Chữa Rối Loạn Lo Âu Bằng Phương Pháp Diện Chẩn Bạn Nên Thử

Chữa rối loạn lo âu bằng diện chẩn là phương pháp được phát triển dựa trên châm cứu và bấm huyệt. Phương pháp này chẩn đoán và điều trị bệnh thông qua đồ hình phản chiếu ngoại vi cơ thể trên mặt.

Diện chẩn là phương pháp gì? Có chữa rối loạn lo âu được không?

Diện chẩn (diện chẩn – điều khiển liệu pháp) là liệu pháp được phát triển từ châm cứu – bấm huyệt bởi Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Bùi Quốc Châu. Phương pháp này ra đời vào năm 1980 và hiện tại vẫn được áp dụng khá phổ biến. Diện chẩn được ứng dụng trong quá trình chẩn đoán và hỗ trợ điều trị một số bệnh lý bao gồm rối loạn lo âu.

Thông thường, châm cứu – bấm huyệt chữa bệnh thông qua hệ kinh lạc. Trong khi đó, diện chẩn dựa vào đồ hình phản chiếu ngoại vi cơ thể trên mặt để xác định bệnh và điều trị các vấn đề sức khỏe. Phương pháp này được phát triển từ quan điểm những vị trí trên khuôn mặt sẽ tương ứng với các bộ phận khác trong cơ thể. Để chữa bệnh, thầy thuốc sẽ tác động đến sinh huyệt (là những điểm nhạy cảm trên khuôn mặt) với kỹ thuật tương ứng.

Chữa rối loạn lo âu bằng phương pháp diện chẩn
Chữa rối loạn lo âu bằng diện chẩn là phương pháp được phát triển từ châm cứu, bấm huyệt

Trong quá trình nghiên cứu, giáo sư Bùi Quốc Châu nhận thấy khuôn mặt có mối liên hệ mật thiết với các cơ quan khác trong cơ thể. Mỗi tác động lên các huyệt đạo trên khuôn mặt sẽ tạo ra tác động với cơ quan tương ứng. Ngày nay, diện chẩn đã được phát triển và mở rộng. Thay vì chỉ chẩn đoán và trị liệu ở vùng mặt, diện chẩn cũng có thể chẩn đoán và trị liệu cho cả cánh tay, bàn tay, chân và bàn chân để mang đến tác động toàn diện.

Nếu như châm cứu chỉ sử dụng kim châm thì diện chẩn sử dụng nhiều thiết bị như cây cào, cây lăn, búa gõ, que dò, chườm lạnh, chườm nóng,… để phù hợp với tình trạng sức khỏe của từng người. Quá trình khám chữa bệnh bằng diện chẩn được thực hiện qua 4 bước cơ bản là nhìn (vọng chẩn), sờ (thiết chẩn), dò sinh nhiệt (nhiệt chẩn) và vấn chẩn (hỏi – đáp).

Chữa rối loạn lo âu bằng diện chẩn là phương pháp khá được ưa chuộng hiện nay. Phương pháp này được cho là có tác dụng tăng tuần hoàn máu, kích thích hệ thần kinh trung ương và giải tỏa căng thẳng. Nhờ vậy, diện chẩn có thể giảm bớt sự lo lắng, phiền muộn do rối loạn lo âu gây ra. Đồng thời giúp người bệnh ngủ ngon giấc, tránh tình trạng mất ngủ, đau đầu, giảm trí nhớ và khả năng tập trung.

Về cơ chế, diện chẩn có nhiều nét tương đồng với châm cứu. Theo kinh nghiệm, phương pháp này chỉ phù hợp với rối loạn lo âu lan tỏa. Bởi bệnh lý này gây lo lắng dai dẳng nhưng không làm phát sinh cơn hoảng loạn cấp tính. Trong khi đó, các dạng rối loạn lo âu khác gây ra trạng thái hoảng loạn, bệnh nhân khó kiểm soát hành vi và lời nói. Tình trạng này khiến cho quá trình trị liệu gặp nhiều tình huống phát sinh nên không được khuyến khích.

Quy trình chữa rối loạn lo âu bằng diện chẩn

Mặc dù ra đời cũng khá lâu nhưng diện chẩn chỉ mới được quan tâm trong vòng 10 năm trở lại đây. Hơn nữa, phương pháp này được phát triển từ châm cứu nên nhiều người vẫn ưu tiên các phương pháp điều trị từ y học cổ truyền. Vì vậy, những hiểu biết về phương pháp diện chẩn chữa rối loạn lo âu còn khá hạn chế.

Nếu đang có ý định điều trị bệnh bằng phương pháp này, người bệnh nên tham khảo quy trình khám chữa bệnh để thuận tiện hơn khi trị liệu:

1. Khám xác định rối loạn lo âu

Rối loạn lo âu đặc trưng bởi sự lo lắng thái quá và dai dẳng trong một thời gian dài. Ngoài các triệu chứng tâm thần, bệnh nhân cũng gặp phải các triệu chứng thể chất do tăng hormone cortisol và epinephrine. Để tránh nhầm lẫn với các bệnh lý khác, bệnh nhân sẽ được khám trước khi trị liệu.

Quá trình thăm khám rối loạn lo âu được thực hiện dựa trên quy trình sau:

  • Nhìn: Nhìn là bước đầu tiên trong quá trình thăm khám. Thầy thuốc sẽ quan sát sắc mặt, cách đi đứng, cử chỉ và đặc biệt là những dấu hiệu trên lông mày, làn da để đưa ra chẩn đoán.
  • Sờ: Sau khi nhìn và đánh giá, thầy thuốc sẽ chạm vào các huyệt trên da để xem phản ứng. Đối với những trường hợp bị rối loạn lo âu, vùng cằm, mũi và trán sẽ có một số dấu hiệu bởi trong đồ hình phản chiếu, các vi trí này phản ánh sức khỏe của tim và não bộ.
  • Dò sinh huyệt: Dò sinh huyệt là kỹ thuật chẩn đoán điển hình của diện chẩn. Trong kỹ thuật này, thầy thuốc sẽ sử dụng các que dò gõ vào nhiều điểm trên khuôn mặt để tìm ra sinh huyệt. Xác định sinh huyệt vừa giúp chẩn đoán bệnh vừa hỗ trợ đáng kể cho quá trình điều trị.
  • Hỏi: Sau khi thực hiện các biện pháp trên, bác sĩ sẽ hỏi người bệnh một số vấn đề như tiền sử gia đình, cá nhân, các triệu chứng gặp phải, mức độ và thời gian khởi phát. Bên cạnh đó, thầy thuốc cũng sẽ sàng lọc những yếu tố gia tăng nguy cơ rối loạn lo âu như sử dụng rượu bia, chất kích thích, chấn thương não bộ và trải qua những sự kiện có tính chất sang chấn.

2. Phác đồ trị liệu rối loạn lo âu bằng diện chẩn

Tương tự như châm cứu, diện chẩn cũng xây dựng phác đồ trị liệu dựa trên mối liên hệ giữa huyệt vị và cơ quan bị tổn thương. Đối với chứng rối loạn lo âu và một số vấn đề tâm lý, thầy thuốc sẽ tác động đến huyệt ở những vị trí như 0, 1, 19, 22, 34, 50, 103, 106, 124, 127, 188 để giải tỏa lo lắng và căng thẳng.

Chữa rối loạn lo âu bằng phương pháp diện chẩn
Đồ hình phản chiếu được sử dụng trong quá trình trị liệu rối loạn lo âu

Trong diện chẩn có khá nhiều kỹ thuật, trong đó gõ và ấn là hai kỹ thuật phổ biến nhất. Tùy vào tình trạng sức khỏe cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định kỹ thuật phù hợp nhằm mang đến kết quả khả quan nhất. Vùng mặt là nơi có nhiều dây thần kinh nên rất nhạy cảm với tác động từ những kỹ thuật này. Chính vì vậy, bệnh nhân nên lựa chọn địa chỉ uy tín để tránh những rủi ro phát sinh khi thực hiện.

Có nên trị rối loạn lo âu bằng diện chẩn?

Diện chẩn là phương pháp chẩn đoán, trị liệu được phát triển từ châm cứu và bấm huyệt. Hiện nay, phương pháp này đã được ứng dụng trong trị liệu nhiều bệnh lý khác nhau. Tuy nhiên, diện chẩn vẫn chưa được công nhận là phương pháp điều trị mà chỉ là liệu pháp hỗ trợ. Vì vậy nếu có ý định trị liệu bằng diện chẩn, người bệnh vẫn cần thực hiện đầy đủ các biện pháp điều trị như sử dụng thuốc và trị liệu tâm lý.

Mặc dù tài liệu về diện chẩn là không ít nhưng chưa có nhiều nghiên cứu về hiệu quả của phương pháp này. Do đó, không ít người vẫn băn khoăn về hiệu quả thực sự của diện chẩn. Để đảm bảo an toàn, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi thực hiện. Hoặc có thể áp dụng các liệu pháp hỗ trợ đã được công nhận như yoga, ngồi thiền, xoa bóp bấm huyệt, châm cứu, liệu pháp mùi hương,…

Rối loạn lo âu là một trong những vấn đề tâm lý phổ biến hiện nay và tỷ lệ người mắc bệnh đang có xu hướng gia tăng – nhất là khi cuộc sống luôn có áp lực và căng thẳng. Hiện nay, nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được xác định rõ. Do đó, quá trình điều trị vẫn còn nhiều hạn chế và đôi khi không mang lại kết quả như mong đợi. Tốt nhất, người bệnh nên thăm khám sớm để can thiệp các phương pháp điều trị kịp thời. Nếu can thiệp sớm, điều trị thường mang lại kết quả tốt và người bệnh sẽ nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng.

Chữa rối loạn lo âu bằng phương pháp diện chẩn chỉ là liệu pháp hỗ trợ. Hiện nay, phương pháp này chưa được công nhận về hiệu quả điều trị các vấn đề sức khỏe. Chính vì vậy, người bệnh nên tìm hiểu kỹ lưỡng và tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ để được tư vấn trước khi quyết định thực hiện.

Có thể bạn quan tâm:

1/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *