10 cách chăm sóc sức khoẻ tinh thần đúng cách, hiệu quả
Chăm sóc sức khỏe tinh thần đúng cách giúp giảm nguy cơ phải các vấn đề tâm lý, tâm thần. Một tinh thần tốt chính là nền tảng cho thể trạng khỏe mạnh và cuộc sống hạnh phúc, ý nghĩa.
Ý nghĩa của việc chăm sóc sức khỏe tinh thần
Thực tế, mọi người chủ yếu quan tâm đến sức khỏe thể chất mà bỏ qua sức khỏe tinh thần. Các vấn đề về tinh thần, tâm lý không có biểu hiện rõ rệt như bệnh lý cơ thể. Vì vậy, mọi người thường chủ quan và không tiến hành thăm khám, điều trị sớm. Trong những năm gần đây, tỷ lệ người tự sát do các vấn đề tâm lý tăng lên đáng kể. Do đó, mỗi người cần có hiểu biết về vai trò của sức khỏe tinh thần để chủ động hơn trong việc chăm sóc và bảo vệ.
Người có sức khỏe tinh thần tốt thường nhận biết được khả năng, ưu nhược điểm của bản thân, đối phó tốt với căng thẳng trong cuộc sống và sống có ý nghĩa, mang đến nhiều đóng góp cho cộng đồng. Trong khi đó, tinh thần suy giảm là điều kiện thuận lợi gây ra các rối loạn tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn hoang tưởng,…
Chăm sóc sức khỏe tinh thần có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống của mỗi người. Với những người có ý thức bảo vệ và cải thiện sức khỏe tinh thần, nguy cơ gặp phải các vấn đề tâm lý sẽ giảm đi đáng kể. Ngoài ra, tinh thần tốt còn giúp mọi người đưa ra những quyết định sáng suốt, học tập, làm việc hiệu quả, dễ dàng hòa nhập và xây dựng, duy trì các mối quan hệ lâu dài.
Người có sức khỏe tinh thần ổn định luôn giữ được cảm xúc tích cực và chủ động trong cuộc sống. Họ thường hoàn thành tốt trách nhiệm của bản thân và có ý thức xây dựng gia đình, xã hội. Bên cạnh đó, người có sức khỏe tinh thần ổn định cũng sẽ lan tỏa năng lượng tích cực và giúp mọi người xung quanh vực dậy khi gặp khó khăn, vấp ngã.
Ngoài ý nghĩa đối với cá nhân, chăm sóc sức khỏe tinh thần còn giúp nâng cao sức khỏe của cả cộng đồng. Điều này góp phần giảm nguy cơ mắc các bệnh tâm lý, tâm thần và thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
Trong khi đó, những người có tinh thần bất ổn dễ đưa ra những quyết định sai lầm, cuộc sống gặp phải nhiều phiền toái và thường xuyên phải đối mặt với những cảm xúc tiêu cực. Ngoài ra, sức khỏe tinh thần kém cũng ảnh hưởng đến thể chất, từ đó dẫn đến tình trạng suy nhược và giảm chất lượng cuộc sống.
10 Cách chăm sóc sức khỏe tinh thần bạn nên biết
Chăm sóc sức khỏe tinh thần giúp ổn định sức khỏe và cải thiện chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân lẫn cộng đồng. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách chăm sóc tinh thần một cách hiệu quả.
Dưới đây là 10 cách đơn giản giúp bạn bảo vệ sức khỏe tinh thần:
1. Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục thường xuyên là biện pháp cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần hiệu quả nhất. Hoạt động thể chất giúp tăng sự dẻo dai, linh hoạt của hệ thống xương khớp, điều hòa huyết áp và tăng cường quá trình trao đổi chất. Ngoài ra khi tập luyện, cơ thể sẽ tăng sản sinh một số chất dẫn truyền thần kinh như endorphin và dopamine có tác dụng thư giãn, giải tỏa căng thẳng, giảm đau nhức và tạo tinh thần phấn chấn.
Những người tập thể dục thường xuyên thường có sức khỏe thể chất và tinh thần ổn định, ít gặp phải căng thẳng và có thể đối phó với những tình huống gây stress trong cuộc sống. Ngoài ra, hoạt động thể chất còn giúp tiêu trừ gốc tự do, loại bỏ các yếu tố gây viêm và bảo vệ hệ thần kinh trung ương. Điều này có vai trò rất quan trọng trong việc phòng ngừa các chứng sa sút trí tuệ, rối loạn cảm xúc, rối loạn lo âu, hoang tưởng và các bệnh rối loạn tâm thần khác.
Tất cả các môn thể thao đều tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, bạn nên lựa chọn bộ môn phù hợp với thể trạng để đạt được kết quả khả quan nhất. Ngoài ra, có thể thực hiện nhiều bộ môn để cải thiện hệ xương khớp một cách toàn diện.
2. Có chế độ ăn uống khoa học
Chế độ ăn uống không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn tác động đáng kể đến sức khỏe tinh thần. Chế độ ăn hợp lý sẽ giúp bạn nâng cao thể trạng và góp phần duy trì sự ổn định về mặt tinh thần. Vì vậy, chỉ cần giữ thói quen ăn uống điều độ là bạn có thể bảo vệ cả sức khỏe thể chất và tinh thần của bản thân.
Trong trường hợp thường xuyên phải đối mặt với căng thẳng, cần chú ý hơn đến thực đơn ăn uống mỗi ngày. Thực tế ngoài cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể, một số loại thực phẩm còn có tác dụng giảm stress và cải thiện tâm trạng. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, để duy trì sức khỏe tinh thần ổn định, nên tăng cường bổ sung rau xanh, các loại củ, hoa quả, thực phẩm giàu probiotic, Omega 3, kẽm,…
Bên cạnh đó, nên hạn chế các loại ngũ cốc đã qua tinh chế, thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, đường, muối, thức ăn nhanh và đồ hộp. Ngoài ra, cần kiêng rượu bia và tránh sử dụng quá nhiều caffeine. Các loại thực phẩm và thức uống kể trên đã được chứng minh làm gia tăng căng thẳng, mức độ lo âu và các cảm xúc tiêu cực khác.
Đây cũng là lý do bệnh nhân mắc các rối loạn tâm lý, tâm thần phải xây dựng chế độ ăn uống hợp lý để hỗ trợ quá trình điều trị. Nếu kết hợp cả chế độ ăn uống khoa học và tập thể dục thường xuyên, nguy cơ gặp phải các vấn đề tâm lý, tâm thần sẽ giảm đi đáng kể.
3. Đảm bảo chất lượng giấc ngủ
Bên cạnh chế độ ăn uống và sinh hoạt, giấc ngủ cũng ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tinh thần. Thông thường, sau một giấc ngủ ngon, những căng thẳng, phiền muộn và lo lắng sẽ vơi đi nhiều phần. Lý do là vì trong thời gian ngủ, tất cả các cơ quan trong cơ thể sẽ được phục hồi và tái tạo, từ đó mang lại cho bạn tinh thần sảng khoái và nguồn năng lượng dồi dào cho một ngày mới.
Khi ngủ đủ giấc, não bộ sẽ tự điều chỉnh những rối loạn bên trong, từ đó làm giảm tình trạng mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh và phục hồi các tế bào bị hư tổn do tác động của stress, gốc tự do,… Đảm bảo chất lượng giấc ngủ cũng giúp làm giảm hormone cortisol và adrenaline (các hormone gây stress).
Thực tế, đã có nhiều nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa các vấn đề tâm lý và chất lượng giấc ngủ. Các nghiên cứu này đều cho thấy, mất ngủ, khó ngủ và thiếu ngủ đều gây ra sự bất ổn về mặt tinh thần, đồng thời làm tăng mức độ stress và các cảm xúc tiêu cực. Chất lượng giấc ngủ giảm thấp kết hợp với các yếu tố gây stress từ môi trường sẽ dẫn đến hàng loạt các vấn đề sức khỏe thể chất, tinh thần.
Vì vậy, bạn cần đảm bảo ngủ đủ 7 – 8 giờ mỗi ngày hoặc ít nhất là 6 giờ/ ngày. Ngoài giấc ngủ vào ban đêm, bạn nên chợp mắt từ 10 – 30 phút vào buổi trưa để giải tỏa căng thẳng và nạp lại năng lượng cho những giờ làm việc vào buổi chiều. Nếu có các vấn đề về giấc ngủ, nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị sớm, tránh để ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
4. Cân đối thời gian học tập/ làm việc và nghỉ ngơi
Những bất ổn về mặt tinh thần thường bắt nguồn từ các sự kiện, áp lực xảy ra trong cuộc sống. Đa phần các sự kiện đều xảy ra bất ngờ và chúng ta không thể kiểm soát. Tuy nhiên, bạn có thể giảm bớt căng thẳng bằng cách cân đối thời gian học tập/ làm việc và nghỉ ngơi.
Áp lực từ công việc, học tập gây căng thẳng thần kinh và về lâu dài, sức khỏe tinh thần sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đây cũng là lý do nhiều người mắc chứng trầm cảm nơi công sở, học sinh, sinh viên gặp phải tình trạng chán học và không có mục tiêu rõ ràng.
Cơ thể của con người chỉ có thể hoạt động hiệu quả trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu học tập hoặc làm việc nhiều hơn thời gian này, cả sức khỏe tinh thần và thể chất đều phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng. Hơn nữa, làm việc/ học tập quá 8 – 9 tiếng/ ngày trong thời gian dài có thể làm giảm khả năng tư duy, gây suy giảm trí nhớ, giảm tính sáng tạo và nhạy bén.
Áp lực từ học tập, công việc sẽ tích tụ ngày qua ngày gây ra nhiều vấn đề tâm lý. Vì vậy, để chăm sóc sức khỏe tinh thần, bạn nên cân đối thời gian học tập/ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Đây cũng là cách để bạn duy trì sự hứng khởi và niềm đam mê với việc học, công việc mà mình đang theo đuổi.
5. Suy nghĩ tích cực và lạc quan
Trong cuộc sống, chúng ta không thể tránh khỏi những sự kiện xảy ra ngoài ý muốn. Tuy nhiên, cách duy nhất có thể thay đổi chính là suy nghĩ của bản thân. Sau tất cả những đau khổ, thất vọng, phiền muộn, mỗi người cần vực dậy tinh thần bằng những suy nghĩ lạc quan.
Suy nghĩ, hành vi và cảm xúc là 3 yếu tố có tác động lẫn nhau. Suy nghĩ tích cực sẽ tạo ra cảm xúc tích cực và giúp bạn có những hành vi đúng đắn, sáng suốt. Trong khi đó, những người có suy nghĩ tiêu cực thường bi quan, thiếu tự tin về bản thân và chần chừ trước những thử thách trong cuộc sống.
Tích cực trong suy nghĩ giúp bản thân mỗi người duy trì sự ổn định về mặt tinh thần, biết cách đối phó với stress và vượt qua những thử thách trong cuộc sống. Nhiều nghiên cứu còn cho thấy, người lạc quan thường gặp may mắn hơn vì họ luôn tập trung vào những mục tiêu trong cuộc sống thay vì dành quá nhiều thời gian để nghĩ ngợi, buồn bã. Và tất nhiên, sự nỗ lực và cố gắng chắc chắn sẽ mang lại kết quả xứng đáng.
6. Trân trọng khoảnh khắc hiện tại
Trân trọng khoảnh khắc hiện tại là cách đơn giản giúp bạn bảo vệ sức khỏe tinh thần của chính mình. Quá khứ là những thứ đã đi qua còn tương lai là những điều chưa đến, chính vì vậy điều quý giá chính là hiện tại. Trân trọng hiện tại giúp mỗi chúng ta ý thức được ý nghĩa của cuộc sống, học cách yêu thương bản thân và những người xung quanh.
Những người trân trọng hiện tại thường biết cách ứng phó với những cảm xúc tiêu cực. Họ có thể gạt bỏ nhanh chóng sự tự ti, tội lỗi, đau khổ, thất bại,… để hướng đến những điều tốt đẹp hơn. Ngoài ra, họ cũng có khả năng tập trung tốt và ít lơ đễnh khi học tập, làm việc.
7. Xây dựng và duy trì các mối quan hệ tốt đẹp
Các mối quan hệ xung quanh chính là nguồn động lực để mỗi người sống có trách nhiệm, cảm nhận được tình yêu thương, sự sẻ chia và quan tâm. Hơn nữa, những người thân yêu và bạn bè còn là chỗ dựa tinh thần khi chúng ta gặp phải khó khăn. Đa số những người sống trong gia đình hạnh phúc và nhiều bạn bè tốt thường có sức khỏe tinh thần ổn định, ít gặp phải các vấn đề tâm lý.
Trong khi đó, những người sống đơn độc, hướng nội và ít chia sẻ với mọi người thường có nhiều khó khăn về mặt tâm lý. Bản thân chúng ta khó có thể giữ sự khách quan trong suy nghĩ khi phải đối mặt với áp lực, sự việc có tính chất tiêu cực.
Những người xung quanh sẽ giúp chúng ta nhìn nhận mọi thứ đúng đắn hơn và nhanh chóng vực dậy tinh thần sau đổ vỡ. Nếu không có sự hỗ trợ của bạn bè và người thân, khó tránh khỏi tình trạng quẩn quanh với những ý nghĩ tiêu cực và thiếu động lực trong cuộc sống.
Xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp còn giúp bạn tăng cơ hội trong cuộc sống, mở mang kiến thức và rút ra được nhiều kinh nghiệm sống. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn phải phụ thuộc vào các mối quan hệ. Hãy chọn lựa kỹ càng khi thân thiết với một ai đó và đừng chần chừ chấm dứt các mối quan hệ độc hại.
8. Giúp đỡ mọi người
Giúp đỡ mọi người là một trong những cách giúp bạn bảo vệ sức khỏe tinh thần hiệu quả. Khi thực hiện những hành động có ý nghĩa, bản thân chúng ta thường có cảm giác hạnh phúc, vui vẻ, lạc quan và trân trọng những gì bản thân đang sở hữu. Bạn có thể bắt đầu bằng việc giúp đỡ mọi người trong công việc, học tập, san sẻ việc nhà với người thân,…
Nếu có thời gian, có thể tham gia các hoạt động tình nguyện để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Những hoạt động ý nghĩa này giúp bạn điều chỉnh cảm xúc và học cách gạt bỏ những điều tiêu cực, áp lực. Ngoài ra, việc cho đi sẽ giúp bạn sống có mục đích và biết rằng bản thân mỗi người luôn có vai trò nhất định trong xã hội.
Giúp đỡ mọi người không có nghĩa là bạn phải ôm đồm mọi thứ, hãy giúp đúng người và đúng lúc. Hơn nữa, bạn phải thực sự cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ khi thực hiện những hành động ý nghĩa này.
9. Trang bị kỹ năng giảm stress
Ngày nay, stress đã là một phần tất yếu của cuộc sống. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách ứng phó với stress và giữ cho mình tinh thần tốt nhất. Stress không gây ra các vấn đề tâm lý, tâm thần một cách đột ngột. Nhưng nếu không tìm cách giải tỏa, căng thẳng có thể tích tụ gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe thể chất và tinh thần.
Có khá nhiều cách giải tỏa stress, trong đó tập thể dục thường xuyên, ăn uống điều độ và ngủ đủ giấc mang lại hiệu quả khá rõ rệt. Ngoài ra, bạn nên thử một số cách như vẽ tranh, xem phim, đọc sách, chơi với thú cưng, uống trà thảo mộc, ngâm nước ấm, xông hơi, xoa bóp,… Nếu cần thiết, có thể xin nghỉ phép để nghỉ ngơi ngắn ngày hoặc tìm lại hứng khởi qua những chuyến du lịch với người thân, bạn bè.
10. Có mục tiêu sống rõ ràng
Mục tiêu sống là những gì bạn đặt ra và hướng đến. Sống có mục đích giúp mỗi người duy trì động lực, tăng tính linh hoạt, sáng tạo và nỗ lực để vượt qua khó khăn, thử thách, cuối cùng là đạt được mục tiêu. Trong khi đó, những người sống không có mục tiêu thường làm việc, học tập như thói quen và thiếu đột phá trong cuộc sống.
Bạn có thể đặt ra mục tiêu tùy theo mong muốn và khả năng của bản thân. Tuy nhiên, đừng đặt ra những mục tiêu xa rời thực tế và hão huyền không thể thực hiện. Mục tiêu phải được xây dựng dựa trên mong muốn và khả năng thực tế, chẳng hạn như ổn định tài chính, phát triển bản thân, lo lắng cho gia đình, có được công việc mơ ước, giúp đỡ cộng đồng,…
Trên đây là 10 cách bạn có thể thực hiện để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe tinh thần. Nếu đang có các vấn đề tâm lý, những biện pháp trên cũng sẽ giúp ích trong việc cải thiện tinh thần và ổn định cảm xúc. Khi phải đối mặt với áp lực quá lớn, bạn có thể tìm đến sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý để phục hồi sức khỏe tinh thần và thể chất.
Có thể bạn quan tâm:
- Tìm Hiểu Về Mối Liên Hệ Nghiện Rượu Bia Và Bệnh Trầm Cảm
- Suy Nghĩ Quá Nhiều Ảnh Hưởng Thế Nào Đến Sức Khỏe?
- Những loại thực phẩm giúp giảm stress hiệu quả bạn nên bổ sung
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!