Cách Nhận Biết Người Muốn Tự Sát Và Biện Pháp Ngăn Chặn
Chỉ tính riêng ở Mỹ, mỗi năm có khoảng 37.500 ca tự sát và con số này không ngừng gia tăng theo thời gian. Để tránh những tình huống đáng tiếc, mỗi người cần phải trang bị kiến thức cơ bản để nhận biết người muốn tự sát và can thiệp biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Các dấu hiệu nhận biết người muốn tự sát
Có thể nói, tự sát đang trở thành vấn nạn đe dọa đến sức khỏe và cuộc sống của con người. Trước đây, có rất ít trường hợp tử vong do hành vi tự tử nhưng trong thời gian gần đây, tỷ lệ tự sát tăng cao một cách đột ngột. Chỉ tính riêng ở Mỹ, mỗi năm có khoảng 37.500 ca tự sát, điều này có nghĩa là cứ 13 phút lại có một người tìm đến cái chết.
Cuộc sống hiện đại mang đến cho con người nhiều quyền lợi và cho phép chúng ta trải nghiệm cuộc sống một cách dễ dàng hơn. Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực, áp lực từ cuộc sống cũng khiến không ít người đi đến hoàn cảnh túng quẫn và đau khổ tột cùng.
Hành vi tự sát được xem là giải pháp kết thúc mọi sự đau khổ, chán nản, bi quan, tội lỗi và tuyệt vọng. Tuy nhiên, cái chết chưa bao giờ là kết thúc tốt đẹp. Vì vậy, mỗi người cần phải chú ý hơn đến những người xung quanh để có thể phát hiện kịp thời khi họ có ý định tự sát.
Về bản chất, tự sát là hành vi được thôi thúc từ những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực tích tụ trong một thời gian dài. Nếu tinh ý, bạn có thể nhận biết một người đang muốn tự sát thông qua những dấu hiệu sau:
1. Tâm trạng u uất, đau khổ
Những người có ý định tự sát đều phải đối mặt với tâm trạng u uất, bi quan và đau khổ dai dẳng. Những cảm xúc này có thể là kết quả của các sự kiện sang chấn như sinh non, sảy thai, phá thai, mất người thân, tai nạn nghiêm trọng,… Cú sốc tinh thần quá lớn khiến tinh thần suy sụp và mất hoàn toàn hy vọng vào cuộc sống. Nếu không được nâng đỡ về tinh thần, khả năng thực hiện hành vi tự sát là rất cao.
Hành vi tự sát sẽ được hình thành ở trong trạng thái tinh thần bất ổn. Do đó, tự tử thường thấy ở những bệnh nhân trầm cảm hoặc giai đoạn trầm cảm trong rối loạn lưỡng cực. Trầm cảm là tình trạng khí sắc giảm thấp, bệnh nhân chìm đắm trong đau khổ, u uất, bi quan và tuyệt vọng.
Nếu nhận thấy những người xung quanh bạn có biểu hiện như trên, nên quan tâm để kịp thời nâng đỡ tinh thần và giúp họ ổn định lại tâm lý. Sự quan tâm đúng lúc của những người xung quanh chính là “phao cứu sinh” giúp họ vượt qua giai đoạn tăm tối của cuộc đời.
Tuy nhiên, không phải người nào có ý định tự sát cũng có tâm trạng chán nản và đau khổ. Nhiều người giả vờ vui vẻ để dễ dàng thực hiện kế hoạch tự sát. Tình trạng này gặp nhiều ở những bệnh nhân bị rối loạn tâm lý, tâm thần mãn tính đang được điều trị. Khi nhận thấy bệnh nhân có những chuyển biến tích cực, gia đình vẫn nên theo sát để tránh những tình huống đáng tiếc.
2. Tinh thần không ổn định
Tinh thần không ổn định là một trong những dấu hiệu nhận biết người muốn tự sát. Cái chết là kết thúc mà tất cả chúng ta sẽ phải đối mặt trong tương lai. Tuy nhiên, không ai nghĩ đến cái chết khi đang có một tinh thần khỏe mạnh. Ý tưởng và hành vi tự sát chỉ xuất hiện khi tinh thần đang bất ổn.
Tinh thần không ổn định biểu hiện qua nhiều khía cạnh khác nhau như tâm trạng thay đổi đột ngột, đang từ trạng thái u uất, bi quan có thể trở nên nóng nảy và cáu kỉnh. Những người có ý định tự sát đôi khi không thể kiểm soát cảm xúc của bản thân. Họ bộc lộ cảm xúc với cường độ cao và thường phản ứng thái quá trong một số hoàn cảnh.
Nếu tinh ý, bạn có thể nhận thấy người có ý định tự sát có biểu cảm khác thường. Khuôn mặt trở nên vô hồn, thiếu sức sống mặc dù họ đang tỏ vẻ rất vui vẻ và hài lòng. Một số người thể hiện rõ sự căng thẳng và lo âu cùng cực trên khuôn mặt. Khi nhận thấy những dấu hiệu này, bạn và những người xung quanh cần có biện pháp để ngăn chặn kịp thời hành vi tự sát.
3. Có những câu nói đề cập đến cái chết
Trước khi thực hiện hành vi tự sát, người có ý định tự tử sẽ suy nghĩ đến cái chết trong một thời gian dài. Suy nghĩ này ám ảnh lấy tâm trí khiến cho họ đề cập đến cái chết một cách vô thức. Ngoài ra, khi đã quyết định tự sát, họ sẽ có những lời nói mang ý nghĩa tạm biệt hoặc dặn dò.
Thông thường, chúng ta có thể đề cập cái chết khi quá mệt mỏi với cuộc sống bận rộn và hàng tá vấn đề nan giải không thể xử lý. Tuy nhiên, trong giọng điệu sẽ thể hiện rõ đây là câu nói than phiền. Ngược lại, những người có ý định tự sát thường sẽ có giọng nói đều đều, âm lượng nhỏ và lời nói thể hiện rõ sự tuyệt vọng.
Ngoài ra, bạn cũng nên dựa vào tính cách của họ để đưa ra phán đoán đúng đắn. Chẳng hạn như với một người hay than phiền, những lời than vãn xảy ra thường xuyên nên không được xem là dấu hiệu bất thường. Ngược lại, nếu lời nói này xuất phát ở người có tính cách mạnh mẽ, ít than phiền và sống khép kín, bạn nên theo sát họ để tránh những tình huống đáng tiếc.
4. Có các hành vi khác thường
Những người có ý định tự sát sẽ có sự thay đổi rõ rệt về hành vi trước khi quyết định tự tử. Họ có thể thu xếp công việc một cách ổn thỏa, sau đó xin nghỉ việc và viết di chúc sớm. Ngoài ra, họ cũng có thể quyên góp tài sản cho các tổ chức từ thiện.
Trước khi quyết định tự sát, một số người tìm gặp những người bạn cũ hoặc những người thân thiết khác. Trong các cuộc gặp gỡ, họ sẽ có những lời nói gợi nhắc đến việc chia ly và kết thúc cuộc sống. Tuy nhiên, cũng có những người không có bất cứ biểu hiện nào khác thường.
Những người lên kế hoạch chi tiết cho việc tự sát sẽ cố giải quyết hết các vấn đề trong cuộc sống. Chính vì vậy, nếu nhận thấy bạn bè hoặc người thân có những dấu hiệu trên, bạn nên cân nhắc về nguy cơ tự sát. Bởi nếu không có gì bất thường, không có ai vội vàng kết thúc công viết hay viết di chúc cả.
5. Ít giao tiếp và sống khép kín
Những người có ý định tự sát luôn bị dằn vặt bởi những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực. Họ cho rằng bản thân là kẻ vô dụng, không có tài cán và là gánh nặng của gia đình. Một số người còn cho rằng bản thân đã phạm phải tội lỗi nặng nề không thể tha thứ và cách duy nhất có thể chuộc lại lỗi lầm là cái chết.
Những suy nghĩ tiêu cực xuất hiện liên tục khiến cho họ có xu hướng ít giao tiếp, sống khép kín và cô lập. Họ dành nhiều thời gian nhốt mình trong phòng để suy nghĩ về bản thân và những sự việc đã xảy ra theo chiều hướng tiêu cực nhất.
Tuy nhiên, cũng có một số người cố gắng bình thường hóa mọi thứ để dễ dàng thực hiện hành vi tự sát. Nhiều trường hợp tự tử bất thành cho biết, họ không muốn để những người xung quanh phải phiền lòng nên luôn tỏ ra vui vẻ. Vì vậy, bạn nên nhìn nhận một cách tổng quát để có thể phát hiện kịp thời người đang có ý định tự sát.
6. Thay đổi thói quen thường ngày
Trước khi thực hiện hành vi tự sát, một số người có thể thay đổi thói quen thường ngày. Họ không dành nhiều thời gian cho các sở thích cá nhân, thiếu hứng thú khi học tập, làm việc và từ chối các cuộc gặp gỡ.
Ngoài ra, người có ý định tự sát cũng có biểu hiện chán ăn vì bản thân họ đã không còn muốn duy trì sự sống. Hơn nữa, tinh thần suy sụp cũng khiến cho vị giác giảm và điều này ảnh hưởng đáng kể đến thói quen ăn uống. Tuy nhiên, cũng có một số người chọn cách ăn uống điên cuồng để xoa dịu sự thất vọng và đau khổ cùng cực.
Nhìn chung, tâm lý của con người là rất đa dạng. Do đó, biểu hiện ở những người có ý định tự sát cũng không giống nhau hoàn toàn. Tuy nhiên, điểm chung của họ là sự suy sụp về mặt tinh thần. Dù có cố ý che giấu, sự bất ổn này sẽ được thể hiện một cách “vô ý” qua lời nói, cảm xúc và hành vi.
7. Tích trữ thuốc ngủ hoặc mang theo dao, kéo bên mình
Tự sát có thể là hành vi bộc phát nhưng đa phần đều là hành vi có kế hoạch rõ ràng. Dựa trên diễn biến tâm lý ở người muốn tự tử, họ sẽ trải qua sự dằn vặt và đau khổ dai dẳng, những cảm xúc này tích tụ thúc đẩy hành vi tự sát để giải thoát bản thân.
Đa số những người muốn tự sát đều có kế hoạch chi tiết. Phần lớn mọi người sẽ chọn cách tích trữ thuốc hoặc mang theo các công cụ để có thể tự tử bất cứ lúc nào. Nếu nhận thấy người quen có những thay đổi về cảm xúc và hành vi, bạn nên chú ý xem họ có tích trữ thuốc ngủ hay mang theo dao, kéo bên mình hay không.
Thực tế, khi nảy sinh ý tưởng tự tử, bản thân họ đang có sự giằng xé nội tâm dữ dội. Vì vậy, họ sẽ mang theo thuốc ngủ, dao lam, kéo,… để có thể thực hiện hành vi tự sát khi đã đưa ra quyết định. Nếu phát hiện kịp thời, bạn có thể ngăn chặn hành vi tự tử và mang đến cho họ thêm một cơ hội mới để làm lại cuộc đời.
8. Xem xét các yếu tố gia tăng nguy cơ tự sát
Ngoài những dấu hiệu về cảm xúc và hành vi, bạn có thể phát hiện nhận biết người muốn tự sát bằng cách đánh giá các yếu tố gia tăng nguy cơ tự sát. Các chuyên gia tâm lý cho biết, nguy cơ tự sát cao hơn khi có những yếu tố sau:
- Trải qua cú sốc lớn: Sau khi trải qua cú sốc lớn như mất người thân đột ngột, tai nạn nghiêm trọng, vỡ nợ, sảy thai,… một số người có thể bộc phát hành vi tử sát do tinh thần suy sụp nặng nề. Ở thanh thiếu niên, tự sát có thể xảy ra ngay cả với những sang chấn tâm lý không quá mạnh như mâu thuẫn với thầy cô, bạn bè và áp lực học tập. Lý do là vì tâm lý của trẻ ở độ tuổi này tương đối nhạy cảm và bản thân các em chưa có đủ kinh nghiệm sống để giải quyết những khó khăn trong cuộc sống.
- Có các vấn đề tâm lý, tâm thần: Hành vi tự sát thường xảy ra ở những người có các vấn đề tâm lý, tâm thần. Nếu gia đình hoặc bạn bè có người mắc bệnh, những người xung quanh cần phải chú ý các dấu hiệu bất thường. Khi bệnh nhân trở nên u uất, bỏ ăn và nhốt mình trong phòng, cần phải thông báo ngay với bác sĩ. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp bệnh nhân giả vờ khỏi bệnh để tránh sự theo sát của người nhà nhằm dễ dàng thực hiện hành vi tự sát.
- Tiền sử gia đình có người tự sát: Hiện tại, vẫn chưa có kết luận về việc di truyền có thể gia tăng hành vi tự sát. Tuy nhiên, nếu gia đình có người tự sát, tinh thần của những người còn lại sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Vì vậy, những người xung quanh cần quan tâm để bản thân họ được chăm sóc về tinh thần và giúp đỡ kịp thời.
Tâm lý của người có ý muốn tự sát rất phức tạp. Chết đồng nghĩa với việc sự sống chấm dứt, kết thúc mọi đau khổ, muộn phiền và dằn vặt. Tuy nhiên, đứng trước lựa chọn giữa cái chết và sự sống, nội tâm chắc hẳn không tránh khỏi sự giằng xé dữ dội. Đây là thời điểm người có ý định tự sát thể hiện rõ sự bất ổn trong nhiều khía cạnh. Do đó, những người xung quanh có thể phát hiện và ngăn chặn hành vi tự sát kịp thời.
Cách ngăn chặn người muốn tự tử
Khi có ý định tự sát, tinh thần thường ở trạng thái bất ổn. Vì vậy, bạn cần phải mềm mỏng và khéo léo trong cách xử lý để ngăn chặn thành côn hành vi tự sát. Bất cứ sự sơ suất nào trong thời điểm này cũng có thể gây ra những tình huống đáng tiếc.
Dưới đây là một số giải pháp bạn có thể tham khảo để ngăn chặn thành công hành vi tự sát:
1. Trò chuyện nhẹ nhàng
Nếu nghi ngờ bạn bè hoặc người thân có ý định tự sát, bạn nên trò chuyện để khai thác thêm. Như đã đề cập, tinh thần của người có ý định tự sát đang bất ổn. Vì vậy, bạn cần thận trọng trong lời nói để tránh gây tổn thương đối phương. Mọi tác động tiêu cực vào thời điểm này có thể là “nhát dao” đẩy họ đến cái chết.
Hãy bắt đầu bằng những câu hỏi han như “Trông bạn có vẻ mệt mỏi?”, “Có chuyện gì sao? Nhìn bạn không khỏe lắm”. Ban đầu, họ có thể từ chối lịch sự để kết thúc nhanh cuộc trò chuyện. Lúc này, bạn nên từ tốn đáp lại bằng nụ cười mỉm và ánh nhìn trìu mến.
Thay vì gặng hỏi, hãy trao cho họ một cái ôm nhẹ nhàng kèm theo những lời động viên. Hoặc cũng có thể đề nghị lấy cho họ một ly nước hoặc pha một tách trà ấm. Những hành động quan tâm dù nhỏ cũng mang đến cho họ tia hy vọng và góp phần ngăn chặn hành vi tự sát.
Tùy theo phản ứng của đối phương, bạn có thể âm thầm theo sát họ hoặc mở lời để họ có cơ hội giãi bày tâm trạng. Khi trò chuyện, nên lắng nghe và sử dụng ngôn ngữ cơ thể để tạo sự thoải mái cho đối phương. Theo các chuyên gia tâm lý, những câu nói an ủi sáo rỗng hay những lời trách móc, chì chiết đều chỉ khiến tình trạng tồi tệ hơn. Cách tốt nhất để đáp lại những lời chia sẻ của họ là thể hiện sự đồng cảm.
Nên tránh những câu nói như “Cuộc sống của bạn chưa thực sự tồi tệ đâu, còn rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn hơn thế” hay “Ai rồi cũng sẽ vượt qua được thôi mà”. Thay vào đó, hãy nói câu động viên họ như “Bạn đã làm rất tốt rồi, tôi không nghĩ bản thân mình có thể làm tốt hơn đâu”, “Ai cũng có một khoảng thời gian khó khăn. Vậy nên nếu cần người chia sẻ, hãy tìm tôi khi bạn cần nhé”.
Về bản chất, những câu an ủi đều xuất phát từ tấm lòng chân thành. Tuy nhiên, sư nhạy cảm quá mức có thể khiến họ hiểu sai ý của bạn. Do đó, nên thận trọng trong lời nói khi an ủi những người đang có ý định tự sát.
2. Ở bên cạnh người muốn tự sát
Nếu nghi ngờ bạn bè hoặc người thân có ý định tự sát, bạn nên ở bên cạnh họ để tránh những tình huống đáng tiếc. Trong trường hợp sống chung, nên chia sẻ sự nghi ngờ của bản thân với những người khác. Tuy nhiên, không nên kiểm soát một cách thái quá khiến cho họ nảy sinh nghi ngờ.
Thay vào đó, nên tổ chức các hoạt động tập thể như cùng đi du lịch, cắm trại, nấu nướng,… để “giữ chân” người đang có ý định tự sát. Không nên để họ có cơ hội đi ra ngoài hoặc ở nhà một mình vì đây sẽ là điều kiện thuận lợi để thực hiện hành vi tự sát.
3. Loại bỏ công cụ tự sát
Nếu phát hiện người thân hoặc bạn bè tích trữ công cụ tự sát như thuốc ngủ, dây thừng, dao lam, kéo,… bạn nên dọn sạch chúng để ngăn chặn họ thực hiện hành vi tự sát. Ngoài những công cụ thông thường, họ cũng có thể sử dụng chất tẩy rửa mạnh và thuốc diệt chuột, côn trùng để tự kết liễu đời mình. Chính vì vậy, bạn nên loại bỏ những thứ có thể dẫn đến tử vong ra khỏi nhà.
4. Gọi đường dây nóng phòng ngừa tự sát
Sau khi đã loại bỏ công cụ tự sát, bạn nên gọi đến đường dây nóng phòng ngừa tự sát để ngăn chặn hành vi tự tử kịp thời. Ở Việt Nam chưa có đường dây nóng phòng ngừa tự sát. Vì vậy, bạn có thể gọi 113 để họ nhận được sự hỗ trợ kịp thời.
Trong trường hợp họ cần được trấn an tinh thần, bạn có thể gọi đến đường dây nóng 800 273 8255. Khi gọi đến đường dây nóng này, người có ý định tự sát sẽ được trò chuyện và có cơ hội giãi bày những tâm tư, suy nghĩ của bản thân. Sự hỗ trợ kịp thời của các chuyên gia từ xa sẽ giúp ích đáng kể trong việc ngăn chặn hành vi tự sát.
5. Khuyến khích bệnh nhân thăm khám và điều trị
Những biện pháp trên chỉ có thể ngăn chặn hành vi tự sát tạm thời. Để chấm dứt ý tưởng tự tử, bệnh nhân cần được thăm khám và can thiệp các biện pháp chăm sóc sức khỏe. Với sự phát triển của y học, các rối loạn tâm lý, tâm thần đều có thể được kiểm soát.
Bên cạnh các phương pháp y tế, sự hỗ trợ của gia đình và bạn bè, đồng nghiệp sẽ giúp người muốn tự sát tìm lại niềm vui trong cuộc sống. Môi trường sống lành mạnh, ôn hòa là điều kiện để phục hồi sức khỏe tâm thần và nuôi dưỡng niềm hy vọng, sự lạc quan về cuộc sống tươi đẹp.
Điều trị các rối loạn tâm thần mất khá nhiều thời gian. Do đó, gia đình cần động viên để bệnh nhân kiên trì trong quá trình chữa trị. Nên hạn chế tối đa những tình huống gây stress vì căng thẳng tinh thần có thể khiến bệnh trở nên tồi tệ hơn.
Hy vọng qua bài viết, bạn đọc có thể nhận biết người muốn tự sát và ngăn chặn kịp thời hành vi tự tử. Nếu không đủ năng lực để xử lý, hãy liên hệ ngay với những người xung quanh và gọi 113 để nhận được sự hỗ trợ kịp thời. Hành động đúng đắn của bạn sẽ giúp những người đang tuyệt vọng có thêm cơ hội thứ hai để trải nghiệm cuộc sống.
Tham khảo thêm:
- Dấu Hiệu Nhận Biết Trẻ Có Suy Nghĩ Tự Sát Và Cách Ngăn Chặn
- Cha mẹ cần làm gì nếu phát hiện con có suy nghĩ Tự Sát?
- Tự Sát Do Trầm Cảm: Thực Trạng Đáng Báo Động
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!