Cotard: Hội chứng xác sống biết đi do đâu gây ra?

Hội chứng xác sống hay hội chứng Cotard là một dạng hoang tưởng hiếm gặp. Người mắc hội chứng này tin rằng bản thân đã chết, một số khác có niềm tin mãnh liệt rằng não bộ và các cơ quan nội tạng của bản thân đã biến mất hoặc thối rữa.

hội chứng xác sống là gì
Hội chứng xác sống biết đi (hội chứng Cotard) là một dạng hoang tưởng có mức độ nghiêm trọng

Cotard – Hội chứng xác sống là gì?

Hội chứng xác sống (Tiếng Anh: Cotard’s Syndrome hay Cotard Delusion) còn được biết với những tên gọi khác là hoang tưởng Cotard hoặc hội chứng xác sống biết đi. Thuật ngữ này đề cập đến một dạng hoang tưởng mà người bệnh tin rằng bản thân đã chết, không còn cơ quan nội tạng, mất máu hoàn toàn hoặc cơ thể đã bị thối rữa. Hội chứng xác sống không xuất hiện độc lập mà thường xảy ra ở người bị trầm cảm nặng hoặc mắc các rối loạn tâm thần khác.

Hội chứng xác sống được đặt theo tên của Nhà thần kinh học Jules Cotard (1840 – 1989) – người đầu tiên đề cập đến hội chứng này vào năm 1880. Kể từ thời điểm đó đến nay, mới chỉ có 200 trường hợp được ghi nhận trên toàn thế giới. Điều này cho thấy tỷ lệ mắc hội chứng Cotard là không cao.

Hội chứng Cotard được xem là một rối loạn tâm thần nghiêm trọng với nguyên nhân chưa rõ ràng. Tuy nhiên, đa phần các trường hợp đều sẽ có cải thiện rõ rệt sau khi can thiệp điều trị. Trong trường hợp xấu nhất, bệnh nhân có thể nhịn ăn vì tin rằng mình đã chết và cuối cùng dẫn đến tử vong.

Hiện tại, hội chứng xác sống biết đi chưa được công nhận trong Sổ tay chẩn đoán và thống kê về rối loạn tâm thần (DSM-5) hay Phân loại thống kê quốc tế về bệnh tật và các vấn đề sức khỏe có liên quan (ICD) của WHO. Tuy nhiên, hội chứng này vẫn được đề cập thường xuyên do cơ chế phức tạp và những ảnh hưởng nặng nề bệnh nhân phải đối mặt.

Nhận biết hội chứng xác sống biết đi

Hội chứng xác sống biết đi đặc trưng bởi triệu chứng ảo tưởng phủ định – tức là người bệnh luôn phủ định sự tồn tại của bản thân. Bệnh nhân tin rằng bản thân đã chết đi hoặc tin rằng não bộ, cơ quan nội tạng của mình đã biến mất/ bị hủy hoại và thối rữa. Triệu chứng của bệnh khá đa dạng nhưng nhìn chung luôn có triệu chứng ảo tưởng phủ định.

Trên thực tế, tỷ lệ mắc hội chứng Cotard rất thấp nhưng hội chứng này có thể hủy hoại hoàn toàn nhận thức của bệnh nhân. Để kịp thời điều trị, gia đình có thể phát hiện hội chứng này thông qua một số dấu hiệu như:

Hội chứng Cotard
Người mắc hội chứng Cotard có niềm tin mãnh liệt về việc bản thân đã chết và không còn tồn tại
  • Có niềm tin mãnh liệt rằng bản thân không còn tồn tại
  • Một số bệnh nhân tin rằng não bộ hoặc các cơ quan nội tạng đã biến mất hoặc bị thối rữa
  • Người bệnh ít giao tiếp xã hội hoặc có thể không giao tiếp vì nghĩ rằng bản thân đã biến mất
  • Phần lớn người bệnh đều từ chối ăn uống vì nghĩ rằng bản thân đã chết và việc ăn uống không mang lại bất cứ lợi ích gì
  • Ngoài hoang tưởng cho rằng bản thân đã chết, một số người còn xuất hiện ảo giác như nghe thấy mùi thối rữa từ cơ thể, nghe thấy giọng nói bản thân đã chết hoặc sắp chết.
  • Có các hành vi tự làm hại bản thân.
  • Vì tin rằng bản thân không còn tồn tại nên người bệnh thường bỏ bê việc vệ sinh cá nhân, không ăn uống và tập thể dục
  • Trẻ em và thanh thiếu niên gặp hội chứng Cotard có thể nói với người lớn về hoang tưởng của bản thân, chẳng hạn như thế giới sắp bị hủy diệt, bản thân đã không còn tồn tại,…
  • Một số người mắc chứng Cotard yêu cầu gia đình cho bản thân đến nhà xác vì có niềm tin mãnh liệt về việc bản thân đã chết. Ngoài ra, cũng có nhiều trường hợp bệnh nhân tự tìm đến nghĩa trang.
  • Niềm tin mãnh liệt về việc bản thân đã chết khiến bệnh nhân có dáng đi kỳ dị, bất thường. Đây cũng là lý do hội chứng Cotard còn được biết đến với tên gọi là hội chứng xác sống biết đi.

Các triệu chứng của hội chứng Cotard sẽ tiến triển nặng dần theo thời gian. Theo nghiên cứu được thực hiện bởi chuyên gia Yamada Katsuragi (Nhật Bản) vào năm 1999, hội chứng này sẽ được phát triển qua 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn nảy mầm: Trong giai đoạn nảy mầm, người bệnh thường bị rối loạn lo âu bệnh tật (là tình trạng lo sợ bản thân đã mắc phải các bệnh lý nghiêm trọng và sự lo lắng này vẫn kéo dài ngay cả khi được bác sĩ xác nhận là hoàn toàn khỏe mạnh). Ở giai đoạn này, các triệu chứng thường khá mơ hồ và hay đi kèm với các dấu hiệu trầm cảm (cảm thấy cô độc, mất hứng thú và sự quan tâm với mọi thứ).
  • Giai đoạn phát tác: Trong giai đoạn phát tác, bệnh nhân hình thành niềm tin mãnh liệt về việc một số bộ phận trên cơ thể đã biến mất hoặc bị thối rữa. Người bệnh không bao giờ thay đổi niềm tin của mình, ngay cả khi những người xung quanh cố gắng giải thích bằng những lý lẽ thuyết phục nhất. Nhiều bệnh nhân trở nên cáu kỉnh, tức giận khi người khác nói rằng các bộ phận trên cơ thể vẫn còn tồn tại.
  • Giai đoạn mãn tính: Ở giai đoạn mãn tính, bệnh nhân phủ định hoàn toàn sự tồn tại của chính mình. Người bệnh bắt đầu có các hành vi hành hạ bản thân, mất khả năng nhận diện khuôn mặt, không giao tiếp, từ chối ăn uống và xao nhãng việc vệ sinh cá nhân.

Ngoài các triệu chứng trên, bệnh nhân cũng sẽ có các triệu chứng tâm thần khác tùy theo bệnh lý đi kèm.

Nguyên nhân gây ra hội chứng Cotard

Mặc dù được đề cập từ những năm 1880 nhưng hội chứng Cotard không được nghiên cứu nhiều. Đến nay, các chuyên gia vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng này. Tuy nhiên, các chuyên gia đã xác định được một số yếu tố có liên quan đến hội chứng xác sống biết đi.

Các yếu tố gây ra hội chứng xác sống biết đi (Cotard):

  • Người trong độ tuổi 50
  • Là nữ giới
  • Người có các vấn đề tâm lý, tâm thần
  • Tổn thương thực thể ở não bộ
  • Người mắc hội chứng Capgras sẽ có nguy cơ cao mắc hội chứng Cotard (Hội chứng Capgras là một dạng hoang tưởng mà bệnh nhân tin rằng gia đình, bạn bè đều đã bị mạo danh và thay thế)

Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2011 cho thấy có hơn 89% người mắc hội chứng Cotard bị trầm cảm và hầu hết bệnh nhân đều đi kèm với các vấn đề tâm lý, tâm thần. Các vấn đề tâm lý, tâm thần có thể làm gia tăng nguy cơ phát triển hội chứng hoang tưởng Cotard bao gồm:

  • Trầm cảm
  • Rối loạn lưỡng cực
  • Các rối loạn tâm thần vận động
  • Tâm thần phân liệt
  • Rối loạn phân ly
  • Rối loạn phi cá nhân hóa

Ngoài các vấn đề tâm lý, tâm thần, hội chứng xác sống biết đi cũng có liên quan đến một số vấn đề sức khỏe như:

Walking Corpse là gì
Người có các vấn đề về thần kinh sẽ có nguy cơ cao mắc hội chứng xác sống biết đi
  • Động kinh
  • Đau nửa đầu
  • Sa sút trí tuệ
  • Đa xơ cứng
  • Bệnh Parkinson
  • U não
  • Nhiễm trùng não
  • Chấn thương não

Khi chụp MRI não bộ của người bị hội chứng Cotard, các chuyên gia nhận thấy mức hoạt động của thùy đỉnh, vùng trán cực kỳ thấp, ngang bằng với những người đang bị hôn mê hoặc người thực vật. Não bộ hoạt động thấp khiến cho người bệnh mất khả năng phán đoán, nhận thức và hình thành những niềm tin sai lầm.

Các chuyên gia cũng bày tỏ sự ngạc nhiên về não bộ của người bị hội chứng Cotard. Bởi với mức hoạt động như vậy, phần lớn mọi người đều không thể giao tiếp và đi đứng được.

Hội chứng xác sống biết đi có nguy hiểm không?

Hội chứng xác sống biết đi (hội chứng Cotard) thực chất là một dạng hoang tưởng nghiêm trọng. Hiện tại, hội chứng này vẫn chưa được công nhận chính thức trong ICD-10 và DSM-5. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là hội chứng Cotard không cần điều trị.

Ngược lại, hội chứng Cotard có thể hủy hoại hoàn toàn nhận thức và cuộc sống của người bệnh. Vì luôn phủ định sự tồn tại của bản thân nên người mắc hội chứng này thường không giao tiếp, từ chối ăn uống, không tương tác xã hội và xao nhãng việc vệ sinh cá nhân. Nhiều người còn cố ý thực hiện các hành vi tự hủy hoại vì tin rằng bản thân đã chết nên không còn bất cứ cảm giác gì.

hội chứng xác chết biết đi
Hội chứng xác chết biết đi nếu không được điều trị sẽ hủy hoại hoàn toàn ý thức của người bệnh

Nếu không được điều trị, cuộc sống và sức khỏe của bệnh nhân sẽ tuột dốc hoàn toàn. Đã không ít trường hợp tử vong do nhịn đói vì bệnh nhân tin rằng bản thân đã chết nên ăn uống không mang lại bất cứ lợi ích gì. Ngoài ra, hội chứng này cũng khiến người bệnh mất khả năng nhận thức, phán đoán nên gần như không thể làm việc và học tập. Bệnh nhân sống phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình ngay từ những việc nhỏ nhất như vệ sinh cá nhân, nấu ăn,…

Nguy cơ tự sát ở bệnh nhân mắc hội chứng Cotard là tương đối cao. Người bệnh không bị thôi thúc bởi suy nghĩ về cái chết hay hoang tưởng tự buộc tội như bệnh nhân trầm cảm. Tuy nhiên, một số người tự sát để chứng minh cho những người xung quanh thấy rằng bản thân thực sự không tồn tại. Vì vậy, công tác chẩn đoán và điều trị cần được thực hiện trong thời gian sớm nhất.

Chẩn đoán hoang tưởng Cotard

Như đã đề cập, hội chứng Cotard chưa được công nhận chính thức trong DSM-5. Do đó, hiện nay chưa có tiêu chuẩn chẩn đoán đối với hội chứng này. Tuy nhiên, nếu người nhà có biểu hiện của hoang tưởng Cotard, gia đình nên cưỡng chế bệnh nhân đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị sớm.

Bác sĩ thường sẽ dựa vào biểu hiện lâm sàng và các vấn đề sức khỏe tâm lý, thần kinh đi kèm để xác định nguy cơ mắc hội chứng này. Về bản chất, hội chứng xác sống biết đi (Cotard) là hoang tưởng với nội dung kỳ quái. Do đó, hội chứng này thường xuất hiện ở những trường hợp rối loạn tâm thần có biểu hiện loạn thần như tâm thần phân liệt, loạn thần do nghiện rượu bia, bệnh hoang tưởng, rối loạn lưỡng cực kèm loạn thần,…

Các phương pháp điều trị hội chứng xác sống biết đi

Có thể thấy, hội chứng xác sống biết đi gây ra rất nhiều biến chứng và hậu quả nặng nề. Hội chứng này thường đi kèm với các rối loạn tâm lý, tâm thần nên điều trị sẽ có sự khác biệt ở từng trường hợp.

Nội dung bài viết sẽ chỉ đề cập đến những phương pháp được áp dụng để cải thiện hoang tưởng Cotard. Hiện nay, liệu pháp sốc điện (ECT) là phương pháp mang lại hiệu quả tốt nhất. Bên cạnh đó, liệu pháp hóa dược và liệu pháp tâm lý cũng được xem xét trong một số trường hợp.

1. Liệu pháp sốc điện (ECT)

Liệu pháp sốc điện thường được chỉ định trong điều trị trầm cảm kháng thuốc và rối loạn lưỡng cực. Liệu pháp này cũng được cân nhắc cho người mắc hội chứng Cotard. Liệu pháp sốc điện sử dụng dòng điện nhỏ đi vào bên trong não bộ nhằm tạo ra các cú rung giật nhỏ có kiểm soát. Sau liệu pháp này, các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ sẽ trở về nồng độ cân bằng và chức năng của thùy đỉnh, vùng trán cũng được cải thiện rõ rệt.

hội chứng xác chết biết đi
Liệu pháp sốc điện (ECT) hiện là phương pháp mang lại hiệu quả cao nhất trong điều trị hội chứng xác chết biết đi

ECT mang lại hiệu quả cao trong việc thay đổi niềm tin sai lệch của người bệnh. Trước đây, rủi ro khi thực hiện liệu pháp này tương đối cao nhưng với sự phát triển của y học, hiện nay ECT đã được cải tiến và chỉ gây ra một số tác dụng phụ có mức độ nhẹ đến trung bình như lú lẫn, buồn nôn, đau đầu,…

2. Liệu pháp hóa dược

Về bản chất, hội chứng xác sống biết đi là một dạng hoang tưởng. Do đó, sử dụng thuốc có thể cải thiện hoang tưởng nói chung và hội chứng Cotard nói riêng. Đối với hội chứng này, bệnh nhân thường được chỉ định dùng thuốc dài dạn và đôi khi là suốt đời.

Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị hội chứng xác sống biết đi:

Tùy theo tình trạng cụ thể ở từng trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc phù hợp. Trong đó, thuốc chống loạn thần là nhóm thuốc chính. Thuốc an thần và thuốc chống trầm cảm chỉ được sử dụng cải thiện một số triệu chứng có liên quan như lo lắng, bất an, căng thẳng, mất ngủ, đau khổ, muộn phiền,…

3. Liệu pháp tâm lý

Ngoài hai phương pháp trên, một số bệnh nhân sẽ được điều trị bằng liệu pháp tâm lý. Trong đó, liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) được đánh giá là phương pháp mang lại hiệu quả tối ưu nhất. Trong liệu pháp này, chuyên gia sẽ tập trung vào việc thay đổi suy nghĩ, niềm tin sai lầm của người bệnh. Đồng thời giúp người bệnh thay đổi những hành vi không phù hợp như không vệ sinh cá nhân, không ăn uống, các hành vi tự hủy hoại,…

Đa phần người mắc hội chứng Cotard đều sẽ được điều trị kết hợp bằng thuốc, trị liệu tâm lý và liệu pháp sốc điện (ECT). Mức độ đáp ứng với điều trị sẽ có sự khác biệt ở từng bệnh nhân nhưng nhìn chung tất cả bệnh nhân đều có cải thiện thích cực.

Hội chứng Cotard (hội chứng xác sống biết đi) là một dạng rối loạn tâm thần mức độ nặng. May mắn thay, tỷ lệ mắc chứng bệnh này rất thấp và hầu hết đều có đáp ứng tốt khi điều trị. Để kiểm soát tốt hội chứng Cotard, bác sĩ sẽ yêu cầu điều trị song song với các rối loạn tâm lý, tâm thần đi kèm.

Tham khảo thêm:

5/5 - (3 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *