8 Cách giúp bạn vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân
Vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân là điều không hề dễ dàng. Tuy nhiên, học cách khống chế và kiểm soát nỗi sợ sẽ giúp bạn thoải mái, tự tin hơn. Đồng thời sẽ có cơ hội trải nghiệm những thứ mới mẻ và tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn nhất.
8 Cách giúp bạn vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân dễ dàng
Sợ hãi là một trong những cảm xúc tự nhiên của con người. Cảm xúc này được hiểu là trạng thái lo âu, căng thẳng, bất an khi cảm nhận được mối đe dọa. Khi còn nhỏ, con người sẽ sợ hãi nhiều thứ và nỗi sợ cũng khó kiểm soát hơn. Khi trưởng thành, kinh nghiệm sống và hiểu biết giúp chúng ta ý thức được mọi thứ xung quanh. Từ đó tiết chế được sự sợ hãi và phạm vi nỗi sợ cũng bị thu hẹp đáng kể.
Tuy nhiên, những hiểu biết về cuộc sống cũng vô tình khiến chúng ta hình thành nỗi sợ sâu sắc với một số vấn đề, chẳng hạn như sợ yêu đương, sợ bị bỏ rơi, sợ thất bại, sợ thay đổi,… Nỗi sợ của người lớn thường dai dẳng hơn so với nỗi sợ ở giai đoạn thơ ấu. Cảm giác sợ hãi ngăn cản chúng ta làm mới bản thân và thay đổi những điều cũ kỹ trong cuộc sống.
Thực tế, không ít người có năng lực nhưng luôn sợ hãi thất bại, đổi mới đã bỏ lỡ vô số cơ hội trong cuộc sống. Sự sợ hãi chi phối cảm xúc, hành động của bản thân, từ đó gây ra không ít phiền toái trong công việc, sinh hoạt cũng như các mối quan hệ xã hội.
Nếu đang phải đối mặt với sợ sự hãi, những cách sau sẽ giúp bạn vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân và tận hưởng cuộc sống trọn vẹn hơn:
1. Thừa nhận nỗi sợ của bản thân
Thừa nhận nỗi sợ của bản thân là bước đầu tiên để bạn có thể vượt qua nỗi sợ và làm chủ cảm xúc của chính mình. Một đặc điểm thường thấy là mọi người cố gắng lảng tránh nỗi sợ hãi, sự lo lắng, bất an và luôn che giấu cảm xúc thật của bản thân. Tuy nhiên, điều này sẽ “vô tình” cung cấp thêm năng lượng để nỗi sợ lớn dần hơn.
Bằng cách thừa nhận nỗi sợ của bản thân, bạn có thể làm chủ cảm xúc và học cách khống chế nỗi sợ trong một số tình huống. Khi nhìn nhận nỗi sợ của bản thân, bạn nên thừa nhận thay vì đánh giá chúng. Bất cứ ai trong chúng ta cũng đều ẩn giấu sự sợ hãi với những vấn đề, khía cạnh trong cuộc sống. Vì vậy, nỗi sợ không phải là một điều bất thường và bạn không nên quá khó chịu với nỗi sợ của bản thân.
Thừa nhận nỗi sợ giúp cá nhân mỗi người ý thức hơn về bản thân, từ đó có thể tìm ra những giải pháp để học cách khống chế cảm xúc và vượt qua nỗi sợ. Tuy nhiên, việc thừa nhận nỗi sợ không phải là điều dễ dàng. Để chấp nhận điều này, bạn sẽ cần một khoảng thời gian khá dài.
2. Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến nỗi sợ hãi của bản thân
Sau khi thừa nhận nỗi sợ của bản thân, bạn cần tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến nỗi sợ. Tất cả nỗi sợ của chúng ta đều bắt nguồn từ những trải nghiệm tiêu cực (có thể là trải nghiệm thực tế hoặc thông qua câu chuyện, phim ảnh,…).
Xác định được nguyên nhân dẫn đến nỗi sợ sẽ giúp bạn học cách khống chế nỗi sợ và cảm xúc tiêu cực của bản thân. Chẳng hạn như bạn sợ thất bại vì đã từng nhận thất bại ê chề trong khi nhận được rất nhiều kỳ vọng từ gia đình và những người xung quanh. Trong trường hợp này, nguyên nhân khiến bạn sợ hãi sự thất bại xuất phát từ kỳ vọng của gia đình. Nếu không có kỳ vọng quá lớn, bản thân bạn sẽ dễ dàng đối mặt và chấp nhận sự thất bại.
Tìm ra nguyên nhân của nỗi sợ sẽ giúp bạn học cách vượt qua và khống chế nỗi sợ của chính mình. Như trường hợp trên, bạn cần ý thức được rằng, sự thất bại không phải là lý do khiến bạn sợ thất bại mà do chính kỳ vọng của gia đình.
Thất bại là một phần của cuộc sống và bất cứ ai cũng đều phải trải qua điều này dù không mong muốn. Thất bại không phải điều gì quá tồi tệ. Đây sẽ là cơ hội để bạn sống chậm lại, nhìn nhận bản thân và mọi thứ. Kinh nghiệm quý báu từ những lần vấp ngã cũng sẽ giúp bạn có thêm hành trang trong cuộc sống và đây sẽ là nền tảng để bạn đạt được thành công.
Với những nỗi sợ khác, bạn cũng nên tìm hiểu nguyên nhân cụ thể. Rất nhiều người có nỗi sợ trong tiềm thức vì những trải nghiệm từ thời thơ ấu. Tuy nhiên, bản thân họ luôn giữ nỗi sợ này thay vì tìm hiểu nguyên nhân và vượt qua. Thực tế, khi nghĩ về những trải nghiệm thời thơ ấu, đôi khi chúng ta không còn sự sợ hãi như trước. Về lâu dài, nỗi sợ sẽ dần vơi đi và bạn có thể vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân một cách dễ dàng.
3. Hiểu rõ lợi ích nếu vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân
Nỗi sợ sẽ vẫn hiện diện nếu bạn không cố gắng đối mặt và vượt qua. Thực tế, rất nhiều người không có động lực để vượt qua nỗi sợ. Những cảm xúc tiêu cực do nỗi sợ gây ra sẽ khiến cho bạn chùn bước không dám tiến về phía trước. Để có động lực, bạn nên tìm hiểu những lợi ích bản thân có được nếu vượt qua nỗi sợ.
Lợi ích đầu tiên khi vượt qua được nỗi sợ của bản thân là sự thoải mái và tự do. Bạn hoàn toàn không bị nỗi sợ đè nặng trên vai, thoải mái tận hưởng cuộc sống và trải nghiệm bất cứ điều gì mà bản thân mong muốn. Khi vượt qua nỗi sợ, cảm xúc và hành vi của bạn cũng không bị chi phối. Bạn thoải mái hoàn toàn với cảm xúc của chính mình, biết cách yêu thương bản thân và làm những điều yêu thích.
Tốt nhất, nên viết những lợi ích khi vượt qua nỗi sợ vào giấy để nhắc nhở bản thân phải vượt qua nỗi sợ của chính mình. Nên nhớ rằng, trong khi bạn bị chi phối bởi nỗi sợ thì những người xung quanh hoàn toàn thoải mái tận hưởng cuộc sống. Vì vậy, đừng hoang phí thời gian của bản thân cho những điều không đáng. Bước qua nỗi sợ và đón nhận cuộc sống với tâm thế thoải mái nhất chính là điều mà bạn nên làm.
4. Giữ suy nghĩ lạc quan để vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân
Một trong những lý do khiến cho nỗi sợ tăng lên là suy nghĩ tiêu cực và nghiêm trọng hóa vấn đề. Điều này sẽ khiến cho nỗi sợ gia tăng về mức độ và kéo dài dai dẳng. Vì vậy, bạn nên giữ cho bản thân suy nghĩ lạc quan, vui vẻ để vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân.
Những người có tinh thần lạc quan sẽ ít sợ hãi hơn so với người luôn bi quan và tiêu cực. Đây cũng là lý do những người bị rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi luôn có tính cách tiêu cực, hay lo lắng, căng thẳng và bất an khi đối diện với những khó khăn trong cuộc sống. Trong khi đó, những người có tinh thần lạc quan sẽ biết cách cân bằng cảm xúc và dễ dàng giải quyết được những vấn đề phát sinh.
5. Tiếp cận từ từ với nỗi sợ hãi
Khi đã có những bước chuẩn bị trên, bạn nên bắt đầu tiếp cận với nỗi sợ. Việc tiếp cận nên được thực hiện từng bước một để tránh tình trạng hoảng loạn và sợ hãi quá mức. Nếu bạn sợ hãi thất bại, hãy bắt đầu trò chuyện về những thất bại trong cuộc sống với những người xung quanh.
Những cuộc trò chuyện sẽ giúp bạn hiểu ra rằng, bản thân chúng ta ai cũng đều phải đối mặt với thất bại dù ở lứa tuổi nào đi chăng nữa. Trò chuyện về sự thất bại sẽ giúp bạn ý thức được rằng, thất bại không phải là vấn đề quá nặng nề. Đối mặt và tiếp cận với nỗi sợ sẽ giúp bạn giảm dần sự sợ hãi.
Trong trường hợp bạn sợ hãi côn trùng, hãy bắt đầu bằng việc vẽ tranh côn trùng hoặc xem những bộ phim hoạt hình, tài liệu về những con vật gây cho bạn sự sợ hãi. Ban đầu, bạn có thể sẽ cảm thấy khó chịu và bất an. Do đó, hãy tiếp cận từ từ với cường độ tăng dần đều để bản thân kịp thời thích nghi.
6. Học kỹ thuật thư giãn, thả lỏng khi sợ hãi
Khi đối mặt với sự sợ hãi, cơ thể sẽ xuất hiện các triệu chứng thể chất do sự thay đổi của hormone. Các triệu chứng thường gặp là tim đập nhanh, bồn chồn, lo lắng, căng thẳng, đổ mồ hôi, mặt đỏ bừng,… Những triệu chứng này chi phối cảm xúc và khiến cho nỗi sợ của bạn gia tăng mạnh.
Học kỹ thuật thư giãn, thả lỏng sẽ giúp bạn kiểm soát những triệu chứng kể trên, từ đó giữ được tinh thần thoải mái khi đối mặt với nỗi sợ. Dần dần, nỗi sợ sẽ giảm dần mức độ và bạn có thể vượt qua được sự sợ hãi. Kỹ thuật thư giãn cũng giúp ích rất nhiều khi bạn phải đối mặt với những tình huống căng thẳng như phỏng vấn, trước khi phẫu thuật,…
7. Tập thể dục giúp vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân
Ít người biết rằng, tập thể dục thường xuyên là cách giúp bạn khống chế nỗi sợ hữu hiệu. Hoạt động thể chất có thể điều hòa chức năng của hạch hạnh nhân – cơ quan kiểm soát và chi phối nỗi sợ của não bộ. Bằng cách điều hòa hoạt động của cơ quan này, tập thể dục sẽ giúp bạn kiểm soát nỗi sợ và những cảm xúc tiêu cực.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, hoạt động thể chất giúp gia tăng lòng dũng cảm, sự mạnh mẽ và bản lĩnh. Điều này đồng nghĩa với việc những cảm xúc tiêu cực như sợ hãi, bi quan, tiêu cực,… sẽ thuyên giảm dần. Do đó, ngoài việc tiếp cận với nỗi sợ, bạn nên tập thể dục đều đặn để có thể vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân.
8. Trị liệu tâm lý – Cách vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân
Nếu không thể tự khống chế nỗi sợ hãi của bản thân, bạn có thể tham gia trị liệu tâm lý. Phương pháp này mang lại hiệu quả đối với nỗi sợ do trải nghiệm tiêu cực trong cuộc sống và nỗi sợ vô lý do các rối loạn tâm lý, tâm thần. Trong trị liệu tâm lý, chuyên gia sẽ giúp bạn nhìn nhận niềm tin, suy nghĩ sai lầm, học cách đánh giá mối nguy hiểm trong cuộc sống và khống chế sự sợ hãi không cần thiết.
Phương pháp này được thực hiện bằng hình thức giao tiếp, hoàn toàn không dùng thuốc và không can thiệp vào cơ thể. Sau khi trị liệu, bạn sẽ biết cách khống chế nỗi sợ, cân bằng cảm xúc và có kỹ năng đối diện với những tình huống không thuận lợi trong cuộc sống.
Vượt qua nỗi sợ của bản thân không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên, khống chế được nỗi sợ sẽ giúp bạn có cơ hội trải nghiệm cuộc sống và tận hưởng mọi thứ một cách trọn vẹn nhất. Mặt khác, gạt bỏ nỗi sợ cũng sẽ giúp bạn biết cách nắm bắt cơ hội và đạt được thành công thay vì sợ hãi, lo lắng quá mức như trước đây.
Tham khảo thêm:
- 10 Cách vượt qua nỗi đau bị bỏ rơi
- Hội chứng sợ kết hôn (Gamophobia) là gì? Cách vượt qua nỗi sợ
- Hội chứng sợ bị bỏ rơi: Nguyên nhân và cách vượt qua
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!