơn rất nhiều.
- Theo các chuyên gia, bệnh hoang tưởng tự cao ở trẻ em có thể bắt nguồn từ chính việc cha mẹ lúc nào cũng tâng bốc con quá đà, quá nuông chiều, cho con tiếp xúc quá nhiều với internet với các kênh không phù hợp. Dần dần con có thể hình thành những nhận thức trái với năng lực hiện thực, vốn đã có tâm lý đề cao bản thân, cho rằng mình là nhất và coi thường người khác. Ở một thời điểm nào đó nếu có thất bại khiến con không thể chấp nhận được, sang chấn tâm lý dẫn đến các bệnh tâm thần như hoang tưởng tự cao.
Bệnh hoang tưởng tự cao và những hệ lụy
Không phải lúc nào người hoang tưởng tự cao cũng có các triệu chứng này, tuy nhiên nếu đã phát bệnh sẽ dễ xuất hiện các hành vi khó kiểm soát. Theo các bác sĩ, khi đến thăm khám, 100% bệnh nhân đều khẳng định những suy nghĩ của họ là có lý, không chấp nhận mắc bệnh.
Thực tế người mắc bệnh vĩ cuồng vẫn có thể tham gia công việc, sinh hoạt giao tiếp như những người bình thường, thậm chí là còn được giữ các chức vị quan trọng nên đôi khi những người xung quanh không nhận ra họ mắc bệnh. Với các lời nói quá đề cao bản thân, tâng bốc mình, phi logic nhiều người chỉ cho rằng có lẽ tính cách những người này thích “phóng đại, nói quá” chứ ít ai cho rằng đó là bệnh tâm thần.
Bệnh hoang tưởng tự cao gây ra rất nhiều hệ lụy trực tiếp đến cuộc sống của bản thân họ và cả những người thân xung quanh. Chẳng hạn có những người trong lúc phát bệnh có những người tiêu xài một cách thả ga, vay tiền rất nhiều người vì luôn cho rằng mình có tiền, kết quả là để lại một khoản nợ vô cùng lớn. Hay nếu có ai không tin, người bệnh sẵn sàng đánh đập, hãm hại và cho rằng đó người đó xứng đáng bị trừng phạt như vậy vì dám xúc phạm người có phẩm giá như mình.
Nếu bệnh này xuất hiện ở những người có trình độ, có trí tuệ thì càng nghiêm trọng hơn, thậm chí ảnh hưởng đến toàn xã hội. Bởi họ có thể dùng chính năng lực, ngôn từ của mình để “tẩy não” những người yếu kém hơn. Rất nhiều các hội nhóm, tín ngưỡng được điều hành bởi những người mắc căn bệnh này và đã gây ra những sự cố đáng tiếc.
Hướng điều trị bệnh hoang tưởng tự cao
Theo các bác sĩ, bệnh hoang tưởng tự cao thuộc nhóm rối loạn hệ thần kinh thực vật, động thời người bệnh không tin rằng mình mắc bệnh, có niềm tin tuyệt đối vào chính mình, vì vậy nếu chỉ dùng ngôn từ để khuyên nhủ thôi là không hiệu quả. Đồng thời những người này cũng có thể không chịu đi khám bệnh hoặc không chấp nhận liệu pháp điều trị từ bác sĩ.
Dùng thuốc song song với các liệu pháp phục hồi tâm lý sẽ mang đến cho bệnh nhân nhiều tiên lượng tốt nhất. Tuy nhiên theo các thống kê từ 2014, việc điều trị bệnh hoang tưởng tự cao vẫn còn mang nhiều hạn chế, không thể đảm bảo sẽ hết hoàn toàn. Các biện pháp điều trị vẫn đang hướng tới kiểm soát các triệu chứng, hạn chế tái phát và giúp bệnh nhân nhìn nhận về thực tại rõ ràng hơn.
Thuốc và các biện pháp y tế
Gia đình nên sớm đưa bệnh nhân đến các chuyên khoa tâm thần của các bệnh viện lớn để thực hiện đầy đủ các biện pháp kiểm tra chẩn đoán, từ đó đưa ra kết quả chính xác nhất.Để tránh việc bất hợp tác trong điều trị, hầu hết người mắc bệnh hoang tưởng tự cao thường được khuyến khích điều trị nội trú.
Với chuyên môn của bác sĩ và điều dưỡng sẽ giúp bệnh nhân chấp nhận uống thuốc, kiểm soát được các hành vi quá khích hay thực hiện theo các liệu trình điều trị. Khi đã hết các hoang tưởng về sức mạnh của bản thân, người bệnh sẽ được xuất viện nhưng vẫn cần duy trì một số liệu pháp điều trị khác.
Một số nhóm thuốc phổ biến thường được chỉ định cho người bệnh hoang tưởng tự cao như
- Nhóm thuốc chống co giật (valproat, carbamazepin)
- Thuốc loạn thần (quetiapine, olanzapine, risperidone, ziprasidone, aripiprazone, clozapin)
- Thuốc an thần benzodiazepine (bromazepam, clonazepam)
- Lithium hoặc các chất ổn định tâm tạng cho người bệnh có liên quan đến rối loạn lưỡng cực
Nếu người bệnh từ chối uống thuốc, các bác sĩ có thể dùng tiêm hoặc kết hợp với các biện pháp nghiệp vụ để cưỡng chế người bệnh uống. Do đó trong thời gian đầu, đặc biệt với các bệnh nhân hoang tưởng tự cao nặng đều nên điều trị nội trú tại bệnh viện. Thời gian để các liệu pháp này có hiệu quả còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, tuy nhiên nếu kiên trì dùng thuốc đúng thời điểm và chấp hành tốt các biện pháp của bác sĩ chắc chắn sẽ đem đến kết quả tốt.
Các biện pháp phục hồi tâm lý
Chăm sóc phục hồi tâm lý thường được thực hiện song song hoặc sau giai đoạn dùng thuốc có hiệu quả, không thể áp dụng độc lập bởi rất khó để thuyết phục bệnh nhân hoang tưởng thay đổi niềm tin của chính mình. Nếu bệnh nhân đáp ứng tốt với cả hai liệu pháp này sẽ mang đến rất nhiều tiên lượng tốt, kiểm soát sớm được các triệu chứng để nâng cao đời sống mỗi ngày.
Ảo tưởng tự đại khiến người ta chìm trong hạnh phúc về tầm quan trọng của bản thân, thực tại nghiệt ngã sẽ khiến họ hụt hẫng, đau khổ vì vậy không ai muốn thoát ra. Bản thân người bệnh cũng có thể không trung thực với nhà trị liệu, mặt khác họ cũng hoàn toàn bị chi phối bởi những hoang tưởng nên đôi lúc cũng rất khó để nắm bắt được các suy nghĩ, cảm xúc hay các vấn đề cốt lõi gây bệnh.
Tuy nhiên các triệu chứng bệnh hoang tưởng tự cao cũng có thể chỉ phát bệnh trong một số giai đoạn, vì vậy gia đình cần đưa người bệnh đến gặp nhà tham vấn tâm trí trong trạng thái tỉnh táo bình thường để đem lại kết quả tốt nhất. Nhà trị liệu sẽ hướng dẫn bệnh nhân cách thư giãn tâm trí, kiểm soát cảm xúc, có cái nhìn đúng đắn về thực tại và bản thân, từ đó dần đưa bệnh nhân về với cuộc sống bình thường.
Các buổi phục hồi tâm lý có thể phải duy trì trong một thời gian dài, cho tới khi các triệu chứng không còn tái phát, người bệnh dần kiểm soát được cảm xúc, hiểu rõ chính mình, có nhận thức đúng đắn về thực tại. Gia đình cũng có thể tham gia các buổi chăm sóc tâm lý này để hiểu rõ cách chăm sóc và hỗ trợ bệnh nhân trong trường hợp phát bệnh.
Sự hỗ trợ của gia đình
Theo các chuyên gia, Gia đình và người thân cần thực sự khéo léo để thuyết phục bệnh nhân đi khám, bởi họ không chấp nhận rằng mình mắc bệnh hoặc cũng có thể cho rằng mình bất tử, không ai đủ trình độ để khám chữa cho họ. Nếu gia đình cứ khuyên nhủ hay khẳng định người bệnh gặp vấn đề tâm lý, tâm thần thậm chí còn làm cho mối quan hệ xấu đi, xung đột xuất hiện nhiều hơn.
Gia đình cần đồng hành và thực sự khéo léo, tránh đưa người bệnh đến với các cảm xúc tiêu cực hay phủ nhận những điều mà họ nói bởi sẽ dễ làm họ trở nên kích động. Khéo léo trong trò chuyện kết hợp với chế độ sinh hoạt khoa học, lành mạnh, tích cực sẽ mang đến nhiều tiên lượng tốt cho người mắc bệnh hoang tưởng tự cao. Chẳng hạn
- Đảm bảo người bệnh uống thuốc đúng cách, đúng liều lượng
- Duy trì giấc ngủ ổn định hằng ngày, tránh để người bệnh hoạt động liên tiếp, thức nhiều người sẽ ảnh hưởng đến cả thể chất lẫn tinh thần
- Khuyến khích người bệnh tập luyện thể dục thể thao hằng ngày
- Thiền hay yoga cũng mang đến cho người mắc bệnh hoang tưởng tự cao nhiều lợi ích
- Kiên trì lắng nghe và trò chuyện với người bệnh, tuyệt đối không nên có thái độ thờ ơ, bỡn cợt hay phủ nhận khi họ đang muốn chia sẻ một điều gì đó
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, lành mạnh, tuyệt đối tránh xa bia rượu, thuốc lá, chất kích thích..
- Tham khảo thêm với bác sĩ và các chuyên gia về chế độ chăm sóc và hỗ trợ bệnh nhân hiệu quả nhất
Tùy theo mức độ mà tiên lượng bệnh hoang tưởng tự cao khác nhau, tuy nhiên nếu đáp ứng tốt với các biện pháp điều trị và có chế độ sinh hoạt lành mạnh sau đó thì khả năng khỏi bệnh vẫn rất cao. Chăm sóc sức khỏe tinh thần, kiểm tra lại não bộ sau các chấn thương ở đầu; tránh xa bia rượu, ma túy hay hạn chế cho trẻ tiếp xúc với công nghệ quá sớm là những biện pháp tốt nhất để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh này.
Có thể bạn quan tâm:
- Hoang tưởng bị hại: Biểu hiện và những ảnh hưởng gây ra
- Bệnh hoang tưởng ghen tuông: Triệu chứng và cách chữa trị
- Rối loạn ăn uống ở trẻ: Nguyên nhân và giải pháp chữa trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!