Hội chứng sợ bị bỏ rơi: Nguyên nhân và cách vượt qua
Hội chứng sợ bị bỏ rơi (Monophobia) đặc trưng bởi sự sợ hãi quá mức về việc cô đơn, bị bỏ rơi hay cô lập. Hội chứng này gây ra rất nhiều ảnh hưởng đến cả sức khỏe tinh thần, thể chất cũng như chất lượng cuộc sống. Do đó cần trang bị kiến thức để sớm phát hiện và có sự can thiệp kịp thời.
Hội chứng sợ bị bỏ rơi là gì?
Hội chứng sợ bị bỏ rơi (Monophobia) còn được gọi với nhiều tên khác, chẳng hạn như hội chứng sợ ở một mình, hội chứng sợ sự đơn độc hoặc hội chứng sợ bị cô lập. Hội chứng này đặc trưng bởi sự ám ảnh và sợ hãi quá mức về việc bị bỏ rơi, cô lập hoặc cô đơn.
Monophobia là một nỗi ám ảnh và sợ hãi không nhất thiết phải là một thực tế. Mặc dù bạn có thể biết rằng bản thân an toàn về mặt thể chất nhưng bạn vẫn sợ hãi rất nhiều thứ (thường là tình huống giả định). Chẳng hạn như sợ người lạ đột nhập, sợ không được yêu thương, gặp trường hợp khẩn cấp mà không được giúp đỡ, trải qua các sự kiện bất ngờ khác mà không có sự hỗ trợ.
Hội chứng sợ bị bỏ rơi có thể được biểu hiện theo nhiều cách khác nhau. Bao gồm:
- Sợ bị tách khỏi một người cụ thể
- Sợ ở nhà một mình
- Sợ ở nơi công công một mình
- Sợ cảm giác cô đơn hoặc bị cô lập
- Sợ một mình đối mặt với các tình huống nguy hiểm
- Sợ sống một mình
Một người mắc hội chứng sợ bị bỏ rơi thường không thể hoạt động bình thường cho tới khi họ không còn cảm thấy cô đơn. Khi ở một mình, họ có thể cảm thấy rất cần phải chấm dứt sự cô đơn càng sớm càng tốt.
Số liệu thống kê ghi nhận, người mắc hội chứng sợ bị cô lập thường mắc đồng thời với một số tình trạng khác. Chẳng hạn như rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD), rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn lo âu chia ly, rối loạn lo âu xã hội,… Hơn nữa, hội chứng này còn làm gia tăng nguy cơ bị trầm cảm cùng nhiều vấn đề tâm lý đáng quan ngại khác.
Cho đến nay, nguyên nhân chính gây ra hội chứng sợ bị bỏ rơi vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên nếu sớm phát hiện và điều trị thì người bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát được các triệu chứng. Từ đó có được cuộc sống tốt đẹp hơn.
Dấu hiệu nhận biết hội chứng sợ bị bỏ rơi
Người mắc hội chứng sợ bị bỏ rơi thường gặp các triệu chứng khi họ ở một mình hoặc khi họ đối mặt với nguy cơ phải ở một mình. Các triệu chứng có thể bao gồm suy nghĩ ám ảnh, sợ hãi, lo lắng mơ hồ hoặc thay đổi thể chất. Trong những tình huống xấu nhất, người bệnh có thể cảm thấy kinh hoàng và muốn bỏ trốn.
Các triệu chứng phổ biến của hội chứng sợ ở một mình bao gồm:
- Cảm giác sợ hãi đột ngột xuất hiện khi bị bỏ lại một mình
- Sợ hãi hoặc lo lắng dữ dội khi nghĩ về việc ở một mình
- Lo lắng khi ở một mình và nghĩ về những gì có thể xảy ra (chẳng hạn như có kẻ đột nhập hay trường hợp y tế khẩn cấp)
- Lo lắng về cảm giác không được yêu thương
- Sợ những tiếng động bất ngờ khi ở một mình
- Cảm giác bị tách rời ra khỏi cơ thể của chính mình
- Cảm giác kinh hoàng tột độ, hoảng loạn và sợ hãi
- Mong muốn mạnh mẽ để thoát khỏi tình huống ở một mình
Trải qua các tình huống gây ra hội chứng sợ bị bỏ rơi cũng có thể dẫn tới các triệu chứng thể chất. Bao gồm:
- Đổ mồ hôi
- Run rẩy
- Ớn lạnh hoặc bốc hỏa
- Nhịp tim nhanh
- Cảm giác nghẹt thở
- Khó thở hoặc thở gấp
- Buồn nôn, đau bụng
- Khô miệng, ù tai
- Chóng mặt hoặc ngất xỉu
- Mất phương hướng hoặc lú lẫn
Riêng ở trẻ em, các triệu chứng có thể sẽ đặc trưng hơn. Trẻ mắc chứng sợ ở một mình có thể được thể hiện qua các cơn giận dữ, khóc lóc, đeo bám hoặc không chịu rời khỏi cha mẹ.
Nguyên nhân gây hội chứng sợ bị bỏ rơi
Mặc dù đã có khá nhiều nghiên cứu nhưng nguyên nhân gây ra hội chứng sợ bị bỏ rơi vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tin rằng có nhiều yếu tố góp phần vào sự phát triển của hội chứng này.
Các yếu tố nguy cơ phổ biến đối với chứng sợ ở một mình bao gồm:
- Di truyền và yếu tố gia đình: Chỉ cần có một thành viên trong gia đình mắc chứng sợ ở một mình thì nguy cơ phát triển chứng bệnh này có thể tăng lên gấp 3 lần. Ngoài ra, trẻ em sống với người mắc bệnh cũng có thể học cách sợ ở một mình bằng cách quan sát phản ứng của người lớn mắc bệnh.
- Trải nghiệm đau thương: Các sự kiện gây sang chấn tâm lý có liên quan tới việc bị cô lập, bỏ rơi cũng có thể làm gia tăng nguy cơ mắc hội chứng sợ ở một mình. Trong đó gia đình bỏ bê, mất bố mẹ từ nhỏ, bị bỏ rơi, bị bố mẹ đánh đập hoặc bạo hành là những trải nghiệm đau thương phổ biến nhất.
- Chức năng não: Những thay đổi trong hoạt động của não do rối loạn tâm trạng, thói quen lối sống hay lạm dụng chất kích thích có thể góp phần làm tăng nguy cơ phát triển hội chứng sợ bị bỏ rơi. Ngoài ra, những người mắc hội chứng này cũng có kích thước hạt hạnh nhân (cơ quan kiểm soát nỗi sợ hãi và sự lo lắng) nhỏ hơn bình thường.
- Tìm hiểu trải nghiệm tồi tệ của một người bị bỏ rơi: Việc nghe hoặc đọc được các trải nghiệm tiêu cực khi ở một mình của người khác cũng có thể ảnh hưởng đến tâm lý của bạn. Điều này được cho là có thể thúc đẩy sự phát triển hội chứng sợ ở một mình.
- Tính cách: Những người nhạy cảm hơn so với mức bình thường cũng sẽ có nguy cơ mắc hội chứng sợ ở một mình cao hơn.
Ảnh hưởng của hội chứng sợ bị bỏ rơi
Trên thực tế, hội chứng bị bỏ rơi là một dạng rối loạn tâm thần không phổ biến. Hội chứng này có xu hướng phát triển nhiều hơn ở trẻ em, thanh thiếu niên và những người trẻ tuổi. Nếu không sớm phát hiện, thăm khám và điều trị thì nó có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng.
Một số ảnh hưởng của hội chứng sợ bị cô lập bao gồm:
- Nỗi ám ảnh và sợ hãi thái quá về việc bị bỏ rơi, cô lập sẽ khiến cho người bệnh rơi vào trạng thái căng thẳng, lo âu, phiền muộn, bi quan và đau khổ. Lâu dần những cảm xúc tiêu cực này sẽ lấn át hết các cảm xúc tích cực. Từ đó khiến người bệnh chán nản, mất dần hứng thú với mọi thứ xung quanh.
- Sự sợ hãi và lo lắng quá mức có thể chi phối khả năng tập trung. Điều này sẽ làm giảm hiệu suất học tập/ lao động. Ngoài ra còn khiến người bệnh tự giới hạn bản thân. Họ thường từ chối các công việc phải làm 1 mình hay làm việc trong môi trường ít người, khép kín cho dù được đãi ngộ tốt.
- Người mắc hội chứng sợ bị bỏ rơi đa phần có khá nhiều mối quan hệ nhưng hầu hết là không bền vững. Bởi người mắc hội chứng này luôn cố tỏ vẻ hòa đồng và thân thiện để mở rộng mối quan hệ. Họ luôn muốn nhận được tình cảm từ mọi người xung quanh. Do bị sự sợ hãi chi phối nên người bệnh rất dễ gặp phải những vấn đề trong các mối quan hệ tình cảm. Họ khó có thể tìm được người phù hợp để tiến tới hôn nhân.
- Nỗi sợ hãi thái quá kéo dài cũng làm tăng nguy cơ bị trầm cảm, rối loạn lo âu lan tỏa cùng nhiều vấn đề tâm lý khác.
Ngoài ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần và chất lượng cuộc sống thì hội chứng sợ bị cô lập còn gây ra các vấn đề sức khỏe thể chất. Chẳng hạn như thiếu máu não, đau đầu, suy nhược cơ thể, rối loạn giấc ngủ,…
Chẩn đoán hội chứng sợ bị bỏ rơi
Hội chứng sợ bị bỏ rơi là một chứng ám ảnh hay còn được gọi là rối loạn sợ hãi. Nếu bạn nghi ngờ mình mắc bệnh thì nên sớm tìm gặp bác sĩ. Trước hết, bạn sẽ được đánh giá tâm lý và thăm khám lâm sàng.
Bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử của bạn để xem xét liệu một vấn đề thể chất có ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần của bạn hay không. Sau đó mới thực hiện đánh giá tâm lý. Điều này liên quan tới việc đặt nhiều câu hỏi về các hoạt động cũng như cảm xúc hằng ngày của bạn.
Hội chứng sợ ở một mình được coi là chứng sợ tình huống. Điều này tức là tình trạng ở một mình hoặc cô đơn gây ra sự đau khổ tột cùng. Để được chẩn đoán mắc chứng bệnh này, nỗi sợ ở một mình phải khiến bạn lo lắng đến mức cản trở các thói quen hằng ngày của bạn.
Bác sĩ có thể căn cứ vào tiêu chí chẩn đoán ám ảnh cụ thể trong DSM-5 để hỗ trợ chẩn đoán hội chứng sợ bị bỏ rơi:
- Nỗi sợ hãi dai dẳng, kéo dài hơn 6 tháng
- Sự sợ hãi được chủ động tránh xa, nó hầu như luôn luôn gây ra lo lắng ngay lập tức
- Sự sợ hãi không tương xứng đối với mức độ nguy hiểm thực tế của tình huống hoặc đối tượng
- Nỗi sợ hãi gây ra sự gián đoạn đáng kể đối với cả chức năng xã hội và nghề nghiệp
Trong một số trường hợp, một người có thể có nhiều hơn một nỗi ám ảnh cùng lúc. Khi mà bạn phải đối mặt với nhiều hơn một chứng sợ hãi thì sẽ khiến cho hội chứng sợ bị bỏ rơi của bạn càng trở nên khó đối phó hơn. Hãy nói chuyện với bác sĩ về bất cứ nỗi sợ hãi nào khác mà bạn đang trải qua.
Cách vượt qua hội chứng sợ bị bỏ rơi
Căn nguyên của hội chứng sợ bị bỏ rơi vẫn chưa được xác định rõ nên việc điều trị vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Mục tiêu của việc điều trị là làm giảm các triệu chứng có liên quan tới nỗi sợ hãi.
Cho đến nay, vẫn chưa có phương pháp hay loại thuốc nào được chứng minh là mang đến hiệu quả tối ưu trong điều trị hội chứng sợ bị bỏ rơi. Tuy nhiên nếu nghiêm túc điều trị và chăm sóc sức khỏe tốt thì hoàn toàn có thể kiểm soát được triệu chứng. Đồng thời cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống.
Dưới đây là các phương pháp có thể được áp dụng:
1. Tâm lý trị liệu
Tâm lý trị liệu được đánh giá là phương pháp mang lại hiệu quả tốt nhất đối với điều trị hội chứng sợ bị bỏ rơi. Đặc trưng của liệu pháp này là hình thức trị liệu bằng giao tiếp thông qua ngôn ngữ và phi ngôn ngữ (cử chỉ, ánh mắt, biểu cảm khuôn mặt,…).
Dựa vào tâm lý trị liệu, các chuyên gia sẽ giúp người bệnh tạo dựng niềm tin. Đồng thời nắm bắt được tâm lý của người bệnh và giúp họ thoải mái chia sẻ những vấn đề mà họ đang gặp phải. Riêng đối với hội chứng sợ ở một mình thì chuyên gia sẽ tìm cách trấn an tinh thần của người bệnh trước khi áp dụng các liệu pháp cụ thể.
Một số liệu pháp thường được áp dụng bao gồm:
– Liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT):
Liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT) là một loại liệu pháp trò chuyện giúp cho mọi người khám phá cách suy nghĩ và hành vi của họ. Nó giúp nhận ra điều gì tốt hơn và thay đổi những suy nghĩ, hành vi méo mó, không phù hợp (tiêu cực).
CBT được coi là phương pháp điều trị đầu tiên dành cho chứng rối loạn lo âu. Ngoài ra, liệu pháp này cũng có thể hữu ích với hội chứng sợ bị bỏ rơi. Bởi CBT cho phép một người kiểm tra cảm xúc và hành động để đáp ứng với các suy nghĩ tự động của họ.
– Liệu pháp tiếp xúc:
Đây là liệu pháp đóng một vai trò quan trong điều trị các chứng rối loạn ám ảnh sợ, trong đó có hội chứng sợ bị bỏ rơi. Liệu pháp này được thực hiện bằng cách cho người bệnh tiếp xúc với những hoàn cảnh gây ra nỗi sợ ở mức độ từ thấp đến cao.
Sau một quá trình điều trị, người bệnh sẽ giảm mức độ sợ hãi những lúc ở một mình. Sau đó sẽ không còn bị ám ảnh quá mức về việc bị bỏ rơi hay bị cô lập. Tuy nhiên, liệu pháp tiếp xúc cần thực hiện một cách thận trọng để tránh xảy ra các cơn hoảng loạn.
– Giải mẫn cảm chuyển động nhãn cầu và tái nhận thức (EMDR):
Giải mẫn cảm chuyển động nhãn cầu và tái nhận thức (EMDR) là phương pháp điều trị dựa trên chấn thương. Phương pháp này được thiết kế để giúp cho những người bị chấn thương và rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) vượt qua nỗi buồn về những ký ức, sự kiện đau thương của họ. Một phân tích được tổng hợp năm 2019 cho thấy, liệu pháp EMDR có tác dụng tích cực đối với các triệu chứng sợ hãi và hoảng sợ.
– Liệu pháp nhóm:
Liệu pháp nhóm được thực hiện bằng cách triển khai các cuộc gặp gỡ thường xuyên với những người cũng đang đấu tranh với hội chứng sợ bị bỏ rơi. Các thành viên trong nhóm sẽ cùng chia sẻ những thách thức của họ. Đồng thời hỗ trợ và động viên nhau về mặt tinh thần.
Ngoài các liệu pháp vừa được đề cập thì chuyên gia tâm lý còn hướng dẫn cho người bệnh một số kỹ năng giúp kiểm soát các cơn hoảng loạn khi ở nhà một mình hay khi cảm thấy bị cô lập, tẩy tay, lạc lõng giữa đám đông,…
Mặc dù được đánh giá là phương pháp hiệu quả nhất với hội chứng sợ bị bỏ rơi nhưng tâm lý trị liệu cũng có một số hạn chế. Chẳng hạn như người bệnh không chấp nhận trị liệu hoặc không đáp ứng tốt với các trường hợp bệnh nặng.
2. Sử dụng thuốc
Trong hầu hết các trường hợp, trị liệu tâm lý một mình có thể thành công trong việc điều trị hội chứng sợ bị bỏ rơi. Tuy nhiên thuốc đôi khi cũng có thể hữu ích trong việc giúp làm giảm triệu chứng của một người. Từ đó giúp họ phục hồi tốt hơn thông qua liệu pháp tâm lý.
Bác sĩ tâm thần có thể kê đơn thuốc khi bắt đầu điều trị. Hoặc họ cũng có thể hướng dẫn người bệnh sử dụng thuốc trong các tình huống ngắn hạn cụ thể hay không thường xuyên.
Một số loại thuốc có thể được kê toa bao gồm:
- Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI): Loại thuốc chống trầm cảm này được kê đơn khá phổ biến cho các chứng sợ hãi cũng như rối loạn lo âu.
- Thuốc chẹn beta: Đây là một giải pháp thay thế cho thuốc chống trầm cảm để điều trị chứng sợ ở một mình. Các loại thuốc này có tác dụng ngăn chặn sự kích thích do adrenalin gây ra trong cơ thể. Từ đó cải thiện các triệu chứng run rẩy, nhịp tim nhanh và đổ mồ hôi do lo lắng. Propranolol (Inderal) là thuốc chẹn beta thường được kê đơn.
- Thuốc an thần: Benzodiazepine là loại thuốc an thần được dùng phổ biến nhất. Nó sẽ giúp bạn thư giãn bằng cách làm giảm thiểu mức độ lo lắng. Loại thuốc này có thể gây nghiện, điều này đặc biệt đúng với những người có tiền sử nghiện rượu hoặc ma túy. Do đó cần sử dụng thận trọng dưới sự giám sát của bác sĩ.
3. Đương đầu với nỗi sợ hãi
Có một số cách giúp đối phó với hội chứng sợ bị bỏ rơi mà bạn có thể thử ngay tại nhà. Chúng bao gồm:
- Viết nhật ký: Bạn có thể ghi lại những suy nghĩ, nỗi sợ hãi và sự lo lắng khi ở một mình hay khi bị cô lập. Điều này giúp bạn hiểu rõ hơn về nỗi sợ hãi và lo lắng mà mình đang phải trải qua. Từ đó tìm kiếm giải pháp kiểm soát chúng tốt hơn.
- Kỹ thuật thư giãn: Học cách thư giãn hệ thần kinh đem lại nhiều lợi ích cho những người mắc chứng sợ bị bỏ rơi. Các kỹ thuật hữu ích trong việc làm giảm stress bao gồm các bài thở sâu, thư giãn cơ tiến bộ (căng cơ khi hít vào và thả ra khi thở ra), hình dung (sử dụng hình ảnh tinh thần để tạo cảm giác thư thái tư duy).
- Thiền chánh niệm: Liệu pháp này tập trung vào khoảnh khắc hiện tại. Đồng thời cho phép những suy nghĩ xâm nhập và lo lắng trôi qua mà chỉ quan sát chứ không đánh giá chúng.
- Yoga: Ngoài cung cấp các bài tập và động tác thì Yoga còn cung cấp cách thở. Thường xuyên rèn luyện Yoga giúp làm giảm lo lắng và căng thẳng trong hệ thần kinh. Bạn có thể tìm kiếm các video tập Yoga miễn phí trực tuyến hoặc tham gia các lớp học hay câu lạc bộ Yoga.
4. Chăm sóc sức khỏe thể chất
Sức khỏe thể chất chính là nền tảng nâng đỡ tinh thần. Do đó, những người mắc hội chứng sợ bị bỏ rơi cần phải chú ý đến việc chăm sóc sức khỏe thể chất. Trong đó, ăn uống, hoạt động thể chất và chăm sóc giấc ngủ là những yếu tố quan trọng nhất:
- Chế độ ăn uống: Người bệnh cần chú ý thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, uống đủ nước. Một chế độ ăn nhiều ngũ cốc, rau và trái cây là lựa chọn lành mạnh hơn so với ăn nhiều carbohydrate có trong thực phẩm chế biến sẵn. Nên ăn các loại thực phẩm tự nhiên giàu magie, kẽm, omega-3, vitamin B, probiotic,… Đồng thời cần tránh uống rượu bia, cà phê hay hút thuốc lá.
- Hoạt động thể chất: Nên dành tối thiểu 30 phút/ ngày cho việc tập thể dục để nhận được nhiều lợi ích sức khỏe. Hoạt động thể chất giúp xoa dịu và giải tỏa cảm xúc tiêu cực. Đồng thời hỗ trợ cải thiện sức khỏe tổng thể. Người bệnh có thể dành thời gian đi bộ, đạp xe, bơi lội,… để nâng cao sức khỏe và hỗ trợ cải thiện các triệu chứng của hội chứng sợ bị bỏ rơi.
- Ngủ đủ giấc: Giấc ngủ cũng là yếu tố rất quan trọng đối với việc hồi phục sức khỏe tinh thần và thể chất. Nên cố gắng đi ngủ trước 23 giờ và đảm bảo giấc ngủ đêm kéo dài ít nhất 7 tiếng. Trường hợp bị khó ngủ có thể sử dụng trà thảo mộc, tắm nước ấm, liệu pháp mùi hương và chú ý vệ sinh giấc ngủ.
Cách giúp đỡ người thân mắc hội chứng sợ bị bỏ rơi
Khi một người thân mắc chứng sợ ở một mình thì bạn cần cung cấp thông tin giúp họ giảm bớt sự xấu hổ về nỗi sợ hãi. Hầu hết những người mắc hội chứng sợ bị bỏ rơi đều có các triệu chứng về cả tinh thần và thể chất rất khó để vượt qua nếu không có sự trợ giúp của chuyên gia.
Các bước sau đây có thể được xem xét nhằm giúp đỡ người thân của bạn:
- Khuyến khích họ nói chuyện với chuyên gia tư vấn tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần.
- Cung cấp cho họ sự hỗ trợ trong việc tìm kiếm một nhà trị liệu có trình độ.
- Đề nghị nhắc họ về các cuộc hẹn với bác sĩ.
- Đề nghị đi cùng họ đến một cuộc hẹn với bác sĩ.
- Thừa nhận rằng các triệu chứng của họ là thách thức nhưng có thể được khắc phục nếu có sự trợ giúp của chuyên gia.
- Khuyến khích họ thành thật với bác sĩ về cách mà họ hiện đang đối phó với các triệu chứng. Chẳng hạn như sử dụng rượu hay các chất kích thích như ma túy.
Hội chứng sợ bị bỏ rơi là một trong những dạng rối loạn tâm lý tương đối ít gặp nhưng vẫn cần cẩn trọng. Trường hợp nhận thấy các dấu hiệu bất thường nên chủ động thăm khám để can thiệp điều trị sớm. Bởi nếu không được quan tâm kịp thời thì hội chứng này vẫn có thể gây ra rất nhiều vấn đề nghiêm trọng.
Tham khảo thêm:
- Hội chứng ảo tưởng người khác thích mình (Erotomania)
- Hội Chứng Sợ Không Gian Hẹp: Biểu Hiện Và Cách Khắc Phục
- Cha mẹ cãi nhau trước mặt con nguy hại như thế nào?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!